Hội nhập tài chính và chính sách tiền tệ tại Việt Nam 1674801841 - 6


doanh chênh lệch giá (Quinn & ctg 2011). Tuy nhiên, kết quả từ thước đo này không phản ánh được mức độ HNTC thực của quốc gia trong trường hợp những chênh lệch về giá xuất phát từ nguyên nhân của hoạt động kinh doanh chênh lệch giá không hiệu quả.

2.1.3.3 Thước đo kết hợp


Thước đo kết hợp (hybrid measures) sử dụng kết hợp thước đo dựa trên quy định pháp lý và dựa trên kết quả thực. Điển hình của thước đo này là chỉ số độ mở tài khoản vốn được phát triển bởi Edison & Warnock (2003). Chỉ số này tính toán độ mở tài khoản vốn hàng tháng dựa trên tỷ trọng vốn trong nước sẵn có cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là thước đo kết hợp bởi lẽ liệu rằng một lượng vốn có được mở cho nhà đầu tư nước ngoài hay không phản ánh các giới hạn pháp lý, trong khi dữ liệu tính toán là số liệu thực. Chỉ số toàn cầu hóa kinh tế theo phương pháp của Dreher (2006) cũng đo lường theo thước đo kết hợp. Chỉ số đo lường quy mô dòng chảy thực của các thành phần thương mại, FDI, FPI vốn chủ sở hữu kết hợp với tổng 13 loại mã nhị phân theo báo cáo AREAER và các chỉ số về mức thuế trung bình, rào cản nhập khẩu, thuế thương mại quốc tế. Tuy nhiên, các chỉ số đo lường kết hợp thường chỉ xem xét HNTC như một thành phần trong hội nhập kinh tế nói chung nên không đánh giá chi tiết mức độ HNTC của một quốc gia.

Như vậy có thể thấy, đo lường HNTC hiện nay có ba nhóm thước đo chính là thước đo dựa trên quy định pháp lý, thước đo dựa trên kết quả thực và thước đo kết hợp. Tuỳ thuộc vào mục tiêu nghiên cứu mà mỗi thước đo sẽ cho thấy kết quả phù hợp. Với mục tiêu phân tích chính sách, thước đo dựa trên quy định pháp lý là phù hợp vì nó cho thấy mức độ kiểm soát một cách trực tiếp của quốc gia, hay độ mở của quốc gia đó đối với các dòng chảy tài chính qua biên giới. Thước đo HNTC thực cho thấy kết quả hay hiệu quả thực tế của các quy định pháp lý hay phản ứng của thị trường được thể hiện bằng quy mô của các dòng chảy tài chính qua biên giới hay mức độ liên kết về giá của các loại tài sản tài chính trên thị trường. Thước đo kết hợp được áp dụng đối với những nghiên cứu tập trung đánh giá một cách toàn diện vấn đề


HNTC của một quốc gia. Tuy nhiên chỉ số được phát triển với thước đo kết hợp thường không tách riêng HNTC mà đo lường chung với hội nhập thương mại để đánh giá mức độ hội nhập chung của nền kinh tế. Vì vậy, với mục tiêu muốn xem xét kết quả thực tế hay hiệu quả thực sự của quá trình mở cửa khuyến khích dòng chảy vốn đầu tư quốc tế của Việt Nam thì thước đo dựa trên kết quả thực là phù hợp, đồng thời vì mức độ thay thế của các tài sản tài chính của Việt Nam và các nước là không hoàn toàn nên đo lường dựa trên giá không phản ánh chính xác mà cần sử dụng thước đo thực dựa trên lượng, tương tự Lane & Milesi-Ferretti (2006).

2.2 CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 256 trang tài liệu này.

2.2.1 Khái niệm chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ (CSTT) bao gồm các quy tắc và hoạt động được NHTƯ sử dụng để đạt được mục tiêu của mình (Mishkin 2009). Trong hầu hết các quốc gia, mục tiêu chính là ổn định giá. Tuy nhiên, một số mục tiêu khác cũng được đề cập ở nhiều NHTƯ như duy trì việc làm đầy đủ, ổn định tài chính trong nước và hệ thống thanh toán quốc tế hoạt động tốt (Loayza & Schmidt-Hebbel 2002). Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam năm 2010 quy định: “CSTT quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm quyết định mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát, quyết định sử dụng các công cụ và biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra”.

Hội nhập tài chính và chính sách tiền tệ tại Việt Nam 1674801841 - 6

Những thay đổi trong CSTT thường xuất phát từ sự thay đổi của các nhân tố trong và ngoài nước ảnh hưởng đến việc duy trì mục tiêu chính sách. Khi đó, NHTƯ thực hiện các can thiệp bằng cách tác động lên công cụ chính sách, những công cụ này tác động lên nền kinh tế thông qua các kênh khác nhau để đến mục tiêu cuối cùng.

2.2.2 Mục tiêu của chính sách tiền tệ


2.2.2.1 Mục tiêu cuối cùng


Khi thảo luận về mục tiêu của CSTT, thường có sáu mục tiêu được đề cập bao gồm ổn định giá, công ăn việc làm cao, tăng trưởng kinh tế, ổn định lãi suất, ổn định thị


trường tài chính và ổn định thị trường ngoại hối; trong đó, mục tiêu ổn định giá được xem như mục tiêu quan trọng nhất của CSTT ở hầu hết các NHTƯ (Mishkin 2009).

Ổn định giá

Mục tiêu ổn định giá hay ổn định giá trị đối nội của đồng tiền có nghĩa là giữ mức lạm phát thấp và ổn định, đây được xem như mục tiêu quan trọng nhất của CSTT (Mishkin 2009). Ổn định giá được mong muốn ở các nền kinh tế bởi vì mức giá tăng (lạm phát) tạo nên sự không chắc chắn trong nền kinh tế, gây hại cho tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Bởi vì ổn định giá là vấn đề cốt lõi dài hạn về sức khoẻ của một nền kinh tế, nên vấn đề then chốt cho sự thành công của CSTT là sử dụng neo danh nghĩa, tức một biến danh nghĩa như tỷ lệ lạm phát hoặc cung tiền, gắn với mức giá để đạt được sự ổn định về giá. Tuân thủ theo neo danh nghĩa là giữ cho biến danh nghĩa thay đổi trong một biên độ hẹp giúp giữ ổn định giá một cách trực tiếp bằng cách giữ kỳ vọng về một mức lạm phát thấp và ổn định. Neo danh nghĩa còn giúp hạn chế vấn đề “không nhất quán về thời gian”, theo đó CSTT thực hiện tuỳ ý qua thời gian dẫn đến kết quả dài hạn không đạt như mục tiêu đặt ra. Các nhà hoạch định CSTT cũng phải đối mặt với vấn đề không nhất quán về thời gian. Họ luôn bị cám dỗ theo đuổi một CSTT mở rộng tùy ý hơn mong đợi bởi vì chính sách như vậy sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (hoặc thất nghiệp thấp hơn) trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chính sách tốt nhất là không theo đuổi chính sách mở rộng quá mức bởi vì các quyết định về tiền lương và giá cả sẽ tác động đến kỳ vọng của người lao động và doanh nghiệp về chính sách; khi họ thấy một NHTƯ theo đuổi chính sách mở rộng quá mức, kỳ vọng về lạm phát sẽ tăng lên, thúc đẩy tăng tiền lương và giá cả. Tiền lương và giá cả tăng sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn, nhưng sẽ không dẫn đến sản lượng trung bình cao hơn. Chính vì vậy, neo danh nghĩa sẽ giúp hạn chế vấn đề “không nhất quán về thời gian” của CSTT bằng cách đưa ra những ràng buộc dự kiến cho việc thực thi CSTT.


Công ăn việc làm cao

Công ăn việc làm cao là mục tiêu quan trọng vì hai lý do, (i) nếu không đạt được việc làm cao, tức tỷ lệ thất nghiệp cao, sẽ gây khó khăn cho con người và (ii) khi thất nghiệp cao, nền kinh tế có cả tình trạng nhân công nhàn rỗi và tài nguyên dư thừa (nhà máy đóng cửa và trang thiết bị không được sử dụng ) dẫn đến giảm sản lượng.

Mặc dù việc làm cao là mong muốn của các quốc gia nhưng nên cao đến mức nào là vấn đề cần được xác định rõ. Việc làm đầy đủ thường được nghĩ đến điểm mà tại đó không có người lao động nào bị mất việc, nghĩa là khi thất nghiệp bằng không. Nhưng định nghĩa này bỏ qua thực tế rằng một số thất nghiệp, được gọi là thất nghiệp miễn cưỡng, liên quan đến sự tìm kiếm của công nhân và các công ty để có sự phù hợp cho hai bên, điều này có lợi cho nền kinh tế. Ví dụ, một công nhân quyết định tìm một công việc tốt hơn nên có thể thất nghiệp trong quá trình tìm kiếm việc làm. Công nhân có thể quyết định tạm thời nghỉ việc để theo đuổi các hoạt động khác (chăm lo cho gia đình, đi du lịch, đi học) và khi họ quyết định đi làm trở lại, họ có thể mất một khoảng thời gian để họ tìm được công việc phù hợp. Một lý do khác cho thấy tình trạng thất nghiệp cũng không bằng không khi nền kinh tế có việc làm đầy đủ là thất nghiệp do cơ cấu, tức là có sự chênh lệch giữa yêu cầu công việc và kỹ năng hoặc sự sẵn có của lao động tại chỗ. Rõ ràng, loại thất nghiệp này là không mong muốn. Tuy nhiên, đó là điều mà CSTT có thể có sự ảnh hưởng trong một giới hạn nào đó. Như vậy có thể thấy, mục tiêu việc làm cao cần được hiểu đúng không phải là mức thất nghiệp bằng không mà là mức lớn hơn không nhưng phù hợp với khái niệm việc làm đầy đủ, ở đó nhu cầu lao động bằng với nguồn cung lao động. Mức này được gọi là tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên.

Tăng trưởng kinh tế

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế có liên quan chặt chẽ với mục tiêu công ăn việc làm cao bởi vì doanh nghiệp sẽ đầu tư nhiều hơn vào việc trang bị vốn để tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế khi tỷ lệ thất nghiệp thấp. Ngược lại, khi tỷ lệ thất nghiệp cao và các nhà máy không hoạt động, sẽ không có tiền cho một công ty đầu tư vào các nhà


máy và trang thiết bị tăng thêm. Mặc dù hai mục tiêu có liên quan chặt chẽ với nhau, các chính sách có thể đặc biệt nhắm vào mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách trực tiếp khuyến khích các công ty đầu tư hoặc khuyến khích mọi người tiết kiệm, cung cấp nhiều nguồn quỹ hơn cho các công ty đầu tư. Trên thực tế, đây là mục đích của các chính sách kinh tế từ phía cung, tức là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách cung cấp các ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào các cơ sở và trang thiết bị và đối với những người nộp thuế để có thể tiết kiệm nhiều hơn. Cũng có một cuộc tranh luận về vai trò của CSTT trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

Ổn định thị trường tài chính

Các cuộc khủng hoảng tài chính có thể cản trở khả năng thị trường tài chính dẫn vốn đến những người có cơ hội đầu tư sản xuất và dẫn đến sự thu hẹp trong hoạt động kinh tế. Do đó, việc thúc đẩy một hệ thống tài chính ổn định hơn trong đó tránh được các cuộc khủng hoảng tài chính cũng được xem là mục tiêu quan trọng của CSTT.

Ổn định lãi suất

Sự ổn định của lãi suất là điều được mong muốn vì lãi suất biến động có thể tạo ra sự không chắc chắn trong nền kinh tế và khiến cho việc lập kế hoạch cho tương lai trở nên khó khăn hơn. Ví dụ, lãi suất biến động ảnh hưởng khiến người tiêu dùng gặp khó khăn hơn trong việc quyết định khi nào mua nhà hoặc các công ty xây dựng lên kế hoạch xây dựng bao nhiêu nhà phù hợp với nhu cầu thị trường.

Sự ổn định của thị trường tài chính cũng được tăng cường bởi sự ổn định lãi suất, bởi vì sự biến động của lãi suất tạo ra sự không chắc chắn cho các tổ chức tài chính. Việc tăng lãi suất tạo ra tổn thất vốn lớn đối với trái phiếu và những khoản thế chấp dài hạn, những tổn thất có thể gây nên sự sụp đổ của các tổ chức tài chính nắm giữ chúng. Những biến động lớn trong lãi suất đã từng là vấn đề đặc biệt nghiêm trọng đối với hiệp hội tiết kiệm và cho vay và những ngân hàng tiết kiệm hỗ tương, nhiều tổ chức trong số này đã gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng vào những năm 1980 và đầu những năm 1990.


Ổn định thị trường ngoại hối

Đồng nội tệ tăng giá sẽ làm giảm sức cạnh tranh thương mại quốc tế của một quốc gia. Ngoài ra, việc ngăn chặn những thay đổi lớn về giá trị của đồng tiền nội tệ còn giúp các doanh nghiệp và cá nhân mua, bán hàng hóa ở nước ngoài dễ dàng lên kế hoạch trước. Do đó, ổn định về giá trị của đồng tiền trong nước trên thị trường ngoại hối là một mục tiêu quan trọng của CSTT. Đặc biệt, ở quốc gia phụ thuộc nhiều vào hoạt động ngoại thương thì sự ổn định trên thị trường ngoại hối còn có tầm quan trọng lớn hơn.

Vấn đề khi lựa chọn kết hợp các mục tiêu


Mặc dù có nhiều mục tiêu thường được đề cập cùng nhau như việc làm cao và tăng trưởng kinh tế, ổn định lãi suất và ổn định thị trường tài chính, nhưng sự kết hợp các mục tiêu không luôn nhất quán với nhau như vậy. Mục tiêu ổn định giá thường có sự mâu thuẫn với mục tiêu ổn định lãi suất và việc làm cao trong ngắn hạn (mặc dù có thể sẽ không mâu thuẫn trong dài hạn). Ví dụ, khi nền kinh tế tăng trưởng và thất nghiệp giảm xuống, cả lạm phát và lãi suất sẽ bắt đầu tăng. Nếu NHTƯ cố gắng giữ lãi suất không tăng có thể dẫn đến tình trạng quá nóng của nền kinh tế và tích luỹ lạm phát. Nhưng nếu NHTƯ tăng lãi suất để ngăn ngừa lạm phát, thất nghiệp có thể sẽ tăng trong ngắn hạn. Mâu thuẫn giữa các mục tiêu sẽ đặt NHTƯ vào các lựa chọn khó khăn.

Nhìn chung, trong dài hạn, không có sự mâu thuẫn giữa mục tiêu ổn định giá và những mục tiêu khác được đề cập. Tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên không giảm thấp vì lạm phát cao hơn, vì vậy lạm phát cao không làm cho thất nghiệp thấp hay việc làm nhiều hơn trong dài hạn. Hay nói cách khác, không có sự đánh đổi dài hạn giữa lạm phát và công ăn việc làm cao. Trong dài hạn, ổn định giá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như ổn định lãi suất và tài chính.

Mặc dù ổn định giá nhất quán với những mục tiêu khác trong dài hạn nhưng trong ngắn hạn, ổn định giá thường mâu thuẫn với mục tiêu việc làm cao và ổn định lãi suất. NHTƯ nên giải quyết sự mâu thuẫn của các mục tiêu trong ngắn hạn này như


thế nào? Bởi vì ổn định giá là cốt lõi cho sức khoẻ nền kinh tế trong dài hạn nên nhiều quốc gia quyết định ổn định giá là mục tiêu chính, dài hạn của NHTƯ. Tuy nhiên, vì biến động sản lượng cũng là một mối quan tâm của CSTT nên mục tiêu ổn định giá được coi là mục tiêu chính chỉ trong dài hạn. Nỗ lực để giữ lạm phát ở cùng một mức trong ngắn hạn có thể dẫn đến biến động sản lượng quá mức. Khi ổn định giá là mục tiêu dài hạn nhưng không phải mục tiêu ngắn hạn, NHTƯ có thể tập trung giảm biến động sản lượng bằng cách cho phép lạm phát có thể sai lệch khỏi mục tiêu dài hạn trong một giai đoạn ngắn, và do đó có thể thực hiện hai nhiệm vụ song song. Quá trình thực hiện kết hợp hai nhiệm vụ cần được nhất quán về thời gian và đòi hỏi sự khéo léo để lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên trong từng thời kỳ để đảm bảo cho sự ổn định giá vẫn là mục tiêu chính trong dài hạn.

2.2.2.2 Mục tiêu truyền dẫn


Để đạt được mục tiêu cuối cùng của CSTT, các nhà hoạch định chính sách có một hệ thống các công cụ cần thiết để tác động. Tuy nhiên, tác động từ công cụ CSTT luôn cần có một khoảng thời gian nhất định. Nếu NHTƯ đợi đến thời điểm có kết quả thì có khi đã quá trễ để chỉnh sửa chính sách nếu kết quả không được như mong muốn. Do đó, các NHTƯ có những chiến lược khác nhau để điều hành CSTT bằng cách tác động lên các biến ở giữa công cụ và mục tiêu mong muốn. Chiến lược thực hiện bằng cách, sau khi quyết định mục tiêu cuối cùng, NHTƯ chọn một tập hợp các biến để tác động được gọi là các mục tiêu trung gian như tổng mức cung tiền hay lãi suất (ngắn hạn hoặc dài hạn), các biến này có tác động trực tiếp lên mục tiêu cuối cùng của CSTT. Tuy nhiên, những mục tiêu trung gian này cũng không chịu tác động trực tiếp bởi các công cụ của CSTT. Do đó, NHTƯ tiếp tục chọn các biến để ảnh hưởng lên mục tiêu trung gian, đó là mục tiêu hoạt động như tổng dự trữ (bao gồm dự trữ, cơ số tiền tệ) hay lãi suất chính sách (như lãi suất của Fed – lãi suất vay mượn qua đêm trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất tín phiếu kho bạc), các biến này nhạy cảm hơn với các công cụ của CSTT.


Mục tiêu trung gian


Theo Lê Thị Tuyết Hoa & Đặng Văn Dân (2017), mục tiêu trung gian phải thoả mãn tiêu chuẩn (i) đo lường được để NHTƯ có thể hoạch định được CSTT một cách chính xác, (ii) kiểm soát được để NHTƯ có thể vận dụng và điều khiển theo mục tiêu mình mong muốn và (iii) có thể dự báo trước được đích tới, tức là các chỉ tiêu của mục tiêu trung gian phải có tác động truyền dẫn đến mục tiêu cuối cùng của CSTT. Nói cách khác, mục tiêu trung gian phải gắn kết chặt chẽ với mục tiêu cuối cùng, là cơ sở để dự báo được mục tiêu cuối cùng.

Các chỉ tiêu của mục tiêu trung gian thường được lựa chọn là các biến số tiền tệ có mối quan hệ chặt chẽ với các biến số kinh tế vĩ mô như GDP, giá cả, tổng cầu... Các chỉ tiêu thường được sử dụng bao gồm tổng mức cung tiền hoặc mức lãi suất thị trường (ngắn và dài hạn). Ngoài ra, tổng khối lượng tín dụng và tỷ giá cũng là những chỉ tiêu có thể lựa chọn trong vai trò là mục tiêu trung gian. Với mục tiêu trung gian là tổng mức cung tiền, NHTƯ sẽ lựa chọn một mức tăng trưởng tiền tệ (hoặc tín dụng) phù hợp với mục tiêu cuối cùng, khi đó phản ứng của CSTT là lãi suất giảm khi mức tăng tiền vượt mục tiêu và lãi suất tăng lên khi mức tăng tiền dưới mức mục tiêu. Với mục tiêu trung gian là lãi suất thị trường, NHTƯ sẽ điều hành CSTT sao cho hướng lãi suất thị trường theo lãi suất mục tiêu. Với mục tiêu này, CSTT hướng tới việc hạn chế tác động của sự biến động mức cung tiền đến tổng cầu của nền kinh tế. Với mục tiêu trung gian là tỷ giá, NHTƯ sẽ điều hành CSTT theo hướng ổn định tỷ giá, CSTT chọn mục tiêu trung gian là tỷ giá phụ thuộc vào CSTT của nước áp dụng chế độ neo tỷ giá.

Tóm lại các chỉ tiêu của mục tiêu trung gian bao gồm tổng mức cung tiền, lãi suất thị trường hay tỷ giá. Đây là những chỉ tiêu đáp ứng được tiêu chuẩn lựa chọn mục tiêu trung gian của CSTT. Tuy nhiên, trong thực tế không thể cùng một lúc lựa chọn nhiều chỉ tiêu để làm mục tiêu trung gian. Vì bản thân các chỉ tiêu đó có tác động lẫn nhau nên khi chọn biến số này làm chỉ tiêu và hoạch định thì phải chấp nhận để các biến số khác biến động. Để lựa chọn mục tiêu trung gian thích hợp đòi hỏi sự phân tích kỹ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/01/2023