Hoàng Hoa Thám Và Đời Sống Tâm Linh‌


Nhã Nam, anh hùng cũng là một người bình thường, nhưng người anh hùng khác người bình thường ở chỗ anh ta ý thức rất rò về giá trị của mình trong mọi tình thế. Anh ta luôn phải chọn con đường "dấn thân" và "đốt lửa", làm điều thiện để bảo toàn giá trị làm người. Anh ta cũng phải bước qua những nhu nhược và hữu hạn của mình để chiến đấu vì người khác. Ở đây, bài học về giá trị của khoảnh khắc, sự lựa chọn hay quyết định được nhấn mạnh có dụng ý.

Từ phiên bản Đề Thám có phần dị thường so với những hình dung xưa nay, Nguyễn Huy Thiệp đặt ra nhiều vấn đề. Trước hết là người đọc và cách đọc đối với sáng tác của ông. Nếu người đọc với nền tảng diễn ngôn ý thức hệ dựa trên mô hình: người anh hùng - nhân cách sẽ rất dễ va chạm với quan niệm của nhà văn, bởi thật khó chấp nhận một Hoàng Hoa Thám, anh hùng mà có lúc yếu hèn, nhu nhược, đê tiện. Nhưng Nguyễn Huy Thiệp đã dám va chạm với diễn ngôn tập thể, với ý thức, tư duy, cách đọc quen thuộc. Ông "giải thiêng"1 người anh hùng, đặt nhân vật trong hệ quy chiếu đời thường để trình bày một diễn ngôn về những bộn bề đời sống thường nhật qua hình tượng ấy.

Tiếp nối vấn đề đọc là nghệ thuật “kể”. Nếu kể chuyện được xem là “thiên chức” của người viết văn xuôi thì Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn đã hoàn thành “thiên chức” đó trong truyện ngắn một cách xuất sắc. Ông đã từng đưa ra quan điểm tâm đắc: “Nhà văn sinh ra là để kể chuyện. Kể chuyện hay! Có thế thôi”2. Trong Mưa Nhã Nam, nhà văn sử dụng một lối kể trùng phức của nghệ thuật trần thuật. Người kể chuyện không phải là một người mà nhiều người, người của hiện tại và cả ở quá khứ, họ kể chuyện quá khứ nhưng đồng thời bình luận về hiện tại, người của hiện tại cũng can dự, phán xét trở lại những chuyện trong quá khứ, tạo nên sự đa thanh đa giọng điệu cho tác phẩm. Sự phối hợp nhiều người kể, nhiều giọng kể với sự dịch chuyển đa chiều các điểm nhìn nghệ thuật không những khiến cho nhân vật Đề Thám của Nguyễn Huy Thiệp thoát ra khỏi cảnh bị bó hẹp bởi cái nhìn một chiều, phiến diện, chủ quan, mà nhân vật và câu chuyện đời sống còn được cắt nghĩa ở những chiều kích mới.


1 Chữ dùng của Bình Nguyên. Theo http://vanhocquenha.vn/vi-vn/113/50/van-de-hu-cau-va-giai- thieng-trong-tieu-thuyet-lich-su/137067.html

2 Theo http://butnghien.com/diem-doc-dao-trong-cach-ke-chuyen-cua-nguyen-huy-thiep.t54216/.


Người kể chuyện xuyên suốt tác phẩm là "tôi" với giọng điệu lạnh lùng, đôi khi nói năng đối đáp với bạn đọc "cộc lốc" như khiêu khích: "Tôi sẽ kể chuyện này cho anh/chị/cậu/cô…", "cậu câm miệng đi, cậu còn trẻ quá, cậu là thằng ngốc" [89, tr.297], và thỉnh thoảng "tôi" lại xen vào giữa câu chuyện của các nhân vật để bình luận: "Thời đại chó má" [89, tr.301], "Thế đấy, các bác Cả, các bác Cả thường rất khoảnh" [89, tr.297], "Sự đời là thế, bà Ba có lý của bà Ba, cũng như bà Cả có cái lý của bà Cả vậy" [89, tr.300],… "Tôi" và sự lạnh lùng ấy đã xóa nhòa khoảng cách sử thi với nhân vật anh hùng trong diễn ngôn truyền thống.

Người kể chuyện cũng thường dùng lặp lại những kết cấu ngôn ngữ cố định, tính công thức cao như: "Ở Nhã Nam, tháng Tư có mưa" (lặp 2 lần), ''Tôi sẽ kể chuyện này cho..." (lặp 4 lần); nhiều kết cấu lửng và dấu chấm lửng như: "Chuyện thế này... Một câu chuyện nhỏ về Hoàng Hoa Thám", "Đấy là khoảng năm..., thời kì người Pháp giảng hòa với Đề Thám", nhiều đại từ phiếm chỉ và cách nói đầy giả định: "Lần ấy", "thỉnh thoảng", "một lúc sau", "người ta kể rằng sáng sớm hôm sau", ''tôi không chắc ông Hoàng Hoa Thám (...) trong lịch sử có giống ông Đề Thám mà tôi kể không?", "từ năm 1913, đã hơn 80 năm rồi",... đã đẩy sự kiện lịch sử vào thế giới huyễn hoặc, không xác định, không rạch ròi thật-giả. Điều này cho thấy người kể chuyện có một sự pha tạp giữa lối kể chuyện dân gian và lối kể chuyện hiện đại, kết hợp “lời chứng” và “lời truyền”, ngoa dụ,…. Vì vậy, khác với niềm tin cổ tích, giờ đây người nghe/người đọc lại vừa tin vừa hồ nghi sự thật trong câu chuyện của nhân vật "tôi".

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

Có thể nói, ở Mưa Nhã Nam, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên một diễn ngôn khác biệt về Hoàng Hoa Thám và tạo ra một khoảng cách khá xa so với những nhà văn viết về Đề Thám trước đây về tư duy cũng như phương thức biểu đạt. Ông không nhìn vào bề mặt của dòng chảy lịch sử với những bộn bề sự kiện, nhân vật để kể lại chuyện lịch sử, mà ông nhìn sâu dưới đáy dòng chảy ấy, nơi chứa đựng những triết lí của lịch sử. Nguyễn Huy Thiệp là một trong số ít người viết đã khai thác dòng chảy ấy để tạo nên những ẩn dụ nghệ thuật. Vì vậy, mặc dù hình tượng Đề Thám chỉ là "cái cớ", nhưng phiên bản Đề Thám của Nguyễn Huy Thiệp lại tạo thành một hình ảnh nghệ thuật hết sức ấn tượng.


Hoàng Hoa Thám, hiện thực lịch sử và những phiên bản văn chương - 17

Nhìn lối viết của Nguyễn Huy Thiệp từ quan niệm của M. Bakhtin về phong cách tiểu thuyết (trong đối sánh với phong cách sử thi): “Nếu sử thi luôn nghiêm trang thì tiểu thuyết luôn pha trộn sự cười nhạo, trào phúng. Nếu sử thi tiếp xúc cuộc sống theo lối trật tự, tôn ti, thì tiểu thuyết lại mở ra kiểu xúc tiếp suồng sã, thân mật. Nếu sử thi miêu tả những gì đã xong xuôi, hoàn tất, thì tiểu thuyết luôn luôn là không kết thúc, chưa xong xuôi. Nếu sử thi luôn sùng thượng quá khứ thì tiểu thuyết luôn hướng về hiện tại. Nếu sử thi luôn xác lập một khoảng cách cố định không thể vượt qua giữa người trần thuật và cuộc sống được thể hiện thì tiểu thuyết lại xoá bỏ khoảng cách ấy” [116], người đọc cũng thấy rõ xu hướng thiên hẳn về phong cách tiểu thuyết ở Mưa Nhã Nam. So với các tác phẩm văn chương viết về Hoàng Hoa Thám, truyện ngắn này đạt đến sự đổi mới hoàn toàn trong cách tự sự lịch sử, chính là vì vậy.

* Tiểu kết:

Tính từ phiên bản văn học viết đầu tiên về Hoàng Hoa Thám đến này, lịch sử văn chương về nhân vật lịch sử này đã kéo dài một thế kỷ. Việc trải qua nhiều thiết chế chính trị khác nhau, người anh hùng chống ngoại xâm này vẫn là một đề tài được quan tâm, cho thấy chủ nghĩa dân tộc luôn là một vấn đề sống động và quan trọng.

Nằm trong sự kiểm duyệt của chế độ thực dân Pháp, sự xuất hiện của Hoàng Hoa Thám - vị thủ lĩnh của một phong trào kháng Pháp dai dẳng - trong công luận (báo chí, sáng tác văn chương), một mặt chứng tỏ sức mạnh đặc biệt của nhân vật và công cuộc kháng cự này, nó khiến chính quyền cai trị lúc đó phải kiêng dè, nhượng bộ; mặt khác, những khác biệt trong các phiên bản khi tái tạo hình ảnh nhân vật Hoàng Hoa Thám hoặc các chi tiết liên quan đến cuộc khởi nghĩa Yên Thế cũng cho thấy sự can thiệp rất rõ rệt của diễn ngôn chính thống, đồng thời cũng chứng tỏ tinh thần kháng cự mạnh mẽ trên lĩnh vực văn hoá của trí thức Việt Nam thời kỳ này. Bước sang thời kỳ độc lập dân tộc, việc khai thác hình ảnh lịch sử này đã được đặc biệt khuyến khích ở nửa đất nước phía Bắc nhằm phục vụ cho mục đích chính trị là giải phóng một nửa đất nước đang nằm trong sự thao túng của ngoại xâm mới. Xu hướng tụng ca cuộc chiến tranh cách mạng đã thấm vào tất cả các sáng tác về Hoàng Hoa Thám xuất hiện trong giai đoạn này và những năm trước đổi mới. Cách


nhìn nhất phiến về người anh hùng và âm hưởng anh hùng ca do đó cũng là điểm chung của các tác phẩm. Chỉ đến khi tinh thần đổi mới được thể hiện thành những phản vấn hiện thực thì sự thay đổi mới xuất hiện trong cách nhìn về nhân vật lịch sử này. Như vậy, đồng hành cùng các sử gia trong việc tìm kiếm nguyên mẫu Hoàng Hoa Thám trong lịch sử, mỗi nhà văn lựa chọn đề tài này cũng có cơ hội tiếp cận nhiều phiên bản khác nhau (lịch sử, truyện kể dân gian), nhưng từ những quan điểm viết và phương thức biểu đạt riêng, họ đã tạo nên nhiều phiên bản Đề Thám trong văn học viết. Có hình ảnh thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám khí phách, oai phong trên chiến trận Yên Thế; có nhân vật Đề Thám sống động cụ thể, đầy đủ những tính cách và tình cảm của con người bình thường, với những băn khoăn, vui buồn, hay những khát vọng cá nhân rất nhân bản; có Ông Đề toàn thiện toàn tài nhưng cũng có Đề Thám phàm trần như một người đàn ông, như mọi con người...

Trước năm 1945, sự sáng tạo của nhà văn chủ yếu thể hiện qua việc miêu tả nhân vật, lựa chọn, thêm bớt chi tiết, dẫn dắt sự kiện và chi tiết từ nguồn tham khảo truyện kể dân gian và thông tin của thực dân Pháp, hoặc kết hợp điền dã. Lối viết của các tác giả cơ bản vẫn là sử truyện, là chân dung lịch sử chứ chưa đạt đến mức độ cá tính của loại nhân vật tiểu thuyết. Điểm chung nhất của các tác giả là nhấn mạnh ý chí bất khuất, kiên cường chống ngoại xâm. Đây là một thông điệp ngầm nhưng không khó nhận thấy về lòng yêu nước. Ngoại trừ Chân tướng quân của Phan Bội Châu còn ảnh hưởng cách viết của liệt truyện, Bóng người Yên Thế của Việt Sinh viết theo thể phóng sự, ba tác phẩm còn lại (Lịch sử quân Đề-Thám Yên- Thế, Cầu Vồng Yên Thế, Hoàng Hoa Thám) đã sử dụng phương thức nghệ thuật của văn học hiện đại để tạo ra con đường đi cho Đề Thám từ lịch sử bước sang những trang văn. Sau năm 1945, đặc biệt từ cuối những năm 75 của thế kỷ XX, tiểu thuyết lịch sử nhanh chóng chiếm vị trí quan trọng. Với Núi rừng Yên Thế và trường thiên tiểu thuyết Người trăm năm cũ, Nguyên Hồng và Hoàng Khởi Phong đã dùng lối viết tiểu thuyết lịch sử truyền thống, theo cách thuyết phục người đọc ở tính khách quan, chính xác của thông tin lịch sử, bảo tồn không khí sử thi và âm hưởng tụng ca. Giữa hai tác giả này, xu hướng cách tân thể loại chủ yếu thuộc về tác giả sau, với cách nhìn lịch sử từ góc bi kịch như một phản tỉnh lịch sử. Cả hai cuốn tiểu


thuyết cũng đã sử dụng nhiều hư cấu, nhưng với mục đích tạo sự hấp dẫn cho chuyện kể - giống như truyện kể dân gian và các sáng tác trước đó. Phải đến Nguyễn Huy Thiệp, những cách viết về lịch sử mới có bứt phá rò nét. Truyện ngắn Mưa Nhã Nam vừa thể hiện một sử quan khác biệt vừa là một cách tân lối viết của nhà văn. Những chất liệu lịch sử về Đề Thám chỉ là cái cớ, nhưng khác với những nhà văn trước đó viết về đề tài lịch sử theo quan điểm này của Lukacs, Hoàng Hoa Thám của Nguyễn Huy Thiệp không đặt ra vấn đề sự thật lịch sử mà xuất hiện chỉ như một phương tiện để nhà văn triết luận cả về lịch sử và hiện tại.


Chương 4‌

HOÀNG HOA THÁM TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG‌


Ngay trong thời gian lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân cho đến ngày nay, Hoàng Hoa Thám thường trở thành đối tượng ngợi ca, tôn thờ từ địa phương lan ra toàn quốc. Tính chất chống ngoại xâm, mục tiêu giành độc lập dân tộc đã khiến cho cả vị thủ lĩnh và cuộc chiến đấu do ông tham gia, lãnh đạo nghiễm nhiên mang giá trị khẳng định, giá trị biểu tượng cho tinh thần ái quốc. Điểm nhấn đó càng được tô đậm sau năm 1954 ở phía Bắc đất nước và vẫn được tiếp diễn trong cả nước từ 1975 đến tận hôm nay. Hoàng Hoa Thám và khởi nghĩa Yên Thế là đối tượng của sáng tác dân gian, của sử học, văn học nghệ thuật; đồng thời còn là đối tượng của lễ hội, và hiện diện trong chương trình giáo dục phổ thông (chủ yếu là giáo dục địa phương). Hai chương trước, chúng tôi đã đi sâu vào các phiên bản lịch sử, văn học dân gian, và văn học viết về Hoàng Hoa Thám. Chương này, chúng tôi khảo sát sức sống của nhân vật lịch sử Hoàng Hoa Thám ở phạm vi đời sống xã hội, bao gồm lễ hội hiện đại và giáo dục - hai hoạt động mang tính cộng đồng đặc biệt rộng rãi1- cũng tức là khảo sát những phương thức sử dụng, tái tạo các văn bản văn-sử trong đời sống thực tiễn và tìm kiếm những phiên bản khác, ngoài các phiên bản văn-sử, về Hoàng Hoa Thám. Phạm vi khảo sát của chúng tôi được giới hạn ở cách tổ chức các lễ kỷ niệm cuộc khởi nghĩa và vị thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám trên quê hương Yên Thế, ở chương trình lịch sử, văn học trong trường phổ thông nói chung, chương trình giáo dục danh nhân địa phương của tỉnh Bắc Giang nói riêng.

4.1. Hoàng Hoa Thám và đời sống tâm linh‌

Từ sau năm 1945, và trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, đình, đền và chùa Phồn Xương nhiều lần bị tàn phá chỉ còn nền đất, nhưng không vì thế mà niềm tin vào sự linh thiêng của ông Đề lụi mất. Nhân dân Phồn Xương đã trùng tu chùa Phồn Xương, duy trì hoạt động cúng tế, và tổ chức giỗ Hoàng Hoa Thám tại đây, và vẫn với quy mô nhỏ hẹp.


1 Tính chất cộng đồng của lễ hội đã được khẳng định từ chính định nghĩa về khái niệm này. Chẳng hạn “Hội là tập hợp đông người trong một sinh hoạt cộng đồng. Lễ là nghi thức đặc thù gắn với sinh hoạt ấy” (Đinh Gia Khánh) [40, tr.8].


Và một thời gian sau đó, tình hình đã thay đổi. Nhu cầu khích lệ tinh thần dân chúng chống ngoại xâm từ phía Nhà nước đã gặp gỡ nhu cầu tín ngưỡng cũng như tình cảm tự nhiên của người dân địa phương và lễ hội Phồn Xương được tổ chức thường xuyên hơn. Ông Đề được thần thiêng hóa, thờ phụng ở nhiều đình, đền, chùa như: đình Trũng, chùa Trũng, đền Thề, đền bà Ba, chùa Lèo, đền thờ Hoàng Hoa Thám ở các vùng Hiệp Hòa, Yên Thế, cụm di tích Cầu Vồng,… mỗi nơi đều có hoạt động lễ hội gắn với truyền thuyết, giai thoại, thơ ca dân gian về ông. Trải qua nhiều thăng trầm và bằng nhiều cách khác nhau, hình ảnh vị thủ lĩnh và lễ hội Phồn Xương vẫn được dân gian lưu truyền trong đời sống và đức tin của mình. Năm 1963, trong bài nói chuyện nhân dịp kỉ niệm 50 năm ngày mất của Hoàng Hoa Thám, Trần Huy Liệu - Viện trưởng viện sử học - đã nhận định: “Tinh thần bất khuất của Hoàng-hoa-Thám vẫn bàng bạc trong dân tộc ta. Du kích chiến của nghĩa quân Yên-thế đương được phát triển rất sâu rộng trong bộ đội giải phóng và dân quân miền Nam hiện nay. Như vậy thì cụ Hoàng-hoa-Thám cũng như các liệt sĩ Yên-thế vẫn không chết, vẫn sống mãi với núi rừng Yên-thế, vẫn sống mãi trong lòng chúng ta” [47, tr.30]. Kể từ đó, lễ hội tưởng niệm Hoàng Hoa Thám không chỉ được tổ chức đều đặn mà còn được mở rộng cả về quy mô. Và từ năm 1984 thì lễ hội chính thức đổi tên thành Lễ hội Yên Thế và được quy định tổ chức ở cấp Nhà nước (xin xem mục 2.3).

Nghi lễ và đám rước trong lễ hội Yên Thế (năm 2009) được tác giả Bùi Văn Thành mô tả khá chi tiết: phần lễ chính được tổ chức vào sáng ngày 16 tháng Ba. Trước giờ khai mạc, khu vực dưới chân tượng đài Hoàng Hoa Thám diễn ra lễ đón đội ngựa truyền thống từ làng Hả lên Phồn Xương và đón đoàn rước của xã Phồn Xương rước nồi hương từ chùa Lèo đến khu vực lễ hội. Nghi lễ rước đội ngựa đi từ làng Hả lên Phồn Xương diễn ra theo trình tự: Đi đầu là đoàn múa lân, múa sư tung cờ ngũ hành, phía sau là kiệu đặt một mâm xôi gấc và thủ lợn đã luộc chín. Kiệu do bốn trai đinh khiêng, hai bên có hai người che tàn và lọng, phía sau là các cụ trong hội người cao tuổi mặc trang phục truyền thống, sau cùng là nhân dân trong xã. Những người tham gia khiêng kiệu, vác cờ, tàn, lọng đều mặc áo đỏ, đầu chít khăn đỏ, trang nghiêm tiến vào lễ đài. Kiệu của xã Phồn Xương được đặt phía trước bên


trái tượng đài Hoàng Hoa Thám. Cùng với những hoạt động của đoàn rước xã Phồn Xương là đoàn rước kiệu bát cống của thị trấn Cầu Gồ. Đi đầu đoàn rước là đội múa lân, sư, có các anh hề, chú tễu nhảy múa theo nhịp trống, đi sau là cờ ngũ hành, tiếp đó là 10 trai đinh, tay cầm bát bửu đi thành hai hàng, phía sau là 8 trai tân được nhân dân thị trấn tuyển chọn, rước kiệu bày mâm ngũ quả, xôi oản, tất cả đều mặc quần áo nâu, đầu chít khăn đỏ. Đi hai bên kiệu là hai người cầm lọng che, tiếp sau là các cụ ông trong trang phục quần áo tế, chân đi hia, sau nữa là các cụ bà trong trang phục quần áo màu vàng, sau cùng là các ban, ngành, đoàn thể và bà con nhân dân trong thị trấn. Kiệu của thị trấn Cầu Gồ đặt ở phía bên phải tượng đài Hoàng Hoa Thám. Hai kiệu của thị trấn Cầu Gồ và xã Phồn Xương đứng hai bên tượng đài, bên dưới là đoàn đại biểu, con cháu họ Hoàng, khách thập phương. Sau lễ đón các đoàn rước là lễ diễu hành của các lực lượng trong toàn huyện [53, tr35-38].

Cùng với lễ dâng tại tượng đài Hoàng Hoa Thám, trong chùa Phồn Xương, đại diện ban tổ chức lễ hội, các sư sãi, người cao tuổi và nhân dân làm lễ tế linh hồn các nghĩa sĩ. Đây là một hoạt động tâm linh quan trọng đã được thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám tổ chức từ khi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, được cộng đồng lưu giữ và duy trì cho đến nay. Lễ vật được chuẩn bị chu đáo, gồm 7 mâm với đầy đủ các thức như: lợn quay, gà trống luộc, bánh chưng, bánh dầy, bánh gio, chè lam, xôi, rượu, muối trắng,… được chế biến từ những sản vật của Yên Thế và được chuẩn bị bởi những người khéo tay, sạch sẽ. Đầu tiên, người chủ trì đọc bài cúng Đương cảnh thành hoàng, cúng thần, cúng Phật. Tiếp đó, ở phần giỗ Hoàng Hoa Thám, vị sư chủ trì sẽ đọc bài cúng Đề Thám, nội dung thể hiện nỗi niềm nhớ thương người anh hùng áo vải năm xưa, bày tỏ sự biết ơn và ghi nhớ công lao của vị thủ lĩnh, cầu mong vong hồn Cụ Đề anh minh chứng giám cho tấm lòng của nhân dân, văn cúng có đoạn:

Nhớ Người chinh chiến núi rừng ngày xưa Gian lao máu lửa không vừa

Phồn Xương nhớ mãi năm xưa cờ đào Chống Pháp cực khổ gian lao

Một đời chinh chiến tuổi cao về trời (…)

Xem tất cả 185 trang.

Ngày đăng: 20/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí