Một khi nghiệp vụ không hạch toán kịp thời, nhà đầu tư không thể thực hiện nghiệp vụ mua bán chứng khoán, rút tiền hay chuyển khoản,… sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng và chính bản thân CTCK vì phải đền bù thiệt hại. Do vậy, có thể nói, chứng khoán là lĩnh vực kinh doanh có tính nhạy cảm cao với sự biến động của thị trường.
- Về hàng hóa kinh doanh:
CTCK thực hiện hoạt động kinh doanh của mình chủ yếu thông qua việc mua bán một thứ hàng hóa vô hình, đấy chỉ là những giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản nhưng có giá trị rất lớn. Giá cả hàng hóa chứng khoán thường xuyên thay đổi với nhiều bất ngờ, khó dự đoán, nghiệp vụ phát sinh đa dạng và phức tạp. Bên cạnh đó, CTCK còn thực hiện một số hoạt động khác như: môi giới chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư, lưu ký chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán,… Đặc thù của những hoạt động này là giao dịch những tài sản, hàng hóa không phải của chính CTCK. Vì vậy, tài sản ngoài Bảng cân đối kế toán khá nhiều.
Trên đây là một số đặc trưng cơ bản về thành lập và hoạt động của CTCK có ảnh hưởng đến nội dung phân tích tình hình tài chính của CTCK.
2.2.2. Nội dung phân tích tình hình tài chính của công ty chứng khoán
2.2.2.1. Đánh giá khái quát tình hình tài chính
Đánh giá khái quát tình hình tài chính với mục đích chủ yếu là đưa ra những nhận định về bức tranh tài chính của doanh nghiệp dưới dạng chung nhất, tổng quát nhất. Thông tin của đánh giá khái quát tình hình tài chính sẽ giúp người sử dụng biết được thực trạng tài chính của doanh nghiệp, mức độ độc lập và tự chủ tài chính, khả năng thanh toán, khả năng sinh lời cũng như những khó khăn tài chính mà doanh nghiệp gặp phải; từ đó, người sử dụng thông tin sẽ có đưa ra những quyết định hợp lý [5], [6], [15], [16], [22].
Phương pháp được sử dụng để đánh giá khái quát tình hình tài chính là phương pháp so sánh [6], [15], [16]. Cụ thể là so sánh tuyệt đối và so sánh tương đối về trị số của các chỉ tiêu phân tích giữa kỳ phân tích với kỳ gốc, kỳ gốc có thể là theo thời gian (kỳ kế hoạch, các kỳ trước) hoặc theo không gian (bình quân ngành,
Có thể bạn quan tâm!
- Hoàn thiện phân tích tình hình tài chính của các công ty chứng khoán Việt Nam - 3
- Hoàn thiện phân tích tình hình tài chính của các công ty chứng khoán Việt Nam - 4
- Tài Chính Doanh Nghiệp Và Phân Tích Tình Hình Tài Chính Doanh Nghiệp
- Hoàn thiện phân tích tình hình tài chính của các công ty chứng khoán Việt Nam - 7
- Hoàn thiện phân tích tình hình tài chính của các công ty chứng khoán Việt Nam - 8
- Phương Pháp Nghiệp Vụ - Kỹ Thuật Phân Tích Tình Hình Tài Chính Của Công Ty Chứng Khoán
Xem toàn bộ 296 trang tài liệu này.
bình quân khu vực, trị số các doanh nghiệp cùng ngành). Căn cứ vào sự biến động của từng chỉ tiêu phân tích để nhận định về những biến động đó.
Nội dung đánh giá khái quát tình hình tài chính của CTCK gồm có: Đánh giá khái quát mức an toàn tài chính, đánh giá khái quát tình hình huy động vốn, đánh giá khái quát mức độ độc lập tài chính, đánh giá khái quát khả năng thanh toán [3], [5], [6], [16], [22]. Ứng với mỗi nội dung sẽ có những chỉ tiêu khác nhau, tuy nhiên, khi thực hiện đánh giá thì nhà phân tích phải kết hợp đồng thời các chỉ tiêu để có thể nhận xét chính xác. Sau đây là những nội dung cụ thể:
- Đánh giá khái quát mức an toàn tài chính:
Đây là nội dung vô cùng quan trọng khi đánh giá khái quát tình hình tài chính của CTCK. Để đánh giá khái quát mức an toàn tài chính, CTCK sử dụng chỉ tiêu “Tỷ lệ vốn khả dụng”. Đây là chỉ tiêu phân tích tình hình tài chính đặc thù của CTCK [3], [14, tr.226].
Tỷ lệ vốn khả dụng là tỷ lệ phần trăm giữa giá trị vốn khả dụng và tổng giá trị rủi ro và được xác định theo công thức:
Tỷ lệ vốn khả dụng (%)
Trong đó:
Vốn khả dụng
=
Tổng giá trị rủi ro
x 100 (2.1)
+ Vốn khả dụng bao gồm vốn chủ sở hữu và các khoản tăng thêm trừ đi các khoản giảm trừ;
+ Tổng giá trị rủi ro bao gồm giá trị rủi ro hoạt động, giá trị rủi ro thị trường và giá trị rủi ro thanh toán.
Tỷ lệ vốn khả dụng phản ánh mức an toàn tài chính của CTCK. Chỉ tiêu này là cơ sở để xếp hạng các CTCK về tình trạng an toàn tài chính. Chẳng hạn, theo pháp luật Việt Nam thì khi tỷ lệ vốn khả dụng trên 150% thì các CTCK được xếp vào tình trạng bình thường; khi tỷ lệ vốn khả dụng dao động từ 120% tới 150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong ba (03) tháng liên tục thì CTCK được xếp vào tình trạng kiểm soát, thời hạn kiểm soát không quá 12 tháng và CTCK sẽ được đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt và vượt 180% của các kỳ báo
cáo trong ba (03) tháng liên tục; hoặc khi tỷ lệ vốn khả dụng giảm xuống dưới 120% thì CTCK được xếp vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, thời hạn kiểm soát đặc biệt không quá sáu (06) tháng. CTCK được đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt và vượt 150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong vòng ba
(03) tháng liên tục. Sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt theo quy định, nếu CTCK vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp vượt mức năm mươi phần trăm (50%) trở lên vốn điều lệ thì bị đình chỉ hoạt động [3].
Căn cứ vào mức độ an toàn tài chính mà CTCK có phương án khắc phục phù hợp như: Báo cáo chi tiết về thực trạng tài chính, nguyên nhân và phương án khắc phục; bán các tài sản có mức độ rủi ro cao; hạn chế, ngừng mua cổ phiếu quỹ; cắt giảm chi phí hoạt động, chi phí quản lý doanh nghiệp; tổ chức lại bộ máy quản lý, nhân sự, cắt giảm nhân viên; hợp nhất, sáp nhập với tổ chức kinh doanh chứng khoán cùng ngành nghề, cùng loại theo quy định của pháp luật…
- Đánh giá khái quát tình hình huy động vốn:
Sự tăng, giảm của tổng nguồn vốn theo thời gian là kết quả của quá trình tìm kiếm và huy động vốn của doanh nghiệp. Sự biến động về quy mô cũng như kết cấu của nguồn vốn thể hiện rõ nét chính sách huy động vốn của doanh nghiệp. Xu hướng tăng trưởng của vốn còn cho biết phần nào về mức độ phát triển của doanh nghiệp. Tổng nguồn vốn tăng lên theo thời gian cho thấy quy mô kinh doanh của doanh nghiêp được mở rộng, ngược lại, nếu số vốn ngày càng giảm thì quy mô kinh doanh cũng bị thu hẹp dần, doanh nghiệp đang gặp những khó khăn nhất định trong hoạt động. Khi đánh giá tình hình huy động vốn thường sử dụng các chỉ tiêu như: tổng số nguồn vốn, tổng số vốn chủ sở hữu, tổng số nợ phải trả, cơ cấu nguồn vốn [6], [16], [22]. Với các CTCK, quy mô vốn là yếu tố cực kỳ quan trọng vì đây là loại hình kinh doanh có độ nhạy cảm cao, phức tạp và mang tính rủi ro hệ thống lớn, vì vậy mà luật pháp tất cả các nước đều quy định mức vốn pháp định ứng với từng hoạt động kinh doanh chứng khoán. Do đó, một nội dung phân tích thiết yếu phải có khi đánh giá khái quát tình hình huy động vốn của các CTCK là phân tích chỉ tiêu “Tỷ lệ vốn điều lệ so với vốn pháp định”. Sự gia tăng vốn điều lệ theo thời
gian phản ánh quá trình huy động vốn và tăng vốn từ các chủ sở hữu, phản ánh qui mô vốn của CTCK. Tỷ lệ vốn điều lệ so với vốn pháp định càng cao càng tốt. Chỉ tiêu này cho biết số vốn điều lệ của CTCK tại thời điểm xem xét lớn hơn mức vốn pháp định như thế nào, đồng thời cho biết quá trình gia tăng vốn điều lệ của CTCK trong quá trình phát triển kinh doanh. Chỉ tiêu này càng tăng chứng tỏ vốn đầu tư của chủ sở hữu tăng trưởng không ngừng, góp phần phản ánh sự tăng trưởng và phát triển của công ty, tạo sự an tâm cho nhà đầu tư.
Tỷ lệ vốn điều lệ so với vốn pháp định được xác định theo công thức:
Tỷ lệ vốn điều lệ so với vốn pháp định (%)
Tổng số vốn điều lệ
=
Tổng số vốn pháp định
x 100 (2.2)
Phân tích sự biến động của chỉ tiêu “Tỷ lệ vốn điều lệ so với vốn pháp định” không chỉ xem xét biến động về quy mô, về tốc độ giữa kỳ phân tích so với kỳ gốc mà còn xem xét cả về xu hướng và nhịp điệu biến động. Một CTCK muốn tăng trưởng và phát triển bền vững thì chỉ tiêu này phải thay đổi với nhịp điệu đều đặn, ổn định.
- Đánh giá khái quát mức độ độc lập tài chính:
Mức độ độc lập về tài chính thể hiện quyền ra quyết định, quyền kiểm soát và quyền chi phối các chính sách tài chính, các hoạt động trong CTCK. Một số chỉ tiêu thường dùng để đánh giá mức độ độc lập tài chính như: hệ số tài trợ, hệ số tự tài trợ tài sản cố định [5], [6], [16], [22]. Công thức xác định các chỉ tiêu này như sau:
Hệ số tài trợ (lần)
Hệ số tự tài trợ tài sản cố định (lần)
Vốn chủ sở hữu
=
Tổng số nguồn vốn
Vốn chủ sở hữu
=
Tài sản cố định đã và đang đầu tư
(2.3)
(2.4)
Những chỉ tiêu này lần lượt cho biết khả năng tự bảo đảm về mặt tài chính, khả năng trang trải tài sản cố định bằng vốn chủ sở hữu. CTCK là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, là loại hình kinh doanh có điều kiện và có độ rủi ro cao; do đó, một CTCK ở trạng thái bình thường thì hệ
số tài trợ đạt khoảng 0,7 lần, tức là vốn chủ sở hữu chiếm khoảng 70% và nợ phải trả khoảng 30% trong tổng số nguồn vốn. Một khi cơ cấu này bị đảo ngược hoặc tỷ lệ không đảm bảo thì CTCK sẽ dần mất khả năng độc lập tài chính, và nếu còn được kết hợp với biến động bất lợi từ thị trường chứng khoán thì chắc chắn CTCK sẽ dễ rơi vào trạng thái phụ thuộc tài chính, mất dần khả năng kiểm soát các chính sách điều hành.
Để đánh giá mức độ độc lập tài chính thì cần phải tính trị số của các chỉ tiêu ở kỳ phân tích và kỳ gốc. Trên cơ sở đó, tiến hành so sánh sự biến động của các chỉ tiêu theo thời gian, cũng như so với trị số bình quân ngành, bình quân khu vực hay với các CTCK khác để có những nhận đinh chính xác về xu hướng biến động của mức độ độc lập tài chính, hoặc để xác định vị trí hay mức độ độc lập tài chính của CTCK hiện tại là ở mức nào (cao, trung bình, thấp).
Khi đánh giá khái quát mức độ độc lập tài chính của CTCK, nếu trị số của các chỉ tiêu phản ánh mức độ độc lập tài chính tăng theo thời gian thì có thể khẳng định rằng mức độ độc lập tài chính của CTCK đã tăng so với kỳ gốc và có xu hướng tăng theo thời gian. Tuy nhiên, cần phải kết hợp với trị số tuyệt đối của chỉ tiêu, so sánh với các CTCK khác cùng điều kiện, cùng khu vực, so sánh với số bình quân ngành,… để đánh giá.
- Đánh giá khái quát khả năng thanh toán:
Khả năng thanh toán phản ánh rõ nét tình trạng tài chính của doanh nghiệp. Khi khả năng thanh toán không đảm bảo thì doanh nghiệp rất dễ rơi vào tình trạng phá sản. Khả năng thanh toán cần được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau như khả năng thanh toán tổng quát, khả năng thanh toán nợ ngắn hạn, khả năng thanh toán nhanh, khả năng thanh toán tức thời [6], [15] , [16], [22].
Một trong những nguyên tắc hoạt động bắt buộc của CTCK là đảm bảo nguồn tài chính trong cam kết chứng khoán với khách hàng. Các hoạt động kinh doanh chứng khoán như môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán yêu cầu CTCK phải có tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Trong quy định về thực hiện nghiệp vụ môi giới chứng khoán thì CTCK phải tách bạch
tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng với tiền gửi của chính CTCK, và CTCK không được trực tiếp nhận tiền giao dịch chứng khoán của khách hàng; công việc cuối cùng của quy trình môi giới chứng khoán là thanh quyết toán với khách hàng với thời gian quy định là T+2 (hoặc T+3); nếu CTCK không có tình trạng tài chính tốt thì sẽ liên tục bị thiếu tiền để thanh toán cho khách hàng hoặc sẽ lạm dụng tiền gửi của khách hàng, tình trạng này nếu vi phạm nghiêm trọng thì CTCK sẽ bị cơ quan Nhà nước rút nghiệp vụ môi giới chứng khoán. Một CTCK có năng lực tài chính tốt thì sẽ tiến hành nghiệp vụ tự doanh chứng khoán, theo quy định thì CTCK phải đảm bảo đủ tiền để thanh toán các lệnh giao dịch cho tài khoản của chính mình. Với những CTCK am hiểu thị trường, có tiềm lực tài chính và nhân sự giỏi về chứng khoán thì sẽ hoạt động mạnh mẽ về nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán, đây là hoạt động hỗ trợ cho tổ chức phát hành chứng khoán trong việc phân phối chứng khoán thông quan thỏa thuận mua chứng khoán để bán lại. Những CTCK có vốn điều lệ lớn, tình hình tài chính lành mạnh thì các hoạt động môi giới, tự doanh và bảo lãnh phát hành chứng khoán luôn chiếm ưu thế hơn so với các hoạt động như tư vấn hay quản lý danh mục đầu tư. Như vậy, khả năng thanh toán phản ánh hiện trạng sức khỏe tài chính của CTCK.
Khi đánh giá khả năng thanh toán của CTCK cần lưu ý một số điểm đặc trưng cho một số chỉ tiêu phân tích sau đây:
Hệ số khả năng
=
thanh toán nợ ngắn hạn (lần)
Tài sản ngắn hạn Nợ ngắn hạn
(2.5)
Chỉ tiêu hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn cho biết một đồng nợ ngắn hạn được bảo đảm bằng bao nhiêu đồng tài sản ngắn hạn. Chỉ tiêu này đo lường khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của CTCK. Đặc trưng trong cơ cấu tài sản và cơ cấu nguồn vốn của CTCK là tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản, nợ phải trả chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn. Vì vậy, hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn thường đạt giá trị khoảng 2,0 – 3,0 lần; đây là giá trị phổ biến và mang tính đặc thù của CTCK. CTCK có hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn nhỏ hơn 1 thì thật sự là rất bất thường.
Hệ số khả năng thanh toán nhanh (lần)
Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho
= (2.6)
Nợ ngắn hạn
Chỉ tiêu hệ số khả năng thanh toán nhanh thể hiện khả năng trả nợ ngắn hạn bằng các tài sản ngắn hạn có thể chuyển đổi nhanh thành tiền của CTCK. Đối với CTCK thì khoản mục hàng tồn kho có giá trị rất thấp, thậm chí là bằng 0, vì vậy, hệ số khả năng thanh toán nhanh thường có giá trị gần bằng với hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn hoặc đôi khi hệ số khả năng thanh toán nhanh cũng chính là hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn. Đây là nét đặc thù của CTCK trong kinh doanh dịch vụ tài chính.
Hệ số khả năng
Tiền và các khoản tương đương
tiền của công ty chứng khoán
thanh toán tức thời (lần) = Nợ ngắn hạn (2.7)
Hệ số khả năng thanh toán tức thời thể hiện khả năng thanh toán nợ ngắn hạn bằng số tiền đang có của chính CTCK. Với những doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực khác (không phải là kinh doanh chứng khoán) thì hệ số khả năng thanh toán tức thời là kết quả của phép chia giữa tử số là “Tiền và các khoản tương tương đương tiền” và mẫu số là “Nợ ngắn hạn”. Tuy nhiên, với CTCK, một điểm cần lưu ý khi tính và phân tích hệ số khả năng thanh toán tức thời là phần tử số “Tiền và các khoản tương đương tiền” được thay bằng “Tiền và các khoản tương đương tiền của công ty chứng khoán”. Bởi lẽ, khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền của CTCK luôn bao gồm hai khoản: (1) Tiền và các khoản tương đương tiền của CTCK và (2) Tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán. Đây là điểm khác biệt so với các loại hình doanh nghiệp khác. Do vậy, khi tính hệ số khả năng thanh toán tức thời của CTCK thì nên sử dụng khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền của CTCK, khi đó sẽ cho thông tin chính xác hơn về khả năng thanh toán nợ ngắn hạn bằng tiền của chính CTCK, còn nếu sử dụng chỉ tiêu tiền và các khoản tương đương tiền chắc chắn dẫn đến những nhìn nhận sai lầm vì nó đã gộp cả khoản tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán, mà tiền gửi của nhà đầu tư thì nghiêm cấm các CTCK sử dụng đến trong bất kỳ tình huống nào. Khi đó, nếu hệ số khả năng
thanh toán tức thời cao thì cũng không phản ánh những thông tin có giá trị. Hệ số khả năng thanh toán tức thời là hệ số đáng quan tâm nhất trong các hệ số khả năng thanh toán của CTCK, nhất là khi thị trường chứng khoán biến động xấu.
2.2.2.2. Phân tích cấu trúc tài chính
Cấu trúc tài chính phản ánh kết cấu của nguồn vốn, kết cấu của tài sản và cả mối quan hệ giữa tài sản với nguồn vốn. Qua đó cho thấy rằng tính hợp lý trong cơ cấu nguồn vốn, chính sách huy động vốn và chính sách sử dụng vốn của doanh nghiệp. Những chính sách này ảnh hưởng đến an ninh tài chính, đến hiệu quả sử dụng vốn, đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nội dung của phân tích cấu trúc tài chính của CTCK gồm: phân tích cơ cấu nguồn vốn, phân tích cơ cấu tài sản và mối quan hệ giữa tài sản và nguồn vốn [6], [15], [16], [18].
- Phân tích cơ cấu nguồn vốn:
Cơ cấu nguồn vốn phản ánh tỷ trọng của từng bộ phận nguồn vốn chiếm trong tổng nguồn vốn. Cơ cấu nguồn vốn thể hiện chính sách huy động vốn của doanh nghiệp. Nếu vốn chủ sở hữu chiếm tỷ trọng lớn hơn nợ phải trả thì tính tự chủ tài chính được đảm bảo. Đặc điểm chung nổi bật trong cơ cấu nguồn vốn của CTCK là vốn chủ sở hữu chiếm tỷ trọng lớn hơn nợ phải trả. Pháp luật một số nước quy định về tỷ lệ nợ cho CTCK, cụ thể như: Theo quy định của Hàn Quốc thì tổng các khoản nợ không được phép vượt quá 5 lần tổng tài sản tịnh của CTCK, quy định của Mỹ thì tổng các khoản nợ không vượt quá 15 lần vốn ròng, quy định của Việt Nam thì tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của CTCK không được vượt quá sáu (06) lần và nợ ngắn hạn tối đa bằng tài sản ngắn hạn [14, tr.223-224]. Việc quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư, hạn chế rủi ro, loại trừ những CTCK có nguy cơ phá sản.
Bên cạnh những chỉ tiêu phân tích cơ cấu nguồn vốn chung, có một số chỉ tiêu phân tích đặc thù đối với CTCK như:
Tỷ trọng của khoản phải trả hoạt động giao dịch
chứng khoán trong tổng số nợ phải trả (%)
Khoản phải trả hoạt động
giao dịch chứng khoán
=
Tổng số nợ phải trả
x 100 (2.8)