Phương Pháp Nghiệp Vụ - Kỹ Thuật Phân Tích Tình Hình Tài Chính Của Công Ty Chứng Khoán


chứng khoán ở hiện tại và tương lai, những kịch bản khoa học về thị trường chứng khoán trong nước cũng như quốc tế, những thông tin về đối thủ cạnh tranh, những chính sách pháp luật về ngành chứng khoán.

Doanh thu là chỉ tiêu phản ánh kết quả kinh doanh, là chỉ tiêu số lượng và thể hiện quy mô kinh doanh. Vì vậy, ứng với mỗi mức doanh thu thuần sẽ yêu cầu CTCK có một mức vốn tương ứng để cân bằng với nhu cầu đầu tư và quy mô hoạt động. Khi doanh thu thay đổi thì nhu cầu vốn cũng thay đổi theo và thường là mối tương quan tỷ lệ thuận, tuy nhiên tốc độ thay đổi của doanh thu và tốc độ thay đổi của vốn có thể khác nhau vì còn tùy vào hiệu quả sử dụng vốn của CTCK. Lượng vốn mà CTCK cần dùng để đáp ứng nhu cầu hoạt động phụ thuộc hoàn toàn vào quy mô hoạt động của CTCK. Chính vì thế, CTCK phải xác định lượng vốn thừa hay thiếu ứng với mức doanh thu thuần hoạt động kinh doanh chứng khoán mới để có chính sách huy động vốn hay đầu tư vốn hợp lý [4, tr.321-396], [5, tr.278-281], [6, tr.256-269], [16, tr.321-348], [22, tr.271-273].

2.2.3. Phương pháp nghiệp vụ - kỹ thuật phân tích tình hình tài chính của công ty chứng khoán

Phương pháp phân tích tình hình tài chính là những cách thức, những công cụ để nghiên cứu các chỉ tiêu tài chính nhằm đánh giá tình hình, xu hướng và bản chất biến động các chỉ tiêu tài chính của CTCK. Phân tích tình hình tài chính của CTCK thường sử dụng một số phương pháp nghiệp vụ kỹ thuật chủ yếu như: Phương pháp so sánh, phương pháp chi tiết, phương pháp loại trừ, phương pháp Dupont, phương pháp liên hệ cân đối.

- Phương pháp so sánh:

Phương pháp này được sử dụng phổ biến trong phân tích nhằm đánh giá kết quả, xác định vị trí và xu hướng biến động của đối tượng nghiên cứu. Để áp dụng phương pháp so sánh, các nhà phân tích cần phải chú trọng đến các nội dung cơ bản của phương pháp như: điều kiện so sánh được của chỉ tiêu, gốc so sánh, các dạng so sánh chủ yếu [4], [5], [18]. Trong phân tích tình hình tài chính, phương pháp so sánh thường được sử dụng bằng cách so sánh ngang và so sánh dọc. So sánh ngang


là việc so sánh, đối chiếu tình hình biến động cả về số tuyệt đối và số tương đối trên từng chỉ tiêu; còn so sánh dọc là việc sử dụng các tỷ suất, các hệ số thể hiện mối tương quan giữa các chỉ tiêu.

Khi áp dụng phương pháp so sánh, nhà phân tích cần lưu ý: các chỉ tiêu sử dụng để so sánh phải thống nhất về nội dung và phương pháp phản ánh, về phương pháp tính toán, về thời gian và đơn vị đo lường. Đồng thời, phải xác định gốc so sánh, gốc so sánh thường được xác định theo thời gian và không gian (về mặt thời gian: có thể là kỳ kế hoạch, kỳ trước,.. Về mặt không gian có thể là tổng thể hay các bộ phận của tổng thể hay các đơn vị khác có cùng điều kiện tương ứng).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 296 trang tài liệu này.

Để phục vụ cho mục đích cụ thể của phân tích, phương pháp so sánh thường được sử dụng dưới các dạng như:

+ So sánh bằng số tuyệt đối: Khi so sánh bằng số tuyệt đối, các nhà phân tích sẽ biết được qui mô biến động của chỉ tiêu phân tích. Nói cách khác, so sánh bằng số tuyệt đối sẽ cung cấp thông tin về mức độ biến động (vượt hay hụt) của chỉ tiêu nghiên cứu giữa kỳ phân tích so với kỳ gốc biểu hiện bằng thước đo thích hợp.

Hoàn thiện phân tích tình hình tài chính của các công ty chứng khoán Việt Nam - 9

+ So sánh bằng số tương đối: Số tương đối phản ánh kết cấu, mối quan hệ, tốc độ phát triển và mức độ phổ biến của các chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu. Trong phân tích, các nhà phân tích thường sử dụng các dạng so sánh bằng số tương đối chủ yếu như: so sánh bằng số tương đối giản đơn, so sánh bằng số tương đối động thái, so sánh bằng số tương đối kết cấu, so sánh bằng số tương đối hiệu suất.

+ So sánh bằng số bình quân: Số bình quân san bằng mọi chênh lệch về trị số của chỉ tiêu nghiên cứu, nó phản ảnh mức độ bình quân hay đặc điểm điển hình của một bộ phận, một đơn vị,.. Khi so sánh bằng số bình quân, các nhà quản lý sẽ biết được mức độ mà CTCK đạt được so với bình quân chung của tổng thể, của ngành…Từ đó xác định được vị trí của CTCK.

- Phương pháp chi tiết chỉ tiêu phân tích:

Tất cả các chỉ tiêu kinh tế đều có thể chi tiết theo nhiều cách khác nhau, từ đó giúp có những đánh giá chính xác và toàn diện hơn. Vì thế, khi phân tích thì cần thiết chi tiết các chỉ tiêu phân tích thành những bộ phận nhỏ hơn [6], [16], [22], sau


đó mới tiến hành so sánh, xem xét từng bộ phận và mối quan hệ giữa bộ phận với tổng thể. Có thể chi tiết theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên có 3 cách phổ biến là:

+ Chi tiết theo thời gian: Nội dung kinh tế của chỉ tiêu có thể được chi tiết theo năm, quý, tháng,…Chi tiết theo thời gian cho biết nhịp độ, tốc độ phát triển, tính thời vụ trong một thời gian nhất định, từ đó có kế hoạch kinh doanh phù hợp và cân đối.

+ Chi tiết theo không gian: Các chỉ tiêu kinh tế sẽ được chi tiết theo các bộ phận, các phòng ban, các thị trường tiêu thụ. Từ đó, sẽ đánh giá được mức độ đóng góp và kết quả đạt được ở từng địa điểm cụ thể, xây dựng kế hoạch để phát triển thế mạnh ở từng nơi.

+ Chi tiết theo yếu tố cấu thành: Tức là chia một chỉ tiêu kinh tế thành nhiều bộ phận cấu thành, cho ta biết vai trò và tác động của từng bộ phận cấu thành đến chỉ tiêu tổng hợp.

Để có kết quả phân tích chính xác, đầy đủ và sâu sắc thì nên tiến hành kết hợp các chỉ tiêu phân tích theo thời gian, không gian và yếu tố cấu thành, vì giữa chúng có mối liên hệ bổ sung cho nhau.

- Phương pháp loại trừ:

Phương pháp này nhằm xác định mức độ ảnh hưởng lần lượt từng nhân tố đến chỉ tiêu phân tích và được thực hiện bằng cách: khi xác định sự ảnh hưởng của nhân tố này thì loại trừ ảnh hưởng của nhân tố khác. Đây là phương pháp được các nhà phân tích sử dụng phổ biến để đánh giá xu hướng và mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố độc lập đến các chỉ tiêu phân tích. Phương pháp loại trừ được thực hiện dưới 2 dạng:

+ Phương pháp thay thế liên hoàn: Phương pháp thay thế liên hoàn là phương pháp xác định ảnh hưởng của từng nhân tố đến sự biến động của chỉ tiêu phân tích bằng cách thay thế lần lượt (mỗi lần thay thế một nhân tố) các nhân tố từ giá trị kỳ gốc sang kỳ phân tích để xác định trị số của chỉ tiêu phân tích khi trị số của nhân tố thay đổi [5], [22]. Sau đó tính ra chênh lệch giữa kết quả thay thế nhân tố lần sau với kết quả thay thế nhân tố lần trước để xác định mức độ ảnh hưởng của


nhân tố đó đến chỉ tiêu phân tích. Điều kiện áp dụng phương pháp thay thế liên hoàn là chỉ tiêu phản ánh đối tượng phân tích và các nhân tố ảnh hưởng phải thể hiện dưới dạng tích số, thương số hoặc vừa tích số vừa thương số.

Phương pháp thay thế liên hoàn được thực hiện qua các bước như: Xác định chỉ tiêu phản ánh đối tượng phân tích, xác định các nhân tố ảnh hưởng đến chỉ tiêu phản ánh đối tượng phân tích, sắp xếp các nhân tố ảnh hưởng đến chỉ tiêu phản ánh đối tượng phân tích trong một công thức toán học theo thứ tự từ nhân tố số lượng đến nhân tố chất lượng, tiến hành thay thế lần lượt từng nhân tố ảnh hưởng đến chỉ tiêu phân tích,tổng hợp ảnh hưởng của các nhân tố đến sự biến động của chỉ tiêu phân tích giữa kỳ phân tích so với kỳ gốc và đưa ra các nhận xét, đánh giá sự biến động của chỉ tiêu phân tích cũng như sự ảnh hưởng của các nhân tố tác động.

+ Phương pháp số chênh lệch: Phương pháp số chênh lệch là một dạng đặc biệt của phương pháp thay thế liên hoàn [5], [6], [16]. Do đó, nó có nội dung, điều kiện áp dụng, các bước tiến hành tương tự như phương pháp thay thế liên hoàn, chỉ khác là khi xác định mức độ ảnh hưởng của nhân tố nào thì trực tiếp dùng số chênh lệch về giá trị kỳ phân tích so với kỳ gốc của nhân tố đó.

- Phương pháp liên hệ cân đối:

Cơ sở của phương pháp này là sự cân bằng về lượng giữa hai mặt của các yếu tố và quá trình kinh doanh, như sự cân bằng giữa tổng tài sản và tổng nguồn vốn, giữa thu và chi…. Khác với phương pháp số chênh lệch và phương pháp thay thế liên hoàn, phương pháp liên hệ cân đối được vận dụng để xác định mối quan hệ giữa các chỉ tiêu nhân tố với các chỉ tiêu phân tích được biểu hiện dưới dạng tổng số hoặc hiệu số. Khi xác định mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố ta chỉ cần tính mức chênh lệch của nhân tố ở hai kỳ. Giữa các nhân tố mang tính chất độc lập, tách biệt với nhau. Một sự biến đổi của từng nhân tố độc lập giữa các kỳ sẽ làm cho chỉ tiêu phân tích thay đổi một lượng tương ứng mà không cần phải đặt nhân tố đó trong các điều kiện giả định khác nhau. Do đó, trong phương pháp liên hệ cân đối không cần thiết phải qui định trật tự sắp xếp của các nhân tố ảnh hưởng [6], [22].


- Phương pháp Dupont:

Là phương pháp phân tích dựa trên mối quan hệ tương hỗ giữa các chỉ tiêu tài chính để biến đổi một chỉ tiêu tổng hợp thành một hàm số có nhiều biến số rồi thu thập số liệu liên quan, tính toán kết quả, nêu kết luận [6]. Các chỉ tiêu phân tích tài chính theo phương pháp Dupont đều có dạng một phân số, vì vậy, mỗi chỉ tiêu phân tích tình hình tài chính tăng hay giảm là phụ thuộc vào tử số và mẫu số của phân số đó. Ngoài ra, những chỉ tiêu phân tích tình hình tài chính còn ảnh hưởng lẫn nhau do việc chỉ tiêu gốc được trình bày bằng một số chỉ tiêu tài chính khác. Phương pháp Dupont kết hợp nhiều yếu tố của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và bảng cân đối kế toán, là kỹ thuật phân tích được sử dụng để phân tích khả năng sinh lợi.

Để vận dụng phương pháp Dupont, nhà phân tích thu thập số liệu liên quan từ bộ phận kế toán, sử dụng bảng tính để tính ra kết quả. Từ đó rút ra nhận xét và kết luận về kết quả tính toán. Phương pháp Dupont không yêu cầu trật tự sắp xếp các nhân tố ảnh hưởng phải tuân thủ quy định nào miễn là mối quan hệ giữa nhân tố ảnh hưởng với chỉ tiêu nghiên cứu là quan hệ tích số, các nhân tố có quan hệ chặt chẽ với nhau trong cách tính toán. Việc sử dụng phương pháp Dupont có một số điểm mạnh như: phương pháp này dễ vận dụng, kết quả dễ thuyết phục nhà quản lý đưa ra quyết định hữu ích để tăng hiệu quả kinh doanh. Đôi khi kết quả của việc sử dụng phương pháp Dupont cho thấy rằng công ty có thể tăng thêm lợi nhuận, bù đắp khả năng sinh lợi bằng cách tận dụng lợi thế nhờ quy mô, so sánh khả năng sinh lợi của công ty giữa các thời kỳ khác nhau hay giữa các công ty với nhau, so sánh với số bình quân ngành, bình quân khu vực. Tuy nhiên, tính chính xác của phương pháp phụ thuộc nhiều vào độ chính xác của số liệu, không xác định được mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến sự biến động của chỉ tiêu nghiên cứu giữa kỳ phân tích với kỳ gốc [7].

Phương pháp Dupont chỉ xác định được mức độ tác động của từng nhân tố đến kết quả từng kỳ và sự thay đổi của từng nhân tố tác động đến sự thay đổi của kết quả giữa các kỳ trong cùng công ty hay khi so sánh kết quả giữa các công ty với


nhau hoặc so sánh với kết quả bình quân ngành, bình quân khu vực. Do vậy, phương pháp Dupont nên vận dụng kết hợp với phương pháp liên hoàn hay phương pháp số chênh lệch khi phân tích nhân tố ảnh hưởng đến kết quả tài chính. Sự kết hợp này vừa giúp xác định được mức độ tác động cũng như xu hướng tác động của từng nhân tố đến kết quả tài chính [7].

Ngoài các phương pháp trên, phân tích tình hình tài chính còn sử dụng một số phương pháp khác như: Phương pháp hồi quy, phương pháp quy hoạch tuyến tính, phương pháp sử dụng mô hình kinh tế lượng, phương pháp phân tích tác nghiệp, phương pháp đồ thị, ... [16], [22].

Việc quyết định sử dụng một phương pháp nào đó hay kết hợp nhiều phương pháp với nhau là tùy thuộc vào mục đích phân tích, loại hình phân tích, điều kiện về vật chất và trình độ của người sử dụng để có thể khai thác tối đa thông tin của những chỉ tiêu phân tích tình hình tài chính.

2.2.4. Tổ chức phân tích tình hình tài chính của công ty chứng khoán

Tổ chức phân tích tình hình tài chính của CTCK được tiến hành với một số công đoạn mang tính trình tự như: Công tác chuẩn bị, tiến hành phân tích và kết thúc phân tích. Các công đoạn này nếu được thực hiện nghiêm túc, khoa học và chuyên nghiệp thì phân tích tình hình tài chính của CTCK sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho các đối tượng sử dụng.

2.2.4.1. Công tác chuẩn bị

Chuẩn bị phân tích là khâu công việc đầu tiên và rất quan trọng của tổ chức phân tích tình hình tài chính, nó ảnh hưởng đến chất lượng, thời hạn và tác dụng của việc cung cấp thông tin. Công tác chuẩn bị phân tích gồm có xây dựng kế hoạch phân tích và thu thập, xử lý tài liệu [4], [5], [6], [16], [22].

+ Xây dựng kế hoạch phân tích: Trong việc xây dựng kế hoạch phân tích phải đề cập đến những nội dung chủ yếu sau:

- Xác định loại hình phân tích: Kế hoạch phân tích phải nêu rõ sử dụng loại hình phân tích trước, phân tích tác nghiệp hay phân tích sau. Phân tích trước dùng để dự báo các chỉ tiêu tài chính trong tương lai để có chiến lược kinh doanh phù


hợp. Phân tích tác nghiệp là phân tích xảy ra đồng thời với quá trình kinh doanh nhằm giúp nhà quản lý kiểm soát quá trình kinh doanh và có biện pháp điều chỉnh những sai lệch kịp thời. Phân tích sau là phân tích sau khi kỳ kinh doanh kết thúc để đánh giá những kết quả đã đạt được, rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời là cơ sở để xây dựng kế hoạch cho kỳ kinh doanh tiếp sau.

- Xác định phạm vi phân tích: Kế hoạch phải nêu rõ là phân tích bộ phận hay phân tích tổng thể. Phân tích bộ phận có phạm vi giới hạn ở một hoặc một số bộ phận, nghiệp vụ kinh doanh cụ thể nào đó trong CTCK, hoặc là phân tích ở một số nội dung nào đó của phân tích tình hình tài chính. Phân tích tổng thể sẽ được tiến hành trên phạm vi toàn CTCK, hoặc trên tất cả các nội dung của phân tích tình hình tài chính.

- Xác định nội dung phân tích: Với mỗi đối tượng sử dụng thông tin khác nhau sẽ có nội phân tích không giống nhau. Do vậy, kế hoạch nên xác định rõ nội dung phân tích là gì, phục vụ cho đối tượng sử dụng thông tin nào (nhà quản lý, cổ đông hay tổ chức tín dụng…)

- Xác định thời gian tiến hành phân tích và phân công trách nhiệm: Kế hoạch phân tích cần có thời gian biểu cụ thể cho các công việc cũng như có bảng phân công công việc rõ ràng cho các cá nhân, bộ phận thực hiện kèm theo trách nhiệm ràng buộc.

- Xác định cách thức công bố thông tin phân tích: Thông tin phân tích có thể được công bố cho các đối tượng sử dụng qua một số phương tiện như báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình, trên Website công ty hoặc niêm yết tại trụ sở công ty... Thông tin phân tích được công bố cho các đối tượng sử dụng có thể là một phần thông tin hay toàn bộ thông tin.

+ Thu thập, xử lý tài liệu: Các tài liệu thu thập cần đáp ứng đầy đủ hai tiêu chí là số lượng và chất lượng. Tiêu chí số lượng yêu cầu phải thu thập đủ tài liệu, không thiếu cũng không thừa. Nếu thiếu sẽ dẫn đến các kết luận phân tích không xác đáng, nếu thừa sẽ tốn kém tiền của, thời gian và công sức, thậm chí dễ gây nhiễu thông tin. Tiêu chí chất lượng yêu cầu tài liệu thu thập phải thích hợp, đáng


tin cậy, đảm bảo tính hợp pháp và tính chính xác. Tài liệu có thể được thu thập từ nội bộ công ty như hệ thống báo cáo tài chính, các dự toán, các kế hoạch, báo cáo của Ban giám đốc, biên bản họp Hội đồng quản trị….Ngoài ra, có thể thu thập tài liệu ở bên ngoài như chiến lược phát triển ngành nghề kinh doanh, tình hình kinh tế của quốc gia và/hoặc quốc tế, chính sách pháp luật có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh...Tài liệu phân tích là nguồn nguyên liệu đầu vào của quy trình phân tích tình hình tài chính, góp phần quyết định đến chất lượng thông tin đầu ra.

2.2.4.2. Tiến hành phân tích

Tiến hành phân tích là quá trình thực hiện kế hoạch phân tích. Đây là giai đoạn triển khai và tổ chức thực hiện cụ thể các công việc đã xây dựng trong giai đoạn chuẩn bị phân tích. Ở giai đoạn này có sự kết hợp hài hòa giữa con người, phương pháp, công cụ và tài liệu thu thập để thu được các thông tin theo mục tiêu đề ra. Giai đoạn này gồm các công việc cơ bản như [4], [5], [6], [16], [22]:

+ Đánh giá khái quát tình hình: Đưa ra những nhận định sơ bộ về tình hình phân tích, sử dụng phương pháp so sánh để thực hiện đánh giá khái quát.

+ Phân tích nhân tố ảnh hưởng: Dựa trên mối quan hệ giữa chỉ tiêu phân tích với nhân tố ảnh hưởng sẽ xác định được mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến chỉ tiêu phân tích thông qua việc dùng một trong các phương pháp phân tích như phương pháp liên hệ cân đối, phương pháp thay thế liên hoàn hay phương pháp số chênh lệch.

+ Tổng hợp kết quả phân tích, rút ra nhận xét, kiến nghị: Nhà phân tích tiến hành tổng hợp kết quả phân tích. Trên cơ sở đó rút ra những nhận xét về tình hình tài chính của CTCK cũng như đề xuất một số kiến nghị thích hợp nhằm cải thiện hơn nữa tình hình tài chính trong tương lai.

2.2.4.3. Kết thúc phân tích

Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình phân tích. Giai đoạn này có 3 công việc chính: (1) nêu kết luận phân tích, (2) lập báo cáo phân tích và (3) hoàn thiện hồ sơ phân tích [4], [5], [6], [16], [22].

+ Nêu kết luận phân tích: Kết thúc quá trình phân tích, nhà phân tích cần nêu

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 30/08/2023