Hoàn thiện phân tích tình hình tài chính của các công ty chứng khoán Việt Nam - 4


độ tin cậy cao như: Quan điểm toàn diện và hệ thống, quan điểm phân tích động, quan điểm cụ thể, thực tế. Tác giả luận án đồng tình với những quan điểm để phân tích tài chính doanh nghiệp mà bài báo nêu, tuy nhiên, với hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính doanh nghiệp mà TS. Trần Quí Liên đưa ra chưa đầy đủ. Ngoài ra, bài báo chưa làm rõ được mối quan hệ giữa hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính doanh nghiệp với chất lượng kiểm toán, việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính nên được thực hiện như thế nào để đạt mục đích là “nhằm tăng cường công tác kiểm toán”. Đó là những vấn đề còn bỏ ngỏ mà tác giả luận án rất muốn có cơ hội được giải đáp để phục vụ cho đề tài nghiên cứu của mình.

Với quan điểm đồng nhất giữa tình hình tài chính với hoạt động tài chính và tài chính doanh nghiệp, có một số tác giả điển hình như các tác giả Ngô Thế Chi và Nguyễn Trọng Cơ. Các tác giả này quan niệm rằng tài chính doanh nghiệp cũng chính là tình hình tài chính, phân tích tài chính doanh nghiệp cũng là phân tích tình hình tài chính. Quan điểm này thể hiện trong cuốn “Giáo trình phân tích tài chính doanh nghiệp” (2008) [4]. Do vậy, những nội dung của phân tích tình hình tài chính theo quan điểm của các tác giả này bao gồm: (1) Phân tích chính sách tài chính, (2) Phân tích tình hình sử dụng vốn, (3) Phân tích tiềm lực tài chính, (4) Phân tích khả năng sinh lời, tăng trưởng và định giá doanh nghiệp, (5) Đầu tư và chiến lược tài chính. Có cùng quan điểm với các tác giả Ngô Thế Chi và Nguyễn Trọng Cơ là tác giả

Ngô Kim Phượng và cộng sự trong tác phẩm “Phân tích tài chính doanh nghiệp” (2010). Nhóm tác giả này cho rằng phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp bao gồm các công việc như phân tích nhu cầu vốn, cơ cấu nguồn vốn huy động, hiệu quả sử dụng vốn, bảo toàn và phát triển vốn… Phân tích tài chính doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào việc đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp dưới nhiều góc độ khác nhau [18]. Qua đây, tác giả luận án nhận thấy phân tích tình hình tài chính theo quan điểm này có nội dung chủ yếu xoay quanh hoạt động tài chính doanh nghiệp.

Một số tác giả nước ngoài theo quan điểm đồng nhất giữa tình hình tài chính với tài chính doanh nghiệp hay hoạt động tài chính doanh nghiệp như nhóm tác giả Cheng F. Lee , Joan C. Junkus (1983) với bài báo có tựa đề Financial analysis and


planning: an overview” [27]. Nhóm tác giả bài báo này tổng quan những công trình khoa học nghiên cứu liên quan đến phân tích tài chính đã công bố trước đó, đưa ra những bình luận về ưu, nhược điểm đối với những công trình tiêu biểu và nhóm tác giả Cheng F. Lee , Joan C. Junkus nêu lên một số điểm mới cho công trình của mình. Nhóm tác giả này khẳng định phân tích tài chính và lập kế hoạch kinh doanh có mối quan hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau, chúng không thể tách rời. Phân tích tài chính theo quan điểm của nhóm tác giả này có một số nội dung như phân tích hiệu quả sử dụng vốn, đầu tư và chiến lược tài chính vấn đề về đòn bẩy hoạt động – phân tích lợi nhuận mục tiêu, đòn bẩy tài chính, kế hoạch phát triển tài chính.

Năm 2008, nhóm tác giả Yiming Hu, Thomas W.Lin, Siqi Li với bài báo có tựa đề “An examination of factors affecting Chinese financial analyst’s information comprehension, analyzing ability, and job quality” [33] đã đề cập đến những nhân tố ảnh hưởng đến sự hiểu biết thông tin, khả năng phân tích và chất lượng công việc của nhà phân tích. Nhóm tác giả còn thể hiện tầm quan trọng của nghề phân tích tài chính. Ngoài ra, các tác giả này đưa ra một số mô hình lý thuyết vận dụng vào phân tích tài chính như mô hình định giá chứng khoán, mô hình chiết khấu dòng tiền, mô hình chiết khấu cổ tức, mô hình giá trị kinh tế gia tăng (EVA) và mô hình định giá tài sản vốn (CAPM).

Tác giả Erich A. Helfert với tác phẩm “Techniques of financial analysis – a modern approach – ninth edition” (1997) [28] đã thể hiện rõ nét phân tích tài chính là phân tích tình hình tài chính. Tác giả này đề cập đến hệ thống tài chính, quản lý quỹ tác nghiệp, đánh giá việc thực hiện kinh doanh, phân tích các quyết định đầu tư, chi phí, quyết định kinh doanh, lựa chọn cấp kinh phí, đánh giá kết quả kinh doanh. Tác phẩm có 9 chương, nội dung tập trung chủ yếu như: (1) Hệ thống báo cáo tài chính, (2) Quản lý các quỹ hoạt động, (3) Đòn bẩy hoạt động, (4) Phân tích quyết định đầu tư, (5) Chi phí vốn và quyết định kinh doanh, (6) Phân tích các lựa chọn tài chính, (7) Giá trị kinh doanh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 296 trang tài liệu này.

Khác với quan điểm đồng nhất giữa tình hình tài chính với tài chính doanh nghiệp và hoạt động tài chính, các tác giả Nguyễn Thu Hằng và Nguyễn Năng Phúc


Hoàn thiện phân tích tình hình tài chính của các công ty chứng khoán Việt Nam - 4

trong bài báo với tựa đề “Đánh giá khái quát tình hình tài chính trong các Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam (Tạp chí Kinh tế & Phát triển, năm 2011) đã trình bày một nội dung nhỏ của phân tích tình hình tài chính trong lĩnh vực Ngân hàng thương mại cổ phần [8]. Trong bài báo, các tác giả đã kiến nghị hệ thống chỉ tiêu đánh giá khái quát tình hình tài chính trong các ngân hàng thương mại cổ phần. Tác giả luận án nhận thấy bài báo đã cung cấp những thông tin hữu ích về đánh giá khái quát tình hình tài chính trong lĩnh vực ngân hàng thương mại cổ phần. Đồng thời, ngân hàng thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính nên cũng có những điểm tương đồng với ngành kinh doanh chứng khoán. Đây là điều kiện thuận lợi để tác giả luận án tham khảo và vận dụng vào đề tài nghiên cứu của mình.

Tác giả Nguyễn Ngọc Quang thể hiện quan điểm trên trong luận án với đề tài “Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính trong các doanh nghiệp xây dựng của Việt Nam” của tác giả Nguyễn Ngọc Quang (năm 2002) [21]. Từ những đặc điểm đặc thù của doanh nghiệp xây dựng, tác giả Nguyễn Ngọc Quang đã trình bày hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính trong doanh nghiệp xây dựng. Luận án của tác giả Nguyễn Ngọc Quang đã vận dụng cơ sở lý luận chung của phân tích tài chính vào một ngành kinh doanh cụ thể là ngành xây dựng với những đặc thù riêng có.

Quan điểm trên cũng được tác giả Trần Thị Minh Hương thể hiện trong luận án với đề tài “Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam” [10] thể hiện sự khác nhau giữa tình tình tài chính với tài chính doanh nghiệp hay hoạt động tài chính. Luận án của tác giả Minh Hương nghiên cứu về lĩnh vực kinh doanh dịch vụ - cụ thể là dịch vụ hàng không - nên đã cung cấp một số kiến thức bổ ích phục vụ đề tài nghiên cứu về lĩnh vực dịch vụ tài chính cho tác giả. Đây là những điểm nên được tác giả luận án tham khảo.

Bên cạnh các bài báo khoa học, các luận án tiến sĩ còn có các giáo trình đề cập đến quan điểm phân định giữa tình hình tài chính với tài chính doanh nghiệp và hoạt động tài chính. PGS. TS. Nguyễn Văn Công cho rằng: “Tình hình tài chính của doanh nghiệp thể hiện tình trạng hay thực trạng tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm. Tình hình tài chính của doanh nghiệp tốt hay xấu, khả quan hay bi đát thể


hiện rõ nét chất lượng của toàn bộ hoạt động mà doanh nghiệp đã tiến hành” [5, tr.233], [6, tr.91]. Tác giả đã làm rõ điểm khác nhau giữa hoạt động tài chính và tình hình tài chính, theo đó, hoạt động tài chính là những hoạt động liên quan đến việc thay đổi quy mô và kết cấu vốn chủ sở hữu và vốn vay, còn tình hình tài chính thể hiện tình trạng hay thực trạng tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm và nó phản ánh kết quả của tất cả các hoạt động mà doanh nghiệp tiến hành. Vì vậy, tác giả cũng đề cập đến những nội dung của phân tích tình hình tài chính như đánh giá khái quát tình hình tài chính, phân tích cấu trúc tài chính, phân tích tình hình và khả năng thanh toán, phân tích hiệu quả kinh doanh, phân tích rủi ro tài chính, dự báo nhu cầu tài chính. Tác giả luận án đồng tình với quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Công về phân tích tình hình tài chính. Tuy nhiên, tác giả luận án cho rằng: Phân tích tình hình tài chính không chỉ thể hiện trạng thái tài chính tại một thời điểm mà còn thể hiện cho cả một thời kỳ hay một khoảng thời gian xác định, ngoài ra nó còn gắn với một không gian hoặc địa điểm cụ thể.

Tác giả Nguyễn Năng Phúc cũng cho rằng tình hình tài chính doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp hay hoạt động tài chính doanh nghiệp là những phạm trù khác nhau. Tác giả này cho rằng những thông tin tình hình tài chính của doanh nghiệp được cung cấp trong quá trình phân tích báo cáo tài chính [16]. Những nội dung phân tích báo cáo tài chính được tác giả trình bày cụ thể về các chỉ tiêu phân tích sử dụng, ý nghĩa từng chỉ tiêu, công thức xác định chỉ tiêu và nguồn dữ liệu để tính chỉ tiêu. Tác giả luận án nhận thấy, theo quan điểm của tác giả Nguyễn Năng Phúc thì phân tích tình hình tài chính cũng chính là phân tích báo cáo tài chính. Tuy nhiên, tác giả luận án cho rằng phân tích báo cáo tài chính chỉ sử dụng cơ sở dữ liệu là hệ thống báo cáo tài chính; còn phân tích tình hình tài chính thì bên cạnh hệ thống báo cáo tài chính là cơ sở dữ liệu chính còn có báo cáo kế toán quản trị, báo cáo thường niên, báo cáo kiểm toán, báo cáo vốn chủ sở hữu, kế hoạch tài chính các văn bản, chính sách của Nhà nước, thông tin về tình hình phát triển kinh tế quốc gia, các thông tin về ngành nghề kinh doanh ở trong nước và quốc tế....

Cùng quan điểm với tác giả Nguyễn Năng Phúc, tác giả Nguyễn Ngọc Quang


cũng cho rằng thông tin tình hình tài chính của doanh nghiệp là kết quả của quá trình phân tích báo cáo tài chính [22].

Bên cạnh những tác giả trong nước, còn có một số tác giả điển hình của nước ngoài có cùng quan điểm về sự không đồng nhất giữa tình hình tài chính với tài chính doanh nghiệp. Các tác giả cũng đã thể hiện qua các công trình khoa học dưới dạng sách, các bài báo trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế.

Tác giả Bernstein A. Leopold với tác phẩm “Financial statement analysis: theory, application and interpretation- Fifth Edition” (1989) [26] cho rằng phân tích báo cáo tài chính sẽ mang đến những thông tin tài chính của công ty.

Nhóm tác giả John J. Wild, K.R. Subramanyam, Robert F. Halsey đã xuất bản cuốn sách “Financial statement analysis – 9th edition” (2007) [29], và nhấn mạnh phân tích báo cáo tài chính cung cấp thông tin về tình hình tài chính của một doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể dự báo những rủi ro tài chính có thể xảy ra. Nhóm tác giả trình bày tổng quan về phân tích báo cáo tài chính, phân tích hoạt động tài chính, các hoạt động đầu tư và hợp tác đầu tư quốc tế. Ngoài ra, còn nghiên cứu sự lưu thông tiền tệ, đầu tư vốn và sử dụng thẻ tín dụng

Năm 2004, tác giả Stephen H. Penman cho ra đời tác phẩm “Financial statement analysis and security valuation – second edition” [31]. Nội dung chính của tác phẩm cũng có những điểm tương đồng với những tác phẩm của tác giả Bernstein

A. Leopold và nhóm tác giả giả John J. Wild, K.R. Subramanyam, Robert F. Halsey. Tuy nhiên, tác giả Stephen H. Penman đề cập đến một vấn đề mới là mối quan hệ giữa phân tích báo cáo tài chính với việc định giá chứng khoán. Tác giả cho rằng sử dụng các đánh giá kế toán trong báo cáo tài chính để phân tích các rủi ro trên thị trường chứng khoán. Thông tin được cung cấp từ phân tích báo cáo tài chính có ảnh hưởng nhất định đến an toàn tài chính của công ty, không những thế nó còn tác động đến việc hình thành nên giá cả của chứng khoán. Nhà đầu tư khi sử dụng thông tin tài chính có giá trị thì có những quyết định cho việc đặt lệnh mua hay bán một chứng khoán nào đó với một mức giá phù hợp, điều này tạo nên một mặt bằng giá chứng khoán mới. Có thể nói đây đóng góp rất hữu ích và phù hợp với hầu hết những công


ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Vào năm 1995, một tổ chức có tên Latin America Training and Development Center đã cho ra đời tác phẩm có tên “Financial statement analysis” [30]. Tác phẩm trình bày những phân loại kế toán trong phân tích tài chính như kế toán quản trị, kế toán thuế, kế toán tài chính. Ngoài ra còn nêu rõ những nguyên tắc kế toán chung được thừa nhận; những nhân tố của môi trường như nền kinh tế vĩ mô, tính mùa vụ, độc quyền, tài sản vô hình, nợ phải trả, ảnh hưởng của lạm phát lên bảng cân đối kế toán, ảnh hưởng của lạm phát lên báo cáo thu nhập, kế toán lạm phát, kế toán tiền tệ, so sánh các báo cáo tài chính, kinh nghiệm của Brazil. Tác phẩm nêu ra những nhận thức cơ bản về phân tích tài chính như tính thanh khoản, các loại vốn lưu động, báo cáo ngân quỹ, những giới hạn của báo cáo tài chính, các yếu tố rủi ro kinh doanh, các kỹ năng phân tích. Đồng thời, tác phẩm còn đề cập đến các tỷ số tài chính như tỷ số về tính thanh khoản, tỷ số về đòn bẩy, tỷ số về doanh thu, tỷ số về lợi nhuận. Trên cơ sở những lý luận đưa ra, tác phẩm trình bày sự vận dụng phân tích tài chính vào nghiên cứu tình huống cho một số công ty cụ thể.

Từ những phân tích trên, tác giả luận án cho rằng: Tình hình tài chính hoàn toàn khác với hoạt động tài chính. Hoạt động tài chính cùng với hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư là 3 hoạt động cơ bản của bất kỳ một doanh nghiệp nào. Kết quả của các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình tài chính của doanh nghiệp. Như vậy, tình hình tài chính của doanh nghiệp phản ánh tình trạng tài chính tại một thời điểm mà tình trạng đó là kết quả tất yếu của cả một quá trình hoạt động tạo thành. Do đó, cần có sự chọn lọc và vận dụng thích hợp trong luận án.

Các công trình khoa học này nghiên cứu các chỉ tiêu tài chính cho một ngành cụ thể như ngành xây dựng, ngành hàng không, ngành giao thông đường bộ hay lĩnh vực thương mại; các tác giả đã vận dụng cơ sở lý luận chung về phân tích tài chính vào một ngành nghề kinh doanh cụ thể, vì vậy đã làm cho các chỉ tiêu tài chính trở nên phong phú và hữu ích hơn.

Theo quan điểm của tác giả luận án, phân tích tình hình tài chính là sử dụng các phương pháp kỹ thuật để đánh giá trạng thái tài chính của doanh nghiệp tại một


thời điểm hoặc một thời kỳ đã qua cũng như đề ra những chỉ tiêu dự báo tài chính trong tương lai, gắn liền với một không gian xác định, sử dụng báo cáo tài chính làm cơ sở dữ liệu chính để phân tích.

Qua những nghiên cứu nêu trên có thể thấy rằng phân tích tình hình tài chính là một vấn đề được rất nhiều nhà khoa học đến từ các trường đại học danh tiếng quan tâm nghiên cứu, nó đã tạo ra một nền tảng lý luận vững chắc cho các nghiên cứu tiếp sau cũng như là kim chỉ nam cho những ứng dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, các công trình đã công bố chỉ tập trung nghiên cứu về phân tích tình hình tài chính cho tất cả công ty nói chung, những kiến thức lý luận đó không đề cập sâu vào một ngành nghề kinh doanh cụ thể. Nhưng thực tiễn đôi khi lại nảy sinh những vấn đề mới làm cho cở sở lý thuyết phải ít nhiều thay đổi để phù hợp hơn. Trong thời đại mà ngành dịch vụ tài chính, thị trường tài chính, thị trường chứng khoán cùng với CTCK tất yếu ra đời và tồn tại cùng với sự phát triển kinh tế của một quốc gia thì việc nghiên cứu phân tích tình hình tài chính áp dụng trong các CTCK là một vấn đề có ý nghĩa lớn và cấp thiết. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bất kỳ một công trình khoa học nào đề cập đến vấn đề này. Vì vậy, tác giả sẽ nghiên cứu sâu nội dung này; trên cở sở khung lý thuyết đã nêu ở các công trình trước, từ đó nghiên cứu vào lĩnh vực kinh doanh đặc thù – lĩnh vực kinh doanh chứng khoán. Đây chính là khoảng trống cần nghiên cứu của luận án.


KẾT LUẬN CHƯƠNG 1


Trong Chương này, tác giả luận án đã nghiên cứu một số công trình khoa học tiêu biểu liên quan đến phân tích tình hình tài chính cả trong nước lẫn nước ngoài. Các công trình khoa học đó bao gồm sách chuyên khảo, giáo trình, luận án và bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước và quốc tế.

Tác giả luận án nhận thấy có hai quan điểm chủ yếu về phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp là: (1) Đồng nhất giữa tình hình tài chính với hoạt động tài chính và tài chính doanh nghiệp, (2) Phân định giữa tình hình tài chính với tài chính doanh nghiệp và hoạt động tài chính. Theo quan điểm của tác giả luận án thì tình hình tài chính khác với tài chính doanh nghiệp và hoạt động tài chính.

Trên cơ sở nghiên cứu các công trình nghiên cứu liên quan, tác giả luận án phát hiện ra khoảng trống nghiên cứu của đề tài, đồng thời rút ra được một số vấn đề hữu ích nhằm vận dụng cho luận án.

Xem tất cả 296 trang.

Ngày đăng: 30/08/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí