Thu Nhận, Xử Lý Và Phân Tích Thông Tin Thực Hiện Gắn Với Chức Năng Kiểm Soát, Đánh Giá Của Nhà Quản Trị Trong Các Công Ty Lâm Nghiệp Trên Địa Bàn

Chi phí chung được tính bằng 5% chi phí trực tiếp, thu nhập chịu thuế tính trước được tính bằng 5,5% tổng chi phí trực tiếp và chi phí chung, chi phí quản lý được tính bằng 3% của tổng chi phí trực tiếp, chi phí chung và thu nhập chịu thuế tính trước.

Kết quả khảo sát tại Phụ lục 1E cho thấy, quy trình lập dự toán chi phí và doanh thu thu tại các CTLN trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đều được thực hiện theo mô hình từ trên xuống, tức là trên giao kế hoạch, cấp dưới căn cứ vào chỉ tiêu được giao để dự toán cụ thể cho bộ phận của mình nhằm thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch.

Kết quả điều tra thực tế cũng cho thấy, các CTLN không thực hiện xây dựng dự toán chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Đối với dự toán kết quả kinh doanh, hầu hết các CTLN trên địa bàn tỉnh không xây dựng dự toán cụ thể nhưng chỉ tiêu kết quả kinh doanh dự kiến của các công ty được thể hiện thông qua chỉ tiêu lợi nhuận kế toán trước thuế được trình bày trong kế hoạch sản xuất đầu năm.

Minh họa chỉ tiêu kết quả kinh doanh dự kiến trong Báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tại Phụ lục 2.9

Chỉ có CTLN Sơn Dương và CTLN Chiêm Hóa xây dựng dự toán dưới dạng kế hoạch sản xuất kinh doanh chi tiết đối với các chỉ tiêu như: sản lượng sản phẩm sản xuất (chủ yếu), sản lượng sản phẩm tiêu thụ (chủ yếu), doanh thu, tổng chi phí, tổng lợi nhuận, tổng quỹ lương… Việc xây dựng được căn cứ trên thông tin thực hiện của giai đoạn 2016-2020, thông tin thực hiện SXKD 6 tháng đầu năm, thông tin kế hoạch năm 2021, kết quả đánh giá thực hiện 6 tháng đầu năm 2021, điều kiện thực hiện nhiệm vụ năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tới thị trường gỗ rừng trồng, thông tin dự báo về xu hướng giá gỗ và các văn bản chính sách của Nhà nước như: văn bản số 2529/UBND-TH ngày 24/7/2021 của UBND tỉnh, văn bản số 1292/SKH-THQH ngày 27/7/2021 của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tuyên Quang và các văn bản do địa phương mà doanh nghiệp có trụ sở kinh doanh ban hành. Dự toán có sự so sánh chi tiết số liệu thực hiện năm 2021 so với năm 2020, ước thực hiện năm 2021 so với kế hoạch năm 2021, kế hoạch năm 2022 so với ước thực hiện năm 2021. Căn cứ vào kết quả so sánh để đưa ra giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2022.

Minh hoạ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 tại Phụ lục 2.34

(*) Đối với công tác giao khoán sản xuất

+ Hệ thống định mức giao khoán

Kết quả khảo sát tại Phụ lục 1E cho biết 100% ý kiến trả lời rằng công ty có xây dựng định mức giao khoán trồng rừng. Hệ thống định mức giao khoán được xây dựng nhằm các mục đích:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 203 trang tài liệu này.

- Sử dụng có hiệu quả và bền vững tài nguyên đất, rừng.

- Huy động nguồn vốn, lao động của bên nhận khoán thực hiện trồng rừng sản xuất theo hướng thâm canh, nhằm nâng cao hiệu quả SXKD.

Hoàn thiện kế toán quản trị trong các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang - 16

- Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bên nhận khoán và bên giao khoán, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và hộ nhận khoán.

Kết quả khảo sát cho thấy có 75% ý kiến trả lời công ty thực hiện giao khoán cả chu kỳ cây trồng, 25% ý kiến cho biết công ty thực hiện cả 2 hình thức giao khoán theo công đoạn và giao khoán cả chu kỳ. Các CTLN thực hiện giao khoán cả chu kỳ cây trồng tập trung ở các CTLN quy mô siêu nhỏ có nguồn lực tài chính hạn chế và các CTLN vừa chuyển đổi mô hình kinh doanh vẫn chưa giải quyết dứt điểm vấn đề thiếu vốn sản xuất.

Kết quả phỏng vấn sâu tại Hộp 2.6 cho biết tình hình khoán cả chu kỳ cây trồng tại CTLN Yên Sơn, tình trạng này cũng tương tự đối với các CTLN vừa chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Hộp 2. 6. Các CTLN thực hiện khoán cả chu kỳ cây trồng


Hiện nay, công ty vẫn đang trong tình trạng thiếu vốn sản xuất, tỷ lệ góp vốn của thành viên thứ 2 vẫn ở mức thấp (vốn điều lệ của công ty là 29 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 23,8 tỷ, chiếm 82,07% vốn; thành viên thứ 2 góp 5,2 tỷ đồng, chiếm 17,93% vốn). Do đó, để đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh, công ty thực hiện hình thức khoán ổn định theo chu kỳ cây trồng (từ khi trồng đến khi rừng đủ tuổi khai thác) nhằm huy động nguồn lực bên ngoài.

Chu kỳ kinh doanh: tối đa 6 năm đối với loài cây Bạch đàn mô dòng DH 3226, tối đa 7 năm đối với Keo lai giâm hom, tối đa 10 năm đối với loài cây Keo lai mô và Keo tai tượng.

Chu kỳ này có thể được rút ngắn hoặc kéo dài theo yêu cầu của cấp trên hoặc do nhu cầu của thị trường.

Nguồn: Phỏng vấn Ông Trần Xuân Quảng, Giám đốc CTLN Yên Sơn

Đối tượng nhận khoán trồng rừng sản xuất bao gồm: cán bộ công nhân viên trong công ty, các tổ chức, cá nhân, hộ nhân dân địa phương. Do đó, các CTLN quy mô nhỏ và vừa sẽ có 2 loại định mức giao khoán là định mức giao khoán trồng rừng cho đối tượng công nhân và định mức giao khoán trồng rừng cho đối tượng nhân dân. Đối với các CTLN quy mô siêu nhỏ chỉ xây dựng duy nhất định mức giao khoán trồng rừng với đối tượng nhân dân.

Trong quá trình xây dựng định mức giao khoán, các CTLN cũng xây dựng dự toán chi phí đầu tư cho 1ha rừng trồng phù hợp với chu kỳ và loài cây trồng, đồng thời xác định giá trị mỗi bên đầu tư theo tỷ lệ vốn góp quy định.

Minh họa định mức và dự toán chi phí giao khoán trồng Bạch đàn U6, đối tượng: công nhân, mật độ trồng: 1.660 cây/ha, tại Phụ lục 2.26

Minh họa định mức và dự toán chi phí giao khoán trồng Keo hom, đối tượng: nhân dân, mật độ trồng: 1.660 cây/ha, tại Phụ lục 2.27

Các CTLN còn lại thực hiện giao khoán theo cả 2 hình thức, tuy nhiên, định mức giao khoán được xây dựng cho cả chu kỳ cây trồng và được chia theo từng công đoạn, do đó, các công ty chỉ xây dựng định mức cho cả chu kỳ cây trồng và áp dụng định mức giao khoán công đoạn tương ứng cho hợp đồng giao khoán công đoạn đó.

+ Giao nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch sản xuất cho các đơn vị trực thuộc Trên cơ sở mục tiêu, kế hoạch sản xuất năm, các CTLN có các đơn vị trực

thuộc tiến hành giao nhiệm vụ và chỉ tiêu kế hoạch sản xuất năm. Cụ thể:

- Các phòng chuyên môn nghiệp vụ, đội sản xuất lập kế hoạch thực hiện chỉ tiêu theo chức năng, nhiệm vụ.

- Phòng Kế hoạch – Kỹ thuật xây dựng chỉ tiêu kế hoạch theo tháng, quý, năm và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chỉ tiêu kế hoạch.

- Phòng Kế toán chuẩn bị nguồn vốn phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh.

- Các đội sản xuất quản lý chặt chẽ diện tích đất được giao, chủ động tổ chức sản xuất theo kế hoạch.

Minh họa Biểu giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh tại Phụ lục 2.28

2.3.1.3. Thu nhận, xử lý và phân tích thông tin thực hiện gắn với chức năng kiểm soát, đánh giá của nhà quản trị trong các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

(*) Thu nhận, xử lý thông tin thực hiện gắn với chức năng kiểm soát, đánh giá của nhà quản trị trong các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

* Thu nhận, xử lý thông tin thực hiện về các yếu tố đầu vào sản xuất kinh

doanh


+ Thu nhận, xử lý thông tin thực hiện về hàng tồn kho

Do các CTLN đều tổ chức KTQT theo mô hình kết hợp với kế toán tài chính

nên quá trình thu nhận thông tin KTQT HTK được thực hiện lồng ghép và có sự phối hợp với các bộ phận chức năng khác. Các CTLN thu thập thông tin HTK từ 2 nguồn là dữ liệu được kế toán ghi chép trên các chứng từ gốc và thông tin ghi nhận từ các bộ phận hạch toán nghiệp vụ.

Các CTLN đều áp dụng đầy đủ hệ thống chứng từ kế toán HTK theo quy định của Nhà nước. Kết quả điều tra thực tế cho thấy, để thu thập thông tin phục vụ cho việc xử lý, tổng hợp tình hình HTK, hầu hết các CTLN đều sử dụng hệ thống chứng từ HTK của kế toán tài chính, không phân biệt các chỉ tiêu chi tiết hay cụ thể trên chứng từ kế toán, doanh nghiệp cũng không tự xây dựng thêm các chứng từ phù hợp với đặc điểm SXKD và nhu cầu ghi nhận HTK phục vụ yêu cầu KTQT của đơn vị. Cụ thể như sau:

- Thu nhận thông tin về nhập kho: KTQT sử dụng các chứng từ như: Biên bản kiểm nghiệm vật tư; Phiếu nhập kho; Bảng kê mua hàng; Hợp đồng mua hàng, thẻ kho, Hóa đơn GTGT,...

- Thu nhận thông tin về xuất kho: KTQT sử dụng các chứng từ như Phiếu xuất kho, Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ Bảng phân bổ hàng tồn kho, Phiếu báo vật tư còn lại cuối kỳ, Phiếu theo dõi vật tư theo hạn mức,...

- Thu nhận thông tin khi kiểm kê: KTQT sử dụng Biên bản kiểm kê vật tư, CCDC, thành phẩm cùng các loại chứng từ liên quan đến quá trình mua hàng, xuất kho, đây cũng là cơ sở pháp lý để kế toán ghi sổ kế toán. Các thông tin biến động về HTK phát hiện khi kiểm kê sẽ được KTQT tính toán, ghi chép đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, đối chiếu, so sánh số liệu giữa thực tế và kế hoạch.

Minh họa Biểu kiểm kê rừng trồng tại Phụ lục 2.37

Hệ thống TKKT sử dụng trong KTQT HTK tại các CTLN được xây dựng dựa trên hệ thống TKKT của kế toán tài chính. Các tài khoản đều được mở chi tiết đến cấp 2,3,4,... phù hợp với đặc điểm cũng như hoạt động SXKD và yêu cầu quản lý. NVL xuất dùng trực tiếp cho trồng rừng đều được kế toán tại các CTLN phản ánh trên TK 152 “Nguyên liệu, vật liệu”, TK 154 “Sản phẩm dở dang” và TK 155 “Thành phẩm” để theo dõi sự biến động về HTK.

Các sổ chi tiết HTK trong các CTLN đều được mở tương ứng với hệ thống tài khoản kế toán chi tiết đã thiết lập tại đơn vị. Tuy nhiên, 100% các CTLN không tổ chức xây dựng riêng hệ thống sổ chi tiết HTK của KTQT mà sử dụng hệ thống sổ kế toán HTK của kế toán tài chính. Bên cạnh đó, các CTLN chỉ mở sổ chi tiết theo từng nhóm HTK mà chưa chi tiết cho từng loại HTK làm cho việc quản lý HTK tại các công ty gặp khó khăn. Mặt khác, các sổ chi tiết theo dõi cho HTK còn đơn giản, thiếu nhiều nội dung quản lý nên làm hạn chế việc quản lý và kiểm soát HTK.

Ngoài ra, các CTLN cũng thực hiện lập các loại bảng biểu chi tiết giúp phản ánh tình hình HTK như: Bảng kê tình hình nhập, xuất HTK theo từng hóa đơn và tổng hợp theo từng loại HTK.

Minh họa tại Phụ lục 2.11.a – Phụ lục.2.11.c và Phụ lục 2.13.

Các bảng kê được lập với mục đích tổng hợp số lượng nhập, xuất, tồn theo từng kho HTK, từng loại HTK và từng đội sản xuất, từ đó giúp kế toán dễ dàng trong việc kiểm tra, đối chiếu với kế hoạch SXKD. Thông qua đó, nhà quản trị sẽ xác định được tình hình HTK thực tế có theo đúng kế hoạch hay không để có tác động điều chỉnh.

Minh họa Bảng tổng hợp xuất cây giống cho các đội sản xuất năm 2021 (chi tiết cây giống tự sản xuất và cây giống mua ngoài) tại Phụ lục 2.35

+ Thu nhận, xử lý thông tin thực hiện về nguồn nhân lực

Cũng như các phần hành KTQT khác, KTQT nguồn nhân lực của các CTLN cũng căn cứ vào hệ thống chứng từ, tài khoản, sổ sách của bộ phận kế toán tài chính để thu thập thông tin thực hiện, bao gồm: Bảng chấm công (Phụ lục 2.14), Bảng thanh toán lương nhân viên (Phụ lục 2.15), bảng thanh toán tiền thuê ngoài (Phụ lục 2.16),

Ngoài ra KTQT cũng sử dụng các thông tin được cung cấp từ bộ phận phụ trách nhân sự của công ty như biểu thống kê, phân loại lao động theo độ tuổi, giới tính, trình độ, bộ phận.

Minh họa Biểu thống kê, phân loại lao động năm 2019 tại Phụ lục 2.17.

Sau đó, các thông tin này sẽ được KTQT tổng hợp theo yêu cầu quản trị thông tin về tình hình hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, tình hình chi phí cho sử dụng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, theo kết quả phỏng vấn sâu, KTQT tại các CTLN chủ yếu tập trung vào việc thu thập và xử lý thông tin phục vụ cho nhu cầu thông tin về tình hình sử dụng nguồn nhân lực, trong đó chủ yếu là lương, thưởng và thu nhập khác.

Hộp 2. 7. KTQT tập trung thu thập thông tin về sử dụng nguồn nhân lực


Hằng năm, Công ty cần công khai tình hình quỹ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp và báo cáo với UBND tỉnh, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong đó, báo cáo cần thể hiện rõ số liệu thực hiện và số liệu kế hoạch, do đó, chúng tôi cần thu thập toàn bộ các thông tin liên quan về việc chi trả tiền lương, thù lao và tiền thưởng đã thực hiện trong năm tài chính.

Nguồn: Phỏng vấn Ông Nguyễn Trung Thành, KTT CTLN Sơn Dương

Để phục vụ cho công tác xử lý thông tin về nguồn nhân lực, kế toán sử dụng các quy định, quy chế về việc trả lương, thù lao, tiền thưởng và quy chế sử dụng quỹ khen thưởng.

Minh họa Quy định xây dựng đơn giá tiền lương và xác định quỹ tiền lương kế hoạch tại Phụ lục 2.29

+ Thu nhận, xử lý thông tin thực hiện về tài sản cố định

Kết quả điều tra thực tế cho thấy, các CTLN trên địa bàn tỉnh đều thu thập thông tin thực hiện thông qua hệ thống chứng từ, tài khoản, sổ sách kế toán của hệ thống kế toán tài chính.

Để theo dõi và quản lý TSCĐ, kế toán sử dụng Bảng kê TSCĐ, trong đó theo dõi các TSCĐ gồm nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và dụng cụ quản lý. Các TSCĐ này chủ yếu phục vụ cho công tác quản lý, không sử dụng cho hoạt động sản xuất lâm nghiệp.

Minh họa Bảng kê tài sản cố định năm 2021 tại Phụ lục 2.36

Ngoài ra, hằng năm, các công ty được Nhà nước giao đất trồng rừng (chiếm tỷ lệ 66,7% số CTLN được khảo sát) thực hiện thống kê hiện trạng đất lâm nghiệp theo hệ thống và đảm bảo đúng quy định. Các CTLN nói trên lập bảng hiện trạng sử dụng đất nhằm phân bổ các loại đất theo các chỉ tiêu kiểm kê, theo mục đích sử dụng tại thời điểm kiểm kê và được lập theo từng đội sản xuất.

Minh hoạ hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp tại Phụ lục 2.22

Quá trình xử lý thông tin KTQT được thực hiện kết hợp cùng với quá trình xử lý thông tin kế toán tài chính. Đối với việc xử lý thông tin KTQT về TSCĐ, hầu hết các công ty được khảo sát tập trung chủ yếu vào mục tiêu quản trị ở các cấp, kiểm soát quá trình thực hiện.

Trước khi thực hiện chuyển đổi mô hình kinh doanh, các CTLN đều thực hiện đánh giá lại TSCĐ để làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp. Việc đánh giá lại giá trị TSCĐ được căn cứ vào các quy định sau:

- Công văn số 1326/BXD-QLN ngày 8/8/2011 của Bộ Xây dựng;

- Công văn số 6096/BGTVT-KHCN ngày 28/9/2011 của Bộ Giao thông vận tải;

- Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC ngày 22/4/2015 của Bộ Nông nghiệp & PTNT và Bộ Tài chính;

Minh họa Kết quả đánh giá lại TSCĐtại Phụ lục 2.24

* Thu nhận, xử lý thông tin thực hiện về chi phí, doanh thu và kết quả kinh doanh

+ Thu nhận thông tin thực hiện

Hiện nay, các CTLN trên địa bàn tỉnh đều thực hiện thu thập thông tin về chi phí, doanh thu và kết quả kinh doanh thông qua chứng từ, tài khoản và sổ sách kế toán của hệ thống kế toán tài chính mà hệ thống này chỉ hoạt động để phục vụ cung cấp thông tin về kế toán tài chính, dẫn tới việc cung cấp thông tin KTQT cho nhà quản trị thực hiện chức năng quản lý còn nhiều hạn chế.

- Chứng từ kế toán, có thể kể đến một số chứng từ như sau:

Chứng từ kế toán dùng để phản ánh CPNVLTT như: Giấy đề nghị xuất vật tư; Bảng định mức tiêu hao vật tư dùng để theo dõi tình hình xuất NVL cho các đội sản xuất phục vụ quá trình sản xuất GNL; Phiếu xuất kho vật tư; …

Chứng từ kế toán dùng để phản ánh CPNCTT như: Bảng chấm công; Phiếu xác nhận sản phẩm hoặc công việc hoàn thành; Bảng chấm công làm thêm giờ; Bảng thanh toán tiền lương,… Đối với hoạt động khoán, kế toán sử dụng hợp đồng giao khoán.

Chứng từ kế toán phản ánh chi phí sản xuất chung, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp bao gồm: Bảng chấm công; Phiếu xác nhận sản phẩm hoặc công việc hoàn thành; Bảng chấm công làm thêm giờ; Bảng thanh toán tiền lương; Bảng phân bổ nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ; các loại hóa đơn chi phí dịch vụ mua ngoài, quảng cáo, tuyên truyền, hội họp …

Chứng từ kế toán phản ánh giá vốn hàng bán như: Biên bản nghiệm thu hạng mục rừng trồng; Biên bản thanh lý hợp đồng Biên bản bàn giao rừng.

Chứng từ kế toán phản ánh doanh thu bao gồm: Biên bản nghiệm thu rừng trồng; Hồ sơ đấu giá/đấu thầu; Biên bản kết quả đấu giá; Hợp đồng kinh tế; các chứng từ khác có liên quan. Các CTLN thực hiện khai thác rừng sản xuất dưới sự kiểm soát chặt chẽ từ phía cơ quan chuyên môn quản lý. Rừng được đầu tư từ nguồn NSNN hoặc CTLN tự đầu tư bằng vốn tự có. Trong trường hợp rừng được đầu tư bằng vốn tự có, việc khai thác do các CTLN chủ động quyết định, trường hợp rừng được đầu tư bằng ngân sách nhà nước, việc khai thác phải được sự cho phép của Hạt kiểm lâm phụ trách quản lý địa bàn, các CTLN cần báo cáo các thông tin về địa danh, khối lượng gỗ khai thác với cơ quan này.

Việc khai thác rừng trồng hiện nay được thực hiện theo hai phương thức là tổ chức bán cây đứng hoặc tự khai thác và theo hình thức khai thác trắng hoặc khai thác có chọn lọc.

- Bán cây đứng là việc các CTLN không trực tiếp thực hiện khai thác gỗ trong phần diện tích rừng đã trồng mà bán toàn bộ rừng trồng cho khách hàng.

Sau khi hợp đồng bán cây đứng, CTLN sẽ nhận lại phần đất rừng để tiếp tục hoạt động tái đầu tư trồng rừng. Việc bán cây đứng thường được thực hiện qua phương thức đấu giá. Giá khởi điểm bán cây đứng được xây dựng trên cơ sở giá bán gỗ tròn tại bãi giao (đã bao gồm thuế GTGT) trừ đi chi phí thi công khai thác dự toán. Giá bán gỗ tròn tại bãi giao thường được các CTLN xác định trên cơ sở khảo sát giá cả thị trường và khung giá bán quy định của Nhà nước.

- CTLN tự khai thác hoặc đấu thầu đơn vị thi công khai thác gỗ trong diện tích rừng trồng.

Các CTLN cần phải lập dự toán chi phí thi công khai thác trên cơ sở các khoản chi phí trong hoạt động khai thác được xác định theo định mức, tiêu chuẩn của Nhà nước và đơn giá thi công xác lập trong điều kiện trình độ lao động xã hội trung bình có xem xét tới các điều kiện thực tế, cụ thể của từng hiện trường rừng.

Theo kết quả điều tra thực tế, các CTLN không trực tiếp khai thác mà thuê đơn vị bên ngoài khai thác hoặc giao khoán khai thác với cá nhân hoặc hộ nhận khoán trồng rừng.

Việc lựa chọn đơn vị bên ngoài khai thác được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu công khai. Đơn vị dự thầu được lựa chọn là đơn vị đặt giá thấp nhất và thấp hơn giá trần đồng thời đơn vị cũng chấp thuận các điều kiện hợp đồng. Sau đó 2 bên tiến hành ký hợp đồng khai thác với các nội dung cụ thể về khối lượng khai thác, tổ chức khai thác, quy định về kỹ thuật khai thác, quy cách sản phẩm, giá khai thác, hình thức thanh toán. Khi tiến hành khai thác, CTLN sẽ giám sát quá trình khai thác rừng, thực hiện kiểm đếm, nghiệm thu, nhập kho GNL để bán trực tiếp không qua kho hoặc nhập vào kho. Doanh thu bán GNL được ghi nhận khi GNL được vận chuyển tới khách hàng kèm theo Hóa đơn bán hàng.

Minh họa Hợp đồng khai thác rừng trồng nguyên liệu giấy có chứng chỉ FSC tại Phụ lục 2.40.

Đối với việc phản ánh kết quả kinh doanh, kế toán sử dụng các phiếu kế toán kết chuyển chi phí và doanh thu của bộ phận kế toán tài chính được kết xuất từ phần mềm kế toán.

- Tài khoản kế toán: Các tài khoản kế toán tại các CTLN trên địa bàn tỉnh đều mở tài khoản chi tiết đến cấp 2 để theo dõi chi phí, doanh thu và kết quả kinh doanh.

Hộp 2. 8. Công ty mở tài khoản kế toán chi tiết cấp 2 để theo dõi chi phí và doanh thu


Để thu thập thông tin thực hiện về chi phí và doanh thu, chúng tôi theo dõi đến tài khoản cấp 2, ví dụ:

- Đối với doanh thu, chúng tôi sử dụng TK 511“Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” và chi tiết cấp 2 bao gồm: TK 5111 “Doanh thu bán hàng công ty”; TK 5112 “Doanh thu bán hàng Tổng công ty”.

- Đối với chi phí nhân công trực tiếp, chúng tôi sử dụng TK 622 “Chi phí nhân công trực tiếp” và chi tiết cấp 2 bao gồm: TK 6221 “Chi phí nhân công trực tiếp trồng rừng”; TK 6222 “Chi phí nhân công trực tiếp chăm sóc rừng”; TK 6223 “Chi phí nhân công trực tiếp bảo vệ rừng”.

Xem tất cả 203 trang.

Ngày đăng: 14/03/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí