Hoàn thiện hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn miền Đông Nam Bộ theo hướng CNH-HĐH - 8


Mặt khác, hoạt động tín dụng NHTM còn góp phần tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu khu vực của nền kinh tế. Để đảm bảo cho sự phát triển kinh tế bền vững luôn cần duy trì tương quan kinh tế hợp lý giữa các vùng lãnh thổ, chẳng hạn như giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, giữa các vùng sản xuất và tiêu thụ. Thông thường giữa các vùng kinh tế luôn có sự khác biệt khá lớn về cơ cấu ngành, cơ cấu nguồn lực, cơ cấu về sử dụng công nghệ, cơ cấu sản xuất và tiêu thụ.

Cơ cấu này sẽ thay đổi đi khi có sự tham gia của tín dụng thông qua quá trình làm thay đổi cơ cấu phân bổ nguồn lực tài chính giữa các vùng miền và trong nội bộ từng vùng, miền. Trên thực tế điều này được minh họa khá rõ nét qua việc phát huy vai trò của tín dụng đối với sự hình thành các KCN tập trung và phi tập trung, đối với sự bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống ở nông thôn, đối với sự hình thành các vùng chuyên canh trong nông nghiệp.

Bốn là, hoạt động tín dụng NHTM góp phần mở rộng và tăng cường quan hệ kinh tế đối ngoại, giao lưu quốc tế tạo điều kiện thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh theo hướng CNH, HĐH.

Sự phát triển của hoạt động tín dụng không chỉ dừng ở phạm vi trong nước mà còn tăng cường sự hợp tác mở rộng ra cả phạm vi quốc tế, nhờ đó nó mở rộng và phát triển các quan hệ kinh tế đối ngoại, góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia, tạo điều kiện để các nước có điều kiện xích lại gần nhau hơn và cùng nhau hợp tác phát triển.

Hơn nữa, hoạt động tín dụng NHTM còn góp phần tăng doanh số xuất nhập khẩu mở rộng thị trường hàng hóa ra phạm vi quốc tế. Nhờ có nguồn vốn tín dụng ngân hàng, các DN xuất khẩu thu mua, chế biến hàng hóa xuất khẩu, giao hàng đúng kế hoạch; DN có thể nhập khẩu các máy móc, thiết bị hiện đại, đầu tư đổi mới công nghệ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm


góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa và mở rộng thị trường tiêu thụ thúc đẩy tăng doanh số xuất nhập khẩu. Mặt khác, nguồn vốn tín dụng ngân hàng còn tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập khẩu theo yêu cầu của thị trường được thực hiện thường xuyên, liên tục, làm tăng tính năng động của nền kinh tế, thị trường ổn định, phục vụ các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy CCKT chuyển dịch theo đúng định hướng.

Như vậy, hoạt động tín dụng ngân hàng đã góp phần mở rộng và khơi thông thị trường nước ngoài, đây là vấn đề quan trọng, là cơ sở để xác định được phương hướng sản xuất đi liền với chuyển dịch CCKT phải theo hướng CNH, HĐH, phù hợp với nhu cầu của thị trường hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu có hiệu quả.

Năm là, vốn tín dụng ngân hàng góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho các DN nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng các khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào hoạt động SXKD đáp ứng kịp thời yêu cầu của chuyển dịch CCKT.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 224 trang tài liệu này.

Trong điều kiện nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sự cạnh tranh giữa các DN ngày càng khốc liệt. Trong khi đó, cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế còn nhiều bất cập, không đáp ứng kịp thời nhu cầu của sự phát triển. Mặt khác, phần lớn các DN của chúng ta đều có quy mô nhỏ, nguồn vốn tích lũy còn quá thấp, không đủ khả năng để tự tái đầu tư mở rộng và nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất. Muốn cải thiện tình hình đó cần phải tiếp tục tăng cường đầu tư vốn. Chính vì lẽ đó, vốn tín dụng của ngân hàng không những tham gia vào quá trình SXKD của DN bằng hình thức bổ sung vốn lưu động, mà còn đầu tư vốn trung dài hạn nhằm xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến, hiện đại cho quá trình sản xuất. Vốn tín dụng ngân hàng góp phần khai thác các nguồn lực tiềm năng của từng vùng miền tạo ra động lực thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng CNH, HĐH.


Hoàn thiện hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn miền Đông Nam Bộ theo hướng CNH-HĐH - 8

1.3. HOẠT ĐỘNG TÍN DỤNG NGÂN HÀNG VỚI VIỆC THÚC ĐẨY CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ Ở MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

CNH, HĐH đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế là triệt để và đẩy mạnh chuyển dịch CCKT. Việc chuyển dịch CCKT vừa là chỉ tiêu đánh giá chất lượng tăng trưởng kinh tế vừa phản ánh bản chất của quá trình công nghiệp hóa. Để CCKT chuyển dịch đúng định hướng, các nước đều can thiệp vào hoạt động tín dụng nhằm hướng các nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt. Do vậy, việc nghiên cứu và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cũng như thực tiễn liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng trong việc thúc đẩy chuyển dịch CCKT là có ý nghĩa hết sức to lớn, nhất là trong điều kiện chúng ta đang tiến hành đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

1.3.1. Kinh nghiệm của Trung Quốc


Trung Quốc là một nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội. Sau gần 30 năm thực hiện cải cách và mở cửa, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn, đưa đất nước trở thành nền kinh tế lớn trên thế giới, từ một nền sản xuất lạc hậu trở thành “ công xưởng của thế giới” từ một nền kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp trở thành nền kinh tế chiếm 10% kim ngạch ngoại thương của thế giới [ 55 ].

Để đạt được những kết quả trong công cuộc xây dựng đất nước, Chính phủ Trung Quốc đã đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, trong đó mục tiêu chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH là khá hợp lý và phù hợp. CCKT được điều chỉnh theo hướng tập trung vào phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hàng tiêu dùng, công nghiệp hàng cao cấp, công nghiệp đồ điện và điện tử chú trọng sản xuất máy móc thiết bị


phục vụ cho nông nghiệp, thúc đẩy nông nghiệp và cải tạo bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn. Xây dựng các đặc khu kinh tế, các thành phố mở cửa ven biển và khu kinh tế ven biển. Phát huy ưu thế của các địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực và hợp lý hóa cơ cấu kinh tế toàn quốc theo chỉ đạo quy hoạch thống nhất của Nhà nước.

Nhằm thúc đẩy cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp, hiện đại và hợp lý, Trung Quốc đã sử dụng nhiều giải pháp tích cực, có hiệu quả, trong đó hoạt động tín dụng của NHTM có vai trò quan trọng trong việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho đầu tư phát triển và chuyển dịch CCKT. Hướng phát triển các NHTM và các định chế tài chính khác vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tập trung vốn đầu tư phát triển toàn diện nông, lâm, thủy sản, trong đó đặc biệt ưu tiên hàng đầu cho sản xuất lương thực, chú trọng đầu tư vốn trung dài hạn cho phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành đồng thời tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn.

Mặt khác, vốn tín dụng của các NHTM cũng đã được đầu tư vào các ngành nghề mũi nhọn, các vùng kinh tế trọng điểm nhằm khai thác các lợi thế so sánh như: cơ khí, điện tử viễn thông, các đặc khu kinh tế, các thành phố ven biển.

Để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho chuyển dịch cơ cấu theo hướng CNH, HĐH, Trung Quốc đã chú trọng các giải pháp sau:

- Sử dụng lãi suất huy động một cách linh hoạt và mềm dẻo: với Trung Quốc lãi suất tiền gửi không chỉ là công cụ quan trọng để các NHTM huy động vốn mà còn là công cụ để điều tiết nền kinh tế.

- Phát triển đa dạng các tổ chức tài chính - tiền tệ, cải cách và nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM: Trung Quốc đã không ngừng mở rộng và hoàn thiện mạng lưới hệ thống NHTM, khu vực tài chính ngân hàng của


Trung Quốc chủ yếu do bốn ngân hàng: Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng xây dựng Trung Quốc, Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc điều hành với các chi nhánh trải rộng khắp trên lãnh thổ Trung Quốc, nhận trên 67% tiền tiết kiệm của dân chúng và cho vay 61% tổng số tín dụng. Đặc biệt Chính phủ Trung Quốc còn chú trọng và khuyến khích các NHTM cả trong và ngoài nước mở rộng mạng lưới hoạt động đến khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn nhằm tạo điều kiện cho các tầng lớp dân cư tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Do vậy, một lượng lớn tiền nhàn rỗi của dân chúng được các NHTM khai thác và đáp ứng cơ bản vốn cho đầu tư thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Bên cạnh đó để nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM quốc doanh, Trung Quốc đã tiến hành cải cách hệ thống NHTM quốc doanh thông qua việc bơm thêm tiền cho bốn ngân hàng trên, đồng thời thành lập các công ty tài chính quản lý và thanh toán tài sản (AMC) để mua lại các khoản nợ xấu. Bên cạnh đó Trung Quốc khuyến khích ngân hàng nước ngoài góp vốn vào ngân hàng trong nước để tận dụng việc chuyển giao kiến thức và công nghệ, cho phép ngân hàng nước ngoài mở chi nhánh, văn phòng đại diện ngân hàng nước ngoài, ngân hàng con 100% vốn nước ngoài và ngân hàng liên doanh, từ đó đã nâng cao được chất lượng phục vụ và đáp ứng đa dạng các nguồn vốn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

- Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn: cùng với việc hoàn thiện các hình thức huy động truyền thống, Trung Quốc đã chú trọng đầu tư và áp dụng những hình thức huy động mới, hiện đại nhằm tăng cường khả năng huy động vốn của các NHTM. Bên cạnh đó, để đáp ứng vốn cho chuyển dịch CCKT các NHTM ở Trung Quốc cũng đã mở rộng huy động nguồn vốn trung dài hạn, tăng cường vay nợ, vay thế chấp và phát hành kỳ phiếu ngân hàng ra nước ngoài.


1.3.2. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Bước vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, Hàn Quốc bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa, để giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy chuyển dịch nhanh CCKT từ nông nghiệp truyền thống sang công nghiệp hiện đại, Chính phủ Hàn Quốc đã can thiệp vào hoạt động ngân hàng thông qua các chính sách và biện pháp cụ thể như:

- Phát triển và đa dạng hóa hệ thống tài chính - ngân hàng nhằm thúc đẩy quá trình tạo vốn cho công nghiệp hóa. Ngoài các ngân hàng, chính phủ Hàn Quốc còn cho phép thành lập các tổ chức tài chính phi ngân hàng như công ty bảo hiểm, tổ chức ủy thác, các công ty tài chính ngắn hạn và các thị trường chứng khoán. Do vậy, tỷ lệ tiền gửi/GDP tăng từ 18,5% trong giai đoạn 1965- 1970 lên 30,2% trong giai đoạn 1971-1973 [ 51 ]. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các nguồn vốn nước ngoài chảy vào trong nước các ngân hàng đã đứng ra bảo lãnh. Từ năm 1966, các NHTM đã gia nhập Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB) và trở thành các thành viên tích cực trong các hoạt động bảo lãnh vay vốn nước ngoài trên quy mô lớn. Từ những năm 1960, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập các ngân hàng chuyên ngành trong các lĩnh vực mà các NHTM tư nhân chưa đảm nhiệm được tham gia vào hoạt động tín dụng, như: Ngân hàng công nghiệp (MIB) và Ngân hàng quốc gia Citizens thành lập năm 1961, Ngân hàng nhân dân thành lập năm 1963, đến năm 1967 thành lập thêm 2 ngân hàng Ngân hàng ngoại hối Hàn Quốc (KEB) và Ngân hàng nhà ở Hàn Quốc. Do vậy, trong giai đoạn từ 1962 đến 1971, vốn tích lũy từ các nguồn trong nước trong tổng số đầu tư tăng từ 25% lên 60,9% và tỷ lệ đầu tư trong tổng thu nhập quốc dân tăng từ 15% lên 25% [ 21 ].

- Chính phủ định hướng phân bổ tín dụng thông qua việc định hướng cho các NHTM đầu tư tín dụng vào các công ty, tập đoàn, ngành công nghiệp và hoạt động ưu tiên cho xuất khẩu. Ngân hàng Hàn Quốc với tư cách là ngân hàng trung tâm, chịu trách nhiệm chi phối hoạt động phân bổ và hỗ trợ vốn


cho công nghiệp và xuất khẩu. Chính phủ và Ngân hàng Hàn Quốc cho các ngân hàng chuyên doanh như: Ngân hàng công nghiệp, Ngân hàng Nhân dân, Ngân hàng xây dựng nhà ở vv...vay và đây là nguồn vốn chủ yếu cho hoạt động của các ngân hàng này. Các khoản cho vay và vốn phân bổ hỗ trợ cho công nghiệp và xuất khẩu đều được giám sát và quản lý chặt chẽ của Hội đồng quản lý tiền tệ và tài chính do Bộ trưởng tài chính đứng đầu.

Bước sang giai đoạn 1982-1995, chính phủ Hàn Quốc đã xác định mục tiêu của CNH, HĐH là tiến tới các ngành công nghiệp cao cấp để đa dạng hóa hơn nữa mặt hàng và thị trường xuất khẩu. Trong giai đoạn này, chính phủ Hàn Quốc không dùng phương pháp phân bổ nguồn vốn tích lũy và các nguồn lực khác để tạo cơ cấu công nghiệp theo kế hoạch như trước đây, mà để cho nhu cầu thị trường quyết định sự hình thành cơ cấu công nghiệp mới, xóa bỏ các khoản cho vay theo chính sách trợ cấp để tránh đầu tư quá mức ở một số ngành công nghiệp kém hiệu quả và không để tạo ra sự mất cân đối trong đầu tư. Để thúc đẩy tự do hóa lưu thông vốn, chính phủ đã tiến hành tư nhân hóa 5 NHTM, đồng thời giảm bớt sự cản trở đối với việc sử dụng tín dụng của các ngân hàng nước ngoài. Cho nên đã làm tăng thêm sự cạnh tranh trong lĩnh vực phân bổ vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997, để nâng cao năng lực tập trung tài chính và đảm bảo hiệu quả tín dụng, góp phần thúc đẩy CCKT chuyển dịch nhanh theo hướng CNH, HĐH, Hàn Quốc đã tiến hành cải cách hệ thống NHTM và các tổ chức tài chính. Đối với các NHTM có tình hình tài chính yếu kém hoặc mất khả năng thanh toán đều bị đóng cửa, sáp nhập hoặc tạm thời quốc hữu hóa. Trong giai đoạn từ tháng 6 năm 1997 đến tháng 6 năm 1999, Hàn Quốc đã đóng cửa 17 ngân hàng thương nhân, năm NHTM và hơn 100 tổ chức tài chính phi ngân hàng khác; Chính phủ phải can thiệp 4 NHTM; sáp nhập 9 NHTM, 2 ngân hàng thương nhân để tạo ra 4 NHTM mới. Đến năm 2001 hai NHTM hàng đầu của Hàn Quốc là Housing & Commercial


Bank và Koomin Bank đã tiến hành sáp nhập để thành lập một ngân hàng lớn nhất Hàn Quốc và đứng thứ 60 trên thế giới [ 23, tr.71-72 ]. Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn tiến hành cho tư nhân hóa những ngân hàng gặp khó khăn trong thanh toán, ngoài các cá nhân và tổ chức trong nước được phép mua lại các tổ chức này, Hàn Quốc còn cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua. Việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào tư nhân hóa một số NHTM đã tạo ra một sân chơi thông thoáng và thúc đẩy cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng; nhiều nghiệp vụ quản lý, dịch vụ tín dụng và công nghệ ngân hàng hiện đại đã được đưa vào ứng dụng ...

1.3.3. Kinh nghiệm của Singapore

Singapore là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong quá trình CNH, HĐH. Có thể nói đây là quốc gia thành công nhất trong quá trình CNH, HĐH và hiện nay Singapore là một nước thuộc nền công nghiệp mới (NIEs) của Châu Á. Để đạt được những thành công đó, Chính phủ Singapore đã rất coi trọng phát triển hệ thống tài chính, ngân hàng nhằm huy động và cung cấp vốn thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH.

Hệ thống ngân hàng Singapore bao gồm ủy ban tiền tệ Singapore, NHTM, NHTM - dịch vụ, ngân hàng tiết kiệm, công ty tài chính, các loại quỹ. Trong đó, ủy ban tiền tệ Singapore do Bộ tài chính thành lập năm 1971 để giám sát các tổ chức tài chính và thực thi các chính sách tiền tệ. Các định chế tài chính còn lại có vai trò rất quan trọng trong việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho CNH, HĐH, các định chế này bao gồm:

- Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) thành lập năm 1971, có vai trò ổn định đồng tiền, thúc đẩy và quản lý hoạt động tín dụng, quản lý và đưa ra những điều kiện về kinh doanh tiền tệ. Ngoài ra, cơ quan này còn có chức năng giám sát hoạt động của các định chế tài chính khác, nhằm đảm bảo việc tuân thủ các điều kiện về hoạt động đã quy định;

Xem tất cả 224 trang.

Ngày đăng: 11/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí