động nhằm hỗ trợ cho việc phát hiện và điều tra chống bán phá giá một cách thường xuyên và liên tục.
Trong thời gian qua, Nhà nước đã có những biện pháp và chính sách tích cực nhằm xây dựng hệ thống tự vệ thương mại đối với sản phẩm dệt may. Ví dụ, Bộ Công thương đã áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với 14 mặt hàng dệt may “nóng” nhất vào thị trường Mỹ; lập ban kiểm tra hoạt động chuyển tải, tạm nhập tái xuất của doanh nghiệp. Hiệp hội Dệt May Việt Nam quy định các thành viên nộp phí 0,01% doanh thu xuất khẩu vào Mỹ để phục vụ việc đối phó chống bán phá giá. Trong Chiến lược phát triển ngành Dệt và May đến năm 2015, tầm nhìn đến 2020 theo Quyết định 36/2008/QĐ - TTg cũng đã thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với các rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu theo đó tăng cường công tác tư vấn luật pháp thương mại quốc tế; bố trí đủ cán bộ pháp chế cho các doanh nghiệp may mặc để tham gia soạn thảo, đàm phán và giải quyết các tranh chấp hợp đồng, nhất là hợp đồng thương mại quốc tế. Gần đây nhất, trong khuôn khổ thực hiện Chiến lược phát triển Ngành Dệt May, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 32/2010/TT - BTC ngày 9/3/2010 hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện “Chương trình đào tạo nguồn nhân lực Dệt May Việt Nam” trong đó có hỗ trợ đào tạo cho các cán bộ quản lý kinh tế kỹ thuật, cán bộ pháp chế trong các doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên, trong các giải pháp về công nghệ, việc chỉ đạo doanh nghiệp chủ động áp dụng công nghệ vào thu thập và xử lý thông tin (đặc biệt là thông tin kế toán) để đảm bảo việc tổ chức, xây dựng và lưu giữ hệ thống chứng từ sổ sách kế toán theo hướng chuyên nghiệp hoá, sẵn sàng đối phó với các nguy cơ kiện chống bán phá giá từ các nước nhập khẩu chưa được quan tâm và đề cập. Bên cạnh việc ban hành các chủ trương và chính sách, Nhà nước cần phải xây dựng và thực hiện cơ chế đo lường và đánh giá việc thực hiện những chủ trương và chính sách này trên thực tế, chẳng hạn như đánh giá việc thực hiện mục tiêu và kế hoạch phát triển Ngành Dệt May (về doanh thu, về sản lượng, về số lượng và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho Dệt May,…). Ý thức trong phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam vẫn chưa được cải thiện đáng kể, vì vậy, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền về xây dựng hệ thống tự vệ thương mại trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế vẫn cần phải duy trì và đẩy mạnh hơn nữa dưới dạng hội
thảo hoặc các khoá đào tạo được thực hiện bởi các tổ chức phù hợp như Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt May Việt Nam,…
Thứ hai, hỗ trợ và chỉ đạo các doanh nghiệp may mặc Việt Nam khắc phục các rào cản thương mại
Một trong những trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp may mặc Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu là phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm mà các nước này đặt ra nhằm đảm bảo an toàn về sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như các quy định có liên quan đến bảo vệ môi trường. Về cơ bản, những quy định về chất lượng sản phẩm may mặc Việt Nam còn chưa đầy đủ và đồng bộ, và ở mức độ thấp hơn so với các yêu cầu của các nước phát triển. Gần đây nhất, Bộ Công thương mới ban hành “Quy định tạm thời về giới hạn cho phép hàm lượng formaldehyt, hàm lượng và danh mục các amin thơm tồn dư trên sản phẩm dệt may” theo Thông tư số 32/TT-BCT ngày 5/11/2009. Thông tư này được xây dựng căn cứ theo “Qui định hàm lượng giới hạn formaldehyt trên sản phẩm dệt may” của Trung Quốc số GB 18401-2001 và “Chỉ thị của Nghị viện Châu Âu” số 2002/61/EC. Chính vì vậy, trong thời gian tới nhà nước mà cụ thể là Bộ Công thương cần phải đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật sản phẩm dệt may phù hợp và hài hoà với pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó cần hỗ trợ nâng cấp các trung tâm giám định, kiểm tra chất lượng sản phẩm dệt may, hỗ trợ các doanh nghiệp may mặc trong khắc phục các rào cản thương mại. Đồng thời nhà nước cần sớm triển khai, ký kết các thoả thuận song phương và công nhận lẫn nhau về vệ sinh an toàn của sản phẩm với các nước mà sản phẩm dệt và may của Việt Nam đang có ưu thế xuất khẩu.
Thứ ba, tăng cường trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam để hướng đến phát triển bền vững
Chiến lược phát triển Ngành Dệt May đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 cho thấy trong tương lai, Ngành vẫn có vai trò quan trọng đáng kể trong công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ. Chính vì vậy, mục tiêu tăng trưởng
Có thể bạn quan tâm!
- Giải Pháp Hoàn Thiện Thủ Tục Kiểm Soát
- Xây Dựng Hệ Thống Tiêu Chí Để Đo Lường Và Đánh Giá Các Hoạt Động Trong Doanh Nghiệp May Mặc Việt Nam
- Tiêu Chí Đánh Giá Việc Lập Và Thực Hiện Kế Hoạch Sản Xuất
- Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam - 33
- Hệ Thống Quản Lý Tại Tổng Công Ty Cổ Phần May 10
- Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam - 35
Xem toàn bộ 308 trang tài liệu này.
của Ngành cần phải gắn kết chặt chẽ với phát triển bền vững. Từ đó, nhà nước cần có những chính sách và biện pháp thích hợp nhằm tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đối với xã hội. Cụ thể phải có cơ chế và chế tài gắn liền lợi nhuận doanh nghiệp (năng suất, chất lượng) với trách nhiệm xã hội (an toàn sản xuất, vệ sinh lao động, điều kiện và môi trường làm việc,…) và bảo vệ môi trường. Việc đẩy mạnh áp dụng và tuân thủ các yêu cầu đặt ra trong Bộ Luật Lao động, trách nhiệm xã hội SA 8000, hoặc hệ thống quản lý môi trường ISO 14000 trong các doanh nghiệp may mặc cần phải có sự hỗ trợ và tạo sức ép từ phía nhà nước lên các doanh nghiệp này. Đồng thời nhà nước phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể thu hút, tuyển dụng lao động, đào tạo nâng cao thu nhập nhằm đảm bảo cuộc sống cho người lao động.
Kiến nghị đối với Hiệp hội Dệt May Việt Nam
Một trong những nhiệm vụ lớn nhất của Hiệp hội Dệt May Việt Nam là tăng cường quan hệ trao đổi về kinh nghiệm trong quản lý và kinh doanh giữa các doanh nghiệp hội viên, đồng thời góp phần định hướng, xây dựng chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển của toàn Ngành. Để các giải pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may Việt Nam được thực hiện, các kiến nghị mà Tác giả đề xuất đối với Hiệp hội Dệt May Việt Nam bao gồm:
Thứ nhất, nâng cao vai trò của Hiệp hội Dệt May Việt Nam trong việc cung cấp thông tin như là một đầu mối quan trọng thiết lập các kênh và trao đổi thông tin giữa các thành viên của Hiệp hội. Trên cơ sở đó, Hiệp hội cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong lựa chọn, sắp xếp và phân tích toàn bộ các hoạt động và dự đoán sự biến động trên thị trường dệt may toàn cầu. Việc này có tác dụng giúp doanh nghiệp may có thể nhận diện điểm yếu, điểm mạnh, các thách thức và nguy cơ trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ đó thiết kế và vận hành các thủ tục kiểm soát hữu hiệu phòng chống rủi ro, đảm bảo thực hiện được các mục tiêu mà doanh nghiệp kỳ vọng.
Thứ hai, Hiệp hội phải đóng vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp thành viên trong việc đảm bảo sự hợp tác, phối hợp các hoạt động nhằm nâng cao tính
cạnh tranh của các đơn vị thành viên cũng như toàn Ngành Dệt May. Hiệp hội có tác dụng liên kết các doanh nghiệp hội viên trong kinh doanh, đàm phán ký kết hợp đồng, tránh để khách hàng nước ngoài lợi dụng ép giá gia công.
Thứ ba, Hiệp hội cần thúc đẩy công tác tư vấn cho các đơn vị thành viên trong quản lý sản xuất, công nghệ, tài chính, quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến nền sản xuất ổn định, bền vững đồng thời với quản lý và kiểm soát tình hình tài chính nề nếp và lành mạnh.
Thứ tư, Hiệp hội cần nghiên cứu, thiết kế và ban hành việc áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn để đo lường và đánh giá các hoạt động đối với các đơn vị thành viên.
Kết luận Chương 3
Chiến lược phát triển Ngành Dệt May đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 cho thấy, trong tương lai, các doanh nghiệp may mặc nói riêng và toàn Ngành Dệt May nói chung vẫn giữ vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Xuất phát từ quan điểm, định hướng và chiến lược phát triển Ngành Dệt May, cùng với việc nhận diện và phân tích các cơ hội và thách thức đối với Ngành trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế cho thấy, việc hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam nhằm giúp cho nhà quản lý đạt được các mục tiêu phát triển là hoàn toàn cần thiết.
Trong Chương này, Tác giả đã đưa ra được các quan điểm và nguyên tắc cơ bản làm cơ sở đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp May mặc Việt Nam. Các giải pháp quan trọng được đề cập trong Luận án gồm:
Một là, hoàn thiện về môi trường kiểm soát: giải pháp này bao quát tất cả các nhân tố trong môi trường kiểm soát như đặc thù về quản lý, cơ cấu tổ chức, chính sách nhân sự, công tác kế hoạch, ban kiểm soát và bộ phận kiểm toán nội bộ. Trong đó, giải pháp then chốt là nâng cao nhận thức và quan điểm của nhà quản lý về tầm quan trọng của hệ thống kiểm soát nội bộ; ý nghĩa của việc nhận diện, đánh giá và phân tích rủi ro; tiếp cận và áp dụng các hệ thống quản lý hiện đại để tăng cường tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ; tầm quan trọng của kiểm soát tài chính;
sự cần thiết phải đo lường, đánh giá kết quả hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ tại đơn vị. Giải pháp này được thực hiện là điều kiện để thực hiện các giải pháp khác liên quan đến các nhân tố khác thuộc môi trường kiểm soát, kể cả giải pháp hoàn thiện các yếu tố còn lại thuộc hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp may Việt Nam.
Hai là, hoàn thiện hệ thống thông tin: giải pháp được đề xuất chủ yếu liên quan đến việc hoàn thiện tổ chức và vận dụng hệ thống chứng từ, tài khoản, sổ sách và báo cáo kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động, quy mô và yêu cầu quản lý doanh nghiệp. Trong các giải pháp đó, Tác giả chú trọng đến việc hoàn thiện trong các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nơi mà hệ thống thông tin kế toán bộc lộ nhiều yếu điểm nhất. Bên cạnh đó, giải pháp đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ hiện đại trong xử lý thông tin cũng được trình bày.
Ba là, hoàn thiện các thủ tục kiểm soát: loại giải pháp này đề cập đến việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản trong thiết kế các thủ tục kiểm soát, trong đó nhấn mạnh đến đề xuất xây dựng quy chế quản lý tài chính trong các doanh nghiệp may Việt Nam, đặc biệt đối với các doanh nghiệp không do Tập đoàn Dệt May Việt Nam quản lý. Đề xuất này được trình bày theo lộ trình nghiên cứu, xây dựng và thiết kế trên cơ sở tham khảo quy chế quản lý tài chính đã được các doanh nghiệp may lớn trong Ngành triển khai và áp dụng. Bên cạnh đó, Tác giả cũng trình bày giải pháp hoàn thiện các thủ tục kiểm soát liên quan đến các chu trình hoạt động quan trọng và cơ bản trong các doanh nghiệp may gia công.
Bốn là, xây dựng hệ thống tiêu chí để đo lường và đánh giá các hoạt động cơ bản trong doanh nghiệp may Việt Nam. Giải pháp này được đề xuất nhằm xây dựng và áp dụng cơ chế đo lường và đánh giá tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ trên cơ sở đảm bảo các mục tiêu mà nhà quản lý mong đợi.
Để tạo điều kiện thực hiện các giải pháp, Luận án cũng đưa ra các kiến nghị với các cơ quan nhà nước, Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ.
KẾT LUẬN
Các doanh nghiệp may Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức và vận hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cạnh tranh gay gắt trong Ngành Dệt May toàn cầu, môi trường kinh doanh luôn thay đổi là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp may mặc Việt Nam. Các doanh nghiệp may, chủ yếu là các doanh nghiệp may gia công xuất khẩu đã và đang đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tổng thể, các doanh nghiệp này có nhiều hạn chế: hoạt động kinh doanh không hiệu quả, lệ thuộc quá lớn vào nguồn cung ứng và tiêu thụ từ nước ngoài, sử dụng lực lượng lao động lớn với tỷ lệ biến động lao động cao,… Trong tương lai gần, khi lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp may Việt Nam dần mất đi, nếu không thay đổi phương thức kinh doanh, đường lối quản lý, cách thức kiểm tra, kiểm soát thì những doanh nghiệp này khó có thể tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh đó, hệ thống kiểm soát nội bộ được coi là phương sách hữu hiệu làm gia tăng giá trị cho quản lý doanh nghiệp.
Trong Luận án, Tác giả đã cập nhật những đổi mới và hệ thống hoá các vấn đề lý luận cơ bản về kiểm soát nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ, từ đó làm rõ vai trò của hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc. Hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may thể hiện thông qua các yếu tố cấu thành: môi trường kiểm soát, hệ thống thông tin và các thủ tục kiểm soát, với nội dung là các chính sách và thủ tục kiểm soát nhằm giúp cho nhà quản lý đạt được các mục tiêu cơ bản. Đặc biệt, Tác giả đã phân tích được những đặc điểm cơ bản của Ngành Dệt May toàn cầu, trong đó nhấn mạnh đến đặc điểm của các doanh nghiệp may gia công xuất khẩu có ảnh hưởng đến hệ thống kiểm soát nội bộ.
Trên cơ sở lý luận cơ bản, Tác giả Luận án đã khảo sát, chọn mẫu điều tra và đi sâu phân tích thực tế hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may Việt Nam. Kết quả khảo sát và phân tích là cơ sở để Tác giả đưa ra kết luận về hệ thống kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp này. Bên cạnh các ưu điểm, hạn chế và khiếm khuyết đang hiện hữu trong các yếu tố cấu thành nên hệ thống kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp may Việt Nam. Đó là những bất cập về cơ cấu tổ chức, chính sách nhân sự, công tác kế hoạch, bộ máy kiểm soát, hệ thống thông tin, các thủ tục kiểm
soát. Đặc biệt, các thủ tục kiểm soát chưa được quan tâm thiết kế đầy đủ tạo ra những lỗ hổng lớn trong kiểm soát, kiểm soát mang nặng tính thụ động. Các nguyên tắc cơ bản như phân công, phân nhiệm; uỷ quyền, phê chuẩn, bất kiêm nhiệm chưa được áp dụng đúng đắn trong thiết kế các thủ tục kiểm soát. Cơ chế đánh giá và giám sát tính hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ chưa được xây dựng và áp dụng,... Luận án đã xem xét và phân tích các nguyên nhân chủ quan và khách quan của những hạn chế và khiếm khuyết trên.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận cùng các kinh nghiệm quốc tế về tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ và thông qua thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may Việt Nam, Luận án đã xác định được những giải pháp mang tính hệ thống nhằm hoàn thiện về môi trường kiểm soát, hệ thống thông tin và các thủ tục kiểm soát tại các doanh nghiệp này. Những giải pháp mà Tác giả nêu ra trong Luận án phù hợp với định hướng chiến lược, xu hướng phát triển của Ngành Dệt May trong thời gian tới, đồng thời gắn chặt với những đặc trưng của các doanh nghiệp may gia công xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, Tác giả cũng đưa các kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước, Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp may trong quá trình phát triển nói chung và hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ nói riêng.
Mặc dù Tác giả đã có nhiều cố gắng song Luận án không thể tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong sự đóng góp của các nhà khoa học để Luận án được hoàn thiện hơn.
Xin trân trọng cảm ơn!
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ
1. Bùi Thị Minh Hải, (2006), Giáo trình Kế toán tài chính doanh nghiệp - phần 3 (Thành viên, viết Chương 14), Nhà Xuất bản Thống kê, Hà Nội
2. Bùi Thị Minh Hải, (2007), "Bàn về chính sách nhân sự trong việc nâng cao tính hiệu lực của hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc", Tạp chí Nghiên cứu khoa học Kiểm toán, Số 1 (tháng 4), tr 54 -58
3. Bùi Thị Minh Hải, (2010), "Phân tích và kiểm soát rủi ro do biến động lao động trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam", Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Kiểm toán, Số 35 (tháng 9), tr 25 - 31
4. Bùi Thị Minh Hải, (2010), "Kiểm soát hoạt động thanh toán với khách hàng trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam", Tạp chí Nghiên cứu Khoa học Kiểm toán, Số 38 (tháng 12)
5. Bùi Thị Minh Hải, (2011), Giáo trình Kiểm toán tài chính (Thành viên, cùng viết Chương 7), Nhà Xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội