Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam - 2


LỜI MỞ ĐẦU


1. Tính cấp thiết của Đề tài

Ngành Dệt May là ngành sản xuất quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong một thời gian dài, mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân của Ngành là 20% năm, đóng góp từ 16% - 18% tổng giá trị công nghiệp cả nước, chiếm tỷ trọng khoảng 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho hơn 2 triệu lao động. Trong Quy hoạch Phát triển Công nghiệp đến năm 2020

- 2030, Ngành Dệt May vẫn tiếp tục là ngành trọng yếu trong cơ cấu công nghiệp của Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong Ngành, trong đó có các doanh nghiệp may mặc, đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức trên con đường phát triển.

Hệ thống kiểm soát nội bộ là phương sách quản lý hữu hiệu của các nhà quản lý doanh nghiệp. Hệ thống này bao gồm các chính sách và thủ tục kiểm soát được thiết kế nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp đạt được các mục tiêu: bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, đảm bảo độ tin cậy của hệ thống thông tin, đảm bảo cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp lý, và quan trọng hơn nữa, đảm bảo các hoạt động của doanh nghiệp được thực hiện hiệu quả. Trong thời kỳ hiện đại, vai trò của hệ thống kiểm soát nội bộ không chỉ giới hạn ở việc đảm bảo mà còn mở rộng sang cả vai trò hỗ trợ và tạo ra giá trị gia tăng cho tổ chức. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp Việt Nam do Công ty Kiểm toán Pricewaterhouse Cooper thực hiện năm 2006 cho thấy những con số đáng lo ngại: 38% công ty không có quy trình kiểm soát nội bộ chính thức, 58% công ty cho rằng thông tin đến với ban giám đốc không thích hợp và không đúng lúc, 61% công ty không có ban kiểm soát… Hệ thống kiểm soát nội bộ có ảnh hưởng lớn đến lòng tin của các nhà đầu tư về sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp. Khi hệ thống kiểm soát nội bộ yếu kém, rõ ràng việc đạt được các mục tiêu mà doanh nghiệp đã đặt ra rất khó khăn.

Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam cũng đang đối mặt với thực tế hệ thống kiểm soát nội bộ chưa được hoàn thiện. Đặc thù của Ngành là sử dụng nhiều lao động nhưng các doanh nghiệp luôn


phải đối mặt với sự biến động lao động lớn gây khó khăn cho sản xuất. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp may mặc Việt Nam sản xuất theo hình thức gia công xuất khẩu theo đơn đặt hàng của khách hàng. Cách thức sản xuất này thể hiện sự lệ thuộc quá lớn của doanh nghiệp may Việt Nam vào các bạn hàng nước ngoài ở cả đầu vào và đầu ra của sản phẩm, đồng thời kéo theo hiệu quả kinh doanh thấp, tính tự chủ trong kinh doanh không cao. Hệ thống thông tin tiềm ẩn nhiều hạn chế không thực sự hữu dụng cho quá trình ra quyết định và điều hành doanh nghiệp của nhà quản lý. Trên thị trường quốc tế, hàng may mặc Việt Nam luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ hàng may mặc của các nước có ngành dệt và may phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan,…. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp trong Ngành phải vượt qua chính là các rào cản thương mại do các nước nhập khẩu dựng lên để hạn chế lượng lớn hàng may mặc từ các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 308 trang tài liệu này.

Xuất phát từ những lí do trên, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trở thành vấn đề có tính cấp bách trong quản lý tại các doanh nghiệp may mặc, có ý nghĩa về cả lý luận lẫn thực tiễn trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Tác giả đã lựa chọn Đề tài: "Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam" làm Đề tài Luận án tiến sĩ của mình.

2. Tổng quan các nghiên cứu về hệ thống kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp dệt may

Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam - 2

Từ rất lâu, tầm quan trọng của kiểm soát đối với quản lý luôn được coi là đề tài thu hút sự quan tâm, chú ý kể cả trong hoạt động thực tiễn cũng như trong lý luận. Lý luận về kiểm soát do vậy cũng được hình thành và phát triển, được nhiều nhà khoa học nghiên cứu ở các khía cạnh và lĩnh vực khác nhau. Một trong những khái niệm đầu tiên về kiểm soát nội bộ được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa ra vào năm 1929, sau đó được Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán của Mỹ sử dụng nhằm đưa ra Đạo luật Giao dịch Chứng khoán vào năm 1934. Cũng trong Đạo Luật này, vai trò của hệ thống kiểm soát nội bộ đối với việc đảm bảo các mục tiêu cơ bản (đặc biệt là mục tiêu đảm bảo độ tin cậy của thông tin kế toán) trong đơn vị chính thức được công nhận.


Theo thời gian, có rất nhiều các tác phẩm nghiên cứu về kiểm soát nội bộ của các nhà nghiên cứu đề cập đến khái niệm về kiểm soát, kiểm soát nội bộ, các loại hình kiểm soát trong mối quan hệ với kiểm toán nội bộ. Một số nghiên cứu có thể kể đến như: Nghiên cứu của Tác giả Victor Z. Brink và Herbert Witt (1941) về «Kiểm toán nội bộ hiện đại - đánh giá các hoạt động và hệ thống kiểm soát», các Tác giả Alvin A. Arens và James Loebecke về «Kiểm toán - một phương pháp liên kết»; Tác giả O. Ray Wittington và Kurt Pany (1995) về

«Các nguyên tắc của kiểm toán»; Tác giả Jack C. Robertson (1996) về «Kiểm toán»; Tác giả Robert R. Moller (2005) về «Kiểm toán nội bộ hiện đại kế thừa quan điểm của Brink». Các tổ chức và hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực kiểm toán, chẳng hạn như Liên đoàn Kế toán quốc tế đã đưa ra khái niệm về hệ thống kiểm soát nội bộ trong Chuẩn mực kiểm toán ISA 400. Hiệp hội các tổ chức tài trợ của Uỷ ban Quốc gia về Chống Gian lận trong báo cáo tài chính của Mỹ (COSO) được thành lập từ sự kết hợp các tổ chức nghề nghiệp khác nhau đã đưa ra khái niệm về kiểm soát nội bộ vào năm 1992 nhằm thống nhất quan niệm về kiểm soát nội bộ phục vụ cho các mục đích sử dụng khác nhau.

Bên cạnh lĩnh vực kiểm toán, những nghiên cứu về kiểm soát nội bộ trong mối quan hệ với quản trị doanh nghiệp cũng thể hiện rất nhiều tác phẩm: Tác giả Merchant, K.A (1985) về « Kiểm soát trong tổ chức kinh doanh »; Tác giả Anthony,

R.N và Dearden, J. Bedford (1989) về « Kiểm soát quản lý ». Một số tác giả sau này có xu hướng nghiên cứu kiểm soát nội bộ trong phạm vi hẹp theo các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, chẳng hạn như Tác giả Laura F. Spira và Micheal Page (2002) nghiên cứu về Quản trị rủi ro trong mối quan hệ với kiểm soát nội bộ; Tác giả Faudizah, Hasnah và Muhamad (2005) nghiên cứu mối quan hệ giữa chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp với kiểm soát nội bộ; Tác giả Yuan Li, Yi Liu, Youngbin Zhao (2006) nghiên cứu về vai trò định hướng thị trường của doanh nghiệp và kiểm soát nội bộ có tác động đến hoạt động phát triển sản phẩm mới…

Tại Việt Nam, nghiên cứu ứng dụng hệ thống kiểm soát nội bộ trong một đơn vị cụ thể ở các ngành cũng được nhiều tác giả quan tâm. Có thể kể đến: PGS.TS Ngô Trí Tuệ và các đồng tác giả (2004) với Đề tài cấp bộ «Xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ với việc tăng cường quản lý tài chính tại Tổng Công ty Bưu


chính Viễn thông Việt Nam», các đề tài Luận văn Thạc sĩ của các Tác giả Trần Thị Minh Thư (2001) với Đề tài «Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các tổng công ty nhà nước ở Việt Nam»; Tác giả Lê Thị Minh Hồng (2002) với Đề tài «Tăng cường hệ thống kiểm soát nội bộ trong các khách sạn - Khảo sát nghiên cứu điển hình trên địa bàn Hà Nội»; Tác giả Nguyễn Thị Mỹ (2004) với Đề tài «Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ của Trung tâm Bưu chính - Công ty Viễn thông quân đội Vietel» ; Tác giả Nguyễn Thị Lệ Chi (2006) với Đề tài «Hoàn thiện chính sách tiền lương với việc tăng cường kiểm soát nội bộ và nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Xuân Hoà»; Tác giả Bùi Duy Hùng (2007) với Đề tài «Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ tại các khách sạn liên doanh do ACCOR quản lý trên địa bàn Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh», Đề tài Luận án tiến sĩ của Tác giả Phạm Bính Ngọ (2011) về «Tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ trong các đơn vị dự toán trực thuộc Bộ Quốc phòng» và một số tác giả khác…

Trong nghiên cứu nói chung và trong chuyên ngành kế toán, phân tích hoạt động kinh doanh nói riêng, Ngành Dệt May đã thu hút sự quan tâm, chú ý nhiều nhà nghiên cứu. Về Luận văn thạc sĩ có thể kể đến các tác giả: Tác giả Trần Thị Thu Phong (2002) với Đề tài «Hoàn thiện hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm với việc tăng cường quản trị doanh nghiệp trong ngành sản xuất hàng may mặc»; Tác giả Đoàn Thị Hồng Nhung (2003) với Đề tài «Hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính của Tổng Công ty Dệt May Việt Nam»; Tác giả Ngô Thị Quyên (2004) với Đề tài «Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại Tổng Công ty Dệt May Việt Nam»; Tác giả Bùi Thị Minh Hằng (2007) với Đề tài «Hoàn thiện tổ chức hạch toán kế toán trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam»; Tác giả Nguyễn Xuân Phúc (2007) với Đề tài «Hoàn thiện chính sách tài chính đối với doanh nghiệp dệt may trong Bộ Quốc phòng». Về Luận án tiến sĩ có các tác giả như: Tác giả Nguyễn Mạnh Hùng (1996) với Đề tài «Phương hướng và biện pháp chủ yếu nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước thuộc chuyên ngành dệt may xuất khẩu tại Thành phố Hồ Chí Minh»; Tác giả Vũ Văn Khang (2002) với Đề tài «Hoàn thiện cơ chế trả lương cho người lao động ở các doanh nghiệp thuộc Ngành Dệt May»; Tác giả Đỗ Thị Phương (2010) về «Phân tích


lợi nhuận và một số biện pháp nâng cao lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước thuộc Ngành Dệt May Việt Nam» và một số tác giả khác,…

Như vậy, tại Việt Nam đã có nhiều đề tài nghiên cứu về hệ thống kiểm soát nội bộ trong các ngành khác nhau, tuy nhiên, chưa có đề tài nào nghiên cứu về hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp thuộc Ngành May Việt Nam. Vì lý do nêu trên, Luận án tập trung nghiên cứu các yếu tố cấu thành kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp, đồng thời chỉ ra những đặc điểm của Ngành May có tác động đến các yếu tố này trên cơ sở chi phối các mục tiêu cơ bản mà doanh nghiệp may theo đuổi, các kinh nghiệm quốc tế về tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ. Nghiên cứu của Luận án cũng tập trung vào việc cụ thể hoá lý luận chung vào ngành may kết hợp với khảo sát và phân tích thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may Việt Nam, từ đó nêu ý kiến và các đề xuất nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp này.

3. Mục đích và ý nghĩa nghiên cứu của Luận án

3.1. Mục đích nghiên cứu của Luận án

Đề tài hướng đến các mục đích chủ yếu sau: Làm rõ và hệ thống hoá cơ sở lý luận về hệ thống kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp; Phân tích đặc điểm Ngành May mặc có ảnh hưởng đến hệ thống kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp; Nghiên cứu rút ra bài học kinh nghiệm về tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may ở một số nước trên thế giới; Khảo sát và phân tích thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may Việt Nam; Nghiên cứu phương hướng và đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ ở các doanh nghiệp may Việt Nam.

3.2. Ý nghĩa nghiên cứu của Luận án

Với các mục đích trên, Đề tài “Hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp May mặc Việt Nam” có các ý nghĩa cơ bản sau:

Về lý luận: Luận án trình bày hệ thống và toàn diện các quan điểm về hệ thống kiểm soát nội bộ, đồng thời chỉ ra đặc điểm chung của Ngành May toàn cầu tác động đến hệ thống kiểm soát nội bộ của các doanh nghiệp trong Ngành

Về thực tiễn: Luận án khảo sát và phân tích các yếu tố cấu thành của hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may Việt Nam. Trên cơ sở đó, đánh


giá những điểm mạnh và điểm yếu của các yếu tố cấu thành nên hệ thống kiểm soát nội bộ. Các nguyên nhân được luận giải là cơ sở đề xuất được những quan điểm và giải pháp khả thi nhằm hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Luận án

4.1. Đối tượng nghiên cứu của Luận án

Đối tượng nghiên cứu của Luận án là hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam.

4.2. Phạm vi nghiên cứu của Luận án

Phạm vi nghiên cứu của Luận án là các doanh nghiệp có quy mô lớn với phương thức hoạt động chủ yếu là may gia công xuất khẩu thuộc Ngành May Việt Nam. Tiêu chuẩn để xác định doanh nghiệp có quy mô lớn theo hướng dẫn tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30 tháng 6 năm 2009. Do phân tán về vị trí địa lý, các doanh nghiệp may thuộc diện điều tra chủ yếu có địa bàn hoạt động tại các tỉnh, thành phố phía Bắc Việt Nam.

5. Phương pháp nghiên cứu của Luận án

Dựa trên cơ sở vận dụng phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác Lê nin vào nghiên cứu xã hội học, Luận án sử dụng các phương pháp kỹ thuật cụ thể như quan sát, phỏng vấn để thu thập thông tin sơ cấp kết hợp với sưu tầm thông tin thứ cấp, phân tích và tổng hợp. Trong các phương pháp, phương pháp được sử dụng chủ yếu là điều tra trên cơ sở lập phiếu điều tra và thực hiện phỏng vấn trực tiếp hoặc gửi phiếu điều tra. Số lượng các doanh nghiệp may mặc có quy mô lớn đã gửi và thu được phiếu điều tra là 63. Tác giả đã phỏng vấn trực tiếp một số nhà quản lý thuộc Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dệt May Việt Nam; các nhà quản lý doanh nghiệp, thành viên ban kiểm soát, cán bộ phòng quản trị chất lượng, cán bộ phòng kế toán, phòng kế hoạch tại các doanh nghiệp thuộc diện điều tra. Bên cạnh đó, tác giả cũng thực hiện phỏng vấn nhân viên của một số văn phòng đại diện của nhà nhập khẩu sản phẩm may tại Việt Nam nhằm bổ sung và làm rõ hơn các thông tin đã thu thập được từ các phiếu điều tra. Trong quá trình tiếp cận các đơn vị để phỏng vấn, Tác giả


đã kết hợp quan sát thực địa thực tế hoạt động của doanh nghiệp để việc phân tích, đánh giá khách quan hơn.

Các dữ liệu thứ cấp được thu thập thông qua các báo cáo tài chính, tài liệu quản lý, báo cáo tổng kết của các doanh nghiệp may mặc thuộc diện điều tra; số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê; số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam; số liệu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam; số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số liệu điều tra của một số công ty kiểm toán được công bố trên trang web (Công ty Pricewaterhouse Cooper,...),..

6. Những đóng góp của Luận án

Những đóng góp của Luận án thể hiện ở cả hai mặt lý luận và thực tiễn, cụ thể:

Về lý luận: Luận án đã hệ thống hoá lý luận chung về kiểm soát nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ, trên cơ sở đó phát triển theo hướng cụ thể hoá lý luận chung vào hệ thống kiểm soát nội bộ của các doanh nghiệp may mặc. Bên cạnh đó, Luận án đã đưa ra được những bài học kinh nghiệm trong tổ chức hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc trên thế giới.

Về thực tiễn: Luận án đã khảo sát, phân tích các yếu tố: môi trường kiểm soát, hệ thống thông tin, các thủ tục kiểm soát trong các doanh nghiệp may Việt Nam nhằm làm rõ thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp này. Kết quả đánh giá đã chỉ ra được những mặt đạt được, đặc biệt là các yếu điểm và nguyên nhân của các yếu điểm, từ đó đề xuất các giải pháp thiết thực hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may Việt Nam.

7. Bố cục, kết cấu của Luận án

Ngoài phần mở đầu và kết luận, Luận án gồm ba chương sau:

Chương 1: Lý luận chung về hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc;

Chương 2: Thực trạng hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam;

Chương 3: Phương hướng và giải pháp hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam.


CHƯƠNG 1

LÝ LUẬN CHUNG VỀ HỆ THỐNG KIẾM SOÁT NỘI BỘ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP MAY MẶC

1.1. Kiểm soát trong quản lý

1.1.1. Khái niệm và vai trò của kiểm soát trong quản lý

Quản lý đã hiện diện từ hàng nghìn năm nay và luôn được nhìn nhận là hoạt động quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc tiếp cận và lý giải quản lý theo nhiều khía cạnh khác nhau dẫn đến rất nhiều quan điểm khác nhau về quản lý. Mary Parker Follet đưa ra khái niệm ngắn gọn “Quản lý là nghệ thuật khiến cho công việc được làm bởi người khác”[87]. Koontz & O’Donnell, Heinr Weihrich lại nhận định “Có lẽ không có lĩnh vực nào của con người quan trọng hơn là công việc quản lý, bởi nhà quản trị ở mọi cấp độ và trong mọi cơ sở đều có một nhiệm vụ cơ bản là thiết kế và duy trì một môi trường mà trong đó các cá nhân làm việc với nhau trong các nhóm có thể hoàn thành các nhiệm vụ và các mục tiêu đã định” [19, tr30]

James H. Donnelly và các cộng sự đưa ra khái niệm nhấn mạnh đến quản lý trên khía cạnh hành vi quản lý: “Quản lý là một quá trình do một hay nhiều người thực hiện, nhằm phối hợp các hoạt động của những người khác để đạt được kết quả mà một người hành động riêng rẽ không thể nào đạt được” [26, tr52]

Trên quan điểm hướng đến nội dung công việc, Stoner và Robbins định nghĩa: “Quản lý là một tiến trình bao gồm việc hoạch định tổ chức, quản trị con người, và kiểm soát các hoạt động trong một đơn vị một cách có hệ thống nhằm hoàn thành mục tiêu của đơn vị đó” [72, tr45]

Theo chức năng của hoạt động quản lý, GS.TS Nguyễn Quang Quynh cho rằng “Quản lý là một quá trình định hướng và tổ chức thực hiện các hướng đã định trên cơ sở các nguồn lực xác định nhằm đạt hiệu quả cao nhất” [34, tr8]. Quá trình này bao gồm nhiều giai đoạn từ khi đưa ra định hướng trên cơ sở dự báo các nguồn lực và mục tiêu cần có và có thể đạt tới, cho đến khi những định hướng này được

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 20/11/2022