Tư Vấn Hỗ Trợ Thường Xuyên Và Tư Vấn, Xét Nghiện Bạn Tình Người Nhiễm

này thấp hơn so với kết quả nghiên cứu của Quỹ toàn cầu năm 2006 tại khu vực miền Bắc (74,8% và 22,7%), nhưng cao hơn ở lý do TCMT và thấp hơn ở lý do qua QHTD so với khu vực miền Trung và miền Nam (48,7% và 43,1%) [6]. Kết quả này phù hợp với các hình thái lây truyền HIV tại Việt Nam với sự khác nhau tương đối rõ rệt giữa miền Bắc và miền Nam, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long [4], [33], [60], [101]. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có 17,7% tự nhận nhiễm HIV qua QHTD với bạn tình không mại dâm (bao gồm cả tình dục vợ/chồng), điều này cũng phù hợp với một thực tế hiện nay đó là người nhiễm HIV hiện chủ yếu là đối tượng nam giới trẻ tuổi và việc họ lây nhiễm cho vợ và bạn tình thông qua QHTD là điều mà thời gian tới sẽ có xu hướng gia tăng. Những kết quả trên cho thấy: hoạt động can thiệp thời gian tới cần tập trung vào phòng lây nhiễm qua TCMT và QHTD không an toàn trong 2 nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao nhất này.

Về loại hình xét nghiệm: trước nhu cầu được tư vấn và phát hiện sớm người nhiễm HIV, từ năm 2002 Nghệ An đã triển khai 1 phòng tư vấn, xét nghiệm tự nguyện tại TTYT dự phòng tỉnh do dự án LIFE - GAP hỗ trợ, từ năm 2004 các hoạt động tư vấn xét nghiệm được mở rộng do hỗ trợ của dự án Quỹ toàn cầu, đặc biệt là từ năm 2007 sau khi Nghệ An được đưa vào tỉnh trọng điểm của chương trình PEPFAR thì nhiều phòng tư vấn được triển khai. Điều này lý giải tỷ lệ xét nghiệm tự nguyện của đối tượng điều tra là khá cao (83,1%). Mặt khác, nhiều trường hợp được phát hiện dương tính là do khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, tại đây nhiều khoa phòng, lĩnh vực vẫn yêu cầu bắt buộc bệnh nhân xét nghiệm HIV, một số khác phát hiện trong trung tâm 05, 06, trại giam và trại tạm giam cũng tương tự. Thêm vào đó, vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn còn khá phổ biến trong cộng đồng, điều này đã hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao tự nguyện đến tư vấn, xét nghiệm. Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS tính đến năm 2006 mới chỉ có 20-30% đối tượng TCMT tiếp cận được dịch vụ TVXNTN [32].

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng: việc tư vấn trước và sau xét nghiệm bước đầu

đã được quan tâm với hầu hết các nội dung cần tư vấn trước và sau xét nghiệm đều có tỷ lệ khá cao. Nếu so sánh 2 nội dung, tư vấn sau xét nghiệm được quan tâm hơn tư vấn trước xét nghiệm. Các nội dung thảo luận trong tư vấn trước xét nghiệm tập trung nhiều nhất vào trao đổi nguy cơ: 92,2%, sau xét nghiệm: chú trọng nhiều nhất là giải thích kết quả (92,8%) và cách phòng lây truyền (94,6%). Tuy nhiên, tỷ lệ tư vấn đúng trước xét nghiệm còn thấp (68,4%) và tư vấn sau đúng sau xét nghiệm chưa cao (81,6%). Người nhiễm HIV/AIDS cần được tư vấn đầy đủ các nội dung trước xét nghiệm để có sự chuẩn bị tâm lý vững vàng khi

đón nhận các khả năng của kết quả xét nghiệm HIV. Tư vấn sau xét nghiệm đặc biệt quan trọng nhằm hướng cho đối tượng cách xử trí, đối phó với những khủng hoảng về tâm lý cũng như giới thiệu những dịch vụ hỗ trợ.

Với tỷ lệ 47,4% HIV dương tính trong số 66,1% bạn tình của đối tượng nhiễm HIV/AIDS đã được xét nghiệm HIV là một bằng chứng cho mối nguy cơ này. Việc người nhiễm HIV/AIDS và bạn tình biết được biết tình trạng huyết thanh là một yếu tố quan trọng giúp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả. Tuy vậy, tại địa bàn nghiên cứu, việc biết được tình trạng bệnh dường như chưa tác động mạnh đến việc thay đổi hành vi nguy cơ cao trong đối tượng nhiễm HIV/AIDS. Nghiên cứu tại Thanh Hóa [72] cũng có nhận xét: chưa thấy rõ mối liên quan giữa tư vấn xét nghiệm với thay đổi hành vi nguy cơ lây truyền HIV của người nhiễm HIV/AIDS. Vấn đề này cần được nghiên cứu thêm, tìm lời lý giải để có những điều chỉnh thích hợp trong việc dự phòng sự lan tràn HIV từ người nhiễm ra cộng đồng trong thời gian tới.

4.1.2.2. Tư vấn hỗ trợ thường xuyên và tư vấn, xét nghiện bạn tình người nhiễm


Với 10,2% người nhiễm không được tư vấn lần nào hoặc chỉ 1 lần trong năm trước điều tra và chỉ có 66,1% đối tượng được tư vấn hàng tháng cho thấy: công tác quản lý, theo dõi và tư vấn hỗ trợ thường xuyên cho người nhiễm HIV/AIDS còn nhiều hạn chế. Một điều dễ nhận thấy: người nhiễm do những khủng hoảng tâm lý sau nhiễm bệnh, những diễn biến của nhiễm trùng cơ hội, nhu cầu thông tin về sử dụng thuốc điều trị ARV... họ rất cần được tư vấn hỗ trợ thường xuyên (hàng tháng hoặc thậm chí hàng tuần). Mặt khác, những biện pháp nhằm thay đổi hành vi nguy cơ lây truyền HIV cho đối tượng này cũng cần vai trò của hoạt động tư vấn để thường xuyên khuyến khích, hướng dẫn và hỗ trợ tâm lý cho họ.

Trong thời gian tới, để cải thiện nội dung cũng như chất lượng tư vấn hỗ trợ thường xuyên, cần tăng cường, nâng cấp các cơ sở TVXNTN và mạng lưới tư vấn viên tuyến tỉnh, huyện, đảm bảo đủ về số lượng, có trình độ, đáp ứng nhu cầu tư vấn xét nghiệm cho người nhiễm HIV/AIDS và đối tượng nguy cơ cao ngày càng lớn tại cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 152 trang tài liệu này.

Nghiên cứu cho thấy mới chỉ có 66,1% bạn tình của người nhiễm được xét nghiệm HIV, trong số xét nghiệm có 47,4% HIV dương tính. Như vậy, TVXNTN cho bạn tình người nhiễm còn hạn chế. Mặt khác, kết quả nghiên cứu còn cho thấy nguy cơ cao nhiễm HIV trong bạn tình của đối tượng này. Điều đó đồng nghĩa với việc chưa thấy rõ vai trò của

bạn tình trong các hoạt động TVXNTN cũng như trong việc khuyến khích, hỗ trợ thay đổi hành vi trong đối tượng nhiễm HIV.

Hiệu quả can thiệp tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV - AIDS tại cộng đồng ở 5 huyện của Nghệ An, 2008 - 2012 - 12

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đề cập đến vai trò các cặp bạn tình nhiễm HIV trong việc giảm hành vi nguy cơ liên quan đến hiệu quả tư TVXNTN và các chương trình can thiệp khác. Những nghiên cứu ở châu Phi thường xuyên báo cáo về sự liên quan giữa TVXNTN với giảm hành vi nguy cơ và tỷ lệ chuyển dạng huyết thanh thấp hơn giữa các cặp có một người đã nhiễm HIV. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra: TVXNTN có tiềm năng dự phòng tốt cho những cặp có QHTD khác giới và khuyến nghị TVXNTN cho những đối tượng này cần được thực hành rộng hơn tại châu Phi [124]. Tại Zambia, ngày càng nhiều người trẻ tuổi yêu cầu được tư vấn, xét nghiệm và tham gia các chương trình dự phòng vì những lý do khác nhau: chuẩn bị kết hôn (khoảng 20% khách hàng), dự định sinh con hoặc sau QHTD không được bảo vệ với BTBC [109]. Tại Malawi, 77,0% đối tượng tìm kiếm dịch vụ TVXNTN do được khuyến khích bởi những người đã biết tình trạng nhiễm của họ. Tỷ lệ nhiễm HIV trong số này: 31,0% [150].

Nghiên cứu tổng quan từ 34 kết quả nghiên cứu đã xuất bản của 18 nước đang phát triển cho thấy: bằng chứng về hiệu quả của chương trình TVXNTN có nhiều hứa hẹn và chương trình này có hiệu quả tốt nhất khi tác động trực tiếp vào các cặp mà một người đã nhiễm HIV/AIDS [123]. Tại Kenya và Tanzania, một nghiên cứu về chi phí - hiệu quả cho biết: chi phí cho ngăn ngừa một trường hợp nhiễm là 249 - 348 đô la Mỹ. Can thiệp đạt hiệu quả về chi phí cao nhất đối với những người nhiễm HIV và những cặp bạn tình/bạn chích của họ [128]. Nghiên cứu thử nghiệm cộng đồng ngẫu nhiên có đối chứng ở Kenya và Tanzania cũng cho thấy: những cặp bạn tình mà trong đó có một hoặc cả hai người nhiễm HIV giảm rõ ràng các QHTD không được bảo vệ hơn những cặp mà cả hai đều chưa nhiễm. Những kết quả này cho thấy hiệu quả của các dịch vụ TVCSHT người nhiễm HIV/AIDS trong nâng cao thay đổi hành vi [129].

Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy: hoạt động TVXNTN tại Nghệ An chưa đảm bảo chất lượng và còn hạn chế. Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có một khoảng cách nhất định so với các nước trên thế giới trong công tác này. Tại Mỹ: hoạt động TVXNTN được triển khai ở phạm vi khá rộng trên tất cả các bang, các thành phố và các hạt [108], [126]. Hoạt động này không những được triển khai tại các trung tâm xét nghiệm và tư vấn riêng, mà còn được lồng ghép vào các chương trình quốc gia như chương trình cai nghiện, chương trình dự phòng lây truyền mẹ - con ở phụ nữ có thai... trong việc tổ chức xét

nghiệm, dịch vụ y tế công cộng ở Mỹ đã áp dụng kỹ thuật xét nghiệm nhanh (trả lời tại chỗ sau 10 - 15 phút) để khắc phục nhược điểm về thời gian của các kỹ thuật khác (có thể làm mất trên 70% số lượng người đến tư vấn). Tại Thái Lan: TVXNTN là nội dung quan trọng trong 5 nội dung thiết lập và nâng cao mạng lưới chăm sóc y tế quốc gia. Hoạt động tư vấn được đưa vào chính quy và triển khai từ tỉnh/thành đến xã/phường [1]. Tại Nam Phi nhiều nghiên cứu phân tích về chi phí - hiệu quả, so sánh giữa các chương trình phòng lây nhiễm HIV đã chỉ ra: tư vấn là chiến lược chi phí hiệu quả nhất trong các chiến lược dự phòng lây nhiễm HIV [148]. Như vậy, hoạt động TVXNTN của Việt Nam trong thời gian tới là nội dung cần được đẩy mạnh nhằm theo kịp tiến trình của thế giới và khu vực.

4.1.3. Chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS


4.1.3.1. Chăm sóc và vệ sinh dinh dưỡng của người nhiễm HIV/AIDS


Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc thực hiện chăm sóc và vệ sinh dinh dưỡng của người nhiễm HIV/AIDS còn nhiều hạn chế. Do điều kiện kinh tế và sự hiểu biết chưa đầy đủ nên đối tượng ăn uống thất thường, hoặc thường xuyên bỏ bữa do TCMT. Đối tượng sau khi biết nhiễm HIV vẫn thường xuyên uống nước lã, nước đá, ăn rau sống và thức ăn còn lại của bữa trước (không đun lại). Đây là những hành vi rất bất lợi cho sức khỏe của người nhiễm HIV/AIDS.

Chăm sóc và vệ sinh dinh dưỡng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm đối với người nhiễm HIV/AIDS. Dinh dưỡng và HIV/AIDS có mối liên quan mật thiết với nhau. Bất kỳ một suy giảm miễn dịch do HIV/AIDS nào cũng dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Ở hầu hết những người nhiễm HIV, đặc biệt là bệnh nhân AIDS đều có tình trạng sút cân và suy mòn cơ thể. Suy dinh dưỡng có thể vừa đóng góp nhưng đồng thời cũng là kết quả của sự tiến triển HIV/AIDS [50], [106], thêm vào đó, tại Việt Nam và một số quốc gia khác, phần lớn những người nhiễm HIV/AIDS là đối tượng nghiện ma túy -những người cũng thường có những rối loạn về chuyển hóa dinh dưỡng. Như vậy, một chế độ dinh dưỡng tốt sẽ hạn chế tình trạng rối loạn này ở những người nhiễm HIV/AIDS. Hơn nữa, một khẩu phần ăn hợp lý giàu protein, vitamin và an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ giúp cơ thể người nhiễm HIV duy trì khả năng miễn dịch đang ngày một suy yếu. Trái lại, nếu chế độ dinh dưỡng không hợp lý và không hợp vệ sinh sẽ gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy và những rối loạn nặng nề khác cho bệnh nhân [52], [64].

Các nghiên cứu và thực tiễn cho thấy: cách phòng bệnh hiệu quả nhất là giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Dinh dưỡng giữ vai trò rất quan trọng trong việc phòng và điều trị bệnh, đặc biệt đối với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Người nhiễm HIV/AIDS nên ăn nhiều bữa với thức ăn được nấu nhừ, mỗi bữa ăn vừa đủ (cả số lượng và chất lượng); cần uống nhiều nước sạch, bổ dưỡng để tránh mất nước và tăng cường sức khỏe. Khẩu phần ăn hàng ngày của người nhiễm HIV/AIDS cần đầy đủ và cân đối giữa thức ăn bổ dưỡng chứa nhiều đạm, sắt, can xi: các loại đậu (đậu nành, đậu phụ, đậu tương và các loại hạt khác), trứng, thịt, cá, sữa; với các loại thức ăn cung cấp nhiều năng lượng: ngũ cốc, các loại khoai, củ, đường; và các loại thức ăn nhiều vitamin để tăng cường sức đề kháng: các loại trái cây, rau quả.... [52], [145].

Để thực hiện vệ sinh dinh dưỡng cho người nhiễm HIV/AIDS (cũng như mọi người khác), Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo: sử dụng nước và thực phẩm sạch; dùng riêng dụng cụ chế biến thức ăn sống và chín; chỉ dùng các loại thức ăn vừa nấu và không bị ô nhiễm; không ăn thực phẩm sống hoặc nấu chưa chín (tái), nhất là thức ăn bổ dưỡng giàu đạm; rửa rau, quả kỹ bằng nước sạch và ngâm trong dung dịch sát trùng (nước muối, thuốc tím...); đậy kín thực phẩm tránh ruồi, muỗi; giữ thực phẩm đúng cách, tránh ôi thiu; cẩn thận với những thức ăn để ngoài tủ lạnh quá 12 giờ; chỉ dùng thức ăn cũ (bữa trước) sau khi đã đun lại ở nhiệt độ cao [52], [145].

Một số nghiên cứu trên thế giới đã đề cập đến vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho người nhiễm HIV/AIDS. Nghiên cứu tại Rajasthan - Ấn Độ, nơi mà suy dinh dưỡng chiếm khoảng 50% dân cư, cho kết quả: HIV/AIDS đã làm tăng tỷ lệ và sự trầm trọng của tình trạng suy dinh dưỡng tại địa phương này. Suy dinh dưỡng ở nam nhiễm cao hơn nữ nhiễm với các tỷ lệ tương ứng 74,0% và 68,0%, nông thôn cao hơn thành thị với các tỷ lệ tương ứng 76,0% và 69,0%, giai đoạn 2,3 và 4 (theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới) cao hơn giai đoạn 1 với các tỷ lệ tương ứng 74,0% và 56,0%. Như vậy, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở người nhiễm HIV cao hơn so với nhóm dân cư khác và tỷ lệ suy dinh dưỡng cao ở những người nhiễm HIV/AIDS có thể làm giảm tuổi thọ, chất lượng sống cũng như đáp ứng lâm sàng trong những đối tượng này [127].

Một nghiên cứu khác tại Jakarta, Indonesia [122], thử nghiệm lâm sàng can thiệp dinh dưỡng cho 20 người nhiễm HIV và 7 bệnh nhân AIDS với những thực đơn đặc biệt dựa trên cơ sở bổ sung các vi chất dinh dưỡng, chống oxy hóa và điều chỉnh hàm lượng calo phù hợp đã làm chậm tiến triển của bệnh AIDS. Nghiên cứu đưa ra kết luận: tình trạng dinh

dưỡng của những người nhiễm HIV/AIDS có vai trò quan trọng đối với tình trạng sống còn của người bệnh. Suy chức năng chuyển hóa, đặc biệt việc thiếu các yếu tố vi lượng sẽ làm tiên lượng xấu đối với bệnh nhân. Vấn đề chăm sóc dinh dưỡng có thể được sử dụng như một biện pháp điều trị và quản lý người nhiễm HIV/AIDS. Nghiên cứu tại Ghana [105] cũng cho những nhận xét tương tự. Nghiên cứu khác tại vùng Cận Sahara châu Phi [106] đưa ra khuyến nghị rằng: việc can thiệp sớm nhằm tăng năng lượng và protein cho người nhiễm HIV/AIDS sẽ giúp họ tăng nguồn dự trữ và giảm tình trạng dễ bị sụt cân liên quan đến tiêu chảy và các nhiễm trùng cơ hội khác. Sự bổ sung các vi chất dinh dưỡng sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm những hậu quả bất lợi do hoạt độ quá sức của hệ thống oxy hóa liên quan tới nhiễm trùng và kéo dài sự sống của bệnh nhân, giúp duy trì sức khỏe và tăng cường chất lượng sống cho họ.

4.1.3.2. Sự quan tâm và hỗ trợ của gia đình đối với người nhiễm HIV/AIDS


Về nhận thức, sự quan tâm và hỗ trợ của gia đình người nhiễm được đánh giá có vai trò rất quan trọng. Người nhiễm HIV/AIDS dù có hay chưa có biểu hiện triệu chứng của NTCH đều rất cần sự chăm sóc tại nhà của gia đình và người thân. Bên cạnh việc sợ bệnh, người nhiễm luôn có tình trạng khủng hoảng, sợ bị phân biệt đối xử, lo lắng, buồn rầu... Do vậy, những quan tâm, chăm sóc từ gia đình trở nên rất quan trọng. Hơn ai hết, các thành viên trong gia đình có thể hiểu thấu đáo tâm tư, nguyện vọng của người nhiễm HIV/AIDS. Được chăm sóc tại nhà, người nhiễm sẽ được động viên, hỗ trợ về mặt tinh thần, dinh dưỡng. Điều này sẽ cải thiện cuộc sống của họ, giúp họ sống lành mạnh hơn, có ý nghĩa hơn và đặc biệt tạo động lực giúp họ thay đổi hành vi nguy cơ, góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch HIV/AIDS. Mặt khác, thực hiện chăm sóc tại gia đình còn là một trong những chiến lược quan trọng đối với việc hỗ trợ và chăm sóc toàn diện người nhiễm HIV. Ngoài ra, chăm sóc tại nhà còn làm giảm chi phí gia đình, giảm gánh nặng cho hệ thống bệnh viện và các cơ sở y tế.

Thực tế trong nghiên cứu này: tỷ lệ 2,7% người nhiễm bị gia đình ruồng bỏ, xa lánh. Điều này có thể giải thích, do phần lớn người nhiễm HIV là đối tượng nghiện ma túy. Nghiện ma túy là một tình trạng khó che dấu và đây là một tệ nạn mà xã hội lên án. Mặt khác, những đối tượng này thường làm cho kinh tế gia đình khánh kiệt. Nhiều đối tượng để có tiền TCMT đã lừa đảo, trộm cắp trong chính những người thân, trong gia đình mình. Điều này cho thấy, dường như những đối tượng nhiễm HIV không do TCMT dễ được gia đình chấp nhận hơn, đặc biệt là với những người nhiễm HIV mà nguyên nhân là do hậu quả

của sự truyền từ vợ/chồng họ. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ người nhiễm bị gia đình ruồng bỏ, xa lánh xấp xỉ nghiên cứu của Quỹ toàn cầu năm 2006 tại khu vực miền Bắc (1,8%) và khu vực miền Trung và miền Nam (3,1%) [6]. Tuy vậy, kết quả nghiên cứu nghiên cứu của chúng tôi thấp hơn nhiều so với những đánh giá trong điều tra của Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới năm 2002 [17], [21]. Điều này cho thấy, với việc đáp ứng mạnh mẽ của các chương trình phòng chống HIV/AIDS, trong đó có vai trò của truyền thông kiến thức về lây nhiễm HIV, về luật pháp... thì sự ruồng bỏ, xa lánh của gia đình đối với người nhiễm HIV ngày càng giảm đi.

Kết quả trong nghiên cứu này còn chỉ ra: tỷ lệ đối tượng được chăm sóc tại nhà khi ốm đau khá cao (98,0%) tương nghiên cứu của Quỹ toàn cầu năm 2006 tại khu vực miền Bắc (97,8%) và cao hơn so với khu vực miền Trung và miền Nam (95,8%) [6] và cũng cao hơn nhiều nghiên cứu tại Nghệ An năm 2004 (88,6%) [38]. Người chăm sóc sức khỏe thường xuyên khi đối tượng ốm đau chủ yếu là bố, mẹ (66,2%) và vợ/chồng/con cái (30,4%). Kết quả này phù hợp với một số nghiên cứu gần đây tại Việt Nam [6], [17], [21], [72]. Các điều tra trên thế giới cũng cho biết vai trò quan trọng của gia đình đối với người nhiễm HIV. Một nghiên cứu tại Trung Quốc [118] cho thấy: sự hỗ trợ của gia đình đóng vai trò rất quan trọng với người nhiễm trong việc bộc lộ tình trạng bệnh, điều trị và chăm sóc, ổn định tâm lý, cũng như giảm kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Do niềm tin mạnh mẽ vào giá trị của gia đình, phần lớn những người cung cấp dịch vụ tại Trung Quốc đã thông báo về tình trạng của người nhiễm cho gia đình trước tiên. Sau đó gia đình có trách nhiệm thông báo tình trạng này với người nhiễm. Những thành viên trong gia đình không những tiến hành các chăm sóc cơ bản và hỗ trợ tâm lý hàng ngày, mà ở hầu hết các trường hợp, gia đình còn là nguồn hỗ trợ tài chính cơ bản cho người nhiễm và con cái họ. Chất lượng cuộc sống của người nhiễm và các thành viên trong gia đình phụ thuộc vào cách họ giải quyết với sự khủng hoảng và sự kỳ thị, với các khó khăn về tài chính, với vấn đề chăm sóc, điều trị...

Để chăm sóc người nhiễm, các thành viên gia đình thường sử dụng vốn kiến thức chung, sẵn có. Tại nghiên cứu này, chỉ có 61,2% người nhà chăm sóc cho đối tượng được tập huấn về TVCSHT cho người nhiễm HIV/AIDS tại nhà. Nghiên cứu tại Thái Nguyên

[125] nhằm đánh giá hiệu quả của việc tập huấn cho gia đình người nhiễm cho kết quả: sau tập huấn, những thành viên trong gia đình không còn lo lắng và lúng túng khi chăm sóc HIV/AIDS. Họ biết cách phòng lây nhiễm HIV cho bản thân và người xung quanh. Nhờ

vậy, những người nhiễm cũng giảm lo lắng và cảm giác tự ti, điều đó giúp họ sống tự tin, khỏe mạnh và có ích hơn (sống tích cực). Như vậy, kiến thức được cải thiện sẽ giúp cho các thành viên trong gia đình người nhiễm và cộng đồng giảm được sự kỳ thị và phân biệt đối xử.

4.1.3.3. Sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS


Cũng như gia đình, sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng với người nhiễm HIV/AIDS còn hạn chế. Mặc dù vậy, so với những năm trước đây, sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng đối với người nhiễm nhiễm HIV đã được cải thiện một bước. Điều này cho thấy, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền được triển khai rộng rãi với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đã làm thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng về căn bệnh HIV/AIDS. Mặt khác, hệ thống pháp luật cũng đưa ra các văn bản quy phạm pháp luật như Luật, Pháp lệnh và Nghị định...tạo ra hành lang pháp lý cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS đạt hiệu quả tốt hơn [26], [68], [94]. Trong nghiên cứu này, có 4,5% đối tượng cho rằng cộng đồng đang ruồng bỏ xa lánh họ. Sự kỳ thị, xa lánh, ruồng bỏ của cộng đồng có liên quan đến một số vấn đề: sợ lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường; sợ bị phiền hà, ảnh hưởng về uy tín, tinh thần và vật chất; tình trạng vẫn sử dụng ma túy và hành nghề mại dâm của người nhiễm HIV/AIDS...

Tỷ lệ đối tượng bị cộng đồng ruồng bỏ, xa lánh (4,5%) ở nghiên cứu này cao hơn so với nghiên cứu năm 2006 tại khu vực miền Bắc (3,2%) và tương đương khu vực miền Nam (4,6%). Tỷ lệ này cũng cao hơn nghiên cứu năm 2006 tại Nghệ An (1,0%) [6]. Điều này cho thấy, mặc dù trong thời gian qua công tác tư vấn, truyền thông đã được tăng cường, các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm đã triển khai rộng khắp với nhiều nội dung và hình thức phong phú đã làm chuyển đổi nhìn nhận của đại bộ phận cộng đồng về căn bệnh HIV/AIDS, nhưng để tiến tới xoá bỏ sự xa lánh, ruồng bỏ của cộng đồng đối với người nhiễm HIV/AIDS đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa và phải có sự phối hợp của các cấp, các ngành và đặc biệt là các tổ chức đoàn thể xã hội.

Kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS là thái độ coi thường, làm mất thể diện hay không tôn trọng người đó vì biết họ bị nhiễm hoặc nghi ngờ bị nhiễm HIV/AIDS. Kỳ thị có thể do các cá nhân, bạn bè, gia đình, cộng đồng và các cán bộ y tế, thậm chí từ phía chính quyền gây ra với người nhiễm HIV/AIDS. Các quy định, chính sách, thủ tục hành chính chưa phù hợp cũng có thể là nguyên nhân gây ra kỳ thị. Kỳ thị còn do chính người nhiễm gây ra (tự kỳ thị), vì cảm thấy mình không được những người xung quanh chấp nhận hay mặc cảm với

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/09/2023