* Phương trình tuyến tính biểu diễn mối tương quan giữa thay đổi hàm lượng Hb huyết thanh với tăng chiều cao của 2 thời điểm T6-T0:
y=3,185*x + 2,055, với r=0,168
y: thay đổi Hb
x: tăng chiều cao
Từ phương trình trên cho thấy rằng đây là mối tương quan thuận chiều, nghĩa là tại thời điểm T6 độ tăng chiều cao so với thời điểm T0 cao thì mức thay đổi của Hb cũng tăng theo, mối tương quan này có ý nghĩa thống kê với p=0,007.
* Phương trình tuyến tính biểu diễn mối tương quan giữa thay đổi hàm lượng Hb huyết thanh với thay đổi transferitin của 2 thời điểm T6-T0:
y= – 0,731*x + 8,163 với r=-0,141
y: thay đổi Hb
x: thay đổi transferitin
Với r = -0,141 cho thấy rằng đây là mối tương quan ngược chiều, nghĩa là mức thay đổi transferitin sau 2 thời điểm T6-T0 tăng thì độ thay đổi của Hb giảm, mối tương quan này có ý nghĩa thống kê với p=0,022.
* Phương trình tuyến tính biểu diễn mối tương quan giữa thay đổi hàm lượng Hb huyết thanh với thay đổi hàm lượng ferritin của 2 thời điểm T6-T0:
y=0,059*x + 7,955 với r=0,160
y: thay đổi Hb
x: thay đổi ferritin
Từ phương trình trên cho thấy rằng đây là mối tương quan thuận chiều, nghĩa là tại thời điểm T6 mức thay đổi ferritin so với thời điểm T0 càng nhiều thì mức thay đổi của Hb cũng tăng theo, mối tương quan này có ý nghĩa thống kê với p=0,008.
* Phương trình tuyến tính biểu diễn mối tương quan giữa thay đổi hàm lượng Hb huyết thanh với thay đổi hàm lượng selen của 2 thời điểm T6-T0:
y=0,151* x + 5,795 với r=0,443
y: thay đổi Hb x: thay đổi selen
Với r = 0,443 cho thấy rằng đây là mối tương quan thuận chiều, nghĩa là tại thời điểm T6 mức thay đổi selen so với thời điểm T0 cao thì mức thay đổi của Hb cũng tăng theo, mối tương quan này có ý nghĩa thống kê với p=0,001.
Bảng 3.20. Ma trận tương quan tuyến tính giữa thay đổi hàm lượng selen (T6-T0) với từng biến độc lập
β | Constant | T test | Hệ số tương quan (r) | p | |
Tháng tuổi tại T0 | 0,001 | 19,762 | 0,005 | 0,000 | 0,996 |
Thay đổi cân nặng | 2,509 | 17,857 | 0,796 | 0,050 | 0,427 |
Thay đổi chiều cao | 2,153 | 14,106 | 0,928 | 0,058 | 0,354 |
Thay đổi transferin receptor | -2,093 | 18,347 | -2,091 | -0,132 | 0,038 |
Thay đổi feritin | 0,019 | 19,666 | 0,278 | 0,017 | 0,781 |
Có thể bạn quan tâm!
- Đặc Điểm Tình Trạng Dinh Dưỡng Của Trẻ Tham Gia Điều Tra Sàng Lọc
- Hàm Lượng Vitamin, Vi Khoáng Và Mức Đáp Ứng Nhu Cầu Khuyến Nghị Của Khẩu Phần (Trẻ/ngày)
- Mức Tăng Cân Nặng Theo Nhóm Tuổi Sau 6 Tháng Can Thiệp (T6-T0)
- Đặc Điểm Các Đối Tượng Được Lựa Chọn Vào Can Thiệp
- Hiệu Quả Cải Thiện Hàm Lượng Selen Huyết Thanh Và Tình Trạng Thiếu Selen
- Tình Trạng Dinh Dưỡng Và Thiếu Máu Tại Thời Điểm Trước Can Thiệp Ở Học Sinh Tiểu Học 7-10 Tuổi Tại 4 Trường Tiểu Học Thuộc 2 Xã Thành Công, Phúc
Xem toàn bộ 139 trang tài liệu này.
* Phương trình tuyến tính biểu diễn mối tương quan giữa sự thay đổi hàm lượng 2 chỉ số trong huyết thanh là selenvà feritin sau 2 thời điểm T6-T0:
y = – 2,093 * x + 18,347 với r=-0,132
y: thay đổi selen x: thay đổi ferritin
Từ phương trình trên cho thấy rằng đây là mối tương quan ngược chiều, nghĩa là tại thời điểm T6 so với T0, mức thay đổi của feritin giảm thì mức thay đổi của selen lại tăng, mối tương quan này có ý nghĩa thống kê với p=0,038.
* Phương trình tuyến tính biểu diễn mối tương quan giữa sự thay đổi hàm lượng 2 chỉ số trong huyết thanh là selen và Hb sau 2 thời điểm T6-T0:
y=1,302 * x + 8,413 với r=0,443
y: thay đổi selen x: thay đổi Hb
Từ phương trình trên cho thấy rằng đây là mối tương quan thuận chiều, nghĩa là tại thời điểm T6 so với T0, mức thay đổi của Hb tăng thì mức thay đổi của selen cũng tăng, mối tương quan này có ý nghĩa thống kê với p=0,001.
CHƯƠNG 4. BÀN LUẬN
Nghiên cứu được tiến hành tại 4 trường tiểu học thuộc 2 xã Thành Công và Phúc Thuận, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, 2 trong 6 xã miền núi của huyện. Các xã miền núi là những xã có điều kiện kinh tế thấp hơn so với các xã còn lại trong huyện, điều kiện văn hóa xã hội khác gần tương tự nhau. Như vậy nghiên cứu được tiến hành trong điều kiện các đối tượng gần tương tự nhau về kinh tế, điều kiện văn hóa xã hội khác.
Chúng tôi đã tiến hành bắt thăm chọn ra 2 trong số 6 xã miền núi để đưa vào nghiên cứu. Trong 2 xã được chọn, mỗi xã có 3 trường tiểu học. Tại mỗi xã, tiến hành bắt thăm chọn ra 2 trong số 3 trường tiểu học để đưa vào nghiên cứu. Với cách làm như trên, các đối tượng được chọn đảm bảo tính khoa học, khách quan và ngẫu nhiên theo cụm, đại diện cho quần thể học sinh tiểu học trong khu vực. Tại 4 trường tiểu học đã được lựa chọn, mỗi trường có khoảng 200 đến 280 học sinh ở độ tuổi 7-10 tuổi. Theo công thức tính cỡ mẫu cho điều tra sàng lọc cần khoảng 800 học sinh 7-10 tuổi. Tổng số học sinh tại 04 trường tiểu học là 892, như vậy số trẻ này đảm bảo đủ cho cỡ mẫu nghiên cứu. Tuy nhiên, một số trẻ không được sự đồng ý của gia đình, một vài trẻ không ở địa phương hoặc vì do lý do sức khỏe tại thời điểm điều tra sàng lọc nên trong nghiên cứu này có 815 trẻ tham gia điều tra để sàng lọc, có 795 trẻ có đủ số liệu về chỉ số Hb.
4.1. TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG VÀ THIẾU MÁU
4.1.1. Về các chỉ số nhân trắc tại thời điểm điều tra sàng lọc
Tỷ lệ SDD ở quần thể 815 học sinh tiểu học từ 7- 10 tham gia điều tra sàng lọc có tỷ lệ SDD cân nặng theo tuổi là 30,7%, SDD chiều cao theo tuổi là 24,8% (Bảng 3.4). Tỷ lệ SDD cân nặng theo tuổi, chiều cao theo tuổi trên học sinh khác nhau không có ý nghĩa thống kê giữa các trường và có xu hướng thấp hơn so với những nghiên cứu đã được tiến hành trong những năm gần đây [5, 25, 29].
So sánh với kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thanh Hà năm 2005 tại Vĩnh Phúc cho thấy, tỷ lệ nhẹ cân ở trẻ 7-10 tuổi tại hai xã Miền núi huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên là 30,7% cao hơn tỷ lệ SDD thể nhẹ cân của trẻ em vùng nông thôn của Vĩnh Phúc là 27,8%, tỷ lệ nhẹ cân ở nam cũng cao hơn nữ [29]. Nghiên cứu của Đặng Văn Nghiễm năm 2010 tiến hành tại ven biển Thái Bình trên trẻ em học sinh tuổi 7-15 tuổi tỷ lệ SDD thể nhẹ cân là 23,6%, thấp hơn so với nghiên cứu của chúng tôi là 30,7% [5].
Tuy nhiên, khi so sánh tỷ lệ SDD thể nhẹ cân này với nghiên cứu của của Phạm Ngọc Khái năm 1997 tiến hành tại nông thôn Thái Bình trên trẻ em có độ tuổi 6-15 tuổi là 46,0% [30]. Tỷ lệ nhẹ cân ở trẻ em tuổi học đường tại Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên năm 2012 cũng thấp hơn nhiều so với tỷ lệ nhẹ cân ở trẻ em tuổi học đường ở nông thôn tỉnh An Giang năm 2007, trong đó tỷ lệ nhẹ cân ở trẻ 10 tuổi là 87,1% và trẻ 15 tuổi là 35,4% [25]. Như vậy, kết quả nghiên cứu này cho thấy, so với những năm trước đây tỷ lệ SDD thể nhẹ cân trên trẻ em tuổi tiểu học có xu hướng cải thiện.
Chiều cao cũng là một chỉ tiêu cơ bản để theo dõi đánh giá sự tăng trưởng trẻ em, là một yếu tố khá nhạy trước sự thay đổi của chế độ dinh dưỡng, đây là một chỉ tiêu quan trọng được sử dụng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng trong các cuộc điều tra dinh dưỡng. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên tỷ lệ SDD chiều cao theo tuổi học sinh nam 7-10 tuổi (27,4%) cao hơn học sinh nữ (22,2%) nhưng chưa đạt tới mức có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Đây là ảnh hưởng của thời kỳ tiền dậy thì ở trẻ em nữ đã bắt đầu sớm hơn so với trẻ em nam [102, 103].
Thực trạng chiều cao theo tuổi thấp (so với quần thể tham chiếu của WHO) chứng tỏ trẻ chậm lớn đã từ lâu, điều đó phản ảnh tình trạng thiếu dinh dưỡng do các nguyên nhân đã kéo dài trong quá khứ. Lứa tuổi học đường, trẻ đang lớn, nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng cao, nhưng các lý do làm cho trẻ thiếu ăn trường diễn về số lượng, đặc biệt là thiếu về các vi chất dinh dưỡng nên dẫn đến thiếu năng lượng một cách từ từ và hậu quả là chậm lớn, chiều cao thấp so với tuổi. Tuổi học đường cơ thể trẻ đang phát triển nhanh, chức năng các cơ quan đang dần dần hoàn thiện, trong thời kỳ này trẻ dễ mắc các bệnh về hô hấp, nhiễm ký sinh trùng, đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây thiếu dinh dưỡng ở trẻ em tuổi học đường trong những thập kỷ trước [8].
Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em 7-10 tuổi huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên là 24,8% (Bảng 3.4) và có xu hướng tăng dần theo tuổi (Biểu đồ 3.1, Biểu đồ 3.2). Tỷ lệ SDD này ở nam luôn luôn cao hơn nữ và cũng tăng dần theo tuổi (Biểu đồ 3.1). Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có sự khác biệt với nghiên cứu của Đặng Văn Nghiễm cho thấy tỷ lệ mắc thấp còi ở trẻ em 7-15 tuổi ven biển Thái Bình là 28,1% và giảm dần theo các nhóm tuổi, trong đó giảm rõ rệt ở trẻ em 7-11 tuổi, tính trung bình thì tỷ lệ thấp còi ở nam là 31,1% và nữ là 25,2% [5]. Kết quả nghiên cứu này của chúng tôi cho thấy tỷ lệ thấp còi ở học sinh 7-10 tuổi huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cũng gần tương tự kết quả của Đỗ Thị Hoà tiến hành năm 2000 ở trẻ em trường tiểu học ngoại thành Hà Nội, tỷ lệ thấp còi cũng là 28,3% chung cho cả 2 giới [6].
Kết quả nghiên cứu chứng tỏ tình trạng thiếu dinh dưỡng do nguyên nhân thiếu năng lượng trường diễn và do nhiều nguyên nhân phối hợp và còn khá phổ biến ở học sinh 7-10 tuổi huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ SDD còn cao tại địa bàn nghiên cứu do khẩu phần ăn không hợp lý (thiếu cả số lượng và chất lượng). Thêm vào đó, 2 xã nghiên cứu thuộc huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên là 2 xã miền núi nên có sự khác biệt về kinh tế, trình độ học vấn, phong tục tập quán so với khu vực thành phố, đồng bằng. Đa số các bà mẹ của các đối tượng tham gia điều tra sàng lọc có trình độ văn hoá trung học cơ sở, vẫn còn nhiều bà mẹ có trình độ tiểu học. Hầu hết các bà mẹ có nghề nghiệp chính là nông nghiệp dẫn đến kiến thức, thực hành về dinh dưỡng và chăm sóc trẻ còn hạn chế. Vì vậy, để khắc phục các nguyên nhân dẫn đến SDD, đặc biệt là SDD thể thấp còi ở trẻ em tuổi học đường cần phải có giải pháp đồng bộ với sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền, y tế, các ban ngành từ trung ương đến địa phương.
4.1.2. Về nồng độ Hb tỷ lệ thiếu máu của học sinh tiểu học
Biểu hiện thiếu máu chỉ là giai đoạn cuối của một quá trình thiếu sắt kéo dài và dự trữ sắt của cơ thể đã cạn kiệt, số người bị thiếu sắt nhưng chưa có biểu hiện thiếu máu cao hơn nhiều so với số người đã bị thiếu máu thật sự [106]. Nghiên cứu này đã được tiến hành tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với cách lấy mẫu chùm theo trường và cỡ mẫu đã được tiến hành lấy lên 1,5 lần so với cỡ mẫu cần thiết. Chính vì vậy, tỷ lệ thiếu máu đại diện cho vùng nghiên cứu và những vùng miền núi có điều
kiện tương đương khác. Kết quả xét nghiệm nồng độ Hb trung bình trong máu toàn phần là Phúc Thuận 1 là 119,3 g/L; Phúc Thuận 2 là 117,6 g/L; Thành Công 1 là 119,9 g/L; Thành Công 2 là 116,6 g/L (Bảng 3.5). Tỷ lệ thiếu máu chung (Hb<115g/L) chiếm 38,9% số trẻ em tham gia sàng lọc, tỷ lệ thiếu máu này trên học sinh tiểu học tại địa bàn tiến hành nghiên cứu nằm tại ranh giới giữa thiếu máu trung bình và thiếu máu nặng trên quần thể theo phân loại của WHO [106]. Tỷ lệ thiếu máu này cao nhất tại trường tiểu học Thành Công 2 (41,7%) và thấp nhất tại trường Thành Công 1 (34,2%), sự khác biệt về tỷ lệ thiếu máu không có ý nghĩa thống kê giữa các trường tiểu học tham gia nghiên cứu (p>0,05). Khi phân tích tỷ lệ thiếu máu theo giới tính, học sinh nữ có tỷ lệ thiếu máu cao hơn học sinh nam nhưng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hai giới. Tỷ lệ thiếu máu cao nhất ở học sinh 8 tuổi (40,1%), tiếp đó đến học sinh 7 tuổi (38,7%) và thấp nhất ở học sinh 9-10 tuổi (37,7%).
Tỷ lệ thiếu máu trong nghiên cứu của chúng tôi cao hơn tỷ lệ thiếu máu tại điều tra SEANUTS năm 2011 tại 6 tỉnh thành của Việt Nam cho thấy: tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em tiểu học là 11,8%. Tỷ lệ trẻ có dự trữ sắt cạn kiệt (Ferritin <15 µg/L) là 6%; tỷ lệ trẻ có dự trữ sắt thấp (Ferritin <30µg/L) là 28,8%; tỷ lệ thiếu máu thiếu sắt (Hb<115g/L, Ferritin <30 µg/L) là 23,9% [68].
Nghiên cứu của Partnership năm 1997 trên tổng số 6308 nữ và 6429 nam của học sinh tại các nước ở Châu Phi và Châu Á cho thấy có một sự khác nhau về tỷ lệ thiếu máu giữa các quốc gia và giữa các vùng trong cùng một quốc gia. Tỷ lệ thiếu máu ở các nước Châu Phi cao hơn các nước Đông Nam Á nhưng không có ý nghĩa thống kê. Lượng Hb trung bình ở trẻ 7 đến 11 tuổi thấp hơn 12 đến 13 tuổi ở hầu hết các quốc gia, nhưng tỷ lệ thiếu máu ở tuổi 12 đến 13 lại là 54,4% và ở trẻ 7 đến 11 tuổi 40,2% [48].
Ở Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn Công Khanh và cộng sự (1995) nhận thấy tỷ lệ thiếu máu của trẻ em tuổi học đường ở Hà Nội (7-10 tuổi) là 21,5%, (7-14 tuổi) là 13,2%, còn ở Hà Tây tỷ lệ thiếu máu ở nhóm tuổi (7-10 tuổi) là 24,5% [27]. Nghiên cứu của Lê Thị Hương và cộng sự (1999) thì tỷ lệ thiếu máu của học sinh tiểu học nội thành Hà Nội là 14,8%, trong khi đó tỷ lệ thiếu máu của học sinh trường tiểu học ngoại thành Hà Nội là 18,8% [14].
Nghiên cứu năm 2008 trên trẻ em tiểu học ở vùng nông thôn cho thấy, có tới 45,2% trẻ em tuổi học đường bị thiếu máu thiếu sắt [15]. Nghiên cứu năm 2006 trên học sinh nữ 11-14 tuổi tại huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên cho thấy tỷ lệ thiếu máu chung là 27,9%. Học sinh nữ 13 tuổi có tỷ lệ thiếu máu cao nhất, chiếm 43,9% [16].
Thiếu máu do thiếu sắt là nguyên chủ yếu ở các nước đang phát triển. Một nửa số thiếu máu còn lại là do thiếu những chất dinh dưỡng khác như thiếu folate, kẽm, đồng, selen, vitamin A, B2, B12 và vitamin C hoặc thiếu máu do một số bệnh bội nhiễm, nhiễm trùng mạn, các bệnh bất thường huyết sắc tố và hồng cầu [56, 106].
Thiếu sắt là kết quả của sự cân bằng sắt âm tính kéo dài, có thể do không đủ lượng sắt (do hàm lượng sắt trong khẩu phần ăn không đủ hoặc hấp thu không đủ). Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu sắt là do khẩu phần ăn không cung cấp đủ chất sắt. Nguồn cung cấp sắt chủ yếu từ 2 nguồn sắt chính từ thực phẩm là sắt hem và sắt không hem. Sắt heme tạo ra Hemoglobin và Myoglobin. Nguồn thực phẩm giầu sắt hem là thịt, cá, thịt gia cầm và tiết. Sắt heme có thể được hấp thu dễ dàng ở ruột và ít bị ảnh hưởng bởi sự có mặt của một số chất làm tăng hay cản trở hấp thu sắt. Ở các nước đang phát triển, có tới 88% lượng sắt không hem trong khẩu phần. Ở Việt Nam, sắt được cung cấp từ khẩu phần cũng rất thấp, chỉ khoảng 8-10mg/ngày, trong đó nguồn sắt không hem chiếm tới 85-88% tổng số sắt được cung cấp hàng ngày. Vitamin C là chất tăng hấp thu sắt cũng chỉ cung cấp được khoảng 54% nhu cầu khuyến nghị [56, 106].
Thiếu máu không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thể lực, tới quá trình dậy thì bình thường, mà còn làm giảm năng lực học tập của trẻ. Trẻ lứa tuổi học đường bị thiếu máu, thiếu dự trữ sắt có biểu hiện kém linh hoạt, giảm sự tập trung chú ý trong giờ học, dẫn tới kết quả học tập kém. Học sinh bị thiếu máu cũng có thể làm giảm sự minh mẫn, tiếp thu những thông tin cần thiết và thích hợp từ các bài giảng trong lớp. Trên cơ sở các bằng chứng này đã khẳng định: những nơi thiếu máu thiếu sắt phổ biến, hậu quả của nó đang tác động trực tiếp làm giảm sút nghiêm trọng hiệu quả giáo dục toàn diện [10, 106].
Các giải pháp phòng chống thiếu máu: dựa vào nguồn thực phẩm để đa dạng hoá bữa ăn là phối hợp nhiều loại thực phẩm từ nguồn thực phẩm có sẵn ở địa phương để cải thiện chất lượng của bữa ăn [3, 112].
Bổ sung vi chất dinh dưỡng là giải pháp cấp bách nhằm cải thiện nhanh tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cho những nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Ưu điểm của bổ sung vi chất dinh dưỡng là tiện lợi trong việc sử dụng vì sản phẩm có khối lượng nhỏ có thể can thiệp theo mong muốn, dễ kiểm tra, dễ theo dõi chính xác hàm lượng bổ sung rất phù hợp cho các nghiên cứu can thiệp [3, 112].
4.1.3. Khẩu phần ăn của đối tượng nghiên cứu
Khẩu phần ăn hàng ngày là một trong các yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tình trạng dinh dưỡng, thiếu máu. Số liệu về khẩu phần ăn của đối tượng nghiên cứu được thu thập bằng phương pháp hỏi ghi khẩu phần trong 24 giờ. Phân tích giá trị dinh dưỡng, đặc điểm cân đối khẩu phần nhằm đánh giá mức đáp ứng của đối tượng so với nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam của Bộ Y tế năm 2012 [18].
Kết quả nghiên cứu cho thấy năng lượng khẩu phần trung bình của học sinh tiểu học 7-10 tuổi tại 4 trường tiểu học tham gia nghiên cứu là 1288,2 Kcal, đáp ứng 71,6% so với nhu cầu khuyến nghị dành cho người Việt Nam, cho lứa tuổi này là 1800 Kcal. Tỷ lệ các chất sinh năng lượng chính gồm Prôtêin / Lipit / Gluxít trong khẩu phần là 13,2
/ 13,8 / 73,0 chưa cân đối trong cơ cấu khẩu phần ăn. Năng lượng do protein cung cấp đạt 94,3%, còn thiếu 5,7% so với nhu cầu khuyến nghị. Năng lượng do Lipid cung cấp khá thấp, chỉ đạt 68,9% so với nhu cầu khuyến nghị. Ngược lại, năng lượng do Glucid cung cấp cao, đáp ứng 110,6% so với nhu cầu khuyến nghị [18].
Protein tiêu thụ trung bình là 43,2 g/người/ngày, so với nhu cầu khuyến nghị đạt 107,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ protein động vật chỉ chiếm 35,0% trong tổng số protein, thấp hơn nhiều so với nhu cầu khuyến nghị là >50%, kết quả này tương tự như tổng điều tra dinh dưỡng năm 2000 là 33,5% [1]. Những nghiên cứu gần đây cho thấy thói quen ăn thực phẩm có nguồn gốc từ protein động vật thay đổi theo xu hướng giảm, vì vậy cần có