Hàng thừa kế theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành - Những vấn đề lý luận và thực tiễn - 6

hưởng quyền lợi trên. Ba năm- thời hạn mà theo tâm linh người Việt là quãng thời gian tối thiểu để những người còn sống để tang, làm giỗ, thể hiện lòng thành kính với vong linh người quá cố. Thông thường, người chồng hay vợ góa có "đi bước nữa" cũng cần hết thời hạn ba năm, "sang cát" xong cho người khuất núi. Quy định trên bởi thế có thể nói mang đậm bản sắc văn hóa Việt.

Trở lại lịch sử pháp luật Việt Nam dưới chế độ cũ, trên nguyên tắc bảo vệ gia đình gia trưởng, củng cố quyền lực của người đàn ông, đặc biệt là trưởng nam, pháp luật hầu như không cho phép người vợ có quyền hưởng di sản của chồng. Ví dụ như pháp luật triều Nguyễn hoàn toàn tước bỏ quyền thừa kế của vợ góa đối với di sản của chồng, dân luật Bắc kỳ mặc dù cho phép vợ được hưởng di sản của chồng nhưng cũng chỉ là người vợ chính (trong khi thừa nhận hôn nhân đa thê) và vợ chỉ thuộc về hàng thừa kế cuối cùng. Nhìn ra thế giới, pháp luật một số nước cũng xem nhẹ vị trí của quan hệ hôn nhân khi quy định hàng thừa kế, người vợ hoặc người chồng không thuộc hàng thừa kế cố định nào, họ chỉ được xếp chung vào một hàng thừa kế nào đó để được hưởng một phần di sản theo những điều kiện nhất định. Theo quy định tại Bộ luật Dân sự Nhật Bản, vợ góa (chồng góa) có thể cùng hưởng thừa kế theo hàng thừa kế cùng với anh, chị, em hoặc ông bà nội, ngoại, thậm chí cụ nội, cụ ngoại,... của chồng (vợ). Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan cũng có quy định tương tự.

So sánh với pháp luật thừa kế Việt Nam dưới thời thực dân, phong kiến, và với pháp luật thế giới càng giúp chúng ta nhận rõ tính ưu việt của quy

định vợ, chồng thuộc hàng thừa kế đầu tiên của nhau theo pháp luật Việt Nam hiện hành.

* Cha, mẹ và con của người chết


- Cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ


Quan hệ huyết thống trong suốt cuộc đời mỗi con người luôn là mối quan hệ thiêng liêng nhất. Tình cảm với những người ruột thịt, đặc biệt là tình

mẫu tử, phụ tử luôn là những xúc cảm mạnh mẽ nhất, song cũng bền lâu nhất, không gì chia cắt được. Mối quan hệ này không chỉ được bảo vệ bằng đạo đức xã hội mà còn được bảo vệ bằng hành lang pháp lý vững chắc. Pháp luật hôn nhân gia đình luôn theo sát mục tiêu củng cố và phát triển gia đình Việt Nam, luôn bảo đảm lợi ích chính đáng của những người con xét về quan hệ huyết thống với cha, mẹ và nghĩa vụ của người là cha, mẹ đối với con và ngược lại. Trong pháp luật thừa kế, cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ là những người thừa kế theo pháp luật của nhau tại hàng thừa kế thứ nhất.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 96 trang tài liệu này.

Cha đẻ, mẹ đẻ- những người đã sinh thành ra con, nuôi con khôn lớn. Nuôi dưỡng con là một nghĩa vụ luật định nhưng có lẽ theo bản năng, tình cảm của cha và mẹ đối với con còn mang ý nghĩa mạnh mẽ hơn nhiều sự ràng buộc pháp lý, vì thế mà cha, mẹ suốt đời vất vả hi sinh cho con cái, điều đó trên tất cả là một bổn phận đạo lý tự nhiên ở đời mà hầu như không mấy cha, mẹ chối bỏ, trừ những trường hợp hết sức đặc biệt. Khi con còn nhỏ hoặc ngay cả khi con đã trưởng thành, trước cha me, con vẫn luôn cần được chở che, bao bọc. Sự lo lắng của cha, mẹ đối với con theo suốt cuộc đời người làm cha, làm mẹ, cho tới khi "nhắm mắt xuôi tay", nỗi niềm đó có lẽ vẫn là trăn trở lớn. Pháp luật công nhận quyền thừa kế của con trước di sản của cha, mẹ hay nói khác đi là quyền của cha mẹ để lại thừa kế cho con theo pháp luật đã thể hiện ý nghĩa sâu xa đó- cha, mẹ mất đi vẫn không nguôi mong muốn được tiếp tục thực hiện bổn phận với con, di sản thừa kế của cha mẹ có thể giúp con đỡ phần khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, sản nghiệp của cha mẹ gây dựng - kết quả của sự cố gắng nỗ lực suốt cuộc đời cha mẹ, hơn ai hết cha mẹ muốn dành lại cho con, đặt cả hy vọng vào sự kế tục của con.

Các con - cho dù là nam hay nữ, đã thành niên hay chưa thành niên, có năng lực hành vi dân sự hay bị mất, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự,... đều có quyền hưởng di sản theo pháp luật của cha đẻ, mẹ đẻ của mình với tư cách người thừa kế ở hàng thứ nhất. Điều đó khẳng định sự quyết tâm "tuyên chiến" với quan niệm "trọng nam khinh nữ" của thời phong kiến vẫn đang còn những

Hàng thừa kế theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành - Những vấn đề lý luận và thực tiễn - 6

tàn dư, ảnh hưởng đáng kể trong xã hội hiện đại. Đồng thời, ở đây, quyền lợi của trẻ em, đặc biệt là trẻ em thiệt thòi về khả năng được bảo vệ triệt để.

Quyền thừa kế theo pháp luật của con cũng không phụ thuộc vào tình trạng quan hệ của cha đẻ và mẹ đẻ. Con- dù là trong giá thú hay ngoài giá thú

đều có quan hệ huyết thống với cha đẻ, mẹ đẻ của mình. Nhiều trẻ em sinh ra may mắn có đủ đầy cả cha và mẹ yêu thương vỗ về, nhưng không ít trẻ em

được sinh ra không biết cha, mẹ. Đó là sự thiếu hụt lớn về mặt tinh thần cũng như vật chất. Thiệt thòi vật chất có thể bù đắp phần nào, nhưng những tổn thương tâm lý của trẻ thật khó lòng nguôi ngoai. Những người con khi lớn lên luôn đau đáu nỗi niềm tìm về với gốc gác bản thân. Ngược lại. cũng có nhiều người cha, mẹ sinh con và được dạy dỗ, nuôi nấng con từng ngày khôn lớn, theo sát từng bước trưởng thành của con, nhưng có nhiều trường hợp éo le, cha - con, mẹ - con lưu lạc. Huyết thống như một sợi dây vô hình nhưng vô cùng dẻo dai vẫn luôn kéo họ tìm về nhau. Tìm cha mẹ đẻ cho con và tìm con cho cha mẹ đẻ là nguyện vọng chính đáng, thiêng liêng không thể xâm phạm; việc xác định rõ nguồn gốc xuất thân là danh dự, uy tín của mỗi người trong xã hội, cần được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Xuất phát từ yêu cầu ấy, pháp luật hôn nhân và gia đình đã quy định về quyền xin xác nhận cha mẹ cho con và quyền xin xác nhận con cho cha mẹ không những nhằm bảo vệ quyền nhân thân giữa cha, mẹ và con mà còn nhằm xác lập và bảo vệ quyền lợi về tài sản giữa họ, trong đó có quyền thừa kế. Tuy nhiên, quyền này chỉ dành cho chính những người trong cuộc, tức chính bản thân người cha, người mẹ hay người con đó.

Xin xác nhận cha mẹ cho con và xác nhận con cho cha mẹ đối với trường hợp một đứa trẻ được sinh ra ngoài giá thú là điều dễ hiểu nhưng trên thực tế, có không ít những người con trong giá thú vẫn xin được xác nhận là con đẻ của người bấy lâu nay họ không gọi là cha hoặc có những người cha xin xác nhận một người đang là con trong giá thú của một người đàn ông khác là con đẻ của mình. Điều này liên quan mật thiết tới khái niệm con trong giá

thú. Con trong giá thú được hiểu là đứa trẻ sinh ra từ cuộc hôn nhân hợp pháp và thông thường đó là con chung vợ chồng. Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, do người mẹ mang thai trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ thành thai trước đó nhưng được chồng thừa nhận là con chung vợ chồng. Những người con này được hưởng thừa kế theo hàng thừa kế thứ nhất khi cha (mẹ) qua đời. Song, trong nhiều trường hợp, người con đó có thể không phải giọt máu của người cha quá cố. Nếu bảo vệ quyền thừa kế của cháu nhỏ trong trường hợp đó mặc dù rất nhân đạo nhưng dường như dựa nhiều vào yếu tố hình thức. Quy định con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung vợ chồng nên được hưởng thừa kế của cha liệu đã đi sâu vào bản chất của quan hệ huyết thống?

Trở lại vấn đề, quan điểm con trong giá thú hay con ngoài giá thú được ngang hàng nhau trong việc hưởng thừa kế theo pháp luật di sản của cha, mẹ thể hiện sự bảo vệ chặt chẽ quyền lợi chính đáng của những người con, đặc biệt là những trẻ em sinh ra trong hoàn cảnh đặc biệt. Điều đó hoàn toàn phù hợp với quan niệm hiện đại về quyền con người, đồng thời phù hợp với tinh thần Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Suy cho cùng, không ai có quyền chọn cha, mẹ cho mình, một người con ngoài giá thú không hề có lỗi về "thân phận" của nó.

Pháp luật Việt Nam thời phong kiến thực dân không phân biệt nặng nề vấn đề con trong hay ngoài giá thú vì thừa nhận chế độ hôn nhân đa thê nhưng cũng có sự phân biệt nhất định giữa con vợ cả với con vợ lẽ, theo đó, chính hệ tôn thuộc bao giờ cũng là ưu tiên hàng đầu được hưởng di sản của người quá cố. Trên thế giới, pháp luật Nhật Bản quy định quyền hưởng di sản của con không hợp pháp chỉ bằng 1/2 của con hợp pháp.

Di sản thừa kế không chỉ là vật chất thuần túy mà còn mang giá trị tinh thần lớn lao, là kỷ niệm gợi nhớ về người thân đã mất. Do vậy, pháp luật cần phải có cơ chế đảm bảo cho khối di sản đó được truyền cho những người thân thích, gần gũi nhất của người chết. Hơn ai hết, cha đẻ, mẹ đẻ "xứng đáng" là

người lưu giữ lại những kỷ vật về con đẻ của mình. Quy định cha đẻ, mẹ đẻ là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất hưởng thừa kế theo pháp luật của con đã thể hiện sâu sắc ý nghĩa đó. Trong xã hội hiện đại, quyền sở hữu tư nhân mang tính chất cá nhân và gia đình kinh tế không còn gần như đồng nhất với gia đình nghi lễ như trong thời kỳ phong kiến. Cha mẹ không còn có thể nhận di sản của con chết đi đã để lại như là tài sản vốn dĩ của mình mà là đón nhận việc tiếp tục thực hiện bổn phận của người con báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ ngay cả khi người con đó không may mất trước cha, mẹ.

- Cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi


Con nuôi và cha mẹ nuôi cũng là những người thừa kế theo pháp luật tại hàng thừa kế thứ nhất. Tư cách thừa kế của họ không phải xuất phát từ mối quan hệ hôn nhân hay huyết thống với người để lại di sản như trường hợp vợ, chồng hay cha mẹ đẻ, con đẻ mà từ quan hệ nuôi dưỡng. Quan hệ nuôi dưỡng nói chung là sự thể hiện nghĩa vụ chăm sóc nhau giữa những người thân thuộc theo quy định của pháp luật. Như vậy, giữa vợ và chồng, giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ cũng có nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau nhưng quan hệ nuôi dưỡng giữa họ chỉ là quan hệ phái sinh do họ có quan hệ hôn nhân hoặc quan hệ huyết thống. Còn trong trường hợp này, con nuôi và cha mẹ nuôi chỉ có quan hệ nuôi dưỡng ràng buộc nhau. Quan hệ này phát sinh từ sự kiện nhận nuôi con nuôi. Vì mục

đích nhân đạo xã hội, một mặt giúp cho những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất có thể, mặt khác nhằm giúp đỡ nuôi dưỡng người già cô đơn không nơi nương tựa, quan hệ nuôi con nuôi được pháp luật hôn nhân và gia đình quan tâm điều chỉnh sớm với những quy định cụ thể về điều kiện nhận nuôi con nuôi, thủ tục nhận nuôi con nuôi, quyền và nghĩa vụ của người là cha nuôi, mẹ nuôi đối với con nuôi và ngược lại. Quan hệ nuôi con nuôi gắn bó những người không chung dòng máu không chỉ bởi yếu tố tình cảm mà về mặt pháp lý, giữa những người là cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi còn có những quyền và nghĩa vụ với nhau như giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ. Quy định con nuôi và cha mẹ nuôi là người thừa kế theo pháp luật của

nhau tại hàng thừa kế thứ nhất cũng góp phần khuyến khích quan hệ nuôi con nuôi phát triển, mang ý nghĩa nhân đạo cao cả.

Việc một người là con nuôi được hưởng thừa kế của cha nuôi, mẹ nuôi không ảnh hưởng tới quyền thừa kế của người đó đối với di sản của cha, mẹ đẻ của mình. Điều 678 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về quan hệ thừa kế giữa con nuôi với cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ: "Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi

được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này". Vấn đề này đã có thời kỳ pháp luật Việt Nam không thừa nhận. Tuy nhiên, điều đó là không hợp lý, bởi lẽ quan hệ nuôi con nuôi chỉ phát sinh khi có sự kiện nhận nuôi con nuôi, trong khi đó, giữa cha mẹ và con đẻ là quan hệ "máu mủ" thiêng liêng không gì chia cắt được.

- Con riêng và cha dượng, mẹ kế


Với tư cách bổ sung cho hàng thừa kế theo pháp luật, Điều 679 quy

định về quan hệ thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế: "Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 của Bộ luật này".

Như vậy, con riêng và bố dượng, mẹ kế có thể là những người thừa kế của nhau. Quan hệ giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế xưa nay luôn là mối quan hệ hết sức "nhạy cảm", thậm chí từ lâu đã đi vào ca dao dân ca theo cách không mấy thiện ý: "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng". Câu ca đó có thể đúng trong nhiều trường hợp nhưng cũng có những trường hợp không như vậy. Trong xã hội hiện đại, mặc dù quan hệ con riêng và cha dượng, mẹ kế phát triển ngày một nhiều nhưng, khi cuộc sống không còn chật vật như xưa nữa, gánh nặng của việc nuôi con riêng của vợ (chồng) đôi khi không nằm ở sức ép kinh tế mà chỉ là vấn đề tình cảm, quan hệ con riêng và cha dượng, mẹ kế được cải thiện hơn nhiều. Một cách khách quan, chúng ta không thể phủ nhận những quan hệ giữa con riêng và cha

dượng, mẹ kế hết sức gắn bó, khăng khít đang tồn tại trên thực tế. Bằng quy

định quyền thừa kế giữa con riêng và cha dượng, mẹ kế trong trường hợp họ

đã nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con, pháp luật đã bảo vệ vững chắc quyền lợi của các thành viên trong gia đình, dù cho họ có không cùng huyết thống nhưng đã đối với nhau như những người ruột thịt, từ đó có ý nghĩa to lớn trong việc khuyến khích tấm lòng yêu thương con người trong xã hội.

Quyền thừa kế của con riêng với cha dượng, mẹ kế không loại trừ việc họ được hưởng di sản theo thứ tự các hàng thừa kế và thừa kế thế vị. Quy định này cũng hết sức phù hợp đạo lý khi không cắt đứt mối lên hệ giữa những một người đã là "con riêng" trong quan hệ với cha dượng, mẹ kế và cha đẻ, mẹ đẻ, anh chị em ruột, những người thân thích khác của mình.

Vấn đề đặt ra là: hiểu như thế nào là "chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con"? Có thể thấy, trong các văn bản luật hiện hành của Việt Nam chưa có quy định nào giải thích khái niệm này. Từ điển tiếng Việt giải thích "nuôi dưỡng" có nghĩa là "chăm nom, săn sóc" [36, tr. 774]. Thông qua khái niệm cấp dưỡng, người ta hiểu rằng, trong quan hệ nuôi dưỡng, những người có quyền và nghĩa vụ liên quan phải thực tế chung sống với nhau, còn khi những người này không thực tế chung sống, nghĩa vụ đó được thay thế bằng nghĩa vụ cấp dưỡng. Tuy nhiên, nghĩa vụ cấp dưỡng theo pháp luật quy

định không phải là nghĩa vụ phát sinh một cách tự động mà phải thông qua thủ tục yêu cầu theo luật định. Vậy, trong trường hợp con riêng và cha dượng, mẹ kế không chung sống cùng nhau, họ cũng không thể là người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau (vì giữa họ không có quan hệ nuôi dưỡng luật định) nhưng thực tế họ vẫn chăm lo cho cuộc sống của nhau thì có được coi là có quan hệ nuôi dưỡng? Thời gian, mức độ nuôi dưỡng như thế nào thì được xem là "như cha con, mẹ con"? Vấn đề này thật khó định lượng.

Câu hỏi đặt ra trong thực tiễn là: liệu có nên hay không việc cha mẹ cùng với con và vợ (chồng) của người chết thực hiện đồng thời các quyền thừa kế của mình tại hàng thừa kế thứ nhất?

Chúng ta biết rằng, cơ sở đạo đức và cơ sở kinh tế của việc di chuyển di sản đó là: di sản phải được ưu tiên di chuyển cho người mà người chết được ràng buộc bởi những bổn phận nuôi dưỡng và hỗ trợ kinh tế; đồng thời là người có khả năng phát triển sinh lợi các tài sản được chuyển giao. Như vậy, trong hàng thừa kế thứ nhất, vợ (chồng), con là người thừa kế được quy định

đảm bảo đủ những nguyên tắc ấy, còn cha, mẹ của người chết chỉ là những người thừa kế xét trên cơ sở đạo đức. Vậy, quy định của pháp luật thực sự phù hợp khi di sản thừa kế chủ yếu là những tư liệu tiêu dùng, việc cha mẹ là người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của con đã chết là sự bảo vệ nghĩa vụ nuôi dưỡng của con đối với cha mẹ ngay cả khi con chết trước cha mẹ. Tuy nhiên, di sản thừa kế thời nay không chủ yếu bao gồm tư liệu sinh hoạt mà trong rất nhiều trường hợp là sản nghiệp kinh doanh. Trong trường hợp đó, việc cha mẹ thuộc hàng thừa kế thứ nhất cùng với vợ (chồng) và con của con có nghĩa rằng của cải bị chia nhỏ để chuyển giao cho cả những nhân lực già và trẻ. Đó không phải là một giải pháp tốt để đảm bảo sự kế tục kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế gia đình và toàn xã hội.

Cha, mẹ, vợ, chồng, con- những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất- theo tập quán dân tộc thường cùng nhau chung sống dưới một mái nhà, trong

đó các con phải kính trọng, nuôi dưỡng cha mẹ và ngược lại, cha mẹ phải nuôi dưỡng các con đến khi trưởng thành; vợ chồng phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Nghĩa vụ giữa họ không chỉ do đạo đức chi phối mà còn được điều chỉnh bởi pháp luật. Do vậy, trong pháp luật thừa kế hiện hành, quyền hưởng di sản của những người này cũng được pháp luật bảo vệ triệt để khi di sản thừa kế được chia theo di chúc. Điều 669 Bộ luật Dân sự quy định con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con đã thành niên mà không có khả năng lao động là những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, họ được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật trong trường hợp không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ từ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/05/2024