Giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự - 10

những người tham gia hòa giải, chỉ có chữ ký ở phần cuối biên bản; có vụ án bị đơn vắng mặt lần thứ nhất tại phiên hòa giải nhưng Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử ngay, có vụ án chỉ có thẩm phán chủ trì phiên hòa giải mà không có thư ký tham gia; có vụ án biên bản hòa giải thành không ghi ngày, tháng, năm nên không có căn cứ để tính thời hạn ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; có vụ án khi hòa giải các đương sự chưa hoàn toàn thống nhất với nhau nhưng Tòa án đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có nội dung không thống nhất với Biên bản hòa giải thành.

Mặt khác, có sự mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật, gây khó khăn cho quá trình giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất thông qua hòa giải tại Tòa án. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 64 BLTTDS thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự được quyền tham gia vào phiên hòa giải, nhưng Điều 184 BLTTDS thì không quy định về sự có mặt của họ trong phiên hòa giải. Vì vậy, trên thực tế đã xảy ra trường hợp Tòa án không cho phép người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tham gia vào phiên hòa giải, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của đương sự trong tráu trình giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, Điều 183 BLTTDS quy định trước khi tiến hành phiên hòa giải Tòa án phải thông báo cho các đương sự, người đại diện hợp pháp của các đương sự biết về thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, nội dung các vấn đề hòa giải mà không quy định cụ thể phải thông báo trước một thời gian hợp lý để các đương sự chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho phiên hòa giải tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất, do đó trên thực tế có những trường hợp đương sự không được thông báo kịp thời.

Thứ năm: Những hạn chế về trình độ, năng lực của cán bộ Tòa án

Trong những năm gần đây, cải cách tư pháp đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong ngành Tòa án. Theo đó, năng lực, trình độ và đạo đức của

đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án được nâng cao. Tuy vậy, vẫn còn đó một số bộ phận cán bộ gây tiêu cực trong hoạt động xét xử, sử dụng quyền lực Nhà nước để làm công cụ kiếm tiền bất chính. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ đương sự khi tham gia tố tụng vẫn còn tư tưởng nhờ vả, tư tưởng xin cho và nhất là muốn dùng tiền, lợi ích vật chất để thắng kiện mà bất chấp thủ đoạn. Từ đó dẫn đến hiện tượng “chạy án” hay “cò mồi” vẫn còn xảy ra trong quá trình giải quyết các vụ án khiến cho cán cân công lý bị thiên lệch, uy tín của ngành Tòa án bị giảm sút.

3.2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất

Tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất là một tranh chấp dân sự đặc thù. Quan hệ tranh chấp là quan hệ thừa kế với tính chất phức tạp vốn có, tuy nhiên đan xen trong loại tranh chấp này còn là quan hệ pháp luật đất đai. Chính vì vậy, để giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất hiệu quả thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đặc biệt pháp luật tố tụng là điều kiện tiên quyết.

3.2.1. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự

Thứ nhất: Hoàn thiện một số quy định pháp luật thừa kế đang gây khó khăn cho công tác giải quyết tranh chấp của ngành Tòa án

Giải quyết tranh chấp thừa kế quyền dụng đất là thẩm quyền của ngành Tòa án, các tranh chấp này được giải quyết theo trình tự tố tụng dân sự, nhưng việc phân xử và giải quyết vụ án lại căn cứ vào quy định pháp luật thừa kế. Chính vì vậy, để giúp ngành Tòa án giải quyết có hiệu quả tranh chấp này thì hoàn thiện những thiếu sót, chưa rõ hoặc còn bất cập của pháp luật nội dung cũng là hết sức quan trọng và cần thiết. Chẳng hạn, những tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất có liên quan đến di sản thờ cúng pháp luật chưa quy định rõ phần đất dành để thờ cúng là bao nhiêu trong tổng di sản do người chết để

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 88 trang tài liệu này.

lại. Thực tế, khi gặp những vụ án thừa kế có liên quan quyền sử dụng đất được dành để thờ cúng nhiều Thẩm phán cũng khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết. Vấn đề này chỉ được giải quyết khi pháp luật thừa kế có quy định cụ thể phần diện tích đất tối thiểu và tối đa được dùng vào việc thờ cúng, quyền và nghĩa vụ của người trực tiếp quản lý di sản thờ cúng. Bên cạnh đó, phần nhiều Thẩm phán hiện nay gặp khó khăn trong việc xác định quan hệ nuôi dưỡng giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế để quyết định xem họ có được hưởng di sản thừa kế của nhau hay không? Pháp luật nên quy định cụ thể thế nào là quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng? Thế nào là quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như cha mẹ với con? Pháp luật nên ghi nhận các quan hệ nuôi dưỡng theo hướng các con không nhất thiết phải cùng sống với cha, mẹ mà phụ thuộc vào mức độ và sự chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng của các con với cha mẹ kế dù ở xa hay gần.

Thứ hai: Hoàn thiện quy định pháp luật tố tụng về thời hạn thông báo thụ lý vụ án

Giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự - 10

Theo quy định hiện nay, thời hạn thông báo thụ lý vụ án là 3 ngày làm việc. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất thường có tính chất phức tạp, số lượng đương sự đông và có thể không cùng nơi cư trú. Chính vì vậy, pháp luật nên quy định kéo dài thời hạn thông báo thụ lý vụ án từ 03 ngày làm việc lên tối thiểu 05 ngày làm việc để việc tống đạt thông báo thụ lý vụ án có hiệu quả hơn, đảm bảo quyền lợi của đương sự và quyền giám sát của VKSND.

Thứ ba: Hoàn thiện quy định về thời hiệu khởi kiện tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất

Theo quy định pháp luật hiện hành thì thời hiệu khởi kiện tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất là 10 năm, hết thời hiệu trên đương sự vẫn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung đối với di sản

do người chết để lại. Điều kiện để khởi kiện yêu cầu Tòa án chia tài sản chung là các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và thừa nhận là di sản do người chết để lại chưa chia. Tuy nhiên, để Tòa án thuận lợi trong việc giải quyết tranh chấp trong trường hợp này thì pháp luật cần cụ thể hóa những điều kiện để được chuyển di sản thừa kế sang chia tài sản chung. Chẳng hạn, việc thừa nhận là di sản chưa chia cần được hiểu như thế nào? Hình thức của việc thừa nhận ra sao. Nếu các đồng thừa kế khác đều thừa nhận mà bị đơn không thừa nhận thì có được Tòa án chấp nhận để thụ lý giải quyết vụ án không? Văn bản thừa nhận nếu dưới hình thức biên bản họp hoặc biên bản hòa giải có được chấp nhận. Pháp luật cần quy định rõ đường hướng xử lý, cụ thể trong từng trường hợp để hạn chế những vướng mắc của Tòa án khi giải quyết tranh chấp.

Thứ tư: Xác định trách nhiệm cung cấp chứng cứ của các cá nhân, cơ quan, tổ chức lưu giữ, quản lý chứng cứ.

Để khắc phục tình trạng các cá nhân, cơ quan, tổ chức lưu giữ, quản lý chứng cứ không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ kịp thời tài liệu, chứng cứ cho Tòa án dẫn đến việc giải quyết vụ án gặp nhiều khó khăn BLTTDS cần bổ sung quy định các chế tài xử phạt cụ thể để áp dụng trong trường hợp này. Về lâu dài cơ quan lập pháp nên nghiên cứu để ban hành luật về cung cấp thông tin.

Thứ năm: Về chi phí cho thủ tục thẩm định tại chỗ

Cần phải đưa quy định về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ vào Bộ luật tố tụng dân sự, coi đây là một trong những chi phí tố tụng khác để có căn cứ pháp lý cho việc thực hiện.Trước mắt, TANDTC cần ban hành văn bản hướng dẫn quy định cụ thể về loại chi phí này trong đó cần xác định nghĩa vụ nộp tạm ứng chi phí, nghĩa vụ nộp chi phí, mức chi phí.

Thứ sáu: Về định giá tài sản và thẩm định giá tài sản

Hiện nay, TANDTC đã đăng công khai Dự thảo Thông tư liên tịch của TANDTC, VKSNDTC, Bộ tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Điều 92 của BLTTDS về định giá tài sản, thẩm định giá tài sản. Theo đó, những khó khăn, vướng mắc về quy định trình tự, thủ tục, điều kiện để định giá, thẩm định giá tài sản đã được giải quyết. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm quy định về những tiêu chuẩn để được chỉ định làm thành viên Hội đồng định giá tài sản.

3.2.2. Kiến nghị nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất theo thủ tục tố tụng dân sự

Để nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ việc dân sự nói chung và các tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất nói riêng, yếu tố nhân lực trong đội ngũ Thẩm phán, thư ký và cán bộ Tòa án đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Cần phải xây dựng đội ngũ Thẩm phán, cán bộ Tòa án có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và tư cách đạo đức tốt. Đây sẽ là nền tảng cơ bản để công tác giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất cũng như các loại tranh chấp khác đạt được hiệu quả cao. Để nâng cao hiệu quả giải quyết các tranh chấp quyền thừa kế quyền sử dụng đất cần tiến hành đồng bộ các biện pháp sau:

- Thứ nhất, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các tập thể và cán bộ, công chức ngành Tòa án có vi phạm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ để tham nhũng, nhận hối lộ, tiêu cực…, cũng như những biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm quy tắc ứng xử cán bộ, công chức ngành Tòa án. Kiên quyết loại ra khỏi ngành những Thẩm phán, cán bộ Tòa án vi phạm quy chế hoạt động của ngành.

- Thứ hai, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm xét xử của đội ngũ Thẩm phán, thư ký và cán bộ tòa án. Một mặt cần chăm lo bồi dưỡng Thẩm phán đương nhiệm theo hướng thường xuyên cập nhật các văn

bản pháp luật, kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, bồi dưỡng kỹ năng xét xử và kiến thức thực tiễn. Hàng năm các Thẩm phán phải được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ theo chuyên ngành xét xử. Mặt khác, cần chú trọng đổi mới nội dung phương pháp đào tạo cán bộ nguồn để bổ nhiệm thẩm phán. Đào tạo thẩm phán phải theo hướng ưu tiên bồi dưỡng kỹ năng mà không thiên về đào tạo theo bằng cấp, học vị. Thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn nghiệp vụ, rút kinh nghiệm qua thực tiễn giải quyết các vụ án. Thực hiện chế độ kiểm tra giám sát đối với hoạt động tố tụng của các Thẩm phán, Thư ký khi họ trực tiếp giải quyết các tranh chấp.

- Thứ ba, đổi mới cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán. Với mục đích xây dựng đội ngũ thẩm phán thật sự có năng lực, cần tuyển chọn thẩm phán không chỉ từ đội ngũ cán bộ Tòa án mà còn từ đội ngũ các chức danh tư pháp khác như điều tra viên, công tố viên, luật sư, kể cả những luật gia đã qua đào tạo nghề thẩm phán nhưng chưa làm thẩm phán. Để được làm thẩm phán, các ứng viên cần trải qua một kỳ thi quốc gia nhằm tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa họ cho chức danh này. Cơ chế thi tuyển tạo điều kiện cho các ứng viên vào chức danh thẩm phán có điều kiện cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, hạn chế tiêu cực đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc của thẩm phán vào các thiết chế quyền lực ở địa phương, tăng cường tính độc lập của thẩm phán. Vì vậy, cần nghiên cứu từng bước chuyển từ chế độ xét tuyển thẩm phán ở từng cấp Tòa án hiện hành sang chế độ thi tuyển cấp quốc gia. Những người trúng tuyển kỳ thi quốc gia nếu có đủ các tiêu chuẩn khác mà pháp luật quy định sẽ được Chủ tịch nước xem xét và ra quyết định bổ nhiệm làm thẩm phán. Thẩm phán sẽ là thẩm phán của quốc gia, nên có thể điều động họ dễ dàng khi thấy cần thiết. Qua đó giải quyết được dứt điểm tình trạng thiếu thẩm phán ở một số địa phương trong khi nhiều địa phương khác số lượng thẩm phán hoặc nguồn để bổ nhiệm thẩm phán lại đang thừa.

Mặt khác, nhiệm kỳ của thẩm phán cần được kéo dài và tiến tới bổ nhiệm không thời hạn. Pháp luật quy định nhiệm kỳ thẩm phán nhằm mục đích tăng trách nhiệm của thẩm phán trong hoạt động xét xử của mình. Theo quy định hiện nay thì nhiệm kỳ của thẩm phán các cấp là 5 năm tính từ ngày bổ nhiệm. Nhiệm kỳ ngắn cùng với cơ chế xét tuyển gây ra nhiều sức ép đối với thẩm phán, làm cho thẩm phán không thực sự yên tâm với công việc xét xử, hạn chế khả năng tích lũy kinh nghiệm xét xử của thẩm phán và đặc biệt ảnh hưởng tới tính độc lập của thẩm phán. Có thể quy định nhiệm kỳ đối với mỗi ngạch thẩm phán như sau: Nhiệm kỳ 5 năm đối với thẩm phán sơ cấp, 10 năm đối với thẩm phán trung cấp và xem xét áp dụng chế độ bổ nhiệm không thời hạn đối với thẩm phán TANDTC. Sau khi hết nhiệm kỳ, các thẩm phán sơ cấp và trung cấp muốn được tái bổ nhiệm cần phải qua một kỳ sát hạch hoặc phải có đề tài khoa học được công nhận. Kết quả sát hạch cùng với kết quả công việc trong nhiệm kỳ vừa qua, đề tài khoa hoặc đó sẽ là căn cứ ra quyết định tái bổ nhiệm

- Thứ tư, nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân và các chức danh tư pháp khác trong ngành Tòa án. Một trong các mục tiêu cải cách tư pháp hiện nay là đổi mới hoạt động tố tụng của Tòa án. Hoạt động giải quyết vụ việc dân sự nói chung và giải quyết các tranh chấp thừa kế nói riêng đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của những người tiến hành tố tụng bao gồm: Thẩm phán, HTND, Thư ký Tòa án…Sự tham gia của HTND vào HĐXX nhằm đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật, khách quan và công bằng. Thẩm phán và HTND là độc lập trong giải quyết các vụ án, do vậy để tham gia giải quyết vụ án đúng và hiệu quả HTND cần phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật vững vàng. Họ cần được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ ở mức độ rất cơ bản để có thể tham gia hiệu quả vào hoạt động xét xử. Bên cạnh đó, cần xây dựng

cơ chế về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của HTND để nguyên tắc độc lập với thẩm phán khi tham gia xét xử được thực hiện trong thực tế.

- Thứ năm, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho thẩm phán. Các tranh chấp dân sự, nhất là tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất vì giá trị tài sản tranh chấp là rất lớn nên đương sự thường chống đối quyết liệt. Không ít trường hợp khi giải quyết vụ án, Thẩm phán bị đe dọa và xâm phạm sức khỏe, danh dự. Nhiều vụ tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất sau khi phiên tòa kết thúc hay ngay tại phiên tòa đương sự đã dùng những lời lẽ xúc phạm hay có những hành vi tấn công HĐXX. Tình trạng này ở nước ta đang diễn ra ngày một nhiều hơn làm cho thẩm phán hoang mang, lo lắng khi thực hiện nhiệm vụ xét xử. Nhiều nước trên thế giới đã quy định các biện pháp bảo vệ cần thiết để bảo đảm an toàn cho hoạt động của Thẩm phán khi giải quyết vụ án thì ở nước ta, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Trước tình hình trên, yêu cầu cấp bách hiện nay là cần nghiên cứu áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho thẩm phán, giúp họ yên tâm khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

- Thứ sáu, tăng cường cơ sở vật chất, có chế độ khen thưởng, chế độ đãi ngộ, kỷ luật đối với thẩm phán tương xướng với vị trí, vai trò của họ để thẩm phán có thể toàn tâm, toàn ý với công việc. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các Tòa án nhằm tạo điều kiện cho các thẩm phán thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Mặt khác, để đảm bảo cho thẩm phán chuyên tâm thực hiện tốt công việc xét xử, độc lập, công minh trong việc đưa ra phán quyết, một vấn đề rất quan trọng là phải có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với thẩm phán. Chế độ sử dụng và đãi ngộ cần đảm bảo cho thẩm phán không phải lo mưu sinh, giúp cho họ và gia đình có thể đảm bảo cuộc sống bằng chính đồng lương, không phụ thuộc vào những tác động vật chất từ phía các cá nhân, tổ chức liên quan đến công việc của họ.

Xem tất cả 88 trang.

Ngày đăng: 25/11/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí