Giải quyết khiếu nại hành chính trong lĩnh vực đất đai – Qua thực tiễn thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình - 2

3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu

Mục đích của luận văn là làm rõ cơ sở lý luận của giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai, thực trạng giải quyết khiếu nại về đất đai của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, từ đó nêu lên những kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại về đất đai của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình hiện nay.

Nhiệm vụ nghiên cứu

Để thực hiện mục đích trên, luận văn có nhiệm vụ:

- Làm rõ nội hàm các khái niệm “khiếu nại hành chính”, “khiếu nại hành chính về đất đai”, “giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai”. Phân tích các yêu cầu đối với hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai.

- Phân tích thực trạng khiếu nại hành chính, giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai trên địa bàn thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình từ năm 2011 đến tháng 6/2015. Chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân.

- Kiến nghị, đề xuất hoàn thiện pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai trên địa bàn thị xã Tam Điệp.

4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những vấn đề lý luận và thực trạng về giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai trên địa bàn thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Tập trung vào thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính; tình hình khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai của cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết ở thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 91 trang tài liệu này.

Phạm vi nghiên cứu của luận văn chủ yếu đề cập đến khiếu nại và giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai trên địa bàn thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình từ năm 2011 đến tháng 6/2015. Luận văn nghiên cứu trên cơ sở Luật khiếu nại; Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Giải quyết khiếu nại hành chính trong lĩnh vực đất đai – Qua thực tiễn thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình - 2

Luận văn được thực hiện trên cơ sở vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam; chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai.

Luận văn cũng sử dụng một số phương pháp nghiên cứu bao gồm: phương pháp phân tích- tổng hợp, phương pháp so sánh, phương pháp thống kê. Cụ thể:

Chương 1 sử dụng phương pháp phân tích – tổng hợp các tài liệu nghiên cứu lý luận về khiếu nại hành chính, giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai; đồng thời cũng phân tích yêu cầu đối với hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai và những vướng mắc của các quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại hành chính;

Chương 2 sử dụng phương pháp phân tích và phương pháp thống kê để đánh giá thực trạng khiếu nại hành chính về đất đai, thực trạng giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai tại thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình; tổng kết lại những hạn chế và nguyên nhân của thực trạng trên.

Chương 3 sử dụng phương pháp phân tích các yêu cầu hoàn thiện pháp luật giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai. Đồng thời từ những vướng mắc của các quy định pháp luật và thực trạng giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai tại thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình đề xuất những kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

6. Ý nghĩa của luận văn

- Các kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo tại các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về luật học, nhất là nghiên cứu về giải quyết khiếu nại hành chính trong lĩnh vực đất đai.

- Các kết quả nghiên cứu của đề tài có thể là tài liệu hữu ích cho các cơ quan, tổ chức hữu quan trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật và tổ chức, thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại hành chính trong lĩnh vực đất đai.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương:

Chương 1: Những vấn đề lý luận và cơ sở pháp lý của giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai.

Chương 2: Thực trạng giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai trên địa bàn thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Chương 3: Giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai.

Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI HÀNH CHÍNH VỀ ĐẤT ĐAI

1.1. Khiếu nại hành chính và giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai

1.1.1. Khiếu nại hành chính và đặc điểm của khiếu nại hành chính

Khiếu nại là một hiện tượng phát sinh trong đời sống xã hội và được xem như là sự phản ứng tự nhiên của con người trước việc làm nào đó, mà người khiếu nại cho rằng việc làm đó không phù hợp với các chuẩn mực trong đời sống xã hội, xâm phạm tới quyền, lợi ích của mình.

Trong ngôn ngữ tiếng Việt, khiếu nại có nghĩa là đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét một việc làm mà mình không đồng ý, cho là trái phép hay không hợp lý [31, 483]. Đặt trong mối quan hệ giữa công dân với Nhà nước, có quan niệm cho rằng: "Khiếu nại là một hình thức công dân hướng đến các cơ quan nhà nước, hay tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang khi thấy quyết định hay hành vi xâm phạm tới quyền, lợi ích của mình" [22, 402].

Trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, khiếu nại được hiểu như sau: “Khiếu nại hành chính là việc cá nhân hay tổ chức đề nghị cơ quan hành chính nhà nước xem xét, sửa chữa một hành vi hay một quyết định hành chính mà họ cho là hành vi và quyết định đó không đúng pháp luật, gây thiệt hại hoặc sẽ gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ…” [28, 506].

Tuy có quan niệm rộng, hẹp và cách tiếp cận khác nhau, nhưng các quan niệm nêu trên đều có điểm chung: Khiếu nại là một hình thức phản ứng của công dân trước các quyết định, hành vi của cơ quan nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đó mà theo họ là xâm phạm tới quyền, lợi ích hợp pháp của mình..

Như vậy, khiếu nại hành chính được hiểu là việc công dân, cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết

định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Từ khái niệm trên, khiếu nại hành chính có các đặc điểm sau đây:

Một là, chủ thể thực hiện khiếu nại hành chính có thể là cá nhân, cơ quan hay tổ chức (tổ chức trong nước hoặc tổ chức nước ngoài) có quyền lợi bị xâm hại bởi một quyết định hành chính, hành vi hành chính do cơ quan hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành.

Công dân thực hiện quyền khiếu nại phải là người có năng lực hành vi đầy đủ. Công dân là người chưa thành niên, người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì thông qua người đại diện theo pháp luật để thực hiện quyền khiếu nại; khi thực hiện việc khiếu nại, người đại diện phải có giấy tờ để chứng minh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đại diện hợp pháp của mình.

Người ốm đau, già yếu, người có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì có thể ủy quyền cho người đại diện là cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác để thực hiện việc khiếu nại; việc ủy quyền khiếu nại phải lập thành văn bản có xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã nơi người ủy quyền hoặc nơi người được ủy quyền cư trú.

Cơ quan thực hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện là thủ trưởng cơ quan đó.

Tổ chức thực hiện quyền khiếu nại thông qua người đại diện là người đứng đầu tổ chức được quy định trong quyết định thành lập hoặc trong điều lệ của tổ chức.

Hai là, đối tượng khiếu nại là quyết định hành chính hay hành vi hành chính bị khiếu nại.

Quyết định hành chính được hiểu là kết quả sự thể hiện ý chí quyền lực đơn phương của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, những người có chức vụ, các tổ chức và cá nhân được nhà nước trao quyền, được thực hiện trên cơ sở và để thi hành pháp luật, theo trình tự và hình thức do pháp luật quy định hướng tới việc thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính trong lĩnh vực hoặc vấn đề được phân công phụ trách.

Quyết định hành chính gồm các loại: quyết định chủ đạo (quyết định chính sách), quyết định quy phạm và quyết định cá biệt. Quyết định chủ đạo và quyết định quy phạm luôn thể hiện bằng hình thức văn bản do cơ quan hoặc người có thẩm quyền ban hành. Quyết định cá biệt chủ yếu được ban hành dưới hình thức văn bản.

Theo Khoản 8 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 thì quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước, được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

Như vậy, quyết định hành chính là đối tượng khiếu nại hành chính chỉ bao gồm các quyết định hành chính cá biệt được thể hiện thành văn bản. Quyết định chủ đạo và quyết định quy phạm không phải là đối tượng khiếu nại.

Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật (Khoản 9 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011).

Ba là, khiếu nại hành chính là khiếu nại về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, chủ yếu do chủ thể quản lý hành chính nhà nước giải quyết trên cơ sở xem xét tính hợp pháp và hợp lý của quyết định hành chính, hành vi hành chính, được thực hiện theo thủ tục hành chính.

Nó khác với khiếu nại trong lĩnh vực tư pháp, ở đó, khiếu nại tư pháp là khiếu nại về tính hợp pháp của quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, chủ yếu do các cơ quan tư pháp như Toà án, Viện kiểm sát, các cơ quan điều tra thực hiện, và được giải quyết trên cơ sở xem xét tính hợp pháp của các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng đó; được theo thủ tục tư pháp.

1.1.2. Giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai, đặc điểm của giải quyết khiếu nại hành chính về đất đai

Đất đai là nguồn tài nguyên quý giá, gắn liền với mọi hoạt động của con người trong phát triển kinh tế- xã hội, là địa bàn phân bổ các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng. Vì vậy, đất đai là vấn đề quan tâm chung của toàn xã hội, là vấn đề bức xúc đối với người dân do liên quan tới lợi ích của từng cá nhân cũng như tổ chức, cộng đồng xã hội đồng thời là lĩnh vực xảy ra nhiều khiếu nại nhất. Khiếu nại hành chính về đất đai là một hiện tượng xảy ra phổ biến trong xã hội, có xu hướng ngày càng tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp về mặt nội dung.

Khiếu nại hành chính về đất đai phát sinh giữa chủ thể quản lý nhà nước về đất đai là các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền với đối tượng quản lý là người sử dụng đất. Khiếu nại hành chính về đất đai được hiểu là quyền của người sử dụng đất theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Khiếu nại hành chính về đất đai có những đặc điểm cơ bản sau đây:

Một là, chủ thể của khiếu nại hành chính đất đai là người sử dụng đất. Đó là các tổ chức; hộ gia đình, cá nhân; cộng đồng dân cư; cơ sở tôn giáo; tổ

chức, cá nhân người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất hay cho phép được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam. Người sử dụng đất được quyền tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại về những quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình.

Hai là, đối tượng của khiếu nại trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan quản lý nhà nước về đất đai, cụ thể như sau:

- Quyết định hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại bao gồm:

+ Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;

+ Cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

+ Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư;

+ Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất;

- Hành vi hành chính trong quản lý đất đai bị khiếu nại là hành vi của cán bộ, công chức nhà nước khi giải quyết công việc thuộc phạm vi trách nhiệm trong việc ban hành, thực hiện quyết định hành chính.

Ba là, khiếu nại hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai xảy ra hầu hết ở các địa phương, là loại khiếu nại có tính chất phức tạp về tính chất vụ việc khiếu nại cũng như số lượng người tham gia khiếu nại.

Với những đặc điểm nêu trên, nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi thực hiện khiếu nại hành chính đồng thời khắc phục và xử lý các sai phạm, khuyết điểm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đòi hỏi công tác giải quyết khiếu nại hành chính phải được thực hiện một cách nghiệm túc, đảm bảo pháp chế, kỷ cương trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước.

Xem tất cả 91 trang.

Ngày đăng: 17/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí