2.4.2 Đa dạng về vai trò tham gia của cộng đồng
Vai trò của CĐĐP trong hoạt động du lịch ở đây chưa thực sự đa dạng. Trong quá trình lập kế hoạch, xây dựng các dự án du lịch mà cụ thể là du lịch cộng đồng, lấy ý kiến của người dân thường bị bỏ qua hoặc thực hiện hời hợt. Theo kết quả điều tra người dân tại huyện Bắc Sơn, hầu hết người dân chưa được tham gia đóng góp ý kiến cho việc lập quy hoạch/ kế hoạch phát triển du lịch tại địa phương cũng như tham gia tổ chức quản lý hoạt động du lịch. Cộng đồng tham gia vào khâu cung cấp sản phẩm địa phương phục vụ nhu cầu du lịch (lương thực, thực phẩm, hàng lưu niệm…) chiếm 40%; cung cấp các dịch vụ (lưu trú, ăn uống, vận chuyển khách…) chiếm 60%.
Như vậy phần đông người dân ít thông tin hay không biết thông tin về dự án du lịch hoặc chỉ biết khi đã được thông qua. Người dân ở đây mới chỉ tham gia vào thực hiện một số hoạt động du lịch, việc tổ chức và giám sát hoạt động du lịch hầu như người dân chưa được tham gia.
Để thực hiện nguyên tắc này cần đa dạng vai trò của CĐĐP bằng cách tạo điều kiện cho người dân tham gia vào việc lên kế hoạch, triển khai và kiểm soát các hoạt động du lịch tại cộng đồng. Có thể thành lập Ban quản lý du lịch cộng đồng mà CĐĐP là một thành viên để tạo điều kiện cho người dân tham gia vào quá trình tổ chức và thực hiện các hoạt động du lịch, đa dạng vai trò tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch để đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch cộng đồng.
2.4.3 Tôn trọng các giá trị văn hoá của cộng đồng
Bất cứ chương trình du lịch nào cũng ảnh hưởng ít nhiều đến CĐĐP. Hoạt động du lịch tại Bắc Sơn cũng không nằm ngoài quy luật này. Khi tham gia hoạt động du lịch người dân ở đây luôn có ý thức bảo vệ và giữ gìn các giá trị văn hoá của địa phương. Các sở, ban, ngành của địa phương thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức về du lịch cho CĐĐP.
Theo kết quả điều tra người dân tại huyện Bắc Sơn thì 85% người dân trả lời luôn luôn có ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch, chỉ có 15% trả lời có ý thức ở mức độ bình thường. Như vậy, đa số người dân ở đây đã có ý thức giữ gìn, bảo vệ tài nguyên du lịch.
Ngoài ra trong những bộ phim ngắn giới thiệu về du lịch huyện Bắc Sơn bao gồm cả những thông tin tuyên truyền, quảng bá du lịch cũng là cách thức tôn trọng giá trị tài nguyên du lịch, giá trị văn hoá CĐĐP.
Nhờ cung cấp cho khách các hoạt động trải nghiệm về làm nghề nông, sản xuất nghề truyền thống, người dân địa phương cũng thấy được rằng các giá trị văn hoá của cộng đồng được lưu giữ và tôn trọng. Đây là yếu tố quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng vì văn hoá của cộng đồng cần được bảo vệ và giữ gìn với sự đóng góp của tất cả các thành phần tham gia vào hoạt động du lịch, đặc biệt là người dân địa phương bởi không đối tượng nào có khả năng bảo vệ và duy trì các giá trị văn hoá tốt hơn họ.
2.4.4 Khả năng của cộng đồng
Có thể bạn quan tâm!
- Thực Trạng Hoạt Động Du Lịch Cộng Đồng Trên Địa Bàn Huyện Bắc Sơn
- Các Tuyến, Điểm Du Lịch Chính Các Tuyến Du Lịch Nội Huyện:
- Đánh Giá Hoạt Động Du Lịch Cộng Đồng Trên Địa Bàn Huyện Bắc Sơn Theo Các Nguyên Tắc Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng
- Thực Trạng Quản Lý Nhà Nước Về Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng Trên Địa Bàn Huyện Bắc Sơn
- Công Tác Thực Hiện Kiểm Tra, Thanh Tra Hoạt Động Du Lịch Cộng Đồng Và Xử Lý Vi Phạm.
- Đề Xuất Các Giải Pháp Nhằm Phát Triển Du Lịch Cộng Đồng Trên Địa Bàn Huyện Bắc Sơn
Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.
Theo nguyên tắc này cộng đồng cần có khả năng nhận thức về vai trò, vị trí của mình trong việc sử dụng tài nguyên, nhận thức được tiềm năng to lớn của du lịch cho sự phát triển của cộng đồng cũng như biết được các bất lợi từ hoạt động du lịch và khách du lịch đối với tài nguyên cộng đồng.
Theo kết quả điều tra người dân tại huyện Bắc Sơn, 70% trả lời mình có vai trò quan trọng trong hoạt động phát triển du lịch, chỉ có 3% trả lời không có vai trò gì quan trọng, 27% trả lời có vai trò ở mức bình thường.
Khi được hỏi phát triển du lịch có tác động gì đến cộng đồng, 12% trả lời thay đổi nếp sống cộng đồng, 76% trả lời nâng cao hiểu biết cho cộng đồng, 28% trả lời gây ô nhiễm môi trường, 12% trả lời không ảnh hưởng gì.
Cộng đồng đã nhận thức được vai trò của mình trong phát triển du lịch cũng như sự phát triển du lịch đã ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển cộng đồng. Tuy nhiện, một số bất lợi từ việc phát triển du lịch chưa có định hướng thì cộng đồng chưa định hình cụ thể. Để thực hiện tốt nguyên tắc này cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch tại khu vực theo hướng bền vững.
2.4.5 Chia sẻ lợi ích từ du lịch cộng đồng
Theo nguyên tắc này, CĐĐP phải được hưởng lợi từ các thành phần khách khi tham gia hoạt động kinh doanh các sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách du lịch. Lợi ích kinh tế sẽ được phân chia công bằng cho tất cả các thành viên tham gia và một phần tái đầu tư cho cộng đồng về cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khoẻ và giáo dục.
Trên thực tế, tại Bắc Sơn nhờ hoạt động du lịch diễn ra và phát triển nền kinh tế của địa phương đã được cải thiện nhiều, hàng năm nguồn thu từ hoạt động du lịch đều được các cơ quan, đơn vị trích nộp cho ngân sách nhà nước theo quy định; cơ sở hạ tầng đến các khu điểm du lịch được chỉnh trang, nâng cấp, du lịch phát triển tạo việc làm và thu nhập đáng kể cho CĐĐP, du lịch thực sự đã mang lại lợi ích cho cộng đồng bản địa. Theo kết quả điều tra từ người dân tại nơi có hoạt động du lịch diễn ra, 80% người dân trả lời họ có thêm việc làm từ hoạt động du lịch, 76% trả lời họ có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch.
Tạo cơ hội việc làm là một trong những nguyên tắc cũng như mục tiêu quan trọng của du lịch cộng đồng. Lợi nhuận không chỉ thuộc về cơ quan quản lý, hoặc doanh nghiệp du lịch mà phần lớn lợi nhuận sẽ đóng góp cải thiện môi trường sống của CĐĐP. Sức ép của cộng đồng với môi trường sẽ giảm đi và chính cộng đồng là người chủ thực sự, những người bảo vệ trung thành các giá trị tự nhiên và văn hoá bản địa của nơi diễn ra hoạt động du lịch cộng đồng. Du lịch cộng đồng phát triển đã thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia vào các hoạt động phục vụ khách du lịch.
2.4.6 Quyền sở hữu và tham gia của cộng đồng với việc bảo vệ tài nguyên du lịch
Việc thực hiện nguyên tắc này ở địa phương còn chưa hiệu quả, hầu hết việc quản lý và bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hoá là do các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương đảm nhận. Việc giao quyền sở hữu cho CĐĐP là chưa có. Tuy nhiên, như đã trình bày ở trên, chính quyền địa phương các cấp, các sở, ngành như: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, Ban Dân vận tỉnh uỷ, Đoàn thanh niên tỉnh Lạng Sơn, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân…thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền về du lịch cho cộng đồng do đó ý thức của người dân địa phương luôn được nâng cao. Thời gian tới cần xây dựng và đưa mô hình quản lý du lịch cộng đồng vào hoạt động để xác
lập quyền sở hữu và tham gia của cộng đồng với việc bảo vệ tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn tại địa phương.
2.5 Tổng hợp đánh giá chung về phát triển du lịch và du lịch cộng đồng tại huyện Bắc Sơn
Bắc Sơn có nhiều tiềm năng để khai thác phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có nhiều giá trị quan trọng như: hệ sinh thái tự nhiên rừng, suối, thác, hang động, nhiều thung lũng; các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Bắc Sơn… Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 đã xác định cụm du lịch Bình Gia - Bắc Sơn là khu vực cần ưu tiên phát triển du lịch. Tuy nhiên, từ thực trạng phát triển du lịch tại Bắc Sơn thời gian qua cho thấy, mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng có thể nói, Du lịch Bắc Sơn mới bắt đầu phát triển tự phát trong mấy năm gần đây. Bên cạnh số lượng khách của các cơ quan, học sinh, sinh viên đi theo đoàn đến tham quan một số di tích lịch sử cách mạng Bắc Sơn, lượng khách du lịch đến tự do là chính, chủ yếu vào dịp lúa chín để ngắm cảnh thung lũng Bắc Sơn và ngắm hoa tam giác mạch (mới xuất hiện hai năm gần đây). Một số Công ty lữ hành cũng đã bắt đầu tổ chức đưa khách du lịch đến Bắc Sơn nhưng lượng khách mỗi đoàn còn rất ít. Do điều kiện kết cấu hạ tầng trước đây còn khó khăn nên việc tiếp cận Bắc Sơn rất hạn chế. Chính vì vậy, khả năng kết nối Bắc Sơn với các điểm du lịch khác trong tỉnh và trong tiểu vùng Đông Bắc gần như chưa được doanh nghiệp quan tâm và chưa đưa Bắc Sơn vào chương trình tour cho khách du lịch. Ngoài một số hộ gia đình ở làng Quỳnh Sơn cung cấp dịch vụ lưu trú homestay và một vài nhà nghỉ ngoài thị trấn Bắc Sơn, cơ sở lưu trú của Bắc Sơn còn rất hạn chế cả về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ du lịch. Sản phẩm du lịch cung cấp cho khách du lịch còn đơn điệu và chất lượng thấp. Ngoài việc thưởng ngoạn cảnh quan thung lũng mùa lúa chín từ đỉnh Nà Lay, ngắm hoa tam giác mạch và thăm một số di tích lịch sử, khách du lịch gần như không được trải nghiệm các sản phẩm du lịch khác của Bắc Sơn. Trong khi đó, hệ thống thung lũng lớn nhỏ cùng tiềm năng hang động, hồ, suối, rừng đặc dụng, vườn cây ăn quả và nhiều bản làng với truyền thống văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Bắc Sơn có thể tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc để thu hút khách du lịch.
Có thể nói, do thiếu cơ sở lưu trú, cộng với việc gần như không có dịch vụ vui chơi giải trí nên lượng khách đến Bắc Sơn còn hạn chế và đặc biệt là khách lưu lại qua đêm tại Bắc Sơn còn khiêm tốn. Các hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch được tổ chức bài bản ở đây. Các loại hình du lịch còn đơn điệu, chưa định hình và tổ chức được nhiều loại hình dịch vụ cho khách du lịch. Ngay cả dịch vụ cho khách du lịch thuê xe đạp cũng chưa hình thành. Do đó, ngoài ngắm cảnh và đi bộ, khách du lịch đến Bắc Sơn không biết làm gì. Dịch vụ giải trí về đêm gần như chưa có. Chính vì vậy, thời gian lưu lại tối đa của khách là một đêm và khách chi tiêu còn ít.
Mặc dù vậy, có thể khẳng định, tiềm năng du lịch của Bắc Sơn khá đa dạng và hấp dẫn. Với địa hình, tài nguyên và khung cảnh thiên nhiên của Bắc Sơn ngoài du lịch cộng đồng thì còn có thể tổ chức được nhiều loại hình du lịch như du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm (leo núi, đi bộ, khám phá hang động, đi bè tre, thuyền nan… trên các dòng sông, suối…). Bên cạnh đó, với đặc trưng là vùng phát triển nông nghiệp với nhiều sản vật nổi tiếng của Bắc Sơn như cam, quýt, mận,… có thể tổ chức cho khách du lịch trải nghiệm trồng, thu lượm lúa, ngô, khoai theo mùa, trồng rau, hái hoa quả tại các thung lũng (các lân)… Đặc biệt là, với đặc điểm có nhiều thung lũng lớn nhỏ, có thể trồng hoa, cây ăn quả theo chuyên đề, ví dụ thung lũng hoa hồng, thung lũng hoa tam giác mạch, thung lũng cam,…để hấp dẫn khách du lịch.
Nhìn chung, Bắc Sơn có đủ điều kiện để đầu tư phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng, tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt, có khả năng cạnh tranh, đặc biệt là du lịch thưởng ngoạn cảnh quan tự nhiên, du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa, lối sống của bà con các dân tộc Bắc Sơn, đồng thời có thể kết nối với các điểm du lịch của tỉnh Lạng Sơn nói riêng và tiểu vùng Đông Bắc nói chung để hình thành tuyến du lịch liên vùng hấp dẫn. Với tiềm năng và thế mạnh của mình, Bắc Sơn hoàn toàn có thể phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Vì vậy, việc quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch tại Bắc Sơn, một mặt sẽ góp phần tích cực vào quá trình tái cơ cấu kinh tế của địa phương, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch của tỉnh Lạng Sơn. Đặc biệt, phát triển du lịch Bắc Sơn sẽ tạo cơ hội gia tăng việc làm, sinh kế và nâng cao thu nhập và mức sống cho người dân, góp phần bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, bảo
vệ, phát huy các giá trị tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch Bắc Sơn có thể rút ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức cho phát triển du lịch cộng đồng Bắc Sơn trong thời gian tới như sau:
2.5.1 Điểm mạnh
Về tài nguyên du lịch tự nhiên: Bắc Sơn có địa mạo gồm nhiều dãy núi hùng vĩ bao quanh các thung lũng lớn nhỏ khá độc đáo cùng với thảm động thực vật phong phú, nhiều hang động kỳ vĩ và dòng suối đẹp. Thung lũng Bắc Sơn trù phú nằm lọt giữa bốn bề núi đá vôi trùng điệp, điểm tô bởi những hồ nước, suối uốn lượn qua các đồng lúa trải rộng bạt ngàn... tạo nên bức tranh hữu tình, quyến rũ. Có thể khẳng định, Bắc Sơn là một trong những nơi có cảnh quan thung lũng đẹp nhất Việt Nam.
Về tài nguyên văn hóa, di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử cách mạng: Bắc Sơn là nơi có nhiều giá trị văn hóa đặc sắc từ truyền thống lâu đời của các dân tộc sinh sống tại Bắc Sơn. Do đặc điểm cư trú toàn huyện là các dân tộc thiểu số sinh sống từ lâu đời nên đời sống văn hoá, phong tục tập quán của các dân tộc vẫn mang đậm bản sắc. Văn hoá Bắc Sơn hiện nay là sự kết hợp hài hoà giữa văn hoá truyền thống Tày, Nùng và Kinh. Hiện nay ở Bắc Sơn vẫn duy trì những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, mọi sinh hoạt văn hoá đều diễn ra ở đây cùng với các làn điệu hát Then, hát Sli, hát Lượn, hát Phong Slư, hát ví… tạo nên không gian văn hoá đặc sắc. Đặc biệt, tập quán gieo trồng lúa không cùng một thời điểm của người dân địa phương cũng tạo nên những bức tranh muôn màu mang lại cảm giác khác lạ cho khách du lịch.
Đồng thời, Bắc Sơn còn là nơi phát hiện ra nhiều di chỉ khảo cổ về người tiền sử, tại đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy cả một nền văn minh của người Việt cổ vào Sơ kỳ đồ đá mới, mang tên văn hóa Bắc Sơn. Bên cạnh đó, Bắc Sơn còn được biết đến là một trong những căn cứ địa kháng chiến hào hùng trong lịch sử đấu tranh cách mạng, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn chống Nhật và Pháp của lực lượng Việt Minh những năm 1940, tiêu biểu như di tích đèo Tam Canh, di tích đồn Mỏ Nhài, di tích đình Nông Lục, di tích Khuổi Nọi...
Về tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe: Bắc Sơn có nhiều tiềm năng cho
phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thưởng thức không khí trong lành, khí hậu mát mẻ trong môi trường tự nhiên còn nguyên sơ, đặc biệt trong các thung lũng nhỏ (Lân). Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể phát triển như spa dược liệu, nghỉ dưỡng kết hợp trị liệu…đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch.
Về tiềm năng du lịch mạo hiểm: với địa hình và cảnh quan thiên nhiên hiện có của Bắc Sơn rất phù hợp để phát triển nhiều loại hình du lịch mạo hiểm như tuyến đi bộ trekking nơi cảnh quan hung vĩ, đi bộ xuyên qua các thung lũng (các Lân), khám phá hang động, leo núi, đi bè tre, thuyền cao su, thuyền kayak, thuyền gỗ địa phương trên hồ, suối, khinh khí cầu, dù lượn…
Về du lịch lễ hội, sự kiện: Bắc Sơn có một số lễ hội truyền thống gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa của bà con các dân tộc trong huyện. Do đó, Bắc Sơn có thể khôi phục tổ chức các lễ hội dân gian truyền thống thường niên, đồng thời tổ chức các lễ hội mới gắn với sản phẩm nông nghiệp truyền thống của địa phương như lễ hội cam quýt, lễ hội hoa tam giác mạch, lễ hội mùa lúa chín,…để thu hút du khách từ mọi miền Tổ quốc cũng như du khách quốc tế, đảm bảo cung cấp dịch vụ lưu trú công suất tối đa trong giai đoạn diễn ra lễ hội và góp phần giảm tính chất mùa của du lịch.
Về hạ tầng: Hạ tầng cơ bản hiện tại cũng tạo điều kiện tương đối thuận lợi cho du khách tiếp cận được các điểm du lịch chính như Làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, đỉnh núi Nà Lay, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn, Đình Nông Lục, hồ Tam Hoa, thung lũng Bắc Sơn và một số bản làng khác.
Về vị trí địa lý: Bắc Sơn nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn, nối liền giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Thái Nguyên nên có lợi thế đặc biệt cho phát triển kinh tế và du lịch, thúc đẩy giao lưu, kết nối, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư du lịch.
Với các dãy núi trùng điệp bao quanh và hệ thống hang động, suối, hồ phong phú cùng với những cánh đồng lúa, ngô, cây ăn quả, cây công nghiệp,... tại các thung lũng có thể khẳng định, Bắc Sơn là một trong những nơi có cảnh quan thung lũng đẹp, còn nguyên sơ và quyến rũ nhất Việt Nam. Thương hiệu điểm đến Bắc Sơn có thể được xây dựng dựa trên đặc điểm đặc biệt này, hình thành thương hiệu điểm đến “Bắc Sơn - miền đất của thung lũng trong thung lũng” (Bac Son-the land of Valley in valleys). Hơn nữa,
với nhiều nét văn hóa truyền thống và phong tục tập quán độc đáo, khác biệt của cộng đồng các dân tộc ở Bắc Sơn cũng như những giá trị di tích lịch sử cách mạng của một vùng đất giàu truyền thống cách mạng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã đi vào lịch sử oai hùng của cách mạng Việt Nam, Bắc Sơn có thể trở thành một điểm đến du lịch đầy hấp dẫn của tiểu vùng Đông Bắc và của cả nước thời gian tới.
2.5.2 Những tồn tại
Hiện tượng khai thác đá tự nhiên vẫn tồn tại làm phá vỡ tài nguyên, cảnh quan, môi trường, ảnh hưởng tới sứ hấp dẫn tự nhiên của Bắc Sơn từ đó làm giảm đi sự hấp dẫn đối với môi trường du lịch.
Kết cấu hạ tầng kết nối các điểm du lịch gần như chưa được đầu tư, nâng cấp, do đó khả năng tiếp cận của khách du lịch tới các điểm du lịch còn hạn chế, khó khăn (ví dụ đường lên đỉnh Nà Lay, đường vào các hang động,…). Tuyến đường 241 chạy qua các xã như Quỳnh Sơn, Bắc Sơn, Hưng Vũ, Vũ Lăng, Nhất Hòa, Tân Thành, Vũ Lễ nhiều nơi bị xuống cấp nên việc tiếp cận các điểm du lịch tại các xã nêu trên là khó khăn. Một số tuyến đường huyện khác cũng vậy.
Chất lượng và tiêu chuẩn về cơ sở lưu trú chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Hiện nay, cả huyện chưa có khách sạn đạt tiêu chuẩn nào, chỉ có một số nhà nghỉ chủ yếu vụ khách vãng lai, công vụ và một số cơ sở lưu trú tại nhà dân (homestay) tại làng Quỳnh Sơn. Dịch vụ homestay của các gia đình tại Quỳnh Sơn gần như chỉ cung cấp dịch vụ lưu trú và ăn uống đơn giản, thiếu các dịch vụ gia tăng khác. Những gia đình kinh doanh lưu trú homestay không có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc ngoại ngữ khác nên cũng khó khăn trong việc giao tiếp, giao lưu với khách du lịch. Nhìn chung, dịch vụ lưu trú hiện nay tại Bắc Sơn mới nhắm tới khách du lịch tự do là người nước ngoài và khách nội địa có mức chi tiêu thấp. Khách du lịch đi theo tour còn hạn chế.
Thông tin du lịch Bắc Sơn thực sự là một hạn chế rất lớn. Khách du lịch hầu như khó tìm được thông tin du lịch về Bắc Sơn ngoài một vài thông tin và hình ảnh về thung lũng Bắc Sơn trên mạng internet hoặc trên một vài tờ báo mạng. Thông tin trực tuyến qua mạng internet cũng còn rất hạn chế và các tổ chức du lịch uy tín như TripAdvisor