cho các hoạt động khai thác tài nguyên phục vụ phát triển du lịch, lồng ghép sự tham gia của cộng đồng địa phương góp phần cho sự phát triển nhằm đạt tới mục tiêu bền vững. Đó là sự đóng góp ngày càng tăng của du lịch về nâng cao nhận thức của du khách với việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên.
"Du lịch bền vững" hay "Phát triển du lịch bền vững" ở Việt Nam là một khái niệm còn mới mẻ. Theo định nghĩa của Luật Du lịch Việt Nam quan niệm:
Phát triển du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng đồng thời các yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai [81].
Vận dụng lý thuyết phát triển bền vững và phát triển du lịch bền vững trọng luận án nhằm khẳng định vai trò của văn hóa (giá trị của di sản văn hóa) không chỉ là "nguồn lực" cho phát triển mà còn điều tiết sự phát triển hướng đến mục tiêu nhân văn. Đó là sự phát triển "hài hòa" và "bền vững" giữa kinh tế và xã hội; giữa con người và môi trường; giữa kinh tế và văn hóa; giữa lợi ích của các chủ thể. Đây chính là định hướng cho việc nghiên cứu để tài "Giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội hiện nay" trong chuyên ngành Văn hóa học.
1.2.3.3. Lý thuyết "điểm sáng" kết hợp với lý thuyết nghiên cứu trường hợp
Lý thuyết "điểm sáng" hay "gương sáng" (Positive deviance -PD) những trường hợp cá biệt mang tính tích cực. Đây là lý thuyết được Giáo sư Marian Zeitlin, Trường Đại học Tufts (Boston Ave, Medford, Hoa Kỳ) đưa ra từ những năm 80 của thế kỷ XX. "Điểm sáng" hay "gương sáng" là những trường hợp mang tính tích cực (Positive deviance) của Marian Zeitlin chỉ ra cách thức khai thác các giá trị sẵn có của các cộng đồng để phục vụ cho sự phát triển của chính cộng đồng đó.
Nghiên cứu sinh đã mạnh dạn sử dụng lý thuyết trên vào nghiên cứu đề tài của luận án, kết hợp với lý thuyết (phương pháp) nghiên cứu trường hợp. Lý thuyết nghiên cứu chỉ ra rằng: cộng đồng đóng vai trò cốt lõi trong việc xác định vấn đề của chính mình và tự tìm ra những giải pháp để giải quyết vấn đề dựa trên tiềm lực, kinh nghiệm của các "gương sáng" điển hình mà không cần hoặc ít cần đến sự hỗ trợ từ bên ngoài. Lý thuyết "điểm sáng" được vận dụng trong đề tài luận án chính là việc nghiên cứu điển hình ở VMQTG trong việc phát huy giá trị của chính mình với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội như thế nào? Nói cách khác, luận án nghiên cứu những thực hành tích cực của VMQTG khi sử dụng giá trị di sản với phát triển du lịch như thế nào? Đem lại những thành công gì? Từ đó, gợi ý cho việc nhân rộng "điểm sáng" hay cũng là việc mở rộng trong nghiên cứu vấn đề chung, giúp các cộng đồng tiếp thu ánh xạ của điểm sáng để phát huy nội lực của mình phát triển du lịch, mà ở đây là nguồn lực văn hóa Hà Nội trong phát triển kinh tế của Thủ đô.
Tiểu kết
Có thể bạn quan tâm!
- Những Công Trình Nghiên Cứu Về Giá Trị Di Sản Văn Hóa Của Văn Miếu - Quốc Tử Giám Với Phát Triển Du Lịch
- Việc Khai Thác Giá Trị Di Sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám Phục Vụ Phát Triển Du Lịch
- Quan Niệm Về Bảo Tồn, Phát Huy Và Khai Thác Các Giá Trị Di Sản Văn Hóa
- Các Loại Hình Di Sản Văn Hóa Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
- Những Giá Trị Của Di Sản Văn Hóa Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
- Giá Trị Cảnh Quan Kiến Trúc, Thẩm Mỹ - Nghệ Thuật
Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.
Chương 1 có nhiệm vụ tổng quan tình hình nghiên cứu các vấn đề liên quan đến đề tài và trình bày các vấn đề lý luận cơ bản của luận án.
Nội dung thứ nhất đã được đề cập trong chương 1 là tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài bao gồm: những công trình nghiên cứu về GTDSVH với phát triển du lịch nói chung của các học giả nước ngoài và trong nước; những công trình nghiên cứu về GTDSVH với phát triển du lịch ở Thủ đô Hà Nội và những công trình nghiên cứu về GTDSVH của VMQTG với phát triển du lịch; những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu về mặt lý luận và thực tiễn về mối quan hệ về GTDS VMQTG với phát triển du lịch bền vững.
Nội dung thứ hai tiếp theo được thực hiện trong tổng quan là trình bày cơ sở lý luận: khái niệm giá trị; giá trị văn hóa; giá trị di sản văn hóa; quan niệm về bảo tồn, phát huy và khai thác GTDSVH; Các lý thuyết vận dụng trong luận án: quan điểm lý luận về văn hóa của Đảng cộng sản Việt Nam; lý
thuyết phát triển bền vững và phát triển du lịch bền vững; lý thuyết "điểm sáng" kết hợp với lý thuyết nghiên cứu trường hợp. Tuy là những vấn đề lý luận mới được nghiên cứu gần đây (từ khoảng thập niên 70, 80 của thế kỷ XX). Song, có nhiều nhà nghiên cứu vẫn coi giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch như là một nguồn lực hết sức quan trọng.
Qua quá trình nghiên cứu một số công trình tiêu biểu về giá trị di sản văn hóa văn hóa Thăng Long - Hà Nội, về GTDSVH VMQTG, NCS muốn nghiên cứu tìm hiểu việc khai thác GTDSVH cho phát triển du lịch văn hóa như thế nào? Tuy nhiên các công trình nghiên cứu này mới chỉ đề cập tới việc tìm kiếm các GTDSVH. Việc bảo tồn, phát huy và khai thác chúng qua phương thức khôi phục các sinh hoạt văn hóa truyền thống.Việc phát huy (với ý nghĩa khai thác các GTDSVH trong phát triển du lịch) chưa được đặt ra một cách toàn diện, sâu sắc và cụ thể dưới góc nhìn văn hóa học. Đây chính là khoảng trống trong nghiên cứu về giá trị di sản văn hóa VMQTG mà đề tài luận án của NCS sẽ tiếp tục nghiên cứu.
Chương 2
KHÁI QUÁT VỀ VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM
VÀ CÁC GIÁ TRỊ CỦA DI SẢN VĂN MIẾU- QUỐC TỬ GIÁM
2.1. KHÁI LƯỢC VỀ DI SẢN VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM
2.1.1. Sự hình thành và tồn tại của Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Theo tài liệu nghiên cứu thực địa và tài liệu nghiên cứu của các tác giả đi trước, NCS có thể khái quát về VMQTG là một di tích văn hoá lịch sử quốc gia nằm ở trung tâm Hà Nội, giữa những phố phường nhộn nhịp của Thủ đô hiện nay. Đó là một không gian văn hóa với những giá trị di sản đặc sắc cho nhiều học giả tới nghiên cứu, cho các du khách để tìm lại những dấu tích lịch sử của nền văn hóa gần nghìn năm của đất nước Việt Nam văn hiến.
Di tích lịch sử văn hóa VMQTG hiện nằm trên địa bàn các phường Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Văn Chương của quận Đống Đa và phường Điện Biên của quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội. Quần thể di tích trải rộng hơn 54.000 m2.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Về sự ra đời của Văn Miếu, sách Đại Việt sử ký toàn toàn thư ghi chép rằng: "Năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ thứ 2 (1070), đời vua Lý Thánh Tông, Mùa thu, tháng tám, dựng Văn Miếu đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ Phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây" [130, tr.102].
Đến tháng tư, mùa hạ năm Bính Thìn, niên hiệu Anh Vũ Chiêu Thắng thứ nhất (1076) vua Lý Thánh Tông cho lập nhà Quốc Tử Giám, tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học để học tại đó. Từ năm 1253, Vua Trần Thái Tông cho mở rộng Quốc Tử Giám và thu nhận cả con cái thường dân có học lực xuất sắc.
Thời Hậu Lê, Nho giáo rất thịnh hành. Vào năm 1484, Vua Lê Thánh Tông cho dựng bia tiến sĩ của những người đỗ tiến sĩ từ khoa thi năm 1442 đến năm 1484.
Ngay từ khi ra đời Văn Miếu vẫn luôn tồn tại và phát triển ở vị trí hiện nay. Vị trí này thuộc về phía nam kinh thành Thăng Long lịch sử, với vị trí "bất đắc thoái chuyển" có ý nghĩa tích cực, mang tới sự phát triển không ngừng. Xây dựng Văn Miếu ở phía Nam Kinh thành với mục đích mong muốn văn chương, học vấn, tri thức của các sỹ phu của đất nước luôn phát triển, hợp với phong thủy truyền thống phương Đông.
Vị trí tồn tại của VMQTG từ khi ra đời đến nay luôn tồn tại độc lập, riêng biệt, tách rời các khu vực dân cư xung quanh. VMQTG xưa thuộc thôn Minh Giám, tổng Hữu Nghiêm, huyện Thọ Xương; thời Pháp thuộc làng Thịnh Hào, tổng Yên Hạ, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội). Xung quanh VMQTG xưa là những khu đất trống với thảm cỏ và hồ nước. Sau khi chiếm Hà Nội, người Pháp tiến hành quy hoạch thành phố trong việc xác định ranh giới các khu vực và có kế hoạch mở rộng, xây dựng Hà Nội thành một thành phố Châu Âu. Từ năm 1895 đến năm 1927, thực dân Pháp chính thức bắt tay vào việc mở rộng quy hoạch thành phố Hà Nội sau khi hoàn thành công cuộc bình định Việt Nam. Chính quyền thuộc địa Pháp đã cho sáp nhập nhiều tổng, xã vào thành phố để mở rộng quỹ đất, thuận lợi cho công tác quy hoạch các tuyến phố mới theo kiểu ô bàn cờ, tạo thành những đại lộ và khu phố khang trang. Trong giai đoạn này, các làng Văn Chương, Thanh Miến, Thịnh Hào xung quanh Văn Miếu được qui hoạch thành các khu phố. Các con đường được qui hoạch và mở rộng, tách VMQTG ra khỏi khu dân cư các làng xung quanh. Sau khi được người Pháp qui hoạch, từ đó đến nay, xung quanh VMQTG bốn mặt đều là đường phố, cổng chính là phố Quốc Tử Giám (phía Nam), phía Bắc là Vườn hoa Giám bên phố Nguyễn Thái Học, phía Tây là phố Tôn Đức Thắng, phía Đông là phố Văn Miếu. Sự tách biệt di tích này tạo nên sự tôn nghiêm đồng thời là điều kiện thuận lợi cho sự chiêm ngưỡng, hướng tâm của du khách về chốn miếu đường trung tâm của nền Nho học Việt Nam.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng nhằm đào tạo trí thức quan lại phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước độc lập, tự chủ và chế độ quân chủ
nội tộc. Theo nghiên cứu của Đỗ Văn Ninh, năm 1253 vua thứ hai của nhà Trần là Trần Thánh Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học viện làm nơi giảng dạy cho con em vua quan và những người học giỏi trong nước. Chức năng của một trường Quốc học ngày càng nổi bật hơn chức năng của nơi tế lễ làm cho giá trị lịch sử của Quốc Tử Giám - Văn Miếu cũng được nâng cao. Trường Quốc Tử Giám được nâng lên Đại học và chính thức được đặt tên Thái Học viện.
Suốt 700 năm, cho tới khi triều Nguyễn dời kinh đô (1802) vào Huế, trường đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước, trong đó có cả những chính trị gia và văn nhân lỗi lạc cho đến nay còn tôn vinh như Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn…
Trải qua nhiều thế kỷ và biến động xã hội đã làm thay đổi một số đặc điểm của VMQTG. Rõ nét nhất, hai khu vực sân từ cổng vào và Khuê Văn Các được xây thêm vào đầu thế kỷ XIX.
Văn Miếu nguyên trạng được kiến tạo theo Khổng Tử Miếu ở Khúc Phụ (Sơn Đông, Trung Quốc), quê hương của Khổng Tử, với năm phần sân tượng trưng cho ngũ hành - năm vật chất cơ bản trong tự nhiên. Ngày nay, đây là nơi thờ tự những học giả xuất sắc thời trước và là nơi lưu giữ chín thế kỷ lịch sử Nho học của Việt Nam.
2.1.2. Không gian văn hóa của Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Quần thể di tích lịch sử VMQTG gồm có hai khu: khu nội tự và khu ngoại tự
- Khu ngoại tự gồm Hồ Văn ở phía trước VMQTG và khu vườn Giám nằm ngoài dãy tường bao quanh ở bên phải của di tích. Giữa Hồ Văn có gò Kim Châu, trên gò dựng Phán Thủy đình là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của Nho sỹ kinh thành xưa.
- Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là khu nội tự của di tích được ngăn cách bởi không gian ồn ào từ bên ngoài bằng tường gạch vồ xây xung quanh và chia thành 5 lớp không gian khác nhau, mỗi lớp được ngăn cách nhau bởi các tường gạch có các cửa thông nhau: một cửa chính giữa, hai cửa phụ ở hai
bên, các kiến trúc chủ thể là: Cổng Văn Miếu, cổng Đại trung, Khuê Văn Các, cổng Đại Thành, khu Điện thờ, cổng Thái học và kết thúc là khu Thái Học.
Khuê Văn Các là một lầu gác vuông 2 tầng, 8 mái được xây dựng năm 1805 đời vua Nguyễn Gia Long, tầng dưới là bốn trụ gạch, bốn bề trống không, tầng trên là kiến trúc gỗ hai tầng mái lợp ngói ống, trang trí bốn góc bằng đất nung. Bốn mặt gác trổ cửa sổ tròn xung quanh có những thanh gỗ con tiện tỏa ra bốn phía tượng trưng cho các tia của Sao Khuê tỏa sáng.
Hai dãy bia tiến sĩ là những hiện vật quý giá nhất của khu di tích. Hiện có 82 bia phân đều thành hai bên, mỗi bên 41 bia đối xứng nhau qua giếng Thiên Quang. Hai tòa đình bia xây dựng vào năm 1863, bốn mặt bỏ trống. Xưa kia xuân, thu nhị kỳ, khi trong Điện Thánh tế lễ Khổng Tử, thì ở đây cũng sớm sửa lễ vật tế lễ các vị tiên Nho mà quý danh được khắc trên bia đá dựng nơi cửa hiền tài.
Hiện nay, hai đình bia là nơi dựng hai tấm bia của hai khoa thi đầu tiên triều Lê năm 1442 và 1448 cùng danh sách 1.304 tên và quê quán của các vị đỗ đại khoa của 82 khoa thi từ năm Đại Bảo thứ ba (1442) đến năm Kỷ Hợi (1779) đã được ghi trên 82 tấm bia tiến sĩ đặt tại Văn Miếu. Năm 2011, khu vườn bia tiến sỹ Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được UNESCO công nhận là "Ký ức di sản tư liệu thế giới".
Khu vực chính thờ Khổng Tử và các bậc tiên hiền, tiên Nho bao gồm điện Đại Thành. Nhà Bái Đường, hai dãy Đông vu, Tây vu, là nơi tổ chức các nghi thức tế lễ. Do vậy, chính giữa tòa Đại Bái đặt một hương án, trên bày đồ thờ. Hương án làm bằng gỗ sơn son thếp vàng, hai mặt trước sau có họa tiết đục trạm gỗ kiểu hoa văn thời Lê.
Điện Đại Thành là nơi thờ Khổng Tử, Tứ phối, Thập triết. Gian chính là tượng đức Khổng Tử, mặt nhìn về hướng nam, phía sau là khám thờ trên có ngai và bài vị: "Đại Thánh Chí Thánh Tiên Sư Khổng Tử thần vị". Bên đông là tượng Phục Thánh Nhan Hồi và Thuật Thánh Tử Tư. Bên Tây là Tông Thánh Tăng Tử và Á Thánh Mạnh Tử. Hai gian đầu hồi là 10 bia đá bài vị
Thập triết, là những người tiêu biểu cho 4 khoa là: Đức hạnh, Ngôn ngữ, Chính trị và Văn học.
Tòa Đại Bái và Điện thánh là nơi các triều đại Lý, Trần, Lê hàng năm xuân, thu hai lần chọn ngày Đinh đầu tiên của tháng Hai và tháng Tám tế lễ, do vua chủ tế hoặc cử hoàng thân, đại thần tế thay.
Khu Quốc Tử Giám xưa kia có nhà giảng đường, thư viện, khu tam xá cho giám sinh ở, kho để đồ tế khí và kho chứa bản gỗ khắc in sách. Triều Nguyễn sau này xây dựng Quốc Tử Giám Huế, khu này trở thành học phủ của phủ Hoài Đức (sau thuộc Hà Nội) và xây đền Khải Thánh để thờ cha mẹ của Khổng Tử. Toàn bộ khu này đã bị quân Pháp đốt phá năm 1946.
Năm 2010, để tôn vinh nền văn hóa dân tộc, Nhà nước đã cho xây dựng công trình Thái học trên nền cũ của trường Quốc Tử Giám xưa. Quy mô kiến trúc khu Thái học rất bề thế, trang nghiêm, hài hòa với kiến trúc cảnh quan của khu Văn Miếu phía trước.
Tầng một là nơi tôn vinh Danh sư Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An, là nơi trưng bày về "Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long và nền giáo dục Nho học Việt Nam", giới thiệu khái quát lịch sử hình thành và phát triển của VMQTG cùng những giá trị sâu sắc của truyền thống tôn sư trọng đạo, hiếu học, đề cao nhân tài, kế thừa và phát huy di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Tầng hai là nơi tôn thờ các danh nhân đã có công xây dựng VMQTG và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục Nho học của Việt Nam. Đó là các vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay là Văn Miếu lớn nhất của cả nước, được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh đã thu hút đông đảo du khách tham quan trong nước và quốc tế, trở thành điểm du lịch quan trọng của Thủ đô Hà Nội và cả nước.
2.1.3. Sự tu tạo hiện nay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng cách đây hơn 9 thế kỷ. Các nhà nghiên cứu ngày nay hầu như thống nhất với nhau rằng quy mô vị trí hiện tại của VMQTG vẫn tương tự như thời mới xây dựng. Những lớp kiến trúc