của Văn Miếu - hiện còn phần lớn đều là kiến trúc thời Hậu Lê và đầu triều Nguyễn. Bờ tường gạch bao quanh VMQTG được xây bằng gạch vồ, loại gạch phổ biến thời Hậu Lê. Qua năm tháng, do tác động của thời gian, chiến tranh, nhiều công trình, cảnh quan của VMQTG đã bị tàn phá nặng nề, nhiều hiện vật bị thất lạc, đặc biệt là năm 1946, đền Khải Thánh cũng bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại nền gạch nham nhở. Khu vực Hồ Văn bị hàng trăm hộ dân lấn chiếm, quanh mặt nước bị ô nhiễm.
Trước tình hình đó, để thúc đẩy công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, năm 1988, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định thành lập Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ngay trong năm đó, Trung tâm đã tiến hành khảo sát và lên kế hoạch tu bổ, tôn tạo đối với toàn bộ khu di tích lịch sử văn hóa này. Bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ, Trung tâm còn đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ cảnh quan, môi trường di tích.
Năm 1991, song song với việc tiến hành tu bổ điện Đại Thành, sửa chữa hệ thống chiếu sáng, Trung tâm còn cho cải tạo toàn bộ hệ thống cấp thoát nước. Năm 1992 cho nạo vét tu bổ lại thảm cỏ cây xanh và nhà kho phía sau Hữu Vu. Năm 1994, xây dựng 8 nhà che bia, sửa chữa toàn bộ lối đi, nạo vét giếng Thiên Quang, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng mới, tu bổ tường bao trong toàn khu, tu sửa nhà Bái Đường, cổng Đại Trung, cổng Đại Thành, cổng Thái học, Khuê Văn Các sơn son thếp vàng toàn bộ các cột, cổng, hoành phi câu đối.
Đặc biệt, trong hai năm 1999 -2000, UBND Thành phố và Sở Văn hóa, Thông tin Hà Nội nay là Sở Văn hóa, Thể thao đã chỉ đạo đơn vị triển khai xây lại khu nhà Thái học và hai dãy Tả, Hữu vu, các công trình kiến trúc này mang phong cách thời Hậu Lê, hài hòa với khuôn viên di tích và các công trình kiến trúc cổ khác.
Trong năm 2016, khu vực hồ Văn và cổng chính Văn Miếu được thiết kế tu bổ lại.
Năm 2017, UBND Thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án Phục dựng tòa phương đình và tôn tạo đảo Kim Châu hồ Văn. Công trình hoàn thành là địa
điểm hoạt động văn hóa nghệ thuật và kết nối với khu nội tự thành một chỉnh thể của di tích.
Nhờ tất cả những cố gắng cùng các dự án tu bổ, tôn tạo. Vì vậy, diện mạo cổ kính của di tích cơ bản đã được khôi phục, đưa khu di tích này trở thành một không gian văn hóa du lịch, một trong những điểm thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế hấp dẫn nhất ở Thủ đô Hà Nội.
Có thể bạn quan tâm!
- Việc Khai Thác Giá Trị Di Sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám Phục Vụ Phát Triển Du Lịch
- Quan Niệm Về Bảo Tồn, Phát Huy Và Khai Thác Các Giá Trị Di Sản Văn Hóa
- Lý Thuyết "điểm Sáng" Kết Hợp Với Lý Thuyết Nghiên Cứu Trường Hợp
- Những Giá Trị Của Di Sản Văn Hóa Tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
- Giá Trị Cảnh Quan Kiến Trúc, Thẩm Mỹ - Nghệ Thuật
- Các Giá Trị Của Di Sản Văn Hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám Và Sự Hình Thành Sản Phẩm Du Lịch
Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.
2.2. CÁC LOẠI HÌNH DI SẢN VĂN HÓA TẠI VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM
2.2.1. Di sản văn hóa vật thể
2.2.1.1. Hồ Văn
Trước cửa Văn Miếu ngày nay, ở bên kia đường mang tên Quốc Tử Giám, có một hồ khá rộng, giữa hồ nổi một quả gò, trên gò vốn có bia và đình bia, có cây cổ thụ. Ngày xưa nơi đây vốn là một cảnh rất đẹp và nên thơ. Di tích này tên gọi là Văn Hồ. Theo ý đồ kiến trúc, đây vốn là cái "tiểu minh đường" của Văn Miếu, là một bộ phận khăng khít của toàn bộ công trình kiến trúc chung.
Với diện tích rộng hơn 12.000 m2, Hồ Văn từng là không gian liền kề với
khu Nội tự của Quốc Tử Giám trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, từ thời Pháp thuộc, con đường mang tên 238 (voie 238) được người Pháp mở ra trước mặt khu Nội tự và trở thành phố Quốc Tử Giám sau này. Do vậy, Hồ Văn bị cắt lìa khỏi quần thể
54.000 m2 của không gian quần thể Quốc Tử Giám bởi một trục giao thông.
Trong hồ có gò Kim Châu, nơi đây vốn là nơi thưởng ngoạn văn chương, phong cảnh; uống rượu, bình thơ; nơi gặp gỡ, giao lưu của các thi nhân - văn sĩ, của các tao nhân, mặc khách, sĩ tử để trao đổi, mạn đàm về văn chương thế sự… Nay Hồ Văn nói chung và Gò Kim Châu nói riêng được tu bổ đẹp đẽ, trở thành kiến trúc cảnh quan tô điểm cho VMQTG thêm uy nghi, đẹp đẽ có tác dụng gây cho khách tham quan cảm giác mát mẻ duyên dáng ngay từ đầu khi mới đặt chân vào khu kiến trúc.
2.2.1.2. Văn Miếu Môn
Văn Miếu Môn tức cổng tam quan ngoài cùng của khu VMQTG. Cổng có ba cửa, cửa giữa cao to và xây hai tầng. Tầng trên có chữ "Văn Miếu Môn". Cổng Văn Miếu được xây dựng đầu thế kỷ thứ XIX dưới thời nhà
Nguyễn với hình thái kiến trúc kiểu "chồng diêm: hai tầng, tám mái" được xây dựng bằng gạch, ngói mang phong cách kết hợp cổ điển Á-Âu. Kiến trúc Văn Miếu Môn kết hợp cả phong cách truyền thống phương Đông và Việt Nam. Hệ thống cửa ra vào gồm ba cửa, có tên gọi: chính môn, tả môn, hữu môn biểu hiện của "tam môn đồng hành", ba cửa cùng mở ra sự phát triển không ngừng. Ở trước và sau Văn Miếu Môn xuất hiện những đôi rồng tạo bằng đá nguyên khối tạo nên hình tượng "hướng long" và "hồi long".
Đôi rồng đá phía trước dưới dạng "long vân". Đôi rồng phía sau cổng là đôi "long thú". Cả hai đôi rồng ở phía trước và sau Văn Miếu Môn đều mang phong cách Nguyễn (1802-1945). Bên cạnh đó, trên hệ thống cổng vào còn xuất hiện nhiều hình tượng trang trí như hình tượng "lưỡng long chầu nhật"; "tứ long", "tứ quý"…, do vậy ở nơi đây còn được gọi là nơi "long vân hội tụ", "long hổ tương phùng"…thể hiện đây chính là nơi hội tụ, gặp gỡ của các anh tài bốn phương.
Kiểu dáng kiến trúc Văn Miếu Môn nhiều nét độc đáo của kiến trúc cổ Việt Nam, bên ngoài tam quan là 3 kiến trúc riêng biệt, cửa chính giữa thực chất xây 2 tầng. Mặt bằng hình vuông. Tầng dưới to, tầng trên nhỏ chồng lên giữa tầng dưới, do đó xung quanh thừa ra hàng hiên rộng, 4 mặt có lan can. Phía bên ngoài tầng dưới chỉ mở có một cửa cuốn, 2 cánh bằng gỗ, mi cửa hình bán nguyệt bằng gỗ chạm nổi hình đôi rồng chầu mặt nguyệt. Phía bên trong lại mở 3 cửa, 2 cửa nhỏ hai bên phải trái là lối bậc lên 2 tầng. Tầng trên làm 8 mái, 4 mái hiên, 4 mái nóc do đó dáng ngoài tựa một kiến trúc 2 tầng, cổng chính có dáng của một kiến trúc 3 tầng. Mái tầng trên làm cổng lên ở 4 góc. Bờ nóc cũng có khắc đôi rồng chầu nguyệt. Tầng trên không có treo chuông khánh.
Phía ngoài của cổng có 2 câu đối không rõ niên đại, tới nay vẫn còn rõ nét chữ (chữ Hán), được dịch ra tiếng Việt như sau:
Sĩ phu còn nhiều báo đáp, ơn triều đình đào tạo, ý nhà nước tôn sùng. Thế đạo nhờ đó duy trì, chốn lễ nhạc y quan, nơi thanh danh văn vật.
2.2.1.3. Đại Trung môn
Từ cổng chính Văn Miếu Môn, theo con đường lát gạch đi thẳng tới cổng thứ hai là Đại Trung Môn. Ngang hàng với Đại Trung Môn, bên trái
có Thánh Dực Môn, bên phải có Đạt Tài Môn, bức tường ngang nối 3 cửa vươn dài ra hai bên tới tận tường vây dọc theo bên ngoài hai bên tả hữu của cả khu Văn Miếu, cùng với tường ngang khu Văn Miếu tạo thành một khung hình gần vuông có tường vây khép kín ra vào bằng Văn Miếu Môn, Thánh Dực Môn và Đạt Thành Môn ở phía sau. Hai hồ nhỏ hình chữ nhật nằm dài sát theo chiều dọc của tường vây bọc bên ngoài. Cửa Đại Trung làm kiểu 3 gian có nền cao, mái lợp ngói, 2 hàng cột hiên trước sau và hàng cột chống nóc ở chính giữa. Hàng cột này chính là nơi để lắp cánh cửa, song ở cửa này không làm cánh. Ở gian giữa treo một tấm biển nhỏ đề 3 chữ sơn then "Đại Trung Môn".
Từ Văn Miếu Môn đến Đại Trung Môn thẳng tiếp đến Khuê Văn Các. Từ 2 cửa Đạt Tài và Thánh Dực ở 2 bên cửa Đại Trung, hai con đường lát gạch khác nhỏ hơn chạy thẳng song song với đường trục giữa, chia khu vực thứ 2 này thành 4 dải khá cân bằng. Hai hồ nước hình chữ nhật được đào ở vị trí tương tự như 2 hồ nước ở khu vực thứ nhất. Cảnh trí khu vực thứ 2 này không khác gì mấy ở khu vực thứ nhất. Việc lặp lại một khu vực chỉ có cây, cỏ, việc làm thêm dãy tường ngăn và làm thêm một lớp cửa ra vào như thế này đã làm cho công trình sư thiết kế rất thành công trong ý đồ tạo nên cảnh thâm nghiêm, tĩnh mịch của khu vực kiến trúc.
2.2.1.4. Khuê Văn Các
Là công trình kiến trúc nằm trong tổng thể VMQTG. Khuê Văn Các là cổng thứ ba của khu di tích VMQTG, được Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cho xây dựng vào năm 1805. Khuê Văn Các được ví như một viên ngọc trong khu di tích VMQTG và gần đây đã được chọn làm biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Ban đầu Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cho xây dựng Khuê Văn Các hoàn toàn bằng gỗ, quy cách thanh thoát, rộng, đẹp, xứng đáng là một nét điểm tô của cố đô Thăng Long nghìn năm văn hiến. Công trình được làm xong tháng 7 năm Gia Long thứ 4 (8-1805). Đến khoảng niên hiệu Minh Mệnh, Tổng đốc Đặng Văn Hòa nhận thấy cột gỗ dễ bị mối mọt đã cho thay như hiện nay. Phần mái của Khuê Văn Các cũng được ông cho lợp lại bằng
ngói ống. Khuê Văn Các là một lầu vuông 8 mái, mỗi bề có chiều dài là 6,8 mét, kiểu dáng kiến trúc khá độc đáo. Tầng dưới chỉ là bốn trụ gạch, bốn bề trống không. Tầng trên là kiến trúc gỗ trừ mái lợp và những phần trang trí góc mái hoặc trên bờ nóc bằng chất liệu đất nung hoặc vôi cát. Khuê Văn Các (gác Khuê Văn) được làm bằng gỗ hai tầng, sàn gỗ có chừa hai khoảng trống để bắc thang lên gác. Bốn cạnh sàn làm lan can con tiện cũng bằng gỗ. Bốn mặt tường bịt ván gỗ, mỗi mặt đều làm một cửa tròn có những thanh gỗ chống tỏa ra bốn phía. Cửa và những thanh gỗ chống tượng trưng cho sao Khuê và những tia sáng của sao. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào treo một tấm biển sơn son thếp vàng ba chữ "Khuê Văn Các". Mỗi mặt tường gỗ đều chạm một câu đối chữ Hán thếp vàng, tạm dịch như sau:
1. Sao Khuê trời sáng, văn minh rộng/Sông Bích xuân sâu, mạch đạo dài.
2. Triều ta tô điểm nhiều văn trị/Gác đẹp văn hay đón khách xem.
3. Bắc Đẩu soi thành nhiều khí tốt/Đầm thu bóng nguyệt sáng lòng xưa.
4. Nước lễ nghĩa nghìn năm văn hiến/Phủ đồ thư một mối thánh hiền.
Gác Khuê Văn vốn là nơi xưa kia dùng để họp bình những bài văn hay của các sỹ tử đợi thi khoa thi Hội.
Gác nhỏ xinh, kiến trúc giản dị nhưng tao nhã, đặc biệt được dựng giữa những cây cổ thụ xanh tốt, cạnh giếng Thiên Quang đầy nước trong in bóng gác rung rinh. Gác Khuê Văn xứng đáng với lời bình là viên ngọc trong khu di tích kiến trúc VMQTG - Hà Nội.
2.2.1.5. Giếng Thiên Quang
Giếng hình vuông, quanh bờ đều xây hàng lan can tới độ ngang lưng. Người xưa còn có quan niệm giếng hình vuông tượng trưng cho đất, cửa hình tròn gác Khuê Văn tượng trưng cho trời. Tinh hoa của cả trời cả đất đều được tập trung ở trung tâm văn hóa giáo dục uy nghi giữa chốn đế đô này.
Giếng Thiên Quang (Thiên Quang tỉnh) còn được gọi là Văn Trì (Ao Văn). Thiên Quang là ánh sáng bầu trời. Đặt tên này cho giếng, ý nói con người thu nhận được tinh túy của vũ trụ, soi sáng tri thức, nâng cao phẩm chất, tốt đẹp nền nhân văn.
Giếng Thiên Quang quanh năm đầy nước, mặt nước bằng phẳng trở thành một tấm gương soi bóng gác Khuê Văn, cảnh trí được nhân đôi mức độ mỹ quan. Đôi khi gió thổi nhẹ, mặt nước hơi gợn lăn tăn thì bóng gác Khuê Văn do đó cũng lung linh lay động nhẹ nhàng, cảnh sắc càng trở nên vô cùng đẹp mắt.
Hai bên tả hữu lan can giếng mở cửa xây bậc xuống giếng, ý đồ xây dựng là mở lối xuống giếng để rửa là lấy nước tưới hoa. Mé ngoài lan can từng quãng có trồng hoa đủ loại. Hoa lá xanh tươi càng tôn thêm sự trang nhã của "Ao Văn". Một con đường nhỏ lát gạch bao quanh giếng, lên gác Khuê Văn, vào cửa Đại Thành hoặc rẽ sang hai vườn bia đá 2 bên phải, trái.
2.2.1.6. Bia tiến sĩ
Trong khuôn viên di tích VMQTG có một khu vườn từ Khuê Văn Các đến cửa Đại Thành thường gọi là Vườn Bia. Với số lượng 82 Bia đá được vinh danh tên tuổi người đỗ trong các kỳ thi tuyển sinh tiến sĩ triều Lê và Mạc là những di vật giá trị bậc nhất của di tích. 82 tấm bia tương ứng với 82 khoa thi (1442 - 1779), trong đó có tên 1.304 tiến sĩ được khắc.
Bia tiến sĩ được dựng trong khoảng gần 300 năm (1484-1780), được tạo bằng một loại đá xanh (thanh thạch), khai thác từ núi An Thạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, kích thước không đều nhau cùng đặt trên lưng Rùa. Trên mỗi tấm bia tiến sĩ đều có khắc các bài văn bia (bài ký) bằng chữ Hán chứa đựng rất nhiều thông tin lịch sử - văn hóa. Một bài văn bia thường gồm: Dòng tiêu đề của khoa thi (phần nối giữa trán bia và bài ký) năm tổ chức khoa thi, ca ngợi triều vua đang trị vì, tên các vị quan tham gia tổ chức khoa thi như: Đề điệu, Giám thí, Độc quyển, Đằng lục...; cách thức tổ chức thi; họ tên và quê quán của những người thi đỗ, tên nhóm người tham gia dựng bia (soạn, nhuận sắc, viết triện).
82 tấm bia tiến sĩ với các phong cách điêu khắc, nghệ thuật trang trí khác nhau đã tạo nên một khu vườn bia mang đậm tính nhân văn và nghệ thuật. Điều này thể hiện trên cả ba phần: Trán bia, diềm bia và rùa đội bia.
Trán bia trang trí mỹ thuật, ngoài đề tài chính là "lưỡng long chầu nguyệt", còn một số chủ đề khác rất đặc sắc và đa dạng như: phượng, long
mã, những con vật linh có trong đời sống tâm linh đã được sử dụng trang trí trên bia, các diềm bia như một thế giới sống động với rất nhiều hoa lá, chim muông, thậm chí có cả hình ảnh người nông dân, hình những viên quan…, được các nghệ nhân thể hiện rất có hồn.
2.2.1.7. Đại Thành môn, Ngọc Thành môn và Kim Thành môn
Khu vực thứ tư, khu vực chính của VMQTG. Cũng như cửa Đại Trung, cửa Đại Thành là một kiến trúc 3 gian với hai hàng cột hiên trước sau và một hàng cột giữa. Hàng cột giữa đỡ sà nóc, đồng thời cũng là hàng cột để lắp cửa, 3 gian đều được lắp cửa hai cánh. Chính giữa, trên giáp nóc có treo một bức hoành khắc 3 chữ "Đại Thành Môn" (cửa Đại Thành) theo chiều ngang, dọc từ phải sang trái. Bên phải 2 hàng chữ nhỏ dọc khắc "Lý Thánh Tông", "Thần Vũ nhị niên, Canh Tuất thu, bát nguyệt phụng kiến". Có nghĩa là "Tháng 8, mùa thu năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ năm thứ 2 đời Lý Thánh Tông - vầng sắc xây dựng". Bên trái 1 hàng chữ dọc khắc "Đồng Khánh tam niên, Mậu Tý trọng đông đại tu"; có nghĩa là "Tháng 11 năm Mậu Tý, niên hiệu Đồng Khánh năm thứ 3 đại tu".
Sản phẩm năm 1888 là bức hoành sơn son thếp vàng giản dị song nó là minh chứng cho một lần tu sửa lớn vào thời vua Đồng Khánh nhà Nguyễn và một bằng chứng gián tiếp cho năm khởi dựng Văn Miếu vào thời Thánh Tông nhà Lý.
Cửa Đại Thành mở đầu cho khu vực của những kiến trúc chính, nơi thờ Khổng Tử, Chu Công, Tứ Phối, Thất thập nhị hiền… Đây cũng chính là nơi giảng dạy của trường Giám xưa.
Hai cửa nhỏ Kim Thành bên phải, Ngọc Thành bên trái nằm ngang hàng với cửa Đại Thành, song song 2 cửa này không mở thẳng vào thẳng khu vực chính mà để đi qua con đường lát gạch phía sau 2 dãy Tả Vu, Hữu Vu để tiếp tục qua sang khu vực Khải Thánh phía cuối cùng của di tích.
2.2.1.8. Văn Miếu, Tả Vu và Hữu Vu
Bước qua cửa Đại Thành là vào ngay tới một sân rộng lát gạch Bát Tràng. Hai bên, phải trái của sân là 2 dãy Hữu Vu và Tả Vu. Trước mặt tòa Đại Bái Đường rộng rãi, to lớn của sân nối giáp với đầu hồi của Tả Vu, Hữu
Vu 2 bên, tạo thành một cụm kiến trúc hình chữ U cổ kính và truyền thống. Sau Đại Bái và song song với Đại Bái, tòa Thượng Điện có quy mô tương tự cả về chiều cao lẫn bề rộng với Đại Bái là kiến trúc của khu vực thứ 4. Đại Bái Đường nối với Thượng Điện bằng một Tiểu Đình hình vuông.
Thượng Điện ở phía sau 9 gian, tường xây ba phía lưng và đầu hồi, phía trước có của bức bàn đóng kín 5 gian giữa, 4 gian đầu hồi có cửa chắn song cố định. Thượng Điện kín đáo và do đó tối hơn Đại Bái, đây là ý đồ của công trình sư muốn tạo một sự không khí thâm nghiêm, u tịch. Nơi đây xưa là nơi thờ những vị tổ đạo Nho. Gian chính giữa vốn có khám và ngai lớn để trên một bệ xây, trong đó, có bài vị "Chí thánh tiên sư Khổng Tử". Bên trái có 2 ngai thờ Tăng Tử và Mạnh Tử (thờ các vị Á thánh). Bên phải có 2 ngai thờ Nhan Tử và Tử Tư. Bốn vị được thờ trên tức là Tứ phối, được thờ từ ngày mới xây dựng Văn Miếu.
Hai gian đầu hồi cũng có 2 khám lớn xếp chầu vào gian giữa, thờ Thập triết gồm những vị: Mẫn Tử, Nhiễm Tử, Đoan Mộc Tử, Trang Tử, Bốc Tử Hữu Tử, Tề Tử, Ngân Tử, Suyễn Tôn Tử, Chu Tử.
Tòa Đại Bái bên ngoài cũng xây 9 gian nhưng chỉ xây hai tường hồi, mặt trước sau để trống. Tòa Đại bái có chức năng là nơi hành lễ trong những kỳ tế tự xuân thu. Tại đây treo khá nhiều hoành phi câu đối (nhiều thứ nay đã mất). Đại bái đường mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê.
Tả Vu và Hữu Vu đều làm 9 gian. Xưa kia tả Vu, Hữu Vu đều mỗi bên xây 5 bệ kê 5 khám thờ Thất thập nhị hiền. Kiến trúc đã bị phá hủy hiện còn là sản phẩm của lần trùng tu thời gần đây. Bệ thờ, khám thờ cũ không còn. Hiện tại dùng làm nơi trưng bày các di vật lịch sử và cách mạng của kinh thành Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội góp phần quan trọng vào cảnh trí chung của khu di tích.
2.2.1.9. Đền Khải Thánh - Quốc Tử Giám
Khu Khải Thánh là khu sau cùng của khu di tích, là nơi thờ cha mẹ Khổng Tử tức là Thúc Lương Ngột và Nhan Thị. Kiến trúc đền Khải Thánh sơ sài hơn song cũng có Tả Vu, Hữu Vu hai bên, đền thờ ở giữa.