Trong tiểu thuyết luận đề, Khái Hưng không chỉ tấn công vào lễ giáo phong kiến, đòi giải phóng con người cá nhân, nhà văn còn gửi gắm vào đó ước mơ cải cách xã hội, mong muốn đem đến cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho người dân quê nghèo khổ. Những nhân vật tân địa chủ trong tiểu thuyết luận đề của Khái Hưng không chỉ có ý thức về quyền sống cá nhân, có lối sống mới, mà họ đặc biệt quan tâm đến đời sống của người nông dân. Họ gần gũi, giúp đỡ những người nghèo khổ, đói rách, ước muốn của họ là cải cách xã hội và cuộc sống của người dân quê. Ở tiểu thuyết Gia đình, Khái Hưng đã ca ngợi những địa chủ tân học có tấm lòng nhân ái đã làm nhà Ánh sáng, đào giếng, mở trường học mang đến một cuộc sống văn minh cho người nông dân. Tuy nhiên, tiểu thuyết luận đề theo hướng cải cách xã hội của Khái Hưng mang đậm màu sắc cải lương tư sản, thiên về dung hòa mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ. Đây chính là điểm hạn chế trong tiểu thuyết luận đề của ông.
Trong tác phẩm của mình, Khái Hưng tập trung thể hiện xung đột giữa mới và cũ. Lớp thanh niên thấm nhuần tư tưởng hiện đại của phương Tây, họ coi trọng tự do yêu đương, tự do kết hôn. Trong khi đó, các bậc phụ huynh đại diện cho gia đình truyền thống thì quan niệm lấy vợ là phải tìm nơi môn đăng hộ đối để sau này còn nhờ cậy để tiến thân và coi đó như một nấc thang danh vọng. Trong tiểu thuyết Nửa chừng xuân, Khái Hưng đã đả phá mạnh mẽ quan niệm môn đăng hộ đối, những tập tục đã không còn hợp thời của chế độ phong kiến đang từng ngày từng giờ phong tỏa cuộc sống tự do của con người. Qua đó, ông tố cáo chế độ đại gia đình phong kiến hàng ngàn năm qua đã đặt quy tắc lên trên tự do, hạnh phúc của con người; đã đặt luân thường lên trên nhân đạo.
Đánh giá về tiểu thuyết luận đề của Khái Hưng, các nhà nghiên cứu phê bình có những quan điểm khác nhau. Tuy nhiên đa số các ý kiến đều thiên về khen ngợi. Giáo sư Hà Minh Đức nhận xét: “Đến Thừa tự, Gia đình, Thoát ly,
Khái Hưng bộc lộ mặt mạnh của ngòi bút khi đi sâu vào cảnh ngộ của những gia đình giàu có, phát hiện ra những mâu thuẫn, những rạn nứt khó hàn gắn do tính chất lỗi thời của lễ giáo phong kiến và quyền lực của đồng tiền gây ra”.
Có thể nói rằng, văn chương của Tự lực văn đoàn nói chung và của Nhất Linh, Khái Hưng nói riêng đã tạo nên những giá trị mới cho văn học. Bởi nó đã tìm được hướng đi, có mục tiêu tranh đấu, lại mở ra những khát vọng và quyền sống cá nhân cho con người. Đây chính là điểm cách tân và cũng là đóng góp tích cực của Tự lực văn đoàn cho sự đổi mới của văn chương Việt Nam những năm 30 đầu thế kỉ XX.
1.3. Vai trò của Tự lực văn đoàn đối với quá trình hiện đại hóa văn học dân tộc
Trong khoảng 10 năm hoạt động, Tự lực văn đoàn đã có nhiều đóng góp quan trọng cho công cuộc đổi mới nền văn học Việt Nam hiện đại: “Nhờ tiếp thu được những ảnh hưởng của nền văn học phương Tây, Tự lực văn đoàn đã đẩy các thể loại như báo chí, tiểu thuyết, thơ, kịch, truyện ngắn tiến lên một bước về phía trước” [9, 367]. Đây là văn đoàn đầu tiên có tổ chức chặt chẽ, có tôn chỉ, mục đích hoạt động rõ ràng, có cơ quan ngôn luận và nhà in riêng. Tự lực văn đoàn đã quy tụ được nhiều tài năng trẻ, truyền bá được nhiều tác phẩm văn chương có giá trị, chiếm được sự yêu mến của một số lượng lớn công chúng độc giả. Với những hoạt động tích cực, Tự lực văn đoàn không chỉ có công trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của nền văn học nước nhà, mà họ còn góp tiếng nói quan trọng vào việc cổ vũ cải cách xã hội thông qua cơ quan ngôn luận của mình. Trên báo Phong hóa, tiếng cười đả kích được sử dụng như một thứ vũ khí sắc bén tấn công vào bọn điạ chủ, quan lại phong kiến chuyên hà hiếp bóc lột những người nông dân nghèo khổ, lương thiện. Đôi khi tiếng cười đả kích còn kín đáo hướng vào thực dân Pháp và biểu lộ sự cảm thông chân thành đối với cuộc sống nghèo khổ của người dân quê.
Có thể bạn quan tâm!
- Đóng góp của Tự lực văn đoàn qua hai tiểu thuyết đoạn tuyệt của Nhất Linh và Nửa chừng xuân của Khái Hưng - 2
- Cơ Sở Lịch Sử - Văn Hóa - Xã Hội Cho Sự Ra Đời Của Tự Lực Văn Đoàn
- Tiểu Thuyết Luận Đề Của Nhất Linh Và Khái Hưng Tiểu Thuyết Luận Đề Của Nhất Linh
- Quan Niệm Nghệ Thuật Về Con Người Trong Tiểu Thuyết Tự Lực Văn Đoàn
- Nhân Vật Đại Diện Cho Nền Luân Lý Phong Kiến Cũ
- Nhân Vật Phụ Nữ Đấu Tranh Cho Hạnh Phúc Cá Nhân
Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.
Tự lực văn đoàn chủ trương Âu hóa mọi mặt đời sống xã hội, dương cao ngọn cờ chống lễ giáo phong kiến, đề cao chủ nghĩa cá nhân, đả phá mọi sự ràng buộc tự do cá nhân. Họ mong muốn thay đổi những quan niệm sống gắn với những tập tục, lễ nghi phong kiến của người dân quê, từ đó tiến hành những cuộc cải cách làm thay đổi diện mạo văn hóa Việt Nam: “Các nhà văn, nhà báo trong Tự lực văn đoàn với Nhất Linh đứng đầu có một chủ trương duy tân và cấp tiến. Họ muốn đả phá cái xã hội nho phong với tập tục, lễ giáo mà thế hệ cũ gọi là quốc túy, quốc hồn, đả phá nhất là những hủ tục của người dân quê sau lũy tre xanh, đả phá cái không khí sầu bi, cái phong thái đạo mạo, những thành kiến chán đời của lớp người đứng tuổi trong xã hội khi ấy. Và để thế vào, họ đưa ra một quan niệm sống Âu hóa, cải cách phong tục dân chúng nhất là dân quê, những tư tưởng tin theo lẽ phải, tự do cá nhân, hạnh phúc vật chất, chủ nghĩa yêu đời của lớp người trẻ” [53, 434].
Thực hiện đúng tôn chỉ của mình, Phong hóa và Ngày nay đã đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của thời cuộc, nên được độc giả nhiệt liệt đón nhận, nhất là tầng lớp thanh niên trí thức. Với việc thành lập “Hội Ánh sáng” năm 1936 – một tổ chức từ thiện mang tính chất cải lương tư sản, có mục đích khai sáng cho những cuộc đời tăm tối, cứu vớt những cuộc đời quá nghèo khổ, Nhất Linh mong muốn: “Tôi vẫn tha thiết mong cho đám dân thiệt thòi và thấp kém trong xã hội có những quyền sống mà họ thiếu thốn. Lấy trách nhiệm là một nhà văn cùng với những đồng chí khác, tay cầm tay đứng trong hàng ngũ, tôi xin hết sức giúp một phần nhỏ mọn vào công cuộc đòi quyền sống của hết thảy anh em bị thiệt: Mặt trận bình dân” [9, 21].
Tất cả những hoạt động, tâm sức của họ đều dồn vào mục đích duy nhất là phụng sự lý tưởng cải cách xã hội. Những hoạt động ấy được thực hiện thông qua hai hình thức là tuyên truyền bằng báo chí, văn chương và tiến hành các hoạt động cụ thể.
Với những giải thưởng đã trao, Tự lực văn đoàn đã khích lệ phong trào sáng tác văn học phát triển. Giải thưởng Tự lực văn đoàn đã trở thành điểm sáng trong đời sống văn học Việt Nam những năm 1930, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà văn, nhà thơ và góp phần đẩy mạnh phong trào sáng tác văn học khắp cả nước.
Sự hoạt động tích cực của nhà xuất bản Đời nay đã “mở ra một kỉ nguyên mới cho cuốn sách trong lịch sử văn học Việt Nam, đồng thời giúp văn đoàn họ truyền bá rộng rãi những tác phẩm cùng tư tưởng quan niệm văn đoàn” [24, 25]. Không chỉ có giá trị văn chương mà sách Đời nay còn được trình bày rất mĩ thuật.
Đánh giá về vai trò của Tự lực văn đoàn đối với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam, Giáo sư Phong Lê đã nhận xét: “Khi đã có cái nhìn xuyên suốt một thế kỉ, làm gắn nối công cuộc canh tân đất nước đầu thế kỉ đến sự nghiệp đổi mới đất nước vào cuối thế kỉ, thì mới là lúc ta có hoàn cảnh để nhận ra hai đóng góp lớn của Tự lực văn đoàn cho đời sống văn học, và đời sống văn hóa – tinh thần dân tộc. Đó là: góp công đầu vào việc đấu tranh giải phóng cá nhân ra khỏi mọi kiềm tỏa của lễ giáo phong kiến và ý thức hệ phong kiến đè nặng lên đời sống tinh thần của dân tộc trong hàng nghìn năm… Công lớn thứ hai của Tự lực văn đoàn, đồng thời với việc đặt ra và trả lời một yêu cầu lịch sử như đã nêu trên, đó là việc thực hiện yêu cầu hiện đại hóa, với vai trò tiên phong của nó trong văn chương dân tộc” [38, 7].
1.3.1. Cổ vũ cho phong trào thơ mới
Phong hóa và Ngày nay là diễn đàn cổ vũ, bênh vực thơ mới, góp phần đáng kể vào sự toàn thắng của thơ mới. Bằng những lí lẽ chặt chẽ, Tự lực văn đoàn đã tích cực tham gia tranh luận về vấn đề thơ mới – cũ. Họ hô hào trên Phong hóa: bỏ luật, niêm, đối, bỏ điển tích, sáo ngữ, nghĩa là tóm lại đừng bắt chước cổ nhân một cách nô lệ. Thơ ta phải mới, mới văn thể, mới ý tưởng. Tự lực văn đoàn đứng hẳn về phía cái mới trong cuộc đấu tranh giữa cái mới và
cái cũ, cho việc giải phóng cá nhân ra khỏi sự ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến. Phong hóa và Ngày nay là một trong những trung tâm quan trọng của công cuộc đổi mới nền văn học, của phong trào thơ mới “Là vườn ươm, là nơi giới thiệu, nâng đỡ hàng loạt tài năng mới (Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyên Hồng, Thanh Tịnh, Tế Hanh, Đỗ Đức Thu, Đoàn Phú Tứ, Anh Thơ, Bùi Hiển…) [52, 554]. Các nhà thơ mới trong Tự lực văn đoàn đã “góp công làm phong phú hơn thế giới nội tâm của con người, mở ra trước bạn đọc một thiên nhiên, một đất nước quê hương đầy cảm xúc và thanh sắc, mang đến một cái tôi cá thể hóa trong cách cảm thụ thế giới của thi ca” [52, 553]. Vì vậy mà Hoài Thanh đã trân trọng xếp hai thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn vào vị trí đầu bảng của phong trào thơ mới “Thế Lữ là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời thơ mới giai đoạn đầu” và “Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong phong trào thơ mới”.
1.3.2. Hiện đại hóa thể loại tiểu thuyết
Tự lực văn đoàn đã góp phần quan trọng vào việc cách tân văn học, xây dựng một nền văn học Việt Nam hiện đại. Hoàng Xuân Hãn đánh giá rất cao những đóng góp của Tự lực văn đoàn cho quá trình hiện đại hóa nền văn học nước nhà: “Nhóm Tự lực văn đoàn không phải là nhóm duy nhất nhưng là nhóm quan trọng nhất và là nhóm cải cách đầu tiên của nền văn học hiện đại” [52, 554].
Ngay từ lúc mới ra đời, Tự lực văn đoàn đã góp phần làm thay đổi diện mạo của nền văn học, đặc biệt có nhiều công lớn trong việc hiện đại hóa thể loại tiểu thuyết. Tiểu thuyết của họ đã dần từ bỏ kết cấu theo trình tự thời gian, chương hồi mà đi vào kết cấu theo diễn biến tâm lý. Đã đi sâu vào việc miêu tả những diễn biến trong nội tâm nhân vật với lối văn giản dị và trong sáng. Họ là nhóm đi đầu trong công cuộc hiện đại hóa tiểu thuyết: “Tự lực văn
đoàn đã kết hợp được khá nhuần nhị truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây. Ngôn ngữ văn học cũng trở nên giản dị, trong sáng, giàu khả năng diễn đạt hơn và đặc biệt rất gần gũi với tâm hồn dân tộc” [52, 554]. Thậm chí, nhà nghiên cứu Phạm Thế Ngũ còn cho rằng phải đến Tự lực văn đoàn, mới bắt đầu có tiểu thuyết Việt Nam: “Song nhất là ở thể loại tiểu thuyết mà họ đã gây được thành tích vẻ vang hơn cả. Có thể nói chỉ với Tự lực văn đoàn, chúng ta mới bắt đầu có tiểu thuyết Việt Nam” [24, 28].
Với nhiều hình thức và hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau, Tự lực văn đoàn thực sự đã có nhiều đóng góp rất hiệu quả cho hoạt động xã hội và văn học nước nhà những năm 30 của thế kỉ XX: “Nhờ tiếp thu được những ảnh hưởng của nền văn học hiện đại phương Tây, Tự lực văn đoàn đã đẩy các thể loại như: báo chí, tiểu thuyết, thơ, kịch, truyện ngắn tiến lên một bước về phía trước” [9, 377].
Khi đánh giá về vai trò của Tự lực văn đoàn, GS Phong Lê trong bài “Tiếp tục nhìn lại Tự lực văn đoàn” đã nhận định: “Tự lực văn đoàn đã góp phần quan trọng đưa tiểu thuyết Việt Nam vào quỹ đạo hiện đại, trên tất cả các phương diện của cấu trúc tự sự, kiểu loại nhân vật, tư duy nghệ thuật và ngôn ngữ, giọng điệu… sau khi dứt bỏ mọi dấu ấn trung đại; và cùng với tiểu thuyết còn là truyện ngắn, bút ký và tiểu luận phê bình góp phần làm nên diện mạo của văn xuôi thời kì 1930 – 1945” [38, 7].
Mặc dù còn nhiều hạn chế về mặt tư tưởng, nhưng những đóng góp của Tự lực văn đoàn trong công cuộc hiện đại hóa văn học dân tộc là không thể phủ nhận: “Ta đã có đủ thời gian để đánh giá sự đóng góp của Tự lực văn đoàn. Có thể nói Tự lực văn đoàn đã đóng góp lớn vào văn học sử Việt Nam. Họ có hoài bão về văn hóa dân tộc. Họ có điều kiện nhưng không thích con đường làm quan, làm giàu mà đi vào chuyện văn chương. Đáng phê phán nhất của Tự lực văn đoàn cũng như ở Khái Hưng, Nhất Linh là chặng cuối đời.
Nhưng cũng đừng vì lăng kính đó mà đánh giá họ… Tự lực văn đoàn đã có những đóng góp lớn vào nghệ thuật tiểu thuyết, vào tính hiện đại của tiểu thuyết, đóng góp vào tiếng nói và câu văn của dân tộc, của lối văn trong sáng và rất Việt Nam”. [52, 556].
Chương 2
BƯỚC CHUYỂN TRONG QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT NHẤT LINH VÀ
KHÁI HƯNG
2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn
2.1.1. Quan niệm nghệ thuật về con người trong nghiên cứu văn học
Cũng giống như các ngành khoa học khác, mục đích cuối cùng của văn học là góp phần làm cho cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn. Văn học lấy con người làm “đối tượng nhận thức trung tâm” [19, 402] và đây cũng chính là cái đích quan trọng mà các nhà văn trong quá trình sáng tạo nghệ thuật luôn hướng tới. Con người, với tư cách là đối tượng nhận thức và thể hiện của văn học luôn thay đổi và quan niệm nghệ thuật về con người qua mỗi thời kỳ cũng có sự đổi thay, làm cho khả năng chiếm lĩnh con người trong văn học ngày càng sâu sắc và phong phú.
Tuy nhiên quan niệm này ở mỗi nơi, vào mỗi thời kỳ và ở mỗi nhà văn lại có sự khác nhau. Chính sự khác biệt đó đã làm nên gương mặt đa diện và phong phú cho nền văn học. Mặc dù có sự khác nhau nhưng cái đích cuối cùng là phải tạo ra được những cảm nhận hết sức tinh tế về con người trong vô vàn những mối quan hệ xã hội phức tạp. Giá trị của một tác phẩm văn học là ở chỗ thấu hiểu và đồng cảm tận cùng những ngõ ngách sâu thẳm trong tâm hồn con người. Vì vậy, muốn định giá được giá trị của bất kỳ một tác phẩm văn học nào, chúng ta không thể bỏ qua vấn đề con người được đề cập trong đó. Với ý nghĩa như vậy, vấn đề con người đã trở thành một trong những vấn đề quan trọng được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm.