những chuyện riêng tư nói cho hả dạ. Ngoài những công việc ấy ra, họ cũng không còn việc gì khác nữa” [41, 137]. Các nhà tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã khắc họa rất chân thực và sinh động chân dung những nhân vật đại diện cho sự lạc hậu, cổ hủ của xã hội phong kiến. Qua đó lên tiếng tố cáo và phủ nhận nền luân lý với những tư tưởng bảo thủ của chế độ đại gia đình đã không còn hợp thời và cần phải phá bỏ để tiến tới những quan niệm sống mới tốt đẹp hơn.
2.3. Con người theo mô hình phương Tây hiện đại
2. 3.1. Nhân vật trí thức Tây học
Đầu thế kỉ XX, nền văn hóa phương Tây hiện đại đã tràn vào nước ta, tác động mạnh mẽ và làm chuyển biến một cách sâu sắc trong tinh thần của người dân Việt Nam. Từ đây trong xã hội đã xuất hiện những lối sống mới và những mẫu người mới. Điều này đặc biệt thể hiện rõ trong đời sống của lớp thanh niên trí thức thành thị. Xã hội ngày càng trở nên phức tạp, cuộc sống trở nên gấp rút hơn, nhộn nhịp hơn, đòi hỏi con người phải có những “chuyển động” để bắt kịp với cuộc sống mới.
Trong xã hội lúc bấy giờ xuất hiện những quan niệm sống khác nhau, những mẫu người khác nhau, thậm chí đối lập nhau một cách gay gắt. Hệ thống đạo lý cứng nhắc của xã hội phong kiến giờ đây không còn phù hợp với lớp thanh niên trí thức tiến bộ. Họ nhận thấy nhiều quan niệm cũ không còn phù hợp với thời đại mình. Vì thế họ mong muốn thoát ly khỏi đại gia đình phong kiến, đòi quyền tự do cá nhân, tự do kết hôn, giải phóng phụ nữ, đòi quyền làm chủ cuộc sống của mình.
Đối lập với những quan niệm thủ cựu, lạc hậu của nền giáo lý phong kiến là những quan niệm sống mới mẻ, hiện đại của lớp thanh niên trẻ tuổi được các nhà tiểu thuyết Tự lực văn đoàn nhiệt tình ủng hộ. Được học hành,
được tiếp xúc với đời sống văn minh đô thị, được “tắm” mình trong bầu không khí dân chủ phương Tây hiện đại, họ thường là những sinh viên đại học, cao đẳng, những ông đốc tờ, ông tham, ông huyện… sinh ra trong những gia đình giàu có, quyền chức, có học vấn cao, có tiền tài danh vọng và được thừa hưởng những điều kiện vật chất đầy đủ. Nhưng chính những con người này lại không bao giờ cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện có của mình. Sống trong gia đình phong kiến với những đạo lý cứng nhắc khiến người trí thức cảm thấy tù túng, ngột ngạt. Không bao giờ nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ một cách dễ dàng, họ tìm mọi cách thoát ly khỏi sự kìm kẹp của gia đình. Văn hóa phương Tây đã thấm nhuần trong suy nghĩ và hành động của lớp trí thức Tây học. Sống trong chế độ đại gia đình, những con người này luôn khao khát được sống cuộc đời tự do. Vì vậy họ đã đấu tranh quyết liệt đòi quyền tự do cá nhân cho bản thân và cho sự tiến bộ của xã hội.
Có thể bạn quan tâm!
- Vai Trò Của Tự Lực Văn Đoàn Đối Với Quá Trình Hiện Đại Hóa Văn Học Dân Tộc
- Quan Niệm Nghệ Thuật Về Con Người Trong Tiểu Thuyết Tự Lực Văn Đoàn
- Nhân Vật Đại Diện Cho Nền Luân Lý Phong Kiến Cũ
- Đóng góp của Tự lực văn đoàn qua hai tiểu thuyết đoạn tuyệt của Nhất Linh và Nửa chừng xuân của Khái Hưng - 9
- Hiện Đại Hóa Trong Cốt Truyện Và Kết Cấu
- Nghệ Thuật Miêu Tả Tâm Lý Nhân Vật
Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.
Lễ giáo phong kiến với những quy tắc khắt khe đã giam hãm biết bao ước mơ, khát vọng của tuổi trẻ. Đặc biệt là đối với tầng lớp thanh niên trí thức có hiểu biết, có những khát vọng, hoài bão lớn. Gia đình phong kiến như một nhà tù giam hãm chí khí, ước vọng của người trí thức. “Ao ước sống cái đời tự do rộng rãi không gì bó buộc” đã trở thành mục đích sống của họ. Các nhân vật này đã nêu lên một quan niệm sống tự do hết sức mới mẻ và táo bạo: “Mình sống, mình muốn sống thì không thể một mình mình sống được sao, nếu cái gia đình kia không cho mình được sung sướng” [41, 20]. Để thực hiện được mục đích của mình, con đường duy nhất là phải đấu tranh. Là một cô gái được học hành, được tiếp xúc với văn hóa phương Tây nên Loan có những quan niệm sống hết sức mới mẻ và có ý thức sâu sắc về quyền cá nhân của mình: “Em có quyền lập thân em”. Trong cuộc xô xát với mẹ chồng, bị xúc phạm, đánh đập, Loan đã vuốt tóc ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt mẹ chồng và tuyên bố: “Bà cũng là người, tôi cũng là người, không ai hơn kém ai” [41, 44].
Quyết liệt hơn cả phải kể tới nhân vật Dũng trong tiểu thuyết Đoạn tuyệt. Để thoát khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến. Dũng đã rời bỏ cuộc sống giàu sang với sự sắp đặt của cha mẹ để ra đi, sống trong một căn phòng trọ tồi tàn ở một xóm lao động nghèo khổ. Nhưng với Dũng được sống tự do, thoải mái, được thực hiện lẽ sống của đời mình là niềm hạnh phúc của chàng.
Không chỉ dừng lại ở việc đấu tranh cho quyền tự do cá nhân mà việc tiếp nhận và truyền bá những tư tưởng của văn minh phương Tây đã trở thành niềm tự hào của những thanh niên trí thức Tây học trong các sáng tác của Nhất Linh và Khái Hưng. Lộc đã từng nói với Mai : “Từ nhỏ anh đã theo một nền giáo dục Âu tây, anh hiểu, anh yêu, anh trọng cái quyền tự do cá nhân… Từ ngày anh biết em, từ ngày anh yêu em, lúc nào anh cũng muốn chôn sâu vào tâm trí em những tư tưởng cao thượng ấy” [25, 103 - 104]. Vấn đề quyền cá nhân được đặc biệt quan tâm và đề cập một cách trực tiếp trong tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng. Tuy nhiên, sự đòi hỏi giải phóng bản ngã trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đôi khi lại bộc lộ một cách quá cực đoan. Một số nhân vật đã bất chấp mọi quan niệm đạo đức truyền thống tốt đẹp để có được một cuộc sống tự do, thoải mái theo sở thích cá nhân ích kỷ.
Một trong những phương diện thể hiện quyền cá nhân trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn là quyền được tự do yêu đương, tự do kết hôn. Có lẽ phải đến tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn thì vấn đề tự do yêu đương, tự do kết hôn mới được đề cập một cách mạnh mẽ và quyết liệt đến như vậy. Trước đó, tình yêu của Tố Tâm và Đạm Thủy trong tiểu thuyết Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách ra đời vào những năm 20 của thế kỉ XX đã được ví như quả bom ném vào thành trì phong kiến, mặc dù vấn đề tự do luyến ái trong tác phẩm trước khi trình bày đã được tác giả của nó rào đi đón lại bằng những trang thuyết lý dài dòng. Đến Nửa chừng xuânthì tình yêu giữa Mai và Lộc đã thực sự thoải mái và tự do hơn rất nhiều. Sự gắn kết của họ xuất phát từ một tình yêu chân thành và
mãnh liệt. Cuộc hôn nhân của họ dựa trên sự tự nguyện gắn bó giữa hai tâm hồn. Tình yêu trong sáng giữa một cô thôn nữ nghèo là Mai với chàng tham tá Lộc trong Nửa chừng xuân đã vượt lên trên mọi sự ràng buộc về luân lý, bất chấp quan niệm “môn đăng hộ đối”, sự phân biệt giai cấp, địa vị xã hội. Tuy là đứa con hết lòng kính yêu mẹ, nhưng Lộc đã bất chấp sự ngăn cản quyết liệt của bà Án, tìm mọi cách vượt qua những rào cản của quan niệm môn đăng hộ đối để được yêu và chung sống với người mình yêu. Bị ép buộc phải lấy con quan tuần, Lộc đã thưa rằng: “Bẩm mẹ, con đã xin mẹ đừng hỏi đám ấy cho con, con không bằng lòng” [25, 84]. Tình yêu trong quan niệm của lớp thanh niên trí thức trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn đã vượt lên trên những thông lệ xã hội, những ràng buộc của luân lý cổ. Tình yêu, với họ là niềm hạnh phúc chính đáng mà tuổi trẻ xứng đáng được hưởng. Hôn nhân chỉ có hạnh phúc khi dựa trên nền tảng của tình yêu. Đây là một suy nghĩ tiến bộ và hoàn toàn đúng đắn của lớp thanh niên trí thức thấm nhuần văn hóa phương Tây. Chính vì thế, khi bị ép lấy Thân, Loan một thiếu nữ sống trong chế độ đại gia đình đã dũng cảm tuyên bố: “Vâng, xin me để tùy con, và nhân thể me để con định có nên lấy chồng hay không nên lấy chồng. Con đã nhiều lần thưa với me rằng con không thể [41, 38].
Sự đấu tranh của các nhân vật trí thức Tây học trong tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng là sự đấu tranh cho tự do, đúng nghĩa với sự đấu tranh cho quyền được hưởng hạnh phúc chính đáng của con người và gắn với ý thức về đạo đức của người trí thức có văn hóa: “Thưa thầy me, thầy me cho con đi học, thầy me không thể cư xử với con như con vô học được nữa… nếu con không cắp sách đi học, con sẽ cho lời me là cái lệnh không trái được, con sẽ như mọi người khác bị ép uổng, rồi liều mình tự tử. Đó mới là bất hiếu… Vâng con nhận rằng con mới quá, nhưng con đã đi học, con không thể không cư xử theo sự học của con được” [41, 39 – 40].
Tiểu thuyết Tự lực văn đoàn khi mới ra đời đã trở thành đề tài nóng bỏng được nhiều người quan tâm tranh luận. Người khen thì khen hết lời, người chê thì chê thậm tệ, điều ấy đã phản ánh tình trạng xung đột mới – cũ đang diễn ra gay gắt trong xã hội. Nhưng có thể nói rằng, vấn đề tự do hôn nhân, tự do yêu đương vì hạnh phúc cá nhân trong các sáng tác của Nhất Linh, Khái Hưng đã tấn công vào lễ giáo phong kiến với những hủ tục lạc hậu trên tư cách của chính nghĩa nhân văn, của văn minh tiến bộ đã mang tới những giá trị tinh thần mới mẻ và tích cực.
Không chỉ dừng lại ở việc đấu tranh cho quyền tự do cá nhân, cho hạnh phúc của riêng bản thân mình, các nhân vật trí thức trong tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn còn mong muốn đem lại hạnh phúc cho tất cả mọi người. Họ ấp ủ trong mình những hoài bão, lý tưởng lớn. Mong muốn đem đến sự thay đổi trong cuộc sống của người dân quê, mang đến những “gam” màu tươi sáng cho bức tranh ảm đạm trong cuộc sống của những người nghèo khổ. Dũng nhận thấy cuộc sống của người dân quê chỉ là: “Cái đời lạnh lẽo, vô vị kéo dài đã mấy nghìn năm. Đã mấy nghìn năm, họ sống như bám lấy mảnh đất già cỗi, xưa thế nào giờ vẫn thế, vui ít, khổ nhiều, bao giờ cũng thảm đạm như buổi chiều đông này. Không hề khao khát một cảnh đời sáng sủa hơn, mong ước một ngày mai tốt đẹp hơn ngày hôm nay”. [41, 92 - 93]. Mong muốn thức tỉnh họ và Dũng cũng tin vào sự tiến bộ của họ: “Tôi không nghĩ như anh, vì tôi tin ở sự tiến bộ. Ta có thể làm cho họ hơn lên được” [41, 93]. Dũng có niềm tin như vậy bởi chàng hiểu sâu sắc nguyên nhân vì sao mà người dân quê cứ phải chịu khổ mãi: “Có lẽ họ đã quen với cái khổ lắm rồi nên họ không biết khổ nữa, hay họ có biết cũng không tỏ ra được” [41, 94]. Vì vậy, việc những trí thức như chàng phải làm là: “Ta phải diễn tả cho họ thấy, và những sự ta mong ước cho họ, ta phải làm cho họ mong ước như ta. Tôi hằng mong ước dân quê đỡ phải chịu hà hiếp, ức bách. Ta phải tin rằng sự ao ước ấy có
thể thành sự thực và làm cho dân quê ước mong một cách tha thiết như ta” [41, 94]. Người đọc nhận ra trong tâm hồn Dũng chất chứa tinh thần yêu nước, yêu dân: “Dũng như cảm thấy tâm hồn của đất nước, mà biểu hiện cho đất nước ấy không phải những bậc vua chúa danh nhân, chính là đám dân hèn không tên tuổi. Dân là nước. Yêu nước chính là yêu chung đám thường dân, nghĩ đến sự đau khổ của đám thường dân” [41, 93]. Nhất Linh đã xây dựng hình ảnh nhân vật Dũng rất đẹp đẽ, giàu sức hấp dẫn. Dù ở Dũng có những biểu hiện của tinh thần yêu nước, yêu dân, nhưng hành tung của nhân vật này hết sức bí ẩn, người ta không biết Dũng đang làm công việc gì và chàng có phải là một chiến sĩ cách mạng hay không:
“ Tôi về đây bằng thuyền. ở bãi Yên Phụ lên thì vào ngay đây. Vợ chồng ông giáo Lâm ngạc nhiên đưa mắt nhìn nhau.
- Anh ngạc nhiên cũng phải.
Rồi Dũng bảo hai người ghé lại gần rồi nói nhỏ. Lâm nói:
- Anh mà cũng làm việc này à? Dũng cười:
- Việc gì mà chẳng làm được. Việc nào có thể ra tiền giúp được bạn đồng chí, tôi đều coi là tốt cả” [41, 52].
Hình ảnh người chiến sĩ chỉ thoáng xuất hiện trong tác phẩm vài lần. Một lần cái bóng của Dũng in trên khung cửa toa tầu trong một chuyến tàu đêm đi Yên Bái. Một lần Dũng bị tai nạn ô tô giữa rừng rồi gặp xe Loan và đi nhờ rồi phóng đi một cách vội vã bất chấp nguy hiểm. Một lần vào dịp tết, dừng chân bên đồn điền của Độ, thưởng thức vài cốc rượu trong một tòa nhà gạch sang trọng để tiễn năm cũ và tưởng đến nỗi khổ của người dân. Một lần khác lại ngồi trên thuyền và tưởng nhớ đến người yêu cũ. Hình ảnh của Dũng
giống với hình ảnh một khách chinh phu thích sống một cuộc đời phiêu bạt khắp bốn phương trời hơn là hình ảnh của một chiến sĩ cách mạng: “Dũng hình như đi chơi một chuyến thực xa và rất nguy hiểm, thế thôi. Hình ảnh Dũng ở đây chỉ gợi lên cái mộng phiêu lưu giang hồ! Tính chất hiệp sĩ ở đây là tính chất suy tàn: động cơ yếu ớt, cái nhìn bi quan, tấm lòng phiền não” [23, 323]. Mặc dù ấp ủ trong mình những ý tưởng cao đẹp nhưng hoạt động của Dũng còn hết sức mơ hồ: “Quanh năm xuôi ngược, dừng chân lại ít ngày ở đồn điền một người bạn thân, ngồi nhàn nhã uống cốc rượu tiễn năm trong một tòa nhà gạch sang trọng, Dũng vẫn thấy mình là một người dân và càng cảm thấy cái thú man mác được hòa với đám dân không tên tuổi, sống cái đời của họ sống, mong ước như họ mong ước, khác nào một cây cỏ lẫn vào trong muôn nghìn cây cỏ ngoài nội” [41, 93]. Trong tác phẩm cũng có một số đoạn nói lên được chí hướng cách mạng của Dũng nhưng còn rất trừu tượng: “Dũng có đi hoạt động đấy, song nhân vật ấy mờ ảo quá không thể trở thành một người chân chính cách mạng được” [23, 324].
Mong ước được cống hiến cho xã hội, đem lại hạnh phúc cho người dân cũng là suy nghĩ của Lộc trong tiểu thuyết Nửa chừng xuân của Khái Hưng: “Nhưng em ạ, sao anh không nghĩ tới xã hội, đem hết nghị lực tài trí ra làm việc cho đời” [25, 326]. Nhưng chí hướng đem hết tài lực ra giúp ích cho đời của Lộc cũng hết sức chung chung, mờ nhạt, chỉ là những câu hô hào yếu ớt: “Trời ơi! Anh sung sướng quá. Anh trông thấy rõ rệt con đường tương lai sáng sủa của anh rồi. Đời anh từ nay thế nào cũng đổi khác hẳn. Đời anh từ nay sẽ không riêng của anh nữa. Anh sẽ vì người khác, anh sẽ bỏ cái đời an nhàn phú quý mà dấn thân vào cuộc đời gió bụi. Anh đã trông thấy hiện ra trước mắt những sự cay cực lầm than đang đợi anh” [25, 262].
Nhân vật trí thức trong tiểu thuyết luận đề của Tự lực văn đoàn thường có những vấn đề riêng, những băn khoăn đau khổ riêng. Tâm sự của nhân vật
cũng chính là tâm sự của tác giả: “Nhất Linh thường ký thác tâm sự của mình vào nhân vật nên trong tiểu thuyết luận đề của ông thường có một cái tôi chân thành và cảm động” [24, 73]. Điều đáng nói là các nhân vật trí thức ấy đã nắm bắt được tư tưởng tiến bộ của thời đại, họ căm ghét những hủ tục lạc hậu của chế độ đại gia đình. Vì thế, họ đấu tranh đòi phá bỏ nền giáo lý phong kiến khắt khe nghiệt ngã, mong cải cách xã hội để hướng con người tới lý tưởng sống cao đẹp, nhưng tiếc rằng chí hướng của họ lại mang tính chất ảo tưởng và đậm màu sắc cải lương tư sản.
2.3.2. Nhân vật phụ nữ đấu tranh cho hạnh phúc cá nhân
Các tác giả Tự lực văn đoàn dành tình cảm đặc biệt cho người phụ nữ trong chế độ đại gia đình phong kiến. Nhìn vào hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn, chúng ta dễ dàng nhận thấy hầu hết các nhân vật chính trong các tác phẩm đều là những người phụ nữ và phần lớn họ là những nhân vật chính diện.
Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ luôn là nạn nhân, là đối tượng bị chèn ép, áp chế. Xã hội phong kiến chỉ có cái ta chung chứ không chấp nhận sự tồn tại của cái tôi cá nhân. Con người không có quyền sống riêng mà phải tuân thủ những nguyên tắc nghiệt ngã của nền giáo lý lạc hậu mà trong đó người phụ nữ là nạn nhân trực tiếp, chịu nhiều đau khổ nhất vì những ràng buộc khắt khe của lễ giáo phong kiến.
Nếu như các nhà văn thuộc trường phái hiện thực chỉ chú ý tới cuộc sống của con người trên phương diện vật chất với những thiếu thốn đói khổ thì các nhà văn Tự lực văn đoàn lại quan tâm đến cuộc sống của con người trên phương diện tinh thần với những tình cảm sâu kín, những ước mơ khát vọng về tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Giải phóng người phụ nữ là vấn đề được các nhà tiểu thuyết Tự lực văn đoàn rất quan tâm. Những nhân vật phụ nữ của