Nguyên Nhân Dẫn Đến Đơn Phương Chấm Dứt Thực Hiện Hợp Động Dân Sự

mà quyền lợi của bên này tương ứng với nghĩa vụ của bên kia. Đối với ĐPCDHĐDS, cả trường hợp một bên nào đó có lỗi hay không bên nào có lỗi thì khi HĐDS chấm dứt các bên cũng đều phải thanh toán cho nhau phần nghĩa vụ đã được thực hiện.

1.6.2. Khác nhau

- Về đối tượng ĐPCD: với ĐPCDHĐDS có đối tượng là HĐDS (gồm cả hợp đồng kinh tế theo quan niệm trước đây) còn ĐPCDHĐLĐ có đối tượng là HĐLĐ.

- Về quy phạm pháp luật áp dụng: ĐPCDHĐDS áp dụng quy định của luật dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Thương mại… còn ĐPCDHĐLĐ áp dụng quy định của Bộ luật Lao động (BLLĐ).

- Về bên ĐPCDHĐ và trường hợp được ĐPCDHĐ: với ĐPCDHĐDS thì BLDS năm 2005 không quy định rõ, đích danh bên nào của hợp đồng được ĐPCDHĐ trong những trường hợp nhất định mà chỉ quy định (còn khái quát) trong các điều về các HĐDS. Trong khi đó BLLĐ quy định cụ thể đích danh từng bên trong hợp đồng lao động (người lao động và người sử dụng lao động) được ĐPCDHĐ trong những trường hợp cụ thể tại các Điều 37, 38,39 và 41 BLLĐ.

- Về việc từ bỏ ĐPCDHĐ: với ĐPCDHĐDS, việc từ bỏ ĐPCDHĐ không được quy định trong BLDS trong khi với ĐPCDHĐLĐ việc từ bỏ ĐPCDHĐ quy định tại Điều 40 BLLĐ: "Mỗi bên có thể từ bỏ việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng lao động trước khi hết thời hạn báo trước. Khi hết thời hạn báo trước, mỗi bên đều có quyền chấm dứt hợp đồng lao động" [23].

- Về bên phải bồi thường: với ĐPCDHĐDS, khoản 4, Điều 426 BLDS năm 2005 quy định: "Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại" [27], còn với ĐPCDHĐLĐ thì bên bồi thường là bên ĐPCDHĐLĐ trái pháp luật quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 41 BLLĐ năm 1994. Tuy nhiên nếu ở ĐPCDHĐDS gọi là BTTH thì ở ĐPCDHĐ

lao động không gọi là BTTH mà là bồi thường và kể cả người lao động ĐPCDHĐ đúng pháp luật vẫn phải bồi thường chi phí đào tạo (nếu có).

- Về thông báo việc ĐPCDHĐ: với ĐPCDHĐDS, khoản 2 Điều 426 BLDS quy định: "Nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường" [27], còn với ĐPCDHĐLĐ, khoản 4, Điều 41 BLLĐ quy định: "Nếu vi phạm thời hạn báo trước, bên vi phạm phải bồi thường…" [23]. Về thời hạn thông báo (báo trước) thì với ĐPCDHĐDS không quy định rõ và chi tiết trong BLDS còn với ĐPCDHĐLĐ thì quy định rõ từng trường hợp ĐPCDHĐ thời hạn báo trước là bao nhiêu.

- Về thời hạn thanh toán quyền lợi, nghĩa vụ sau khi hợp đồng bị chấm dứt: với ĐPCDHĐDS thì bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần hợp đồng đã được thực hiện nhưng thời hạn chưa được quy định rõ trong BLDS năm 2005 còn với ĐPCDHĐLĐ thì thời hạn thanh toán quy định rõ là bảy ngày kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, trường hợp đặc biệt thì không quá 30 ngày (Điều 43 BLLĐ).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.

1.7. Nguyên nhân dẫn đến đơn phương chấm dứt thực hiện hợp động dân sự

Việc ĐPCDHĐDS phải do nguyên nhân nào đó mà theo sự thỏa thuận hay quy định của pháp luật là điều kiện để ĐPCDHĐ, nguyên nhân đó vừa làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên ĐPCDHĐ, đồng thời là mục đích, là động cơ thúc đẩy họ thể hiện ý chí chấm dứt. Căn cứ vào quy định của BLDS năm 2005 và phương diện lý luận, dưới đây tác giả luận văn nêu ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ĐPCDHĐDS.

Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 - 5

1.7.1. Đơn phương chấm dức thực hiện hợp đồng dân sự do có sự vi phạm của bên đối tác

Một bên chủ thể thể hiện ý chí chấm dứt hợp đồng "nửa chừng" vì bên đối tác có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Đây là loại ĐPCDHĐDS chủ yếu, bao gồm:

1.7.1.1. Thực hiện nghĩa vụ không đúng thời hạn do các bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật

Thời hạn thực hiện NVDS là một thời điểm hay một khoảng thời gian nhất định mà trong thời điểm hoặc khoảng thời gian đó người có nghĩa vụ phải hoàn thành nghĩa vụ của mình nhằm thỏa mãn lợi ích của bên có quyền.

Tùy thuộc vào tính chất, nội dung của HĐDS cũng như điều kiện, hoàn cảnh của mình mà các bên có thể thỏa thuận về thời hạn thực hiện NVDS. Khi thời hạn đã được xác định theo thoả thuận thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn đó. Việc thực hiện NVDS đúng thời hạn của người có nghĩa vụ có ý nghĩa thoả mãn kịp thời những nhu cầu về vật chất và tinh thần của người có quyền. BLDS năm 2005 có một số quy định về ĐPCDHĐ với một số HĐDS thông dụng do có vi phạm thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng như: Điều 489 về trả tiền thuê tài sản; điểm a, khoản 1, Điều 498 về ĐPCDHĐ thuê nhà ở; khoản 1 Điều 474 về hợp đồng vay tài sản; khoản 1, Điều 555 về chậm giao, chậm nhận sản phẩm gia công, Điều 709 về hợp đồng thuê quyền sử dụng đất.

Ở tất cả các quy định trên, thời hạn thực hiện nghĩa vụ được nêu ra là điều kiện để cho phép một bên được ĐPCDHĐ khi bên kia không thực hiện nghĩa vụ đúng theo thời hạn đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

1.7.1.2. Vi phạm về địa điểm thực hiện hợp đồng

Địa điểm thực hiện hợp đồng là nơi các bên thỏa thuận để bên có nghĩa vụ thực hiện tại đó. Địa điểm thực hiện hợp đồng, đặc biệt là địa điểm giao nhận đối tượng của hợp đồng là một nội dung quan trọng trong hợp đồng vì nó liên quan đến vấn đề chuyển rủi ro, liên quan đến chi phí vận chuyển,… Vi phạm về địa điểm thực hiện hợp đồng của bên đối tác trong nhiều trường hợp làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên chủ thể hợp đồng kia và bên bị ảnh hưởng quyền lợi có quyền ĐPCDHĐ nếu như có thoả thuận hay pháp luật có quy định. BLDS năm 2005 có một số quy định về ĐPCDHĐ khi có vi phạm

địa điểm thực hiện hợp đồng như: khoản 2 Điều 534 quy định về ĐPCDHĐ vận chuyển hành khách; Điều 550 quy định quyền của bên đặt gia công trong hợp đồng gia công.

1.7.1.3. Vi phạm do không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ phải làm một công việc hoặc không được làm một công việc

Khi đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng, từ phía người có thẩm quyền bao giờ cũng đánh giá trên hai góc độ: người có nghĩa vụ đã thực hiện những hành vi hai bên cam kết chưa? Nếu có, thì đã thực hiện như thế nào và có đúng không? Góc độ thứ nhất là nói về việc thực hiện những hành vi (hoặc không được thực hiện những hành vi) thuộc đối tượng của hợp đồng - hay còn gọi là việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng trên thực tế (có thực hiện nghĩa vụ hay không?). Góc độ thứ hai là nói về "chất lượng" thực hiện nghĩa vụ đến đâu (bên có nghĩa vụ có thực hiện nghĩa vụ nhưng thực hiện nghĩa vụ như thế nào, tuân thủ đúng hay không đúng các điều kiện về nghĩa vụ mà hai bên đã thỏa thuận (hoặc pháp luật có quy định) như: điều kiện về đối tượng, điều kiện về địa điểm, điều kiện về thời hạn, điều kiện về phương thức thực hiện... Nếu tuân thủ đúng các điều kiện này, bên có nghĩa vụ đã thực hiện nghĩa vụ và đồng thời thực hiện đúng nghĩa vụ. Ngược lại, nếu các điều kiện về nghĩa vụ không được tuân thủ nghiêm ngặt, bên có nghĩa vụ dù đã thực hiện những hành vi thuộc đối tượng của hợp đồng vẫn sẽ bị coi là thực hiện không đúng nghĩa vụ. Trong BLDS năm 2005 có các quy định về ĐPCDHĐ nếu có vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ sau:

- Điều 485 về nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê.

- Điều 486 về nghĩa vụ bảo đảm quyền sử dụng tài sản cho bên thuê.

- Điều 498 về ĐPCDHĐ thuê nhà ở.

- Điều 507 về khai thác tài sản thuê khoán.

- Điều 475 về sử dụng tài sản vay.

- Khoản 1, Điều 534 về ĐPCDHĐ vận chuyển hành khách.

- Điều 521 về quyền của bên thuê dịch vụ.

- Điều 550 về quyền của bên đặt gia công.

- Khoản 2, Điều 706 về quyền của bên cho thuê quyền sử dụng đất.

1.7.1.4. Vi phạm về giá, phương thức thanh toán

Giá, phương thức thanh toán là những nội dung quan trọng của nhiều HĐDS; chúng phải theo đúng thoả thuận khi giao kết hợp đồng. Nếu một bên không theo đúng thoả thuận thì bên kia có thể ĐPCDHĐ như quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 498 BLDS năm 2005 về ĐPCDHĐ thuê nhà ở.

1.7.1.5. Vi phạm đạo đức xã hội, an ninh trật tự khi thực hiện hợp đồng

Các bên có quyền tự do giao kết hợp đồng, tuy nhiên sự tự do ý chí phải nằm trong một khuôn khổ nhất định. Bên cạnh việc chú ý đến quyền lợi của mình, các bên phải hướng tới việc bảo đảm quyền lợi của những người khác cũng như lợi ích của toàn xã hội. Vì vậy tự do của mỗi chủ thể phải không được trái pháp luật, đạo đức xã hội, tôn trọng lợi ích của cộng đồng. Điều 498 BLDS năm 2005 về ĐPCDHĐ thuê nhà ở và khoản 1 Điều 534 về ĐPCDHĐ vận chuyển hành khách có quy định về vấn đề này.

1.7.1.6. Vi phạm sự thiện chí, hợp tác, trung thực khi thực hiện hợp đồng

HĐDS là sự thỏa thuận trên cơ sở thiện chí, hợp tác, tự nguyện, trung thực. Nếu vi phạm điều đó, coi như vi phạm hợp đồng và một bên có quyền ĐPCDHĐ. Điều 573 BLDS năm 2005 về nghĩa vụ thông tin của bên mua bảo hiểm có quy định về vấn đề này.

1.7.2. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự khi không có sự vi phạm của bên đối tác

Quan hệ hợp đồng không phải là bất biến mà "ngày càng mang tính chất của một quá trình" và "hàm chứa nhiều loại rủi ro" [20, tr. 39]. Trong quá

trình thực hiện các hợp đồng, nhất là các hợp đồng dài hạn, những người kinh doanh thường đối mặt với những rủi ro bất thường từ thiên nhiên, xã hội, kinh tế, kỹ thuật, thậm chí là rủi ro về con người,… những rủi ro đó là khách quan, không ai muốn có thể làm đảo lộn sự cân bằng vốn có của hợp đồng, làm cho một bên gặp phải khó khăn đặc biệt trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình, thậm chí không thể thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng. Những trường hợp này có thể được giải quyết bằng các cơ chế giải phóng nghĩa vụ của hợp đồng, như cho phép một trong các bên được chấm dứt hợp đồng để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Một hợp đồng có thể được đơn phương chấm dứt cho dù không có sự vi phạm hợp đồng của một trong các bên, mà do bản chất của hợp đồng, do ý chí chủ quan của một bên chủ thể hoặc do các yếu tố khách quan tác động.

+ Do yếu tố chủ quan: với HĐDS, ý chí có vai trò quan trọng đối bởi nó là yếu tố cơ bản, không thể thiếu được để hình thành hợp đồng, từ đó làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các nghĩa vụ pháp lý. Xét về bản chất của HĐDS thì yếu tố ý chí quyết định các sự kiện của hợp đồng, trong đó có ĐPCDHĐ.Khi giao kết hợp đồng các bên đều hướng tới một mục đích nhất định, tuy nhiên vì một lý do nào đó mà quyền và lợi ích của các bên không được đảm bảo, tức là có dự báo về lợi ích không đạt được trong tương lai cho dù bên đối tác không có sự vi phạm hợp đồng, thiệt hại sẽ xảy ra nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng, pháp luật quy định bên bị thiệt hại được phép ĐPCDHĐ. Tại thời điểm một bên bày tỏ ý chí chấm dứt hợp đồng, hợp đồng vẫn được thực hiện theo như đúng thỏa thuận, tuy nhiên vì lợi ích không được đảm bảo nên buộc phải chấm dứt hợp đồng, việc không đạt được lợi ích có thể đã xảy ra hoặc có thể dự báo sẽ xảy ra nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng. Vậy đó là những lợi ích gì? tại khoản 2 Điều 486 về hợp đồng thuê tài sản nêu ra: "…tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản thuê mà bên thuê không được sử dụng tài sản ổn định" [27]; khoản 1, Điều 525 về hợp đồng dịch vụ nêu: "… việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên thuê dịch vụ" [27]; Điều 556 nêu: "… việc

tiếp tục thực hiện hợp đồng không mang lại lợi ích cho mình…" [27]; Điều 588 về hợp đồng ủy quyền quy định: "…2. Trong trường hợp uỷ quyền không có thù lao, bên được uỷ quyền có quyền ĐPCDHĐ bất cứ lúc nào…" [27]. Những lý do trên dự báo việc tiếp tục hợp đồng không có lợi cho bên có quyền ĐPCDHĐ thì họ thực hiện quyền này để bảo vệ quyền lợi cho chính mình, xuất phát từ ý thức chủ quan của chính mình.

+ Do các yếu tố khách quan, không phụ thuộc vào ý chí của các bên trong hợp đồng như: khi có các sự kiện bất khả kháng hay có khó khăn trở ngại khách quan xuất hiện làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ thể hợp đồng nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng. Với lý do khách quan như vậy nhưng phải có điều kiện đủ là có thoả thuận hay có quy định của pháp luật là nếu có lý do đó thì một bên có quyền ĐPCDHĐ thì vấn đề ĐPCDHĐ mới đặt ra. Các bên có thể dự liệu những lý do khách quan đó trong hợp đồng, nếu không dự liệu thì phải có quy định của pháp luật thì mới có quyền ĐPCDHĐ. BLDS năm 2005 có một số quy định về ĐPCDHĐ khi có lý do, điều kiện khách quan nhưng chưa rõ ràng nhưng với pháp luật quốc tế thì vấn đề này được ghi nhận từ lâu. Nếu một bên gặp hoàn cảnh khó khăn do sự kiện bất khả kháng thì có thể chọn một trong các cách là: thứ nhất là đề nghị thỏa thuận lại hợp đồng, nếu không thỏa thuận được thì ĐPCDHĐ; thứ hai là chọn ĐPCDHĐ ngay.

1.8. Hậu quả pháp lý của đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự

1.8.1. Với đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dân sự khi có sự vi phạm của bên đối tác

1.8.1.1. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng

NVDS được phát sinh khi các chủ thể thiết lập với nhau một HĐDS. Do đó, khi HĐDS chấm dứt là căn cứ chấm dứt NVDS. Thông thường đối với HĐDS, khi giao kết hợp đồng các bên đều mong muốn đạt được mục đích, lợi ích nhất định thông qua việc thực hiện toàn bộ nghĩa vụ theo yêu cầu của bên

có quyền. Nhưng bên có nghĩa vụ đã có sự vi phạm nghiêm trọng về thực hiện nghĩa vụ, dẫn đến ĐPCDHĐ. Thực chất việc ĐPCDHĐ là chấm dứt hành vi tiếp tục vi phạm nghĩa vụ, chấm dứt việc thực hiện nghĩa vụ của các bên, nếu có vi phạm nghĩa vụ thì không thể kéo dài hơn nữa.

1.8.1.2. Các bên thanh toán cho nhau phần nghĩa vụ đã được thực hiện

Khi ĐPCDHĐ, bên có nghĩa vụ chưa hoàn thành nghĩa vụ, quyền và lợi ích của các bên chưa đạt được. Tuy nhiên, phần hợp đồng được thực hiện trước khi chấm dứt vẫn có hiệu lực pháp luật, vì vậy bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán cho mình phần nghĩa vụ đã thực hiện.

1.8.1.3. Bên vi phạm hợp đồng hay bên bị yêu cầu chấm dứt hợp đồng phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm hay bên đưa ra yêu cầu chấm dứt hợp đồng

NVDS là một quan hệ pháp lý giữa trái chủ và người thụ trái xác định, tại đó người thụ trái bị pháp luật cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ. Việc vi phạm NVDS được xem như vi phạm pháp luật. Khoản 4, Điều 426 BLDS năm 2005 quy định: "Bên có lỗi trong việc hợp đồng bị đơn phương chấm dứt phải bồi thường thiệt hại" [27]. Hợp đồng sẽ được thực hiện bình thường, quyền và lợi ích của các bên được đảm bảo nếu bên có nghĩa vụ tuân theo các nguyên tắc thực hiện HĐDS quy định tại Điều 412 BLDS năm 2005:

1. Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác;

2. Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau; 3. Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác [27].

Khi bên có nghĩa vụ đã vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ dẫn đến quyền và lợi ích của bên có quyền không được đảm bảo, hợp đồng bị chấm dứt. Để ít nhiều bảo đảm lợi ích cho bên bị xâm phạm, bên vi phạm hợp đồng

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/04/2024