mang lễ vật ăn hỏi đến nhà gái. Trừ trường hợp nhà trai quá xa nhà gái, thời gian lễ ăn hỏi mới cách xa lễ cưới, nhưng thông thường cũng chỉ độ vài tháng. Bên cạnh đó, lễ ăn hỏi ngày nay cũng không còn tục thách cưới như trước đây.
Về lễ cưới, xưa cũng như nay đều giữ vị trí rất quan trọng trong hệ thống các nghi lễ, là đỉnh điểm của cả qúa trình tiến tới hôn nhân, là thời điểm đánh dấu sự nên vợ thành chồng của cô dâu và chú rể, vì vậy có ý nghĩa thiêng liêng, ít cặp nào nên vợ thành chồng mà bỏ qua nghi lễ quan trọng này. Theo kết quả điều tra xã hội học ở ba khu kinh tế ven biển Hà Tĩnh hiện nay, 100% số phiếu cho biết lễ cưới vẫn được duy trì thực hiện phổ biến ở vùng ven biển Hà Tĩnh [PL4.7, tr.203]. Tuy nhiên, trong lễ cưới ngày nay đã lược bỏ và đơn giản hoá một số tục lệ rườm rà của lễ cưới truyền thống, đó là: tục chăng dây trên đường đón dâu, tục mẹ chồng mang bình vôi lánh ra vườn khi con dâu vào nhà, tục cô dâu về đến sân nhà chồng múc nước (từ một nồi đồng được để sẵn trước cổng trong có xâu tiền) rửa chân trước lúc bước vào nhà; tục cúng lễ tơ hồng,… Các lễ tục này, ngày nay đã lược bỏ trong các đám cưới ở vùng ven biển Hà Tĩnh. Lễ xin dâu ngày nay cũng đơn giản hoá hơn so với trước. Ngày xưa, vào trước giờ đón dâu, mẹ chú rể cùng một người thân đem cơi trầu, chai rượu đến nhà gái thông báo giờ cụ thể đoàn đón dâu sẽ đến, để nhà gái biết mà yên tâm chờ đợi. Nhưng ngày nay, lễ xin dâu được kết hợp thực hiện cùng lúc với lễ rước dâu. Địa điểm tổ chức lễ cưới ngày nay thường được tổ chức tại nhà hàng - khách sạn, hoặc trung tâm dịch vụ tiệc cưới (thay cho tổ chức tại gia đình nhà trai như trước đây), theo hình thức “trọn gói” (từ địa điểm tổ chức, trang trí, tiệc chiêu đãi, đến loa máy, người hát,….), nhà trai chỉ việc chi tiền và mời khách, mọi thứ có dịch vụ lo hết. Với hình thức dịch vụ cưới này tỏ ra rất tiện lợi và phù hợp với điều kiện xã hội hiện nay, nên được cư dân đón nhận, thực hành rộng rãi. Tuy nhiên, bên cạnh đó không khí chuẩn bị cỗ cưới giữa người thân, họ hàng, làng xóm sum vầy trước đây không còn, mọi người ngày nay chỉ việc đến ăn, mừng cưới rồi ra về. Sự biến đổi này tuy đem đến sự nhàn hạ, thuận tiện và phù hợp với lối sống của thời hiện đại, nhưng cũng làm mất đi không khí ấm cúng, thân tình giữa họ hàng, làng xóm khi cùng đến nấu nướng chuẩn bị cho tiệc cưới như trước đây. Quà
mừng cưới ngày nay không phải là những vật phẩm mừng cho cô dâu, chú rể sử dụng trong gia đình sau ngày cưới, mà chủ yếu là mừng tiền (phong bì). Với hình thức quà cưới này, đôi lúc biến thành một hình thức “trả nợ” do phải mang ơn, hoặc do “người ta đã đến mừng cưới nhà mình, giờ mình phải mừng lại người ta, phải có đi, có lại mới được” (Lời của chị Lê Thị Nhàn, 48 tuổi, thôn Hồng Hải 1, xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, phỏng vấn ngày 12/42014). Như vậy, với cách thức mừng cưới, mời cưới ngày nay đôi lúc còn là sự trả nợ qua lại.
Phong tục ma chay của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh thời kỳ CNH, HĐH cũng được biến đổi theo hướng tái cấu trúc các phong tục ma chay truyền thống, đó là giản lược, rút ngắn, đơn giản hoá nghi thức, nghi lễ tế tự rườm rà trong từng lễ tục ma chay truyền thống. Chẳng hạn: phần nhạc hiếu và các nghi lễ tế tụng ngày xưa thường diễn ra liên tục trong ba ngày liền (hết lễ ba ngày mới thôi), nhưng ngày nay nhạc hiếu chỉ diễn ra trong lúc điếu viếng, đưa tang, và trong lễ tế ba ngày; nghi lễ cúng tế cũng được giản lược so với trước, mỗi nghi lễ cúng tế chỉ giữ lại một tuần, không thực hiện ba tuần như trước, không còn tục lệ thăm viếng mộ ngày hai lần (sáng sớm và chiều tối) cho đến hết ba ngày, và hàng tuần cho đến hết năm mươi ngày như trước,… Tuy nhiên, việc thực hành các lễ tục ma chay như thế nào, đến đâu hiện nay phụ thuộc vào thầy cúng, người được gia đình tang chủ mời đến cúng tế, thầy cúng sẽ là người hướng dẫn gia đình tang chủ thực hiện các nghi thức, nghi lễ ma chay và chính thầy cúng cũng là người xem giờ tốt để phát tang, hạ huyệt,…
Cùng với dấu hiệu phục hồi có sự tái cấu trúc phong tục truyền thống, lễ hội của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh cũng diễn ra theo xu hướng biến đổi này, đó là thời gian tế lễ của lễ hội được rút ngắn hơn trước. Ở lễ hội truyền thống, các nghi thức, nghi lễ cúng tế khá phức tạp, việc kế thừa và phát triển lễ hội truyền thống hiện nay ở vùng ven biển Hà Tĩnh, cơ bản bảo lưu và thực hiện nghiêm các nghi thức, nghi lễ cúng tế xưa, xem đây là việc tối thiêng nên được thực hiện đầy đủ, từ lễ cáo yết xin được mở hội, cho đến lễ “mộc dục”, lễ “sái tảo”, lễ khai hội, lễ rước, lễ tế thần,… đều được thực hiện đúng tinh thần của lễ hội truyền thống, diễn ra
trang nghiêm, linh thiêng,... Tuy nhiên, trong lễ tế thần ngày nay có giản lược, rút ngắn thời gian so với truyền thống. Chẳng hạn, trong lễ tế thần Lê Khôi ở đền Lê Khôi (xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà), trước đây có ba tuần dâng lễ (diễn ra khoảng ba giờ đồng hồ), ngày nay, các cụ cao niên chỉ thực hiện một tuần lễ (diễn ra trong khoảng một giờ đồng hồ). Mặc dù, hiện nay chỉ thực hiện một tuần lễ, nhưng cũng rất vất vả cho các cụ được lựa chọn làm chủ tế và bồi tế, cụ nào cũng vã mồ hôi vì căng thẳng khi đứng ở vị trí linh thiêng này,... Tế lễ được xem là phần quan trọng và linh thiêng nhất của cả quá trình diễn ra lễ hội, là thời điểm thông giao giữa thánh, thần và người (cư dân), thời điểm thiêng để cư dân thực hành nghi lễ tạ ơn thánh, thần, và cầu nguyện được sự che chở, giúp đỡ của thánh, thần trong cuộc sống và mùa làm ăn tới. Với vai trò là đại diện cho cộng đồng để bày tỏ tấm lòng thành kính và sự biết ơn lên Đức Thánh, thần, các cụ được chọn vào ban tế lễ rất lo lắng vì sợ phạm phải những sai sót trong quá trình hành lễ, nên cụ nào cũng thận trọng khi đứng vào vị trí này, mặc dù tiêu chuẩn ở vị trí này vẫn khắt khe như trước, đó là vợ chồng còn song toàn, con cháu đề huề, phải “vô nghị thanh quyết”, không “vướng bụi bẩn”,…
4.2.3. Tiếp nhận yếu tố văn hoá mới có tính thời đại và quốc tế
Có thể bạn quan tâm!
- Qua Các Phương Tiện Tiêu Dùng Văn Hóa Tại Gia Đình
- Các Loại Bài Hát Được Lựa Chọn Khi Đến Quán Karaoke
- Xu Hướng Biến Đổi Đời Sống Văn Hóa Của Cư Dân Ven Biển Hà Tĩnh
- Tiêu Dùng Văn Hoá Hướng Tới Tiện Ích, Cá Nhân, Hiện Đại Và Quốc Tế
- Đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa - 20
- Đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa - 21
Xem toàn bộ 262 trang tài liệu này.
Nói đến tiếp nhận các yếu tố văn hoá mới, trước hết thể hiện rò nét trong lễ cưới của cư dân ven biển Hà Tĩnh ngày nay. Hầu hết các lễ cưới của cư dân ven biển Hà Tĩnh có những yếu tố mới của thời đại và du nhập một số yếu tố mang phong cách phương Tây. Các đám cưới không chỉ có chụp ảnh, mà còn quay video để lưu giữ kỷ niệm, không chỉ chụp ảnh cho cô dâu và chú rể mà còn chụp ảnh cả quá trình diễn ra lễ cưới, cô dâu và chú rể không chỉ chụp trong lễ cưới mà còn chụp ảnh trước lễ cưới, chụp ngoại cảnh,… Trong lễ cưới, nhiều cô dâu chú rể sử dụng cả màn hình rộng để trình chiếu các slide ảnh ngoại cảnh của cô dâu, chú rể, để khách dự cưới có thể xem trong lúc ăn cỗ cưới,… Lễ rước dâu đã sử dụng xe hơi (thay cho đi bộ trước đây, kể cả trong trường hợp quãng đường rước dâu rất gần) và cô dâu mặc váy cưới màu trắng, chú rể mặc comple, thắt cavat [PLA7.6.1 - 7.6.2, tr.245]. Sau lễ cưới, cô dâu chú rể đi hưởng tuần trăng mật ở các khu, điểm du lịch nổi tiếng
trong nước hoặc nước ngoài.
Bên cạnh du nhập những yếu tố mới vào đám cưới, một số tín ngưỡng thờ cúng mới cũng được du nhập vào các gia đình cư dân ven biển Hà Tĩnh những năm gần đây và được cư dân rất quan tâm, thực hành hàng ngày, như tín ngưỡng thờ thần tài, vị thần tượng trưng cho sự may mắn trong kinh doanh, buôn bán. Vị thần này đã trở nên thân quen với cư dân ven biển Hà Tĩnh những năm gần đây, đặc biệt là đối với những gia đình cư dân làm nghề kinh doanh buôn bán. Hàng ngày, mở cửa hàng là chủ kinh doanh (cửa hàng, công ty, shop quần áo, tiệm làm đầu, quán ăn,…) thắp hương lên Thần Tài để cầu mong kinh doanh được may mắn trong ngày. Bên cạnh tín ngưỡng thờ Thần Tài, các hình thức thờ cúng đa thần cũng đang xuất hiện tại các gia đình cư dân ven biển Hà Tĩnh. Ngoài thờ cúng tổ tiên mang nét truyền thống còn thờ thổ công, thần bếp, thần cửa, thần sân, thần cổng, thờ các thiên thần, thờ Phật, thờ Bác Hồ, …
Các yếu tố mới còn được thể hiện trong lễ hội, trước hết là ở chủ thể tổ chức lễ hội, chúng ta biết rằng, lễ hội là sản phẩm văn hóa của nhân dân, cộng đồng cư dân chính là chủ thể trực tiếp sáng tạo và hưởng thụ các giá trị của lễ hội. Từ xa xưa, mỗi lần lễ hội diễn ra, cộng đồng cư dân là chủ thể đứng ra tổ chức lo liệu mọi việc, xem đây là công việc chung của cộng đồng làng/xã, các làng, phe, giáp luân phiên đứng ra tổ chức, cư dân đóng góp tiền của, công lao, phương tiện. Do đó, xưa kia cứ vào dịp lễ hội, một không khí chuẩn bị mang tính cộng cảm, cộng đồng diễn ra. Tất cả các đồ dùng và lễ vật trong lễ hội, hầu hết đều được cư dân tự tay làm ra, cư dân cắt cử nhau mua sắm, làm cẩn thận, cầu kỳ, để dâng lên thần, thánh của làng mình. Do cư dân là chủ thể trực tiếp đứng ra tổ chức lễ hội, nên mỗi làng, mỗi địa phương khác nhau đều có những nét đặc trưng riêng thể hiện phong tục, tập quán, quan niệm, cách nhìn cũng như trình độ năng lực thẩm mỹ của làng, địa phương qua cách chuẩn bị lễ hội. Vì thế nên hầu hết các lễ hội truyền thống đều mang những nét đặc trưng riêng của từng làng, từng địa phương trong cái chung của tín ngưỡng, lễ hội vùng.
Với xu thế hiện nay, tuỳ theo quy mô, phạm vi của từng lễ hội mà có các cấp bậc khác nhau do chính quyền đứng ra tổ chức, cư dân là người tham gia. Hầu hết
các lễ hội ngày nay được bổ sung thêm phần khai mạc và dâng hương của cấp chính quyền trực tiếp tổ chức lễ hội (hoặc trực tiếp quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức lễ hội), phần dâng hương của đại biểu (đại diện các cơ quan đoàn thể, chính quyền các cấp, tuỳ vào quy mô từng lễ hội), đây là yếu tố mới đóng vai trò quan trọng, có tính hiện đại đưa vào lễ hội truyền thống. Đồng thời trong lễ tế ngày nay, văn khấn được sử dụng bằng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán trước đây và đọc văn khấn cũng như điều hành tế lễ được sử dụng hệ thống âm thanh loa máy hiện đại, lễ vật và đồ dùng trong lễ hội ngày nay chủ yếu được mua sẵn…Thành phần tham dự lễ hội ở vùng ven biển Hà Tĩnh ngày nay cũng khác so với xưa, cư dân tham dự lễ hội vượt ra khỏi phạm vi làng, đa dạng hơn về nghề nghiệp. Ngày xưa, mỗi dịp lễ hội diễn ra, thường chỉ có cư dân trong làng/xã tham dự, với quan niệm “thánh làng nào, làng ấy thờ” khác với quan niệm tín ngưỡng của cư dân trong thời kỳ CNH, HĐH. Trong thời kỳ CNH, HĐH, cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh nói riêng, cũng như cư dân các vùng, miền trong cả nước nói chung, do sống trong điều kiện kinh tế, xã hội, thông tin truyền thông phát triển, các thông tin liên quan đến lễ hội được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để cư dân khắp mọi miền được biết và có thể tham dự. Trước những điều kiện thuận lợi đó, cùng với quan niệm tín ngưỡng đa thần của cư dân đã làm cho lễ hội ở vùng ven biển Hà Tĩnh ngày nay không chỉ có cư dân trong xã và các vùng lân cận tham dự, mà có cả khách thập phương đến tham dự và dâng lễ [PL4.5, tr.201]. Mỗi lần lễ hội diễn ra ở vùng ven biển Hà Tĩnh, là dịp để cư dân địa phương đón bạn bè các nơi đến thăm quê hương mình. Đặc biệt là lễ hội ở khu kinh tế du lịch, mỗi lần lễ hội diễn ra, du khách từ các nơi kéo về với số lượng khá lớn, như lễ khai trương bãi tắm Thiên Cầm ở khu du lịch Thiên Cầm; lễ “sĩ, nông, công, ngư, thương” và khai trương bãi tắm Xuân Thành ở khu du lịch Xuân Thành,... Thành phần tham dự lễ hội phong phú còn được thể hiện ở góc độ nghề nghiệp, đây cũng là yếu tố mới so với lễ hội truyền thống. Trước đây, thành phần dự lễ hội ở vùng ven biển Hà Tĩnh chủ yếu là cư dân ngư nghiệp, nhưng ngày nay do cơ cấu kinh tế trong vùng có nhiều thay đổi, và có cả cư dân từ các địa phương khác đến, nên thành phần tham dự lễ hội cũng phong phú và đa dạng về
nghề nghiệp [PL4.5, tr.201], trong đó có cư dân ngư nghiệp, cư dân nông nghiệp, công chức nhà nước, các doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn, các hộ kinh doanh ở địa phương…Nhưng so với các nghề khác, nhóm công nhân làm việc tại khu công nghiệp, nhân viên tại các công ty du lịch do điều kiện công việc bận rộn, nên tỷ lệ tham dự lễ hội ít hơn so với các thành phần cư dân làm các nghề khác. Về lễ hội tôn giáo, có cả cư dân theo tôn giáo và cư dân không theo tôn giáo cùng tham dự.
Yếu tố mới tiếp theo trong lễ hội ngày nay là sự du nhập các trò chơi, trò diễn hiện đại. Các trò chơi, trò diễn dân gian trong lễ hội cũng có nhiều biến đổi bởi tác động của văn hoá thời hiện đại. Lễ hội truyền thống của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh có rất nhiều trò chơi, trò diễn được tổ chức với nhiều mục đích khác nhau: mang tính thiêng, vui chơi, đua tài, thi khéo, đấu trí, rèn luyện sức khoẻ, diễn tích truyện, hát ví, hát đối đáp, đánh cờ người, tôm điếm, đi cà kheo, thi nấu cơm, đua thuyền, hò chèo cạn, đập cù, cướp cù [PL5.1 - 5.9, tr.221 - 228; PLA7.5.1 - 7.5.8, tr.241 - 244],… Tuy nhiên cũng có một số trò chơi, trò diễn truyền thống không được duy trì như: diễn tích truyện Tây du ký, diễn trò Kiều,… Cùng với các trò chơi, trò diễn truyền thống, đã xuất hiện nhiều trò chơi mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, mang nét đặc trưng của cư dân vùng biển, như: bóng chuyền bãi biển, kéo co trên cát, câu lạc bộ thơ, ca nhạc hiện đại, ném vòng trúng thưởng,… với sự tham gia của đông đảo cư dân trong vùng và các vùng lân cận.
4.2.4. Gia tăng các hoạt động tín ngưỡng
Việc coi trọng hoạt động tín ngưỡng của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ CNH, HĐH được thể hiện ở mức độ thực hành tín ngưỡng trong cộng đồng có xu hướng tăng lên. Khác với trước đây, sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân tại gia đình hay ở các cơ sở thờ cúng cộng đồng chỉ diễn ra vào các dịp lễ, tết. Điều đó có nghĩa, với tín ngưỡng thờ cúng các vị thần cộng đồng, cư dân chỉ đến dâng lễ cầu khấn vào dịp lễ hội hoặc tết Nguyên Đán. Còn đối với thờ cúng tại gia đình (tổ tiên và các vị thần khác), cư dân cũng chỉ dâng lễ vào ngày giỗ người thân và vào dịp lễ, tết. Nhưng hiện nay, như đã đề cập ở chương 2,3 cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh thực hành sinh hoạt tín ngưỡng tại cơ sở thờ cúng công cộng, cũng như tại gia đình có
tính thường xuyên vào các ngày Sóc vọng (rằm, mồng một) hàng tháng, và cả những ngày gia đình có việc quan trọng (con cháu thi cử, mua xe, mở cửa hàng, lễ chẵn tháng, lễ chẵn năm,...). Cụ Nguyễn Thị Lý, 75 tuổi, thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (phỏng vấn ngày 6/4/2014) cho biết:
Ngày trước, ở quê chúng tôi chỉ thắp hương lễ ở đình, đền, miếu,… của làng vào dịp giỗ thần (lễ hội) và tết thôi, ở gia đình cũng chỉ thắp hương bàn thờ tổ tiên vào ngày giỗ và tết, lúc nào đi đánh cá xa mới ra đền Ngư thắp hương, chỉ có ở đền Ngư chúng tôi thắp hương nhiều hơn. Chứ ngày nay cả làng tôi đều đi lễ ở đền, miếu vào ngày rằm, mồng một và thắp hương tổ tiên cũng đều đặn vào các ngày này, có cả lễ vật hoa, quả. Còn vào dịp giỗ, tết ngày nay lễ vật phong phú lắm.
Như vậy, mức độ thực hành tín ngưỡng của cư dân ngày nay diễn ra nhiều lần trong năm ở các cơ sở thờ cúng công cộng, cũng như trong gia đình. Hầu hết các gia đình cư dân ven biển Hà Tĩnh ngày nay đều giành một khoản tài chính và quỹ thời gian nhất định cho việc thực hành tín ngưỡng.
Sự gia tăng thực hành tín ngưỡng của cư dân còn được thể hiện ở phạm vi không gian thực hành có xu hướng vươn rộng ra ngoài làng. Trước đây, thực hành tín ngưỡng của cư dân ven biển Hà Tĩnh chỉ diễn ra trong phạm vi làng “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Thế nhưng ngày nay, không gian thực hành tín ngưỡng của cư dân mở rộng ra ngoài phạm vi làng, tức cư dân không chỉ đi lễ ở các cơ sở thờ cúng của làng/xã mình như trước, mà cư dân còn đi đến các địa phương khác để thực hành tín ngưỡng hàng năm (chủ yếu vào dịp đầu năm) [PL4.3, tr.197]. Những địa điểm mà cư dân đến là các cơ sở thờ cúng có tiếng linh thiêng, có phong cảnh đẹp, hoặc là nhân vật được thờ có tầm ảnh hưởng lớn đối với dân tộc,... Việc mở rộng phạm vi thực hành tín ngưỡng của cư dân, một mặt phản ánh đời sống vật chất, điều kiện kinh tế của cư dân vùng ven biển Hà Tĩnh ngày nay đã được nâng cao; mặt khác cũng biểu hiện nhu cầu thực hành tín ngưỡng của cư dân phát triển mạnh trong thời kỳ CNH, HĐH.
Cùng với sự gia tăng mức độ sinh hoạt và mở rộng phạm vi thực hành tín
ngưỡng. Ngày nay, các lễ vật thờ cúng cũng được người dân chú trọng, mua sắm lựa chọn lễ vật rất cầu kỳ và cũng rất phong phú ở các cơ sở thờ cúng cộng đồng cũng như thờ cúng tại gia đình. Sự chú trọng sắm sửa lễ vật chu đáo không chỉ biểu hiện vào dịp lễ, tết, hoặc đầu năm mới, mà cả vào các ngày rằm, mồng một hàng tháng, mỗi lần dâng lễ cư dân đều có sắm sửa lễ vật. Vào ngày rằm và mồng một, ở các cơ sở thờ cúng cộng đồng, ngoài các thủ từ (người trông coi đền, miếu) mua sắm lễ vật đầy đủ, gồm: hương, đăng, hoa, quả, bánh kẹo, còn có lễ vật do người dân địa phương và người dân các vùng lân cận, khách vãng lai đến dâng lễ. Các lễ vật rất phong phú, đa dạng, ngoài hoa tươi, quả ngọt, bánh kẹo, có cả tiền vàng bằng giấy, tiền thật,… Tại gia đình cư dân vào ngày rằm, mồng một, lễ vật ngoài hoa tươi, trầu cau, hương đèn, những gia đình cầu kỳ còn sắm đủ ngũ quả; gia đình kinh doanh hay buôn bán còn sắm cả tiền vàng, thậm chí họ còn có lễ vật dâng cúng thần tài vào mỗi sáng (đầu ngày)…
Ở cơ sở thờ cúng của cộng đồng, các lễ vật thường do tập thể các thôn/làng chuẩn bị, có đầy đủ các lễ vật theo truyền thống (chỉ có lễ vật là đồ sống như tế lợn sống, hoặc bò sống ở một số lễ hội ngày nay không còn) và lễ vật của thời hiện đại. Còn cư dân sở tại và du khách dâng lễ theo sở nguyện cá nhân tuỳ ý, miễn sao lễ vật đảm bảo “ngon, đẹp, tố, hảo”, thể hiện lòng thành tâm của người dâng lễ. Những lễ vật do cá nhân, du khách cúng lễ vào dịp lễ hội, đầu năm mới phong phú, đa dạng cả về số lượng và loại hình, bao gồm các sản vật là đặc sản của địa phương, đặc sản của các vùng, miền trong cả nước, những sản vật của nước ngoài do du khách và con em địa phương làm ăn xa mang về, có cả những lễ vật được sản xuất bằng dây chuyền công nghệ, như: bia, nước ngọt, rượu,…
Còn tại các bàn thờ gia tiên, đến ngày giỗ hoặc cúng tất niên và đầu năm mới lễ vật phong phú và nhiều không kể hết, ngoài các lễ vật theo truyền thống như hương, đăng, hoa, trà, quả, thực còn có bao nhiêu đồ ngon vật lạ là đặc sản của các vùng quê được con cháu đi làm ăn xa mang về dâng cúng, có cả những lễ vật mang màu sắc của thời đại giao lưu, hội nhập, như: Rượu ngoại, bia, nước ngọt, thuốc lá ngoại, kẹo ngoại,…; đồ giấy (vàng mã) cũng có đủ các loại: vải vóc, quần áo, nhà cửa, ô tô, xe máy, điện thoại di động, máy tính, ti vi, tủ lạnh,… Việc hóa đồ mã là