nguyên tác ưu tiên cho các hoạt động chức năng, đồng thời tiết kiệm, kiểm soát chặt chẽ chi phí gắn với đánh giá kết quả công việc để đảm bảo tính hiệu quả trong từng hoạt động chức năng của HHNH.
(3) Chú trọng chức năng “vận động chính sách”, thúc đẩy tiến bộ ngành hàng
Vận động chính sách là chức năng quan trọng hàng đầu của HHNH, thông qua vận động chính sách để tác động tới quá trình xây dựng thể chế kinh tế, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh; định hình chính sách ngành hàng trong tổng thể cơ cấu nền kinh tế quốc dân.
Tăng cường tương tác, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, trước hết là bộ, ngành QLNN về ngành hàng; giảm tình trạng “bị động”, chỉ tham gia ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật khi được hỏi ý kiến; chú trọng 02 phương thức tiếp cận là “tích cực tham gia” và “chủ động đề xuất” nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, ổn định, an toàn cho sự phát triển của ngành hàng. Trong đó đặc biệt chú ý tới: (i) chính sách dài hạn của Nhà nước, chiến lược phát triển ngành hàng; (ii) các văn bản QPPL, các văn bản QLNN cá biệt tác động trực tiếp tới ngành hàng.
Đối với các HHNH nông nghiệp, gắn với những lĩnh vực rủi ro cao do đối tượng sản xuất là cây trồng, vật nuôi vốn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như đất đai, nguồn nước, biến động thời tiết, dịch bệnh… vì vậy hoạt động vận động chính sách của các HHNH nông nghiệp cần quan tâm tới tính đặc thù nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp thành viên trong tiếp cận đất đai, nguồn vốn tín dụng; tham gia các chương trình khuyến nông, áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, tiến bộ trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến; thúc đẩy phát triển các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp để giảm thiểu, chia sẻ rủi ro trong sản xuất kinh doanh.
(4) Thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam
- HHNH cần thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị nông sản, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp thành viên trong các khâu sản xuất nguyên liệu, chế biến sản phẩm, bao bì đóng gói và xuất khẩu sản phẩm. Việc liên kết theo chuỗi cung ứng sẽ tạo giá trị gia tăng qua mỗi công đoạn của chuỗi giá trị, giúp
giảm bớt tình trạng xuất khẩu nông sản sơ chế với giá rất thấp, phụ thuộc vào khách hàng trung gian, không tiếp cận được tới người tiêu dùng vì thế không thể xây dựng được danh tiếng, thương hiệu cho nông sản Việt Nam;
- HHNH cần giữ vai trò tích cực, vận động các tập đoàn có tiềm lực tài chính, năng lực quản trị vượt trội giữ vai trò trung tâm của các chuỗi giá trị nông sản, thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sản xuất nguyên liệu, phụ liệu cho công đoạn chế biến chính để nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam;
- Bên cạnh đó, HHNH cần trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước với các đối tác trong nước và quốc tế như các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), các hãng sản xuất thiết bị, dây chuyền chế biến nông sản và đặc biệt quan trọng thiết lập mối quan hệ hợp tác với các hệ thống bán lẻ tại các thị trường nhập khẩu. Trên cơ sở đó hình thành chuỗi cung ứng quốc tế, trong đó các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hầu hết các công đoạn của chuỗi giá trị, đưa sản phẩm tới người tiêu dùng ở nước ngoài với giá cả hợp lý, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời qua đó quảng bá hình ảnh, chất lượng và thương hiệu nông sản Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm!
- Giải Pháp Đổi Mới Hoạt Động Của Hiệp Hội Ngành Hàng Nhằm Đẩy Mạnh Xuất Khẩu Nông Sản Của Việt Nam Trong Giai Đoạn Đến Năm 2025, Tầm Nhìn
- Tác Động Của Hội Nhập Kinh Tế Quốc Tế Tới Nền Kinh Tế Việt Nam
- Dự Báo Xu Hướng Thị Trường Xuất Khẩu Nông Sản Trong Thời Gian Tới
- Đổi mới hoạt động của các hiệp hội ngành hàng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế - 17
- Một Số Kết Quả Nghiên Cứu Làm Cơ Sở Đề Xuất Giải Pháp Đổi Mới Hiệp Hội Ngành Hàng
- Xây Dựng “Bộ Công Cụ Quản Trị” Theo Chủ Thể Quản Lý Trong Hhnh
Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.
(5) Vận động thực hiện trách nhiệm xã hội của ngành hàng
Mọi của cải vật chất trong xã hội đều phải được sản xuất trên cơ sở sử dụng 02 loại tư liệu quan trong nhất là “đất đai” và “sức lao động”, như lập luận của Adam Smith, điều đó lại càng đúng đối với các ngành sản xuất nông nghiệp. Vì thế các doanh nghiệp sản xuất đều có trách nhiệm đạo lý và pháp lý đối với tự nhiên (đất đai, nguồn nước, không khí...) và với xã hội. Tuy nhiên, do mục đích hoạt động của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận, tối đa hóa lợi ích, do vậy hầu hết các doanh nghiệp sẽ không tự nguyện, thậm chí còn cố tình lẩn tránh thực hiện trách nhiệm xã hội. HHNH với chức năng của mình có trách nhiệm tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động, khuyến khích và giám sát các doanh nghiệp thành viên thực hiện trách nhiệm xã hội, như vận động doanh nghiệp thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, thực hành các quy trình canh tác, sản xuất tiến bộ, an toàn; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các tư liệu sản xuất có nguồn gốc tự nhiên, giảm xả thải độc hại ra môi trường; thực hiện các quy định về chính sách lao động; tham gia các hoạt động từ thiện xã hội...
4.3.3. Nhóm giải pháp đổi mới phương thức thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
Từ kết quả phân tích Ma trận chiến lược SWOT về vai trò của HHNH trong đẩy mạnh xuất khẩu với các yếu tố “Điểm mạnh” (S), “Điểm yếu” (W) là đánh giá năng lực nội tại của HHNH; “Cơ hội” (O) và “Thách thức” (T) là những tác động từ hội nhập kinh tế tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam (xem Phụ lục 1).
Trên cơ sở các chiến lược kết hợp (S-O, S-T, W-O, W-T), được tác giả sử dụng làm đề xuất các giải pháp đổi mới phương thức thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể như sau :
(1) Hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp lý, tiêu chuẩn chất lượng của thị trường nhập khẩu
- HHNH hàng cần thực hiện các nghiên cứu chuyên đề liên quan tới thực thi các FTAs để giúp doanh nghiệp hội viên nắm bắt chính sách và những quy định pháp lý của thị trường nhập khẩu, đặc biệt lưu ý về quy trình, điều kiện sản xuất như ISO, HACCP, BRC…, hay quy định truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn chất lượng… mà doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu cần tuân thủ để có thể đáp ứng các quy định của các FTAs và của khách hàng nhập khẩu;
- HHNH cần hợp tác với các cơ quan ngoại giao, thương vụ tại nước ngoài để tìm hiểu cập nhật thông tin về chính sách nhập khẩu hàng hóa và các quy định pháp lý về nhập khẩu của quốc gia sở tại, thông tin thị trường và cung cấp, hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu; và đề nghị phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu.
(2) Đổi mới hoạt động XTTM và cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu
- HHNH cần chủ động tham gia, phối hợp với VCCI và cơ quan nhà nước hữu quan (Bộ công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ KH-ĐT, các Viện nghiên cứu kinh tế…) và các HHDN, HHNH khác nghiên cứu, phân tích tổng quan “cung – cầu” về sản phẩm ngành hàng trên thị trường quốc tế và khả năng tham gia của Việt Nam để đề xuất quy hoạch ngành hàng nông sản, duy trì quy mô diện tích và sản lượng hợp lý để tận dụng cơ hội mở rộng thị trường, đồng thời tránh dư
thừa sản lượng, nhất là đối với những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như cà phê, hồ tiêu, cao su hay nhóm hàng thủy sản như tôm, cá tra, ba sa…
- Nghiên cứu đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp tổ chức các hội chợ xuất khẩu chuyên ngành (mô hình hội chợ VIETFISH của VASEP) ngay tại các vùng sản xuất nông sản trọng điểm như cà phê, cao su, hồ tiêu, hạt điều... ở Tây Nguyên; gạo, trái cây tươi, thủy sản chế biến… ở Đồng bằng sông Cửu Long; sản phẩm gỗ xuất khẩu ở Bình Dương hay TP. Hồ Chí Minh…qua đó thu hút sự tham gia của khách hàng, đối tác quốc tế, tạo cơ hội ký kết hợp đồng xuất khẩu hoặc hợp tác sản xuất, chế biến nông sản;
- Chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng các ấn phẩm, bản tin, báo cáo chuyên đề… để cung cấp thông tin về thị trường, đối tác, các hội chợ, triển lãm; chuẩn bị chu đáo, tổ chức tốt các đoàn thương nhân khảo sát thị trường, tham gia hội chợ thương mại quốc tế; tăng cường giao dịch, cung cấp thông tin, giới thiệu đối tác, hỗ trợ - phối hợp làm việc với các thương gia, các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư, hoặc ký hợp đồng mua nông sản Việt Nam;
- Thực hiện các nghiên cứu các thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm và hình thành các cơ sở dữ liệu để đưa ra những khuyến nghị phù hợp cho các doanh nghiệp. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp phát triển thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, đối tác tránh tình trạng phụ thuộc quá vào một thị trường xuất khẩu nhằm giảm thiểu nguy cơ và hạn chế tổn thất khi có thay đổi chính sách, phát sinh các vụ việc PVTM từ thị trường nhập khẩu thì trong quá trình giải quyết vụ việc, vẫn có thể tiếp tục duy trì sản xuất và xuất khẩu sang thị trường khác.
(3) Quan tâm xây dựng, quảng bá “Thương hiệu ngành hàng”
“Thương hiệu ngành hàng” (Collective reputation) là giá trị tinh thần cao nhất của một HHNH, có thể ví “Thương hiệu ngành hàng” là cánh buồm để con thuyền chở đầy sản phẩm ngành hàng có thể đón gió, vượt đại dương tới những thị trường quốc tế. Một ngành hàng phát triển, có năng lực cạnh tranh tốt là nhờ năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, nhiều doanh nghiệp trong số đó đã đạt được thành công ở những mức độ khác nhau và đã tạo được danh tiếng trên thương trường, tên hàng, nhãn hiệu sản phẩm của họ đã
được khách hàng biết đến và khách hàng đặt niềm tin vào doanh nghiệp và sản phẩm của họ, đó là “Thương hiệu doanh nghiệp”.
Với chức năng của mình HHNH có trách nhiệm vận động, hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm của từng doanh nghiệp; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký bảo hộ tên thương mại, kiểu dáng sản phẩm, chỉ dẫn địa lý theo quy định của pháp luật SHTT quốc gia và quốc tế; bởi vì tập hợp các thương hiệu có uy tín của các doanh nghiệp sẽ tạo thành “Danh tiếng ngành hàng” trên thương trường, góp phần thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm ngành hàng nông sản Việt Nam.
Cho tới nay, những thương hiệu như Gạo Việt Nam, Hồ tiêu Việt Nam, Cà phê Robusta Việt Nam, Hạt điều Việt Nam, Tôm Việt Nam, Cá basa Việt Nam… là những “Thương hiệu ngành hàng” thành công của Nông nghiệp Việt Nam, mỗi thương hiệu đó đều gắn với nỗ lực của HHNH, góp phần xây dựng hình ảnh quốc gia Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
(4) Tham gia giải quyết các vụ việc PVTM từ các thị trường nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế
Thực tế cho thấy, nhiều các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản nhưng còn rất thiếu kiến thức về thương mại quốc tế, chưa nắm bắt đủ thông tin về chính sách, quy định pháp luật thương mại của quốc gia nhập khẩu, vì vậy mức độ rủi ro khá cao. Khi xảy ra tranh chấp, do tính chất phức tạp trong trình tự, thủ tục giải quyết (bằng phương thức trọng tài hoặc tòa án), cùng với mức phí tổn đắt đỏ, thường vượt quá khả năng của một doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính vì thế, HHNH cần khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường liên kết, hợp tác để giảm thiểu rủi ro, chia sẻ chi phí giải quyết các vụ việc tranh chấp thương mại, kiện CBPG hay phối hợp hành động để có giải pháp vượt qua các hàng rào kỹ thuật của thị trường nhập khẩu. Cụ thể như sau:
- HHNH cần nghiên cứu các quy định của WTO, các FTAs để xây dựng tài liệu hướng dẫn cho các doanh nghiệp đang có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm tới quốc gia đối tác nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý, các tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu, giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp PVTM và các hàng rào kỹ thuật đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam; theo dòi diễn biến thị trường để kịp thời cảnh báo rủi ro thương mại, rủi ro pháp lý.
- Là tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp trong ngành hàng, vì vậy khi xuất hiện vụ việc PVTM, hiệp hội ngành hàng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động như (i) cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ phục vụ quá trình điều tra; (ii) trao đổi với các doanh nghiệp là đối tượng bị điều tra thống nhất phương án lựa chọn phương án ứng phó, chia sẻ chi phí luật sư và các phí tổn khác trong giải quyết vụ việc; (iii) tham vấn ý kiến các cơ quan liên quan, đề xuất các giải pháp phù hợp như thỏa hiệp “cam kết loại trừ bán phá giá”, chấp nhận hạn ngạch xuất khẩu, hoặc tính tới phương án “kháng kiện” đối với nguyên đơn…
- Bên cạnh các rủi ro về tranh chấp thương mại và kiện CBPG, lĩnh vực Sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp. Trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã bước đầu khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản không ngừng tăng trưởng, nhiều thương hiệu sản phẩm đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng nước ngoài. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp và ngay cả HHNH chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng trong đăng ký, bảo vệ thương hiệu, bảo hộ chỉ dẫn địa lý nên đã xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc như thương hiệu Cà phê Trung Nguyên, Nước mắm Phú Quốc bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký, hay gần đây là những thông tin liên quan tới thương hiệu Gạo ST25… Những tranh chấp liên quan tới SHTT thường rất phức tạp, khi xảy ra sẽ tạo ra nhiều khó khăn, tổn thất cho các doanh nghiệp, vì vậy HHNH cần quan tâm, có trách nhiệm tham gia giải quyết các vụ việc liên quan tới SHTT nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, uy tín của doanh nghiệp hội viên và của ngành hàng.
(5) Tăng cường hợp tác quốc tế với các HHNH nông nghiệp và các tổ chức quốc tế hữu quan
- HHNH có thể phối hợp với các đối tác như Hiệp hội các doanh nghiệp nhập khẩu, các nhà phân phối (vốn là đồng minh tự nhiên của các nhà xuất khẩu, lợi ích cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi biện pháp PVTM) để vận động hành lang, đàm phán với nguyên đơn nhằm đạt được giải pháp hài hòa lợi ích, giảm thiểu thiệt hại từ vụ việc28;
28 Ví dụ như VASEP hiện là thành viên của Hiệp hội thủy sản Hoa Kỳ (NFI), Liên đoàn nuôi thủy sản ASEAN (AFS), Hiệp hội công nghiệp thủy sản Singapore (SIAS).
- Tăng cường hợp tác quốc tế với các HHNH, các viện nghiên cứu, các chủ thể khác có liên quan để nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp hội viên trong tìm kiếm đối tác hợp tác, liên kết và xuất khẩu sản phẩm. Kinh nghiệm giải quyết các vụ kiện CBPG cho thấy vai trò rất quan trọng của các HHNH tại quốc gia nhập khẩu trong đề xuất điều tra, khởi kiện các doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, nếu các HHNH có mối quan hệ, trao đổi thông tin thường xuyên với các HHNH tương ứng tại quốc gia nhập khẩu thì có thể nắm tình hình, xu hướng thị trường để có đối sách phù hợp như điều chỉnh số lượng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, đồng thời có thể phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu (đồng minh tự nhiên của các doanh nghiệp xuất khẩu) để đàm phán, vận động hành lang để bác bỏ, trì hoãn vụ kiện hoặc giảm nhẹ biện pháp chế tài, đặc biệt là mức thuế CBPG đối với hàng nhập khẩu, qua đó giảm thiểu tổn thất của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 4
Trong Chương 4, trên cơ sở phân tích những cơ hội và thách thức từ bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, mà trọng tâm là thực hiện các FTAs đối với nền kinh tế nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng, Luận án đã đề xuất những giải pháp nâng cao năng lực của HHNH góp phần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Trong Luận án này, tác giả dùng phương pháp tiếp cận tổng thể, có tính hệ thống, bắt đầu từ “Triết lý về hiệp hội ngành hàng” nhằm gợi ý cho một “nhận thức chung” có tính nền tảng về HHNH với những yếu tố cấu thành, những mối quan hệ tương tác nội tại, cũng như những tác động tích cực của HH đối với xã hội. Trên cơ sở “Triết lý về hiệp hội ngành hàng”, cùng với việc vận dụng các lý thuyết quản trị, Luận án đã đưa ra “Bộ công cụ quản trị” cho các chủ thể quản lý trong HHNH phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể. Bộ công cụ được thiết kế rò ràng, dễ hiểu, thể hiện mối quan hệ lô-gic giữa các chủ thể và tạo thành tổng thể nhất quán trong cả tổ chức. Bộ công cụ không nhằm “chấm điểm” để so sánh, đánh giá “hơn - thua” giữa các HHNH mà là dạng “cẩm nang” hướng dẫn các chủ thể quản lý trong HHNH thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình đối với tổ chức. Sản phẩm của các quá trình quản lý là những kế hoạch (chiến lược hoặc ngắn hạn), các văn bản giao nhiệm vụ, các mệnh lệnh quản lý
và các loại báo cáo kết quả thực hiện từ cấp thực thi trình lên cấp trên quản lý trực tiếp.
Căn cứ vào thực trạng hoạt động của các HHNH đã được phân tích, làm rò trong Chương 3, Luận án đã kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước một số giải pháp đổi mới chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về HHNH. Đồng thời Luận án đã đề xuất đối với các HHNH 05 giải pháp đổi mới công tác quản trị nhằm nâng cao năng lực tổng thể của HHNH; bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả phân tích Ma trận chiến lược SWOT về vai trò của HHNH trong xuất khẩu nông sản trong bối cảnh thực hiện các FTAs, Luận án cũng đề xuất 05 giải pháp đổi mới phương thức thúc đẩy xuất khẩu nông sản trong thời gian tới đây.