Mối Quan Hệ Với Hệ Thống Kiến Trúc Đình Làng Việt Nam


chùa cũng bị tàn phá. Văn bia “Hậu Phật bi ký” tại chùa Trạm (Long Biên) dựng năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746) đặt tại gian đốc Tam bảo chùa có đoạn ghi “... do mấy năm trước có binh hỏa nên cảnh chùa tan hoang, tượng phật đổ nát...”. Sang đầu thế kỷ XIX, ở Gia Lâm hiện chỉ xác nhận được ngôi đình Trạm dựng năm Gia Long thứ 17 (1818) có kết cấu hình chữ Đinh với tòa đại đình với 3 gian 2 dĩ tường hồi bít đốc, hậu cung 3 gian chạy dọc. Cũng ở địa bàn này có ngôi đình Nha được bố cục theo kiểu chữ “tam” không đều nhau, bố cục chung máng tạo cho không gian nội thất trở nên thống nhất theo kiểu “Trùng thiềm điệp ốc”. Đại đình kết cấu theo kiểu 5 gian tường hồi bít đốc, niên đại ghi dưới bụng câu đầu vào đời Minh Mạng thứ 3 (1822). Ngoài ra, ở Gia Lâm còn nhiều đình làng được dựng mới dưới thời Nguyễn, hoặc có nơi được tu tạo gần như làm mới, chỉ còn lại một vài cấu kiện như đầu dư, con rường. Đình có quy mô vừa và nhỏ. Kiến trúc của những ngôi đình này chủ yếu 3 gian hoặc 5 gian tường hồi bít đốc. Về mặt cắt ngang thường cột quân đồng thời là cột hiên hoặc có nơi tường xây bổ trụ thay cột.

- Đình làng thế kỷ XVII – XVIII ở Gia Lâm với mái rộng, thân đình thấp do thời kỳ này với bộ vì nóc sử dụng câu đầu kê trên cột cái. Đến thời Nguyễn thân đình cao hơn bởi thời kỳ này, kiến trúc đã sử dụng “quá giang’’ đã tạo cho vì nóc được nâng lên.

- Những ngôi đình được làm dưới thời Nguyễn, không chỉ xây đại đình hình chữ “nhất’’mà ngay từ đầu đã xây luôn cả hậu cung dạng chuôi vồ thành một thể thống nhất, các công trình phụ trợ khác như tả - hữu vu. Tạo cho bố cục mặt bằng có kết cấu hình chữ “đinh’’ hoặc chữ “tam’’. Trong thời kỳ này, những đình làng thế kỷ XVII – XVIII cũng được bổ sung các công trình nêu trên. Đây là đặc điểm chung cho sự mở rộng quy mô kiến trúc đình làng ở Gia Lâm.

Như vậy, đình làng ở Gia Lâm thế kỷ XVII – XVIII vẫn là công trình kiến trúc có quy mô lớn hơn các ngôi đình được xây dựng sau này. Nhìn chung, đình làng ở Gia Lâm nói chung so với các công trình có tính chất tôn


giáo, tín ngưỡng khác vẫn là công trình kiến trúc có quy mô lớn nhất làng, ngoại trừ một số làng có công trình khác to lớn như đền, chùa do triều đình cho xây dựng hoặc có sự tham góp của một số quý tộc như chùa đền Bà Tấm (Dương Xá), chùa Đại Dương tức chùa Sủi (Phú Thị), đền Gióng (Phù Đổng).

3.2.1.3. Nghệ thuật điêu khắc trang trí

Qua chuyên khảo những ngôi đình khá tiêu biểu ở Gia Lâm thế kỷ XVII – XVII, có thể minh chứng cho sức sáng tạo nghệ thuật của người dân xứ Kinh Bắc xưa. Những ngôi đình này phản ánh khá rõ nét bối cảnh xã hội đương thời, mà nổi lên trên hết là ước vọng khát khao của người nông dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, như trên trang trí với những đề tài “Lưỡng long chầu Hổ phù” ở đình Công Đình, rồi những cảnh sinh hoạt bình dị với những ước muốn “thơ mộng” được thể hiện trên những bức Cốn ở đình Xuân Dục, Trân Tảo và Tình Quang về đề tài con người đang múa thông qua những bức chạm “Tiên cưỡi rồng”. Rồi như muốn được hoà vào thiên nhiên với những hoạt cảnh con vật hổ, hươu, con người cùng với những cây cỏ hoa lá. Ước vọng cầu mưa, cầu mùa cho mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp lúa nước thông qua hình tượng rồng, mây. Ước vọng của con người để vươn tới cuộc sống tốt đẹp, tồn tại cùng đất trời, thể hiện sức sống vĩnh cửu thông qua việc cầu Thọ, cầu Phúc với những hình ảnh về cây Tùng, con Hạc, con Dơi. Trên trang trí kiến trúc chưa thấy những hình tượng miêu tả chiến tranh, chắc rằng đây hẳn là ước vọng hoà bình v.v.. và còn nhiều những ước mơ khác nữa.

Những đình làng ở Gia Lâm thế kỷ XVII - XVIII được tu sửa nhiều lần dưới thời Nguyễn, do vậy nhiều mảng chạm khắc đã được thay thế. Hiện tượng vì nóc được thay hoàn toàn bằng ván xẻ, bào trơn đóng bén không có trang trí. Nghệ thuật trang trí chỉ còn thể hiện ở các cốn, đầu dư, kẻ, như trường hợp đình Tình Quang (Giang Biên), đình Công Đình (Đình Xuyên). Hiện tượng này đã đơn giản hóa mà người ta chủ yếu thay thế cấu kiện để cho kiến trúc thêm chắc khỏe. Một số đình cũng được thay thế vì nóc (tuy vẫn sử

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.


dụng dạng vì Giá chiêng) nhưng điêu khắc trang trí cũng đơn giản hóa rất nhiều, những cột trốn, con rường, đấu kê hầu như cũng để trơn như đình Trân Tảo (Phú Thị), đình Ninh Giang (Ninh Hiệp). Nhiều đình bỏ hẳn ván lá gió ở diệp thượng. Ở diệp hạ, nhiều khi thay thế bằng ván để trơn. Duy nhất đình Xuân Dục vần còn giữ lại 2 ván gió hậu tại diệp hạ ở 2 gian bên cạnh gian giữa với đề tài trang trí lưỡng cá chép hóa rồng chầu mặt trăng. Cũng do sửa chữa dưới thời Nguyễn, nhiều đình đã bỏ hẳn bộ phận Cánh gà. Mặc dù bộ phận Cánh gà có chức năng đỡ bụng các xà dọc, nhưng nó lại được trang trí công phu với đề tài rồng và có cảnh sinh hoạt dân gian như đình Xuân Dục (Yên Thường), đình Công Đình (Đình Xuyên), đình Ninh Giang (Ninh Hiệp). Nhiều đình thay lại toàn bộ cốn, kẻ như đình Thanh Am (Thượng Thanh), hoặc thay một số Cốn như đình Tình Quang (Giang Biên), những bức cốn không còn sử dụng dạng các con rường chồng khít nhau mà thay vào đó là cốn dạng ván mê với đề tài trang trí “Tứ linh”, “Tứ quý” như ở đình Thanh Am (Thượng Thanh), đình Tình Quang (Giang Biên). Bên cạnh đó, nhiều Cốn được sửa lại một phần cũng được chạm khắc nhưng không khớp với đề tài trang trí ban đầu mà nó “khập khễnh” như đình Trân Tảo (Phú Thị), đình Tình Quang (Giang Biên), đình Ninh Giang (Ninh Hiệp). Các Đầu dư cũng bị thay thế nhiều, chúng được thay thế dưới thời Nguyễn, vẫn dạng đầu rồng, nhưng không được ấm cúng mà có phần gai góc. Một số đình được tu sửa lớn, có khi là dựng lại toàn bộ chỉ mang dáng vẻ lúc khởi dựng với dạng kiến trúc có gian chái và 4 góc tàu đao lá mái, trên cơ sở giữ lại hệ thống cột chính như đình Thanh Am (Thượng Thanh), đình Thổ Khối (Cự Khối). Tuy nhiên, góc hồi ở đình Thanh Am được cải biến thành mái đua ra để che sự thô cứng của kiến trúc. Nhiều đình chỉ còn giữ lại một vài đầu dư như đình Lệ Mật (Việt Hưng), đình Thanh Am (Thượng Thanh), đình Ngô (Thạch Bàn), thay vào đó là toàn bộ kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc mang nghệ thuật của thời Nguyễn.

Đình làng thế kỷ XVII – XVIII ở Gia Lâm Hà Nội - Những giá trị lịch sử và văn hoá - 17

Chuyển sang những đình làng ở Gia Lâm được dựng dưới thời Nguyễn, nó khác xa với những ngôi đình trước đó từ đề tài trang trí đến kỹ thuật chạm


khắc. Trước hết về đề tài trang trí. Những ngôi đình vắng hẳn những đề tài trang trí như cảnh sinh hoạt múa hát dân gian, những hươu, hổ... như đình làng ở Gia Lâm thế kỷ XVII – XVIII mà thay vào đó những đề tài có tính quy phạm, đề cao phú quý như “Tứ linh”, “Tứ quý”, “Ngũ phúc khánh tiền”, “Tam đa” (Phúc, lộc, thọ), rồi hình tượng mang tính chất tâm linh có các đồ thờ bát hương, cây đèn, mâm ngũ quả, như ở đình Trường Lâm (Việt Hưng), hậu cung đình Thanh Am (Thượng Thanh) hay đề tài “Bát vật” (Long, ly, quy, phượng, lân, cua, cá, chim) như ở đình Nha, đình Tư Đình (Long Biên), đình Thổ Khối (Cự Khối), đình Mai Phúc (Phúc Đồng). Cũng có đình, phần vì nóc không làm dạng vì Giá chiêng, vì chồng rường biến thể mà thay vào đó là vì dạng ván mê dày chạm khắc hình tượng Hổ phù, như đình Ngô (Thạch Bàn), đình Báo Đáp (Kiêu Kỵ). Nhiều đình, phần Cốn dạng ván mê chạm khắc hồi văn lá lật. Sự khác biệt cơ bản giữa hình tượng rồng đình làng thế kỷ XVII – XVIII với hình tượng rồng thời Nguyễn là khá rõ nét. Rồng thế kỷ XVII – XVIII có những đường nét với những khúc thân uốn mềm mại, mập mạp với nhiều đao mác bay phía sau và bay hếch phía trước, đuôi rồng thường là dạng đuôi cá, thì rồng ở đình thời Nguyễn chủ yếu thể hiện phần đầu dáng vẻ dữ tợn, gai góc với những đao đuôi nheo tỉa sắc nhọn, phần đuôi đã được biến thể dạng 5 nhánh.

Về kỹ thuật chạm khắc, những đình làng thế kỷ XVII – XVIII thường sử dụng lối chạm bong, chạm lộng thì sang thời Nguyễn lại thường sử dụng chạm nông, chạm soi đường chỉ hoặc một số trường hợp chạm lộng sử dụng trong đề tài “Bát vật”. Những đề tài “Tứ linh” ở các Cốn thường sử dụng chạm nổi, phần đầu các con vật thường được tạo riêng (chạm tròn) sau đó gắn vào phần thân. Đường nét chạm khắc của những đình làng thế kỷ XVII – XVIII tạo sự chắc khỏe, mập mạp, ấm cúng bao nhiêu thì kỹ thuật chạm khắc dưới thời Nguyễn có vẻ đơn giản, sắc nét nhưng có phần gai góc. Đây là đặc điểm khác biệt cơ bản về nghệ thuật điêu khắc trang trí so với những đình làng được sửa chữa hoặc làm mới dưới thời Nguyễn trong hệ thống đình làng ở Gia Lâm.


3.2.1.4.Niên đại

Xung quanh niên đại đình làng ở Gia Lâm chúng tôi đã đề cập ở phần trên để đánh giá về vị trí xây dựng, quy mô kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc trang trí, để mở rộng sự so sánh giữa các đình làng ở Gia Lâm có niên đại thế kỷ XVII – XVIII với các đình làng đồng đại và hệ thống đình làng ở Gia Lâm nói chung. Về niên đại khởi dựng, hiện chưa tìm thấy ngôi đình nào được dựng trước thế kỷ XVII. Bên cạnh đó đã xác nhận được đình làng Xuân Dục dựng đầu thế kỷ XVII. Kế tiếp là đình làng Xuân Đỗ Hạ (Cự Khối), mặc dù chỉ còn tấm bia mang niên đại Vĩnh Tộ (1619 – 1628) như khẳng định ngôi đình này đã được xây dựng gần 400 trăm năm. Tuy nhiên đó cũng là dấu hiệu có thể ngờ rằng ở Gia Lâm, vào đầu thế kỷ XVII cùng có một vài ngôi đình được khởi dựng. Hiện chưa tìm thấy ngôi đình nào ở Gia Lâm được dựng vào giữa thế kỷ XVII, có khả năng vào giai đoạn này các làng quê chưa đủ điều kiện về kinh tế để xây dựng công trình lớn như đình làng, mặc dù trước đó vào đầu thế kỷ XVII ở Xuân Dục và gần với Gia Lâm không xa có đình Phù Lưu (Bắc Ninh) đã ra đời. Sang đến giai đoạn cuối thế kỷ XVII, ở Gia Lâm đã cho ra đời hàng loạt ngôi đình có trước thời Chính Hòa như đình Trân Tảo (Phú Thị), đình Ninh Giang (Ninh Hiệp), đình Công Đình (Đình Xuyên) vào thời Cảnh Trị (1663 – 1671), rồi đình Gia Quất (Thượng Thanh) hiện không còn kiến trúc do binh hỏa nhưng tấm bia “Ký sự bi ký’’ dựng năm Cảnh Trị cửu niên (1671) ghi lại việc dựng đình trong thời kỳ này. Cũng ở Thượng Thanh có đình Thượng Cát (đình Tăng Phúc) được xây dựng năm Vĩnh Trị (1676) được ghi lại trong bia “Tăng Phúc đình bi ký’’. Như vậy, cũng trong giai đoạn cuối thế kỷ XVII, ở Gia Lâm đã có nhiều đình được dựng trước thời Chính Hòa (1680 – 1704). Bên cạnh đó có một số đình làng được dựng giai đoạn cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII như đình Ngô (Thạch Bàn), đình Đông Dư Hạ (Đông Dư), đình Tế Xuyên (Đình Xuyên), đình Ngọc Đông (Đa Tốn)...Tuy nhiên, ở Gia Lâm chưa tìm thấy đình làng nào có niên đại chính


xác được khởi dựng vào thời Chính Hòa mà chỉ dự đoán thông qua sự so sánh về kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc trang trí.

Sau thời Chính Hòa đến hết thế kỷ XVIII, ở Gia Lâm cũng chưa tìm thấy ngôi đình nào được khởi dựng. Chỉ đến thời Cảnh Hưng, một số đình làng được tu sửa. Văn bia ở đình làng Thổ Khối lập năm Cảnh Hưng thứ 39 (1778) có đoạn ghi: “... Nghe nói đình thờ thần làng ta tu sửa, khang trang mới mẻ, chùa thờ phật quyên gom kinh sách, bèn cùng mọi người làm phúc quả. Ở tỉnh hạt lúa gạo được chia thêm cho các hộ dưới, tiền tài không tích trữ làm của riêng. Đấy là cái đức thiện, ý hạnh...”.

Sang thời Nguyễn, một số đình được xây dựng, ở Gia Lâm cũng chỉ xác đình được một vài đình làng dựng đầu thế kỷ XIX như đình Trạm (Long Biên) dựng vào năm Gia Long thứ 17 (1818), rồi đình Nha cũng ở Long Biên dựng năm Minh Mệnh thứ 3 (1822). Một số đình làng khác dựng muộn hơn như đình Xuân Độ Thượng, đình Trung thôn, đình Hạ Trại ở Cự Khối do có sự tách làng. Như vậy, dưới thời Nguyễn ở Gia Lâm cũng có hiện tượng xây dựng đình mới nhưng đặc biệt chủ yếu vẫn là việc tu sửa đình đi kèm đó là xây dựng mới, mở rộng quy mô các hạng mục Hậu cung, Phương đình, Tả - Hữu vu và một số công trình phụ trợ khác.

3.2.2. Mối quan hệ với hệ thống kiến trúc đình làng Việt Nam

Trước hết là vấn đề lịch sử, chính trị và bước đi của tôn giáo, tín ngưỡng Vào thế kỷ XVII, giai đoạn lịch sử đã và đang rơi vào tình cảnh Trịnh – Nguyễn phân tranh, những cuộc nội chiến nồi da nấu thịt. Dẫn đến khủng hoảng lòng tin vào Nho giáo, ít nhiều đã phá vỡ trật tự cố hữu ở nông thôn. Mặt khác chính lòng tin vào đạo Phật cũng đã bị khủng hoảng mà chúng ta thấy bắt đầu từ thời Lý mà đặc biệt mạnh mẽ hiện tượng vật chất hóa ngôi chùa và kiếp tu thông qua hiện tượng công đức lớn của tầng lớp trên. Hiện tượng này về tư tưởng như là sự khoán ước với thần linh, khiến cho nhận thức đạo đức của nhà Phật cũng như nhận thức về Phật triết bị xói mòn. Trước đây hệ tư tưởng chính thống ở Việt Nam không dựa vào Phật giáo thì dựa vào Nho


giáo. Dẫn tới Nho – Phật phải dung hội để chi phối đến hệ thống tư tưởng chính thống và bình dân của xã hội. Sự xác nhận đã cho thấy mở đầu hiện tượng này ngay từ phái Thảo Đường (thời Lý Thánh Tông). Đó là một Phật phái đem nhà Nho đến Phật đài. Tiền lệ ấy phát triển ở nhà Trần với xu thế Nho giáo và địa vị của Nho sĩ ngày càng cao lên, vua Trần Nghệ Tông đã phải kêu lên: bọn học trò mặt trắng không theo truyền thống của tổ tông mà cái gì cũng theo phương Bắc cả (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Cho tới khi cuộc đại khủng hoảng hệ chính trị xã hội dưới thời Mạc khiến một số nhà Nho cũng phải đi vào con đường “vô vi” của Đạo Lão để tìm cân bằng cho tư tưởng, mà điển hình: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ, Nguyễn Hàng. Từ hiện tượng này như một khởi đầu báo hiệu cho cả lòng tin vào Phật và Nho đều khủng hoảng. Ngôi chùa ở nông thôn như trở thành một nơi đáp ứng yêu cầu chủ yếu của nữ giới thì đình làng mà chúng ta đã biết: manh nha từ thời Lê sơ, định hình thế kỷ XVI, mà thực tế mới chỉ tìm được còn lại mà dấu tích khoảng dưới 10 ngôi. Chính do đình làng thích hợp với tính chất “Uống nước nhớ nguồn’’, một hiện tượng mở rộng của tục thờ cúng tổ tiên đã được người Việt mà đặc biệt là giới đàn ông nông thôn và tầng lớp Nho sĩ cấp thấp hội tâm, hội lực thúc đẩy cho phát triển đến đỉnh cao; để bùng nổ vào cuối thế kỷ XVII. Cái chung của đình làng là nó trở về với bản thể của tâm hồn Việt, đi tìm lấy bản sắc dân tộc không bị lệ thuộc vào bất kể một hệ thống tôn giáo du nhập nào từ bên ngoài. Chính các ngôi đình ở Gia Lâm đã cơ bản trong giai đoạn này. Nó đã phản ánh tính chất thờ Thành hoàng làng là một dạng ông tổ của cộng đồng làng xã. Cũng từ điều kiện cơ bản ấy, đình làng ở Gia Lâm thế kỷ XVII – XVIII được ra đời cũng có tính kế thừa, phát triển, cùng có những đặc điểm chung và riêng so với những ngôi đình trước đó và sau này trong hệ thống đình làng Việt Nam mà đặc biệt ở vùng châu thổ Bắc Bộ về các mặt vị trí xây dựng, quy mô kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc trang trí.


3.2.2.1. Vị trí xây dựng

Có thể thấy, đình làng là công trình kiến trúc có quy mô lớn nhất của cộng đồng làng xã đáp ứng nhiều chức năng văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo, hành chính... cho nên những đình làng thế kỷ XVII - XVIII ở Gia Lâm cũng như các đình làng cùng niên đại ở Việt Nam thường quan tâm đến vị trí xây dựng để đáp ứng các chức năng của nó.

Trước hết là đình Phù Lưu (Từ Sơn- Bắc Ninh), ngôi đình này được biết đến có niên đại đầu thế kỷ XVII. Theo hai tác giả Phương Anh và Thanh Hương, ngôi đình này dựng vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII [40, tr.40]. Đình Phù Lưu được dựng khang trang, bề thế trong một không gian thoáng đãng, nổi trội hơn so với xóm làng. Làng Phù Lưu không có gò đồi nhưng có chợ Giầu cạnh đường cái quan, nơi giao thương buôn bán sầm uất, ngôi làng này bên cạnh sông Tiêu Lương xưa [40, tr.34]. Chính bởi điều kiện địa lý “Nhất cận thị nhị cận giang” ấy với kinh tế phát triển của một làng trọng võ lẫn văn chương nên đã sớm cho ra đời ngôi đình bề thế như vậy.

Một ngôi đình khác ở xứ Bắc cũng được biết đến dựng dưới thời Mạc (1576) và được sửa chữa năm 1692 [40, tr.27]. Đình Lỗ Hạnh dựng trên thế đất lưng hình con rùa, người Lỗ Hạnh đã huyền thoại hóa đất làng thành hình ảnh con rùa khổng lồ, bốn chân bám vào bốn làng: Chằm, Chúng, Khoát, Chùa, đầu nhìn quay về hướng tây trông ra các bãi đất có thế cờ, loa, nghiên, bút, tạo ra cái mạch đẹp “văn vua làng Hạnh”. Chính ở vị trí lưng rùa đất, nhân dân đã dành để xây dựng công trình văn hóa chung cho mấy làng là đình cả Lỗ Hạnh [40, tr.24].

Cũng ở xứ Bắc có ngôi đình Phù Lão được dựng năm 1688, tác giả Trịnh Cao Tưởng cho biết: “Ta có thể dễ dàng nhận thấy ngay đình Phù Lão được đặt ở bậc thềm của một dòng sông cổ. Nơi sông uốn mình cong lại, tạo nên mặt nước phẳng lặng êm đềm. Tiếc rằng, trong trí nhớ của mọi người ở làng không còn ai nhớ được tên gọi của con sông xưa. Sự sụt lở của nhiều nơi trong nền đình đã cho thấy người Phù Lão đã không dựng công trình của làng mình

Xem tất cả 232 trang.

Ngày đăng: 20/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí