Đình làng thế kỷ XVII – XVIII ở Gia Lâm Hà Nội - Những giá trị lịch sử và văn hoá - 19


cao những biểu tượng như được quy định và từ đấy ngôi đình đã ít nhiều mang tính chất của ngôi đền nặng về tinh thần thờ cúng mà sinh hoạt cộng đồng bị hạn chế dần. Mà cụ thể những Hậu cung kiểu chuôi vồ nảy sinh, việc tế lễ kiểu “Hương đảng tiểu triều đình’’ dần định hình và phát triển. Ý thức khác biệt ấy còn ảnh hưởng đến cả cấu trúc như bưng kín để tạo sự thâm nghiêm hoặc nảy sinh kiến trúc đình dạng “Tường hồi bít đốc’’ và đâu còn “Qua đình ngả nón trông đình, đình bao nhiêu tuổi thương mình bấy nhiêu’’. Một kiến trúc lớn bề thế uy nghi riêng Việt dần bị tàn phai theo dòng chảy của lịch sử.

3.2.2.3.Nghệ thuật điêu khắc trang trí

Như chúng ta được biết, hiện nay chưa phát hiện được ngôi đình nào trước thế kỷ XVI, mà chỉ tìm thấy khoảng 10 ngôi đình dưới thời Mạc. Chính bởi vậy việc nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc trang trí đình làng ở Gia Lâm thế kỷ XVII - XVIII chỉ có thể so sánh với một vài ngôi đình tiêu biểu dưới thời Mạc trở về sau này.

Đầu tiên phải kể đến đình làng Thụy Phiêu thuộc thôn Thụy Phiêu xã Thuỵ An (Ba Vì, Hà Nội). Ngôi đình này được xác định tu sửa vào năm Đại Chính thứ 2 (1531) và sau đó được tu sửa nhỏ nhiều lần vào các thế kỷ XVII, XVIII, XIX và gần đây nhất vào thập niên đầu thế kỷ XXI. Nghệ thuật điêu khắc trên kiến trúc đình được thể hiện trên khắp các cấu kiện kiến trúc. Các tác phẩm điêu khắc ở đây được tạo tác tỉ mỉ, sinh động và mang đậm dấu ấn của thời đại. Có niên đại xưa nhất ở đây là các bức chạm trên các tấm ván bưng giữa cột trốn trên các bộ vì nóc của tòa Đại đình, và các đầu dư chạm lộng ở các gian bên. Những bức chạm này được làm theo phong cách chạm lộng, chạm bong với các đề tài: rồng, lân (Bản ảnh số 118), tiên cưỡi rồng (Bản ảnh số 120) , hoa cúc, lá đề...Niên đại tạo tác của các tác phẩm này có thể được làm vào lần tu sửa đình năm 1531. Tiếp theo là các bức chạm lộng, chạm nổi trên thân bẩy hiên, trên thân cột và xà sàn gác lửng cung cấm theo đề tài “Lưỡng long chầu nguyệt”, mả táng hàm rồng, lân, hổ, lợn... mang nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII. Các đầu dư ở đầu 4 cột cái chính của đình là các


đầu rồng đồ sộ, miệng rộng, mũi hếch, trán dô, râu tóc bờm bay xuôi ra sau từng lớp (Bản ảnh số 119)...theo phong cách điêu khắc thế kỷ XVIII, XIX của những lần tu sửa dưới thời Nguyễn. Có thể nhận thấy rằng, ngay ở đình Thụy Phiêu đã có những đề tài trang trí với nhiều phong cách nghệ thuật trải dài từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Nghệ thuật điêu khắc trang trí ở đình Xuân Dục có những nét tương đồng với ngôi đình này và dường như nó được kế thừa của đình thời Mạc, nhất là hình tượng điêu khắc rồng trên Cánh gà, đầu dư, ván gió hậu.

Tiếp theo là đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang), về niên đại xây dựng, vị trí xây dựng và quy mô kiến trúc đã được đề cập ở phần trên. Đồ án trang trí tập trung ở 4 vì nóc, 8 bức cốn và hệ thống ván lá gió ở xà thượng, xà hạ với các đề tài rồng, phượng, hoa lá, mây, thú, cá hóa rồng. Hình người được chạm khắc trên đình Lỗ Hạnh không nhiều lắm, và thường đơn lẻ chưa thành cảnh sinh hoạt hay các minh họa tích truyện. Ngoài các vị tiên nữ cưỡi rồng (Bản ảnh số 122), phượng (Bản ảnh số 121), lại có thiếu nữ gảy đàn đáy. Hình chim phượng chạm rất to, đuôi xòe và đứng lẫn trong các đám mây, cổ phượng ngắn, đầu to, mỏ nhọn, hình hổ nằm, hình hươu đứng trong mây, hoặc cưỡi trên lưng là một tiên nữ đang đánh đàn. Hình tượng rồng trên trang trí kiến trúc khá đa dạng. Nếu ở gian giữa rồng thường được thể hiện khối tròn chạy thẳng ra phía trước thì gian bên rồng ở đầu dư đều quay đầu vào gian giữa. Hiện tượng này chỉ tồn tại tới hết giai đoạn của phong cách nghệ thuật Mạc. Những đầu dư dạng này cũng thấy xuất hiện ở đầu dư gian chái đình Thanh Am, đình Xuân Dục. Một kiểu tạo hình khác mang tính chất khởi đầu đó là hình đôi cá hóa rồng với toàn thân và đuôi của cá còn đầu đã được chuyển hóa thành rồng cùng chầu vào bông cúc mãn khai. Hiện tượng này là dấu ấn dân gian trong nghệ thuật tạo hình. Ở Gia Lâm, hình thức cá hóa rồng, duy nhất còn nhìn thấy ở ván gió hậu đình Xuân Dục. Ngoài ra trên một số cấu kiện còn có hoa văn mây lửa, hoa cúc, với nhiều bố cục sống động. Các bức chạm người cưỡi ngựa, đấu võ, hoa sen, rồng, chim, tiên cưỡi rồng là những tác


phẩm nghệ thuật điêu khắc có tiếng. Tiêu biểu là bức chạm “người chơi đàn đáy” được chạm trên khuôn gỗ hình chữ nhật (dài 36 cm, rộng 24 cm). Với nghệ thuật tả thực, kết hợp với kỹ thuật chạm nổi, vê tròn, thể hiện trên chất liệu gỗ có màu sáng ngà, bức chạm diễn tả một cô gái đang cầm đàn để chéo trước ngực, ngồi tựa lưng vào chú hươu đang trong tư thế quỳ phủ phục.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 232 trang tài liệu này.

Trong sự so sánh nghệ thuật điêu khắc trang trí đình làng ở Gia Lâm thế kỷ XVII – XVIII thì không thể không kể đến nghệ thuật điêu khắc trang trí đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội). Bởi lẽ các mảng chạm trang trí trên cấu kiện kiến trúc đình Tây Đằng dày, ít bỏ sót những chỗ có thể chạm được, tính đồng hiện đã thể hiện khá rõ giữa các đề tài. Các đề tài đó tập trung vào ít nhất vào ba loại hình cơ bản sau: linh vật, hình tượng con người, biểu tượng tự nhiên và cây cỏ được “vũ trụ” hóa. Đề tài linh vật phổ biến nhất là rồng (Bản ảnh số 123), lân, hươu, phượng, voi, ngựa... Hình tượng rồng có mặt ở nhiều chỗ như tại đầu dư, các đấu kê góc và bẩy, trên các con đệm dưới xà (cánh gà) hoặc làm vật cưỡi cho các thiên thần (đặt trên đấu ba chạc). Người ta có thể thấy rồng được chạm tròn. Trong bố cục ở đầu dư, chúng thường dưới hình thức chạm lộng, nhất là đối với các đao. Ở các đầu dư gian bên, chúng thường bò ra rồi quay đầu nhìn vào gian giữa. Ở những cánh gà, rồng thường được diễn ra dưới dạng bò ngang, đầu nhìn thẳng, trong nhiều cách thức khác nhau, có con thân mang dạng cá đuôi mập và lượn nhẹ, có con đuôi xoắn. Nền của rồng làng những vân xoắn lớn ken nhau. Hình tượng lân được thể hiện chủ yếu ở đầu ngoài của bẩy, dưới dạng độc lân. Chủ yếu chúng gần gũi với loại thú bốn chân, không xa cách bao nhiêu với những con sư tử trong nghệ thuật Trung Hoa. Hình tượng chim phượng được thể hiện khá ít, hiện chỉ gặp một đôi trong tư thế chầu nhau trong ván lá đề của vì nóc bên phải. Cả hai đặt cân xứng, cánh mở rộng, mỏ diều, tóc và lông cổ kết bốn cụm chải bay lượn nhẹ ra phía sau. Nền của phượng là các cụm vân xoắn nối nhau. Điểm xuyết tại ván gió còn có cảnh voi đi cầy (voi đứng có tính chất tượng trưng, phía sau có chiếc cầy), voi lồng với chân bươn ra phía trước và sau, đầu quay lại, vòi vểnh


Đình làng thế kỷ XVII – XVIII ở Gia Lâm Hà Nội - Những giá trị lịch sử và văn hoá - 19

lên và như có nụ cười. Tại đình Tây Đằng cũng thoáng hiện ba con hươu, trong tư thế chạy hay tư thế nằm nghỉ lẫn trong một vân xoắn...Hình tượng con người được thể hiện dưới hai dạng: tượng tròn và phù điêu. Các tượng tròn phần lớn là các vũ nữ được gắn vào thân rồng dưới dạng mộng ngoàm. Phù điêu về chủ đề con người được thể hiện với những nét mộc mạc, nhưng có khả năng khái quát cao, tạo nên cái thần của đề tài (Bản sảnh số 124). Đó là cảnh cưỡi đầu rồng, chèo thuyền, đấu hổ, trẻ con, gánh con, và các hoạt thể về tình yêu, hội hè (chèo thuyền, xiếc...). Trên bộ vì nóc bên trái, tại một số cột trốn đã tạc nổi một người đàn bà ngồi xổm, dang rộng chân, mặc váy, hai tay nắm lấy cổ và đuôi rắn. Hay cảnh tình yêu khác lại diễn ra giữa một ông già (có nếp nhăn trên trán) và người phụ nữ trẻ, ông ta cầm lược đang gạ trải tóc... Cảnh này rất đáng quan tâm: với dải tóc dài kéo ra trước mặt của người phụ nữ, một hình thức như mở đầu cho một dạng tóc của thời đỉnh cao nghệ thuật đình làng ở cuối thế kỷ XVII. Rồi hai bên có hai thiên thần có cánh nam và nữ cũng cầm bông sen giơ chéo vào giữa, nửa dưới của thiên thần là đuôi rồng. Đây là hình ảnh vô cùng hiếm trong tạo hình Việt, khiến chúng ta khó tìm được nguồn gốc. Một đề tài khác là cảnh làm xiếc với hai người đàn ông đội mũ bì biện, mặc váy ngắn, đứng hai bên một người một người nằm giơ chân đỡ đứa trẻ... Trong một cảnh chèo thuyền, ở con đệm dưới rồng (ngay ở cửa thờ) cũng có hình đàn ông mặc váy. Hiện tượng này đã gặp ở chùa Cói (Vĩnh Phú) một di tích cùng thời, và sau đó, cuối thế kỷ XVII lại thấy thể hiện tại đình Liên Hiệp (Hà Nội). Hình tượng người đội mũ bì biện cũng được xuất hiện ở cốn gian giữa đình Tình Quang (Giang Biên), tuy nhiên ở đình Tình Quang là hai chú bé đang trong động tác vui đùa ...Đàn ông mặc váy chủ yếu chỉ có ở tầng lớp dưới và những người liên quan tới nghệ thuật biểu diễn. Dù sao chúng vẫn phản ánh về một hình thức trang phục còn tồn tại ở đương thời, như bắt nguồn từ gốc nông nghiệp phương Nam. Trong tạo hình của đình, hoa cỏ nổi bật nhất là cúc, ngoài ra điểm xuyết chỉ có vài cây liên quan tới hoạt cảnh, có thể kể tới như: những cây tre với măng trong cảnh ngồi khó cho


măng mọc, mà dáng dấp cành lá vượt ra ngoài thực tế nhiều, rồi một cây tre lớn xen giữa đôi trai gái mang tính chất linh thiêng, tại đường diềm chỉ còn hình lá hoặc cánh sen cách điệu vuông mà thôi. Trở lại với hoa cúc, chúng xuất hiện ở mọi chỗ, chủ yếu là những bông cúc mãn khai nhìn thẳng dưới dạng trọn vẹn hoặc một phần, có lá kèm (như ở đầu cột trốn hai bên phượng) hoặc không (ken giữa vân xoắn, giữa các đề tài khác, đầu rường...). Riêng lá cúc, được xuất hiện ở rất nhiều chỗ, trong nhiều dạng và phần nhiều nhìn nghiêng. Biểu tượng gắn với lực lượng tự nhiên trong chạm khắc của đình nổi lên chỉ có ba dạng: đao dài mảnh lượn sóng nhẹ gắn với các linh vật, loại đao mác xuất hiện từ một vân xoắn, chúng như tiền đề của loại đao mác phổ biến dưới thế kỷ XVII – XVIII. Nổi lên hơn cả là dạng vân xoắn cuộn tròn được thể hiện khắp nơi, nhất là trên mặt bẩy, đầu rường ở vì nóc, cốn... chắc chắn đây là một đề tài trang trí chính, vì chúng khá lớn và chiếm vị trí trung tâm, mọi trang trí khác ở hai bên (trừ hoa cúc, cảnh nhổ cây, lân...) chỉ có tính chất phụ trợ. Ở trên cao, vân xoắn ít có chi tiết phụ, song ở thấp chúng được tạo nổi với nhiều đường viền điểm lá cúc, nhiều khi tại sống vân là một hàng hạt, bao quanh bằng hàng vân xoắn nhỏ...Đình Tây Đằng mang tư cách mở đầu cho một truyền thống mới trong một bước đi mới của xã hội và lịch sử kiến trúc dân tộc.

Một ngôi đình khác ở xứ Đoài, đó là đình Thanh Lũng thuộc xã Tiên Phong, huyện Ba Vì (Hà Nội). Đây là ngôi đình ra đời vào thế kỷ XVI và được trùng tu nhiều lần ở các thời kỳ sau, nên điêu khắc trang trí trong kiến trúc đình Thanh Lũng mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc của nhiều giai đoạn khác nhau. Mang niên đại tạo tác xưa nhất là các đấu đỡ hình trụ, với các mảng chạm lộng theo đề tài “độc long” trên thân đấu. Kế tiếp là các mảng chạm khắc, trang trí tồn tại khá phong phú, đậm đặc trên toàn bộ hệ khung. Các đầu dư, con kìm trên các bộ vì được chạm hình đầu rồng theo kỹ thuật chạm bong, chạm lộng của thế kỷ XVI – XVII, Trên các rường, cốn, kẻ, bẩy hay ván bưng là các bức chạm theo phong cách chạm lộng, chạm nổi, chạm


bong kênh, với các đề tài “độc long”, lân, hổ hoặc các cụm mây cách điệu, mây lửa hoặc các quai lá hình đao mác, mang đặc trưng của điêu khắc gỗ của giai đoạn này. Một mảng chạm khắc do hư hỏng mất mát, đã được tu sửa thay thế trong lần tu sửa gần đây, với các đề tài hoa, dây lá cách điệu, được làm với kỹ thuật chạm khắc đơn giản, đường nét chạm lông và hơi thô. Như vậy đình Thanh Lũng là một ngôi đình lớn của “Trung tâm đình làng” vùng xứ Đoài nói riêng, trong cả nước nói chung. Trong kiến trúc và quy mô này, có đủ mọi giá trị tiêu biểu của một ngôi đình làng Việt. Kỹ thuật chạm khắc ở đình làng Xuân Dục kế thừa rất gần gũi với đình Thanh Lũng này, đặc biệt thể hiện ở Cánh gà, ván gió hậu (Bản ảnh số 127).

Trở về với ngôi đình ngay gần Gia Lâm, đó là đình Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội). Ngôi đình này được khởi dựng vào thời điểm nào đến nay chúng ta vẫn chưa xác định được một cách chính xác. Di tích tồn tại với kiến trúc chủ yếu mang phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Lê trung hưng thế kỷ XVII, được tôn tạo, bổ sung một số đơn nguyên kiến trúc ở thời Nguyễn. Hiện tượng bổ sung các đơn nguyên kiến trúc thì hầu như đình nào cũng vậy, các ngôi đình ở Gia Lâm thế kỷ XVII – XVIII cũng không nằm ra ngoài hiện tượng đó. Trở lại với đình Dục Tú, qua khảo sát, trên cấu kiện kiến trúc người thợ dân gian đã bộc lộ sự linh hoạt trong cách thể hiện. Chính yếu tố này đã làm cho các đề tài trang trí tuy không nhiều song không đơn điệu mà phối hợp với nhau nối vì cốn này đến vì cốn khác, từ tiền tế đến đại đình tạo nên tầng tầng lớp lớp (Bản ảnh số 131). Trên các mảng chạm khắc có hình con chim phượng lớn ở trung tâm đang trong thế múa, hai cánh xòe rộng mà mỗi lông cánh được tỉa từng chiếc mạnh mẽ, dứt khoát, khiến cho thế phượng rất khỏe. Dưới phượng lại là rùa cuốn thủy đội lá sen mà các sóng nước là những vân lá cúc dây... Đây là một hình tượng phượng còn chịu nhiều ảnh hưởng của thế kỷ XVI, XVII, còn vân xoắn, các lá cách điệu là biểu hiện của sự cầu nguồn nước, kế thừa những quan niệm cổ truyền của cư dân nông nghiệp. Trên những cốn chính, trung tâm là rồng, biểu tượng của bầu trời, rồng uốn lượn


làm nổi lên sự vần vũ của các cụm mây. Từ miệng rồng phun ra nguồn nước và trên dòng điểm xuyết hình cá chép đang bơi ngược dòng... Mỗi linh vật có dáng vẻ, hình thức thật đa dạng làm cho các mảng chạm đạt giá trị nghệ thuật cao, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Nguyễn. Trải qua nhiều biến có thăng trầm của lịch sử, đình Dục Tú vẫn tồn tại và lưu giữ cho hậu thế những giá trị văn hóa, nghệ thuật, giá trị lịch sử từ quy mô bề thế của kiến trúc đến các kết cấu, các mảng chạm khắc.

Để có sự so sánh phong phú hơn, cũng phải điểm qua một ngôi đình được dựng vào thế kỷ XVIII, đó là đình Dư Hàng Kênh (xưa kia là xã Dư Hàng), huyện An Hải, thành phố Hải Phòng. Ngôi đình này được cho là sao nguyên bản mẫu của đình Hàng Kênh, chỉ khác đôi nét về đường nét chạm khắc và đề tài trang trí, được dựng năm Mậu Tuất (1718) và trùng tu năm Tân Hợi (1851). Về mặt điêu khắc, bên ngoài hiên, ngoại trừ những đầu bẩy chạm rồng mây, trên các tấm ván dưới chấn song có tới hàng chục mảng chạm hình rồng mây, hoa lá cách điệu, hươu nai, cúc, long mã, phượng hàm thư, rùa cõng hà đồ... Trong gần 150 mảng điêu khắc, chủ đề rồng chiếm đại đa số, theo thống kê chưa đầy đủ có khoảng 400 con rồng, chỉ riêng tòa Tiền tế đã có hơn 30 ổ rồng gồm rồng mẹ và rồng con quấn quýt giữa hoa cỏ và muông thú rất đa dạng và phong phú... Trong trang trí kiến trúc, quá nửa mảng chạm được chạm theo lối bong kênh, đặc biệt để tăng diện tích trang trí làm đẹp cho kiến trúc ở vị trí dưới xà thượng giáp với cột cái người xưa cho dựng bộ phận cánh gà được tạo tác bởi đấu con sơn nhả dần từ trên xuống dưới, mô típ trang trí được sử dụng nhiều nhất là hình rồng, và được bao phủ bởi hệ thống đao mác (Bản ảnh số 130)... Mô típ trang trí hình rồng ở đình Dư Hàng vừa gắn liền với hình ảnh với vua, vừa gần gũi với nhân dân với các đề tài như: Rồng vuốt râu, hoa lá hóa rồng, lưỡng long chầu nguyệt, tứ linh...Nhìn chung, rồng ở đình Dư Hàng thân như bị chìm trong đao mác, đầu rồng mẹ thường là trung tâm của các bức chạm, xung quanh là rồng con...Đình Dư Hàng là một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật có quy mô đồ sộ của thành phố Hải Phòng. Nơi


đây còn lưu giữ nhiều mảng chạm, trang trí kiến trúc nghệ thuật có giá trị. Di tích này là gạch nối quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử, mỹ thuật cổ truyền của giai đoạn chuyển tiếp giữa hai triều đại Lê, Nguyễn. Đây cũng là một trong những đình làng tiêu biểu làm cơ sở cho việc nghiên cứu, so sánh nghệ thuật điêu khắc trang trí của đình làng ở Gia Lâm thế kỷ XVII – XVIII.

Những đình làng thế kỷ XVII – XVIII ở Gia Lâm nói riêng và đình làng trước đó và đồng đại ở Việt Nam nói chung được chạm khắc nhiều đề tài mang tính biểu tượng phản ánh ước vọng muôn đời muôn thuở của người nông dân Việt. Đó là ước vọng được mùa trên nền tảng trí tuệ.

Hiện tượng cánh gà và ván lá gió có thể thấy sớm nhất được thể hiện ở đình Tây Đằng (Hà Nội), rồi ở đình Thanh Lũng (cách đình Tây Đằng 2 km), đó là hai di tích có cùng niên đại vào nửa cuối thế kỷ XVI. Cánh gà của đình Xuân Dục phần nào như nối tiếp kiểu cánh gà ở đình Thanh Lũng và như cầu nối với những cánh gà của một số kiến trúc có niên đại vào cuối thế kỷ XVII mà điển hình ở đình Công Đình và đầu thế kỷ XVIII như ở Dư Hàng (Hải Phòng).

Đề tài trang trí trên các Cốn, các mảng trang trí khác ở đình Trân Tảo, Tình Quang là cảnh sinh hoạt dân gian múa hát, hình tượng lân cầm rắn, hổ... đây là nét tương đồng về phong cách tạo tác, đề tài trang trên kiến trúc nhiều ngôi đình ở đồng bằng Bắc bộ như: đình Tây Đằng, đình Thụy Phiêu, đình Phùng (Hà Nội), đình Lỗ Hạnh, đình Thổ Hà (Bản ảnh số 125, số 126), đình Phù Lão (Bắc Giang), đình Liên Hiệp (Phúc Thọ, Hà Nội), đình Ngọc Canh (Vĩnh Phúc), đình Hà Hiệp (Hà Nội). Như vậy có thể khẳng định các ngôi đình này được làm cùng thời và là sản phẩm có trước thời Chính Hoà. Đặc biệt còn cho thấy đặc điểm những ngôi đình được làm vào thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII được trang trí nhiều đề tài, dày đặc các mảng trang trí. Những ngôi đình thời kỳ sau đã đơn giản hóa trang trí.

Các đầu dư trên kiến trúc đình Xuân Dục, Tình Quang, Thanh Am, Trân Tảo và đình Công Đình đều được chạm lộng, bong kênh với hình tượng

Xem tất cả 232 trang.

Ngày đăng: 20/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí