hơn và có thể dùng nhiều lần để góp vốn kinh doanh. Thực tiễn này đã cho thấy, để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về giá trị của tài sản trí tuệ, bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam trong các thương vụ liên doanh, mua bán, chuyển nhượng tài sản với doanh nghiệp nước ngoài, pháp luật cần phải có các quy định về định giá tài sản trí tuệ khi góp vốn.
Luật Doanh nghiệp năm 2005 và hiện nay là Luật Doanh nghiệp năm 2014 với các quy định về việc góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ và định giá tài sản góp vốn đã tạo lập cơ sở pháp lý để hạn chế các rủi ro phát sinh trong các hoạt động góp vốn, liên doanh, liên kết bằng tài sản trí tuệ ở Việt Nam. Quy định về định giá tài sản trí tuệ khi tiến hành góp vốn giúp xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong quá trình góp vốn cũng như trách nhiệm của các bên đối với những hậu quả pháp lý phát sinh do không xác định chính xác giá trị của tài sản trí tuệ được sử dụng để góp vốn. Mặc dù quy định về định giá tài sản trí tuệ trong trường hợp này còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng đã là một thành công của pháp luật nhằm bảo đảm trên thực tế các quyền năng của chủ sở hữu tài sản trí tuệ và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các công ty khi khai thác giá trị kinh tế của tài sản trí tuệ để đầu tư kinh doanh.
(2). Định giá tài sản trí tuệ để hạch toán sổ sách kế toán, lập báo cáo tài chính và theo dõi biến động tài sản của doanh nghiệp trong suốt quá trình kinh doanh
Trong cơ cấu tài sản của doanh nghiệp, tài sản trí tuệ là một loại tài sản cố định vô hình và được liệt kê trong khái niệm về tài sản cố định vô hình gồm có: nhãn hiệu hàng hóa, phần mềm máy vi tính, bản quyền, bằng sáng chế (Quyết định số 149/2001/QĐ-BTC ngày 31/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 04 quy định về tài sản cố định vô hình).
Để làm cơ sở ghi nhận và hạch toán trên sổ sách kế toán, tài sản cố định vô hình phải được xác định giá trị ban đầu theo nguyên giá : là toàn bộ chi phí phát sinh từ thời điểm mà tài sản vô hình đáp ứng được định nghĩa và tiêu
chuẩn ghi nhận tài sản cố định vô hình đến khi tài sản cố định vô hình được đưa vào sử dụng. Nguyên giá tài sản cố định vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp bao gồm:
- Chi phí nguyên liệu, vật liệu hoặc dịch vụ đã sử dụng trong việc tạo ra tài sản;
- Tiền lương, tiền công và các chi phí khác liên quan đến việc thuê nhân viên trực tiếp tham gia vào việc tạo ra tài sản;
- Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc tạo ra tài sản, như chi phí đăng ký quyền pháp lý, khấu hao bằng sáng chế phát minh và giấy phép được sử dụng để tạo ra tài sản đó;
- Các chi phí sản xuất chung được phân bổ theo tiêu thức hợp lý và nhất quán vào tài sản (ví dụ: phân bổ khấu hao nhà xưởng, máy móc thiết bị, phí bảo hiểm, tiền thuê nhà xưởng, thiết bị).
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Quát Về Định Giá Tài Sản Trí Tuệ
- Khái Quát Về Pháp Luật Định Giá Tài Sản Trí Tuệ
- Đặc Trưng Của Pháp Luật Về Định Giá Tài Sản Trí Tuệ
- Quy Định Pháp Luật Về Tổ Chức, Cá Nhân Cung Ứng Dịch Vụ Định Giá Tài Sản Trí Tuệ
- Một Số Bất Cập Của Pháp Luật Về Định Giá Tài Sản Trí Tuệ
- Các Yêu Cầu Của Pháp Luật Về Hạch Toán Kế Toán Tài Sản Của Doanh Nghiệp Giúp Cho Định Giá Tài Sản Trí Tuệ Còn Bất Cập
Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.
Chi phí phát sinh đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp gồm chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên và chi phí quảng cáo phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp mới thành lập, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu,… không được tính vào khi xác định nguyên giá tài sản cố định vô hình, mà được ghi nhận là chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ hoặc được phân bổ dần vào chi phí sản xuất kinh doanh trong thời gian tối đa không quá 3 năm. Nhãn hiệu hàng hóa, quyền phát hành, danh sách khách hàng và các khoản mục tương tự được hình thành trong nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là tài sản cố định vô hình [7]. So sánh với chuẩn mực kế toán quốc tế về tài sản cố định vô hình (IAS 38) cho thấy chuẩn mực kế toán số 04 đã kế thừa các quy định của IAS 38 về
cách xác định nguyên giá của tài sản cố định vô hình. Việc được xây dựng dựa trên chuẩn mực kế toán quốc tế IAS 38 về tài sản cố định vô hình đảm bảo cho hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam nâng cao được tính công khai, minh bạch trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, phản ánh được các giao dịch của nền kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/4/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định đã bổ sung thêm các đối tượng tài sản trí tuệ được coi là tài sản cố định vô hình, gồm có: bằng sáng chế phát minh, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, sản phẩm, kết quả của cuộc biểu diễn nghệ thuật, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng và vật liệu nhân giống (Điều 6). Quy định này đã liệt kê khá đầy đủ các đối tượng tài sản trí tuệ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ghi nhận và hạch toán tất cả các đối tượng tài sản trí tuệ của mình vào sổ sách kế toán.
Về quản lý và trích khấu hao tài sản trí tuệ trong quá trình sử dụng, Thông tư số 45/2013/TT-BTC quy định: trong suốt quá trình sử dụng, giá trị còn lại trên sổ kế toán của tài sản trí tuệ được xác định trên cơ sở nguyên giá trừ đi giá trị số hao mòn lũy kế của tài sản (Điều 5). Thời gian trích khấu hao của tài sản trí tuệ đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là thời hạn bảo hộ được ghi trên văn bằng bảo hộ theo quy định (không tính thời hạn gia hạn thêm). Đối với các tài sản trí tuệ chưa được bảo hộ, thời gian trích khấu hao do doanh nghiệp tự xác định, nhưng tối đa không quá 20 năm (Điều 11).
Trên cơ sở tham khảo các chuẩn mực kế toán quốc tế về tài sản cố định vô hình, pháp luật Việt Nam đã cho phép ghi nhận tài sản trí tuệ là một loại
tài sản cố định vô hình trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Pháp luật đã quy định một cách rất chi tiết và cụ thể về việc xác định nguyên giá của tài sản trí tuệ, hướng dẫn cách trích khấu hao tài sản và xác định giá trị của tài sản trí tuệ trong quá trình sử dụng của doanh nghiệp. Đây là cơ sở để doanh nghiệp xác định và quản lý các tài sản trí tuệ của mình trong sổ sách kế toán cũng như thực hiện các hoạt động liên quan đến tài sản trí tuệ.
(3). Định giá tài sản trí tuệ để phục vụ cho mục đích cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước
Cổ phần hóa là cách gọi tắt của việc chuyển đổi các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần ở Việt Nam. Đây là một quá trình bắt đầu được thử nghiệm ở Việt Nam từ đầu những năm 1990-1991 và chính thức được thực hiện từ năm 1992.
Một khâu vô cùng quan trọng trong cổ phần hóa là doanh nghiệp phải xác định được giá trị tài sản của doanh nghiệp để tính toán vào giá trị cổ phần của các cổ đông khi cổ phần hóa. Việc xác định đúng giá trị doanh nghiệp một mặt đảm bảo lợi ích thiết thực của Nhà nước và các thành viên công ty khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mặt khác còn tạo tâm lý tin tưởng của các cá nhân, tổ chức khi mua cổ phần của doanh nghiệp. Các văn bản pháp luật đầu tiên về cổ phần hóa chủ yếu tập trung vào việc xác định giá trị các tài sản hữu hình và quyền sử dụng đất, mà chưa có các quy định về định giá các loại tài sản vô hình khác, trong đó có tài sản trí tuệ. Điều này đã làm giảm giá trị của doanh nghiệp cổ phần hóa, nhất là đối với doanh nghiệp có số lượng tài sản trí tuệ lớn và mang lại dòng thu nhập cao.
Thực tế quá trình cổ phần hóa thời gian qua cho thấy, đối với phần lớn các doanh nghiệp trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp thường không xem xét đến các tài sản trí tuệ. Cũng có những doanh nghiệp khi cổ phần hóa có tính đến giá trị tài sản vô hình nhưng không có một cách xác định cụ thể
mà chỉ đưa vào mục gọi là “lợi thế của doanh nghiệp”. Điều này đã làm giảm giá trị của doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Trường hợp cổ phần hóa của Công ty Cổ phần Tràng Tiền năm 2000 đã gây xôn xao dư luận khi giá trị tài sản của công ty được định giá quá thấp so với giá trị thương hiệu cũng như giá trị quyền sử dụng đất của công ty. Ra đời từ năm 1959, Kem Tràng Tiền của Công ty đã trở thành một thương hiệu ẩm thực nổi tiếng không chỉ ở Hà Nội mà còn là thương hiệu được cả nước biết đến. Tuy nhiên, giá trị thực của thương hiệu này không chỉ có vậy mà còn nằm ở khu đất 1.500m2 tọa lạc tại trung tâm thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, giá trị tài sản của công ty chỉ được
xác định 3,2 tỷ đồng vào năm 2000. Đây là một con số gây rất nhiều tranh cãi tại thời điểm bây giờ. Bên cạnh giá trị quyền sử dụng đất thì vấn đề về nhãn hiệu và tên thương mại của công ty là một vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau [33]. Cho đến nay, trường hợp cổ phần hóa của Công ty cổ phần Tràng Tiền là ví dụ tiêu biểu cho khả năng định giá bất động sản và thương hiệu quá thấp của các doanh nghiệp Nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa. Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp đã sớm nhận ra được vị trí và giá trị của tài sản trí tuệ trong kết cấu tài sản của doanh nghiệp như trường hợp nhãn hiệu kem đánh răng “Dạ Lan” được Công ty Sơn Hải bán lại cho Colgate Palmolive (Hoa Kỳ) với giá 3 triệu USD vào năm 1995, cao hơn giá trị tài sản hữu hình của Công ty này; nhãn hiệu kem đánh răng “P/S” của Công ty hóa phẩm P/S được hãng Unilever (Anh - Hà Lan) định giá và mua lại với giá hơn 5 triệu USD (tương đương với toàn bộ giá trị nhà xưởng của công ty này) vào năm 2003 [1]. Những ví dụ trên cho thấy, việc không định giá và định giá chưa đúng giá trị của tài sản trí tuệ khi cổ phần hóa doanh nghiệp đã làm giảm giá trị doanh nghiệp, làm thiệt hại lợi ích của Nhà nước và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Mặc dù việc hướng dẫn kế toán đối với tài sản trí tuệ đã được hướng
dẫn trong các chuẩn mực kế toán Việt Nam để làm cơ sở cho các doanh nghiệp theo dõi và quản lý các tài sản trí tuệ của mình. Nhưng trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Việt Nam vẫn bỏ quên việc xác định giá trị của loại tài sản này khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Chính vì vậy, để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp cổ phần hóa cũng như hướng dẫn cụ thể, các nhà làm luật đã bổ sung quy định về định giá tài sản trí tuệ khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Thông tư số 146/2007/TT-BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về tài chính khi thực hiện chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ đã bổ sung thêm việc xác định lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở lợi thế về vị trí địa lý và giá trị thương hiệu. Theo đó, giá trị thương hiệu (bao gồm: nhãn hiệu, tên thương mại) được xác định trên cơ sở các chi phí thực tế cho việc sáng chế, xây dựng và bảo vệ nhãn mác, tên thương mại của doanh nghiệp trong 10 năm trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc kể từ ngày thành lập đối với các doanh nghiệp có thời gian hoạt động của doanh nghiệp ít hơn 10 năm (bao gồm cả chi phí quảng cáo, tuyên truyền trong và ngoài nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, công ty; xây dựng trang web...). Đây được coi là bước tiến lớn về xác định giá trị tài sản vô hình nói chung, trong đó có tài sản trí tuệ nói riêng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xác định giá trị tài sản trí tuệ của mình khi cổ phần hóa.
(4). Định giá tài sản trí tuệ để phục vụ cho việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trí tuệ thuộc sở hữu nhà nước
Quy định từ Điều 41 đến Điều 43 của Luâṭ Khoa h ọc và Công nghệ năm 2013 về việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ được coi là bước đột phá về cơ sở pháp lý để thúc đẩy việc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ thuộc sở hữu
nhà nước. Điều 43 quy định cụ thể việc phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả khoa học và công nghệ, tài sản trí tuệ thuộc sở hữu nhà nước. Để có thể xác định được lợi nhuận nói trên, kết quả khoa học và công nghệ và các tài sản trí tuệ tạo ra từ kết quả đó phải được định giá, để làm căn cứ đưa ra giá trong chuyển giao, chuyển nhượng, góp vốn,...
Việc định giá các tài sản trí tuệ thuộc sở hữu nhà nước quy định tại Thông tư số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC ngày 17/12/2014. Các đối tượng tài sản trí tuệ được quy định trong thông tư bao gồm: sáng chế, bí mật kinh doanh, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, giống cây trồng, chương trình máy tính, tác phẩm khoa học, sáng kiến, giống vật nuôi, thiết kế kỹ thuật. Việc phân loại này phần lớn dựa trên các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nêu tại Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ nhưng hướng trọng tâm tới các đối tượng có yếu tố công nghệ mà không bao gồm các đối tượng khác như các tác phẩm văn học, nghệ thuật, bí mật kinh doanh hay chỉ dẫn địa lý. Thông tư đã đưa “sáng kiến”, “thiết kế kỹ thuật” và “giống vật nuôi” vào những đối tượng tài sản trí tuệ được định giá, mặc dù đây không phải là các đối tượng tài sản trí tuệ được bảo hộ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, nhưng lại là các loại tài sản trí tuệ có khả năng ứng dụng cao. Có thể thấy cách liệt kê các loại tài sản trí tuệ trong trường hợp này nhằm vào mục đích là định giá các loại tài sản trí tuệ có tính ứng dụng cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về các phương pháp định giá, Thông tư quy định ba phương pháp được áp dụng là: phương pháp định giá theo cách tiếp cận từ chi phí, phương pháp định giá theo cách tiếp cận từ thị trường, phương pháp định giá theo cách tiếp cận từ thu nhập. Đây là ba phương pháp cơ bản được hầu hết các tổ chức định giá thế giới công nhận và cũng đã được hướng dẫn tại hệ thống các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.
Về trình tự định giá: bao gồm các bước từ việc thu thập thông tin đến việc lựa chọn phương pháp xác định giá, lập báo cáo đề xuất giá và quyết định giá dựa trên giá đề xuất. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc xác định giá của tài sản trí tuệ có thể khác nhau tùy theo mục đích định giá (định giá để giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hay định giá để sử dụng, chuyển giao, chuyển nhượng, góp vốn) và đối tượng tài sản định giá (các yếu tố cần lưu ý khi định giá sáng chế sẽ có phần khác biệt so với các yếu tố cần lưu ý khi định giá bí quyết kỹ thuật hay nhãn hiệu). Tổ chức có quyền sở hữu tài sản trí tuệ hoặc được chủ sở hữu cho phép có thể tự định giá hoặc thuê tổ chức dịch vụ định giá thực hiện việc đề xuất giá.
Nhìn chung, quy định pháp luật về định giá tài sản trí tuệ thuộc sở hữu nhà nước đã được xây dựng rất chi tiết và cụ thể, dựa trên những quy định về phương pháp định giá tài sản trí tuệ của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Hội đồng Tiêu chuẩn định giá quốc tế và đảm bảo sự phù hợp với các quy định của Luật giá và hệ thống các tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam về các căn cứ quyết định giá và phương pháp định giá. Quy định về xác định giá trị tài sản trí tuệ thuộc sở hữu Nhà nước có thể coi là một bước đột phá về mặt pháp lý để chuyển giao, ứng dụng những tài sản trí tuệ hình thành từ các đề tài, dự án sử dụng ngân sách Nhà nước vào thực tiễn, mà trước đây gặp khó khăn do thiếu hành lang pháp lý.
2.1.2. Quy định pháp luật về các phương pháp định giá tài sản trí tuệ
Ở nhiều nước phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Anh, Canada, các nước thuộc Liên minh Châu Âu, định giá tài sản trí tuệ không còn là một vấn đề mới và được thực hiện thường xuyên bởi các doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và phát triển cũng như các tổ chức dịch vụ định giá tài sản trí tuệ. Các phương pháp định giá tài sản trí tuệ phổ biến trên thế giới được áp dụng gồm có: phương pháp chi phí, phương pháp thị trường và phương