Những Đặc Điểm Chủ Yếu Của Tài Sản Trí Tuệ

1.1.2. Những đặc điểm chủ yếu của tài sản trí tuệ

TSTT là tài sản mang tính chất vô hình, được thể hiện ra bằng những lợi ích kinh tế. Chúng không có cấu tạo vật chất mà tạo ra những quyền và những ưu thế và giá trị thu nhập cho người sở hữu chúng. TSTT có đặc điểm chủ yếu sau:

Một là tính sáng tạo, đổi mới. Mỗi một TSTT là một sản phẩm của hoạt động sáng tạo (như một tác phẩm, một sáng chế hay một kiểu dáng công nghiệp), là một thực thể hoàn toàn mới hoặc là một thực thể đã biết nhưng được bổ sung cái mới, trên cơ sở nền tảng thông tin, tri thức được tích lũy từ trước. Các TSTT luôn chứa đựng trong đó lao động sáng tạo của con người chứ không phải là sản phẩm sao chép của người khác. Tính mới là nét đặc trưng của sản phẩm trí tuệ, buộc các tác giả của sản phẩm trí tuệ (một sáng chế, một kiểu dáng mới, một sáng tác mới hoặc một tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật…) phải động não nhiều để làm ra và phải làm được trước những người khác. Trên thực tế rất hay xảy ra tranh chấp về tính mới.

Hai là tính vô hình. TSTT tồn tại chủ yếu dưới dạng thông tin, tri thức (không có bản chất vật chất), do đó không thể nhận biết được sự tồn tại của tài sản này bằng giác quan của con người mà chỉ bằng nhận thức (thông qua quá trình tự nhận thức hoặc truyền thụ). Sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, sự cạnh tranh quyết liệt trên thương trường và những yếu tố khác có thể dẫn đến tăng/giảm nhanh chóng giá trị của một TSTT như sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu... và ngược lại. Ví dụ, sự xuất hiện một số loại xe có kiểu dáng giống hệt xe DREAM II của hãng HONDA, như DEALIM, LIFAN, HONGDA,… do Hàn Quốc và Trung Quốc sản xuất trên thị trường nhằm lợi dụng uy tín đã đạt được của hãng HONDA đã gây thiệt hại không nhỏ đến thị phần và lợi nhuận của hãng này.

Ba là tính xác định được. Mặc dù TSTT tồn tại vô hình nhưng con người vẫn có khả năng nhận biết và xác định được TSTT. Sở dĩ như vậy vì

TSTT luôn được thể hiện dưới một hình thức vật chất xác định (mô tả, liệt kê, công thức, hình vẽ, ảnh...). Đồng thời, mỗi TSTT là một đối tượng tồn tại độc lập, có nội dung/bản chất xác định, có chức năng, công dụng, ý nghĩa xác định, thậm chí có giá trị xác định. Theo hướng dẫn của Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (Financial Accounting Standards Board - FASB), một TSVH được coi là có thể xác định được khi:

- Có thể tách rời (có khả năng tách rời, bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, cấp lisence,... một cách riêng biệt hoặc là một phần của một gói). Hoặc

- Hình thành thông qua hợp đồng hoặc những quyền hợp pháp khác, bất kể là quyền này có thể được chuyển giao hoặc có thể được tách rời từ một phần độc lập hoặc từ những quyền và nghĩa vụ khác.

Bốn là tính kiểm soát được. Do TSTT có khả năng được vật chất hóa nên trở thành đối tượng chịu sự tác động có chủ đích của con người như khai thác/sử dụng, duy trì, cất giữ, phát triển, mua bán, trao đổi, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng,..., nhằm mang lại kết quả nhất định, trong đó quan trọng nhất là tạo ra giá trị. Một TSTT thường là kết quả của một quá trình đầu tư sức lực, thời gian và tiền bạc nên khả năng kiểm soát TSTT xuất phát từ các quyền pháp lý của chủ sở hữu TSTT được pháp luật bảo vệ. Ví dụ, chủ sở hữu của một sáng chế có quyền thu lợi ích kinh tế từ sáng chế đó và có quyền hạn chế sự tiếp cận của các đối tượng khác với lợi ích mà sáng chế đó mang lại.

Năm là tính sinh lợi. Do có bản chất tài sản, các TSTT đều có khả năng sinh lợi (tạo ra giá trị), nghĩa là khi được khai thác, sử dụng, mua bán, cho thuê, trao đổi, góp vốn, TSTT có khả năng mang lại thu nhập bằng tiền hoặc bằng tài sản khác cho người kiểm soát tài sản đó. Ví dụ: Năm 2003, Unilever đã thương lượng được với Công ty hóa phẩm P/S trong việc chuyển nhượng nhãn hiệu kem đánh răng P/S với giá 5,3 triệu US để có cơ hội sở hữu trên 65% thị phần kem đánh răng mà nhãn hiệu P/S đã thiết lập được trước đó.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 136 trang tài liệu này.

Sáu là thời gian sử dụng hữu ích của một TSTT thường là một đại lượng biến đổi, không cố định, có thể dài ngắn khác nhau, nhưng không phải là vô hạn định. Sản phẩm trí tuệ, ngoài các tác phẩm văn chương hay nghệ thuật, các sản phẩm khác có tính thời gian, vì khoa học kỹ thuật ngày nay biến đổi rất nhanh. Việc quy định bảo hộ độc quyền có thời hạn cho các sản phẩm trí tuệ chính là động lực khuyến khích phát triển trong cuộc chạy đua cải tiến công nghệ. Sự cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường là một cuộc đua không có đích cuối cùng và không có người chiến thắng mãi mãi. Một nhãn hiệu ngày hôm nay được khách hàng ưa chuộng, nhưng ngày mai có thể nó phải nhường lại sự ưa thích đó cho nhãn hiệu khác. Ngay cả những nhãn hiệu đã rất nổi tiếng trên thị trường nhiều năm như "Coca Cola", "Honda" một ngày nào đó cũng có thể bị nhãn hiệu khác thay thế. Hoặc thí dụ như các phần mềm máy tính Word Perfect hay Fox-Pro, trước đây được sử dụng khá rộng rãi nhưng đến nay chỉ còn rất ít người sử dụng vì đã có những phần mềm khác như Microsoft Word và Microsoft Excel tiện lợi hơn ra đời cạnh tranh khiến các nhà sản xuất và kinh doanh phần mềm trên gặp rất nhiều khó khăn. Trái lại, Bill Gate chủ tịch tập đoàn Microsoft là người sở hữu tác quyền Window thông dụng trên hầu hết các máy vi tính hiện nay đã trở thành người giàu nhất thế giới.

1.1.3. Giá trị của tài sản trí tuệ và những yếu tố ảnh hưởng tới giá trị của tài sản trí tuệ

Góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ trong pháp luật Việt Nam - 3

1.1.3.1. Giá trị của tài sản trí tuệ

Theo Các Mác, hàng hóa có hai thuộc tính là giá trị sử dụng và giá trị. Trong đó, "giá trị sử dụng là công dụng của hàng hóa để thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người, còn giá trị của hàng hóa được xác định ở mặt chất và lượng" [25]. Nếu hiểu giá trị của TSTT như một loại hàng hóa, về mặt chất sẽ là lao động trừu tượng của người sản xuất kết tinh trong TSTT đó, về mặt lượng là tổng thời gian lao động đã hao phí để sản xuất ra TSTT đó.

Theo quan điểm của kinh tế học hiện đại, TSTT chính là một thứ TSVH được hình thành qua quá trình đầu tư công sức và tiền của, có thể mua bán được, và hoàn toàn có thể xác định được giá trị. Cho dù TSTT là TSVH nhưng nguyên tắc xác định giá trị của chúng vẫn có thể tiến hành được dựa trên cơ sở chi phí. Theo nguyên tắc này, giá trị của loại TSVH này được phản ánh trong báo cáo kế toán của doanh nghiệp theo chi phí mà doanh nghiệp đã chi ra để có được các tài sản đó.

Ủy ban tiêu chuẩn và thẩm định giá quốc tế (International Valuation Standards Courcil, viết tắt là IVSC) đã đưa ra khái niệm giá trị như sau: "Giá trị là số tiền ước tính của hàng hóa và dịch vụ tại một thời điểm nhất định" [25]. Thuật ngữ giá trị (value) theo quan điểm của IVSC là thuật ngữ mang tính giả thiết, không có trên thực tế mà là mức giá dự tính của người mua, người bán hàng hóa và dịch vụ tại một thời điểm nhất định. Giá trị thể hiện mức giá dự tính sẽ được chấp nhận trong một cuộc giao dịch và giá trị thị trường thể hiện mức giá cả dự tính sẽ được chấp nhận trong một cuộc giao dịch bình đẳng.

Hơn nữa, chúng ta cũng cần chú ý rằng giá trị theo khái niệm của IVSC được định giá bằng một vật ngang giá, đó là tiền. Việc được ước tính bằng tiền sẽ cho thấy một cách dễ dàng hơn giá trị của hàng hóa, đồng thời dễ dàng cho việc tiến hành các giao dịch trên thị trường.

- Giá cả (price) là số tiền được yêu cầu, được đưa ra hoặc được trả cho một hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định.

- Chi phí (Cost) là mức giá được trả cho hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc là một số tiền cần có để tạo ra hoặc để sản xuất ra hàng hóa hoặc dịch vụ. Khi hàng hóa hoặc dịch vụ đã được hoàn tất thì chi phí của hàng hóa hoặc dịch vụ đó trở thành một thực tế lịch sử và được gọi là giá gốc. Mức giá được trả để có được hàng hóa dịch vụ đó trở thành chi phí đối với người mua [22].

Dựa trên các định nghĩa của IVSC ta có thể suy ra các khái niệm giá trị và giá cả sau đối với TSTT:

Giá trị của TSTT (Value of intellectual assets) là số tiền ước tính của TSTT đó ở tại một thời điểm nhất định.

Giá cả của TSTT (Price of intellectual assets) là số tiền được yêu cầu, được đưa ra hoặc được trả cho một TSTT nhất định.

Chi phí của TSTT (Cost of intellectual assets) là số tiền cần có để tạo ra TSTT đó.

Như vậy, có thể khái quát là giá trị TSTT là giá trị của lợi ích kinh tế trong tương lai của TSTT được xác định vào thời điểm hiện tại, được biểu hiện dưới hình thức giá cả.

1.1.3.2. Những yếu tố ảnh hưởng tới giá trị của tài sản trí tuệ

Chúng ta đã biết giá trị, giá cả, chi phí của TSTT là gì, nhưng khi xem xét trên thị trường, có thể dễ dàng nhận thấy là giá trị của từng TSTT là khác nhau. Liên quan đến giá trị của TSTT, chúng ta cũng cần tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng tới giá trị của TSTT. Qua thực tế cho thấy, các nhân tố sau đây có ảnh hưởng tới giá trị của TSTT:

- Tính hữu ích:

Tính hữu ích của TSTT thể hiện khả năng làm thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng tài sản đó hay nói cách khác thể hiện giá trị sử dụng của hàng hóa là TSTT [22]. Tính hữu ích chính là một thuộc tính cơ bản tạo nên giá trị của TSTT, nếu không tồn tại tính hữu ích, tức nó không mang lại lợi ích gì cho con người thì tài sản đó không thể coi là có giá trị. TSTT sẽ chỉ có giá trị khi nó làm thỏa mãn một nhu cầu nào đó của con người khi sử dụng tài sản đó, hay nói cách khác là nó có tính hữu ích.

Tính hữu ích của TSTT thể hiện ở chỗ nó tạo ra những lợi ích nhất định cho người sở hữu hoặc người sử dụng đó. Tài sản càng có tính hữu ích cao, tức là càng sinh ra nhiều lợi ích cho người sử dụng thì giá trị càng cao, và ngược lại, giá trị của TSTT sẽ thấp khi nó chỉ tạo ra được một số ít các lợi ích

cho người sử dụng. Nói theo cách khác, giá trị của một TSTT cao hay thấp một phần do giá trị những lợi ích mà nó tạo ra. Tuy nhiên, tính hữu ích chỉ là một trong các yếu tố ảnh hưởng tới giá trị, không có các thuộc tính khác như tính có nhu cầu hay tính khan hiếm, tính có thể chuyển giao thì cũng sẽ bị coi là không có giá trị.

- Tính khan hiếm:

Tính khan hiếm của TSTT có thể hiểu như tác động của yếu tố cung tài sản đối với thị trường ở hiện tại và tương lai. Trong trường hợp các yếu tố khác không đổi, cung tài sản khi cao hơn cầu trên thị trường sẽ tạo ra sự vượt cung, thừa tài sản trên thị trường và chưa tạo ra sự khan hiếm, khi cung bằng với cầu sẽ không tạo ra khan hiếm vào thời điểm hiện tại mà có thể là trong tương lai, và tất nhiên khi cung thấp hơn cầu sẽ xuất hiện sự thiếu trên thị trường và khi đó tạo ra sự khan hiếm, điều này sẽ đẩy cho giá TSTT lên cao. Nếu như mọi yếu tố khác như nhau thì giá trị khác nhau là kết quả của sự thay đổi mức khan hiếm của các hàng hóa dịch vụ trên thị trường.

Ví dụ, công ty A là công ty chuyên bán phần mềm kế toán dành cho quản trị doanh nghiệp, và phần mềm của công ty A là phần mềm duy nhất có trên thị trường, không có đối thủ cạnh tranh, khi đó các công ty khác muốn mua phần mềm kế toán bắt buộc phải mua của công ty A, khi đó công ty A có thể đẩy giá lên một mức cao hợp lý để nhằm kiếm nhiều lợi nhuận. Nhưng nếu trên thị trường có các công ty khác cũng có khả năng cung cấp những phần mềm kế toán với công dụng tương đương với phần mềm của công ty A, sự khan hiếm được giảm xuống, khi đó công ty A sẽ buộc phải giảm giá của phần mềm để có thể cạnh tranh.

- Tính có yêu cầu:

Tính có yêu cầu của TSTT có thể hiểu như sự tác động của yếu tố cầu của thị trường lên giá trị của TSTT. Trong trường hợp mà các yếu tố khác không đổi, thì cầu càng cao tất nhiên sẽ dẫn tới giá của tài sản cũng càng cao.

Tính có yêu cầu của TSTT thể hiện nhu cầu của các khách hàng trên thị trường đối với TSTT, và khả năng kinh tế có thể của khách hàng để chi trả cho TSVH này.

Một ví dụ điển hình là: Năm 1995, J.K.Rowling gửi bản thảo cuốn truyện Harry Porter đầu tiên để xuất bản và cuốn truyện bị 12 nhà xuất bản từ chối. Sau đó nhà xuất bản Bloomsbury đã đồng ý xuất bản cuốn truyện này và trả cho Rowling 1500 £ tiền bản quyền. Sau 12 năm, sáu tập Harry Porter đã được dịch ra 65 ngôn ngữ và 325 triệu bản đã tạo nên một cơn sốt trong văn hóa đọc của thế giới và Rowling trở thành người giàu hơn nữ hoàng Elizabeth II.

- Tính có thể chuyển giao được:

Tính có thể chuyển giao thể hiện sự chuyển giao quyền sở hữu, quyền kiểm soát TSTT từ chủ thể này sang chủ thể khác. Phương thức chuyển giao có thể là riêng biệt hoặc từng phần. Đây cũng là một đặc tính quan trọng ảnh hưởng tới giá trị của TSTT bởi nếu có tính hữu ích, tính khan hiếm, tính có yêu cầu mà không thể chuyển giao được thì cũng không thể coi là tài sản. Việc chuyển giao TSTT giữa các thủ thể thường được thực hiện thông qua một hợp đồng, ví dụ: Hợp đồng chuyển giao quyền SHTT về công nghệ, về nhãn hiệu hàng hóa hoặc về bản quyền… Trong hợp đồng chuyển giao quyền SHTT ghi nhận sự thỏa thuận hợp tác giữa một bên là chủ sở hữu quyền SHTT (bên chuyển giao quyền SHTT) và một bên thứ hai để có được quyền sử dụng các quyền đó (bên được chuyển giao quyền SHTT) bằng việc trả một khoản tiền theo thỏa thuận (phí hoặc tỷ lệ phí chuyển giao quyền SHTT). Tuy nhiên, một hợp đồng chuyển giao quyền SHTT chính thức chỉ có thể thực hiện nếu quyền SHTT mà doanh nghiệp muốn chuyển giao quyền SHTT cũng được bảo hộ tại một nước hoặc các nước khác có liên quan đến doanh nghiệp. Nếu quyền SHTT không được bảo hộ tại các nước đó thì không chỉ không thể chuyển giao quyền SHTT mà cũng không có quyền cấm người khác sử dụng quyền đó.

1.1.4. Định giá tài sản trí tuệ

Định giá TSTT là cơ sở để thực hiện các hoạt động góp vốn kinh doanh bằng TSTT cũng như nhiều hoạt động kinh tế khác đối với TSTT như chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng TSTT, sáp nhập và mua lại doanh nghiệp, cổ phần hóa, phát hành cổ phiếu, vay vốn, giải quyết tranh chấp... Định giá tài sản nói chung có thể được hiểu là việc đánh giá giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định. Định giá tài sản là việc tư vấn, định các mức giá cụ thể cho từng loại tài sản làm căn cứ cho các hoạt động giao dịch mua, bán tài sản, hàng hóa, dịch vụ đó trên thị trường. Đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá (các cơ quan có thẩm quyền quy định) thì các mức giá cụ thể của từng loại tài sản, hàng hóa mang tính bắt buộc mọi đối tượng tham gia hoạt động giao dịch, mua bán phải thực hiện. Đối với các tài sản, hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục Nhà nước định giá thì do các tổ chức, cá nhân tự định giá theo quy luật thị trường làm cơ sở cho các hoạt động giao dịch mua bán, trao đổi.

Theo Tiến sĩ Robert Pikethly, Senior Member Oxford Intellectual Property Research Centre, "định giá một tài sản trí tuệ liên quan tới việc đưa ra quyết định về tương lai giống như việc mức giá thị trường cổ phiếu do nhà đầu tư quyết định trên cơ sở hiệu quả kinh doanh trong tương lai của công ty" [Dẫn theo 47]. Do đó, định giá TSTT được hiểu là việc ước tính giá trị thị trường của TSTT như sáng chế, nhãn hiệu,..., trong đó, giá trị thị trường của TSTT là sự tính toán thu nhập tiềm năng của sản phẩm hoặc dịch vụ sử dụng TSTT đó. Tóm lại, giá trị của TSTT được xác định bởi lợi ích kinh tế trong tương lai do TSTT đó mang lại được quy đổi về thời điểm hiện tại. Quan niệm này phù hợp với định nghĩa của tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam "Thẩm định giá là việc đánh giá hoặc đánh giá lại giá trị của tài sản phù hợp với thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định theo tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc thông lệ quốc tế" [46, Điều 4]. Theo đó, giá trị mà hoạt động định giá hướng tới là

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 12/05/2024