Quy Định Pháp Luật Về Tổ Chức, Cá Nhân Cung Ứng Dịch Vụ Định Giá Tài Sản Trí Tuệ

pháp thu nhập. Tùy vào điều kiện, trường hợp cụ thể cũng như mục đích định giá khác nhau thì cách tiếp cận và phương pháp định giá được sử dụng cũng khác nhau.

Tiêu chuẩn Thẩm định giá số 13 về thẩm định giá tài sản vô hình (ban hành kèm theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014) quy định và hướng dẫn việc thẩm định giá tài sản trí tuệ nhằm các mục đích mua, bán, chuyển nhượng, thế chấp, hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp, góp vốn, phân chia lợi nhuận, tranh chấp và tố tụng phá sản và các mục đích khác theo quy định của pháp luật. Các cách tiếp cận để xác định giá trị tài sản trí tuệ gồm có: cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập. Mỗi cách tiếp cận bao gồm nhiều phương pháp khác nhau. Cụ thể:

(1). Cách tiếp cận từ thị trường

- Nội dung của cách tiếp cận:

Cách tiếp cận này xác định giá trị tài sản trí tuệ căn cứ vào việc so sánh, phân tích thông tin của các tài sản trí tuệ tương tự có giá giao dịch trên thị trường.

Tài sản tương tự là loại tài sản cùng loại với tài sản trí tuệ cần định giá, có các đặc trưng cơ bản tương đồng về mục đích sử dụng, đặc điểm pháp lý, đặc điểm kinh tế kỹ thuật, tính năng sử dụng,… Các yếu tố so sánh là các thông số về kinh tế, kỹ thuật chủ yếu, tình trạng pháp lý, mức giá giao dịch, thời gian, điều kiện giao dịch và các yếu tố khác có ảnh hưởng đến giá trị tài sản.

- Trường hợp áp dụng:

Cách tiếp cận này được áp dụng khi có các thông tin về tài sản trí tuệ tương tự được giao dịch hoặc được chuyển giao quyền sử dụng hoặc có thị trường giao dịch (sử dụng ít nhất 3 tài sản trí tuệ tương tự để so sánh).

- Các bước tiến hành định giá:

Các bước tiến hành định giá trong cách tiếp cận thị trường được quy

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 121 trang tài liệu này.

định cụ thể tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 07 về phương pháp so sánh, bao gồm:

Bước 1: Nghiên cứu thị trường để có thông tin về giá giao dịch và các yếu tố so sánh của những tài sản tương tự với tài sản trí tuệ cần định giá, đã giao dịch thành công hoặc đang mua, bán trên thị trường.

Định giá tài sản trí tuệ theo pháp luật Việt Nam - 8

Bước 2: Thu thập, kiểm tra thông tin, số liệu về các yếu tố so sánh từ các tài sản cùng loại hoặc tương tự có thể so sánh được với tài sản trí tuệ cần định giá đã giao dịch thành công hoặc đang mua, bán trên thị trường vào thời điểm cần định giá hoặc gần với thời điểm cần định giá.

Bước 3: Lựa chọn đơn vị so sánh chuẩn và xây dựng bảng phân tích, so sánh đối với mỗi đơn vị so sánh chuẩn.

Bước 4: Phân tích, xác định các yếu tố khác biệt giữa tài sản so sánh và tài sản trí tuệ cần định giá, từ đó thực hiện điều chỉnh giá của các tài sản so sánh theo sự khác biệt về các yếu tố so sánh so với tài sản trí tuệ cần định giá, tìm ra mức giá chỉ dẫn cho mỗi tài sản so sánh.

Bước 5: Phân tích tổng hợp các mức giá chỉ dẫn của các tài sản so sánh, rút ra mức giá chỉ dẫn đại diện để ước tính và xác định mức giá của tài sản trí tuệ cần định giá.

- Ưu, nhược điểm của phương pháp:

Về nguyên tắc, phương pháp thị trường đưa lại kết quả có tính thuyết phục cao vì khả năng sử dụng thông tin thị trường, mà thị trường luôn là thước đo cuối cùng đối với mọi quyết định kinh tế. Đây là phương pháp đơn giản, không đòi hỏi nhiều về kĩ thuật vì không có công thức hay mô hình cố định mà chỉ dựa vào sự hiện diện của các giao dịch trên thị trường để rút ra các bằng chứng về giá trị. Tuy nhiên, trên thực tế không bao giờ có giao dịch về một loại tài sản trí tuệ hoàn toàn tương đồng với tài sản trí tuệ cần định giá vì tài sản trí tuệ là loại tài sản đặc thù, có tính độc quyền và đơn nhất. Hơn

nữa, còn có sự thiếu vắng các thông tin thị trường về tài sản trí tuệ tương đương hoặc không cung cấp được các thông tin về cách xử lý các đặc điểm riêng biệt của từng giao dịch cụ thể [55].

(2). Cách tiếp cận từ chi phí

- Nội dung cách tiếp cận:

Cách tiếp cận từ chi phí ước tính giá trị tài sản trí tuệ căn cứ vào chi phí tái tạo ra tài sản trí tuệ giống nguyên mẫu với tài sản trí tuệ cần định giá hoặc chi phí thay thế để tạo ra một tài sản trí tuệ tương tự có cùng chức năng, công dụng theo giá thị trường hiện hành.

Giá trị ước tính của tài sản trí tuệ = Chi phí tái tạo (Chi phí thay thế) – Hao mòn lũy kế + Lợi nhuận của nhà sản xuất.

Các chi phí liên quan đến việc xác định giá trị tài sản trí tuệ bao gồm: chi phí về nhân công, nguyên vật liệu, chi phí cho các tài sản hữu hình phụ trợ cần thiết để phát huy được giá trị của tài sản trí tuệ, chi phí duy trì (ví dụ: chi phí quảng cáo để duy trì vị thế của nhãn hiệu, chi phí quản lý chất lượng của sản phẩm,…), chi phí đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, chi phí nghiên cứu phát triển và các chi phí hợp lý khác.

Cách tiếp cận từ chi phí gồm hai phương pháp chính là: phương pháp chi phí tái tạo và phương pháp chi phí thay thế.

- Trường hợp áp dụng:

Phương pháp chi phí tái tạo xác định giá trị tài sản trí tuệ thông qua việc tính toán chi phí tạo ra một tài sản khác tương đồng với tài sản trí tuệ cần định giá theo giá thị trường hiện hành. Phương pháp chi phí tái tạo được áp dụng khi: có các thông tin, số liệu chi tiết về chi phí tạo ra tài sản trí tuệ; khi tính giá trị tài sản trí tuệ đối với chủ sở hữu; khi xác định phần thiệt hại về các lợi ích từ tài sản trí tuệ do các hành vi sử dụng trái phép, phá vỡ hợp đồng,…

Phương pháp chi phí thay thế xác định giá trị tài sản trí tuệ thông qua

việc tính toán chi phí thay thế tài sản đó bằng một tài sản khác có chức năng, công dụng tương tự theo giá thị trường hiện hành. Phương pháp này được áp dụng khi: có thông tin, số liệu chi tiết về chi phí tạo ra tài sản trí tuệ; khi tài sản trí tuệ tiếp tục được sử dụng bởi người chủ sở hữu; khi không xác định được dòng thu nhập và các lợi ích kinh tế khác từ việc sử dụng tài sản trí tuệ; khi xác định giá trị bảo hiểm cho tài sản trí tuệ.

- Các bước tiến hành định giá:

Các nội dung cụ thể của cách tiếp cận chi phí được vận dụng theo Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08 về phương pháp chi phí (ban hành kèm theo Quyết định số 129/2008/QĐ-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính). Tuy nhiên, do ban hành trước nên Tiêu chuẩn thẩm định giá số 08 chỉ hướng dẫn các bước định giá theo cách tiếp cận từ chi phí đối với bất động sản và máy, thiết bị mà không có hướng dẫn các bước định giá cụ thể đổi với tài sản trí tuệ và các loại tài sản vô hình khác.

- Ưu, nhược điểm của phương pháp:

Phương pháp tiếp cận chi phí có ưu điểm là số liệu phục vụ cho việc tính toán tương đối rõ ràng, dễ thu thập vì thường được thống kê trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp, cách thức tính toán đơn giản, dễ thực hiện. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của phương pháp này là giá trị xác định được là nguyên giá chứ không phải là giá thị trường. Giá trị thu được từ cách tiếp cận chi phí chưa phản ánh được tiềm năng phát triển, rủi ro và hiệu quả kinh tế của tài sản trí tuệ; chưa phản ánh được rủi ro khi thực hiện việc nghiên cứu và triển khai một tài sản trí tuệ mới.

(3). Cách tiếp cận từ thu nhập

- Nội dung cách tiếp cận:

Cách tiếp cận từ thu nhập xác định giá trị tài sản trí tuệ thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và các chi phí tiết kiệm do tài

sản trí tuệ mang lại. Tài sản trí tuệ có thể tạo ra các khoản thu nhập thông qua việc sử dụng, sở hữu hoặc hạn chế sử dụng tài sản trí tuệ. Cách tiếp cận từ thu nhập gồm ba phương pháp chính là: phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình, phương pháp lợi nhuận vượt trội, phương pháp thu nhập tăng thêm.

- Trường hợp áp dụng:

Phương pháp tiền sử dụng tài sản vô hình ước tính giá trị tài sản trí tuệ trên cơ sở tính toán giá trị hiện tại của dòng tiền sử dụng tài sản trí tuệ mà tổ chức, cá nhân nhận được khi cho phép sử dụng tài sản trí tuệ. Phương pháp này được sử dụng khi có các thông tin, số liệu cần thiết về tiền sử dụng tài sản trí tuệ của các tài sản tương tự trên thị trường; khi cần tính mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp có tranh chấp.

Phương pháp lợi nhuận vượt trội ước tính giá trị của tài sản trí tuệ trên cơ sở chênh lệch giữa các khoản lợi nhuận có được của một doanh nghiệp khi sử dụng và khi không sử dụng tài sản trí tuệ. Trong phương pháp lợi nhuận vượt trội, giá trị tài sản trí tuệ được ước tính trên cơ sở chênh lệch của giá trị hiện tại của hai dòng tiền chiết khấu trong trường hợp tài sản trí tuệ cần định giá được sử dụng để tạo ra thu nhập vượt trội cho chủ thể và trong trường hợp chủ thể không sử dụng tài sản trí tuệ cần định giá. Phương pháp này có thể áp dụng với cả tài sản trí tuệ tạo ra các khoản thu nhập tăng thêm và tài sản trí tuệ giúp tiết kiệm chi phí.

Phương pháp thu nhập tăng thêm xác định giá trị của tài sản trí tuệ thông qua giá trị hiện tại của các dòng tiền được cho là phát sinh từ đóng góp của tài sản trí tuệ cần định giá sau khi loại trừ tỷ lệ dòng tiền phát sinh từ đóng góp của các tài sản khác. Phương pháp này được áp dụng khi định giá các tài sản trí tuệ có sự kết hợp với các tài sản khác trong một nhóm tài sản để tạo ra dòng tiền. Trong đó, tài sản vô hình cần định giá có tác động chính yếu tới dòng thu nhập, phần đóng góp từ các tài sản khác là không chính yếu.

- Ưu, nhược điểm của phương pháp:

Đây là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất. Theo Bộ Tiêu chuẩn hướng dẫn định giá quốc tế đối với việc định giá tài sản vô hình do Hội đồng tiêu chuẩn định giá quốc tế công bố năm 2009 thì phương pháp tiếp cận thu nhập được khuyến nghị áp dụng do cách tiếp cận này cho kết quả đáng tin cậy hơn các cách tiếp cận khác. Tuy nhiên, hạn chế cơ bản của phương pháp này là dự báo không chắc chắn về khoản thu nhập và rủi ro trong tương lai; khó khăn dự tính trước dòng tiền mặt và xác định tỷ lệ chiết khấu.

Vì tài sản trí tuệ là một loại tài sản đặc biệt (có tính vô hình, tính mới, khả năng sinh lợi phụ thuộc vào khả năng áp dụng của từng chủ thể) mà mỗi phương pháp định giá có những đặc điểm phù hợp cũng như không phù hợp. Căn cứ vào loại tài sản trí tuệ cần định giá, mục đích định giá, thời điểm định giá, các thông tin và số liệu về tài sản trí tuệ cần định giá có thể thu thập được, thẩm định viên lựa chọn cách tiếp cận phù hợp. Trong nhiều trường hợp, thẩm định viên cần áp dụng nhiều phương pháp để có thể đưa ra một con số chung nhất.

Quy định về ba cách tiếp cận trong việc định giá tài sản trí tuệ hiện hành đã kế thừa quy định về các phương pháp định giá tài sản trí tuệ chủ yếu và phổ biến theo thông lệ quốc tế. Điều này tạo thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình tiếp thu kinh nghiệm khi tiến hành định giá tài sản trí tuệ. Các phương pháp định giá được pháp luật quy định rất cụ thể và chi tiết, từng yếu tố trong mỗi phương pháp cũng được giải thích rõ ràng tạo sự thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện.

2.1.3. Quy định pháp luật về tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ định giá tài sản trí tuệ

Pháp luật hiện hành phân loại các tổ chức cung ứng dịch vụ định giá tài sản trí tuệ thành hai đối tượng với quy chế pháp lý khác nhau: doanh

nghiệp thẩm định giá và tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ thực hiện định giá tài sản trí tuệ.

Về doanh nghiệp thẩm định giá: Căn cứ Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2013, doanh nghiệp muốn thực hiện dịch vụ thẩm định giá phải đáp ứng đủ các điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, bao gồm:

- Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

- Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp;

- Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của doanh nghiệp phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp;

- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên và công ty cổ phần: phần vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá mức vốn góp do Chính phủ quy định, người đại diện của thành viên là tổ chức phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp [9, Điều 39].

Về điều kiện đối với thẩm định viên, bao gồm:

1. Có năng lực hành vi dân sự

2. Có phẩm chất đạo đức, liêm khiết, trung thực, khách quan.

3. Có bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành vật giá, thẩm định giá, kinh tế, kinh tế - kỹ thuật, kỹ thuật, luật liên quan đến nghiệp vụ thẩm định giá do tổ chức đào tạo hợp pháp ở Việt Nam hoặc nước ngoài cấp.

4. Có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 36 tháng trở lên sau khi có bằng tốt nghiệp đại học theo chuyên ngành quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Có chứng chỉ đã qua đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá do cơ quan có thẩm quyền cấp;

6. Có thẻ thẩm định viên về giá do Bộ Tài chính cấp [9, Điều 34].

Trong quá trình hành nghề thẩm định giá, thẩm định viên phải tuân thủ những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá tài sản, bao gồm:

(i). Tiêu chuẩn đạo đức: độc lập, chính trực, khách quan, bí mật, công khai, minh bạch;

(ii). Trình độ chuyên môn: có năng lực chuyên môn và tính thận trọng, uy tín nghề nghiệp, thực hiện thẩm định giá theo những tiêu chuẩn chuyên môn đã quy định [10].

Về loại hình tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN ngày 13 tháng 6 năm 2014 quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ đã đưa ra thuật ngữ “trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ”: là loại hình tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu, người có quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ và các bên liên quan trong việc xác định giá trị của kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ. Các điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất – kỹ thuật mà Trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ phải thỏa mãn để được cấp phép hoạt động bao gồm:

1. Điều kiện về nhân lực:

a) Có ít nhất 05 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có ít nhất 40% làm việc chính thức, 30% có chứng chỉ, chứng nhận hoàn thành khóa học về định giá tài sản trí tuệ;

b) Người đứng đầu tổ chức phải có trình độ đại học trở lên, có chứng chỉ, chứng nhận hoàn thành khóa học về định giá tài sản trí tuệ và có ít nhất 01 năm kinh nghiệm công tác liên quan đến định giá tài sản trí tuệ.

2. Điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật:

a) Có hệ thống tư liệu, tài liệu chuyên môn, phương tiện kỹ thuật cần thiết để thực hiện dịch vụ hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ;

b) Có quy trình kỹ thuật định giá tài sản trí tuệ [3, Điều 8].

Xem tất cả 121 trang.

Ngày đăng: 05/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí