Điều tra vụ án hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện từ thực tiễn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - 2

số liệu thực tế đã thu thập được, tác giả tiến hành so sánh với thực tiễn để đối chiếu, phân tích và đưa ra nhận định, đánh giá phù hợp với vấn đề đã lựa chọn nghiên cứu của luận văn.

- Phương pháp phân tích tổng hợp: Tác giả phân tích, tổng hợp các công trình khoa học có liên quan đến đề tài luận văn; tài liệu, số liệu từ nhiều nguồn khác nhau liên quan điều tra VAHS do người dưới 18 tuổi thực hiện để xây dựng các luận cứ về lý luận, luận chứng trong nghiên cứu thực trạng, từ đó rút ra nhận xét, đánh giá làm căn cứ để đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1 .Ý nghĩa lý luận

Luận văn nhằm góp phần hoàn thiện lý luận các quy định của pháp luật TTHS về điều tra VAHS do người dưới 18 tuổi thực hiện.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy pháp luật TTHS. Dưới góc độ thực tiễn, kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao hiệu quả điều tra VAHS do người dưới 18 tuổi thực hiện trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

7. Kết cấu của luận văn

Nội dung của luận văn bao gồm lời nói đầu, nội dung chính, kết luận chung, danh mục tài liệu tham khảo và bảng phụ lục. Phần nội dung chính được kết cấu thành 03 chương, cụ thể như sau:

Chương 1. Những vấn đề lý luận về điều tra vụ án hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 105 trang tài liệu này.

Chương 2. Những quy định pháp luật Việt Nam về điều tra vụ án hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện

Chương 3. Thực tiễn thi thành pháp luật tố tụng hình sự về điều tra vụ án hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai và một số giải pháp nâng cao hiệu quả

Điều tra vụ án hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện từ thực tiễn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - 2

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ DO NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI THỰC HIỆN


1.1. Một số khái niệm cơ bản và đặc điểm điều tra vụ án hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện

1.1.1. Một số khái niệm cơ bản

1.1.1.1. Điều tra vụ án hình sự

Khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử là những giai đoạn trong quá trình tiến hành tố tụng của một VAHS được thực hiện bởi các cơ quan/người có thẩm quyền theo quy định của BLTTHS. Mỗi một giai đoạn đều có những giá trị pháp lý và ý nghĩa khác nhau trong việc giải quyết VAHS, giúp các cơ quan/người có thẩm quyền nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn và xử lý tội phạm và người phạm tội.

Theo khoa học pháp lý định nghĩa: điều tra VAHS là giai đoạn của TTHS. Trong đó, cơ quan có thẩm quyền tiến hành hành các hoạt động tìm kiếm, phát hiện, thu giữ, bảo quản nguồn chứng cứ theo quy định của pháp luật TTHS để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc truy tố của Viện kiểm sát và xét xử của Tòa án [29].

Từ định nghĩa trên có thể rút ra một số đặc điểm của điều tra VAHS như: đây là một giai đoạn TTHS độc lập của quá trình tố tụng bắt đầu từ khi ra quyết định khởi tố vụ án và kết thúc khi CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra hoặc bản kết luận điều tra đề nghị truy tố; chủ thể chính tiến hành là các CQĐT và các cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra; nội dung của điều tra VAHS là áp dụng mọi biện pháp điều tra cần thiết trong TTHS để thu thập chứng cứ làm rò mọi vấn đề để xử lý đúng đắn và khách quan vụ án.

Giai đoạn điều tra VAHS có những nhiệm vụ chính: thu thập chứng cứ để xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội làm cơ sở cho việc truy tố, góp phần đảm bảo cho việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; xác định chính xác tính chất, mức độ thiệt hại do tội phạm gây ra tạo cơ sở cho Tòa án xét xử và quyết định mức bồi thường thiệt hại được xác định; áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết để ngăn chặn tội phạm, kịp thời khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra và phát hiện kịp thời những nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm để từ đó đưa ra các biện pháp phòng ngừa thích hợp.

Điều tra VAHS có vai trò trực tiếp chứng minh hành vi phạm tội và xác định người thực hiện hành vi phạm tội thông qua các chứng cứ đã thu thập được, đồng thời góp phần loại trừ một số tiêu cực khác trong hoạt động tư pháp hình sự, ngăn chặn kịp thời việc thông qua quyết định khởi tố bị can một cách không thận trọng, thiếu chính xác và do vậy, có thể sẽ kéo một loạt hậu quả tiêu cực xảy ra trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự ở các giai đoạn TTHS tiếp theo. Đây là một giai đoạn TTHS cơ bản và quan trọng thể hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân quyền, các quyền lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong toàn xã hội.

1.1.1.2. Người dưới 18 tuổi

Hiện nay, người CTN phạm tội là một hiện tượng, một thực tế tồn tại ở các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, trong pháp luật hình sự quốc tế chưa có khái niệm chính thức về “Người chưa thành niên”, thuật ngữ “Người chưa thành niên” là một thuật ngữ có nhiều cách hiểu khác nhau trong các văn bản pháp lý quốc tế, chẳng hạn như:

Theo Điều 2 Quy tắc Bắc Kinh [19] quy định:

“Người chưa thành niên là trẻ em hoặc thanh thiếu niên mà tùy theo từng hệ thống pháp luật có thể bị xử lý khi phạm tội, theo một phương thức khác với người lớn”.

Trong khi đó, Điều 1 Công ước về Quyền trẻ em [13] lại định nghĩa: “Trong phạm vi công ước này, trẻ em có nghĩa là những người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng đối với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”.

Tại Điều 11(a) trong văn bản “Những quy tắc của LHQ về việc bảo vệ người CTN bị tước quyền tự do 1990 (Quy tắc Havana)” quy định:

Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi. Giới hạn tuổi dưới mức này cần phải được pháp luật xác định và không được tước quyền tự do của người chưa thành niên” [18].

Như vậy, thuật ngữ “người chưa thành niên” theo hướng dẫn này lại tương đồng với thuật ngữ “trẻ em” trong Công ước về quyền trẻ em, theo đó, “người chưa thành niên” là người dưới 18 tuổi.

Ngoài ra, Công ước về quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) cũng xác định“tất cả người dưới 18 tuổi nên được xử lý như người chưa thành niên” [14].

Tóm lại, pháp luật quốc tế chưa có khái niệm thống nhất về người CTN. Thông qua việc nghiên cứu các văn bản quốc tế về người CTN có thể thấy khi xây dựng khung pháp lý cho đối tượng đặc biệt này pháp luật quốc tế dựa vào đặc điểm tâm – sinh lý của họ, đồng thời đưa ra giới hạn độ tuổi đối với người CTN ở mức dưới 18 tuổi nhất định nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của họ trong hệ thống tư pháp hình sự. Các quốc gia thành viên có thể dựa vào khung pháp lý này nội luật hóa thành các quy định pháp luật quốc gia để xác định độ tuổi phù hợp cho khái niệm người CTN tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của quốc gia mình.

Ở nước ta, khái niệm người CTN được quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật như: Điều 18 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám

tuổi là người chưa thành niên.” Bộ luật dân sự 2015 tiếp tục kế thừa quy định này khẳng định người CTN là người chưa đủ mười tám tuổi [22].

Bên cạnh đó, tại Điều 161 Bộ luật lao động 2012 cũng quy định

“Người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi”.

BLTTHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLTTHS 2015), nhà làm luật không sử dụng thuật ngữ “người chưa thành niên” mà trực tiếp thay thế bằng thuật ngữ “người dưới 18 tuổi”. Như vậy, trong pháp luật TTHS Việt Nam xác định người CTN là người dưới 18 tuổi. Việc thay đổi này về bản chất không có gì thay đổi song với việc khẳng định người CTN là người dưới 18 tuổi giúp việc áp dụng pháp luật đối với đối tượng này được xác định cụ thể, rò ràng, áp dụng pháp luật thống nhất.

Phạm vi áp dụng thủ tục TTHS đối với người dưới 18 tuổi bao gồm người bị buộc tội, người bị hại và người làm chứng là người dưới 18 tuổi [27]. Như vậy, thuật ngữ người CTN được sử dụng “kép” vừa là chủ thể của tội phạm (người bị buộc tội), vừa là đối tượng tác động của tội phạm (người bị hại, người làm chứng). Dưới góc độ là chủ thể của tội phạm, độ tuổi của người 18 tuổi bị buộc tội có phạm vi hẹp hơn so với các ngành luật khác. Bởi vì pháp luật hình sự quy định tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự là 14 tuổi [24], do đó, với tư cách là chủ thể của tội phạm thì người dưới 18 tuổi có độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi.

Qua nghiên cứu các quy định của văn bản pháp lý khác nhau từ quốc tế cho đến pháp luật Việt Nam, tuy đưa ra nhiều khái niệm khác nhau, không quy định thống nhất nhưng tóm lại trong TTHS, thuật ngữ “người chưa thành niên” nên được hiểu là người dưới 18 tuổi.

1.1.1.3. Điều tra thân thiện

Quá trình giải quyết VAHS, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng nói chung và người phạm tội là người dưới 18 tuổi nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan/người

có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong đó, giai đoạn điều tra VAHS cũng là một giai đoạn tố tụng hình sự mà quyền con người nói chung và những quyền đặc biệt của người dưới 18 tuổi nói riêng dễ bị xâm phạm nhất. Xuất phát từ yêu cầu đó, quá trình điều tra điều tra VAHS do người dưới 18 tuổi thực hiện được đặc biệt chú trọng, đòi hỏi các nhà làm luật cần xây dựng trình tự và cách thức thực hiện các hành vi và hoạt động tố tụng hình sự đặc biệt đối với VAHS do người dưới 18 tuổi thực hiện.

Trên thực tế, trong các văn bản pháp lý của LHQ và pháp luật TTHS Việt Nam không có khái niệm cụ thể thế nào là “điều tra thân thiện” hay “điều tra nhạy cảm”. Tuy nhiên, khái niệm này ngày càng phổ biến và được nhắc đến nhiều trong đời sống pháp lý quốc tế. Theo đó, ĐTTT được hình thành dựa trên các chuẩn mực quốc tế được quy định trong các văn bản pháp lý như: Công ước của LHQ về quyền trẻ em (1989), Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu của LHQ về Tư pháp người chưa thành niên (1985), Bộ quy tắc ứng xử cho các nhân viên thực thi pháp luật (1979), Hướng dẫn phòng, chống tội phạm ở người CTN (1990), Quy tắc về bảo vệ người CTN bị tước đoạt quyền tự do (1990), Hướng dẫn của LHQ về các vấn đề tư pháp liên quan tới nạn nhân và nhân chứng trẻ em (2005),.. Qua các văn kiện và thông lệ quốc tế, các quan điểm khoa học nêu ra hai hướng tiếp cận về khái niệm ĐTTT như sau:

“Thứ nhất, ĐTTT được tiếp cận như một thiết chế tố tụng tiền xét xử với yếu tố bộ máy, nhân lực, cơ sở vật chất và phương thức làm việc với người CTN trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ;

Thứ hai, ĐTTT là phương thức tiến hành tố tụng bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người CTN tham gia tố tụng với sự ghi nhận quyền của họ đồng thời với việc ghi nhận trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng” [11].

Theo cả hai cách tiếp cận thì mô hình ĐTTT chỉ được đặt ra khi có sự tham gia tố tụng của người CTN. Trong cách tiếp cận thứ nhất coi ĐTTT là

quá trình điều tra VAHS, trong đó các cơ quan/người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, đề ra các phương thức xử lý các vấn đề trong vụ án phù hợp dựa vào các yếu tố như hệ thống pháp luật, người tiến hành tố tụng, cơ sở vật chất để trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng tối đa các quyền của người CTN, làm tiền đề phục vụ cho giai đoạn xét xử được chính xác và khách quan. Trong khi cách tiếp cận thứ hai xem ĐTTT là phương thức đối xử với người CTN, phương thức xử lý các vấn đề trong vụ án người CTN, chính tên gọi ĐTTT đã quy định nội hàm, bản chất của mô hình điều tra này. Tuy nhiên, để thực hiện được những phương thức cần đòi hỏi các điều kiện về hệ thống pháp luật, bộ máy nhà nước, con người tiến hành tố tụng, cơ sở vật chất… mà cách tiếp cận thứ nhất đưa vào nội dung khái niệm. Đây được xem là những yếu tố điều kiện để bảo đảm cho mô hình ĐTTT.

Như vậy, có thể thấy mô hình ĐTTT xuất phát từ nguyên tắc cơ bản về quyền trẻ em: “Mọi trẻ bị cáo buộc, buộc tội hoặc bị coi là vi phạm luật hình sự đều có quyền được đối xử phù hợp với sự phát triển ý thức về nhân phẩm và phẩm chất của trẻ. Sự phát triển ý thức đó giúp tăng thêm ý thức tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản của người khác, và giúp xem xét khía cạnh lứa tuổi của trẻ và mong muốn của chúng về sự tái hòa nhập cộng đồng” [13]. Trong đó, nhấn mạnh đến phương thức đối xử của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng với người CTN theo hướng tôn trọng danh dự, nhân phẩm cho họ. Trong mối quan hệ này, đặt ra yêu cầu trước hết trách nhiệm, nghĩa vụ đối xử của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chính là phương thức cho các quyền, lợi ích hợp pháp của người CTN được bảo đảm.

Qua nghiên cứu nhiều quan điểm khác nhau, tác giải nhất trí với khái niệm sau: “Điều tra thân thiện là phương thức điều tra được tiến hành theo những nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, cân nhắc nhu cầu và quan điểm của

người chưa thành niên, cân bằng quyền được bảo vệ của họ với luật pháp quốc gia và lợi ích của cộng đồng” [10].

1.1.1.4. Điều tra vụ án hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện

Từ những phân tích nêu trên có thể đưa ra định nghĩa về điều tra VAHS do người dưới 18 tuổi thực hiện như sau: Điều tra vụ án hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện được hiểu là một giai đoạn của tố tụng hình sự, trong đó các cơ quan/người có thẩm quyền tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự để xác định hành vi phạm tội của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện làm cơ sở cho việc truy tố và xét xử nhằm giải quyết khách quan, đúng đắn vụ án hình sự và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Thông qua định nghĩa này sẽ cung cấp cho chúng ta một cái nhìn rò ràng hơn về nội hàm của điều tra VAHS do người dưới 18 tuổi thực hiện góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu các vấn đề phía sau.

1.1.2 Đặc điểm điều tra vụ án hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện

Điều tra VAHS do người dưới 18 tuổi thực hiện là quá trình điều tra VAHS được áp dụng đối với chủ thể đặc biệt thực hiện hành vi phạm tội người dưới 18 tuổi, do đó quá trình điều tra này có những đặc điểm riêng so với điều tra VAHS thông thường:

Thứ nhất, các quy định pháp luật về điều tra VAHS do người dưới 18 thực hiện có mối quan hệ chặt chẽ, gắn liền và không thể tách rời với những quy định chung về điều tra VAHS. Tại Điều 413 BLTTHS năm 2015, sửa đổ bổ sung năm 2017 (BLTTHS 2015) quy định thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được áp dụng theo quy định của Chương XXVIII BLTTHS, đồng thời theo những quy định khác của Bộ luật nhưng không trái với quy định của Chương XXVIII. Như đã phân tích ở trên điều tra VAHS nói chung và điều tra VAHS do người dưới 18 tuổi nói riêng là một giai đoạn của quá trình tố tụng. Do đó, khi thực hiện các hoạt động điều tra VAHS do người

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/06/2022