Quy Trình Xét Nghiệm, Đánh Giá Khả Năng Bảo Hộ Của Giải Pháp Kỹ Thuật Theo Các Điều Kiện Bảo Hộ Sáng Chế


tạo ra chất dẻo có độ đàn hồi cao. Tuy nhiên, tỷ lệ nitril được carboxy hoá trong hỗn hợp nhựa chỉ nằm trong khoảng không quá 5%. Hiệu quả kỹ thuật đạt được từ việc áp dụng phương pháp nói trên là có thể sản xuất một loại chất dẻo có tính đàn hồi rất cao, đồng thời, khắc phục được tình trạng bị đông cứng lại trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp của chất dẻo thông thường được sản xuất theo phương án kỹ thuật đã được bộc lộ trước đó. Trong trường hợp này, phương pháp giải quyết vấn đề kỹ thuật là không khác biệt nhiều, tuy nhiên hiệu quả kỹ thuật đạt được có thể được coi là một bước phát triển có tính chất đột phá. Do vậy, nếu chỉ dựa vào những kiến thức đã được bộc lộ trước đó, người có hiểu biết thông thường về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng không thể thực hiện được giải pháp kỹ thuật của sáng chế. Do đó, sáng chế này có khả năng đạt trình độ sáng tạo.

Nhìn chung, quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến điều kiện trình độ sáng tạo của sáng chế tương hợp với các quy định của pháp luật quốc tế. Đây sẽ là một thuận lợi căn bản trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Tuy nhiên, như đã được phân tích trên đây, việc xác định điều kiện trình độ sáng tạo của sáng chế là tương đối phức tạp, phụ thuộc rất nhiều vào trình độ chuyên môn của xét nghiệm viên. Do vậy, việc quy định một cách cụ thể về các khía cạnh cần được xem xét đối với sáng chế liên quan đến quy trình xác định trình độ sáng tạo của giải pháp kỹ thuật trong các văn bản hướng dẫn thi hành là điều hết sức cần thiết.

2.1.4. Khả năng áp dụng công nghiệp

Cũng như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, pháp luật Việt Nam yêu cầu giải pháp kỹ thuật đăng ký bảo hộ sáng chế buộc phải có khả năng áp dụng công nghiệp. Điều 62. Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được một kết quả ổn định”.

Đây là một bước thay đổi đáng kể trong quan điểm xây dựng điều kiện bảo hộ sáng chế của nước ta so với các văn bản pháp luật trước đây. Nếu như theo quy định của Nghị định 31/CP ngày 23 tháng 1 năm 1981 tính hữu ích của giải pháp kỹ thuật (mang lại lợi ích kinh tế-xã hội) được coi như là một trong những điều kiện để xem xét cấp Bằng độc quyền sáng chế. Thậm chí, khái niệm khả năng áp dụng công nghiệp cũng được mở rộng hơn so với quy định của Pháp lệnh bảo hộ


quyền sở hữu công nghiệp năm 1989. Theo Điều 10, Điều lệ về sáng kiến cải tiến kỹ thuật-hợp lý hoá sản xuất và sáng chế nhằm thi hành Pháp lệnh về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, khả năng áp dụng của sáng chế được hiểu là khả năng áp dụng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật sở hữu trí tuệ năm 2006, chúng ta có thể thấy thực chất của điều kiện về khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế là những yêu cầu về khả năng thực hiện trong thực tế cuộc sống của giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ. Thuật ngữ “công nghiệp” được sử dụng ở đây không có ý nghĩa giới hạn khả năng áp dụng của sáng chế trong một ngành công nghiệp nhất định, mà có thể được hiểu một cách rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực kỹ thuật của cuộc sống.

Theo đó, nếu đối tượng của giải pháp kỹ thuật là một thiết bị, một hợp chất hoá học hay một bộ phận, chi tiết máy như thiết bị phát sóng điện có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của các tế bào xương ở động vật có vú hoặc chế phẩm diệt nấm có tác dụng hiệp đồng, thì phải đảm bảo được khả năng có thể sản xuất được một cách hàng loạt với các tính năng và đặc điểm như đã được mô tả trong yêu cầu bảo hộ của sáng chế. Trong trường hợp đối tượng được đề cập của sáng chế là phương pháp hay quy trình như phương pháp nhập các ký tự tượng hình thông qua bàn phím số hoặc quy trình chế biến thức ăn gia súc, gia cầm có khả năng được bảo quản trong thời gian dài thì phải đảm bảo các phương pháp, hay quy trình đó có thể được áp dụng lặp đi lặp lại với các kết quả ổn định.

Bên cạnh đó, các thông tin được đề cập trong giải pháp kỹ thuật của sáng chế phải chứa đựng những dấu hiệu có thể nhận biết được đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng. Theo đó, dựa vào các thông tin được mô tả trong đơn đăng ký sáng chế, những đối tượng này hoàn toàn có thể thực hiện được giải pháp kỹ thuật của sáng chế mà không cần đến bất kỳ một kỹ năng hoặc một năng lực cá nhân đặc biệt nào. Do đó, hoàn toàn dễ hiểu khi một trong những yêu cầu pháp lý cần thiết nhất đối với mọi đơn đăng ký sáng chế, đó là cần phải làm rõ và mô tả một cách chi tiết phương thức để thực hiện được giải pháp kỹ thuật theo sáng chế.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.

Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế phải là khả năng thực hiện giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ trong điều kiện thực tế với trình độ khoa học công nghệ hiện tại hoặc tương lai. Điều kiện thực tế bao gồm tất cả các đặc điểm lý-hoá-sinh của môi trường sống cùng với tất cả các quy luật vận động khách quan của tự nhiên và xã hội. Do đó, nếu thuộc vào


Điều kiện bảo hộ sáng chế trong pháp luật Việt Nam - 7

một trong các trường hợp sau đây, giải pháp kỹ thuật của sáng chế sẽ bị coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp:

Thứ nhất, những giải pháp kỹ thuật có nội dung rõ ràng đi ngược lại với các quy luật khách quan của tự nhiên, hoặc được dựa trên những đặc tính không thể có của tự nhiên đều được coi là không có khả năng áp dụng công nghiệp. Chẳng hạn, giải pháp kỹ thuật của sáng chế đề cập đến một loại dược phẩm có khả năng ngăn chặn được sự tự phân chia của các tế bào trong cơ thể của động vật có vú, qua đó có thể chữa trị được các căn bệnh ung thư. Sáng chế này không có khả năng áp dụng công nghiệp, bởi khoa học đã chứng minh được rằng, sự tự phân chia của các tế bào chính là kết quả tất yếu của quá trình trao đổi chất trong cơ thể sống. Do vậy, con người chỉ có thể đạt đến mức ức chế hoặc làm chậm lại sự phát triển của các tế bào ung thư mà không thể đạt được việc ngăn chặn hoàn toàn sự phát triển của chúng. Tương tự, nếu đối tượng của giải pháp kỹ thuật là một loại động cơ có khả năng hoạt động được mà không cần đến một nguồn năng lượng nào cũng không có khả năng áp dụng công nghiệp, bởi điều đó là trái với các quy luật của tự nhiên.

Thứ hai, giải pháp kỹ thuật của sáng chế cũng được coi là không có khả năng thực hiện được nếu đối tượng được đề cập bao gồm các thành phần không có mối liên hệ kỹ thuật với nhau hoặc không thể liên hệ ghép nối, ràng buộc, phụ thuộc vào nhau hoặc đối tượng của giải pháp kỹ thuật theo sáng chế chứa đựng những mâu thuẫn nội tại, khiến cho kết quả được mô tả trong đơn không thể đạt được. Đây là những trường hợp giải pháp kỹ thuật của sáng chế đề cập đến những thiết bị hoặc các hợp chất mà bộ phận cấu thành hoặc các chất tham gia phản ứng mang những đặc tính trái ngược có khả năng làm triệt tiêu hoàn toàn chức năng kỹ thuật của nhau. Ví dụ, đối tượng của sáng chế là một phích cắm điện bao gồm hai lá cắm được bọc một lớp nhựa polyme mỏng có tác dụng cách điện. Hai bộ phận này có các chức năng kỹ thuật triệt tiêu lẫn nhau do đó hoàn toàn không có khả năng liên hệ được với nhau trong cùng một chỉnh thể để thực hiện được một chức năng thống nhất.

Thứ ba, giải pháp kỹ thuật chỉ có thể được thực hiện với giới hạn số lần nhất định. Điều này có nghĩa là không thể thu được các đặc tính kỹ thuật của đối tượng theo sáng chế một cách phổ biến và hàng loạt. Bởi vậy, những giải pháp kỹ thuật đề cập đến những đối tượng chỉ có khả năng áp dụng cho một cá nhân nhất định hoặc những đối tượng được tạo ra theo một trình tự mang tính ngẫu nhiên đều không được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp. Chẳng hạn, các sáng chế đề


cập đến đối tượng là trình tự gen người hoặc động vật, những đối tượng mang những yếu tố đặc định bởi thông tin di truyền của mỗi cá thể thì không có khả năng áp dụng hàng loạt, và do đó, không có khả năng áp dụng công nghiệp.

Thứ tư, những giải pháp kỹ thuật chỉ có thể thực hiện được với điều kiện người thực hiện phải có những kỹ năng đặc biệt và các kỹ năng đó không có khả năng truyền thụ lại được hoặc giải pháp kỹ thuật thiếu những thông tin chỉ dẫn cần thiết để có thể thực hiện được.

Như vậy, điều kiện về khả năng áp dụng công nghiệp theo pháp luật Việt Nam chỉ tập trung vào khía cạnh khả năng áp dụng thực tế của giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ. Các yếu tố liên quan đến tính hữu ích, khả năng khai thác thương mại, kinh tế, xã hội hay khoa học không được xem xét đến. Chẳng hạn, đối tượng của giải pháp kỹ thuật theo sáng chế là một hợp chất không ổn định, có tính chất hoá học thay đổi liên tục theo sự lên xuống của nhiệt độ, độ ẩm, từ trường của môi trường xung quanh hoặc là thiết bị dùng để đọc và phân loại tem phiếu phân phối thực phẩm... Mặc dù các đối tượng này có khả năng đáp ứng tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng theo đúng các điều kiện bảo hộ sáng chế, nhưng giá trị về mặt kinh tế, xã hội của chúng thì không được đảm bảo. Bởi tính năng của các đối tượng này không ứng dụng được vào một mục đích nào cụ thể, hoặc mục đích sử dụng của chúng không còn ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội.

Trước đây, trong văn bản pháp luật đầu tiên của nước ta, quy định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, tính hữu ích của giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ là một khía cạnh bắt buộc phải xem xét. Điều 10, Điều lệ về cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất và sáng chế ban hành kèm theo Nghị định 31-CP ngày 23 tháng 1 năm 1981 quy định rất rõ: “Sáng chế bảo hộ theo điều lệ này là một giải pháp kỹ thuật mới, có trình độ sáng tạo, có khả năng áp dụng trong nền kinh tế quốc dân, y tế, văn hoá, giáo dục hay quốc phòng và mang lại lợi ích kinh tế - xã hội”. Tuy nhiên, kể từ khi Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ra đời cho đến nay, tính hữu ích của sáng chế không được còn được coi là một điều kiện bảo hộ.

Xét trên khía cạnh về yêu cầu hội nhập quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế nói riêng, việc áp dụng điều kiện khả năng áp dụng công nghiệp có ưu điểm hơn. Bởi, điều kiện về khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế được áp dụng một cách khá rộng rãi ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, cũng như được ghi nhận trong rất nhiều các


công ước quốc tế về bảo hộ sáng chế. Tuy nhiên, nếu xem xét trên khía cạnh kinh tế xã hội của việc bảo hộ sáng chế, đặc biệt là trong hoàn cảnh của nước ta hiện nay, khi mà trình độ khoa học công nghệ còn chưa phát triển, nếu chỉ xem xét về khả năng áp dụng công nghiệp của giải pháp kỹ thuật theo sáng chế, có khả năng sẽ tạo ra một sự lãng phí không đáng có trong việc nghiên cứu và xét nghiệm các sáng chế không có giá trị hữu ích đối với kinh tế xã hội. Thêm vào đó, việc bảo hộ các sáng chế loại này sẽ không khuyến khích được việc cải tiến kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực liên quan, đặc biệt là đối với những cải tiến kỹ thuật nằm trong phạm vi yêu cầu bảo hộ được chấp thuận của sáng chế.

2.1.5. Các trường hợp ngoại lệ

Với quan điểm “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu... Nhà nước xây dựng và thực hiện chính sách khoa học, công nghệ quốc gia; xây dựng nền khoa học và công nghệ tiên tiến; phát triển đồng bộ các ngành khoa học...” [1, trang 10], trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn có những chính sách nhằm phát triển một cách toàn diện các ngành khoa học kỹ thuật. Bởi vậy, về mặt nguyên tắc, tất cả các giải pháp kỹ thuật được sáng tạo ra đều có khả năng được bảo hộ sáng chế.

Tuy nhiên, Nhà nước cũng có thể loại trừ không bảo hộ sáng chế đối với một số giải pháp kỹ thuật nhất định có khả năng ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội hoặc trật tự công cộng, qua đó đặt ra một giới hạn phạm vi các đối tượng được bảo hộ sáng chế. Điều 787 Bộ luật dân sự năm 1995 của Việt Nam quy định: “Nhà nước không bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp trái với lợi ích xã hội, trật tự công cộng, nguyên tắc nhân đạo và các đối tượng khác mà pháp luật về sở hữu công nghiệp quy định không được bảo hộ”. Đây được coi là một nguyên tắc rất cơ bản để xác định phạm vi các đối tượng không được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói chung và bảo hộ sáng chế nói riêng. Như vậy, các giải pháp kỹ thuật có nội dung đi ngược lại với lợi ích chung của xã hội.v.v. hoặc việc cho phép công bố, bảo hộ quyền độc quyền khai thác đối với chúng có khả năng ảnh hưởng đến trật tự công cộng hoặc nguyên tắc nhân đạo sẽ bị loại trừ, không được bảo hộ sáng chế. Điều này là hoàn toàn phù hợp với tinh thần của các công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Mục 5, Điều 27.2 Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) quy định: “Các nước thành viên có thể loại trừ các sáng chế, ngăn cấm trong phạm vi lãnh thổ của họ việc khai thác thương mại các sáng chế cần thiết cho việc bảo hộ trật tự công cộng, bao gồm việc bảo vệ con người, động thực vật hoặc sức khoẻ, hoặc để tránh


các nguy hại nghiêm trọng tới môi trường”. Điều 7 Chương II của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ cũng quy định: “Mỗi bên có thể loại trừ việc cấp văn bằng bảo hộ đối với các giải pháp mà cần phải cấm việc khai thác các giải pháp đó vào mục đích kinh doanh trong lãnh thổ của mình để bảo vệ trật tự công cộng hoặc đạo đức xã hội”.

Tiếp tục kế thừa nguyên tắc nêu trên, Luật sở hữu trí tuệ năm 2006 quy định loại trừ khả năng bảo hộ sáng chế đối với một số giải pháp kỹ thuật nhất định. Theo đó, vì các lý do liên quan đến đạo đức xã hội hoặc trật tự công cộng, Nhà nước không tiến hành bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế đối với một số giải pháp kỹ thuật, cho dù các giải pháp đó có khả năng đáp ứng đầy đủ các điều kiện về dấu hiệu kỹ thuật, tiêu chuẩn tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp. Các đối tượng này bao gồm:

- Giống thực vật, giống động vật;

- Quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh;

- Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

Đối với các giải pháp kỹ thuật đề cập tới đối tượng là phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán, chữa bệnh cho người và động vật đều không thể thực hiện bảo hộ sáng chế. Vì lý do nhân đạo, việc ngăn chặn bệnh nhân được quyền áp dụng những phương pháp chẩn đoán hoặc chữa bệnh có tính hữu hiệu nhằm để chống lại bệnh tật không được pháp luật bảo hộ. Mặt khác, nếu xem xét về khả năng đáp ứng các điều kiện về bảo hộ sáng chế, các đối tượng nêu trên không có khả năng áp dụng công nghiệp. Điều này được thể hiện ở chỗ, nguyên nhân gây bệnh, cơ chế lây truyền bệnh từ của mỗi cá thể trong xã hội là hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh đó, việc điều trị bệnh không chỉ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà còn phải xem xét đến cơ địa cũng như thể trạng của mỗi bệnh nhân tại thời điểm điều trị. Ví dụ, phương pháp điều trị bệnh ung thư gan bằng cách cho bệnh nhân uống một lượng hữu hiệu dược phẩm chứa asialo-inteferon ở động vật có vú chỉ phát huy tác dụng đối với một số loại bệnh ung thư gan nhất định như ung thư biểu mô tế bào gan kiểu tán toả, ung thư biểu mô tế bào gan kiểu sốt, và ung thư biểu mô tế bào gan kiểu vàng da ở các bệnh nhân có biểu hiện thể nhận asialo-glycoprotein. Mức độ biểu hiện thể nhận asialo-glycoprotein ở mỗi bệnh nhân thường rất khác nhau. Bên cạnh đó, các yếu tố liên quan đến thể trạng của bệnh nhân cũng ảnh


hưởng rất lớn đến hiệu quả của phương pháp điều trị, thậm chí có khả năng gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Bởi vậy, phương pháp điều trị bệnh ở người và động vật không có khả năng áp dụng một cách phổ biến, rộng rãi và do đó không đáp ứng được yêu cầu về điều kiện khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế.

Đối với giống cây trồng, do có những đặc trưng riêng biệt, theo pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam, đối tượng này được bảo hộ theo một hệ thống riêng biệt mà không phải là sáng chế. Điều 4, Khoản 24 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2006 quy định: “Giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được”. Như vậy, có thể hiểu một cách gián tiếp là các đối tượng được bảo hộ theo các quy định pháp luật về sở hữu công nghiệp đối với giống cây trồng thì không được bảo hộ sáng chế. Vấn đề được đặt ra là, giới hạn loại trừ này có bao gồm cả loại cây trồng là sản phẩm biến đổi gen hay không? Cho đến nay, chưa có một văn bản pháp luật nào của Việt Nam có quy định chính thức về vấn đề này. Trong khi trên thực tế, trong những năm qua, Cục sở hữu trí tuệ đã tiến hành cấp bằng độc quyền sáng chế đối với các đối tượng là cây trồng biến đổi gen.

Đối với giống động vật, vì lý do nhân đạo, pháp luật sở hữu trí tuệ của Việt Nam không coi đây là một đối tượng có khả năng được bảo hộ sáng chế. Điều này là hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật quốc tế về sở hữu trí tuệ nói chung và pháp luật về bảo hộ sáng chế nói riêng. Tuy nhiên, hiện nay, cùng với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ sinh học, các giống động vật là sản phẩm của quy trình biến đổi gen đang xuất hiện ngày càng phổ biến trên thế giới. Thực tế này đang có những ảnh hưởng rất đáng kể đối với các quy định pháp luật về bảo hộ sáng chế của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo đó, một số nước đã bắt đầu chấp nhận cấp bằng độc quyền sáng chế cho động vật biến đổi gen. Trong một xu hướng có tính chất chung như vậy, Việt Nam có thể là một ngoại lệ hay không? Về vấn đề này, theo ý kiến một chuyên gia có uy tín về sáng chế, sẽ không có nhiều khả năng Việt Nam tiến hành xem xét cấp bằng độc quyền sáng chế cho động vật biến đổi gen. Bởi điều này là vi phạm nguyên tắc nhân đạo. Bên cạnh đó, khả năng tác động xấu đến sức khoẻ con người cũng như đối với môi trường của động vật biến đổi gen là rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, nếu dựa trên các quy định


hiện có của Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2005 và Luật sở hữu trí tuệ năm 2006, chúng ta chưa có đủ cơ sở pháp lý chắc chắn để từ chối bảo hộ đối với đối tượng là động vật biến đổi gen. Bởi, động vật biến đổi gen không bị giới hạn khả năng áp dụng đối với một giống động vật nhất định. Do vậy, nếu chỉ dựa trên cơ sở loại trừ không bảo hộ sáng chế đối với giống động vật là chưa thoả đáng.

Vì lí do nhận đạo cũng như khả năng ảnh hưởng xấu đến môi trường, pháp luật Việt Nam cũng không tiến hành bảo hộ sáng chế đối với các đối tượng là quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh. Các yêu cầu bảo hộ đề cập đến quy trình sinh học để tạo ra cây trồng hoặc động vật bằng các cách như chiết, ghép, ươm mầm hoặc nhân giống hữu tính... sẽ bị loại trừ, không được bảo hộ sáng chế. Vấn đề được đặt ra là các quy trình bị loại trừ nói trên có bao hàm cả các quy trình sản xuất thực vật hoặc động vật theo công nghệ cấy ghép gen, hoặc làm đột biến gen hay không? Bởi nếu xét về mặt bản chất, quy trình biến đổi gen là một sự kết hợp giữa quy trình sinh học tự nhiên của động thực vật với các kỹ thuật công nghệ hiện đại của con người. Thiết nghĩ, vấn đề này rất cần phải được giải quyết một cách triệt để trên cả phương diện lý luận và thực tiễn trong thời gian tới đây.

Qua những phân tích nói trên, có thể thấy giới hạn loại trừ các đối tượng không được bảo hộ sáng chế theo pháp luật Việt Nam nhìn chung đã tương hợp với các quy định của pháp luật quốc tế về sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có khá nhiều tồn tại chưa được giải quyết một cách triệt để cả về mặt lý luận và thực tiễn. Điều này có thể sẽ là một cản trở lớn cho việc thực thi các quy định về bảo hộ sáng chế nói chung cũng như quy trình xét nghiệm sáng chế nói riêng ở nước ta trong thời gian sắp tới.

2.2. QUY TRÌNH XÉT NGHIỆM, ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG BẢO HỘ CỦA GIẢI PHÁP KỸ THUẬT THEO CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ SÁNG CHẾ

Cũng như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, theo quy định của pháp luật Việt Nam, mọi giải pháp kỹ thuật đăng ký bảo hộ sáng chế đều phải được tiến hành xét nghiệm bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Mục đích của quy trình xét nghiệm không nằm ngoài mục đích đảm bảo sao cho các sáng chế được cấp bằng đều có khả năng đáp ứng các yêu cầu về điều kiện bảo hộ sáng chế.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/11/2023