Chương 2
CÂN BẰNG LỢI ÍCH TRONG BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ TRONG CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CỦA VIỆT NAM
Qua quá trình phát triển, có thể nói hiện nay Việt Nam có một hệ thống các văn bản pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tương đối hoàn chỉnh và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế tối thiểu trong lĩnh vực này. Việc cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu sáng chế với lợi ích của xã hội nói chung và lợi ích của chủ sở hữu sáng chế với các chủ thể sáng tạo khác cũng như lợi ích của Việt Nam nói chung với lợi ích của các nước khác, đặc biệt là các nước phát triển được thể hiện trong rất nhiều quy định pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Trong luận văn này, vấn đề cân bằng lợi ích trong bảo hộ sáng chế được phân tích dựa trên các khía cạnh: đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa là sáng chế, các điều kiện (tiêu chuẩn) bảo hộ, quyền nộp đơn đăng ký sáng chế, thời hạn bảo hộ sáng chế, thủ tục đăng ký xác lập quyền đối với sáng chế, phạm vi quyền và bảo vệ quyền đối với sáng chế.
2.1. CÂN BẰNG LỢI ÍCH TRONG CÁC QUY ĐỊNH VỀ ĐỐI TƯỢNG KHÔNG ĐƯỢC BẢO HỘ LÀ SÁNG CHẾ
Theo quy định của pháp luật, sáng chế là những giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên (khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ). Ngay trong định nghĩa này đã xác định sáng chế phải có đặc tính kỹ thuật hay nói theo cách khác là phải có đóng góp về mặt kỹ thuật vào tình trạng kỹ thuật hiện tại. Bản thân ý tưởng nếu chưa trở thành một giải pháp kỹ thuật sẽ không phải là đối tượng được bảo hộ sáng chế (mặc dù trên thực tế ta thường nói
sáng chế bảo hộ ý tưởng để phân biệt với bảo hộ quyền tác giả đối với sự thể hiện ý tưởng). Điều này cũng có nghĩa là có nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống nhưng nếu không phải là giải pháp kỹ thuật thì cũng sẽ không được bảo hộ là sáng chế.
Luật Sở hữu trí tuệ quy định một loạt các đối tượng không được bảo hộ là sáng chế mà trong đó có rất nhiều đối tượng không được bảo hộ vì lý do bảo đảm lợi ích chung của xã hội.
2.1.1. Phát minh, các lý thuyết khoa học và phương pháp toán học
Có thể bạn quan tâm!
- Trong Quy Định Về Đối Tượng Và Điều Kiện Bảo Hộ
- Cân bằng lợi ích trong bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế - 5
- Trong Các Quy Định Về Bảo Vệ Quyền Đối Với Sáng Chế
- Cân Bằng Lợi Ích Trong Các Quy Định Về Xác Lập Quyền Sở Hữu Công Nghiệp Đối Với Sáng Chế
- Quyền Ngăn Cấm Người Khác Sử Dụng Sáng Chế
- Trong Các Quy Định Về Nghĩa Vụ Của Chủ Sở Hữu Sáng Chế
Xem toàn bộ 100 trang tài liệu này.
Phát minh được xem là những sự khám phá về sự vật hoặc hiện tượng đã tồn tại khách quan trong tự nhiên (ví dụ các nguyên tố hoá học hoặc định luật khoa học - những thứ mà các nhà khoa học thiên tài đã phát hiện ra và chứng minh cho mọi người tin rằng những thứ đó tồn tại trên thế giới này). Trong khi đó, sáng chế lại là việc áp dụng những kiến thức, phát minh đó để giải quyết một vấn đề thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của cuộc sống con người. Để có được phát minh cũng cần những nỗ lực (rất đặc biệt), kể cả về vật chất, trí tuệ. Tuy nhiên, không thể cấp độc quyền cho những phát minh vì bản thân đối tượng của những phát minh đó (ví dụ các nguyên tố hoá học, các định luật khoa học v.v...) chưa phải là đối tượng hữu ích (trực tiếp) cho cuộc sống con người mà nó chỉ là phương tiện để con người dựa vào đó tạo ra các giải pháp, các sản phẩm hữu dụng cho con người. Hơn nữa, nếu cấp độc quyền cho những phát minh này sẽ hạn chế sự phát triển khoa học, công nghệ và hạn chế việc tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ hữu ích phục vụ đời sống con người. Chỉ những giải pháp kỹ thuật mà nhờ sự lao động sáng tạo của con người và hữu dụng cho cuộc sống mới được bảo hộ dưới dạng cấp bằng độc quyền sáng chế.
2.1.2. Phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán bệnh và chữa bệnh cho người và động vật
Việc loại trừ các đối tượng này khỏi phạm vi bảo hộ sáng chế cũng giống như quy định trong các điều ước quốc tế và pháp luật của các nước
khác. Mục đích của việc loại trừ này nhằm bảo đảm cơ hội tiếp cận các phương pháp chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh tốt nhất có thể cho nhân dân.
Đối với phương pháp chẩn đoán bệnh, các phương pháp nội và ngoại khoa để chữa bệnh cho người và động vật, ngoài lý do các đối tượng nêu trên không đáp ứng khả năng áp dụng công nghiệp (việc áp dụng phương pháp chữa bệnh cho con người có thể không đạt hiệu quả giống nhau trên mọi người bệnh vì điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố), việc không bảo hộ các đối tượng này còn nhằm bảo đảm việc bảo vệ sức khoẻ của con người. Việc cấp độc quyền cho các phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán bệnh và chữa bệnh có thể có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ hội được khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và chậm phát triển.
2.1.3. Các giải pháp kỹ thuật trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh
Việc loại trừ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng trở nên có ý nghĩa lớn trong bối cảnh phát triển công nghệ những năm gần đây. Những giải pháp công nghệ trái với đạo đức xã hội có thể được giải thích tương đối rộng, bao gồm các quy trình nhân bản vô tính người hoặc quy trình biến đổi gen quy định đặc điểm của con người, việc sử dụng phôi người vì mục đích thương mại hoặc công nghiệp, quy trình biến đổi gen quy định đặc điểm của động vật có thể gây ra cho chúng sự đau đớn mà không mang lại lợi ích bền vững nào cho con người và cho động vật v.v... Trong khi đó, các giải pháp trái với trật tự công cộng và không được cấp bằng độc quyền sáng chế có thể được giải thích bao gồm các giải pháp ảnh hưởng đến an ninh chung và sự toàn vẹn về mặt thể chất của mỗi cá nhân với tư cách là một thành tố của xã hội, ví dụ như sáng chế về vũ khí nguyên tử.
2.1.4. Các giải pháp kỹ thuật dưới dạng "sử dụng"
Trước khi có Luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng một đối tượng đã biết theo một chức năng mới là một đối tượng được bảo hộ sáng chế. Theo quy
định tại điểm 32.2 Thông tư số 30/2003/TT-BKHCN ngày 5/11/2003 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế/giải pháp hữu ích, giải pháp kỹ thuật được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế/giải pháp hữu ích có thể thuộc một trong các dạng: vật thể, chất thể, vật liệu sinh học, phương pháp. Tại điểm này còn có quy định "các giải pháp kỹ thuật chỉ khác nhau bởi chức năng (công dụng) hoặc mục đích sử dụng cũng được coi là các giải pháp kỹ thuật khác nhau". Đây chính là quy định hàm ý đến đối tượng sử dụng một đối tượng đã biết cho một chức năng mới. Ví dụ, ban đầu thuốc đánh răng được sáng tạo ra và được bảo hộ như một sáng chế. Sau đó, người ta phát hiện ra rằng thuốc đánh răng cũng có thể dùng để chữa bệnh sâu răng và người ta đã yêu cầu bảo hộ chức năng này dưới dạng một bằng độc quyền sáng chế. Điều này dẫn tới một hệ quả là cùng một đối tượng đó, thời hạn bảo hộ sẽ không phải là 20 năm mà có thể kéo dài, tùy thuộc vào việc con người phát hiện ra nhiều hay ít những chức năng mới của sản phẩm đó. Bảo hộ sáng chế đối với đối tượng dạng sử dụng đặc biệt có hại cho những nước đang phát triển như Việt Nam vì sáng chế dạng sử dụng xuất hiện chủ yếu trong lĩnh vực dược phẩm, là lĩnh vực mà chúng ta phải phụ thuộc vào nước ngoài rất nhiều.
Vì pháp luật sáng chế bảo hộ các sáng chế chứ không phải là những phát hiện (phát minh), do vậy việc phát hiện ra một chức năng mới của sản phẩm không làm cho sản phẩm đã được biết đến có thể được cấp bằng độc quyền sáng chế theo các nguyên tắc chung của pháp luật về sáng chế.
Nhận thức được điều này, khi soạn thảo Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành, các cơ quan nhà nước Việt Nam đã loại trừ đối tượng "sử dụng một đối tượng đã biết cho chức năng mới" ra khỏi phạm vi các đối tượng được bảo hộ là sáng chế. Luật Sở hữu trí tuệ không quy định rõ sáng chế dạng "sử dụng" là đối tượng không được bảo hộ mà điều này được hàm ý trong định nghĩa về sáng chế và điều kiện bảo hộ sáng chế, theo đó "sáng chế
là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình", và để được bảo hộ, sáng chế phải có tính mới. Như vậy, dù có phát hiện ra những chức năng mới đối với những đối tượng đã biết thì bản thân đối tượng đó đã bị mất tính mới và bản thân chức năng đó cũng không phải là sản phẩm hay quy trình, do đó sẽ không được cấp bằng độc quyền sáng chế.
2.2. CÂN BẰNG LỢI ÍCH TRONG QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN BẢO HỘ SÁNG CHẾ
2.2.1. Tính mới của sáng chế
Luật Sở hữu trí tuệ quy định sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa được bộc lộ công khai ở bất kỳ nơi nào trên thế giới trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế. Trong một số trường hợp ngoại lệ, sáng chế đã bị công bố nhưng không bị coi là mất tính mới, ví dụ như công bố dưới hình thức báo cáo khoa học, trưng bày sáng chế tại triển lãm v.v... với điều kiện đơn đăng ký sáng chế phải được nộp trong thời gian 6 tháng kể từ ngày các sự kiện tương ứng xảy ra.
Liên quan đến vấn đề tính mới, trong lịch sử phát triển của hệ thống pháp luật về sáng chế của Việt Nam cũng có những thay đổi nhất định. Đối với sáng chế được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích (trước đây gọi là giải pháp hữu ích), theo Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989, giải pháp hữu ích được cấp bằng nếu đáp ứng tiêu chuẩn tính mới so với trình độ kỹ thuật ở Việt Nam (giải pháp đó chưa được bộc lộ dưới dạng văn bản hoặc sử dụng v.v... ở Việt Nam, bất kể đã được bộc lộ trên thế giới hay chưa). Lập luận cho việc đưa ra tiêu chuẩn bảo hộ thấp này, các nhà xây dựng pháp luật cho rằng trình độ công nghệ của Việt Nam còn thấp nên người Việt Nam khó có thể có các giải pháp kỹ thuật mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới, do vậy để khuyến khích hoạt động sáng tạo của người Việt Nam, cần hạ thấp tiêu chuẩn về tính mới để có thể cấp bằng độc quyền cho các sáng tạo kỹ thuật của người Việt Nam.
Tuy nhiên, quy định này lại có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân Việt Nam nói chung. Theo nguyên tắc đối xử quốc gia, tiêu chuẩn thấp này được áp dụng không chỉ cho người nộp đơn Việt Nam mà áp dụng cho cả người nộp đơn nước ngoài. Chúng ta hãy thử tưởng tượng nếu các tổ chức, cá nhân nước ngoài yêu cầu đăng ký các giải pháp kỹ thuật thực tế đã rất cũ ở nước ngoài nhưng chưa được bộc lộ ở Việt Nam, và khi đó người dân Việt Nam lại phải tôn trọng quyền của họ đối với một đối tượng mà đáng lẽ ra người dân Việt Nam được tự do sử dụng. Hơn nữa, cũng có thể có tình trạng người Việt Nam lấy những giải pháp kỹ thuật đã tồn tại ở nước ngoài nhưng chưa được bộc lộ ở Việt Nam và nộp đơn yêu cầu bảo hộ dưới dạng yêu cầu cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Trong trường hợp này, lợi ích của xã hội cũng đã bị xâm phạm vì mọi người phải tôn trọng quyền của một người mà đáng ra họ không có nghĩa vụ phải tôn trọng (nếu pháp luật quy định giải pháp kỹ thuật phải đáp ứng tiêu chuẩn tính mới thế giới).
Để bảo đảm lợi ích của xã hội, Bộ luật Dân sự năm 1995 đã thay đổi tiêu chuẩn bảo hộ đối với giải pháp hữu ích, theo đó để được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích, đối tượng liên quan phải có tính mới so với trình độ kỹ thuật trên thế giới.
Bên cạnh việc bảo vệ lợi ích xã hội thì quy định pháp luật cũng thể hiện sự bảo đảm quyền cho chủ sở hữu sáng chế. Quy định về việc sáng chế không bị mất tính mới nếu được người có quyền đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học nhằm bảo đảm cân bằng với nhu cầu công bố khoa học của các nhà sáng tạo. Trên thực tế, có sự mâu thuẫn giữa mong muốn công bố càng sớm càng tốt theo quan điểm của một nhà nghiên cứu khoa học và yêu cầu về tính mới của sáng chế để được bảo hộ (không được bộc lộ công khai trước khi nộp đơn). Luật Sở hữu trí tuệ đã giải quyết mâu thuẫn này bằng việc quy định sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được công bố dưới dạng báo cáo khoa học nếu đơn đăng ký sáng chế được nộp trong vòng 6 tháng tính từ ngày công bố.
2.2.2. Trình độ sáng tạo của sáng chế
Việc yêu cầu trình độ sáng tạo nhằm bảo đảm độc quyền sáng chế với danh nghĩa là "phần thưởng" thực sự chỉ được dành cho các thành quả sáng tạo. Những đối tượng hiển nhiên với những người có trình độ trong lĩnh vực liên quan, có nghĩa là bất kỳ ai trong lĩnh vực đó cũng có thể nghĩ ra thì không thể được bảo hộ và đương nhiên sẽ không thể thuộc về độc quyền của bất kỳ người nào. Điều 61 Luật Sở hữu trí tuệ quy định sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào tình trạng kỹ thuật hiện tại, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
2.3. CÂN BẰNG LỢI ÍCH TRONG CÁC QUY ĐỊNH VỀ THỜI HẠN BẢO HỘ VÀ HUỶ BỎ HIỆU LỰC CỦA BẰNG ĐỘC QUYỀN
2.3.1. Thời hạn bảo hộ sáng chế
Việc xác định độ dài thời hạn bảo hộ độc quyền sáng chế có ý nghĩa quan trọng. Nếu quy định thời hạn bảo hộ quá ngắn thì chủ sở hữu sáng chế sẽ không có đủ thời gian thu hồi vốn đầu tư và thu lợi nhuận một cách hợp lý, do đó không khuyến khích được hoạt động sáng tạo, đổi mới, nhưng xã hội lại được hưởng lợi một cách tương đối khi sớm được tiếp cận tự do với giải pháp kỹ thuật được bảo hộ. Nói là tương đối bởi vì xét cho cùng nếu pháp luật không tạo động lực cho hoạt động sáng tạo thì các sản phẩm mới, công nghệ mới không được tạo ra và do vậy thì xã hội cũng sẽ không được hưởng các thành quả sáng tạo. Nếu quy định thời hạn bảo hộ quá dài sẽ dẫn tới hạn chế quyền của xã hội và ở chừng mực nào đó cũng hạn chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, quy định pháp luật về thời hạn bảo hộ sáng chế đã có sự thay đổi. Theo Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989, bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực trong thời hạn 15 năm kể từ ngày ưu tiên, bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực
trong thời hạn 6 năm kể từ ngày ưu tiên. Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 63/CP ngày 24 tháng 10 năm 1996 quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp (hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005), Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 20 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ. Việc kéo dài thời hạn bảo hộ như trên là nhằm bảo đảm quyền cho chủ sở hữu sáng chế, tạo động lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo và đổi mới và đương nhiên điều này đáp ứng được cả mục tiêu lợi ích công cộng khi xã hội được hưởng ngày càng nhiều các thành tựu sáng tạo mới.
Ngoài ra, với quy định về việc nộp lệ phí duy trì hiệu lực hàng năm theo mức tăng dần, các chi phí của xã hội đối với độc quyền sáng chế cũng giảm đi do hầu hết các bằng độc quyền sáng chế không được duy trì hiệu lực cho đến khi kết thúc thời hạn bảo hộ 20 năm đối với bằng độc quyền sáng chế và 10 năm đối với bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Trong các quan hệ quốc tế về sở hữu trí tuệ, Việt Nam được yêu cầu kéo dài thời hạn bảo hộ đối với một số đối tượng cần những thủ tục đặc biệt để được phép đưa sản phẩm ra thị trường, chẳng hạn như dược phẩm. Như đã trình bày ở chương 1, do những yêu cầu đặc biệt liên quan đến tiếp thị sản phẩm dẫn tới thời hạn khai thác quyền đối với sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm bị rút ngắn, làm cho chủ sở hữu sáng chế không đủ thời gian và cơ hội để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hợp lý. Có lẽ đây cũng là một lý do dẫn tới việc để bù lại thời gian đã mất, chủ sở hữu sáng chế dược phẩm đã nâng giá bán sản phẩm lên cao và điều này gây bất lợi cho việc tiếp cận thuốc của người dân. (Liên quan đến vấn đề này, Đạo luật cạnh tranh về giá dược phẩm và gia hạn bằng độc quyền sáng chế năm 1984 của Hoa Kỳ quy định về "ngoại lệ Bolar" cho phép kéo dài thời hạn bảo hộ sáng chế nhiều nhất là 5 năm nhằm bù đắp cho thời gian mà chủ sở hữu sáng chế dược phẩm phải chờ được chấp thuận lưu thông dược phẩm trên thị trường.)