hơn ở những quốc gia có sự bảo hộ mạnh mẽ hơn đối với những sáng tạo trí tuệ. Lâu dài hơn, đó là sự tụt hậu không tránh khỏi về trình độ phát triển khoa học kỹ thuật của quốc gia so với mặt bằng chung của thế giới.
1.2.2.2. Chính sách kinh tế xã hội của quốc gia
Chính sách kinh tế xã hội của quốc gia bảo hộ trong mỗi thời kỳ cũng có những ảnh hưởng hết sức to lớn đến việc thiết lập các điều kiện bảo hộ sáng chế. Yếu tố này ít nhiều đã và đang tạo ra sự khác biệt tương đối trong điều kiện bảo hộ sáng chế của các quốc gia trên thế giới.
Pháp luật nếu xét cho cùng là một loại công cụ của quyền lực chính trị. Bởi vậy, các quy định về điều kiện bảo hộ sáng chế cũng phải được xây dựng phù hợp với chính mục tiêu điều chỉnh các nhu cầu trong xã hội của lực lượng cầm quyền. Chẳng hạn, công nghiệp chế tạo vũ khí là một trong những ngành mũi nhọn đã đem lại lợi nhuận khổng lồ cho nền kinh tế Hoa Kỳ trong hai cuộc chiến tranh thế giới I và chiến tranh thế giới thứ II. Chính vì lí do đó, vũ khí đã từng được coi là một trong những đối tượng chính và chủ yếu được bảo hộ sáng chế ở Hoa Kỳ. Một loạt các loại vũ khí quân sự đã được cấp bằng sáng chế vào thời gian này như tàu ngầm (1902); máy bay quân sự (1906); rocket (1914); thuỷ phi cơ (1922); động cơ phản lực (1940)... Hoặc, ngày nay, nhằm hướng tới mục đích cổ vũ cho sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp chế tạo phần mềm, Hoa Kỳ và Nhật Bản chính là những quốc gia đầu tiên đã đưa phần mềm máy tính trở thành một trong những đối tượng được bảo hộ sáng chế. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia trên thế giới, vũ khí quân sự và phần mềm máy tính là những giải pháp kỹ thuật bị loại trừ khỏi các đối tượng được bảo hộ sáng chế.v.v.
Thực tế là, hiện nay các quốc gia trên thế giới đã và đang nỗ lực hết sức nhằm tìm kiếm sự cân bằng giữa những lợi ích của việc thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ và những giá trị đạo đức, tính nhân đạo cũng như lợi ích của cộng đồng xã hội trong việc xây dựng cơ chế bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế nói. Phương hướng giải quyết vấn đề này như thế nào của các nhà hoạch định chính sách kinh tế, xã hội trực tiếp ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến điều kiện bảo hộ sáng chế của quốc gia đó. Việc bảo hộ sáng chế đối với các giải pháp kỹ thuật liên quan đến công nghệ sinh học là một ví dụ.
Với những phát hiện quan trọng liên quan đến cấu trúc điều khiển bộ gen của người và những tiến bộ trong khoa học về gen thực vật và động vật.v.v. các bước phát triển đột phá trong công nghệ sinh học ngày nay đã mở ra những cơ hội
rất lớn cho nhân loại trong việc chữa trị các căn bệnh nan y, kéo dài tuổi thọ, nâng cao điều kiện cuộc sống. Rất nhiều ý kiến cho rằng, việc tiến hành bảo hộ độc quyền sáng chế đối với các giải pháp kỹ thuật liên quan đến lĩnh vực này có thể tạo ra những đảo lộn nghiêm trọng về mặt môi trường và đạo đức xã hội, đồng thời ngăn cản khả năng của bệnh nhân được tiếp cận với những loại thuốc đặc hiệu nhất để điều trị các căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng con người như bệnh AIDS, ung thư.v.v. Phương hướng giải quyết vấn đề này ở các quốc gia là rất khác nhau, tuỳ thuộc vào chính sách kinh tế xã hội của quốc gia đó. Tại các nước phát triển, với quan điểm bảo hộ tối đa cho các sáng tạo trí tuệ, phương pháp chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh cho người và động vật được coi là một trong những đối tượng được bảo hộ độc quyền sáng chế. Trong khi đó, ở các nước kém phát triển hoặc đang phát triển, nơi mà nạn đói và bệnh dịch đang là những vấn đề nóng bỏng nhất mà các Chính phủ đang phải đối mặt thì các giải pháp kỹ thuật liên quan đến công nghệ sinh học như giống cây trồng mới, dược phẩm…lại được coi là những đối tượng bị loại trừ khả năng được bảo hộ sáng chế.
Có thể khẳng định rằng, việc phản ánh những định hướng chính sách phát triển kinh tế xã hội của quốc gia trong các điều kiện bảo hộ sáng chế là hết sức quan trọng, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển và kém phát triển. Bởi phạm vi ảnh hưởng của các điều kiện bảo hộ sáng chế trong nhiều trường hợp không chỉ dừng lại ở khoa học công nghệ mà còn có thể có những tác động không nhỏ đến các lĩnh vực khác của xã hội như đạo đức truyền thống hoặc phúc lợi xã hội...
Có thể bạn quan tâm!
- Điều kiện bảo hộ sáng chế trong pháp luật Việt Nam - 1
- Điều kiện bảo hộ sáng chế trong pháp luật Việt Nam - 2
- Sự Hình Thành Và Phát Triển Quy Định Pháp Luật Về Bảo Hộ Quyền Sở Hữu Công Nghiệp Đối Với Sáng Chế Tại Việt Nam
- Điều Kiện Bảo Hộ Sáng Chế Trong Pháp Luật Việt Nam Hiện Nay
- Điều kiện bảo hộ sáng chế trong pháp luật Việt Nam - 6
- Quy Trình Xét Nghiệm, Đánh Giá Khả Năng Bảo Hộ Của Giải Pháp Kỹ Thuật Theo Các Điều Kiện Bảo Hộ Sáng Chế
Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.
1.2.3. Nội dung các điều kiện bảo hộ sáng chế
Như đã được trình bày trên đây, sáng chế được bảo hộ không phải chỉ vì lý do lao động nặng nhọc hoặc đầu tư lớn. Giải pháp kỹ thuật để được công nhận là sáng chế và được bảo hộ sáng chế phải đáp ứng được những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt được thể hiện trong các điều kiện bảo hộ sáng chế.
1.2.3.1. Giải pháp kỹ thuật thuộc phạm vi đối tượng được bảo hộ sáng
chế
Yêu cầu đầu tiên là giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ phải thuộc đối tượng
được bảo hộ sáng chế. Về mặt nguyên tắc, Nhà nước tiến hành bảo hộ sáng chế đối với tất cả các giải pháp kỹ thuật thuộc mọi lĩnh vực khác nhau của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, để đảm bảo trật tự công cộng, đạo đức truyền thống hoặc việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế,
xã hội chung, quốc gia có quyền từ chối không bảo hộ sáng chế đối với một số loại giải pháp kỹ thuật nhất định. Pháp luật về bảo hộ sáng chế của các quốc gia khác nhau trên thế giới, thường quy định loại trừ các loại đối tượng sau đây không được bảo hộ sáng chế:
- Các đối tượng không có khả năng được bảo hộ dưới hình thức sáng chế. Các đối tượng này không phải là giải pháp kỹ thuật, mà chỉ là những kiến thức, những hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên hoặc xã hội. Đó có thể là những phát minh về nguyên liệu hoặc các chất tồn tại sẵn trong tự nhiên; những lý thuyết khoa học hoặc phương pháp toán học... “Không bất kỳ ai có quyền yêu cầu bảo hộ sáng chế đối với những khám phá về các quy luật tự nhiên và xã hội. Bởi vì chúng luôn tồn tại hiện hữu... Đối tượng bảo hộ sáng chế chỉ có thể là những hiệu quả thực tế mà nhà sáng chế đem lại cho xã hội từ việc hiện thực hoá những ý tưởng, khám phá của người đó, chẳng hạn như việc mô tả các loại máy móc ứng dụng được các quy luật đó” [23, trang 16].
- Các loại giải pháp kỹ thuật thuộc đối tượng bảo hộ của các lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khác như đối tượng bảo hộ của quyền tác giả và các quyền liên quan, đối tượng được bảo hộ dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp, được bảo hộ dưới hình thức các giống cây trồng hoặc bố trí mạch tích hợp. Đó có thể là chương trình máy tính, giống cây trồng hoặc giống động vật hoặc những quy trình sinh học cơ bản để tạo ra giống cây trồng hoặc động vật đó.v.v. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, ranh giới phân biệt giữa các đối tượng bảo hộ trong các lĩnh vực khác nhau của sở hữu trí tuệ có xu hướng bị xoá mờ. Do đó, các quy định pháp luật về điều kiện bảo hộ sáng chế của nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang có xu hướng thu hẹp dần phạm vi các đối tượng bị loại trừ thuộc vào phân lớp này. Ví dụ, ở một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản tiến hành bảo hộ phần mềm máy tính cùng lúc dưới cả hình thức bảo hộ sáng chế và hình thức bảo hộ quyền tác giả. Theo Hiệp định TRIPS, Điều 27.3 thì các nước thành viên cũng có thể quy định việc bảo hộ các giống cây trồng hoặc bằng bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng một hệ thống đặc trưng có hiệu quả hoặc bằng sự kết hợp bất kỳ các hệ thống đó.
- Các giải pháp kỹ thuật có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh quốc gia, môi trường tự nhiên hoặc sức khoẻ con người. Điều 27.2 của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đã ghi nhận: Các quốc gia thành viên có thể loại trừ không bảo hộ đối với một số loại sáng chế nhất định vì sự cần thiết cho việc bảo vệ con người, động thực vật hoặc
sức khoẻ, hoặc để tránh các nguy hại nghiêm trọng tới môi trường. Có thể nói, đây là một giới hạn rất cần thiết trong hệ thống các điều kiện bảo hộ sáng chế. Bởi việc công bố một cách rộng rãi các thông tin kỹ thuật thuộc về các đối tượng liên quan đến các loại giải pháp này có khả năng tạo ra những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng cho lợi ích chung của xã hội, quốc gia thậm chí là đối với nhân loại nói chung.
- Các giải pháp kỹ thuật có khả năng ảnh hưởng xấu đến đạo đức truyền thống của dân tộc hoặc chính sách phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia bảo hộ. Điều 27.3, Hiệp định TRIPS ghi nhận: Các nước thành viên có thể loại trừ các phương pháp phẫu thuật, trị liệu, chẩn đoán cho việc điều trị bệnh cho con người, động vật, thực vật không phải là vi sinh vật... Nguyên tắc này được thực hiện dựa trên cơ sở vì lí do nhân đạo đối với bệnh nhân, và được hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước theo hệ thống pháp luật châu Âu ủng hộ. Tuy nhiên, các nước chịu ảnh hưởng theo mô hình bảo hộ sáng chế của Hoa Kỳ, Nhật Bản thì lại coi việc bảo hộ sáng chế đối với phương pháp chẩn đoán bệnh và chữa bệnh như là một trong những biện pháp thích đáng để khuyến khích sự tìm tòi sáng tạo trong việc tìm ra các phương pháp chữa bệnh mới, đem lại hiệu quả thực sự cho con người và xã hội nói chung.
Ngày nay, theo quan điểm tiếp cận mới nhất về sáng chế, ở một số nước trên thế giới, phạm vi các đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế cũng đang dần dần được mở rộng hơn rất nhiều so với các quan điểm truyền thống. Một số đối tượng trước đây vốn không được coi là các giải pháp có dấu hiệu kỹ thuật như phương pháp kinh doanh, chất hoá học mới được phát hiện trong tự nhiên đã được một số các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc tiến hành cấp văn bằng bảo hộ. Thậm chí, châu Âu, vốn được coi là tương đối bảo thủ trong việc tiếp cận các vấn đề pháp lý hiện đại cũng đã và đang tiến hành bàn thảo để đi đến xem xét cấp bằng độc quyền sáng chế cho đối tượng là phương pháp kinh doanh ứng dụng các chương trình máy tính và giao thức mạng. Đây được coi là một xu hướng thay đổi có tính tất yếu của pháp luật về bảo hộ sáng chế nói chung và điều kiện bảo hộ sáng chế nói riêng để có thể bắt kịp với những bước phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật trong những năm trở lại đây.
1.2.3.2. Giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ sáng chế phải đáp ứng được yêu cầu về điều kiện tính mới
Tính mới là một trong những yêu cầu căn bản nhất, có tính chất truyền thống từ rất lâu đời trong lịch sử hình thành và phát triển các quy định pháp luật về điều kiện bảo hộ sáng chế. Việc đặt ra yêu cầu về tính mới của sáng chế được dựa trên cơ sở nhằm khuyến khích và tạo điều kiện phát triển những công nghệ mới một cách rộng rãi trong xã hội. Theo đó, phần thưởng bảo hộ sáng chế chỉ có thể được trao cho giải pháp kỹ thuật ưu tú nhất trong xã hội cho đến thời điểm được yêu cầu.
Tính mới là một điều kiện mang tính chất trừu tượng, không có khả năng được định hình, chứng minh hay xác định được. Chỉ có việc thiếu tính mới là có thể chứng minh được. Một sáng chế đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn tính mới nếu nó không bị coi là một phần của tình trạng kỹ thuật. Theo đó, bất kỳ hình thức công bố nào làm bộc lộ công khai nội dung giải pháp kỹ thuật của sáng chế trước ngày ưu tiên của đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế thì sáng chế đó bị coi là mất tính mới.
Một câu hỏi được đặt ra là nội dung giải pháp kỹ thuật của sáng chế bộc lộ đến mức độ nào thì bị coi là mất tính mới ? Đây thực sự là một vấn đề hết sức phức tạp, và đang gây rất nhiều tranh cãi. Có ý kiến cho rằng, nếu trước ngày ưu tiên của đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế, giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ đã được bộc lộ đến mức người có trình độ trung bình trong cùng lĩnh vực kỹ thuật có thể hiểu và thực hiện được thì bị coi là làm mất tính mới của sáng chế. Ưu điểm của giải pháp này là có khả năng khái quát cao, dường như phù hợp với truyền thống pháp luật của các quốc gia theo hệ thống châu Âu lục địa. Trong khi đó, các hình thức bộc lộ nội dung sáng chế thường diễn ra hết sức phức tạp. Đó có thể là việc công bố thông qua lời nói, văn bản hoặc thông qua hình thức sử dụng.v.v. Mỗi một hình thức công bố lại có những đặc điểm, tính chất riêng biệt. Bởi vậy, tính khả thi của giải pháp nói trên không cao và không được áp dụng. Hiện nay, việc đánh giá mức độ bộc lộ nội dung sáng chế thông qua từng hình thức công bố ở các quốc gia trên thế giới có rất nhiều sự khác biệt. Chẳng hạn theo công ước về bảo hộ sáng chế của Liên minh châu Âu, trước ngày ưu tiên của đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế, nếu nội dung của giải pháp kỹ thuật bị bộc lộ công khai dưới bất kỳ hình thức nào, dạng văn bản, lời nói hoặc việc sử dụng, ở bất kỳ phạm vi lãnh thổ nào đều bị coi là làm mất tính mới của sáng chế. Trong khi đó, theo pháp luật Hoa Kỳ, sáng chế chỉ bị coi là mất tính mới nếu trước đó, giải pháp kỹ thuật tương tự đã được biết đến; được cấp bằng độc quyền sáng chế; được sử dụng hoặc được bán một cách rộng rãi trong phạm vi lãnh thổ Hoa Kỳ,
hoặc đã được mô tả dưới dạng văn bản; được cấp bằng độc quyền sáng chế ở nước ngoài. Theo pháp luật của Vương quốc Anh, giải pháp kỹ thuật tương tự được mô tả dưới hình thức văn bản ngoài phạm vi lãnh thổ nước Anh sẽ không làm mất tính mới của sáng chế nếu văn bản đó không được phổ biến tại Anh hoặc chỉ được trưng bày trong các viện bảo tàng của Anh và công chúng không có điều kiện để tiếp cận nội dung của các văn bản đó.v.v.
Trong một số trường hợp đặc biệt, theo pháp luật của các quốc gia như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Nga.v.v. việc bộc lộ công khai nội dung của sáng chế trước ngày ưu tiên của đơn vẫn không làm mất tính mới của sáng chế. Theo thống kê của các quốc gia này, trên 50% số lượng đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế có nguồn gốc xuất xứ từ các công trình nghiên cứu của các trường đại học và các viện nghiên cứu. Trong khi đó, việc công bố kết quả sơ bộ của các công trình nghiên cứu hoặc các cuộc thử nghiệm khoa học trên các tạp chí chuyên ngành và trên các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những sinh hoạt khoa học thông thường của các nhà khoa học. Tuy nhiên, để được bảo hộ sáng chế thì giải pháp kỹ thuật phải đạt đến mức hoàn thiện và có khả năng áp dụng được trong thực tế. Để giải quyết được mâu thuẫn nói trên, pháp luật về bảo hộ sáng chế của các nước này đã quy định khoảng thời gian “ân hạn” khoảng sáu hoặc mười hai tháng kể từ ngày công bố nội dung của giải pháp kỹ thuật, nhà sáng chế có thể tiến hành nộp đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế. Quy định thực sự đã phát huy hiệu quả rất to lớn đặc biệt là trong việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật ở những quốc gia này trong những thập niên vừa qua. Điều này đã và đang dần định hình một xu hướng mới về điều kiện tính mới trong pháp luật về bảo hộ sáng chế của các quốc gia trên thế giới. Theo đó, các hạn chế nghiêm ngặt về việc bộc lộ nội dung của sáng chế trước ngày ưu tiên sẽ dần dần được nới rộng hơn, nhằm tạo điều kiện một cách tối đa để phổ biến và thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ kỹ thuật cao.
1.2.3.3. Giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ sáng chế phải đạt đến trình độ sáng tạo
Theo đó, giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ sáng chế phải là không hiển nhiên đối với những người có trình độ trung bình trong cùng lĩnh vực kỹ thuật. Đây được coi là điều kiện khó nhất cần phải xác định được trong quá trình xét nghiệm sáng chế.
Yêu cầu về điều kiện trình độ sáng tạo của sáng chế là dựa trên giả thuyết rằng không bảo hộ cho những gì đã được biết là một phần của tình trạng kỹ thuật hoặc cho những gì mà một người với trình độ trung bình có thể suy luận ra như là một hệ quả hiển nhiên từ tình trạng kỹ thuật. Nếu như chỉ cần tồn tại sự khác biệt giữa sáng chế và tình trạng kỹ thuật là sáng chế đó đã đạt được tính mới, thì để đạt đến trình độ sáng tạo, sự khác biệt đó đòi hỏi phải có hai đặc tính:
- Phải có tính sáng tạo, có nghĩa đó phải là kết quả của một ý tưởng sáng tạo. Điều này đòi hỏi giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ phải là kết quả của một khám phá mới. Do vậy, trình độ sáng tạo của sáng chế sẽ không được xem xét nếu giải pháp kỹ thuật không đáp ứng được yêu cầu về tính mới.
- Giải pháp kỹ thuật của sáng chế phải đạt được một bước tiến tương đối, có thể xác định được so với tình trạng kỹ thuật. Khoảng cách ở đây thường được đánh giá ở khía cạnh tồn tại hay không khả năng suy luận được một cách thông thường từ việc sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp các kiến thức đã biết trong cùng lĩnh vực kỹ thuật.
Để đánh giá bản chất của sự khác biệt mà dựa vào đó tạo nên một trình độ sáng tạo, phải xem xét đến toàn bộ tình trạng kỹ thuật. Vì vậy, khác biệt với việc đánh giá tính mới, đối tượng của yêu cầu bảo hộ đang được xét nghiệm được so sánh không chỉ phải với riêng từng xuất bản phẩm hoặc bộc lộ dạng khác, mà là so sánh kết hợp của những tài liệu hay công bố đó, miễn sao việc kết hợp là hiển nhiên đối với người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật liên quan. điều kiện về trình độ sáng tạo đòi hỏi phải tổng hợp các sự khác biệt của sáng chế so với tình trạng kỹ thuật và đánh giá khả năng suy luận được của nó, chứ không phải chỉ đem từng yếu tố khác biệt ra để so sánh. Nếu giải pháp kỹ thuật đơn giản chỉ khác biệt ở việc tập hợp một cách thuần tuý các yếu tố kỹ thuật đã biết, thì không thể coi là đáp ứng được trình độ sáng tạo. Chẳng hạn, việc kết hợp một miếng tẩy vào một đầu của chiếc bút chì. Thậm chí, nếu việc lựa chọn các thành tố kỹ thuật để tạo nên một sự kết hợp mới được coi là có khả năng suy luận được một cách lôgic từ những kiến thức đã biết, thì khả năng đáp ứng trình độ sáng tạo cũng bị loại bỏ.
Theo cơ quan sáng chế châu Âu, việc xét nghiệm trình độ sáng tạo của sáng chế phải được dựa trên ba bước chính: Thứ nhất, xác định lĩnh vực kỹ thuật của sáng chế. Thứ hai, với tình trạng kỹ thuật hiện có (trước ngày ưu tiên của đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế), có khả năng giải quyết được vấn đề kỹ thuật
được đặt ra trong sáng chế hay không? Thứ ba, đánh giá giải pháp mà sáng chế đề cập để giải quyết vấn đề kỹ thuật nêu trên, một người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể suy luận một cách hiển nhiên từ những kiến thức đã biết hay không? Nếu như người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng được coi là hoàn toàn có khả năng giải quyết được vấn đề kỹ thuật của sáng chế bằng cách áp dụng kết hợp hoặc biến đổi ở một mức độ nhất định những kiến thức đã biết, thì sáng chế đó không đạt yêu cầu về trình độ sáng tạo.
Tương tự, theo pháp luật Hoa Kỳ, điều kiện về trình độ sáng tạo của sáng chế được đánh giá qua các bước như sau: Thứ nhất, xác định tình trạng của lĩnh vực kỹ thuật tương ứng của sáng chế. Thứ hai, đánh giá khoảng cách khác biệt giữa giải pháp kỹ thuật của sáng chế và tình trạng kỹ thuật. Thứ ba, ước định khả năng suy luận của người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật đó.
Thực vậy, việc đánh giá khả năng đáp ứng tiêu chuẩn trình độ sáng tạo của sáng chế là một quy trình hết sức phức tạp và phụ thuộc rất lớn vào ý kiến chủ quan của cơ quan xét nghiệm sáng chế. Hiện nay, mặc dù Hiệp ước hợp tác bảo hộ sáng chế PCT thông qua cơ chế xét nghiệm sơ bộ quốc tế đã có những cố gắng nhất định trong việc nhằm làm giảm thiểu những hao phí về tiền bạc và thời gian cho việc đánh giá sáng chế, nhưng việc xét nghiệm điều kiện trình độ sáng tạo của sáng chế vẫn đang là một thách thức không nhỏ đối với các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước có nền khoa học kỹ thuật chưa phát triển.
1.2.3.4. Giải pháp kỹ thuật phải có khả năng áp dụng công nghiệp hoặc có tính hữu ích
Khả năng áp dụng công nghiệp là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ khả năng chế tạo, sản xuất hoặc khả năng thực hiện hay sử dụng trong thực tiễn của sáng chế. Từ “công nghiệp” được sử dụng trong hệ thống pháp luật về bảo hộ sáng chế có ý nghĩa đặc định dùng để phản ánh khả năng thực hiện giải pháp kỹ thuật của sáng chế bằng những phương tiện kỹ thuật ở một quy mô nhất định nào đó. Theo Mục 4.1, Chương IV, Phần C, Hướng dẫn xét nghiệm sáng chế của Cơ quan sáng chế Châu Âu (EPO), thuật ngữ “công nghiệp” được dùng để chỉ tất cả các hoạt động thực tiễn, bao gồm không chỉ việc sử dụng máy móc, vận hành sản xuất mà còn bao gồm cả các quy trình khác như quy trình làm phân tán sương mù hoặc quy trình chuyển hoá năng lượng từ dạng này sang dạng khác. Thuật ngữ này trong quy định pháp luật về bảo hộ sáng chế của Argentina được sử dụng với ý nghĩa bao hàm cả các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, chăn