ra đặc biệt phổ biến ở các giải pháp kỹ thuật liên quan đến các lĩnh vực sinh, y học do điều kiện đánh giá sáng chế ở các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật này thường rất khác nhau. Do vậy, việc sử dụng các kết quả xét nghiệm sáng chế của nước ngoài trong thời gian tới sẽ có rất nhiều hạn chế. Do vậy, phương thức đánh giá khả năng đáp ứng các điều kiện bảo hộ sáng chế của các giải pháp kỹ thuật theo cách thức thông thường tất yếu sẽ trở nên hết sức cần thiết.
3.1.3: Thẩm định các giải pháp kỹ thuật nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế theo trình tự nộp đơn đầu tiên tại Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam, số lượng các đơn đăng ký sáng chế của Việt Nam và các đơn nước ngoài nộp theo Công ước Paris không yêu cầu hưởng quyền ưu tiên chiếm khoảng trên 15% tổng số đơn được nộp tại Việt Nam mỗi năm. Con số này, đặc biệt là các đơn sáng chế của Việt Nam, đang có xu hướng tăng dần theo sự phát triển ngày càng đi lên của công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật ở nước ta. Nếu như vào năm 2001, số đơn sáng chế Việt Nam được nộp là 52 thì vào năm 2004, con số này đã lên tới 103 và 180 vào năm 2005. Điều này đang chứng tỏ một thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng ý thức được vai trò quan trọng của việc bảo hộ sáng chế trong chiến lược phát triển kinh doanh và chiếm lĩnh thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Dấu hiệu này đồng thời cũng đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác xét nghiệm sáng chế theo các điều kiện bảo hộ của cơ quan có thẩm quyền ở nước ta, trực tiếp và cụ thể ở đây là Cục Sở hữu trí tuệ.
Khác với các đơn sáng chế nộp theo công ước PCT và công ước Paris có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, đối với các giải pháp kỹ thuật dạng này, cơ quan xét nghiệm sáng chế không thể tham khảo các kết quả xét nghiệm hoặc kết quả tra cứu quốc tế của các nước tiên tiến trên thế giới. Cách thức duy nhất có thể áp dụng để thẩm định khả năng bảo hộ sáng chế là phải tiến hành quy trình xét nghiệm nội dung theo trình tự thông thường được quy định trong các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ vẫn chưa xây dựng được một quy chế xét nghiệm sáng chế thực sự hữu hiệu và chi tiết. Bởi vậy, việc tiên hành xét nghiệm nội dung sáng chế theo quy trình thông thường gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc. Bên cạnh đó, quan điểm đánh giá sáng chế vẫn còn nhiều tranh cãi do việc tiếp cận kinh nghiệm thẩm định sáng chế của nước ngoài ở mỗi xét nghiệm viên xuất phát từ rất nhiều nguồn khác nhau.
Những vướng mắc đầu tiên là vấn đề xác định đối tượng yêu cầu bảo hộ sáng chế của các giải pháp kỹ thuật liên quan đến công nghệ sinh y học. Đây là một lĩnh vực tương đối phức tạp và là một trong số những lĩnh vực công nghệ mới nhất của thế giới hiện đại. Trong khi đó, công nghệ này ở Việt Nam vẫn chưa đạt được trình độ phát triển tương ứng, khả năng tiếp cận vấn đề còn nhiều hạn chế. Vậy nên, việc xác định các đối tượng yêu cầu bảo hộ liên quan đến phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh, quy trình sản xuất thực vật hoặc động vật chủ yếu mang bản chất sinh học hoặc liên quan đến giống cây trồng và giống động vật thường hết sức phức tạp, đặc biệt là khi ranh giới giữa các lĩnh vực khoa học kỹ thuật hiện đại là rất mong manh. Theo lẽ thường, các nhà sáng chế luôn luôn hướng đến sự bảo hộ một cách rộng nhất và toàn diện nhất cho đối với giải pháp kỹ thuật của mình. Ví dụ, đối với giải pháp kỹ thuật đề cập đến cây trồng biến đổi gen, yêu cầu bảo hộ của sáng chế có thể được triển khai đồng thời trên ba khía cạnh khác nhau: Thứ nhất là yêu cầu bảo hộ đối với gen được tạo đột biến. Thứ hai là quy trình sản xuất cây trồng bằng phương pháp gây đột biến gen. Thứ ba là yêu cầu bảo hộ đối với cây trồng biến đổi gen. Như vậy, cùng là một giải pháp kỹ thuật, nhưng đến ba đối tượng yêu cầu bảo hộ khác nhau. Trong đó có đến hai đối tượng có khả năng thuộc vào lớp các giải pháp kỹ thuật bị loại trừ bảo hộ sáng chế là quy trình sản xuất cây trồng và giống cây trồng. Để xác định được vấn đề này, cơ quan xét nghiệm cần phải chứng minh được yếu tố kỹ thuật cũng như vai trò tác động của nó trong quy trình sản xuất cây trồng. Bên cạnh đó, xét nghiệm viên cũng cần phải đánh giá được với các đặc điểm tính trạng có khả năng di truyền của cây trồng biến đổi gen, đối tượng yêu cầu bảo hộ theo sáng chế có thể được coi là một giống cây trồng hay không. Trong khi đó, quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến vấn đề này còn chưa cụ thể. Hơn nữa, chúng ta cũng chưa ban hành được một quy chế xét nghiệm sáng chế thực sự hữu hiệu. Điều này dẫn đến thực trạng hết sức khó khăn và lúng túng trong việc đưa ra một kết luận khách quan và đúng đắn nhất.
Một vấn đề khác trong công tác xét nghiệm sáng chế là việc xác định giá trị của nguồn thông tin đối chứng. Các quy định của pháp luật hiện hành mới chỉ đề cập và xem xét tính tương tự của nguồn thông tin đối chứng với đối tượng của sáng chế chứ chưa thực sự giải quyết được câu hỏi tính chất bộc lộ công khai của đối tượng. Trong khi đó, đây được coi là vấn đề căn bản nhất cần phải được giải quyết trong bất kỳ một thủ tục xét nghiệm nào về tính mới và trình độ sáng tạo của sáng chế. Điều này thực sự đã gây ra một khó khăn không nhỏ trong quá trình áp
dụng các quy định pháp luật Việt Nam liên quan đến điều kiện bảo hộ sáng chế. Thực vậy, thực tiễn cuộc sống luôn luôn có xu hướng biến đổi không ngừng và thường biểu hiện phong phú hơn so với các quy định của pháp luật nói chung. Trong trường hợp này, việc bộc lộ công khai sáng chế được diễn ra dưới rất nhiều hình thức khác nhau như thông qua lời nói, thông qua các ấn phẩm sách báo, thông qua việc sử dụng hoặc các phương tiện thông tin điện tử.v.v. Mỗi một hình thức bộc lộ thông tin có thể chuyển tải nội dung sáng chế đến công chúng ở những mức độ rất khác nhau, đòi hỏi cơ quan xét nghiệm sáng chế cần phải hết sức thận trọng trong việc xác định sự bộc lộ đó đã đủ đến mức làm mất tính mới của giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ hay không. Ví dụ, trước ngày ưu tiên của đơn yêu cầu bảo hộ, giải pháp kỹ thuật của sáng chế đã được đề cập đến trong một tài liệu viết bằng một ngôn ngữ không có tính phổ biến, với một phạm vi phát hành trong một khu vực địa lí thuộc huyện thì sáng chế có được coi là đã mất tính mới hay chưa? Kết luận đưa ra trong trường hợp này sẽ hết sức khó khăn. Nếu dựa trên mức độ tương tự giữa thông tin đối chứng và đối tượng yêu cầu bảo hộ của sáng chế, thì sự trùng lặp hoàn toàn về các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản của giải pháp với tài liệu đối chứng đã có thể đi đến kết luận là sáng chế mất tính mới. Tuy nhiên, kết luận này sẽ là không thỏa đáng, bởi mức độ công khai của thông tin đối chứng trong trường hợp nói trên chưa đủ đến mức làm cho bất kỳ một người có trình độ thông thường trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể hiểu và thực hiện được. Bên cạnh đó, những thông tin được công bố công khai dưới dạng tài liệu điện tử trên các trang web chuyên ngành cũng rất khó thẩm định nếu các thông tin nêu trên chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Điều này cũng đòi hỏi cơ quan sáng chế phải xác định được với lượng thời gian tồn tại trên internet của thông tin đối chứng đã có thể coi giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai đến mức bị mất tính mới hay chưa.v.v. Một khi vấn đề này chưa được giải quyết thoả đáng thì sẽ còn rất nhiều khó khăn trong việc lập báo cáo tra cứu sáng chế một cách khách quan và chính xác.
Có thể bạn quan tâm!
- Quy Trình Xét Nghiệm, Đánh Giá Khả Năng Bảo Hộ Của Giải Pháp Kỹ Thuật Theo Các Điều Kiện Bảo Hộ Sáng Chế
- Thẩm Định Giải Pháp Kỹ Thuật Yêu Cầu Bảo Hộ Sáng Chế Trong Giai Đoạn Xét Nghiệm Hình Thức
- Đánh Giá Khả Năng Áp Dụng Công Nghiệp Của Giải Pháp Kỹ Thuật
- Điều kiện bảo hộ sáng chế trong pháp luật Việt Nam - 11
- Điều kiện bảo hộ sáng chế trong pháp luật Việt Nam - 12
Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.
Chính những khó khăn nêu trên là một trong những nguyên nhân cơ bản và chủ yếu làm cho thực tế xét nghiệm sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ thường bị kéo dài hơn so với thời hạn do pháp luật quy định. Trong rất nhiều trường hợp, thời hạn thẩm định giải pháp kỹ thuật đăng ký bảo hộ sáng chế kéo dài hơn 12 tháng, thậm chí là 2 hoặc 3 năm. Cá biệt trong một số trường hợp, lĩnh vực được đề cập của sáng chế có tính chất phức tạp tương đối cao do liên quan đến nhiều khoa học khác nhau như hoá học, sinh học, y học.v.v. thời gian kể từ khi nộp đơn yêu cầu
cấp bằng độc quyền sáng chế đến lúc được cấp bằng kéo dài đến 9 năm. Điều này đã gây không ít cản trở cho hoạt động kinh doanh và sáng tạo của các doanh nghiệp đặc biệt là trong cơ chế thị trường yếu tố nhanh và linh động luôn luôn được đặt lên hàng đầu.
3.2. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VÀ GIẢI PHÁP ĐỂ HOÀN THIỆN
Như đã được phân tích ở trên, điều kiện bảo hộ sáng chế có khả năng ảnh hưởng rất to lớn đến với sự phát triển khoa học kỹ thuật và hoạt động sáng tạo sáng chế của quốc gia. Điều này đã được thực tế chứng minh với sự phát triển thần kỳ những năm cuối thế kỷ XX của Nhật Bản, sự vươn lên mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Ấn Độ cũng như những thành tựu vĩ đại trong công nghệ y học của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh.v.v. Đối với Việt Nam, trong bối cảnh cả nước đang trong quá trình thực hiện công cuộc công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước tiến tới đưa nước ta về cơ bản trở thành một nước công nghiệp trong một vài năm tới, việc sử dụng đòn bẩy kích thích sáng tạo thông qua các điều kiện bảo hộ sáng chế càng có ý nghĩa rất quan trọng. Để đạt được mục tiêu nói trên, trước hết đòi hỏi pháp luật về điều kiện bảo hộ sáng chế cần phải thể hiện được tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển khoa học kỹ thuật của quốc gia. Dưới đây, tác giả xin được trình bày một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện bảo hộ sáng chế.
3.2.1. Bảo hộ sáng chế đối với giống cây trồng biến đổi gen
Phát triển đồng đều và toàn diện các ngành khoa học kỹ thuật là chiến lược lâu dài của đất nước ta. Tuy nhiên, trong từng thời kỳ nhất định, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn có những chính sách ưu tiên nhất định cho những ngành khoa học kỹ thuật có tính chất mũi nhọn, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của từng thời kỳ nhất định. Do vậy, điều kiện bảo hộ sáng chế, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan đến phạm vi các đối tượng có khả năng được bảo hộ độc quyền sáng chế, luôn luôn phải cần đến những biến đổi linh hoạt nhất định để phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng thời kỳ.
Trong điều kiện của nền kinh tế hiện nay ở nước ta, tỷ trọng của các ngành nông nghiệp đang đóng một vai trò chủ yếu. Ước tính cả nước ta có đến gần 80% dân số hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm nông sản thô hoặc đã qua sơ chế là một trong những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam trong thời gian qua. Thị trường tiêu thụ các mặt hàng này trong thời gian tới
sẽ tiếp tục được mở rộng đến các quốc gia phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu, đặc biệt là khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Vậy nên, việc sử dụng bảo hộ sáng chế như là một công cụ kích thích hoạt động sáng tạo kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng của các mặt hàng nông sản là vô cùng cần thiết. Cụ thể, đối với quy định pháp luật về điều kiện bảo hộ sáng chế, các đối tượng có khả năng đáp ứng được các điều kiện về yêu cầu tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp như cây trồng biến đổi gen, phương pháp tạo giống cây trồng bằng cách biến đổi gen cần phải được thừa nhận chính thức là những đối tượng bảo hộ sáng chế. Mặc dù hiện nay ở nước ta có tồn tại song song một cơ chế bảo hộ riêng đối với giống cây trồng, nhưng việc thừa nhận và bảo hộ sáng chế đối với cây trồng biến đổi gen vẫn là hết sức cần thiết.
Thực vậy, với cơ chế bảo hộ giống cây trồng, những đối tượng như cây trồng biến đổi gen không được bảo hộ một cách toàn diện và có hiệu quả nhất. Cụ thể là, chủ sở hữu giống cây trồng được bảo hộ không được quyền chống lại bất kỳ một tổ chức hoặc một cá nhân nào tiến hành khai thác các giống cây trồng khác có các đặc tính kỹ thuật tương tự nếu có thể chứng minh được các giống cây trồng đó được phát triển một cách độc lập. Ví dụ, một cá nhân sáng tạo ra một giống cây lúa có khả năng chống lại được các bệnh do nấm gây ra bằng cách cấy vào cây lúa một loại gen đã được làm đột biến. Nếu được bảo hộ theo cơ chế bảo hộ giống cây trồng, chủ sở hữu giống lúa nói trên chỉ được quyền chống lại bất kỳ hành vi khai thác trái phép nào đối với việc khai thác giống lúa nói trên trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia bảo hộ. Tuy nhiên, chủ sở hữu giống cây trồng đó sẽ không được quyền chống lại việc khai thác những ứng dụng kỹ thuật của loại gen đã được làm đột biến nói trên đối với những giống cây trồng khác. Đây chính là một trong những hạn chế cơ bản nhất của cơ chế bảo hộ giống cây trồng và là nguyên nhân chủ yếu khiến cho các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ biến đổi gen trên thế giới luôn luôn tìm cách đấu tranh để có thể đưa cây trồng biến đổi gen trở thành một trong các đối tượng được bảo hộ sáng chế. Bởi chỉ với cơ chế bảo hộ sáng chế, các nhà khoa học mới có thể tìm kiếm được sự bảo hộ toàn vẹn nhất đối với đối tượng cây trồng biến đổi gen. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng, việc cho phép bảo hộ độc quyền sáng chế đối với cây trồng biến đổi gen không hề làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của cơ chế bảo hộ giống cây trồng đối với cây biến đổi gen. Như chúng ta đã biết, thời hạn bảo hộ của một sáng chế chỉ là 20 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ của giải pháp kỹ thuật. Trong khi đó, đối với một số loại
cây trồng, thời gian để khai thác có thể là 25 năm, 30 năm hoặc kéo dài hơn. Do vậy, việc duy trì cơ chế bảo hộ song trùng- bảo hộ độc quyền sáng chế và bảo hộ giống cây trồng- đối với cây trồng biến đổi gen là điều rất cần thiết nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo và sáng chế trong lĩnh vực trồng trọt nói riêng và hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung.
3.2.2. Bảo hộ sáng chế đối với chương trình máy tính
Công nghệ máy tính là công nghệ của tương lai. Đảng và Nhà nước ta đã và đang có những chính sách tích cực nhằm khuyến khích, tạo điều kiện nhằm đưa công nghệ thông tin của Việt Nam từng bước có thể sánh ngang tầm với các quốc gia khác trên thế giới.
Có thể nói, chương trình máy tính là một hiện tượng có tính chất lịch sử trong quá trình hình thành và phát triển pháp luật bảo hộ sáng chế của thế giới. Yếu tố lịch sử này đã và đang có những ảnh hưởng không nhỏ đến quan điểm lựa chọn hình thức bảo hộ sáng chế đối với chương trình máy tính của không ít các quốc gia hiện nay, trong đó có Việt Nam. Gần một nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khi thế giới bắt đầu cuộc tranh luận về việc lựa chọn hình thức nào là phù hợp nhất để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chương trình máy tính. (Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần mềm máy tính theo luật quyền tác giả hoặc luật bảo hộ độc quyền sáng chế lần đầu tiên được các quốc gia đặt ra vào những năm 1970. Tại thời điểm này, luật bảo hộ quyền tác giả được coi là đủ linh hoạt để áp dụng cho sự thể hiện trong mã nguồn máy tính vốn rất dễ dàng bị người khác sao chép. Cho đến nay quan điểm này vẫn được đa số các nước trên thế giới thừa nhận). Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ máy tính đã buộc con người phải nhìn xa hơn những thuật toán logic và bắt đầu phải thừa nhận những hiệu quả kỹ thuật mà chương trình máy tính có thể mang lại. Từ chỗ không xem xét chương trình máy tính như là một đối tượng được bảo hộ sáng chế, một số các quốc gia trên thế giới đã đi đến chấp nhận cấp văn bằng bảo hộ sáng chế đối với chương trình máy tính nếu nó là một bộ phận cấu thành của một thiết bị hoặc là một bước trong một quy trình kỹ thuật khác. Xu hướng này đã và đang được thừa nhận trong thực tế xét nghiệm sáng chế của Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có thể coi giải pháp này là một biện pháp mang tính chất tình thế. Thực tiễn phát triển của công nghệ máy tính cũng như những yêu cầu trong chính sách xây dựng kinh tế, xã hội của nước ta trong thời gian tới, đòi hỏi chúng ta cần phải tiến tới việc xem xét chương trình máy tính như là một đối tượng được bảo hộ sáng chế.
Kiến nghị trên đây về việc xem xét đưa cây trồng biến đổi gen và chương trình máy tính trở thành những đối tượng được bảo hộ sáng chế theo pháp luật Việt Nam là hai vấn đề điển hình nhằm có tính chất minh hoạ yêu cầu của việc thể chế hoá, pháp luật hoá các chính sách phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Thực vậy, việc loại bỏ hoặc bổ sung đối tượng được bảo hộ sáng chế trong các quy định pháp luật Việt Nam cần phải được coi như là một hoạt động lập pháp thường kỳ, nhằm thể chế hoá những chính sách phát triển khoa học kỹ thuật của Đảng và Nhà nước ta trong mỗi thời kỳ khác nhau.
3.2.3. Xây dựng yêu cầu về tính hữu ích của giải pháp kỹ thuật trở thành một điều kiện bảo hộ sáng chế
Theo báo cáo hàng năm của Cục sở hữu trí tuệ, kể từ năm 1997 đến năm 2005, trung bình mỗi năm có khoảng 565 giải pháp kỹ thuật được cấp bằng độc quyền sáng chế. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có một con số thống kê chính thức nào về lượng các sáng chế sau khi cấp bằng được đưa vào sử dụng trên thực tế tại Việt Nam. Điều này phần nào đã cho thấy, từ trước tới nay, chúng ta vẫn chưa có một sự quan tâm thích đáng đến việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật được bảo hộ sáng chế để phục vụ các yêu cầu về phát triển kinh tế và xã hội. Thực tế là, có rất nhiều sáng chế sau khi được cấp bằng đã không được chủ sở hữu đưa vào sử dụng, hoặc nếu có sử dụng thì cũng không tạo ra được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù theo quy định của pháp luật, hàng năm, chủ sở hữu văn bằng phải bỏ ra một khoản tài chính nhất định nhằm để duy trì hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế, nhưng điều đó cũng không thể phủ nhận được một thực tế là việc đầu tư công sức và tiền bạc để nghiên cứu và triển khai các công nghệ không có giá trị kinh tế đã và đang gián tiếp tạo ra một sự lãng phí rất lớn cho xã hội nói chung. Bởi vậy, yêu cầu về “tính hữu ích” đối với giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ sáng chế là một sự bổ sung cần thiết cho điều kiện khả năng áp dụng công nghiệp. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc khuyến khích các hoạt động nghiên cứu sáng tạo khoa học kỹ thuật nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tính hữu ích của sáng chế được xem xét tổng thể trên ba góc độ khác nhau. Ở góc độ thứ nhất, giải pháp kỹ thuật của sáng chế phải có khả năng thực hiện được trên thực tế. Theo đó, dựa vào các thông tin được bộc lộ trong bản mô tả sáng chế, trong điều kiện phát triển của khoa học kỹ thuật hiện tại, người có hiểu biết trung bình trong cùng lĩnh vực có thể thực hiện được giải pháp kỹ thuật của sáng chế. Trên góc độ này, yêu cầu về tính hữu ích của sáng chế có điểm tương đồng với điều kiện khả năng áp dụng công nghiệp, đều đòi hỏi tính khả thi của giải
pháp kỹ thuật được đề cập. Điểm khác biệt duy nhất là ở chỗ, yêu cầu về tính hữu ích của sáng chế nhấn mạnh khả năng áp dụng của sáng chế trong điều kiện trình độ phát triển khoa học kỹ thuật hiện tại của xã hội, trong khi đó, với điều kiện khả năng áp dụng công nghiệp, điều kiện kỹ thuật để xem xét khả năng thực hiện của sáng chế có thể là điều kiện trình độ phát triển kỹ thuật của hiện tại hoặc của tương lai.
Trên góc độ thứ hai, giải pháp kỹ thuật được bảo hộ bắt buộc gắn liền với một mục tiêu thực tiễn cụ thể. Đây là một mức yêu cầu cao hơn so với tiêu chuẩn về khả năng áp dụng của sáng chế như đã được đề cập trên đây. Theo đó, sáng chế không chỉ phải có khả năng áp dụng được trên thực tế mà còn phải giải quyết được một vấn đề kỹ thuật nhất định trong thực tiễn. Ví dụ, sáng chế đề cập đến việc điều chế một hợp chất có khả năng thay đổi màu sắc theo sự biến đổi của nhiệt độ môi trường. Xét trên khía cạnh vật lý và hoá học, giải pháp kỹ thuật này hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu về khả năng áp dụng. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở mức độ bộc lộ thông tin ở phương pháp điều chế, cấu tạo hoá học, cơ chế biến đổi màu sắc dưới sự tác động của nhiệt độ... thì sáng chế nói trên chưa thể hiện được vấn đề kỹ thuật cần giải quyết trong thực tiễn, như dùng để đo và hiển thị nhiệt độ thay thế cho thuỷ ngân...
Thứ ba, sáng chế được bảo hộ bắt buộc phải đem lại một lợi ích nhất định trong thực tế. Yêu cầu này có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo giải pháp kỹ thuật được cấp văn bằng sẽ được ứng dụng trên thực tế nhằm để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và khoa học. Theo đó, những giải pháp kỹ thuật rõ ràng không có giá trị ứng dụng thực tế sẽ không được bảo hộ sáng chế. Ví dụ, giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ phương pháp sản xuất làm biến đổi gen của chuột, có tác dụng làm tăng cường hàm lượng dinh dưỡng, dùng làm thức ăn cho rắn. Như vậy, sáng chế này rõ ràng không có tính hữu dụng trên thực tế, bởi chi phí để tạo ra chuột biến đổi gen là quá lớn, không có tính hiệu quả xét trên cả khía cạnh kinh tế, khoa học và xã hội.
Có thể thấy, điều kiện về tính hữu ích của sáng chế có ý nghĩa định hướng rất lớn trong hoạt động nghiên cứu và sáng tạo khoa học kỹ thuật, làm nâng cao tính chất thực tiễn của các giải pháp kỹ thuật được bảo hộ sáng chế. Điều này là hết sức cần thiết đối với mọi quốc gia, đặc biệt là Việt Nam, nơi mà hàng năm lượng ngân sách phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật là rất lớn, trong khi đó hiệu quả thực tế từ việc sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học chưa cao.