Điều kiện bảo hộ sáng chế trong pháp luật Việt Nam - 6


hộ sáng chế của Việt Nam đã xây dựng điều kiện tính mới dựa trên mặt đối lập của chính nó.

Khoản 1, Điều 60 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2006 quy định: “Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở ngoài nước trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên”.

Như vậy, theo quy định nêu trên, chúng ta có thể thấy, pháp luật Việt Nam về bảo hộ sáng chế đã định ra hai thời điểm khác nhau làm mốc căn cứ để xác định phạm vi tình trạng kỹ thuật của giải pháp yêu cầu bảo hộ: Thứ nhất là ngày nộp đơn đăng ký sáng chế. Ngày nộp đơn đăng ký sáng chế được hiểu là ngày mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đăng ký sáng chế chính thức tiếp nhận hồ sơ yêu cầu đăng ký sáng chế của chủ sở hữu. Thứ hai là ngày ưu tiên của đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ sáng chế. Ngày ưu tiên của đơn có thể là ngày nộp đơn đầu tiên của sáng chế ở quốc gia là thành viên của Công ước quốc tế về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia (ví dụ xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris hoặc theo Công ước quốc tế về hợp tác bảo hộ sáng chế -PCT.v.v.). Ngày ưu tiên cũng có thể là ngày mà đối tượng của giải pháp kỹ thuật đăng ký bảo hộ sáng chế được trưng bày hoặc được thuyết trình trong các cuộc triển lãm quốc tế hoặc trong nước. Kể từ trước hai thời điểm nói trên của đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ sáng chế, tất cả các kiến thức thuộc về lĩnh vực kỹ thuật liên quan của sáng chế đã được bộc lộ dưới hình thức sử dụng, văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác trên thế giới, đều được coi là tình trạng kỹ thuật để tiến hành xem xét khả năng đáp ứng được yêu cầu về tính mới của giải pháp kỹ thuật yêu cầu đăng ký bảo hộ sáng chế.

Một vấn đề được đặt ra là thông tin của sáng chế được phổ biến đến giới hạn nào thì được coi là đã bị bộc lộ công khai? Khoản 1 Điều 60 của Luật sở hữu trí tuệ chỉ mới đề cập đến phạm vi không gian mà giải pháp kỹ thuật bị bộc lộ - “ở trong nước hoặc ngoài nước” và các hình thức bộc lộ sáng chế - “dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản, hoặc bất kỳ hình thức nào khác”, nhưng mức độ định tính của việc bộc lộ sáng chế thì hoàn toàn chưa được quy định một cách cụ thể. Đây thực sự là một thách thức không chỉ đối với Việt Nam mà còn là đối với bất kỳ một quốc gia nào hiện nay trên thế giới trong việc xây dựng điều kiện tính mới của sáng chế. Tuy vậy, điều này cũng không thể là lý do biện hộ để chúng ta lảng tránh giải quyết vấn đề này.


Trước đây, Điều 4, khoản 1 Nghị định 63/CP đã ít nhiều đề cập đến việc bộc lộ công khai của sáng chế. Theo đó, sáng chế được coi là đã được bộc lộ công khai nếu trước ngày ưu tiên của sáng chế, giải pháp kỹ thuật nêu trong đơn đã được thể hiện tới mức căn cứ vào đó người có trình độ trung bình trong lĩnh vực tương ứng có thể thực hiện được giải pháp đó. Các nguồn thông tin kỹ thuật được tham khảo bao gồm:

- Các nguồn thông tin liên quan đến sáng chế, giải pháp hữu ích ở nước ngoài, tính từ ngày công bố;

- Các nguồn thông tin khác, với bất kỳ vật mang tin nào (ấn phẩm, phim ảnh, băng từ, đĩa từ, đĩa quang) tính từ ngày vật mang tin bắt đầu được lưu hành;

- Các nguồn thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, truyền thanh), tính từ ngày công bố tin;

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 101 trang tài liệu này.

- Các báo cáo khoa học, các bài giảng, tính từ ngày thực hiện việc báo cáo khoa hoặc giảng bài;

- Các triển lãm, tính từ ngày hiện vật bắt đầu được trưng bày.

Điều kiện bảo hộ sáng chế trong pháp luật Việt Nam - 6

Như vậy, nếu trước ngày ưu tiên của đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế, nội dung của sáng chế được bộc lộ rõ ràng, đầy đủ đến mức mà căn cứ vào đó, người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể suy luận dễ dàng hoặc có thể thực hiện được ngay giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ thì sáng chế được coi là không có tính mới. Thông tin được bộc lộ không nhất thiết phải trùng lặp hoàn toàn với nội dung được đề cập của sáng chế, mà có thể chỉ là tương tự, hoặc có hàm ý đến mức có thể suy luận được giải pháp kỹ thuật của yêu cầu bảo hộ đều làm cho sáng chế bị mất tính mới. Ví dụ, sáng chế đề cập đến đầu đốt của lò đốt chất thải nguy hại bao gồm bec phun, ống trộn, lưới phân phối, ống hướng dòng, đầu gió sơ cấp, đầu cấp gió thứ cấp và ống cấp gió thứ cấp. Tuy nhiên, một tài liệu khác trước đó đã mô tả mỏ phun nhiên liệu với kết cấu đầu đốt tương tự, mà qua đó, người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng hoàn toàn có thể ứng dụng được kết cấu nói trên vào lò đốt chất thải nguy hại. Trong trường hợp này, giải pháp kỹ thuật của sáng chế được coi là đã bị bộc lộ công khai và do đó không có tính mới. Việc bộc lộ sáng chế có thể là qua hình thức mô tả bằng văn bản, ấn phẩm; thông qua lời nói như diễn văn, bài giảng; thông qua việc ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, chào bán sản phẩm trên thị trường; hoặc các


hình thức khác mà qua đó người khác có thể tiếp cận được thông tin của giải pháp kỹ thuật của sáng chế.

Tuy nhiên, như đã được phân tích ở Chương I, Tiểu mục 1.2.3, giải pháp xác định sự bộc lộ công khai của sáng chế thông qua nguyên tắc mang tính chất định tính tuy có ưu điểm là có tính khái quát hoá cao nhưng lại hết sức khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn xét nghiệm sáng chế. Xét trong điều kiện hoàn cảnh của nước ta hiện nay, khi mà trình độ khoa học kỹ thuật còn yếu, khả năng tiếp cận các nguồn thông tin liên quan đến sở hữu trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng còn nhiều hạn chế thì khó khăn nêu trên càng được nhân lên nhiều lần. Với quy định chỉ mang tính chất nguyên tắc chung như trên không cho phép xét nghiệm viên đánh giá được một cách chính xác và khách quan mức độ phổ biến của thông tin được bộc lộ, qua đó để thẩm định khả năng đáp ứng các yêu cầu của điều kiện tính mới của giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ. Ví dụ, sáng chế đề cập đến một loại con dấu có khả năng nạp mực tự động. Giả sử, sản phẩm này trước khi nộp đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ sáng chế đã được một chủ thể khác cho lưu hành trên thị trường ở phạm vi cấp huyện ở Việt Nam. Trong trường hợp này, giải pháp kỹ thuật của sáng chế bị coi là mất tính mới, hay chủ thể cho lưu hành sản phẩm tương tự với đối tượng yêu cầu bảo hộ của sáng chế được coi là người sử dụng trước? Trong một trường hợp khác, đối tượng yêu cầu bảo hộ của sáng chế là một thiết bị bơm nhiên liệu vào động cơ được lắp đặt trong phương tiện giao thông cơ giới. Đối tượng này sau đó đã được chứng minh là đã được lắp đặt vào một phương tiện giao thông cơ giới và được cho chạy thử nghiệm ở nơi công cộng. Như vậy, sáng chế có bị coi là mất tính mới hay không? Qua đây, có thể thấy, việc thẩm định sự bộc lộ công khai của sáng chế trong thực tiễn là hết sức phức tạp. Vấn đề khó khăn thường gặp không phải là việc xác định mức độ bộc lộ mà căn cứ vào đó người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có khả năng hiểu và thực hiện được, mà là việc xác định mức độ phổ biến của thông tin. Bởi vậy, xét trên phương diện này, có thể thấy, nếu chỉ với các nguyên tắc mang tính chất chung chung như trên, thì khả năng triển khai thực thi các quy định về điều kiện tính mới trong thực tiễn là không cao.

Trong một số trường hợp ngoại lệ, theo quy định tại khoản 3, Điều 60, Luật sở hữu trí tuệ, việc công bố thông tin của sáng chế trước ngày ưu tiên của đơn không coi là đã bị bộc lộ công khai và không bị mất tính mới, nếu đơn yêu cầu đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:


- Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký. Quy định này là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, để bảo vệ một cách tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu sáng chế - những người có quyền tiến hành nộp đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ sáng chế.

- Sáng chế được người có quyền đăng ký công bố dưới dạng báo cáo khoa học. Đây là một bổ sung mới rất đáng ghi nhận của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2006, phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của pháp luật về bảo hộ sáng chế trên thế giới, đồng thời có tác dụng hết sức to lớn trong việc khuyến khích hoạt động sáng tạo khoa học trong nước cũng như hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Quy định này chắc chắn sẽ tạo những điều kiện rất thuận lợi cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế có thể chuyên tâm hơn trong các hoạt động chuyên môn, đồng thời vẫn có khả năng được bảo vệ một cách tối đa những công trình nghiên cứu của mình.

- Sáng chế được người có quyền đăng ký trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Theo đó, giải pháp kỹ thuật được công bố công khai trong những trường hợp trên đây, khi tiến hành nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế sẽ được xem xét khả năng đáp ứng được các yêu cầu về điều kiện tính mới dựa trên những tình trạng kỹ thuật trước ngày công bố lần đầu tiên mà không phải là ngày nộp đơn yêu cầu bảo hộ sáng chế, với điều kiện đơn được nộp trong vòng sáu tháng kể từ ngày công bố.

Trong một trường hợp khác, sáng chế sẽ bị coi là mất tính mới ngay cả khi trước ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn của đơn yêu cầu đăng ký sáng chế, nội dung của giải pháp kỹ thuật yêu cầu bảo hộ trùng lặp với nội dung của đơn đăng ký sáng chế có ngày ưu tiên và ngày nộp đơn sớm hơn tại Việt Nam. Đây là hệ quả từ việc áp dụng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói chung và bảo hộ sáng chế nói riêng. Như vậy, ngay sau khi nộp đơn yêu cầu đăng ký sáng chế, nội dung đơn chưa được công bố công khai và đang được bảo hộ dưới dạng thông tin bí mật, tuy nhiên nó vẫn có thể được coi là tình trạng kỹ thuật để tiến hành xem xét và đánh giá tính mới của các sáng chế cùng lĩnh vực được nộp trong nước với ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn muộn hơn. Trong trường hợp này, đơn nộp sớm hơn sẽ chỉ được coi là tài liệu đối chứng có khả năng loại trừ tính mới của sáng chế nộp muộn hơn, nếu nội dung của hai giải


pháp kỹ thuật là hoàn toàn trùng lặp với nhau. Tuy nhiên, nếu đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm hơn bị rút đơn hoặc bị coi là đã rút đơn ngay trong giai đoạn xét nghiệm hình thức, thì không còn được coi tình trạng kỹ thuật để xem xét khả năng đáp ứng được điều kiện tính mới của các đơn cùng lĩnh vực có ngày ưu tiên muộn hơn. Khoản 3, Điều 116 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2006 đã quy định rất rõ: Mọi đơn đăng ký sáng chếđã rút hoặc bị coi là đã rút nếu chưa được công bố...đều được coi là chưa từng được nộp, trừ trường hợp được dùng làm căn cứ để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

Qua những phân tích nói trên, có thể thấy rằng, các quy định về điều kiện tính mới trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2006 đã có những bước phát triển mới rất đáng được ghi nhận so với Bộ luật Dân sự năm 1995 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có một số những điểm hạn chế nhất định, đặc biệt là trong việc xác định mức độ phổ biến của thông tin sáng chế khi được công bố phục vụ cho việc đánh giá, xét nghiệm khả năng đáp ứng yêu cầu của điều kiện tính mới của sáng chế.

2.1.3. Trình độ sáng tạo của sáng chế

Một điều kiện quan trọng khác cần phải được xác định trong quá trình xét nghiệm khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế là trình độ sáng tạo. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, giải pháp kỹ thuật được coi là đạt trình độ sáng tạo nếu “căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng”.

Với một mức độ yêu cầu tương đối chặt chẽ cùng với tính chất định tính điển hình, cũng như bất kỳ một quốc gia nào khác trên thế giới, điều kiện về trình độ sáng tạo của sáng chế theo pháp luật Việt Nam có thể được coi là khó xác định nhất trong quá trình xét nghiệm nội dung. Mặc dù cùng dựa trên một nền tảng kỹ thuật xác định (trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế), tuy nhiên, yêu cầu về trình độ sáng tạo của giải pháp kỹ thuật là một bước phát triển cao hơn rất nhiều so với yêu cầu về điều kiện tính mới. Theo đó, sáng chế được bảo hộ không chỉ phải khác biệt với những kiến thức đã được bộc lộ công khai trước đó, mà còn phải thực sự là một bước phát triển so với những hiểu


biết thông thường. Thuật ngữ “người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng” do đó được đặt ra như một chuẩn mực nhằm loại bỏ những chuyên gia xuất sắc nhất có thể có.

Người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng ở đây phải được hiểu là một người có những kiến thức thông thường về toàn bộ lĩnh vực kỹ thuật được đề cập của sáng chế. Trình độ của họ phải đạt đến ngưỡng có khả năng cập nhật được tất cả những kiến thức mới nhất liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật tương ứng tính đến thời điểm ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế cũng như khả năng ứng dụng riêng rẽ hoặc kết hợp, khả năng suy luận logic thông thường từ những kiến thức tương ứng để giải quyết vấn đề kỹ thuật của sáng chế.

Giải pháp kỹ thuật của sáng chế có thể được thực hiện hoặc được tạo ra một cách dễ dàng đối với những người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng khi vấn đề kỹ thuật được sáng chế đề cập nằm trong khả năng giải quyết của các chủ thể trên, dựa trên việc ứng dụng những kiến thức đã được bộc lộ công khai trước đó. Việc ứng dụng này có thể là riêng rẽ như dựa trên khả năng kết dính của hỗn hợp tinh bột và nước để sản xuất keo dán; có thể là bằng cách kết hợp như nối mô tơ điện với máy khâu thông qua một đai truyền động để chế tạo máy khâu chạy bằng điện...; hoặc bằng cách suy luận logic một cách thông thường như tính năng sinh học của loài nấm thích hợp với môi trường có độ ẩm cao để đề xuất quy trình nuôi cấy nấm bằng cách phun nước lên các vật liệu có khả năng giữ ẩm cao... Bởi vậy, để đánh giá được khả năng đáp ứng điều kiện về trình độ sáng tạo của sáng chế được yêu cầu bảo hộ, đòi hỏi xét nghiệm viên không chỉ so sánh một cách đơn giản các tài liệu kỹ thuật đối chứng mà phải xem xét một cách toàn diện các kiến thức liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật của sáng chế đã được bộc lộ công khai trước đó.

Sáng chế chỉ được coi là có khả năng đạt được điều kiện về trình độ sáng tạo nếu giải pháp kỹ thuật mà nó đề cập tạo ra được bước phát triển căn bản so với những hiểu biết thông thường trước đó. Sự phát triển này được đánh giá dựa trên các phương diện chủ yếu sau đây:

- Thứ nhất, vấn đề mà sáng chế giải quyết: Việc xác định trình độ sáng tạo của sáng chế dựa trên vấn đề mà giải pháp kỹ thuật hướng tới có phần tương đối đơn giản. Giải pháp kỹ thuật của sáng chế chỉ được coi là có khả năng đạt trình độ sáng tạo dựa trên vấn đề mà sáng chế giải quyết, nếu tính đến trước ngày nộp đơn


hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, vấn đề đó chưa từng được đặt ra hoặc chưa từng được giải quyết. Ví dụ, ngày 17 tháng 10 năm 2005, theo quyết định số A11086/QD-DK, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã tiến hành cấp Bằng độc quyền sáng chế số 5237 cho giải pháp kỹ thuật liên quan đến vấn đề sản xuất chất dẻo từ các nguyên vật liệu có nguồn gốc thiên nhiên như bã rượu, vỏ trấu, bã mía. Vấn đề kỹ thuật được đặt ra trong sáng chế chưa từng được đề cập trong lĩnh vực tương ứng tính đến ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế. Bởi vậy, nếu dựa chỉ dựa trên những kiến thức đã được bộc lộ trước đó, người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng không có khả năng thực hiện được giải pháp được sáng chế này đề cập. Do đó, giải pháp kỹ thuật của sáng chế được coi là đạt trình độ sáng tạo.

- Thứ hai, giải pháp giải quyết vấn đề được đặt ra của sáng chế: Sáng chế cũng có thể được coi là có khả năng đạt trình độ sáng tạo, ngay cả khi vấn đề kỹ thuật được giải quyết không mới, nếu giải pháp để thực hiện vấn đề kỹ thuật đó có khả năng tạo ra được sự đột phá về chất so với những kiến thức đã được công bố công khai trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế. Việc đánh giá trình độ sáng tạo của sáng chế trong trường hợp này là tương đối phức tạp, đòi hỏi xét nghiệm viên xem xét kỹ lưỡng không chỉ từng dấu hiệu riêng biệt mà còn phải xét nghiệm tính không hiển nhiên của việc lựa chọn và kết hợp các dấu hiệu của giải pháp kỹ thuật được đề cập. Ví dụ, việc dập ghim vào các tài liệu giấy tờ văn phòng đã được biết đến rất rộng rãi trong thực tế và cũng đã được mô tả rất cụ thể trong nhiều tài liệu công bố sáng chế trước đây. Giải pháp kỹ thuật này trước đây được thực hiện bằng việc sử dụng các thiết bị dập ghim với bộ phận tiếp lực đầu đặt ở đầu trước của thiết bị cho phép người sử dụng có thể dập ghim vào tài liệu một cách dễ dàng với một lực không lớn. Trong trường hợp này, giải pháp kỹ thuật sau đề cập đến vấn đề kỹ thuật nêu trên cũng có khả năng đạt trình độ sáng tạo nếu thiết bị dập ghim theo sáng chế được thiết kế theo một phương thức khác, nhưng vẫn đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn. Trình độ sáng tạo của sáng chế cũng có thể được xem xét, mặc dù từng dấu hiệu kỹ thuật riêng rẽ của sáng chế có thể đã bị bộc lộ công khai, nhưng sự kết hợp và sự lựa chọn các dấu hiệu kỹ thuật của sáng chế được coi là không hiển nhiên đối với người có hiểu biết thông thường trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng. Ví dụ, sáng chế đề cập đến loại găng tay có khả năng lồng vào nhau hai lần dùng trong lĩnh vực y tế được sản xuất từ các loại cao su nitril được carboxy hoá và nhựa butadiene styren được carboxy hoá. Việc sử dụng riêng rẽ hai loại nhựa nêu trên để chế tạo găng tay có


khả năng lồng vào nhau hai lần đã được biết đến trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng. Tuy nhiên, sáng chế vẫn có thể được coi là có trình độ sáng tạo nếu việc kết hợp hai chất liệu nêu trên vào trong một hỗn hợp chung, với những tỷ lệ nhất định để tạo ra một vật liệu có tính năng đặc biệt hữu hiệu cho việc sản xuất loại găng tay này nằm ngoài khả năng thực hiện đối với những người có trình độ trung bình trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

- Thứ ba, kết quả được bảo đảm bởi việc áp dụng giải pháp kỹ thuật của sáng chế: Hiệu quả kỹ thuật của sáng chế sẽ được xem xét để đánh giá trình độ sáng tạo khi hai khía cạnh trên đây của giải pháp kỹ thuật được coi là hiển nhiên đối với người có trình độ trung bình trong lĩnh vực tương ứng. Theo đó, giải pháp được đề cập của sáng chế cần thiết phải đạt được những hiệu quả kỹ thuật có tính chất bất ngờ. Đây chính là điểm khác biệt căn bản nhất giữa việc đánh giá tính mới và tính sáng tạo của sáng chế. Ví dụ, một tài liệu công bố đơn đã mô tả cách thức để hạn chế những sự bất tiện trong việc nấu nướng do dầu mỡ bị dây vào các vật dụng nấu nướng như thìa, dĩa, bàn xẻng bằng cách dùng một cơ cấu kẹp giữ nhằm làm cố định thìa dĩa vào cán chảo. Cơ cấu này được thiết kế như một bộ phận độc lập, tách rời hoàn toàn khỏi cán chảo. Trong khi đó, để đạt được mục đích nêu trên, giải pháp kỹ thuật đăng ký bảo hộ sáng chế đã đề xuất phương thức gắn dụng cụ nấu nướng lên bề mặt cán chảo. Theo đó, thìa, dĩa hoặc bàn xẻng sẽ được cố định lên cán chảo thông qua một cơ cấu giữ có sử dụng nam châm được thiết kế nối liền với cán chảo. Trong trường hợp này, giải pháp kỹ thuật của sáng chế có thể đạt được tính mới, do tồn tại ít nhất một dấu hiệu kỹ thuật không được bộc lộ trong các nguồn thông tin đối chứng là mối nối liền giữa cơ cấu giữ và cán chảo. Tuy nhiên, so với giải pháp kỹ thuật của tài liệu đối chứng, dấu hiệu khác biệt nêu trên không tạo được một hiệu quả kỹ thuật có tính chất bất ngờ.

Trong trường hợp khác, mặc dù không tồn tại sự khác biệt về các khía cạnh liên quan đến vấn đề kỹ thuật được giải quyết và phương thức để giải quyết vấn đề kỹ thuật, nhưng sáng chế vẫn có thể đạt được trình độ sáng tạo nếu việc áp dụng các phương án của sáng chế có khả năng tạo ra những bước phát triển đột biến về hiệu quả kỹ thuật. Chẳng hạn, việc tạo ra một loại chất dẻo có khả năng đàn hồi từ nhựa nitril được cacboxy hoá đã được công bố công khai trong khá nhiều tài liệu công bố đơn sáng chế. Lượng nhựa nitril được carboxy hoá được sử dụng trong hỗn hợp nhựa để sản xuất chất dẻo theo hiểu biết thông thường nằm trong khoảng từ 30% đến xấp xỉ 50%. Giải pháp kỹ thuật được đề cập trong đơn đăng ký sáng chế sau đó cũng hướng tới việc sử dụng nhựa nitril được carboxy hoá nói trên để

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 07/11/2023