Hệ Thống Rừng Đặc Dụng Việt Nam

Bề mặt nước là mặt không gian thoáng rộng, khí hậu trong lành, mát mẻ, có phong cảnh đẹp. Ở những nơi có sự kết hợp hài hoà của bãi biển, dòng sông, hồ nước thường được sử dụng để tắm mát, dạo chơi và các hoạt động thể thao nước như bơi lội, lặn, đua thuyền, lướt sóng, lướt ván.

Ở nước ta, các dòng sông đẹp thơ mộng như sông Hương, sông Thu Bồn, các kênh rạch ở đồng bằng sông Cửu Long đã được khai thác để phục vụ du lịch tuy nhiên, còn rất hạn chế. Việt Nam có khoảng 3500 hồ chứa có dung tích lớn hơn 0,2 triệu m3. Trong đó, các hồ tự nhiên ít, nhỏ nhưng lại có phong cảnh đẹp như hồ Tây, hồ Ba Bể, hồ Xuân Hương. Hồ nhân tạo có diện tích lớn hơn nhiều như hồ Thác Bà, hồ Núi Cốc, hồ Hoà Bình, hồ Dầu Tiếng. Giá trị du lịch của các hồ nước đã và đang được khai thác tốt thành những khu, điểm du lịch hấp dẫn. Đặc biệt là nhiều bãi biển đẹp đã trở thành những khu du lịch nổi tiếng từ hồi đầu thế kỷ XX như Nha Trang, Vũng tàu, Bãi Cháy, Đồ Sơn, Sầm Sơn.

Trên thế giới, những bãi biển du lịch sôi động nhất thuộc về Nam Âu ven Địa Trung Hải, vùng biển Caribê, Biển Đông. Du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh ở các vùng hồ như hồ Geneve ở Thuỵ Sĩ, hồ Balaton ở Hungary, dòng sông Danube, Volga...

2.2.3.2 Nguồn nước khoáng - nước nóng

Nước khoáng thường là những nguồn nước ngầm trong đó có hoà tan một số nguyên tố vi lượng có tác dụng tốt đối với sức khoẻ con người hoặc chữa bệnh. Chính vì thế, nước khoáng và suối nước nóng là tài nguyên thiên nhiên quí giá để triển khai các loại hình du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, chữa bệnh và có thể làm nước giải khát rất tốt, điều trị rất nhiều loại bệnh về thần kinh, nội tiết, tiêu hoá, bệnh ngoài da…

Tuỳ theo chất hoà tan chủ yếu, người ta chia nước khoáng thành các loại với những công dụng khác nhau như nước khoáng carbonic, nước khoáng silic, nước khoáng brôm, iôt, bo,...

Nguồn nước khoáng là tiền đề không thể thiếu được đối với du lịch chữa bệnh. Tính chất chữa bệnh của các nguồn nước khoáng đã được phát hiện dưới thời La Mã. Những quốc gia giàu nguồn nước khoáng nổi tiếng cũng là những nước phát triển du lịch chữa bệnh là Thuỵ Sĩ, Nga, Italia, Đức, Séc, Thuỵ Sĩ hàng năm đón hàng chục triệu khách du lịch chữa bệnh tại các nguồn nước khoáng.

Theo các nhà địa chất học nước ta quan niệm: Nước khoáng là loại nước thiên nhiên có thành phần và tính chất đặc biệt, như chứa một số hợp phần muối -

ion, khí, chất hữu cơ với hàm lượng lớn, nhiệt độ và tính phóng xạ cao…, có hoạt tính sinh học nên có tác dụng chữa bệnh hoặc tác động tốt đến sức khoẻ con người.

Dựa vào tiêu chuẩn định danh và xếp loại nước khoáng theo các yếu tố đặc hiệu, bao gồm:

Theo nhiệt độ, giới hạn dưới của nhiệt độ để xếp một nguồn nước vào nguồn nước nóng được qui ước là 300C, theo nhiệt độ (0C):

- Nước ấm: 30 - 40

- Nước nóng vừa: 41 - 60

- Nước rất nóng: 61 - 100

- Nước quá nóng: > 100

Theo thành phần ion, phân loại và tên gọi nước khoáng theo các ion, thứ tự ion chính- ion phụ, cation chính - cation phụ:


- Nước khoáng hoá

- Nước khoáng carbonic

- Nước khoáng sulfur hydro

- Nước khoáng silic

- Nước khoáng fluor

- Nước khoáng sắt

- Nước khoáng arsen

- Nước khoáng brom

- Nước khoáng iođ

- Nước khoáng bor

- Nước khoáng rađi

- Nước nóng

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.

Địa lý du lịch Phần 1 - CĐ Du lịch Hà Nội - 5

Kết quả điều tra khảo sát, trong số 287 nguồn nước khoáng trong danh bạ có 34 nguồn nước có nhiệt độ dưới 300C, số còn lại (253 nguồn) có nhiệt độ từ 300C trở lên, đạt tiêu chuẩn xếp vào nước nóng, trong đó có 164 nguồn đồng thời là nước khoáng thuộc các loại kể trên, còn 89 nguồn là nước nóng không có yếu tố đặc hiệu. Theo thang nhiệt độ chúng được phân thành các cấp: ấm có 131 nguồn, nóng vừa có 77 nguồn, rất nóng có 41 nguồn, quá nóng có 4 nguồn.

Xét về mặt phân bố thì miền Tây Bắc Bộ có nhiều nguồn nước nóng nhất với 77 nguồn, thứ đến là Nam Trung Bộ (Duyên hải và Tây Nguyên) có 73 nguồn.

Triển vọng và hiện trạng khai thác sử dụng tài nguyên nước khoáng - nước nóng ở nước ta: nguồn tài nguyên này của nước ta phong phú về số lượng, đa dạng về kiểu loại và có giá trị sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau

- Về mặt y học nước khoáng - nước nóng Việt Nam có tác dụng chữa được nhiều chứng bệnh: thần kinh, hô hấp, tiêu hoá, tim mạch, cơ khớp, da liễu, phụ khoa, chấn thương, bệnh nghề nghiệp… Có thể sử dụng chúng với nhiều

liệu pháp khác nhau: tắm ngâm, uống, xông, súc rửa… Các loại bùn khoáng tích tụ ở những nơi xuất lộ nước khoáng cũng có giá trị chữa bệnh tốt.

- Phần lớn các nguồn nước khoáng của ta có độ khoáng hoá vừa phải, vị ngon, nhất là loại nước khoáng carbonic, rất thích hợp cho công nghệ đóng chai làm nước giải khát, uống chống nóng, chống mất muối. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến năm 1997 có khoảng 50 cơ sở đóng chai nước khoáng với tổng công suất 339 triệu lít/năm.

- Nhiều nguồn nước khoáng có chứa một số hợp chất khí hoặc vi nguyên tố với hàm lượng lớn có thể tách chúng thành những sản phẩm có ích như CO2, sođa, muối ăn, Br, I…

- Những nguồn nước khoáng - nước nóng có giá trị khai thác phục vụ du lịch - giải trí, đặc biệt nhiều nguồn nằm gần những danh lam thắng cảnh hoặc di tích lịch sử nổi tiếng, có thể liên kết với nhau tạo thành những quần thể du lịch hấp dẫn. Các nguồn nước khoáng đã và đang được khai thác phục vụ du lịch có thể kể là Vĩnh Hảo (Bình Thuận), Kim Bôi (Hoà Bình), Hội Vân (Bình Định), Quang Hanh (Quảng Ninh), Tiền Hải (Thái Bình), Tiên Lãng (Hải Phòng), Mỹ Lâm (Tuyên Quang), Tháp Bà (Nha Trang)...

- Sự phong phú của các nguồn nước nóng với nhiều cấp nhiệt độ cho phép khai thác năng lượng địa nhiệt phục vụ các mục đích khác nhau: tắm, ấp trứng, ngâm giống, nuôi trồng thuỷ sản, hoặc sưởi ấm, nhiệt độ cao thì để phát điện.

2.2.4. Sinh vật

Tài nguyên sinh vật có ý nghĩa to lớn, có mối quan hệ gần gũi đối với đời sống con người. Sinh vật đã phủ lên bề mặt trái đất lớp áo khoác bảo vệ môi trường sống trong lành và làm cho cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, sống động. Nguồn tài nguyên này ngày càng có ý nghĩa hơn, khi mà trong thời gian gần đây chúng đã bị thu hẹp nhanh chóng. Nhiều khu rừng đã bị biến mất cùng với nhiều loài thực vật và động vật đã trở nên quí hiếm, do hậu quả khai thác quá mức của con người.

Ước tính trên thế giới hiện nay rừng chỉ còn bao phủ 12% bề mặt các lục địa. Khu vực được coi là còn nguồn tài nguyên sinh vật tương đối phong phú là châu Phi, châu Úc, châu Mĩ , châu Á. Lớn nhất là khu rừng Amazôn ở Nam Mĩ.

Các quốc gia đã tiến hành qui hoạch để bảo vệ phục hồi nguồn tài nguyên quí giá này. Nhiều vườn quốc gia đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Tiêu biểu là vườn quốc gia Tsavo (Kênia), Kakadu, Uluru (Australia), 10 vườn quốc gia ở Hoa Kỳ như Red wood, Mesa Verde...

Về mặt du lịch, tài nguyên sinh vật rất quan trọng. Những khu rừng xa lạ, đẹp đã trở thành đối tượng tham quan hấp dẫn, tính đa dạng sinh học, bảo tồn những nguồn gen hiếm đã thu hút các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, sự giàu có của một số loài động vật có thể phục vụ cho du lịch săn bắn thể thao. Loại hình du lịch sinh thái đã đưa con người trở về với thiên nhiên, trong bầu không khí trong lành và thêm yêu cuộc sống.

Đặc điểm về địa lý, địa hình, khí hậu, đất đai và các nhân tố sinh thái khác của Việt Nam đã giúp cho cây rừng phát triển và sinh trưởng quanh năm, tạo ra nguồn tài nguyên sinh vật phong phú đa dạng và rất độc đáo. Rừng nước ta là kho tài nguyên quí báu, là môi trường sống của muôn loài sinh vật, là nguồn sống của các dân tộc Việt Nam. Nước ta được thiên nhiên ưu đãi về sự phong phú đa dạng của các hệ sinh thái, đa dạng của các loài và đa dạng của tài nguyên di truyền, gọi chung là đa dạng sinh học.

Theo kết quả điều tra cho thấy nước ta có khoảng 12.000 loài thực vật có mạch, trong đó đã định tên được 10.484 loài, trong đó có khoảng 2.300 loài đã được nhân dân khai thác sử dụng làm thực phẩm, lấy gỗ, dược liệu,...

Hệ động vật nước ta cũng phong phú. Hiện nay thống kê được khoảng 280 loài thú, 180 loài bò sát, 80 loài ếch nhái, 471 loài cá nước ngọt, khoảng

2.500 loài cá biển và rất nhiều loài côn trùng.

Giới động vật rừng Việt Nam cũng có nhiều loài đặc hữu, hơn 100 loài chim và 78 loài thú. Nhiều loài có giá trị và ý nghĩa lớn về bảo vệ như voi, tê giác, bò rừng, bò xám, hổ, báo, hươu sao, nai cà tông, cu ly, vượn, voọc vá, voọc xám, voọc mũi hếch, sếu cổ trụi, cò quắm cánh xanh, cò quắm lớn, nhiều loài trĩ, cá sấu, trăn, rắn, rùa, rùa biển.

Những năm gần đây Việt Nam đã phát hiện một số loài thú, loài thực vật, loài cá mới cho khoa học. Đặc biệt, chỉ riêng năm 1997 trong tổng số 7 loài động vật đặc hữu phát hiện được trên thế giới thì ở Việt Nam đã có 4 loài. Tính đa dạng sinh học cao, đặc biệt là sự hiện diện của các loài đặc hữu quí hiếm là yếu tố quan trọng để hệ thống các vườn quốc gia Việt Nam trở thành những tài nguyên du lịch có giá trị.

Tài nguyên sinh vật ở nước ta rất đa dạng và phong phú. Nguồn tài nguyên quí giá này đã được khai thác để phục vụ du lịch. Những khu rừng ở nước ta có tính đa dạng sinh học và bảo tồn nhiều nguồn gen quí giá đặc trưng cho vùng nhiệt đới, trong đó có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam. Nhiều nơi tạo nên những phong cảnh mang dáng dấp của vùng nhiệt đới và ôn đới tạo ra sự lạ mắt đối với những dân cư sống ở vùng nhiệt đới.

Tuy nhiên, trong thế kỷ XX thảm thực vật rừng nước ta đã bị thu hẹp nhanh chóng, suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng. Diện tích rừng giảm từ 43% năm 1945 xuống còn dưới 30% năm 2000, trong vòng 20

năm từ 1976 đến 1995 giảm gần 2 triệu ha (11.169.300 ha - 9.302.200 ha), giảm nhiều nhất là rừng tự nhiên. Trên thực tế, độ suy giảm đa dạng sinh học ở nước ta nhanh hơn nhiều so với nhiều nước trên thế giới. Những chương trình của Chính phủ nhằm phục hồi rừng bị tàn phá đã phần nào có ý nghĩa, nâng độ che phủ của rừng Việt Nam từ 28,3% (1995) lên 33,2% (1999) diện tích lãnh thổ, dự kiến đến năm 2010 là 42 - 43%, 2020 là 47%.

Rừng Việt Nam, tuỳ theo mục đích sử dụng được chia làm 3 loại: rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Rừng sản xuất có diện tích gần 6,82 triệu ha, rừng phòng hộ 9,16 triệu ha, rừng đặc dụng 2,43 triệu ha.

Để bảo vệ sự đa dạng và phong phú của các hệ sinh thái, Chính phủ Việt Nam đã chú trọng xây dựng hệ thống các khu rừng đặc dụng. Tính đến năm 1997, trên phạm vi cả nước đã có 105 khu rừng đặc dụng, trong đó có 10 vườn quốc gia, 61 khu bảo tồn thiên nhiên và 34 khu rừng văn hoá - lịch sử - môi trường với tổng diện tích là 2.092.466 ha bằng 10,5% diện tích đất lâm nghiệp và gần 6% diện tích lãnh thổ Việt Nam. Tính đến năm 2014 nước ta có 164 khu rừng đặc dụng với diện tích 2,2 triệu ha, trong đó có 30 vườn quốc gia.Theo qui hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020 đạt 2,4 triệu ha, bao gồm 176 phân khu: 34 vườn quốc gia, 58 khu bảo tồn thiên nhiên, 14 khu bảo tồn loài/sinh cảnh, 61 khu bảo vệ cảnh quan và các khu rừng nghiên cứu khoa học.

Nhiều vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên nước ta được quốc tế đánh giá cao và ghi nhận. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Bái tử Long (là một phần của Hạ Long) được công nhận là Di sản thế giới, 4 vườn quốc gia là Di sản ASEAN gồm: Hoàng Liên, Ba Bể, Chư Mom Ray và Kon Ka Kinh. Bên cạnh đó nước ta còn có 5 khu RAMSA, 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Tài nguyên sinh vật nước ta phục vụ lợi ích du lịch được tập trung khai thác ở các vườn quốc gia, các hệ sinh thái đặc biệt và các điểm tham quan sinh vật.

Bảng 2.1. Hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam


TT

Loại

Số lượng

Diện tích (ha)

1

2

3

Vườn quốc gia

Khu bảo tồn thiên nhiên Khu bảo vệ cảnh quan

30

65

39

957.330

1.369.058

215.287



Tổng cộng

126

2.541.675



2.2.4.1. Vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển

Nguồn: Cục Kiểm Lâm

Hệ thống các vườn quốc gia là nơi tập trung đa dạng sinh học cao. Trong đó có nhiều động thực vật đặc hữu, quí hiếm.

Trong số các vườn quốc gia hiện nay, vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới năm 2003, vườn quốc gia Ba Bể với hồ tự nhiên và hệ thống núi đá vôi được đánh giá vào loại cổ nhất trên thế giới, đang được đề nghị UNESCO xét đưa vào di sản thiên nhiên thế giới. Tính đến hết năm 2015, Việt Nam được UNESCO công nhận 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, đó là: Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Đồng Nai, Cát Bà, châu thổ sông Hồng, ven biển và biển đảo Kiên Giang, miền tây Nghệ An, Mũi Cà Mau, Cù Lao Chàm, Lang - biang.

Ngoài ra, còn có một số khu rừng di tích lịch sử, văn hoá, môi trường khá tiêu biểu, có giá trị du lịch như Hương Sơn (Hà Tây), Côn Sơn (Hải Dương), Đền Hùng (Phú Thọ), Hoa Lư (Ninh Bình), Sầm Sơn (Thanh Hoá), rừng thông Đà Lạt (Lâm Đồng), núi Bà Đen (Tây Ninh).

2.2.4.2. Một số hệ sinh thái đặc biệt

Ở nước ta có một số hệ sinh thái đặc biệt rất tiêu biểu cho thiên nhiên vùng nhiệt đới đã được khai thác phục vụ du lịch như hệ sinh thái rừng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, hệ sinh thái rạn san hô ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hoà, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu,...Các hệ sinh thái vùng đất ướt và cửa sông mà điển hình là khu Tràm Chim (Đồng Tháp), Xuân Thuỷ (Nam Định) đã được qui hoạch thành các khu bảo vệ RAMSA đầu tiên ở Đông Nam Á.

2.2.4.3. Các điểm tham quan sinh vật:

Nước ta có rất nhiều điểm tham quan sinh vật thu hút đông đảo khách du lịch như các vườn thú, vườn bách thảo, các công viên ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Các viện bảo tàng Hải dương học ở Hải Phòng, Nha Trang, các sân chim và vườn trái ở đồng bằng Sông Cửu Long, các cơ sở thuần dưỡng voi ở Bản Đôn (Đăk Lăk), nuôi khỉ ở đảo Rều (Quảng Ninh), nuôi trăn, rắn, cá sấu ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trên đây là các tài nguyên du lịch tự nhiên, chủ yếu dựa vào các thành phần của tự nhiên để làm cơ sở cho việc xác định các loại hình du lịch và có định hướng khai thác chúng theo những chủ đề về chương trình nhất định.

Nhưng trong thực tế, các dạng tài nguyên luôn gắn bó, quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau và cùng được khai thác để tạo nên các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có tính tổng hợp cao. Các thể tổng hợp tự nhiên được phân chia ra các cấp phân vị với quy mô, kích thước và được khai thác cho nhiều mục đích khác nhau. Chỉ có một số cảnh quan tự nhiên hoặc các thành phần, bộ phận của chúng chứa đựng các tài nguyên du lịch mới tạo nên các cảnh quan du lịch tự nhiên. Tuỳ theo đặc điểm và quy mô mà có thể phân chia chúng thành các điểm du lịch tự nhiên hoặc các khu du lịch tự nhiên.

Điểm du lịch tự nhiên là nơi có dạng tài nguyên du lịch hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch và giới hạn trong một phạm vi không lớn lắm .

Khu du lịch tự nhiên có ưu thế nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, có nhiều dạng tài nguyên du lịch hấp dẫn, bao gồm một phạm vi không gian rộng lớn, trong đó có nhiều điểm du lịch tự nhiên. Có thể quan niệm Vịnh Hạ Long (hoặc Hạ Long - Cát Bà) là một khu du lịch tự nhiên, với ưu thế nổi bật của cảnh quan núi đảo đá vôi ngập nước, có nhiều dạng tài nguyên du lịch tự nhiên đặc sắc (phong cảnh, hang động, khí hậu, sinh vật), có phạm vi không gian rộng lớn hơn 1500km2, và có nhiều điểm du lịch tự nhiên như Bãi Cháy, Động Thiên Cung, Hòn Gà chọi,...

Ngoài các tài nguyên du lịch tự nhiên có tính cố định kể trên, còn phải kể đến các hiện tượng thiên nhiên đặc biệt, rất đặc sắc, xuất hiện có tính chu kỳ hoặc không theo chu kỳ cũng tạo ra sức hấp dẫn du lịch lớn, như sự xuất hiện của Sao Chổi, hiện tượng nhật thực, hoạt động của núi lửa, mưa sao, di cư của các loài động vật, bình minh trên biển, hoàng hôn trên núi, mùa hoa nở.

Câu hỏi ôn tập và thảo luận

1. Anh (chị) nêu đặc điểm và ý nghĩa du lịch của các loại địa hình đặc biệt, liên hệ với Việt Nam.

2. Anh (chị) nêu đặc điểm và ý nghĩa du lịch của tài nguyên khí hậu. Liên hệ với Việt Nam.

3. Anh (chị) nêu đặc điểm và ý nghĩa du lịch của tài nguyên nước. Liên hệ với Việt Nam.

4. Anh (chị) nêu đặc điểm và ý nghĩa du lịch của tài nguyên sinh vật. Liên hệ với Việt Nam.

5. Thảo luận: Đánh giá chung về những giá trị to lớn của tài nguyên du lịch tự nhiên nước ta đối với sự phát triển du lịch.

CHƯƠNG 3

TÀI NGUYÊN DU LỊCH VĂN HÓA



Mục tiêu:

Sau khi học xong chương này, người học có khả năng:

- Nêu được quan niệm cơ bản về Tài nguyên du lịch văn hóa.

- Nêu được ý nghĩa, vai trò của tài nguyên du lịch văn hóa.

- Xác định và phân tích được đặc điểm các loại tài nguyên du lịch văn hóa.

- Liên hệ thực tiễn tài nguyên du lịch văn hóa của thế giới và Việt Nam.


Nội dung:

Chương này đề cập đến những vấn đề sau:

- Quan niệm tài nguyên du lịch văn hóa.

- Đặc điểm và ý nghĩa du lịch của các loại tài nguyên du lịch văn hóa.

- Khái quát về tình hình tài nguyên du lịch văn hóa nước ta và thế giới.

3.1 Quan niệm về tài nguyên du lịch văn hóa

Khác với tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa là nhóm tài nguyên du lịch có nguồn gốc nhân tạo, nghĩa là do con người tạo ra. Theo quan niệm chung, toàn bộ những sản phẩm có giá trị về vật chất cũng như tinh thần do con người sáng tạo ra đều được coi là những sản phẩm văn hoá.

Như vậy, tài nguyên du lịch văn hóa cũng được hiểu là những giá trị văn hoá. Tuy nhiên, không phải sản phẩm văn hoá nào cũng đều là những tài nguyên du lịch văn hóa. Chỉ có những sản phẩm văn hoá có giá trị phục vụ du lịch mới được coi là tài nguyên du lịch văn hóa. Trên thực tế, những tài nguyên du lịch văn hóa chính là những giá trị văn hoá tiêu biểu cho mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi địa phương. Thông qua những hoạt động du lịch dựa trên việc khai thác các tài nguyên du lịch văn hóa, khách du lịch có thể hiểu được những đặc trưng cơ bản về văn hoá dân tộc, địa phương nơi mình đến.

Tài nguyên du lịch văn hóa có những đặc tính cơ bản sau:

- Tài nguyên du lịch văn hóa mang tính phổ biến

- Tài nguyên du lịch văn hóa mang tính tập trung dễ tiếp cận.

Xem tất cả 161 trang.

Ngày đăng: 22/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí