1.2 Ý nghĩa, vai trò của Tài nguyên du lịch
1.2.1 Ý nghĩa
Tài nguyên du lịch là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển du lịch. Thật khó hình dung, nếu không có tài nguyên du lịch hoặc tài nguyên du lịch quá nghèo nàn mà hoạt động du lịch lại có thể phát triển mạnh mẽ.
1.2.2 Vai trò
Vai trò của tài nguyên du lịch đối với các hoạt động du lịch được thể hiện ở các mặt sau:
- Tài nguyên du lịch là yếu tố cơ bản để tạo thành các sản phẩm du lịch.
Sản phẩm du lịch được tạo nên bởi nhiều yếu tố, song trước hết phải kể đến tài nguyên du lịch. Để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của khách du lịch, các sản phẩm du lịch không thể đơn điệu, nghèo nàn, kém hấp dẫn mà phải phong phú, đa dạng, đặc sắc và mới mẻ.
Chính sự phong phú của tài nguyên du lịch đã tạo nên sự đa dạng của sản phẩm du lịch. Tài nguyên du lịch càng đặc sắc độc đáo thì giá trị của sản phẩm du lịch và sự hấp dẫn khách du lịch càng tăng. Có thể nói chất lượng của tài nguyên du lịch là yếu tố cơ bản tạo nên chất lượng của sản phẩm du lịch và hiệu quả của hoạt động du lịch.
- Tài nguyên du lịch là cơ sở quan trọng để phát triển các loại hình du lịch.
Trong quá trình phát triển du lịch để không ngừng đáp ứng các yêu cầu và thoả mãn các mục đích của khách du lịch, các loại hình du lịch mới cũng không ngừng xuất hiện và phát triển.
Có thể bạn quan tâm!
- Địa lý du lịch Phần 1 - CĐ Du lịch Hà Nội - 1
- Địa lý du lịch Phần 1 - CĐ Du lịch Hà Nội - 2
- Tài Nguyên Khí Hậu Thích Hợp Phục Hồi Sức Khoẻ Con Người
- Hệ Thống Rừng Đặc Dụng Việt Nam
- Di Sản Thế Giới Và Di Tích Lịch Sử - Văn Hoá
Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.
Các loại hình du lịch ra đời đều phải dựa trên cơ sở của tài nguyên du lịch. Chính sự xuất hiện của các loại hình du lịch đã làm cho nhiều yếu tố của điều kiện tự nhiên và xã hội trở thành tài nguyên du lịch. Không có những hang động ngầm bí ẩn, những đỉnh núi cao hiểm trở, những cánh rừng nguyên sinh âm u, hoang vắng thì không thể xuất hiện loại hình du lịch thám hiểm. Không có những rạn san hô và thế giới sinh vật thuỷ sinh muôn màu muôn vẻ ngập chìm dưới làn nước trong xanh thì không thể có loại hình du lịch ngầm dưới biển.
- Tài nguyên du lịch là một bộ phận cấu thành quan trọng của tổ chức lãnh thổ du lịch.
Trong phạm vi một lãnh thổ cụ thể, mọi hoạt động du lịch đều phản ánh một tổ chức không gian du lịch nhất định.
Hệ thống lãnh thổ du lịch thể hiện mối quan hệ về mặt không gian của các yếu tố có quan hệ mật thiết với nhau cấu tạo nên nó. Các yếu tố đó là khách du lịch, tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đội ngũ cán bộ công nhân viên và tổ chức điều hành, quản lý du lịch.
Hệ thống lãnh thổ du lịch có nhiều cấp phân vị khác nhau, từ điểm du lịch tới trung tâm du lịch và vùng du lịch. Dù ở cấp phân vị nào thì tài nguyên du lịch cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lãnh thổ du lịch, cũng là yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn du lịch, tạo điều kiện để khai thác một cách có hiệu quả nhất các tiềm năng của nó.
Do đặc điểm phân bố của tài nguyên du lịch, trong tổ chức lãnh thổ du lịch đã hình thành nên các điểm du lịch, các khu du lịch, các trung tâm du lịch và các tuyến du lịch. Từ các tuyến điểm du lịch này, trong quá trình khai thác sẽ lựa chọn, sắp xếp thành các tour du lịch tức là các sản phẩm du lịch cụ thể cung cấp cho khách du lịch. Tổ chức lãnh thổ du lịch hợp lý sẽ góp phần tạo nên hiệu quả cao trong việc khai thác các tài nguyên du lịch nói riêng cũng như trong mọi hoạt động du lịch nói chung.
1.3 Đặc điểm của Tài nguyên du lịch
1.3.1 Tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng
Không giống với các loại tài nguyên khác, tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng. Đặc điểm này là cơ sở để tạo nên sự phong phú của sản phẩm du lịch nhằm thoả mãn nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Ví dụ, đối với loại hình tham quan, nghiên cứu để phục vụ cho nhu cầu nâng cao nhận thức của khách du lịch thì tài nguyên du lịch có thể là các lễ hội, tập quán sinh hoạt của vùng quê, các di tích lịch sử - văn hoá, các bản làng dân tộc miền núi, các viện bảo tàng, các thành phố, các hồ nước, thác nước, núi non, hang động hay những cánh rừng nguyên sinh có tính đa dạng sinh học cao. Đối với các loại hình du lịch nghỉ mát, chữa bệnh nhằm mục đích phục hồi sức khoẻ thì tài nguyên du lịch cần khai thác các bãi biển, các vùng núi cao có khí hậu trong lành mát mẻ, cảnh đẹp, các vùng hồ, các nguồn nước khoáng,...
Tài nguyên du lịch bao gồm các đối tượng, hiện tượng có trong môi trường tự nhiên và môi trường văn hoá - xã hội. Sự đa dạng của tài nguyên du lịch được chia thành hai nhóm là tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa.
1.3.2 Tài nguyên du lịch có tính hấp dẫn
Tài nguyên du lịch vừa có giá trị hữu hình và giá trị vô hình. Chính giá trị vô hình tạo nên tính hấp dẫn và là đặc điểm đặc trưng nhất của tài nguyên du lịch. Trong thực tế, tài nguyên du lịch là yếu tố vật chất tham gia trực tiếp vào việc hình thành các sản phẩm du lịch. Ví dụ, tắm biển là sản phẩm du lịch điển hình, mang lại nhiều khoái cảm và phục hồi sức khoẻ cho du khách. Loại hình du lịch này được hình thành trên cơ sở sự tồn tại hữu hình của các bãi biển, nước biển với những đặc điểm tự nhiên cụ thể. Tuy nhiên, chỉ hiểu ở khía cạnh vật chất này của tài nguyên du lịch thì chưa đủ, bởi không phải bãi biển nào cũng được khai thác phát triển thành điểm du lịch. Nguyên nhân của thực trạng trên, ngoài các yếu tố hạn chế của các điều kiện khai thác, quan trọng hơn cả là do sự hạn chế về “giá trị vô hình” mà tài nguyên có thể mang lại. Giá trị vô hình của tài nguyên du lịch được khách du lịch cảm nhận thông qua cảm xúc tâm lý, làm thoả mãn nhu cầu tinh thần (thẩm mỹ, văn hoá) - một nhu cầu đặc biệt của khách du lịch. Giá trị vô hình của tài nguyên du lịch nhiều khi còn được thể hiện thông qua những thông tin (nghe kể lại, qua báo chí, truyền hình, quảng cáo,...) qua đó khách du lịch cảm nhận, ngưỡng mộ và mong muốn đến tận nơi để thưởng thức, chiêm ngưỡng. Ở Trung Quốc có câu “bất đáo Trường Thành phi hảo hán” để nói về Vạn Lý Trường Thành hay Ngũ nhạc linh sơn…Ở Việt Nam có câu “Nam Thiên đệ nhất động” ca ngợi vẻ đẹp động Hương Tích, hay những cái tên đầy mê hoặc như động Thiên Đường, suối Tiên, đảo Ngọc... Bên cạnh đó, việc công nhận các di sản, kỳ quan thế giới đã làm tăng thêm giá trị vô hình và hấp dẫn của tài nguyên du lịch lên nhiều lần.
Giá trị vô hình này dường như không hạn chế mà ngày càng tăng do khả năng cảm thụ, hiểu biết của khách du lịch ngày càng cao hơn, ảnh hưởng rộng rãi hơn làm tăng thêm giá trị của tài nguyên du lịch.
Đây có thể được xem là một đặc điểm quan trọng nhất của tài nguyên du lịch, nó tạo ra sự khác biệt với những tài nguyên khác. Nhờ đó mà khách du lịch thực hiện chuyến đi để được cảm thụ và tận hưởng các giá trị của tài nguyên du lịch. Nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc, độc đáo và nổi tiếng có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch như Kim Tự Tháp ở Ai Cập, Cố Cung ở Trung Quốc, Tháp Eiffel của Paris, dãy núi Alps ở Nam Âu, các khu bảo tồn thiên nhiên ở Châu Phi, vùng biển Caribe ở Trung Mỹ,... là những địa danh du lịch lý tưởng, hàng năm thu hút hàng chục triệu khách du lịch tới chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó. Ngày nay, những tác phẩm tuyệt tác của thiên nhiên và văn hoá ấy được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Ở Việt Nam có hàng chục di sản được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và di sản văn hoá thế giới. Như vịnh Hạ Long, cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng,... là những tài nguyên du lịch đặc sắc, tạo nên vẻ đẹp Việt Nam và càng trở nên hấp dẫn hơn đối với khách du lịch.
1.3.3.Tài nguyên du lịch có tính mùa
Trong số các tài nguyên du lịch, có những tài nguyên có khả năng khai thác quanh năm, lại có tài nguyên mà việc khai thác ít nhiều phụ thuộc vào mùa vụ. Sự phụ thuộc này chủ yếu dựa theo qui luật diễn biến của khí hậu.
Đối với các tài nguyên du lịch biển, thời gian khai thác thích hợp nhất là vào thời kỳ có khí hậu nóng bức trong năm. Điều này giải thích vì sao du lịch biển thường hoạt động vào mùa hè ở phía Bắc nước ta, còn từ Đà Nẵng trở vào, nơi không có mùa đông lạnh, hoạt động du lịch biển có thể tổ chức quanh năm. Các lễ hội cũng được ấn định vào các thời kỳ khác nhau trong năm, vì thế các hoạt động du lịch lệ thuộc vào thời gian diễn ra các lễ hội đó. Nói chung, mùa Xuân là mùa của lễ hội với các lễ hội nổi tiếng như hội Đền Hùng, hội Chùa Hương, hội Gióng, hội Lim...
Về cơ bản, tính mùa của các tài nguyên du lịch tự nhiên chịu tác động trực tiếp và tuân theo mùa của khí hậu. Cáctài nguyên du lịch nhân văn lại chịu ảnh hưởng gián tiếp của mùa khí hậu, thời tiết nên cũng có tính mùa nhất định.
Vào mùa khô, ít mưa, thời tiết mát mẻ là thời kỳ thuận lợi nhất cho nhiều loại hình du lịch hoạt động.
Tài nguyên du lịch có thời gian khai thác khác nhau đã quyết định tính mùa vụ của hoạt động du lịch. Tính mùa này đã tạo ra sự mất cân đối về nguồn khách du lịch trong năm. Vậy nên, các địa phương, các nhà quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch cũng như khách du lịch đều phải quan tâm đến tính chất này để có các biện pháp chủ động điều tiết thích hợp nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
1.3.4 Tài nguyên du lịch thường dễ khai thác
Hầu hết các tài nguyên du lịch được khai thác để phục vụ du lịch là các tài nguyên vốn đã có sẵn trong tự nhiên do tạo hoá sinh ra hoặc do con người tạo dựng nên và thường dễ khai thác. Trên thực tế, một khu rừng nguyên sinh, một thác nước, một bãi biển, một hồ nước đều có thể trở thành một điểm du lịch, đây là tài nguyên vô giá. Con người khó có thể tạo ra các tài nguyên du lịch bởi vì vô cùng tốn kém, cho dù có mô phỏng được (công viên giải trí) thì cũng không
lột tả hết sức sáng tạo phi thường của tạo hoá và sự mô phỏng đó sẽ giảm đi rất nhiều về giá trị và độ hấp dẫn.
Với tất cả những gì sẵn có của tài nguyên du lịch, chỉ cần đầu tư không lớn để tôn tạo nhằm tôn thêm vẻ đẹp và giá trị của tài nguyên, vừa tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên này. Trong khi, khai thác khoáng sản, đất đai, nguồn nước…luôn đòi hỏi đầu tư lớn về vốn, phức tạp về kỹ thuật.
Nếu chỉ đơn thuần dưới góc độ kinh tế thì hiệu quả thu được từ việc khai thác các tài nguyên du lịch là rất to lớn, có khi trội hơn rất nhiều so với khai thác các tài nguyên khác.
1.3.5 Tài nguyên du lịch được khai thác và sử dụng tại chỗ
Đối với đa số tài nguyên, sau khi khai thác có thể vận chuyển đến nơi chế biến thành các sản phẩm rồi lại được đưa đến nơi tiêu thụ. Nhưng tài nguyên du lịch thì phải khai thác và tạo ra sản phẩm du lịch tại chỗ, khách du lịch phải đến tận nơi để thưởng thức.
Chính vì khách du lịch phải đến tận điểm du lịch, nơi có các tài nguyên du lịch để thưởng thức các sản phẩm du lịch, nên muốn khai thác các tài nguyên này điều đầu tiên cần quan tâm là phải chuẩn bị tất cả các cơ sở hạ tầng, các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và vận chuyển khách du lịch. Thực tế cho thấy những điểm du lịch có vị trí thuận tiện về giao thông, có cơ sở dịch vụ du lịch tốt thì sẽ thu hút được nhiều khách du lịch và đạt hiệu quả cao. Ngược lại, có những điểm du lịch có nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc như bãi biển Trà Cổ (Quảng Ninh), Hồ Ba Bể (Bắc Kạn) nhưng vì khoảng cách xa xôi, cách trở đã ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng thu hút khách. Nếu được đầu tư tốt hơn về cơ sở hạ tầng và phương tiện vận chuyển khách, chắc chắn chẳng bao lâu nữa các điểm du lịch này sẽ trở nên sầm uất.
1.3.6 Tài nguyên du lịch có thể sử dụng được nhiều lần
Các tài nguyên du lịch được xếp vào loại tài nguyên có khả năng tái tạo và sử dụng lâu dài. Vấn đề chính là phải nắm được quy luật tự nhiên, lường trước được sự thử thách khắc nghiệt của thời gian và những biến động, đổi thay do con người gây nên. Từ đó có định hướng lâu dài và biện pháp cụ thể để khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch; không ngừng bảo vệ, tôn tạo và hoàn thiện tài nguyên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch lâu dài. Cần lưu ý, khi tác động và khai thác các tài nguyên du lịch tự nhiên nhất thiết phải tuân theo qui luật của tự nhiên và phải tôn trọng giá trị văn hoá, lịch sử đối với tài nguyên
du lịch nhân văn. Có như vậy mới bảo tồn và phát huy được các giá trị tự nhiên và văn hoá của tài nguyên du lịch, góp phần du lịch phát triển bền vững.
Đây cũng là điều sống còn của mỗi điểm du lịch, mỗi khu du lịch nhằm thực hiện phương hướng chiến lược phát triển du lịch bền vững. Chỉ có phát triển du lịch bền vững mới đảm bảo nguồn tài nguyên du lịch ít bị tổn hại, làm cho mỗi điểm du lịch, mỗi khu du lịch ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, không những thoả mãn nhu cầu phát triển du lịch hiện tại mà còn dành để phát triển du lịch trong tương lai. Các chương trình “Du lịch xanh”, “Du lịch có trách nhiệm”…là để bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch bền vững.
1.4 Phát triển du lịch bền vững trong mối quan hệ với tài nguyên và môi trường.
1.4.1 Quan niệm về phát triển du lịch bền vững
Sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội nói chung và của bất cứ ngành kinh tế nào cũng cần đạt được 3 mục tiêu ở bản:
- Bền vững về kinh tế
- Bền vững về tài nguyên môi trường
- Bền vững về văn hoá xã hội
Đối với kinh tế, sự phát triển bền vững thể hiện ở quá trình tăng trưởng liên tục theo thời gian hoặc không có sự đi xuống xét về chỉ tiêu kinh tế.
Sự phát triền bền vững về tài nguyên môi trường đòi hỏi khai thác, sử dụng tài nguyên để đáp ứng nhu cầu hiện tại không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Điều này được thể hiện ở việc sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, bảo tồn đa dạng sinh học, không có những tác động tiêu cực đến môi trường.
Đối với văn hoá xã hội thì sự phát triển bền vững cần đảm bảo đem lại những lợi ích lâu dài cho xã hội như tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao mức sống của người dân và sự ổn định xã hội, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hoá.
Du lịch là ngành kinh tế đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn thế giới, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá có tính toàn cầu cũng như có tác động đến mọi khía cạnh về tài nguyên và môi trường. Điều này đòi hỏi ở du lịch một sự phát triển bền vững.
Là một ngành kinh tế, sự phát triển du lịch bền vững không nằm ngoài khái niệm chung về sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội nói chung. Sự phát triển du lịch bền vững là sự phát triển đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà
không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng về nhu cầu du lịch của các thế hệ tương lai. Vì vậy, trong quá trình phát triển du lịch phải đảm bảo được sự bền vững về kinh tế, về tài nguyên môi trường và về văn hoá xã hội.
Bản chất của du lịch là luôn mang lại các lợi ích nhân văn về mọi mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên việc này không dễ dàng, trong thực tế có rất nhiều hoạt động kinh tế, xã hội và ngay cả trong hoạt động du lịch đã tác động xấu tới môi trường, tài nguyên nói chung và làm tổn hại tới tài nguyên và môi trường du lịch. Để hạn chế những tác động xấu này, cần thiết có sự tăng cường quản lí của chính phủ các nước, chính quyền địa phương. Mặt khác, công tác tuyên truyền tới du khách và người dân bản địa có vai trò to lớn.
1.4.2 Các nguyên tắc cơ bản của phát triển du lịch bền vững
- Khai thác sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hợp lý
- Hạn chế việc sử dụng quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải
- Phát triển gắn liền với việc bảo tồn tính đa dạng
- Phát triển phải phù hợp với qui hoạch tổng thể kinh tế - xã hội
- Chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương
- Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương
- Thường xuyên trao đổi, tham gia ý kiến với cộng đồng địa phương và các đối tượng có liên quan
- Chú trọng việc đào tạo nâng cao nhận thức về tài nguyên môi trường
- Tăng cường tiếp thị một cách có trách nhiệm
- Thường xuyên tiến hành công tác nghiên cứu.
Câu hỏi ôn tập và thảo luận
1. Anh (chị) nêu và phân tích khái niệm tài nguyên du lịch.
2. Anh (chị) nêu đặc điểm của tài nguyên du lịch, cho các ví dụ minh hoạ.
3. Anh (chị) quan niệm như thế nào về phát triển du lịch bền vững.
CHƯƠNG 2
TÀI NGUYÊN DU LỊCH TỰ NHIÊN
Mục tiêu:
Sau khi học xong chương này, người học có khả năng:
- Nêu được quan niệm cơ bản về Tài nguyên du lịch tự nhiên.
- Nêu được ý nghĩa, vai trò của tài nguyên du lịch tự nhiên
- Xác định và phân tích đặc điểmcác loại tài nguyên du lịch tự nhiên.
- Liên hệ thực tiễn tài nguyên du lịch tự nhiên của thế giới và Việt Nam
Nội dung:
Chương này đề cập đến những vấn đề sau:
- Quan niệm tài nguyên du lịch.
- Ý nghĩa, vai trò tài nguyên du lịch tự nhiên
- Các loại tài nguyên du lịch tự nhiên: địa hình, khí hậu, nước, sinh vật.
2.1 Quan niệm về Tài nguyên du lịch tự nhiên
Thiên nhiên là môi trường sống của con người và mọi sinh vật trên trái đất. Thiên nhiên bao quanh gồm các yếu tố, các thành phần tự nhiên, các hiện tượng tự nhiên và các quá trình biến đổi của chúng, tạo nên các điều kiện tự nhiên thường xuyên tác động đến sự sống và hoạt động của con người.
Chỉ có các thành phần, hiện tượng và các thể tổng hợp tự nhiên trực tiếp hoặc gián tiếp được khai thác sử dụng để tạo ra các sản phẩm du lịch phục vụ mục đích phát triển du lịch mới được xem là tài nguyên du lịch tự nhiên.
Theo Luật Du lịch Việt Nam (2005): “Tài nguyên du lịch tự nhiên gồm các yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo, khí hậu, thuỷ văn, hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch”.
Các tài nguyên du lịch tự nhiên luôn gắn liền với các điều kiện tự nhiên cũng như gắn liền với các điều kiện lịch sử - văn hoá, kinh tế - xã hội và chúng thường được khai thác đồng thời với các tài nguyên du lịch nhân văn.
Khi tìm hiểu nghiên cứu về tài nguyên du lịch tự nhiên, người ta thường nghiên cứu từng thành phần của tự nhiên, các thể tổng hợp tự nhiên và các hiện tượng đặc sắc của tự nhiên.