Các Sự Kiện Văn Hoá, Thể Thao, Xã Hội

mang tính dân gian thì lễ hội nơi đó có giá trị hơn, có sức hấp dẫn hơn. Thông thường phần hội gắn với tình yêu, giao duyên nam nữ.

Cũng có những lễ hội mà ở đó hai phần lễ và hội hoà quyện vào nhau, trong đó trọng tâm là phần hội, nhưng bản thân phần hội đã mang trong mình ý nghĩa tâm linh của phần lễ. Hội chọi trâu Đồ Sơn là một ví dụ điển hình.

Hội làng của người Việt ở đồng bằng sông Hồng là lễ hội truyền thống rất tiêu biểu cho xã hội nông thôn Việt Nam. Có quan niệm cho rằng đồng bằng sông Hồng là quê hương của văn hoá lúa nước, của hội làng, điều đó không sai.

Ngày nay, trên thế giới cũng như nước ta nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tâm linh của con người ngày càng lớn, nhiều lễ hội được phục hồi hoặc mở rộng qui mô. Các lễ hội do vậy, ngày càng nhôn nhịp, tưng bừng và thu hút. Về phương diện du lịch đây cũng là cơ hội phát triển mạnh mẽ và tạo lên loại hình du lịch văn hoá tâm linh. Những lễ hội có qui mô lớn thường là lễ hội tôn giáo tiêu biểu như lễ hội Ramadan của người Hồi giáo, lễ hội Kumbh Mela của người Hindu… ở Vệt Nam có lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính…

Khi đánh giá các lễ hội phục vụ mục đích du lịch cần lưu ý một số đặc điểm sau:

- Tính thời gian của lễ hội, được thể hiện trên hai khía cạnh

Thời điểm diễn ra lễ hội: Lễ hội có quanh năm, song lại tập trung chủ yếu vào mùa Xuân sau nữa là mùa Thu. Mùa Xuân là thời điểm thiêng liêng nhất trong năm, là thời điểm chuyển giao của chu kỳ thời gian, một qui luật quan trọng của tự nhiên, kết thúc một năm cũ, bắt đầu một năm mới và cũng là bắt đầu một mùa vụ mới trong sản xuất. Các lễ hội thể hiện tính cầu mùa. Mùa Thu là thời điểm thu hoạch mùa màng, lễ hội mang tính tạ ơn.Vào mùa Xuân người Nga có Maxlenisa, người Braxin có Cacnavan, người Lào có Bunpimay, người Campuchia có Chon chnam thmay…Ở nước ta mùa Xuân là mùa của lễ hội. Ví như tỉnh Bắc Ninh có 547 lễ hội thì 2/3 số lễ hội vào mùa này.

Thời gian kéo dài của các lễ hội rất khác nhau. Có lễ hội diễn ra trong suốt một hai tháng, như Tháng Ramadan của người Hồi giáo, lễ hội chùa Hương kéo dài tới hơn hai tháng. Có lễ hội diễn ra trong một vài tuần như Festival, tuần lễ ăn chay của Phật Giáo. Phần lớn các lễ hội chỉ diễn ra trong khoảng một vài ngày.

- Qui mô của lễ hội: Các lễ hội có qui mô lớn, nhỏ khác nhau. Có lễ hội diễn ra trên địa bàn rộng lớn mang tính quốc tế, khu vực. Có lễ hội mang tính quốc gia hoặc giới hạn trong một địa phương nhỏ hẹp.

- Lễ hội trên thế giới có nguồn gốc và hình thức vô cùng đa dạng. Có thể phân biệt một số hình thức lễ hội chính như sau: lễ hội mừng các sự kiện của đời sống, lễ hội phục hồi, lễ hội tế lễ và lễ hội kỷ niệm.

3.2.3. Nghề và làng nghề thủ công truyền thống

Nghề thủ công truyền thống cũng là loại tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng và có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Nghề thủ công truyền thống sản xuất bằng tay những công cụ và đồ dùng sinh hoạt cho nhân dân, với những sản phẩm độc đáo không chỉ thể hiện tài khéo léo của nhân dân lao động mà còn thể hiện những tâm tư tình cảm của con người, họ là những “người thổi hồn cho đất”. Đây cũng chính là những đặc tính riêng của các nền văn hoá và là sức hấp dẫn của các nghề và làng nghề thủ công truyền thống của các dân tộc, các địa phương.

Từ xa xưa, nhiều quốc gia trên thế giới đã nổi tiếng với những sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ như gốm, sứ, tơ, lụa, tranh thuỷ mạc của Trung Quốc; thảm dệt của Ấn Độ, Pakixtan, kim hoàn của Pháp, Italia,... Những mặt hàng này không những mang lại nguồn thu lớn cho đất nước, mà ngày nay còn là những vật lưu niệm quí giá cho khách du lịch tới thăm đất nước họ. Những nơi sản xuất ra các sản phẩm đó đã trở thành những địa chỉ du lịch hấp dẫn.

Nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam vốn có truyền thống từ lâu đời. Truyền thống đó gắn liền với tên những làng nghề, phố nghề và được biểu hiện bằng những sản phẩm thủ công truyền thống với những nét độc đáo, tinh xảo, hoàn mỹ. Nhiều nghề và làng nghề truyền thống đã nổi bật lên trong lịch sử với những sản phẩm có bản sắc riêng, với các nghệ nhân tài hoa. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ là những vật phẩm sinh hoạt bình thường hàng ngày, mà một số còn là những tác phẩm nghệ thuật đặc trưng của nền văn hoá. Nó bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và kỹ thuật truyền từ đời này qua đời khác. Làng nghề truyền thống từ lâu đã làm phong phú thêm truyền thống văn hoá Việt Nam. Đặc biệt, nhiều tác phẩm hàng thủ công mỹ nghệ còn mang trong mình những giá trị văn hoá triết lý sâu sắc được thể hiện trên chất liệu, hình dáng, hình vẽ hay chạm khắc, đều được tạo theo các khuôn mẫu, dựa theo điển tích và liên quan đến phong thuỷ. Ví như, điển tích Tứ linh, Tứ quí, Tam đa, Ngũ phúc, Mã đáo thành công, Vinh qui bái tổ… càng làm tăng thêm chất văn hoá thi vị của thú chơi đồ cổ.

Nước ta là nước có nhiều nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là các nghề chạm khắc đá, đúc đồng, kim hoàn, gốm, mộc, mây tre đan, nghề dệt. Mỗi nghề đều có lịch sử phát triển lâu đời và khá độc đáo, có nhiều địa phương cùng làm, trong đó có một số làng nghề tiêu biểu nhất.

- Nghề chạm khắc đá: là một trong những nghề có lịch sử lâu đời nhất, với những sản phẩm như vòng đeo tay, hạt chuỗi, khuyên tai, tượng đá,... Có lẽ do đặc tính lịch sử của mình nên nghề chạm khắc đá phát triển khá phổ biến. Những tư liệu cho thấy có 3 trung tâm chạm khắc đá chính thức thuộc các tỉnh Hải Dương (Kính Chủ), Thanh Hoá (Làng Nhồi tức An Hoạch) và Đà Nẵng (Ngũ Hành Sơn). Ngoài ra còn rải rác ở nhiều nơi khác như Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Biên Hoà.

- Nghề đúc đồng: được xuất hiện rất sớm với sản phẩm tiêu biểu là trống đồng Đông Sơn nổi tiếng, Cửu đỉnh ở Huế… hay Tứ đại khí gồm tượng đồng khổng lồ cao 20 mét ở chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh), tháp Báo Thiên ở Sùng Khánh (Thăng Long) gồm 12 tầng cao 70m, chuông Quy Điền ở chùa Diên Hựu (chùa Một Cột) cao đến 3 sải, Vạc chùa Phổ Minh (Nam Định) nặng 6.150 cân. Có thể nói nghề đúc đồng phát triển ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng nổi tiếng nhất là ở làng Ngũ Xá (Hà Nội), làng Đại bái (Bắc Ninh), làng Đồng Xâm (Thái Bình), làng Dương Xuân (Huế), làng Phước Kiều (Quảng Nam).

- Nghề kim hoàn: ở nước ta có nhiều làng làm nghề kim hoàn như làng Định Công (Thanh Trì, Hà Nội) không những nổi tiếng về tay nghề mà còn là làng của ông tổ nghề này.

- Nghề gốm: được hình thành rất sớm ngay từ thời tiền sử cùng với thời kỳ đồ đá, đồ đồng. Nước ta là một trong những nơi có nghề gốm phát triển sớm ở châu Á.

Ngày nay, ở nước ta có rất nhiều địa phương làm nghề gốm. Một số nơi còn giữ được những kỹ thuật làm gốm thủ công thô sơ rất độc đáo, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với du khách. Nhiều địa phương đã nổi tiếng trong và ngoài nước như Hương Canh (Vĩnh Phúc), Thổ Hà (Bắc Giang), Chu Đậu (Hải Dương), Lò Chum (Thanh Hoá), Bát Tràng (Hà Nội), Phước Tích (Huế), Biên Hoà (Đồng Nai),...

- Nghề mộc: ở nước ta, nghề mộc phát triển khá rực rỡ, đạt đến độ tinh xảo.Nghề mộc khá phổ biến trong cả nước, nghề mộc để dựng nhà. Hầu hết nhà ở của các dân tộc đều sử dụng rất nhiều gỗ.

Nghề mộc dựng đình, chùa, đến, miếu, nổi tiếng có thôn Cúc Bồ (Hải Dương). Còn nghề chạm trổ, khắc gỗ thì có rất nhiều nơi nổi tiếng như làng Đồng Giao (Hải Dương), Chày Thôn (Hà Nội), làng Giáp (Phú Thọ), làng La Xuyên (Nam Định), làng Đông Ngàn - Kinh Bắc, Phù Khê và Kim Thiều (Bắc Ninh). Vùng Thuận Hoá (Huế) với tư cách là thủ phủ Đàng Trong đã thu hút được nhiều nghệ nhân thuộc các nghề khác nhau, trong đó có nghề chạm trổ.

Những người thợ tài hoa này đã tạo nên những công trình tuyệt tác của kinh thành xưa.

- Nghề dệt, thêu ren truyền thống: Cũng là nghề được hình thành rất sớm. Những địa danh gắn với truyền thống về nghề dệt ở nước ta có rất nhiều, tiêu biểu như Bưởi, Nghi Tàm, Nghĩa Đô (Hà Nội), Trình Tiết, Kiều Trúc, La Khê, Vạn Phúc (Hà Tây), Hàng Kênh (Hải Phòng), Văn Lâm (Ninh Bình), Đà Lạt.

- Nghề đan lát mây tre: Phú Vinh, Ninh Sở (Hà Nội), Quảng Phong (Thanh Hoá).

- Chế biến món ăn: cốm Làng Vòng , đậu làng Mai Động (chợ Mơ), bánh khô mè Cẩm Lệ (Quảng Nam), Đường Bảo An (Quảng Nam).

- Mỹ nghệ ngà sừng Thuỵ Ứng, Vạn Hạnh.

- Nghề Sơn Mài và khảm: theo nghiên cứu nghề sơn ở Việt Nam được hình thành rất sớm. Nghề sơn mài được xuất hiện vào hồi đầu thế kỷ XX. Ngày nay nghệ thuật sơn mài của Việt Nam đã có tiếng trên thế giới. Đối với nghề khảm trai, khảm xà cừ được xuất hiện vào khoảng thế kỷ XI. Ngày nay có nhiều địa phương hành nghề khảm trai, khảm xà cừ, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Hà Nội, Hà Tây, Nam Định.

Ngoài ra còn rất nhiều các loại hình làng nghề khác với những sản phẩm có tiếng như cốm làng Vòng, mì Chũ, bánh đa Hải Phòng, bún Huế, chè Huế, rượu làng Vân, mì Quảng…

3.2.4. Phong tục, tập quán dân tộc

Mỗi dân tộc có những điều kiện sinh sống, những đặc điểm văn hoá, phong tục tập quán mang những sắc thái riêng của mình và có địa bàn cư trú nhất định. Những đặc thù của từng dân tộc có sức hấp dẫn riêng đối với khách du lịch. “Giờ đây, không còn một chân trời, góc biển nào mà con người chưa đặt chân tới, không còn một ngọn núi cao hay hòn đảo xa xôi chưa bị chinh phục. Vậy mà, về nhiều mặt, các dân tộc vẫn còn xa lạ với nhau và những phong tục, những niềm tin hy vọng ẩn giấu, những đức tin sâu kín của mỗi dân tộc vẫn còn là những thứ mà các dân tộc khác chẳng mấy biết đến. Các nhà du lịch thời nay bị cuốn hút bởi tiếng gọi của những con đường, của những con người. Họ mong muốn thực sự được gặp gỡ những kẻ khác trong chuyến viễn du của họ để quan sát, để đối thoại, để hấp thụ những nền văn hoá khác làm phong phú thêm và hiểu hơn bản sắc nền văn hoá của mình" (Tạp chí Người đưa tin UNESCO).

Phong tục, tập quán được thể hiện trên mọi lĩnh vực của cuộc sống sinh hoạt như giao tiếp, ăn uống, trang phục, nhà ở, lao động, đời sống tâm linh... tất

thảy đều có sức hút du lịch tìm hiểu khám phá. Kho tàng văn hoá, sinh hoạt văn hoá đặc thù là điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển.Người Tây Ban Nha với nền văn hoá Phlamanco và truyền thống đấu bò tót. Đất nước Hy Lạp, Italia, Pháp,... là những cái nôi của nền văn minh châu Âu với nhiều điều kỳ thú.

Việt Nam có hơn 54 dân tộc người, trong đó có 53 tộc người thiểu số chủ yếu cư trú ở các vùng núi heo hút. Nhiều dân tộc vẫn giữ nguyên được những nét sinh hoạt văn hoá truyền thống đặc sắc của mình, tiêu biểu như trang phục của người Tày, Nùng, Dao, Mông, Thái ở miền Bắc; cồng chiêng của người Chăm, Gia-rai, Ê-đê, Ba-na ở miền Trung và Tây Nguyên; những ngôi chùa của người Khmer ở đồng bằng Nam Bộ. Những giá trị văn hoá truyền thống đó có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch rất tốt. Chẳng hạn, ngành du lịch và các địa phương đã nỗ lực xây dựng được một số điểm du lịch độc đáo, như du lịch cộng đồng Sa Pa, du lịch Bản Lát ở Mai Châu... Sự ra đời và phát triển của sân khấu dân gian Việt Nam gắn liền với đời sống nông nghiệp. Cùng với múa rối nước là các môn nghệ thuật hát chèo, tuồng, cải lương góp phần làm phong phú nền sân khấu cổ truyền Việt Nam. Hiện nay, một số đơn vị nghệ thuật đã đưa vào phục vụ khách du lịch như rối nước Hà Nội, Đờn ca tài tử Bạc Liêu, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Chèo Ninh Bình, Nhà hát Chèo Hà Nội. Âm nhạc dân gian Việt Nam cũng có truyền thống lâu đời, bắt đầu với chầu văn, quan họ, ca trù, hát ví, dân ca, vọng cổ, nhạc cung đình,...của người Việt và bên cạnh đó là âm nhạc dân gian của các dân tộc khác như hát lượn của người Tày, hát Sli của người Nùng, hát Khan của người Ê Đê, hát dù kê của người Khmer... Việt Nam vẫn chưa có được một sân khấu, nhà hát biểu diễn nghệ thuật dân tộc nào đủ lớn để giới thiệu đến du khách quốc tế, để đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

3.2.5. Các sự kiện văn hoá, thể thao, xã hội

Những đối tượng văn hoá như các trung tâm khoa học, các trường đại học, các thư viện lớn, đặc biệt là các bảo tàng đều có sức thu hút lớn khách tới tham quan du lịch và nghiên cứu. Các viện bảo tàng lớn, nổi tiếng hàng năm như Louvre (Paris), Ecmitat (Saint Peterburg), Cố Cung (Bắc Kinh) hàng năm đón hàng triệu lượt khách tới tham quan, nghiên cứu. Trong các tour du lịch của thành phố thường có tham quan các bảo tàng.

Nước ta có 64 tỉnh, thành phố, tỉnh thành nào cũng có bảo tàng.Hiện nay, nước ta có 127 bảo tàng, trong đó có 7 bảo tàng quốc gia (6 bảo tàng quốc gia nằm tại Hà Nội, 1 bảo tàng quốc gia tại TP Thái Nguyên là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam). Trong đó có 26 bảo tàng thuộc lĩnh vực quân đội, 8 bảo tàng tư nhân. Đa phần các bảo tàng ở nước ta là bảo tàng về lịch sử xã hội, về

hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Chúng ta đang rất thiếu những bảo tàng mà xã hội thực tế cần là bảo tàng về lịch sử tự nhiên, khoa học kĩ thuật. Ngoại trừ một số bảo tàng nổi tiếng như Bảo tàng Lịch sử quân sự, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học là những bảo tàng luôn dẫn đầu về lượng khách tham quan, còn lại đa phần các bảo tàng đều trong tình trạng ít khách.

Ngoài ra, các hoạt động mang tính sự kiện như các giải thể thao lớn, các cuộc triển lãm thành tựu kinh tế, các hội chợ, triển lãm, các cuộc liên hoan quốc tế về điện ảnh, âm nhạc, hoa hậu quốc tế rất hấp dẫn và thu hút số lượng khách du lịch lớn. Cũng phải kể đến các hoạt động chính trị như các cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế về chiến tranh, hoà bình, về kinh tế, xã hội, môi trường xét về phương diện du lịch lại có ý nghĩa đặc biệt.

Trong những năm gần đây nước ta đã quan tâm đầu tư, đăng cai và tổ được nhiều sự kiện quốc tế tiêu biểu như, Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2003 (SEAGAMES22), tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu năm2004 (ASEM 5), hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương(APEC 2006), Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm (VESAK 2008), Cuộc Hoa hậu Hoàn vũ thế giới năm 2008 (lần thứ 57)…Đặc biệt, nhằm quảng bá và tạo ra những bước đột phá phát triển du lịch nước ta, hàng năm ngành Du lịch tổ chức nhiều các sự kiện du lịch như, năm du lịch quốc gia, các festival du lịch…

Bảng 3.2. Năm du lịch quốc gia Việt Nam


Năm

Địa phương đăng cai

Chủ đề

2003

Quảng Ninh

Non nước hữu tình

2004

Điện Biên

Hào hùng chiến khu

2005

Nghệ An

Theo chân Bác

2006

Quảng Nam

Một điểm đến - hai di sản văn hóa thế giới

2007

Thái Nguyên

Về thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc

2008

Cần Thơ và các tỉnh

ĐB sông Cửu Long

Miệt vườn sông nước Cửu Long

2010

Hà Nội

Thăng Long - Hà Nội, hội tụ ngàn năm

2011

Phú Yên

và các tỉnh DH Nam Trung Bộ

Du lịch biển - đảo

2012

Thừa Thiên - Huế và

các tỉnh Bắc Trung Bộ

Du lịch di sản

2013

Hải Phòng

và các tỉnh ĐB sông Hồng

Văn minh Sông Hồng

2014

Lâm Đồngvà

các tỉnh Tây Nguyên

Đại ngàn Tây Nguyên

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.

Địa lý du lịch Phần 1 - CĐ Du lịch Hà Nội - 7


2015

Thanh Hóa

Kết nối các di sản thế giới

2016

Phú Quốc - ĐB sông Cửu Long

Khám phá đất phương Nam

2017

Lào Cai - Tây Bắc

Sắc màu Tây Bắc

2018


Quảng Ninh

Hạ Long - di sản, kỳ quan - điểm đến thân thiện

2019

Khánh Hòa

Nha Trang – Sắc màu của biển

2020

2021


Ninh Bình (vì COVID)


Hoa Lư - Cố đô ngàn năm


Hiện nay ở Việt Nam đã có một số công ty trong và ngoài nước chuyên làm dịch vụ tổ chức sự kiện, triển lãm.

Những hoạt động văn hoá quốc tế thường tập trung ở các thành phố lớn, đã làm xuất hiện những trung tâm mang tính hoạt động quốc tế như Paris, Brussels, Viena, Gieneve, Bangkok. Những thành phố này cũng là các trung tâm du lịch lớn. Những hoạt động văn hoá, thể thao và xã hội quốc tế mang tính sự kiện ngày càng nhiều và sôi động, những sự kiện lớn như có sức hút khách du lịch tăng đột biến trong những ngày tổ chức sự kiện. Chính vì vậy mà nhiều quốc gia rất quan tâm phát triển loại hình du lịch MICE này.


Câu hỏi ôn tập và thảo luận


1. Anh (chị) nêu đặc điểm và ý nghĩa du lịch của tài nguyên di tích lịch sử - văn hoá. Liên hệ với Việt nam.

2. Anh (chị) nêu đặc điểm và ý nghĩa du lịch của tài nguyên lễ hội. Liên hệ với Việt nam.

3. Anh (chị) nêu đặc điểm và ý nghĩa du lịch của tài nguyên nghề và làng nghề thủ công truyền thống.

4. Anh (chị) nêu đặc điểm và ý nghĩa du lịch của phong tục tập quán. Liên hệ với Việt nam.

5. Thảo luận: Tìm hiểu giá trị và tình hình khai thác tài nguyên du lịch nhân văn tại một điểm/khu du lịch cụ thể.


PHẦN HAI: ĐỊA LÝ DU LỊCH VIỆT NAM


CHƯƠNG 4

TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH DU LỊCH VIỆT NAM



Mục tiêu:

Sau khi học xong chương này, người học có khả năng:

- Trình bày được khái quát tình hình phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

- Trình bày được nội dung Chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới

- Phân tích được kiến thức và số liệu cơ bản biểu thị tình hình phát triển của ngành du lịch.

- Đánh giá được khả năng phát triển du lịch Việt Nam.


Nội dung:

Chương này đề cập đến những vấn đề sau:

- Tình hình và đặc điểm phát triển của ngành du lịch Việt Nam hiện nay.

- Mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Một số nét cơ bản về Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

- Tình hình và đặc điểm khách du lịch quốc tế và nội địa.

- Tình hình và đặc điểm của cơ sở lưu trú du lịch.


4.1 Đặc điểm phát triển của ngành du lịch

4.1.1 Khái quát quá trình phát triển

Du lịch Việt Nam được hình thành và phát triển từ thập kỉ 60, thế kỉ XX, với việc thành lập Công ty Du lịch Việt Nam năm 1960. Quá trình phát triển du lịch không đều, có thể chia làm 2 giai đoạn:

* Giai đoạn trước năm 1990: Ngành Du lịch phát triển còn nhỏ bé, thiếu thốn và lạc hậu, chủ yếu là phục vụ chuyên gia nước ngoài.

Xem tất cả 161 trang.

Ngày đăng: 22/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí