Địa lý du lịch Phần 1 - CĐ Du lịch Hà Nội - 2

GIÁO TRÌNH MÔN HỌC

Tên môn học: ĐỊA LÝ DU LỊCH Vị trí, tính chất của môn học:

- Vị trí: Là môn học bắt buộc thuộc nhóm kiến thức cơ sở ngành trong chương trình đào tạo hệ cao đẳng, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội.

- Tính chất: Là môn học lý thuyết kết hợp với thực hành, thảo luận, bài tập, đánh giá kết quả bằng hình thức thi hết môn.

Mục tiêu của môn học:

- Về kiến thức: Người học trình bày được các kiến thức cơ bản về các khái niệm và kiến thức cơ bản về tài nguyên du lịch; Phân loại và đánh giá tài nguyên du lịch, phân bố các loại tài nguyên du lịch chủ yếu ở nước ta và thế giới; Hiểu và đánh giá hiện trạng, xu hướng phát triển của ngành du lịch Việt Nam trên các lĩnh vực: chiến lược, qui hoạch phát triển, khách và thị trường khách...Phân tích được đặc điểm chung, tài nguyên và sản phẩm du lịch của các vùng du lịch Việt Nam; Biết được khái quát tình hình phát triển du lịch thế giới và địa lí du lịch một số nước trong thời kỳ hiện đại.

- Về kỹ năng: Người học được rèn luyện phương pháp học, tự học và nghiên cứu; Thành thạo phương pháp sử dụng bản đồ du lịch, vẽ và phân tích các loại biểu đồ trong nội dung môn học; Rèn kỹ năng liên hệ thực tiễn.

- Về năng lực tự chủ và trách nhiệm: Người học áp dụng các kiến thức đã học vào thực tế; Có nhận thức đúng đắn về vấn đề khai thác tài nguyên và phát triển du lịch.

BÀI MỞ ĐẦU

ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA ĐỊA LÝ DU LỊCH

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.

0.1. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA ĐỊA LÝ DU LỊCH

Địa lý du lịch là một ngành khoa học tương đối non trẻ. Vào đầu thế kỷ XX xuất hiện một số công trình nghiên cứu về địa lý nghỉ ngơi. Trong các công trình mô tả địa lý các nước, các vùng có chứa đựng một lượng thông tin đáng kể về du lịch. Quá trình hình thành Địa lý du lịch như một ngành khoa học bắt đầu vào nửa sau của thập kỷ 30, thế kỷ XX.

Địa lý du lịch Phần 1 - CĐ Du lịch Hà Nội - 2

Từ khi ra đời đến nay, đối tượng nghiên cứu của Địa lý du lịch có nhiều thay đổi với những quan niệm khác nhau và ngày càng rõ nét và cụ thể.

Từ những quan niệm không đầy đủ, cho rằng đối tượng của Địa lý du lịch là chỉ nghiên cứu mối quan hệ giữa tài nguyên thiên nhiên của môi trường địa lý với những kiểu nhất định của cảnh quan tự nhiên với tình hình và khả năng sử dụng tài nguyên ấy trong hiện tại và tương lai (M. Milesca, 1963); hoặc Địa lý du lịch nghiên cứu những tiền đề tổng hợp cho việc hình thành các luồng du lịch và những khác biệt của chúng theo lãnh thổ (C. Petrescu, 1973); dần dần đối tượng nghiên cứu của Địa lý du lịch đã hoàn thiện hơn. Địa lý du lịch tập trung chủ yếu vào nghiên cứu tài nguyên du lịch và các hoạt động kinh tế gắn với du lịch (Buchơvarôp, 1975,1979).

Trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật, các quan điểm thấm sâu vào nhiều ngành khoa học và dĩ nhiên cả địa lý học. Có thể hiểu đối tượng nghiên cứu của Địa lý du lịch như sau:

Địa lý du lịch nghiên cứu hệ thống lãnh thổ du lịch, phát hiện qui luật hình thành và phát triển của nó thuộc mọi kiểu, mọi cấp; dự báo và nêu lên các biện pháp để hệ thống đó hoạt động một cách tối ưu.

Hệ thống lãnh thổ du lịch - đối tượng nghiên cứu của Địa lý du lịch, là một hệ thống gồm nhiều thành phần có mối quan hệ qua lại với nhau rất chặt chẽ. Theo I.I. Pirôgiơnic (1985), hệ thống lãnh thổ du lịch là hệ thống địa lý xã hội gồm 5 thành phần: khách du lịch; tài nguyên du lịch; cơ sở hạ tầng và cơ sở kỹ thuật phục vụ du lịch; cán bộ, nhân viên phục vụ; và cơ quan điều khiển.

- Phân hệ khách du lịch: là phân hệ trung tâm, quyết định những yêu cầu đối với các thành phần khác của hệ thống phụ thuộc vào đặc điểm (xã hội, nhân khẩu, dân tộc…) của khách du lịch. Phân hệ này được đặc trưng bởi cấu trúc, lượng nhu cầu, tính mùa, tính lựa chọn và tính đa dạng của các luồng khách du lịch.

- Phân hệ tổng thể tự nhiên, lịch sử - văn hóa tham gia hệ thống này với tư cách là tài nguyên và điều kiện để thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi, du lịch. Phân hệ này được đặc trưng bởi độ tin cậy, sức chứa, tính ổn định và tính hấp dẫn.

- Phân hệ cơ sở vật chất kĩ thuật đảm bảo cuộc sống bình thường của khách du lịch (ăn, ở, đi lại…) những nhu cầu giải trí đặc biệt (chữa bệnh, nghiên cứu khoa học…). Toàn bộ cơ sở vật chất kĩ thuật là một trong những tiền đề cho sự hoạt động của toàn hệ thống.

- Phân hệ cán bộ phục vụ haòn thành chức năng phục vụ khách và đảm bảo cho toàn hệ thống hoạt động một cách bình thường. Đặc trưng của phân hệ này là số lượng, trình độ chuyên môn - nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ nhân viên và mức độ đảm bảo lực lượng lao động.

- Phân hệ điều khiển có nhiệm vụ giữ cho toàn hệ thống và từng phân hệ hoạt động tối ưu.

0.2. NHIỆM VỤ CỦA ĐỊA LÝ VÀ TÀI NGUYÊN DU LỊCH

1. Nghiên cứu tổng hợp mọi loại tài nguyên du lịch, sự kết hợp của chúng theo lãnh thổ và xác định phương hướng cơ bản của việc khai thác các loại tài nguyên ấy.

2. Nghiên cứu nhu cầu du lịch phụ thuộc vào đặc điểm xã hội của dân cư và đưa ra các chỉ tiêu phân hoá theo lãnh thổ về cấu trúc cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Căn cứ vào nhu cầu du lịch và nguồn tài nguyên vốn có của lãnh thổ, tính toán để xây dựng cơ cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch thích hợp.

3. Xác định cơ cấu lãnh thổ tối ưu của vùng du lịch, bao gồm:

- Cấu trúc sản xuất - kỹ thuật của hệ thống lãnh thổ du lịch phù hợp với nhu cầu du lịch và tài nguyên.

- Các mối liên hệ giữa hệ thống lãnh thổ du lịch với các hệ thống khác.

- Hệ thống tổ chức điều khiển được xây dựng trên cơ sở phân vùng du lịch, phản ánh những khác biệt theo lãnh thổ về nhu cầu du lịch, tài nguyên và phân công lao động trong hệ thống lãnh thổ du lịch.

0.3. CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Phương pháp tiếp cận và phân tích hệ thống

Hệ thống lãnh thổ du lịch như là một thành tạo toàn vẹn lãnh thổ có sự lựa chọn các chức năng xã hội nhất định. Một trong những chức năng quan trọng là phục hồi sức khoẻ, thể lực và tinh thần của con người. Hệ thống lãnh thổ du lịch

được tạo thành bởi nhiều phân hệ khác nhau: khách du lịch; tài nguyên du lịch; cơ sở hạ tầng và cơ sở kỹ thuật phục vụ du lịch; cán bộ, nhân viên phục vụ; và cơ quan điều khiển.

Như vậy, hệ thống lãnh thổ du lịch có đặc điểm tổng hợp với tính đa dạng và phức tạp của các mối quan hệ, của các chức năng xã hội, điều kiện và yếu tố phát triển, của các hình thức tổ chức theo lãnh thổ. Việc sử dụng phương pháp tiếp cận hệ thống cho phép tìm kiếm và nêu lên các mô hình của đối tượng nghiên cứu, thu thập và phân tích thông tin ban đầu, đưa ra các chỉ tiêu thích hợp, xác định cấu trúc tối ưu của hệ thống lãnh thổ du lịch. Phân tích hệ thống còn nhằm mục đích nghiên cứu cơ chế hoạt động bên trong của hệ thống lãnh thổ du lịch trong quá trình tác động qua lại giữa các thành phần, cũng như cả hoạt động bên ngoài và tác động qua lại của nó với môi trường xung quanh.

2. Phương pháp nghiên cứu thực địa

Là một phương pháp của địa lý học, được sử dụng rộng rãi trong địa lý du lịch để tích luỹ tài liệu thực tế về sự hình thành, phát triển và đặc điểm của tổ chức lãnh thổ du lịch. Trong nhiều trường hợp nó là phương pháp duy nhất để thu được lượng thông tin đáng tin cậy và xây dựng ngân hàng tư liệu cho các phương pháp phân tích khác.

3. Phương pháp bản đồ

Phương pháp này cũng là phương pháp truyền thống của địa lý học, gắn liền với nghiên cứu địa lý du lịch. Bản đồ không chỉ phản ánh những đặc điểm không gian về nguồn tài nguyên, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ du lịch mà còn là cơ sở để nhận được những thông tin mới và vạch ra tính qui luật hoạt động của toàn bộ hệ thống. Tính hệ thống của đối tượng mà địa lý du lịch nghiên cứu đòi hỏi phải sử dụng các mô hình bản đồ, phân tích liên hợp các xêri bản đồ.

4. Phương pháp phân tích toán học

Phương pháp này đem lại hiệu quả rõ rệt cho việc nghiên cứu hệ thống lãnh thổ du lịch trong điều kiện hiện nay. Với lượng thông tin rất lớn nhờ máy tính điện tử đã rút ngắn thời gian xử lý tư liệu, nhất là với những tư liệu phức tạp. Phương pháp thống kê mẫu dùng để nghiên cứu khả năng chọn lọc trong du lịch. Phương pháp phân tích tương quan nhằm xác định tổng hợp các nhân tố và ảnh hưởng của chúng đến việc hình thành hệ thống lãnh thổ du lịch.

5. Phương pháp xã hội học

Có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu địa lý du lịch vì tính chất xã hội của đối tượng nghiên cứu. Phổ biến nhất là phương pháp hỏi ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp qua phiếu điều tra, phương pháp quan sát cá nhân, nghiên cứu tài liệu.

6. Phương pháp so sánh

Là tập hợp các phương pháp tính toán nhằm phân tích, lập kế hoạch, dự báo sự phát triển của hệ thống lãnh thổ du lịch có chú ý tới khối lượng, cơ cấu nhu cầu, tài nguyên và sức chứa của cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ du lịch. Phương pháp này cũng có thể dùng để tính toán mức thu nhập của dân cư và chi phí của họ cho hoạt động du lịch, đảm bảo nguồn lao động, xác định qui mô cần thiết của các lãnh thổ du lịch, tối ưu hoá các luồng du lịch giữa các vùng du lịch.


PHẦN MỘT: TÀI NGUYÊN DU LỊCH

CHƯƠNG 1

TÀI NGUYÊN DU LỊCH

Mục tiêu:


Sau khi học xong chương này, người học có khả năng:

- Nêu được các khái niệm cơ bản về Tài nguyên du lịch.

- Nêu được ý nghĩa, vai trò của tài nguyên du lịch.

- Xác định và phân tích được đặc điểm của tài nguyên du lịch.

- Trình bày được các nội dung về quan niệm và nguyên tắc phát triển du lịch bền vững.

- Liên hệ thực tiễn đặc điểm tài nguyên du lịch của Việt Nam


Nội dung:

Chương này đề cập đến những vấn đề sau:

- Khái niệm tài nguyên du lịch.

- Ý nghĩa, vai trò và đặc điểm của tài nguyên du lịch.

- Đặc điểm tài nguyên du lịch

- Phát triển du lịch bền vững.


1.1 Quan niệm về Tài nguyên du lịch

1.1.1 Quan niệm về tài nguyên

Tài nguyên hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các nguồn năng lượng, nguyên liệu, các thông tin có trên trái đất và trong không gian vũ trụ có liên quan mà con người có thể sử dụng để phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển của mình.

Từ sự hình thành, tài nguyên được phân thành hai loại: Tài nguyên thiên nhiên gắn liền với các nhân tố tự nhiên và tài nguyên văn hóa gắn liền với các nhân tố con người và xã hội.

Dựa vào khả năng tái tạo, tài nguyên được phân thành tài nguyên tái tạo được và tài nguyên không tái tạo được:

Tài nguyên tái tạo được là những tài nguyên có thể duy trì hoặc tự bổ sung một cách liên tục nếu được khai thác và quản lý tốt như: năng lượng mặt trời, gió, nước, sinh vật, đất đai...

Tài nguyên không tái tạo được tồn tại một cách hữu hạn, sẽ bị mất đi hoặc hoàn toàn bị biến đổi, không còn giữ được tính ban đầu sau quá trình khai thác và sử dụng. Phần lớn các nhiên liệu, khoáng sản, các thông tin di truyền đã bị biến đổi ... là các tài nguyên không tái tạo được.

1.1.2 Khái niệm tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình lao động sáng tạo của con người và các giá trị nhân văn khác có thể được sử dụng nhằm thoả mãn nhu cầu du lịch, là yếu tố cơ bản để hình thành các khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch, đô thị du lịch. (Luật du lịch, 2005)

Như vậy, tài nguyên du lịch là một dạng đặc sắc của tài nguyên nói chung, bao gồm hai dạng là tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Khái niệm tài nguyên du lịch luôn gắn với khái niệm du lịch, tài nguyên du lịch được xem như tiền đề để phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, tài nguyên du lịch càng phong phú, càng đặc sắc bao nhiêu thì sức hấp dẫn và hiệu quả hoạt động du lịch càng cao bấy nhiêu.

Tài nguyên du lịch bao gồm các đối tượng, hiện tượng vốn có trong môi trường tự nhiên hoặc do con người tạo nên trong quá trình phát triển lịch sử, văn hoá, kinh tế, xã hội. Chúng luôn luôn tồn tại, gắn liền với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội đặc thù của mỗi địa phương, mỗi quốc gia, tạo nên những nét đặc sắc cho mỗi địa phương, mỗi quốc gia đó. Khi các yếu tố này được phát hiện, được khai thác và được sử dụng cho mục đích phát triển du lịch thì chúng trở thành tài nguyên du lịch. Ví dụ như rừng nguyên sinh Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên của nước ta (năm 1966). Cũng từ thời điểm đó, khi tính đa dạng sinh học của vườn quốc gia được khai thác phục vụ cho mục đích du lịch thì khu rừng nguyên sinh này đã trở thành một điểm tài nguyên du lịch đặc sắc, một điểm du lịch có sức hấp dẫn cao đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Năm 1993, động Thiên Cung - một động đá vôi nguyên sơ, kỳ ảo ở vịnh Hạ Long - đã được phát hiện, khai thác, sử dụng và trở thành một điểm du lịch mới hấp dẫn, làm tăng thêm giá trị của tài nguyên du lịch của khu du lịch nổi tiếng này…

Tài nguyên du lịch gồm tài nguyên du lịch đang khai thác và tài nguyên du lịch chưa khai thác.

Mức độ khai thác tiềm năng tài nguyên du lịch phụ thuộc vào:

- Khả năng nghiên cứu phát hiện và đánh giá các tiềm năng tài nguyên vốn có và còn tiềm ẩn.

- Yêu cầu phát triển các sản phẩm du lịch nhằm thoả mãn nhu cầu của khách du lịch. Các nhu cầu này ngày càng lớn và đa dạng, phụ thuộc vào mức sống và trình độ dân trí. Ví dụ: vào những năm 60, du lịch biển ở nước ta chủ yếu là tắm và nghỉ dưỡng thì ngày nay các sản phẩm du lịch biển đã đa dạng hơn, bao gồm cả bơi lội, lướt ván, chèo thuyền, lặn tham quan các hệ sinh thái biển...

- Trình độ phát triển công nghệ khoa học kỹ thuật đã tạo ra các điều kiện, phương tiện để khai thác các tiềm năng tài nguyên. Ví dụ, nhờ có các tàu ngầm chuyên dụng khách du lịch có thể tham quan khám phá những điều kỳ diệu của đại dương một cách dễ dàng...

Như vậy, cũng giống như các dạng tài nguyên khác, tài nguyên du lịch là một phạm trù lịch sử với xu hướng ngày càng được mở rộng. Sự mở rộng này tuỳ thuộc ít nhiều vào yêu cầu phát triển du lịch, vào những tiến bộ khoa học kỹ thuật, vào sự đầu tư, vào các sáng kiến và sở thích của con người.

Bên cạnh những tài nguyên đã và đang được khai thác, nhiều dạng tài nguyên còn đang tồn tại dưới dạng tiềm năng do:

- Chưa được nghiên cứu, điều tra và đánh giá đầy đủ.

- Chưa có nhu cầu khai thác.

- Tính đặc sắc của tài nguyên thấp chưa đủ tiêu chuẩn cần thiết để tiến hành khai thác, hình thành các sản phẩm du lịch.

- Các điều kiện tiếp cận hoặc phương tiện khai thác còn hạn chế, do đó chưa có khả năng hoặc gặp nhiều khó khăn trong khai thác.

- Chưa đủ khả năng đầu tư để khai thác.

Trong thực tế, ở nước ta, nhiều di tích lịch sử, văn hoá, di tích cách mạng mặc dù đã được xếp hạng song chưa được khai thác để phục vụ du lịch. Nhiều khu rừng nguyên sinh với tính đa dạng sinh học cao, nhiều bãi biển đẹp ở miền Trung, nhiều lễ hội hấp dẫn v.v... vẫn còn tồn tại ở dạng tiềm năng du lịch do chưa có đủ điều kiện khai thác để đưa vào sử dụng.

Ngược lại, tài nguyên du lịch cũng có thể bị biến dạng hoặc mất đi không còn có khả năng phục vụ du lịch do nhiều nguyên nhân khác nhau như thiên tai, chiến tranh hoặc do ý thức khai thác, sử dụng của con người. Đặc biệt, sự ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và sự khai thác tài nguyên quá mức đang diễn ra rất phức tạp đã và đang có tác động xấu tới tài nguyên và môi trường nói chung.

Xem tất cả 161 trang.

Ngày đăng: 22/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí