Tài Nguyên Khí Hậu Thích Hợp Phục Hồi Sức Khoẻ Con Người

Trong số các thành phần của tự nhiên, có một số thành phần chính có tác động trực tiếp và thường xuyên đối với các hoạt động du lịch, trong số đó cũng chỉ có một yếu tố nhất định được khai thác như nguồn tài nguyên du lịch. Các thành phần tự nhiên tạo nên nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên thường là địa hình, khí hậu, thuỷ văn, sinh vật.

2.2 Các loại hình tài nguyên du lịch tự nhiên

2.2.1 Địa hình

Địa hình là một phần quan trọng của tự nhiên, là hình dạng cấu tạo của bề mặt trái đất, nơi diễn ra hoạt động chủ yếu của con người. Đối với hoạt động du lịch, các dạng địa hình tạo nền cho phong cảnh. Một số kiểu địa hình đặc biệt và các di tích tự nhiên có ý nghĩa lớn đối với hoạt động du lịch.

Sở thích chung của khách du lịch là thích đến những nơi có phong cảnh thiên nhiên đẹp, có những kiểu địa hình khác lạ so với nơi họ đang sống. Trong các loại địa hình núi, cao nguyên và đồng bằng thì địa hình miền núi lại có ưu thế hơn cả về tính hấp dẫn và thích hợp với hoạt động du lịch. Vì miền núi có địa hình cao và có sự kết hợp của nhiều dạng địa hình, nên vừa thể hiện được vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên, vừa có khí hậu mát mẻ, không khí trong lành. Miền núi còn có nhiều đối tượng cho hoạt động du lịch như cảnh đẹp của những dòng sông, con suối, những hồ nước, thác nước hoặc những rừng cây, trong đó có một thế giới sinh vật vô cùng phong phú. Miền núi còn là địa bàn cư trú của các dân tộc ít người với đời sống văn hoá rất đa dạng đặc sắc.

Tuy nhiên, không phải tất cả mà chỉ một số nơi có phong cảnh thiên nhiên đẹp hoặc các kiểu địa hình đặc biệt là có ý nghĩa du lịch hơn cả. Hay nói cách khác, có 3 loại địa hình đặc biệt có ý nghĩa du dịch bao gồm:


2.2.1.1 Vùng núi có phong cảnh đẹp

Người xưa có quan niệm về vẻ đẹp thiên nhiên là những nơi có “sơn thuỷ hữu tình”. Đó là phong cảnh của những vùng núi có sự kết hợp phong phú hài hoà với các yếu tố thiên nhiên khác như nước, sinh vật, thời tiết,.. Các quốc gia có nhiều núi hoặc nằm trên vùng núi có phong cảnh đẹp đã sớm khai thác và phát triển loại hình du lịch nghỉ núi. Nhiều nước châu Âu có thuận lợi trong việc phát triển du lịch, vì ở đây có những dãy núi có phong cảnh đẹp nổi tiếng như Alps, Karpat. Trung Quốc với những dãy núi cao lớn đồ sộ nhất thế giới, trong đó có núi Thái Sơn, Hành Sơn, Tung Sơn, Hằng Sơn và Hoa Sơn đẹp nổi tiếng được liệt danh là “ngũ nhạc sơn”, là di sản thiên nhiên thế giới. Du lịch núi cũng

được phát triển ở miền Tây Bắc, trên các đảo ở vùng biển nam Thái Lan hoặc trên đảo Bali của Indonesia. Những ngọn núi lửa đã tắt hoặc đang hoạt động cũng là đối tượng thu hút khách du lịch của đất nước Italia, Nhật Bản, Philipin, Ha oai - Mỹ. Đất nước Australia lại có nhiều đảo và quần đảo san hô rất kỳ lạ.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 161 trang tài liệu này.

Kiểu địa hình núi nước ta bao gồm các miền núi thấp có độ cao trung bình dưới 1000m, miền núi trung bình có độ cao trung bình từ 1000m đến 2000m và miền núi cao có độ cao trên 2000m. Các khu vực núi cao phần lớn nằm sâu trong đất liền và ở biên giới phía bắc từ Hà Giang đến Điện Biên và biên giới phía tây thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh gây nhiều trở ngại cho việc khai thác. Tiêu biểu là dãy Hoàng Liên Sơn, là dãy núi đồ sộ và hùng vĩ nhất nước ta chạy dài 180km, từ biên giới thuộc tỉnh Lai Châu và Lào Cai tới Yên Bái. Ở đây có đỉnh Fansipan cao nhất nước ta (3143m) và một số đỉnh khác cao trên dưới 3000m, có hàng chục đỉnh cao trên 2000m. Khu vực phía nam của dãy Trường Sơn cũng có một số đỉnh cao trên 2000m. Các khu vực núi cao ở nước ta chiếm diện tích nhỏ chỉ khoảng 1% diện tích cả nước. Kiểu địa hình núi trung bình ở nước ta chiếm diện tích không lớn lắm, khoảng 14% diện tích cả nước, nhưng phân bố khá rộng khắp từ biên giới phía bắc cho đến phía nam của dãy Trường Sơn. Kiểu địa hình núi trung bình có dạng đỉnh núi, khối núi và dãy núi đơn độc tách biệt với các vùng núi cao lại rất thuận lợi cho việc khai thác phục vụ du lịch như Phia Ya (1980m), Phia Uắc (1930m) ở Cao Bằng, Mẫu Sơn (1541m) ở Lạng Sơn, Nam Châu Lãnh (1506m) ở Quảng Ninh, Tam Đảo (1591m) ở Vĩnh Phúc, Tản Viên (1287m) ở Hà Tây, Động Ngài (1774m), Bạch Mã (1444m) ở Thừa Thiên Huế, Bảo Lộc (1545m) ở Lâm Đồng hoặc liền với các vùng núi cao Tây Bắc, Bắc và Nam của dãy Trường Sơn. Ở những nơi có địa hình hiểm trở giao thông đi lại khó khăn, nhưng còn giữ lại được lớp phủ rừng tự nhiên phong phú.

Núi và cao nguyên nước ta chiếm bộ phận lớn lãnh thổ và cũng là tiềm năng lớn về du lịch nghỉ núi. Một số nơi đã được khai thác phục vụ mục đích du lịch, như ở cao nguyên Lâm Viên với thành phố Đà Lạt, hay Sa Pa, Bắc Hà, Tam Đảo, Ba Vì, các vùng hồ tự nhiên và nhân tạo như hồ Ba Bể, hồ Hoà Bình, hồ Thác Bà, hồ Đồng Mô,... Đặc biệt, Đà Lạt, Sa Pa và Bà Nà cùng nằm ở độ cao trên 1500m mang nhiều sắc thái của thiên nhiên vùng ôn đới đã được xây dựng thành khu du lịch, tham quan, nghỉ mát cách đây khoảng 100 năm. Cao nguyên Bắc Hà, núi Ba Vì, núi Mẫu Sơn, núi Bạch Mã cũng là những điểm du lịch núi nổi tiếng.

Địa lý du lịch Phần 1 - CĐ Du lịch Hà Nội - 4


2.2.1.2 Địa hình karst và hang động

Địa hình karst là một kiểu địa hình rất đặc biệt và có ý nghĩa du lịch lớn, là hiện tượng phong hoá đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy ăn mòn và kết tủa. Sản phẩm tự nhiên của quá trình phong hoá karst là các sông suối ngầm, hang động với các nhũ đá. Karst là tên một khu vực trên cao nguyên đá vôi ở Slovenia bên bờ biển Adriatic. Các kiểu karst có thể được tạo thành từ sự ăn mòn của nước trên mặt hay nước ngầm. Karst trên mặt tạo nên một vùng núi có cảnh quan đẹp kỳ lạ với những ngọn núi có hình dạng độc đáo, gồ ghề sắc nhọn, muôn hình muôn vẻ như, hòn Gà Chọi, hòn Ấm Chén, hòn Con Cóc, hòn Vọng Phu, hòn Phụ Tử. Karst ngầm tạo thành các hang động và được quan tâm nhất đối với du lịch. Đây là những cảnh quan thiên nhiên đặc sắc rất có sức hấp dẫn đối với khách du lịch, được coi là một nguồn tài nguyên du lịch có giá trị, làm hình thành nên loại hình du lịch hang động mà tiêu biểu nhất là ở Trung Quốc, Mỹ và Pháp. Hiện nay trên thế giới có hàng trăm hang động đã được sử dụng vào hoạt động du lịch, thu hút hàng chục triệu khách du lịch đến tham quan hàng năm. Người ta đã lựa chọn được 25 hang động dài nhất và 25 hang động sâu nhất thế giới. Trong đó, hang Mammauth Cave (Mỹ) được coi là dài nhất với 530km, hang Optimisticeskaya (Ucraina) dài 153km, hang Hollock dài 133km (Thuỵ Sĩ), hang Rescau Jacan Bernard (Pháp) sâu tới 1535m, Hang Sistema de Trave (Tây Ban Nha) sâu 1380m.

Địa hình karst hình thành nhiều nhất từ trầm tích của những động vật có vỏ đá vôi (cua, sò, ốc, san hô…) sống nhiều ở vùng biển ấm, trải qua các quá trình kiến tạo được nâng lên thành núi. Do vậy mà sự phân bố của dạng địa hình này trên các lục địa cũng có đặc điểm là tập trung nhiều ở đới khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt.

Địa hình karst có ở nhiều nước trên thế giới, tiêu biểu là ở Slovenia, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Việt Nam... Nhiều nơi có cảnh trí thiên nhiên tuyệt đẹp như vùng Thạch Lâm (Trung Quốc), Hạ Long (Việt Nam).

Đặc điểm địa hình và khí hậu nước ta tạo điều kiên thuận lợi cho địa hình karst và hang động phát triển và chủ yếu trên đá vôi. Vùng núi đá vôi này có diện tích khá lớn, từ 50.000 đến 60.000km2, chiếm gần 15% diện tích cả nước tập trung chủ yếu ở miền Bắc từ Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh ở biên giới Việt - Trung, các cao nguyên đá vôi ở Tây Bắc, vùng núi đá vôi Hoà Bình - Ninh Bình - Thanh Hoá đến vùng núi đá vôi Quảng Bình. Ở miền Nam, núi đã vôi chỉ có ở khu vực xung quanh thị xã Hà Tiên và một số đảo ở vịnh Thái Lan (Kiên Giang). Đặc biệt, giá trị cảnh đẹp và địa chất, địa mạo của Hạ Long đã được ghi nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Các công trình điều tra nghiên cứu hang động ở Việt Nam đã phát hiện được khoảng 200 hang động. Trong đó phần lớn (gần 90%) là các hang ngắn và trung bình (có độ dài dưới 100m) và chỉ có trên 10% số hang có độ dài trên 100m. Các hang dài nhất ở nước ta được phát hiện cho đến hiện nay phần lớn tập trung ở Quảng Bình như hang Vòm tới 27km (chưa kết thúc), động Phong Nha 8km, hang Tối 5,5km; Lạng Sơn có hang Cả, hang Bè cũng dài hơn 3km.

Các hang động nước ta thường nằm ở dưới chân núi và có ở lưng chừng núi. Nhiều hang có cửa rộng tới 110m và trần cao tới 180m như hang Dơi (Lạng Sơn). Đặc biệt, rất nhiều hang động có mạch sông suối ngầm chảy xuyên qua vùng núi đá vôi và thông với hệ thống sông suối bên ngoài.

Nhiều hang động có vẻ đẹp lộng lẫy, tráng lệ và rất kỳ ảo có sức hấp dẫn đặc biệt với khách du lịch. Bên cạnh những vẻ đẹp tự nhiên do tạo hoá sinh ra, các hang động còn chứa đựng nhiều di tích khảo cổ học, những di tích lịch sử - văn hoá rất đặc sắc của dân tộc nên càng có giá trị phát triển du lịch.

Các hang động ở Việt Nam tuy nhiều nhưng số được khai thác cho mục đích du lịch còn rất ít. Tiêu biểu nhất là hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), động Hương Tích (Hà Nội), Tam Cốc - Bích Động (Ninh Bình), động Sơn Mộc Hương (Sơn La), động Tam Thanh, Nhị Thanh (Lạng Sơn), hang Pác Bó (Cao Bằng), các hang động ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh),...

Trong số đó, động Phong Nha nằm trong lòng khối núi đá vôi Kẻ Bàng, được các nhà khoa học của Hội Địa lý Hoàng Gia Anh đánh giá là hang nước đẹp nhất thế giới. Những khám phá gần đây cho thấy nơi đây còn rất nhiều hang động đẹp kỳ bí và độc đáo như hang Sơn Đoòng, động Thiên Đường… Năm 2003 vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Hang Sơn Đoòng thuộc quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, đây luôn được coi là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới từng được phát hiện. Được hình thành cách đây khoảng 2 - 5 triệu năm, khi nước sông chảy ngang vùng đá vôi bị vùi lấp dọc theo một đường đứt gãy. Dòng nước gây xói món và tạo ra một đường hầm khổng lồ như ngày nay. Kích thước của hang Sơn Đoòng rất lớn với chiều dài ít nhất là 5km, bề rộng 91,44m và vòm cao gần 243,84m. Cho đến nay, những phương tiện hiện đại nhất cũng chưa khám phá được hết chiều dài thực sự của hang động này.

2.2.1.3 Bãi biển

Du lịch biển là loại hình du lịch có sức hấp dẫn và thu hút khách du lịch đông đảo nhất. Các bãi biển thường hội tụ được nhiều yếu tố tự nhiên tốt rất phù hợp với sức khoẻ và thích hợp với hoạt động giải trí của con người. Với khoảng

không gian bao la thoáng mát, nước trong xanh, gió lộng, sóng biển ào ạt, bãi cát trải dài, phẳng và sạch, ánh nắng chan hoà, giới sinh vật phong phú, địa hình đa dạng rất thích hợp cho du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao nước (bơi lội, lặn, chèo thuyền, lướt sóng, lướt ván) và thưởng thức các món ăn của biển,...

Chính vì thế mà các bãi biển đã sớm được đưa vào mục đích du lịch và trở thành nguồn tài nguyên du lịch quí giá cho các nước nằm trong các vùng biển ấm áp. Về tính hấp dẫn của các bãi biển du lịch người ta thường nói tới ba yếu tố thiên nhiên quan trọng nhất, đó là mặt trời, biển và cát (3S).

Bãi biển Riviera miền nam nước Pháp bên bờ Địa Trung Hải được coi là khu du lịch biển đầu tiên, được hình thành năm 1861, tiếp theo là sự ra đời của hàng loạt các bãi biển du lịch trên vùng biển này ở đất nước Tây Ban Nha, Italia, Pháp... đã thu hút hàng chục triệu khách du lịch của châu Âu và các châu lục khác. Cùng với Địa Trung Hải, biển Caribê ở Trung Mỹ, biển Đông ở Đông Nam Á, Biển Caspi, Hắc Hải ở châu Âu... hoạt động du lịch đã trở nên hết sức sôi động, tấp nập. Ở đó có nhiều bãi biển du lịch nổi tiếng như Miami (Mỹ), Pattaya (Thái Lan), Bali (Indonesia),... Những hòn đảo hoang sơ và thanh bình ngoài khơi gần đây đã trở thành những điểm du lịch thú vị, nhiều hứa hẹn và du lịch đã được phát triển một cách mạnh mẽ như ở Hawai (Mỹ), Bahamas, Haiti, Mauritius (Môrixơ), Seychelles (Xâysen) trên Ấn Độ Dương…

Nước ta có đường bờ biển dài 3260km với khoảng 125 bãi biển du lịch với bãi cát bằng phẳng, sạch, độ dốc trung bình từ 1-30, trong môi trường khí hậu nhiệt đới, đủ điều kiện thuận lợi để phục vụ du lịch. Ngay điểm đầu và cuối của bờ biển nước ta đều là hai bãi biển đẹp: bãi biển Trà Cổ ở Quảng Ninh có chiều dài gần 17 km với bãi cát rộng, bằng phẳng tới mức lý tưởng và bãi biển Hà Tiên ở Kiên Giang.

Các bãi biển nước ta phân bố trải đều từ Bắc vào Nam. Trong đó, những bãi biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ có các điều kiện thiên nhiên lý tưởng nhất cho du lịch. Nổi tiếng nhất là các bãi biển Trà Cổ, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Cửa Lò, Lăng Cô, Non Nước, Sa Huỳnh, Nha Trang, Dốc Lết, Ninh Chữ, Vũng Tàu, Hà Tiên... Một số địa danh du lịch biển của nước ta đã được thế giới biết đến như Hạ Long, Nha Trang, Đà Nẵng, Ninh Chữ, Vũng Tàu. Những vịnh biển này đã được ghi nhận là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.

Bên cạnh đó, vùng biển nước ta có khoảng 4000 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 2.273 đảo ven bờ, 44 vũng vịnh nhỏ với nhiều bãi biển có phong cảnh đẹp còn nguyên vẹn hoang sơ, môi trường trong lành và các điều kiện tự nhiên rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch biển. Tiêu biểu nhất là các đảo Cô

Tô, Cát Bà, Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Phú Quốc... Biển là nguồn tiềm năng du lịch lớn của nước ta.

2.2.1.4 Các di tích tự nhiên

Trên bề mặt địa hình tồn tại rất nhiều vật thể có hình dáng tự nhiên song lại rất gần gũi với đời thường, được mang tên các sự tích và truyền thuyết, nên có giá trị thẩm mỹ và gợi cảm. Đó là các di tích tự nhiên và cũng là đối tượng được khách du lịch ưa thích, ngưỡng mộ. Các di tích tự nhiên cũng rất phong phú và đa dạng có ở nhiều nước khác nhau như: Con đường của người khổng lồ ở Anh, khối núi đá lạ kỳ Ayes Rock trong vườn quốc gia Uluru ở Ôxtrâylia, Thạch Lâm ở Trung Quốc,... ở Việt Nam có hòn Gà Chọi, hòn Vọng Phu, hòn Phụ Tử, hòn Trống Mái, Gềnh Đá Đĩa... Hầu hết những di tích tự nhiên được hình thành qua các biến động địa lý như hồ Ba Bể là hồ tự nhiên được hình thành do những hố sụt ở vùng núi đá vôi hoặc hồ Lắk, hồ Tơ Nưng là các miệng núi lửa xưa đã tắt, cùng nhiều di tích núi lửa khác hiện còn tồn tại ở Tây Nguyên. Trong các chuyến du lịch tham quan du lịch sinh thái, các di tích tự nhiên làm tăng thêm tính hấp dẫn và hiệu quả của chuyến đi.

2.2.2 Khí hậu

Khí hậu là thành phần của tự nhiên sớm được khai thác như một dạng tài nguyên du lịch quan trọng. Khí hậu luôn tác động mạnh mẽ và để lại đấu ấn lên tất cả các thành phần tự nhiên, và dĩ nhiên nó cũng tác động đến các loại tài nguyên du lịch tự nhiên và ảnh hưởng trực tiếp đến mọi hoạt động du lịch.

Các điều kiện khí hậu được xem như là tài nguyên khí hậu của du lịch cũng rất đa dạng và đã được khai thác cho nhiều mục đích du lịch khác nhau.

2.2.2.1 Tài nguyên khí hậu thích hợp phục hồi sức khoẻ con người

Tài nguyên khí hậu được xác định trước hết là tổng hợp của các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm và một số yếu tố khác như áp suất không khí, ánh sáng tạo cho con người các điều kiện sống thoải mái, dễ chịu nhất.

Thị hiếu con người thường đến với những nơi có khí hậu trong lành, mát mẻ, không quá nóng, không quá lạnh, không quá ẩm, không quá khô. Nhưng thực tế cũng cho thấy, những người sống trong những thời điểm hoặc những nơi mà điều kiện khí hậu không phù hợp thường đi du lịch đến những nơi có điều kiện khí hậu thích hợp hơn. Người ở xứ lạnh phương bắc thường đi nghỉ đông ở những nơi ấm áp phương nam. Người ở xứ nóng trong những ngày hè oi bức thường đi nghỉ mát ở các vùng biển hoặc ở các vùng núi cao có khí hậu mát mẻ.

Ở nước ta, các công trình nghiên cứu cho thấy điều kiện khí hậu dễ chịu nhất đối với con người ở Việt Nam là nhiệt độ trung bình từ 15-230C và độ ẩm tuyệt đối từ 14-21mb. Các điều kiện đó ứng với khu vực Đà Lạt, nơi quanh năm có nhiệt độ không khí trung bình hàng tháng dao động khoảng 16,40C - 19,70C và độ ẩm tuyệt đối từ 13,8mb - 19,5mb. Ở Sa Pa có tới 7 tháng điều kiện khí hậu dễ chịu, từ tháng 4 đến tháng 10, ứng với nhiệt độ trung bình hàng tháng từ 15,60C - 19,80C và độ ẩm tuyệt đối từ 15,7mb - 20,3mb. Điều đó lí giải vì sao hai nơi này đã được lựa chọn và xây dựng để trở thành các khu du lịch nghỉ mát nổi tiếng.

Cũng như vậy, nhiều quốc gia do đặc điểm về vị trí địa lí và địa hình mà đã có được những điều kiện khí hậu rất thuận lợi cho hoạt động du lịch nghỉ mát miền núi. Đó là hầu hết các nước nằm trên miền núi Alps có khí hậu ôn đới và cận nhiệt đới như Thuỵ Sĩ, Áo, Italia, Hungari, Nga, vùng Vân Nam ở Trung Quốc, miền Tây Bắc Thái Lan.

2.2.2.2 Tài nguyên khí hậu phục vụ cho việc chữa bệnh và an dưỡng

Các điều kiện khí hậu có liên quan rất nhiều đến việc chữa bệnh, thậm chí còn được coi như một liệu pháp quan trọng. Một số bệnh được coi như là bệnh khí hậu như huyết áp, tim mạch, thần kinh, hô hấp rất cần thiết được điều trị có sự kết hợp giữa biện pháp y học với các điều kiện thiên nhiên. Những điều kiện thuận lợi về áp suất không khí, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, lượng ôxy và độ trong lành của không khí tỏ ra rất có hiệu quả trong việc chữa bệnh và an dưỡng, có tác dụng nhanh chóng làm lành bệnh và phục hồi sức khoẻ con người. Phần lớn những nhà an dưỡng, nhà nghỉ đều đã được xây dựng ở các điểm du lịch ven hồ nước, ven biển, vùng núi có khí hậu tốt, thích hợp, phong cảnh đẹp có tác dụng phục hồi sức khoẻ và tinh thần rất tốt và nhanh chóng.

2.2.2.3 Tài nguyên khí hậu phục vụ cho việc triển khai một số loại hình du lịch thể thao, vui chơi giải trí

Nhìn chung, các loại hình du lịch thể thao, vui chơi giải trí phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện khí hậu và thời tiết. Vì thế, hình thành các môn thể thao, giải trí mùa hè và mùa đông khác nhau. Trong đó, mùa hè diễn ra nhiều hoạt động hơn, về mùa đông thể thao và giải trí thường gắn với băng tuyết. Chẳng hạn như nhảy dù, tàu lượn, khinh khí cầu, thả diều, thuyền buồm, lướt sóng, trượt tuyết,... rất cần thiết có các điều kiện thời tiết thích hợp như hướng gió, tốc độ gió, quang mây, không có sương mù, nơi có nhiều băng tuyết,...các nước ở vùng khí hậu nhiệt đới hầu như không có Thế vận hội Mùa Đông là một thiệt thòi lớn.

2.2.2.4 Tài nguyên khí hậu phục vụ cho việc triển khai các hoạt động du lịch

Để tạo điều kiện cho các hoạt động du lịch, số ngày có thời tiết tốt, nắng ráo, không có mưa hoặc không có diễn biến thời tiết phức tạp nhiều khi cũng được xem như những nguồn tài nguyên khí hậu và có thể khai thác phục vụ mục đích du lịch. Thông thường, những nơi, những thời kỳ có điều kiện khí hậu thuận lợi đối với sức khoẻ con người là một yếu tố quan trọng để thu hút khách. Do đó, tài nguyên khí hậu đã tạo nên tính mùa vụ trong du lịch, rất cần thiết phải đa dạng hoá các loại hình du lịch và tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, thích hợp.

Ở nước ta, ngay từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, người Pháp đã thực hiện việc khảo sát và xây dựng một số khu nghỉ dưỡng dựa vào giá trị của khí hậu. Trong đó nhiều khu đã được phục hồi và xây dựng mới nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Những khu nghỉ dưỡng này nằm tại các vùng núi cao suốt từ bắc tới nam nước ta, tiêu biểu như Sa Pa, Tam Đảo ở miền Bắc, Bạch Mã, Bà Nà và Đà Lạt ở miền Nam và trải dọc bờ biển là những bãi biển như Bãi Cháy, Đồ Sơn, Sầm Sơn, Nha Trang, Vũng Tàu.

Với tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm, khí hậu nước ta vừa giàu nhiệt lại vừa giàu ẩm, căn bản, đây là điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển và hoạt động quanh năm. Tuy nhiên, sự phân hoá khá phức tạp của khí hậu theo chiều Bắc - Nam, theo chiều cao, cũng như ảnh hưởng của yếu tố địa hình đã tạo nên những vùng, những kiểu khí hậu khác nhau. Có nơi, có mùa khí hậu thích hợp với sức khoẻ con người. Nói chung khí hậu ở những vùng núi cao và trung bình, cùng với các bãi biển là có khả năng khai thác phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh tốt nhất.

Ngày nay, nhu cầu du lịch ngày càng phát triển hơn. Trên cả nước cũng như ở các địa phương đã và đang quan tâm nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên này để phục vụ phát triển du lịch. Tuy nhiên, do tính chất, diễn biến và phân bố của khí hậu nước ta khá phức tạp, cần được nghiên cứu và khảo sát kỹ trước khi lựa chọn để xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh.

2.2.3 Nước

Nước là một thành phần tự nhiên quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với đời sống, sinh hoạt và sản xuất. Trên bề mặt trái đất nước tồn tại với khối lượng lớn. Có nhiều cách phân loại nước như, nước mặn - nước ngọt, nước trên mặt - nước ngầm.

Đối với hoạt động du lịch, nước cũng được xem như một dạng tài nguyên quan trọng. Nhiều loại hình du lịch gắn bó với đối tượng là nước. Các đối tượng nước chính sau đây đã được khai thác như là tài nguyên du lịch.

2.2.3.1 Bề mặt nước và các bãi nông ven bờ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/05/2023