Đầu tư giá trị - Dùng dữ liệu tài chính lịch sử phân loại nhóm công ty - Kết quả thực nghiệm tại Việt Nam - 2


CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU


1.1 LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI


Khái niệm đầu tư giá trị được đề cập và phát triển lần đầu tiên bởi Benjamin Graham và David Dodd vào các bài giảng tại trường Colombia Business school năm 1928 và viết thành sách “Security Analysis” vào năm 1934. Theo đó có rất nhiều dạng khác nhau của phương pháp này kể từ khi nó được công bố, nhưng chung nhất vẫn bám theo nguyên lí mua những cổ phiếu dưới giá. Benjamin Graham hướng tới hai khái niệm “thị giá” – giá bỏ ra để mua chứng khoán và “giá trị” – giá nhận được trong tương lai. Theo đó, bài nghiên cứu này tập trung hoàn toàn vào chỉ số giá trị sổ sách trên giá trị thị trường BM cùng những số liệu lịch sử để phân loại lựa chọn danh mục đầu tư. Tham khảo bài nghiên cứu gốc “Value investing: the use of Historical Financial Statement Information to Separate Winner from Losers” của tác giả Joseph D. Piotroski, bài nghiên cứu này sử dụng những phương pháp phân tích dữ liệu kế toán tài chính đơn giản để tiến hành kiểm định lại phương pháp đầu tư giá trị trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đối với những phương pháp lựa chọn danh mục đầu tư hiện tại, người phân tích thường phải đánh giá điều kiện kinh tế vi mô vĩ mô, những nhân tố có thể ảnh hưởng tới ngành đang có ý định đầu tư như điều kiện pháp lí, chính sách hỗ trợ của chính phủ, mức độ tăng trưởng của nền kinh tế hiện tại. Sau đó, người phân tích mới bắt đầu phân tích đến sức khỏe công ty thông qua các bảng báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán, các thông tin công bố trên phương tiện truyền thông… Quá trình phân tích này thường tốn nhiều thời gian, phân tích chi tiết vào các chỉ tiêu tài chính và số liệu kế toán, cũng như kế hoạch tăng trưởng trong tương lai của công ty. Bài nghiên cứu này sử dụng phương pháp đầu tư giá trị đơn giản để chọn lọc danh mục đầu tư.


Theo đó, các công ty được lựa chọn là các công ty có chỉ số giá trị sổ sách trên giá trị thị trường cao mà không cần quan tâm đến những chỉ tiêu hay phân tích cơ bản khác. Thành công của phương pháp đầu tư này đó là dựa vào những thành quả tài chính của hàng loạt các công ty, trong khi đó bỏ đi những công ty đang xấu đi do có kết quả kinh doanh yếu. Các bài nghiên cứu đáng kể về phương pháp đầu tư này có thể kể tới như Rosenberg, Reid, và Lanstein 1984; Fama and French 1992; Lakonishok, Shleifer, và Vishny 1994.

Bài nghiên cứu này lựa chọn danh mục dựa trên nguyên lí đầu tư vào các công ty có chỉ số BM cao hay là các công ty bị định giá thấp. Các công ty bị định giá thấp dựa trên đặc điểm “giá trị của chứng khoán có xu hướng bị bỏ quên”, có nghĩa là người ta thường quên nghiên cứu giá trị thực của chứng khoán khi ra quyết định đầu tư. Các công ty thuộc nhóm “bị bỏ quên” này thiếu những báo cáo phân tích cũng như thiếu sự quan tâm của các nhà đầu tư để tìm ra giá trị thật của công ty, trong khi giá trị chứng khoán có thể đang thấp hơn giá trị thật. Do đó, những phân tích, dự báo và lời khuyên đầu tư cho nhóm công ty này thường ít được để tâm tin cậy. Thứ hai, theo đó, thông tin về những công ty này thường rất hạn chế trên những kênh truyền thông phổ biến, hoặc là những thông tin do họ chủ động công bố lại được đánh giá thiếu độ tin cậy do những thành quả tài chính yếu trước đó. Vì vậy, những báo cáo tài chính hiện tại đều đáng tin cậy và chứa đựng nguồn thông tin cần thiết mà nhà đầu tư cần nghiên cứu kĩ trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Thứ ba là, nhóm các công ty có chỉ số BM cao mà thuộc dạng nằm trong nhóm công ty gặp vấn đề kiệt giá tài chính, thì để định giá các công ty này nên tập trung vào các dữ liệu kế toán như là đòn bẩy tài chính, tính thanh khoản, khả năng tăng trưởng lợi nhuận, dòng tiền. Những dữ liệu cơ bản này hầu như đều có sẵn trên những lịch sử báo cáo tài chính.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 93 trang tài liệu này.


Dựa trên các kết luận rút ra từ các nghiên cứu trước đây về phương pháp đầu tư này, bài nghiên cứu tiến hành kiểm định trên thị trường chứng khoán Việt Nam với những số liệu lịch sử có sẵn của hơn 635 công ty trên cả hai sàn chứng khoán HOSE và HNX.

Đầu tư giá trị - Dùng dữ liệu tài chính lịch sử phân loại nhóm công ty - Kết quả thực nghiệm tại Việt Nam - 2


1.2 MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU VÀ CÁC VẤN ĐỀ ĐẶT RA


Bài nghiên cứu này với mục tiêu chỉ ra rằng nhà đầu tư có thể lập ra một danh mục đầu tư hiệu quả có thể làm gia tăng tỷ suất sinh lợi bằng cách sử dụng phương pháp đầu tư giá trị kết hợp tính điểm công ty. Kết quả kiểm định trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Câu hỏi nghiên cứu được đặt ra ở đây đó là:

(1) Phương pháp lựa chọn danh mục bằng cách tính điểm cho công ty có phân loại được nhóm công ty mang lại tỷ suất sinh lợi vượt trội hay không?

(2) Kiểm định và so sánh tỷ suất sinh lợi của danh mục BM cao theo phân nhóm điểm F_SCORE cao và thấp cho kết quả như thế nào?


1.3 Ý NGHĨA CỦA NGHIÊN CỨU


Tiến hành thực hiện theo phương pháp này, kết quả nghiên cứu cho thấy rằng có hơn 54% các công ty nằm trong danh mục công ty có chỉ số BM cao có tỷ suất sinh lợi hiệu chỉnh theo thị trường dương nếu đầu tư trong vòng 2 năm. Để đa dạng hóa lợi nhuận ngoài cách thức lựa chọn danh mục đầu tư như trên, nhà đầu tư còn có thể tìm kiếm tỷ suất sinh lợi khác bằng cách tìm những dấu hiệu đặc biệt giữa 2 nhóm công ty mạnh và yếu. Bài nghiên cứu này cũng chứng minh liệu dựa trên những dữ liệu đơn giản, những kinh nghiệm phân tích báo cáo tài chính, khi áp dụng lên những công ty đã được lọc ra nêu trên, có thể phân biệt được công ty có triển vọng mạnh và yếu hay không.


Bài nghiên cứu này nhằm mục tiêu chỉ ra rằng nhà đầu tư có thể lập ra một danh mục đầu tư rất hiệu quả bằng cách sử dụng những dữ liệu tài chính trong quá khứ. Nếu như danh mục này hiệu quả, đồng nghĩa với nhà đầu tư theo phương pháp đầu tư giá trị thành công, trong đó, sự khác biệt giữa “thành công” và “thất bại” là phân phối lợi nhuận sẽ lệch sang bên phải (nếu danh mục đạt xác suất hiệu quả cao) hoặc phân phối lệch sang trái ( nếu danh mục đạt xác suất hiệu quả thấp). Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng có thể xây dựng được một danh mục có tỷ suất sinh lợi dương với mục tiêu như vậy.

Tóm lại, kết quả bài nghiên cứu này cho thấy rằng, nếu áp dụng đầu tư theo phương pháp này, nhà đầu tư có thể gia tăng được tỷ suất sinh lợi thêm 13.88% thông qua việc lựa chọn các công ty mạnh từ danh mục BM cao . phương pháp đầu tư này cho thấy nhóm các công ty có chỉ số BM cao cho tỷ suất sinh lợi chênh lệch 45% so với nhóm công ty có chỉ số BM thấp có độ tin cậy gần như tuyệt đối, và thu về mức tỷ suất sinh lợi 1 năm so với thị trường là 20.21% trong khoảng thời gian từ năm 2009-2012. Tỷ suất sinh lợi của phương pháp đầu tư này cho thấy cách lựa chọn danh mục có hiệu quả theo thời gian trước khi có những chiến lược thay thế nào khác tốt hơn.

Thứ hai đó là toàn bộ lợi nhuận chuyển dịch về phía bên phải của phân phối chuẩn. Mặc dù tỷ suất sinh lợi trung bình của danh mục là điểm chuẩn để đánh giá hiệu suất của thành quả danh mục, bài nghiên cứu này cung cấp những bằng chứng về phân phối chuyển dịch về phía trái của phân phối lợi nhuận được cải thiện đáng kể sau khi áp dụng các biện pháp đầu tư trên.

Thứ ba, khả năng tiếp cận chỉ ra những khác biệt giữa các công ty không chỉ dựa trên một cách tiếp cận duy nhất thông qua báo cáo tài chính. Các biện pháp kiểm định thêm sẽ hỗ trợ, bổ sung cho phương thức lựa chọn danh mục.


Điều thứ tư, đó là bài nghiên cứu cũng đóng góp một bằng chứng thực nghiệm vào mô hình dự báo hành vi (như là của Hong and Stein 1999, Barbaris, Shleifer, và Vishny 1998, và Daniel, Hirshleifer and Subrahmanyam 1998). Tương tự như những kết quả mà Hong, Lim và Stein 2000 đã trình bày, kết quả của bài nghiên cứu cho thấy phần lợi nhuận dương vượt trội không tồn tại ở những công ty có lượng “thông tin phổ biến” – các công ty lớn trên thị trường. Ngoài ra kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những công ty đang gặp vấn đề về tài chính được lựa chọn nhiều nhất trong danh mục BM cao và việc “chắt lọc” những công ty giá hời này là hoàn toàn có khả năng.


1.4 ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU


Đề tài nghiên cứu sử dụng phương pháp đầu tư giá trị để chọn một danh mục các công ty có khả năng mang lại tỷ suất sinh lợi vượt trội. Đối tượng nghiên cứu là các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE và HNX của Việt Nam. Các dữ liệu lịch sử được lấy trong quãng thời gian từ năm 2008 và 2012.

Bài nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng để tiến hành kiểm định. Bài nghiên cứu này lựa chọn 9 dấu hiệu cơ bản dùng để tính toán 3 phần của các chỉ số tài chính công ty bao gồm: khả năng sinh lợi, đòn bẩy tài chính và hiệu quả hoạt động. Phân loại các chỉ tiêu thành “tốt” hay “xấu” và gán biến là “1” cho chỉ tiêu “tốt” và “0” cho chỉ tiêu “xấu”. “Tốt” là sự thay đổi của các chỉ số tài chính năm này so với năm trước đó có lợi cho sự tăng trưởng của công ty, báo hiệu công ty đang có sự tăng trưởng tốt. “ Xấu” được hiểu là sự thay đổi của các chỉ số tài chính báo hiệu sức khỏe công ty có vấn đề, gia tăng khả năng kiệt quệ tài chính hoặc sẽ ảnh hưởng tới triển vọng phát triển của công ty trong năm tới. Điểm F_SCORE được tính tổng của 9 chỉ tiêu sau khi đã gán biến.


Kiểm định sự khác nhau giữa lợi nhuận của nhóm chỉ số F_SCORE cao và F_SCORE thấp theo mô hình boostrapping, dùng kiểm định T-statistics để kiểm định độ tin cậy của kết quả nghiên cứu.


1.5 KẾT CẤU LUẬN VĂN


Luận văn gồm 5 chương:

- Chương 1: Giới thiệu.

- Chương 2: Tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm.

- Chương 3: Thiết kế nghiên cứu.

- Chương 4: Phân tích kết quả nghiên cứu.

- Chương 5: Kết luận.


CHƯƠNG 2: TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU THỰC NGHIỆM


2.1 KHUNG LÝ THUYẾT VỀ CHIẾN LƯỢC ĐẦU TƯ VÀO CÁC CÔNG TY CÓ CHỈ SỐ BM CAO


2.1.1 Lý thuyết chiến lược đầu tư vào các công ty có chỉ số BM cao:

Lí thuyết đầu tư được phát triển bởi Benjamin Graham đã định nghĩa rõ ràng hoạt động đầu tư là hoạt động dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng, hứa hẹn sự an toàn của vốn và mang về một phần lời thỏa đáng, tất cả những hoạt động không đáp ứng được yêu cầu trên là đầu cơ. Theo Benjamin Graham, đầu tư giá trị là mua những cổ phiếu có giá thấp hơn giá trị nội tại mà chiến lược đầu tư vào chỉ số BM là mô tả ngắn nhất của chiến lược đầu tư này. Chiến lược đầu tư vào các công ty có chỉ số BM cao đó là lựa chọn mua và nắm giữ cổ phiếu của những công ty có giá trị sổ sách trên giá trị thị trường cao. Graham và Dodd khuyên nhà đầu tư nên mua những chứng khoán có giá đang giao dịch trên thị trường chỉ bằng 2/3 của vốn luân chuyển ròng (vốn luân chuyển sau khi trừ đi nợ). Rất nhiều cổ phiếu thỏa điều kiện này trong những năm giảm phát, tuy nhiên điều kiện này xa rời với thực tại. Benjamin Graham cũng khuyên người nắm giữ cổ phiếu nên quan niệm rằng họ đang nắm giữ một phần quyền sở hữu công ty. Vì thế, họ sẽ không phải bận tâm về những biến động khó lường của thị trường, bởi vì trong ngắn hạn, giá trị của cổ phiếu phụ thuộc vào thị hiếu của người tham gia giao dịch. Trong dài hạn, thị trường là bàn cân khi giá trị thực sự của công ty sẽ phản ánh vào giá cổ phiếu. Benjamin Graham cũng phân biệt nhà đầu tư phòng vệ và nhà đầu tư chủ động. Nhà đầu tư phòng vệ sẽ đầu tư thận trọng, tìm kiếm những chứng khoán có giá trị, và nắm giữ chúng khá lâu. Ngược lại, nhà đầu tư chủ động là người luôn tìm kiếm những cơ hội bất thường trên thị trường. Graham khuyến nghị những nhà đầu tư dạng này


cần bỏ thời gian công sức phân tích tình hình tài chính của công ty. Khi giá thị trường thấp hơn, biên an toàn hình thành, đấy là lúc thích hợp để đầu tư. Hay nói cách khác, Graham đặc biệt nhấn mạnh đến “margin of safety” – “biên an toàn” khi đưa ra giá để mua cổ phiếu đó.

Theo như lý thuyết của Graham, đầu tư giá trị không thể hoàn toàn bám vào các con số mà còn phụ thuộc vào phân tích cơ bản và các báo cáo tài chính khác. Có những số liệu trên bảng báo cáo tài chính không phản ánh đúng hoàn toàn giá trị, vì có thể có những số liệu như hàng tồn kho, nợ chưa được ghi nhận. Việc định giá không là môn khoa học cho số liệu một cách chính xác vì nó còn phụ thuộc vào các biến số bất định, thu nhập của đầu tư phụ thuộc vào rất nhiều biến động tương lai, do đó, mặc dù phân tích rất kĩ nhưng trong một vài trường hợp chiến lược đầu tư vẫn không thể cho lợi nhuận như kì vọng.

Những nghiên cứu trước (Rosenberg, Reid, và Lanstein 1984; Fama và French 1992; Lakonishok, Shleifer, và Vishny 1994 ) cũng chỉ ra rằng một danh mục với chỉ số BM cao thì cho thành quả lợi nhuận vượt trội hơn so với các công ty có chỉ số BM thấp. Theo như nghiên cứu của Lakonishok, Shleifer, và Vishny 1994 cho thấy không những nhóm của ông mà nhiều học giả và nhà nghiên cứu khác đã chứng minh rằng, phương pháp đầu tư giá trị, hay có nghĩa là mua các chứng khoán có giá trị thấp, so với thành quả thu nhập, cổ tức, lịch sử giá chứng khoán, giá trị sổ sách… sẽ cho lợi nhuận vượt trội trong tương lai. Có nhiều tranh cãi cho rằng phương pháp đầu tư này đánh đổi rủi ro và lợi nhuận, nhưng bài nghiên cứu đã chỉ ra những bằng chứng cho thấy thành quả có được là do các nhà đầu tư đã nghiên cứu kĩ hơn, khai thác hành vi đầu tư tốt hơn.

Xem tất cả 93 trang.

Ngày đăng: 24/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí