Hiện nay, dù đến Cà Mau công tác hay thăm người nhà, bạn bè,... ít người không tranh thủ đi du lịch và điểm đến của họ luôn là những khu, những điểm du lịch có chất lượng tốt nhất. Về cơ sở lưu trú, đã có khách sạn tới 4 sao, trong đó có khách sạn xây dựng từ vốn đầu tư công; về những nơi có thể tổ chức hội nghị, thi đấu thể thao,... luôn đáp ứng các nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách du lịch; về cơ sở ăn uống thì các nhà hàng và quán xá khá dày đặc.
Muốn đến Cà Mau du lịch, bất cứ ai và ở đâu cũng có thể liên hệ với các công ty lữ hành, các công ty hướng dẫn du lịch. Vì thế, thời gian qua, du lịch Cà Mau đã thu hút được lượng khách du lịch nội địa và quốc tế ngày càng đông và đến hết nửa năm 2016, đã có 532.870 du khách. Chất lượng các dịch vụ du lịch tăng cường đã và đang tác động đến các nhà đầu tư, thu hút họ tham gia đầu tư phát triển các khu du lịch và thực hiện các dịch vụ du lịch có chất lượng tốt hơn nữa.
2.4.3. Thu hút đầu tư tư nhân và nước ngoài
Các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư vào phát triển các khu du lịch tại Cà Mau chủ yếu là nguồn vốn tư nhân, vì nguồn vốn của các doanh nghiệp nhà nước chỉ đầu tư vào hai khu du lịch sinh thái là Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh hạ và nguồn vốn nước ngoài thì sau năm 2015 mới xuất hiện ở khu du lịch Việt - Úc. Mức đầu tư và tỷ trọng so với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước của đầu tư từ nguồn vốn ngoài Nhà nước vào phát triển các khu du lịch tại Cà Mau thể hiện ở bảng 2.12.
Bảng 2.12. Mức và tỷ trọng đầu tư ngoài Nhà nước.
Chủ đầu tư | Năm | Mức đầu tư (triệu đồng) | Tỷ trọng (%) | ||
Ngoài NN | Nhà nước | ||||
LTL | Công ty TNHH Minh Đạt | 2012 | 77.000 | 85,5 | 14,5 |
LTL* | Công ty TNHH Minh Đạt | 2015 | 150.000 | 100 | 0 |
KL | Công ty TNHH Công Lý | 2011 | 165.300 | 95 | 5 |
HĐB | Công ty TNHH Công Lý | 2011 | 112.500 | 90 | 10 |
HĐB* | Công ty TNHH Công Lý | 2015 | 495.000 | 90 | 10 |
ĐM | Công ty TNHH Sao Việt | 2014 | 486.000 | 90 | 10 |
Việt - Úc | Công ty TNHH Việt - Úc | 2015 | 400.000 | 100 | 0 |
Có thể bạn quan tâm!
- Thu Hút Các Nguồn Vốn Đầu Tư Của Khu Vực Tư Nhân Và Nước Ngoài
- Du Lịch Sinh Thái Cộng Đồng Và Các Loại Hình Du Lịch Khác.
- Quản Lý Đầu Tư Công Từ Ngân Sách Nhà Nước Vào Phát Triển Các Khu Du Lịch Ở Cà Mau
- Đầu tư công từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch ở tỉnh Cà Mau - 9
- Đầu tư công từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch ở tỉnh Cà Mau - 10
Xem toàn bộ 82 trang tài liệu này.
Ghi chú: dấu * sau tên khu du lịch biểu thị đầu tư mở rộng khu du lịch.
Như vậy, trừ hai khu du lịch sinh thái Mũi Cà Mau và Vườn quốc gia U Minh hạ không có đầu tư ngoài Nhà nước (hai khu du lịch này là đầu tư từ ngân sách Nhà nước và từ nguồn vốn phát triển các doanh nghiệp Nhà nước), các khu du lịch tại Cà Mau đều có đầu tư ngoài Nhà nước với mức đầu tư ngày càng lớn và tỷ trọng ngày càng cao. Đặc biệt, đến năm 2015 đã có khu du lịch Việt - Úc có 100% đầu tư nước ngoài.
Kết quả thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân và nước ngoài vào phát triển các khu du lịch tại Cà Mau giúp chúng ta khẳng định, đầu tư công từ ngân sách Nhà nước với mức đầu tư lớn và tỷ trọng cao cho xây dựng các khu du lịch đầu tiên ở Cà Mau đã tạo ra hiệu quả kinh tế nên đã thu hút được nguồn vốn khác đầu tư vào lĩnh vực này và khi có các nguồn vốn ngoài Nhà nước thay thế thì nguồn vốn ngân sách Nhà nước giảm để đầu tư vào các lĩnh vực, các ngành kinh tế khác. Điều này cũng góp phần để khẳng định: thông qua thu hút các nguồn vốn ngoài Nhà nước đã làm cho tốc độ thực hiện phát triển các khu du lịch tăng lên, giúp cho ngành du lịch ở Cà Mau có quy mô ngày càng mở rộng và chất lượng phục vụ khách du lịch ngày càng cao. Đây là ảnh hưởng lớn nhất của đầu tư từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch tại tỉnh Cà Mau.
2.5. ĐÁNH GIÁ ĐẦU TƯ CÔNG TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀO PHÁT TRIỂN CÁC KHU DU LỊCH TẠI CÀ MAU
2.5.1. Những thành công cơ bản
Qua tìm hiểu thực trạng đầu tư công từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch tại Cà Mau và các thực trạng liên quan là phát triển các khu du lịch ở Cà Mau; quản lý đầu tư công từ ngân sách nhà nước cho phát triển các khu du lịch tại Cà Mau và ảnh hưởng của đầu tư công từ ngân sách Nhà nước đến phát triển các khu du lịch ở Cà Mau cho thấy đầu tư công từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch tại Cà Mau đã có những thành công cơ bản sau:
2.5.1.1. Xây dựng định hướng và chiến lược đầu tư công.
a) Về định hướng:
Khi ngân sách Nhà nước của tỉnh còn hạn hẹp thì giai đoạn 2005 - 2010 đã tập trung khai thác tiềm năng du lịch sinh thái; triển khai thực hiện phát triển Khu du lịch sinh thái Mũi Cà Mau, Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia U Minh hạ; phát triển du lịch cụm đảo Hòn Khoai; đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cần thiết cho ngành du lịch vận hành và phát triển phù hợp với xu thế chung của khu vực và cả nước; trong đó tập trung vừa
phát triển du lịch vừa bảo vệ và tôn tạo tài nguyên môi trường và những giá trị văn hóa đặc thù của tỉnh;
Khi ngân sách Nhà nước của tỉnh dồi dào hơn lại được tăng cường từ ngân sách trung ương thì giai đoạn 2010 - 2015 tiếp tục khai thác tiềm năng du lịch sinh thái đồng thời bước đầu xây dựng và phát triển một số khu du lịch đa năng nhằm góp phần kéo dài số ngày lưu trú của du khách trong địa phận của tỉnh. Cụ thể, chương trình tổng thể phát triển du lịch Cà Mau giai đoạn này là mở rộng và phát triển khu du lịch Khai Long, xây dựng khu du lịch Đất Mũi kế cận vườn Quốc gia Đất Mũi và phát triển điểm du lịch Hòn Đá Bạc thành khu du lịch đa năng.
Hiện nay, do số lượng du khách tăng nhanh và nhu cầu du lịch của du khách có những thay đổi nên định hướng phát triển du lịch của Cà Mau là xây dựng cơ sở hạ tầng để kết nối các khu và điểm du lịch với nhau thành các tuyến, các tour du lịch và tổ chức nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, du lịch kết hợp thi đấu, giao hữu thể thao,...
b) Về chiến lược:
Giai đoạn 2005 - 2010 và trước đó, do các khu du lịch chưa được phát triển nên tỉnh Cà Mau đã chủ trương sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo một số tài sản của một vài khu, điểm du lịch lúc đó. Mục đích của những đầu tư này không phải là thu hồi vốn và thu lãi mà để phát triển du lich, thu hút đầu tư từ tư nhân vào xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo tài sản cho các khu du lịch đã có và các khu du lịch đang có dự án phát triển.
Giai đoạn 2010 - 2015, trong quá trình phát triển các khu du lịch, đầu tư công từ ngân sách Nhà nước chủ yếu nhằm phát triển cơ sở hạ tầng ngoại vi và các giá trị văn hóa còn xây dựng cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống, mua bán hàng lưu niệm, vui chơi giải trí, mua sắm phương tiện vận tải,... thì dành cho các nguồn vốn tư nhân. Việc không sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo tài sản tại các khu du lịch không chỉ tiết kiệm ngân sách, dành ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng ngoại vi và các giá trị văn hóa cho du lịch cùng phát triển các mặt khác của kinh tế - xã hội mà còn ngăn ngừa được thất thoát vốn Nhà nước và hiện tượng tham nhũng.
Định hướng và chiến lược đầu tư công đúng đắn theo từng giai đoạn trên đây giải thích vì sao đầu tư công từ ngân sách Nhà nước trực tiếp cho phát triển các khu du lịch của
tỉnh Cà Mau dù năm sau có cao hơn năm trước là không đáng kể và nếu tính trượt giá của đồng Việt Nam thì gần như không tăng nhưng các khu du lịch ở Cà Mau nói riêng và ngành du lịch Cà Mau nói chung vẫn phát triển mạnh mẽ.
2.5.1.2. Lựa chọn và quy hoạch đầu tư phát triển các khu du lịch.
Phát triển một khu du lịch và tổng thể các khu du lịch không chỉ dựa vào và phát huy các tiềm năng tự nhiên mà còn phải cân nhắc kỹ lưỡng đến bảo vệ và tôn tạo tài nguyên môi trường và những giá trị văn hóa đặc thù và phải coi tài nguyên môi trường và những giá trị văn hóa như là tài sản vô giá của khu du lịch. Có như vậy mới phát triển du lịch mạnh mẽ và bền vững.
Tỉnh Cà Mau đã vô cùng khó khăn khi lựa chọn và quy hoạch phát triển các khu du lịch. Khu du lịch đặt ở đâu, diện tích khai thác là bao nhiêu để tài nguyên môi trường và những giá trị văn hóa không những được bảo vệ mà còn được tôn tạo bởi hoạt động của khu du lịch đó? Nhờ có đầu tư công từ ngân sách Nhà nước đầy đủ mà công tác khảo sát, lựa chọn, quy hoạch, thẩm định,... các dự án phát triển khu du lịch được thực hiện tốt dẫn đến dự án phát triển khu du lịch nào của tỉnh từ trước đến nay sau khi hoàn công, bên cạnh khai thác du lịch hiệu quả thì luôn đảm bảo được những cơ sở để phát triển bền vững. Chẳng hạn, Khu du lịch sinh thái Mũi Cà Mau được lựa chọn nằm bên cạnh phía đông nam 15.262ha đất liền của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau nhưng ban đầu chỉ quy hoạch 45,5ha. Vì vậy, hoạt động của khu du lịch dù ở thời điểm hút khách du lịch nhất vẫn không ảnh hưởng gì đến cân bằng sinh thái của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và đời sống văn hóa độc đáo của nhân dân vùng này, không những thế, những giá trị đó còn được tôn tạo và nâng cao, tạo cơ sở cho Khu du lịch sinh thái Mũi Cà Mau phát triển bền vững.
2.5.1.3. Điều chỉnh quá trình đầu tư và khắc phục các sai sót.
Từ chiến lược đầu tư đúng đắn, đầu tư từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch tại Cà Mau đã điều chỉnh quá trình đầu tư một cách linh hoạt. Biểu hiện là dự án khu du lịch dự định phát triển bằng thu hút vốn đầu tư ngoài các nguồn vốn Nhà nước mà không kịp tiến độ thì tỉnh vừa sử dụng ngân sách Nhà nước vừa huy động nguồn vốn phát triển của doanh nghiệp nhà nước để thực hiện; điển hình là sự điều chỉnh trong phát triển khu du lịch Lý Thanh Long. Ngược lại, dự án có dự tính nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước nhưng có nguồn vốn từ khu vực tư nhân hay nước ngoài thì rút dừng giải ngân ngân sách Nhà nước và để nguồn vốn khác thay thế.
Trong quá trình đầu tư từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch tại Cà Mau đã có những sai sót và sự cố. Để khắc phục nhanh và tiết kiệm ngân sách, từ những khu đất đã thu hồi được, tỉnh cho đền bù giải tỏa về phía khác, sau đó điều chỉnh quy hoạch dự án khu du lịch này. Vì sự khắc phục nhanh chóng này mà nhà đầu tư tiếp theo có niềm tin, mạnh dạn đầu tư phát triển khu du lịch này.
2.5.2. Những hạn chế, nhược điểm đáng lưu ý
2.5.2.1. Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hạn hẹp.
Hạn chế lớn nhất trong đầu tư từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch tại Cà Mau là nguồn vốn hạn hẹp. Là một tỉnh nghèo, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn và chịu ảnh hưởng rất lớn từ chiến tranh của cả hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ nên nguồn vốn ngân sách Nhà nước của tỉnh đã hạn hẹp lại phải chi cho phát triển nhiều lĩnh vực, nhiều ngành khác nhau nên nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư vào du lịch và phát triển các khu du lịch rất ít ỏi. Tính theo tỷ trọng trong cơ cấu đầu tư cho các lĩnh vực từ ngân sách Nhà nước thì đầu tư cho lĩnh vực thương mại - dịch vụ dao động trong khoảng 12 đến 13,5%, một tỷ trọng khá cao; tính theo tỷ trọng đầu tư cho ngành du lịch trong cơ cấu đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực thương mại - dịch vụ dao động trong khoảng 34 đến 38%, một tỷ trọng ít tỉnh thành ở Việt Nam dám làm! Nhưng thực tế, tổng mức đầu tư cho ngành du lịch Cà Mau không nhiều, năm 2013 là nhiều nhất, cũng chỉ 126,5 tỷ đồng.
2.5.2.2. Đầu tư dàn trải, thiếu tập trung.
Trong khoảng thời gian chưa đến 10 năm - tính đến hết năm 2015, Cà Mau đầu tư phát triển đến 6 khu du lịch. Dàn trải đầu tư từ ngân sách Nhà nước và kéo theo dàn trải trong thu hút các nguồn vốn tư nhân đầu tư vào phát triển cùng lúc nhiều khu du lịch đã làm cho ngành du lịch Cà Mau đến nay chưa có khu du lịch tầm cỡ và chẳng có khu du lịch nào ở Cà Mau nổi tiếng để kéo du khách đến đó lần thứ hai.
Đầu tư dàn trải để phát triển nhiều khu du lịch đồng nghĩa với đầu tư dàn trải để xây dựng cơ sở hạ tầng ngoại vi và cơ sở hạ tầng kết nối các khu du lịch đó. Điều này làm cho cơ sở hạ tầng ngoại vi phục vụ du lịch tản mát, khó kiểm tra chất lượng và an ninh, cơ sở hạ tầng kết nối các khu du lịch tạm bợ, chất lượng thấp và mau hư hỏng. Đi ôtô từ Cà Mau đến Hòn Đá Bạc sẽ chiêm nghiệm được thực tế này.
Chương 3.
CÁC GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ CÔNG VÀO PHÁT TRIỂN CÁC KHU DU LỊCH TẠI CÀ MAU
3.1. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC KHU DU LỊCH TẠI CÀ MAU GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Do số lượng du khách, tăng nhanh ở cuối giai đoạn 2011 - 2015 và nhu cầu du lịch của du khách có những thay đổi... đã làm cho định hướng phát triển các khu du lịch tại Cà Mau có những đổi mới.
3.1.1. Mục tiêu định hướng
- Tập trung phát triển du lịch sinh thái, biển đảo, thực hiện liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế; khuyến khích và hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng.
- Thu hút đầu tư phát triển các khu du lịch hiện có, khai thác có hiệu quả các tuyến du lịch theo quy hoạch; tập trung xây dựng và phát triển Khu du lịch Quốc gia Năm Căn.
- Đến năm 2020, đón và phục vụ 1,7 triệu lượt khách nội địa và 50 ngàn lượt khách quốc tế, phấn đấu thu ngân sách từ hoạt động du lịch cả giai đoạn là 2.500 tỷ đồng.
3.1.2. Nội dung định hướng
3.1.2.1. Định hướng về tổ chức không gian.
Trên cơ sở các khu du lịch đang có và sắp có, tạo thành hai tuyến du lịch lớn.
- Tuyến biển Đông Nam có lộ trình du lịch qua các khu du lịch: Thành phố Cà Mau - Khu du lịch Quốc gia Năm Căn - Khu du lịch Đất Mũi - Khu du lịch sinh thái Mũi Cà Mau - Khu du lịch Khai Long - Khu du lịch Lý Thanh Long.
- Tuyến biển Tây có lộ trình du lịch qua các khu du lịch: Thành phố Cà Mau - Khu du lịch Việt - Úc - Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia U Minh hạ - Khu du lịch Hòn Đá Bạc - Khu du lịch Sông Đốc - Khu du lịch đa năng Đầm Thị Tường.
3.1.2.2. Định hướng đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
- Ngoài du lịch sinh thái và du lịch tham quan, giải trí và nghỉ dưỡng đang có, đầu tư và thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, du lịch kết hợp thi đấu, giao hữu thể thao,...
- Khôi phục nhanh các sản phẩm văn hóa bản địa có nguy cơ bị mai một: đờn ca tài tử, hát cải lương,...; đầu tư phát triển và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm nổi tiếng ở Cà
Mau như cá khô, tôm khô Rạch Gốc, mật ong rừng tràm U Minh hạ, mực khô, cá khô Sông Đốc, các sản phẩm mỹ nghệ,... đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của du khách.
- Cần quan tâm nhu cầu mua sắm của du khách, đây là nguồn thu góp phần vào sự phát triển của địa phương và của ngành du lịch. Tiếp thị các sản phẩm du lịch Cà Mau đến các nước, nhất là các nước thiên nhiên không ưu đãi về điều kiện giải trí, nghỉ dưỡng và đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các hãng lữ hành quốc tế để bán sản phẩm du lịch.
3.1.2.3. Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch
- Xây dựng cơ sở hạ tầng để chuẩn bị cho thực hiện dự án Khu du lịch Quốc gia Năm Căn, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và kết nối các khu du lịch đã và sắp có của tỉnh với nhau thành hai tuyến du lịch lớn, thực hiện các các tour du lịch với nhiều loại hình du lịch khác nhau mà Cà Mau có tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững.
- Thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở lưu trú, cơ sở mua sắm và cơ sở giải khát, ăn uống, giải trí, chữa bệnh,... Quản lý tốt để các công trình xây dựng tuân thủ nguyên tắc bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên và cuộc sống bình thường của người dân bản địa.
- Mở thêm các chuyến bay trực tiếp từ đảo Hòn Khoai vào đất liền, từ Cà Mau tới sân bay các vùng lân cận như Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang),... Đầu tư trang thiết bị để bảo đảm an toàn, vẻ mỹ quan các bến xe, bến tàu và quản lí chặt chẽ sự tuân thủ các quy định để đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách trên các chuyến tàu, vì chủ yếu phải di chuyển trên các con sông lớn, cửa biển,... mức độ nguy hiểm cao.
3.1.2.4. Định hướng nhân lực.
- Đào tạo đồng bộ đội ngũ quản lý ngành du lịch và quản lý trực tiếp các khu du lịch trong tỉnh, phối hợp và học tập với các nhà tổ chức hoạt động du lịch có kinh nghiệm và hiệu quả ở trong và ngoài nước.
- Hướng dẫn viên du lịch cần được tập huấn thường xuyên để cập nhật kiến thức và kỹ năng mới trong du lịch, chú trọng đào tạo người dân bản địa để họ trở thành hướng dẫn viên am hiểu cả kiến thức sinh thái lẫn phong tục, tập quán của địa phương.
3.1.2.5. Định hướng về tổ chức quản lý.
- Mô hình quản lý ngành du lịch mở rộng thành phần có sự tham gia của doanh nghiệp; từ đó khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư và hưởng lợi từ tài nguyên du lịch dưới sự kiểm tra, giám sát của cac cơ quan chức năng.
- Khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia vào khai thác bền vững tài nguyên du lịch nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế và dân trí. Có chính sách chia sẻ lợi ích kinh tế từ du lịch cho cộng đồng địa phương như đóng góp vào các công trình công cộng: trường học, cầu, đường, bệnh viện, điện, nước sạch...
- Có các hình thức chế tài trong quản lí các hoạt động du lịch như cấp giấy phép, thu thuế, phí; kiểm tra và phạt nặng hoặc đóng cửa các đơn vị vi phạm nguyên tắc phát triển bền vững, xâm hại tài nguyên du lịch. Thường xuyên tham khảo cách thức quản lí và phương thức hoạt động của ngành du lịch và các khu du lịch khác ở trong và ngoài nước, vận dụng phù hợp với điều kiện tỉnh Cà Mau.
3.1.3. Kiến nghị
Nội dung định hướng xin kiến nghị bổ sung:
+ Đối với định hướng đa dạng hóa sản phẩm du lịch:
- Để phát triển du lịch biển, cần hình thành các bãi tắm biển xa bờ (vì bờ biển ở Cà Mau không có bãi cát và nước biển nhiều phù sa, không thích hợp làm bãi tắm) và các khu vui chơi trên biển,...
- Nên chú ý khai thác các yếu tố mang những dấu ấn văn hóa bản địa và hoạt động của người dân như: tìm hiểu về bãi bồi và vị trí địa lí Mũi Cà Mau; câu mực ở Hòn Khoai; bắt cua, bắt sò, vọp, ốc len ở bãi bồi Khai Long; tìm hiểu về bác Ba Phi, về lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc...
+ Đối với định hướng nhân lực:
- Cần tiếp tục liên kết với các trường, trung tâm đào tạo nhân lực du lịch và bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho lao động trong ngành du lịch, khu du lịch.
- Liên kết với các hãng lữ hành quốc tế, các khu du lịch lớn trong và ngoài nước để gửi thực tập sinh nhằm tạo ra đội ngũ nhân lực du lịch trình độ cao.
+ Đối với định hướng về tổ chức quản lý:
- Nâng cao kiến thức cho lãnh đạo và các nhà quản lý ở tỉnh Cà Mau về du lịch để góp phần xây dựng chiến lược phát triển hợp lý cho du lịch tỉnh Cà Mau.
- Phải có nhiều biện pháp quảng bá chuyên nghiệp để du khách nhận thấy nét nổi bật của du lịch Cà Mau; giám sát các hoạt động du lịch để tránh lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức.