Đầu tư công từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch ở tỉnh Cà Mau - 9


3.2. CÁC GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ CÔNG TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀO PHÁT TRIỂN CÁC KHU DU LỊCH TẠI CÀ MAU

3.2.1. Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng các khu du lịch

3.2.1.1. Tranh thủ các nguồn lực từ trung ương.

Cà Mau là căn cứ địa của cách mạng trong cả hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Bên cạnh những hy sinh, mất mát của cán bộ và nhân dân thì chiến tranh lâu dài và khốc liệt đã làm cho Cà Mau có điểm xuất phát thấp khi bước vào phát triển của thời bình. Mặt khác, Cà Mau là địa bàn trọng yếu về mặt quốc phòng - an ninh của cả nước và khu vực, Nhà nước cần phải có sự đầu tư để phát triển mọi mặt nhằm đảm bảo cho quốc phòng - an ninh được giữ vững. Vì thế, tỉnh cần tranh thủ các nguồn lực từ trung ương để phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng. Thực tế, những năm qua, các nguồn lực từ trung ương, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đã có những đầu tư khá lớn cho Cà Mau, Trong thời gian tiếp theo, cần tranh thủ thêm những nguồn lực này mà trước mắt, đối với ngành du lịch Cà Mau là tranh thủ nguồn lực từ trung ương vào xây dựng và phát triển Khu du lịch Quốc gia Năm Căn.

3.2.1.2. Thu đúng, thu đủ thuế, phí từ các nguồn lợi của các khu du lịch.

Đầu tư cho phát triển các khu du lịch cần nguồn vốn rát lớn, nhất là đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Bởi cơ sở hạ tầng của mỗi khu du lịch không giới hạn trong phạm vi của khu du lịch đó mà là cả một hệ thống lớn cơ sở hạ tầng ngoại vi. Những năm qua, ngân sách Nhà nước tỉnh Cà Mau đã chi hàng chục ngàn tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng trong phạm vi và hàng trăm ngàn tỷ đồng cho phát triển cơ sở hạ tầng ngoại vi các khu du lịch nhưng thu về cho ngân sách Nhà nước là chưa đáng kể. Nếu như mục đích phát triển du lịch của giao đoạn 2011 – 2015 là qua đầu tư, thu về cho ngân sách Nhà nước là 1.100 tỷ đồng thì “hệ thống xương sống” của ngành du lịch là các khu du lịch chỉ đóng góp hơn 260 tỷ đồng cho cả giai đoạn.

Thực tế là công tác thu ngân sách từ nguồn lợi của các khu du lịch chưa được tính đúng, tính đủ và thu đúng, thu đủ. Khu du lịch là một doanh nghiệp, cần tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo doanh thu; khu du lịch là một đơn vị tiêu thụ, cần tính thuế giá trị gia tăng theo các sản phẩm dịch vụ du lịch; khu du lịch bao gồm những cá nhân có thu nhập, cần tính thuế thu nhập cá nhân theo lợi tức thu được; khu du lịch sử dụng đất đai, cần tính thuế sử dụng đất theo diện tích thực tế; khu du lịch làm ảnh hưởng đến môi trường, cần


tính phí bảo vệ và tôn tạo môi trường, khu du lịch hoạt động làm hư hại, xuống cấp các công trình giao thông, cần tính phí giao thông theo lượng khách đến,... Chỉ có tính đúng, tính đủ và có biện pháp để thu đúng, thu đủ các các nguồn lợi của các khu du lịch thì ngân sách Nhà nước của tỉnh Cà Mau mới thực sự được tăng cường để đầu tư vào cơ sở hạ tầng các khu du lịch trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 82 trang tài liệu này.

3.2.1.3. Quản lý tốt đầu tư và nguồn vốn đầu tư.

Các giải pháp quản lý đầu tư và nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch tại Cà Mau (tức là quản lý như thế nào) sẽ được trình bày ở mục lớn 3.3. Ở đây chỉ trình bày quản lý tốt đầu tư và nguồn vốn đầu tư ảnh hưởng tới tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng các khu du lịch (tức là có ý nghĩa ra sao).

Đầu tư công từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch ở tỉnh Cà Mau - 9

Quản lý tốt đầu tư sẽ làm cho đầu tư đúng quy trình; làm cho các bước của thủ tục đầu tư chặt chẽ, bước sau kế tục bước trước và kiểm tra bước trước một cách liên hoàn. Chẳng hạn:

Sau khi xây dựng và sàng lọc bước đầu các dự án một khu du lịch thì thực hiện thẩm định chính thức dự án phát triển khu du lịch và thẩm định chính thức này kiểm tra các dự án đã xây dựng và sàng lọc. Sau thẩm định thì tiến hành đánh giá độc lập đối với thẩm định dự án phát triển khu du lịch để vừa đánh giá vừa làm cơ sở tin cậy cho lựa chọn và lập ngân sách dự án phát triển khu du lịch này.

3.2.2. Hạn chế đầu tư vào tài sản các khu du lịch

Tài sản của các khu du lịch là nguồn lực trực tiếp tạo ra sản phẩm và giá trị của khu du lịch đó. Ngân sách Nhà nước chỉ đầu tư vào tài sản của các khu du lịch khi dự án các khu du lịch chưa thu hút được các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài nhằm tạo ra các hoạt động du lịch dựa vào các tiềm năng, lợi thế và cơ sở hạ tầng đã đầu tư để thu hút các nguồn đầu tư này. Nhưng khi đã có các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào các khu du lịch thì ngân sách Nhà nước cần hạn chế đầu tư vì các lý do sau:

Thứ nhất, nếu muốn nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài đầu tư vào phát triển khu du lịch thì phải để họ đầu tư vào “nguồn lực trực tiếp tạo ra sản phẩm và giá trị”, tức là phải để họ đầu tư vào cái tạo ra lợi nhuận của đầu tư. Các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài cũng có thể đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng (chẳng hạn, theo phương thức BOT, BTO,...) hay vào phát triển nguồn nhân lực nhưng trước hết, họ coi đó là những tài sản sinh lời và có cơ hội để đầu tư vào cac tài sản khác của khu du lịch.


Thứ hai, nền kinh tế chúng ta dù đã hơn 30 năm chuyển từ chế độ quản lý quan liêu, bao cấp sang hoạch toán theo thị trường nên cơ chế xin cho, mệnh lệnh một chiều vẫn còn chi phối, do đó quản lý các đơn vị sản xuất kinh doanh thường kém hiệu quả. Tính kém hiệu quả này biểu hiện ở nhiều hiện tượng nhưng tập trung nhất là không linh hoạt (phải chờ lệnh), bộ máy cồng kềnh, năng suất lao động thấp. Trong lúc đó, ở các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài không xuất hiện các nhược điểm này nên một mặt, họ thấy đầu tư vào đâu có lợi nhuận mới đầu tư và mặt khác, họ đã đầu tư là có lợi nhuận.

Thứ ba, cơ chế hoạch toán theo thị trường vẫn chưa rõ ràng. Có những vấn đề của cơ chế được thể chế hóa thành pháp luật thì chồng chéo, thiếu thống nhất,... những vấn đề chưa được thể chế hóa thì vận dụng tùy tiện, phụ thuộc vào cách hiểu của nhà quản lý. Trong lúc đó, các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài không bị ràng buộc bởi cơ chế này trong đầu tư và nếu bị ràng buộc thì họ không đầu tư nữa. Tức là chủ động đầu tư luôn thuộc vào nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài.

Cuối cùng, đầu tư từ ngân sách Nhà nước vào tài sản các khu du lịch tức là tạo ra các tài sản công và “cha chung không ai khóc”, các tài sản này dễ dàng thất thoát, mất mát, hư hỏng, xuống cấp. Đó là chưa kể đến hiện tượng móc ngoặc, tham nhũng trong quá trình đầu tư tạo tài sản và quá trình vận hành, bảo trì các tài sản đó.

3.2.3. Tăng cường đầu tư vào nguồn nhân lực các khu du lịch

Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong phát triển ngành du lịch và các khu du lịch; vì vậy nhu cầu hợp tác giữa các tỉnh để phát triển nguồn nhân lực cần đặt ra nhằm đào tạo, bồi dưỡng lao động ngành du lịch lên ngang tầm với nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của du lịch trong thời kỳ mới.

Liên kết với các trường đại học, cao đẳng, trường nghiệp vụ du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ,… để đào tạo bổ sung nguồn nhân lực làm du lịch, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng mới cho lực lượng đang lao động trong ngành du lịch và các khu du lịch. Bên cạnh đó đẩy mạnh tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng sản xuất các mặt hàng truyền thống để tạo sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng và tạo sự gắn bó giữa người dân bản địa với các khu du lịch.

Sắp tới du lịch Cà Mau sẽ phát triển mạnh hơn nữa nhờ sự đầu tư của trung ương của khu vực tư nhân và nước ngoài vào xây dựng và phát triển Khu du lịch Quốc gia Năm Căn. Vì vậy, ngay từ bây giờ Cà Mau phải chuẩn bị đón đầu về nguồn nhân lực bằng cách


tổ chức liên kết đào tạo, liên kết với các hãng lư hành, các công ty du lịch trong và ngoài nước để gửi thực tập sinh,...

Nếu chậm chân thì không những Cà Mau sẽ thiếu nguồn nhân lực cho các khu du lịch chất lượng cao mà người dân Cà Mau phải nhìn những người từ nơi khác đến lao động trên quê hương mình hưởng thu nhập cao còn mình phải lam lũ, cực nhọc ở đó hoặc phải đi đến những vùng đất khác để lao động phổ thông vất vả và thu nhập thấp.

3.2.4. Tăng cường đầu tư xúc tiến, quảng bá cho các khu du lịch

Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch Cà Mau đa số là các doanh nghiệp nhỏ, vì vậy rất cần thiết hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và các tỉnh để đủ lực triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chung cho các tỉnh bằng nhiều hình thức, phương thức khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng nhau phát hành các tập gấp, bản đồ du lịch, đĩa CD, thông tin trên website,… phối hợp tổ chức và tham gia các hội chợ, các lễ hội du lịch trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch sinh thái ở Cà Mau và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Làm cho nhiều người trong nước và quốc tế biết đến các khu du lịch và tổ chức đến đó là con đường duy nhất để các khu du lịch tại Cà Mau phát triển. Muốn vậy, bên cạnh tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người lao động giỏi; tổ chức, quản lý các hoạt động hiệu quả,... thì tăng cường đầu tư xúc tiến, quảng bá cho các khu du lịch bằng các nguồn vốn khác nhau, trong đó có nguồn vốn ngân sách Nhà nước với những phương tiện đa dạng, trong đó có phương tiện truyền thông Nhà nước (thực chất cũng là ngân sách Nhà nước) là rất cần thiết.

3.3. CÁC GIẢI PHÁP QUẢN LÝ ĐẦU TƯ CÔNG TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀO PHÁT TRIỂN CÁC KHU DU LỊCH TẠI CÀ MAU

3.3.1. Quy hoạch phát triển du lịch phải gắn với lợi thế và an sinh xã hội

Quy hoạch phát triển du lịch tại Cà Mau cần dựa trên lợi thế so sánh, tập trung đầu tư các dự án phát triển sản phẩm có tính đặc thù, riêng biệt.

Tỉnh cần quy hoạch phát triển du lịch phù hợp lợi thế của mình, dựa trên cơ sở đánh giá đúng tài nguyên du lịch địa phương và phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thiết kế các sản phẩm du lịch gắn với các nghề truyền thống và các di tích lịch sử - văn hoá, trong đó coi trọng các đặc thù để sản phẩm du lịch có những nét độc đáo riêng.


Phải chuyển từ lối quy hoạch hành chính, áp đặt và không tính đến nhu cầu của xã hội sang quy hoạch thị trường, tự do và xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Để tạo được các nguồn vốn bền vững và đa dạng cho phát triển các khu du lịch, công tác quy hoạch phải luôn đi trước một bước.

Đẩy mạnh xã hội hoá du lịch, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quá trình thực hiện quy hoạch phát triển du lịch. Phải đảm bảo sự phân chia lợi ích hợp lý giữa các đơn vị kinh doanh du lịch và cộng đồng, nâng cao đời sống cộng đồng dân cư và góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội.

3.3.2. Thực hiện đầy đủ và chất lượng các bước của quy trình đầu tư công

Quy trình đầu tư công (và mọi đầu tư khác) là một tồn tại khách quan, được phát hiện và đúc rút từ quá trình hàng chục năm đầu tư công của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và đến nay đã trở thành quy chuẩn được các định chế tài chính lớn như IMF, WB,... công nhận vì tuân thủ nó, đầu tư công sẽ có hiệu lực và hiệu quả cao.

Việt Nam đang học hỏi và áp dụng quy trình đầu tư công nhưng không phải lúc nào, ở đâu cũng thực hiện đầy đủ và chất lượng các bước của nó, dẫn đến đầu tư kém hiệu lực và hiệu quả, thậm chí là thất bại và tổn thất.

Đối với đầu tư công từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch tại Cà Mau, cần chú ý thực hiện có chất lượng các bước: thẩm định, đánh giá độc lập dự án (trước thực hiện) và đánh giá hiệu lực, hiệu quả dự án (sau thực hiện).

3.3.2.1. Về công tác thẩm định.

Đầu tư dự án khu du lịch là loại đầu tư lớn, tổng vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng trở lên nên công tác thẩm định là công tác của một hội đồng bao gồm các thành viên có chuyên môn giỏi, đạo đức tốt và càng độc lập với dự án được thẩm định càng tốt.

Công tác thẩm định các dự án phát triển khu du lịch tại Cà Mau những năm qua còn có những hạn chế, sai sót dẫn đến kết quả đầu tư không cao. Sai sót kiểu “đếm cua trong lỗ” này cùng những sai sót khác nữa không được thẩm định phát hiện để điều chỉnh nên dự án ban đầu không tìm được nhà đầu tư tư nhân và khi có thì nhà đầu tư đầu tiên không đủ năng lực (lỗi này do bước khác).

3.3.2.2. Về công tác đánh giá độc lập.

Đánh giá độc lập thực chất là thẩm định lại nhưng khác là do chủ đầu tư mời cá nhân, tổ chức không có quan hệ trong dự án thực hiện.


Công tác đánh giá độc lập các dự án phát triển khu du lịch tại Cà Mau đã xảy ra một số trường hợp sai sót nghiêm trọng. Khi phát hiện được, thì sự điều chỉnh và đánh giá độc lập lần thứ hai, làm tốn hao nguồn vốn của ngân sách Nhà nước một cách đáng kể.

3.3.2.3. Về công tác đánh giá hiệu lực, hiệu quả dự án.

Công tác đánh giá hiệu lực, hiệu quả dự án phát triển khu du lịch có đầu tư công từ ngân sách Nhà nước không đơn giản là tính ra số lợi tức chủ đầu tư thu được mà phải tính đến nhiều mặt: từ phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh - quốc phòng, an sinh xã hội đến hiệu quả sử dụng tài nguyên, khả năng bảo vệ và tôn tạo môi trường sinh thái,...

Công tác này tiến hành sau khi dự án đã thực hiện và diễn ra trong thời gian dài. Tuy nhiên, trong đầu tư phát triển các khu du lịch tại Cà Mau chưa được thực hiện đầy đủ. Bằng chứng là chưa có báo cáo hay công trình nào đánh giá hiệu lực, hiệu quả của một khu du lịch hay tổng thể các khu du lịch ở địa phương này được công bố.

Cần phải đánh giá hiệu lực, hiệu quả dự án phát triển mỗi khu du lịch và tổng thể các khu du lịch để vừa có cơ sở cho đầu tư tiếp theo cho các khu du lịch vừa cung cấp dữ liệu cho xây dựng định hướng phát triển các khu du lịch mới.

3.3.3. Chống thất thoát, lãng phí

Tỉnh cần rà soát, sửa đổi, ban hành kịp thời các văn bản quản lý về đầu tư phát triển các khu du lịch, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư.

Tập trung cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan nhà nước thường xuyên, liên tục để chống thất thoát lãng phí. Giám sát và đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư,...

Áp dụng nghiêm ngặt các chế tài trong việc giám sát thi công, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm để đảm bảo chất lượng công trình.

Tăng cường công tác cán bộ, sắp xếp cán bộ có đủ năng lực, chuyên môn và khả năng quản lý, điều hành các dự án đầu tư nhằm tránh thất thoát, lãng phí

Thường xuyên cập nhật thông tin và nâng cao kiến thức về quản lý dự án, nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực quản lý đấu thầu, theo dõi, kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện các dự án đầu tư vào khu du lịch.


KẾT LUẬN

Tiềm năng cho phát triển du lịch và các thế mạnh du lịch hiện có ở Cà Mau là cơ sở đồng thời là nhu cầu phát triển các khu du lịch tại địa phương này. Vấn đề đặt ra là tỉnh Cà Mau đầu tư phát triển các khu du lịch sao cho hiệu lực và hiệu quả.

Đầu tư phát triển các khu du lịch là loại đầu tư rất lớn vì nguồn vốn không chỉ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tài sản, nhân lực, quảng bá,... của các khu du lịch mà còn phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngoại vi, phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn và tôn tạo hệ sinh thái, quản lý khai thác tài nguyên,... Vì thế, để phát triển các khu du lịch cần phải có đầu tư công từ ngân sách Nhà nước, nhất là trong thời kỳ đầu của phát triển các khu du lịch ở mỗi địa phương.

Qua nghiên cứu hiện trạng phát triển của các khu du lịch ở Cà Mau và thực trạng đầu tư công từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch tại Cà Mau được trình bày trong phần nội dung nghiên cứu đã chứng minh rằng, trong thời gian qua đầu tư công từ ngân sách Nhà nước của tỉnh Cà Mau vào phát triển các khu du lịch đã ảnh hưởng lớn không chỉ đến sự phát triển của các khu du lịch mà còn thúc đẩy ngành du lịch phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, thu hút đầu tư nguồn vốn ngoài Nhà nước vào các khu du lịch và ngành du lịch tại Cà Mau.

Sự phát triển của các khu du lịch ở Cà Mau; đầu từ công từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch tại Cà Mau; quản lý đầu từ công từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch tại Cà Mau đều đạt được những thành công nhất định. Bằng chứng là sự phát triển của du lịch Cà Mau và làn sóng đầu tư vào du lịch tại địa phương này hơn một năm trở lại đây và đang tiếp tục. Tuy nhiên, tất cả cũng đều có những hạn chế, nhược điểm đáng kể. Góp phần cho sự phát triển du lịch địa phương, tác giả xin đề xuất một số giải pháp có tên gọi như sau:

1) Các giải pháp tăng cường đầu tư công từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch tại Cà Mau:

- Tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng các khu du lịch;

- Hạn chế đầu tư vào tài sản các khu du lịch;

- Tăng cường đầu tư vào nguồn nhân lực các khu du lịch;

- Tăng cường đầu tư xúc tiến, quảng bá cho các khu du lịch.


2) Các giải pháp quản lý đầu từ công từ ngân sách Nhà nước vào phát triển các khu du lịch tại Cà Mau:

- Quy hoạch phát triển du lịch phải gắn với lợi thế và an sinh xã hội;

- Thực hiện đầy đủ và chất lượng các bước của quy trình đầu tư công;

- Chống thất thoát, lãng phí.

Xem tất cả 82 trang.

Ngày đăng: 28/05/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí