- Gió: Mùa hè có gió Đông nam, mùa đông có gió Bắc và Đông bắc, gió Lào xuất hiện vào các tháng 4,5.
3.1.3.2. Thủy văn.
Với đặc trưng của vùng dự án là nằm trong lưu vực hồ Hoà Bình nên chế độ thuỷ văn gắn chặt với chế độ thuỷ văn của hồ Hoà Bình. Hồ Hoà Bình thuộc địa phận tỉnh Hoà Bình chiều dài khoảng 85 km, chiều rộng mặt hồ nơi rộng nhất là 6 km (xã Hiền Lương), nơi hẹp nhất 400m (xã Đồng Ruộng). Lưu lượng nước bình quân năm 1.460 m3/s, cao nhất 6540 m3/s, thấp nhất 580 m3/s rất thuận lợi cho vận chuyển thuỷ. Với đặc thù của hồ là duy trì nguồn nước phục vụ cho nhà máy Thuỷ điện; tích nước vào mùa khô, xả lũ vào mùa mưa, diện tích mặt hồ lớn trên 9.000 ha nên ảnh hưởng rất lớn đến tiểu khí hậu của khu vực, mực nước ngầm được nâng cao, độ ẩm không khí cao (80 % vào mùa mưa).
Do đặc điểm địa hình khu vực rất phức tạp nên ngoài hệ thống sông, ngòi của hồ sông Đà thì khu vực này còn có 1 hệ thống suối dầy đặc đổ ra hồ như suối Nhạp xã Đồng Chum, suối Nánh xã Suối Nánh, suối Cửa Chông xã Đồng Ruộng, suối Vầy xã Vầy Nưa, suối Oi nọi xã Tiền Phong, suối Chầm xã Tân Minh, suối Sổ xã Trung Thành, Suối Xia, suối Mùn, suối bãi Sang huyện Mai Châu...
Nhìn chung hệ thống suối phân bố tương đối đồng đều trên toàn khu vực, nhưng do điều kiện độ dốc lớn nên khả năng dự trữ nước cung cấp nước cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất rất khó khăn, và không có khả năng vận chuyển thuỷ, khi mưa to thường gây lũ đột ngột.
Từ những đặc trưng của khí hậu thuỷ văn đã ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội của khu vực đặc biệt là trong hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp (Do khí hậu thay đổi theo mùa, theo vùng).
- Nước ngầm: tương đối nông, thông thường có độ sâu 3-5m.
3.1.4. Địa chất, thổ nhưỡng
3.1.4.1. Địa chất
Vùng hồ thủy điện Hòa Bình nằm trên địa bàn rộng lớn trải dài trên chiều dài 80 km địa hình phức tạp, nên đặc điểm đất đai cũng không đồng nhất. Nhìn chung đất của khu vực được hình thành trên các loại đá mẹ chủ yếu là đá vôi, sa thạch, phiến thạch, đá mắc ma trung tính, a xít.
3.1.4.2. Thổ nhưỡng.
Khu vực vùng hồ sông Đà có các loại đất chủ yếu sau:
- Nhóm đất Feralitic màu vàng phát triển trên đá phiến thạch sét có kết cấu hạt mịn, tầng dày trên 130 cm.
- Nhóm đất Feralitic màu nâu, nâu đen phát triển trên đá vôi có kết cấu hạt mịn, tầng dày trên 120 cm.
- Nhóm đất Feralitic màu vàng phát triển trên đá sa thạch có kết cấu hạt thô. tầng dày trên 80 cm.
- Nhóm đất Feralitic màu nâu đỏ phát triển trên đá mác ma trung tính, a xít.
- Đất Feralit biến đổi do trồng lúa nước.
Nhìn chung các loại đất khu vực vùng hồ sông Đà có thành phần cơ giới từ thịt nhẹ, thịt nặng tầng dày trung bình từ 50 - 130 cm, thích hợp với nhiều loại cây trồng nông, lâm nghiệp. Đất canh tác nông nghiệp phần lớn là đất đồi núi, xen lẫn một số bãi bằng; một số nơi có diện tích đất bằng nhỏ đã được nhân dân trồng lúa, làm màu. Do đất canh tác trước đây đã bị ngập hết nên nhân dân chỉ có thể canh tác chủ yếu trên đất dốc, đất đồi, trong đó diện tích đất rừng phòng hộ rất xung yếu và xung yếu cho hồ thủy điện Hòa Bình chiếm tỷ trọng lớn. Do vậy, diện tích đất gieo trồng cây nông nghiệp trong lưu vực rất ít.
3.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội
3.2.1. Dân số và lao động
- Dân số: Dân số các xã thuộc vùng quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình (Bảng 3.1.) là 20.310 người. Mật độ dân số 186 người/km2. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,17%.
Bảng 3.1: Dân số các xã thuộc vùng quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Hồ Hòa Bình
Xã | Số dân | |
1 | Xã Thái Thịnh | 1.171 |
2 | Xã Thung Nai | 1.986 |
3 | Xã Bình Thanh | 2.502 |
4 | Xã Suối Hoa | 3.814 |
5 | Xã Sơn Thủy | 4.168 |
6 | Xã Vầy Nưa | 2.559 |
7 | Xã Hiền Lương | 1.799 |
8 | Xã Tiền Phong | 2.311 |
Tổng số | 20.310 |
Có thể bạn quan tâm!
- Ý Nghĩa Kinh Tế, Nhân Văn Của Việc Phát Triển Du Lịch
- Phương Pháp Thống Kê, Kế Thừa Số Liệu Và Phân Tích Số Liệu Thống Kê
- Phân Bổ Số Lượng Phiếu Điều Tra Tại Địa Bàn Nghiên Cứu
- Kết Quả Rà Soát Hiện Trạng Rừng Và Đất Lâm Nghiệp Năm 2015
- Hiện Trạng Buồng Nghỉ Lưu Trú Phục Vụ Khách Du Lịch Và Dự Báo Đến Năm 2030
- Đánh Giá Mức Độ Thuận Lợi Của Điểm Du Lịch
Xem toàn bộ 131 trang tài liệu này.
(Nguồn: Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở tỉnh Hòa Bình năm 2019)
- Dân tộc: Dân tộc sinh sống chính là dân tộc Mường chiếm 82 %; Tày chiếm 5%; Dao chiếm 4 %; dân tộc Kinh 3%, các dân tộc khác chiếm 6%.
- Lực lượng lao động các xã vùng dự án tương đối trẻ, số người trong độ tuổi lao động có 26.656 người chiếm 38,2% dân số.
3.2.2. Kinh tế
Hiện nay trên 90% dân số các xã nằm trong lưu vực hồ thủy điện Hòa Bình sống chủ yếu vào phát triển sản xuất Nông - Lâm - Ngư nghiệp. Những xóm ven hồ ít ruộng thu nhập từ lâm nghiệp chủ yếu là trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ kết hợp khai thác thuỷ sản; một số xóm có điều kiện là bến thuyền và điểm du lịch có mức thu nhập khá hơn nhờ kinh doanh dịch vụ (xã Thái Thịnh - thành phố Hòa Bình; xã Thung Nai, xã Bình Thanh - huyện Cao Phong; xã Vầy Nưa, Hiền Lương, Tiền Phong - huyện Đà Bắc, xã Suối Hoa
- huyện Tân Lạc....); các hộ dân còn lại làm nông nghiệp (nương rẫy, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản...). Những xóm xa hồ có nhiều diện tích bưa bãi bằng thu nhập chủ yếu là sản xuất nông nghiệp chiếm 80% (bao gồm: Lúa, ngô, sắn, chè,
mía.... và kết hợp chăn nuôi). Ở những nơi này đời sống nhân dân có khá hơn, thu nhập bình quân cao hơn và ổn định hơn và bắt đầu hình thành một số ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp nhưng quy mô sản xuất nhỏ, sản lượng thấp, chậm phát triển.
Nguyên nhân chính là về tập quán, nhận thức vốn liếng, kỹ thuật... Hệ thống giao thông còn yếu, chưa đủ vì vậy chưa tạo điều kiện cho nhân dân khai thác tốt các thế mạnh tiềm năng về đất đai, tài nguyên rừng và nguồn lợi từ hồ Hoà Bình. Mặc dù đã có sự nỗ lực của các cấp, các ngành và sự nỗ lực khắc phục khó khăn của nhân dân để phát triển kinh tế. Nhưng đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào thuộc lưu vực hồ thủy điện Hòa Bình nói riêng và nhân dân trong vùng nói chung vẫn còn rất khó khăn, chưa ổn định, nguy cơ tái nghèo là rất cao.
3.2.3. Hệ thống cơ sở hạ tầng
Trong nhiều năm qua các xã thuộc lưu vực hồ thủy điện Hòa Bình đã được Nhà nước đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng. Đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được xây dựng phát huy tốt hiệu quả phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Song do nhu cầu ngày càng lớn, mức đầu tư hàng năm có hạn lại kéo dài, quy mô nhỏ, lẻ... đến nay nhiều công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng, bước đầu đang được đầu tư sửa chữa... Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn (Điện, đường, trường học, trạm y tế...) đến nay đã xây dựng đạt khoảng 70 - 80% nhu cầu, trong đó khoảng 30 - 40 % đáp ứng được yêu cầu về quy mô và độ vững chắc ổn định lâu dài.
- Hệ thống đường bộ: Có hệ thống đường liên xã. Tất cả các xã trong vùng đều có đường giao thông đến trung tâm xã, trong đó có một số xã có đường nhựa, mặt đường tương đối ổn định. Hệ thống đường từ xã đến xóm, đường liên thôn được nâng cấp và mở mới thường xuyên thông qua các chương trình dự án như dự án 135, dự án giảm nghèo, dự án ổn định dân cư và phát triển kinh tế vùng hồ sông Đà......, song hệ thống đường này vẫn thường xuyên bị sạt
lở do mưa lũ, việc đi lại và vận chuyển hàng hoá của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
- Hệ thống đường thuỷ: Có khoảng 85 km sông Đà chảy qua thuận lợi cho giao thông đường thuỷ trong vùng xây dựng dự án.
3.2.4. Văn hóa xã hội
3.2.4.1. Y tế
Toàn bộ các xã trong vùng đều có trạm y tế xã nhưng trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh hầu hết đã cũ và lạc hậu nên chỉ có thể sơ cứu và điều trị các bệnh thông thường, các ca bệnh nặng phải chuyển lên tuyến trên.
3.2.4.2. Giáo dục
Bằng các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, trường lớp học được đầu tư xây dựng mới, đủ phòng học, lớp học đáp ứng được nhu cầu trường lớp học cho con em các xã đến trường học tập. Tuy nhiên một số xã trường học đã bị xuống cấp, cần được sửa chữa nâng cấp để đảm bảo điều kiện học tập.
3.2.5. Đánh giá chung điều kiện kinh tế, xã hội.
3.2.5.1. Thuận lợi
- Cơ chế chính sách phát triển nông, lâm nghiệp của Nhà nước thông thoáng, hợp lòng dân đã tạo cơ hội cho người dân chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh.
- Được các Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm lãnh, chỉ đạo, nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
- Có hồ Hòa Bình rất thuận tiện cho giao thông và vận chuyển bằng đường thủy; có tiềm năng lớn về đất đai và lao động; có rừng, đất rừng thích hợp với nhiều loại cây trồng lâm nghiệp khác nhau, khí hậu thời tiết thuận lợi phù hợp với nhiều loại cây trồng nên có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.
- Diện tích mặt nước lớn để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.
- Tiềm năng khai thác về du lịch,du lịch sinh thái, du lịch lòng hồ và tâm linh trên vùng hồ lớn.
- Các xã thuộc lưu vực hồ thủy điện Hòa Bình được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/CP của Chính phủ.
3.2.5.2. Khó khăn
- Sản xuất hàng hóa chưa phát triển. Đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, khả năng huy động vốn đầu tư cho sản xuất hạn chế.
- Các xã thuộc vùng hồ thủy điện Hòa Bình có diện tích đất rừng lớn, tuy nhiên công tác sản xuất kinh doanh lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp, trình độ thâm canh rừng còn hạn chế. Sản xuất, chế biến lâm sản và dịch vụ lâm nghiệp quy mô nhỏ, chủ yếu bán sản phẩm thô, gây lãng phí nguyên liệu; giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng thấp, đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương chưa cao.
- Các hộ gia đình và các tổ chức khác thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.
- Hệ thống đường giao thông yếu, xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
- Kinh phí đầu tư cho đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng cơ sở... còn thấp so với nhu cầu phát triển chung của xã hội.
- Tập quán canh tác của nhân dân phần lớn quảng canh, thu nhập của các xã chủ yếu dựa vào các sản phẩm nông, lâm nghiệp có năng suất và lợi nhuận thấp. Đời sống nhân dân trong vùng còn nhiều khó khăn.
3.3. Tài nguyên Sinh vật
Vùng hồ thủy điện Hòa Bình có tài nguyên sinh vật tương đối đa dạng, phong phú, có giá trị bảo tồn.
Do nằm trong vùng nhiệt đới ấm, giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Pu canh nên vùng hồ thủy điện Hòa Bình có tài nguyên sinh vật tương đối đa dạng và phong phú, có giá trị kinh tế cao trong đó có một số loại quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia là 1.200 ha (không bao gồm diện tích mặt nước), toàn bộ vùng hồ thủy điện Hòa Bình có diện tích rừng thuộc quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ sông Đà độ che phủ rừng trên 60%.
Trong rừng tại vùng hồ thủy điện Hòa Bình và lân cận vẫn còn nhiều loại gồ quý hiếm như: Sến, Lim, Táu, Chò Chỉ, Chò Nâu, Pơ Mu, Nghiến, Lát... Ngoài ra còn có các loại tre nứa, vầu, luồng, bương, song, mây... Cùng với đó là hệ cây thuốc quý trong rừng rất nhiều, với khoảng 100 loại cây thuốc như: Hà Thủ Ô, Sâm, Quế, Sa Nhân, Ngũ Gia Bì, các cây bổ máu như Giảo Cổ Lam, Cam Thảo, Tam Thất... phân bố rải rác.
Vùng hồ thủy điện Hòa Bình, ngoài diện tích rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, rừng trồng còn giáp với Khu bảo tồn thiên nhiên Pu canh. Nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, nhiều loài động vật có tên trong sách đỏ Việt Nam, đặc biệt ở cấp rất nguy cấp (CR) hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng (E) như: Sơn dương (Naemorhedus sumatraensis), Gấu ngựa (Ursus thibetanus), Khỉ vàng (Manaca mulatta), Khỉ mặt đỏ (Manaca arctoides), Cu li nhỏ (N. pygmaeus), Rắn hổ mang (Naja atra), Rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah), Rắn cạp nong (Bungarus fasciatus), Rắn ráo (Ptyas korros), Rắn cạp nia Bắc (Bungarus multicinctus), Rùa hộp 3 vạch (Cuora trifasciata), Rùa hộp trán vàng (Cuora galbinifrons), Nai (C.unicolor).
3.4. Công tác bảo vệ và phát triển rừng
3.4.1. Hoạt động sản xuất lâm nghiệp.
3.4.1.1. Tổ chức quản lý và sản xuất kinh doanh.
a) Tố chức quản lý ngành lâm nghiệp.
- Cấp huyện: Có Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, là đơn vị tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện quản lý Nhà nước về lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp và sản xuất các ngành nghề khác; Hạt kiểm lâm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về Luật bảo vệ và phát triển rừng.
- Cấp xã: Không có cán bộ phụ trách về lĩnh vực lâm nghiệp, chỉ kiêm nhiệm, phần lớn chưa chuyên sâu về công tác chuyên môn, do đó ảnh hưởng đến công tác tổ chức sản xuất lâm nghiệp ở địa phương.
b) Tổ chức sản xuất kinh doanh.
Hiện tại các xã trong vùng được Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Đà quản lý, tổ chức thực hiện các dự án đầu tư về bảo vệ và phát triển rừng tại lưu vực hồ thủy điện Hòa Bình.
Ngoài ra có một số doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH liên doanh với chủ rừng để sản xuất lâm nghiệp tại địa bàn với quy mô nhỏ.
3.3.1.2. Kết quả hoạt động sản xuất lâm nghiệp.
Những năm gần đây, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, vốn tự có của người dân và các nguồn vốn khác tại các xã vùng lưu vực hồ thủy điện Hòa Bình thực hiện bảo vệ được 53.816,0 ha rừng tự nhiên, 17.253,0 ha rừng trồng; trồng mới và chăm sóc 4.518,6 ha rừng trồng phòng hộ và sản xuất xuất tập trung. Rừng sinh trưởng trung bình, độ che phủ của rừng đạt trên 60 %.
3.3.1.3. Dự án lâm nghiệp trên địa bàn.
Trên địa bàn có một số dự án lâm nghiệp đã và đang hoạt động, cụ thể:
- Dự án 3352, dự án 327, dự án 661, dự án 147, dự án 747 .....
- Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng thực hiện từ năm 1999 đến nay được thực hiện trên 45 xã vùng hồ sông đà có đất rừng phòng hộ.
- Dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất được triển khai thực hiện từ năm 2007 đến năm 2015 trên địa bàn các xã có đất rừng sản xuất. Dự án đã thực hiện trên tất cả các xã vùng lưu vực hồ thủy điện Hòa Bình từ năm 1995 cho tới nay.
3.3.1.4. Hoạt động chế biến gỗ và lâm sản.
Hiện tại trên địa bàn các xã vùng lòng hồ sông đà chưa có cơ sở chế biến lâm sản với quy mô sản xuất lớn và vừa, chỉ có các xưởng chế bíên lâm sản nhỏ quy mô hộ gia đình. Sản phẩm chủ yếu là gỗ xây dựng và đồ gỗ dân dụng. Lượng lâm sản khai thác hàng năm chủ yếu cung cấp cho thị trường ngoài vùng dự án.