Tính riêng trong khu vực vùng núi phía Bắc (gồm các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái), năm 2020 Hòa Bình đứng thứ 7/14 về chỉ số PCI, tăng 1 bậc so với năm 2019.
Ngoài những nỗ lực cải thiện chỉ số PCI, tỉnh Hòa Bình cũng chú trọng công tác cải cách thủ tục hành chính. Tỉnh đã ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, CQĐP để hỗ trợ nhà đầu tư một số thủ tục hành chính đối với các dự án đầu tư theo hình thức thỏa thuận, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; ban hành văn bản hướng dẫn một số thủ tục về đấu giá quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp và hướng dẫn thực hiện các thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Bên cạnh đó, UBND tỉnh xây dựng quy định, trình tự thực hiện các thủ tục hành chính đối với dự án có sử dụng đất, đầu tư bằng vốn ngoài ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo xây dựng tiêu chí áp dụng lựa chọn hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để sớm có mặt bằng thực hiện dự án. Thực tế thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, các ngành và CQĐP đã thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh bãi bỏ, không cơ quan nào tự ý đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình cũng định kỳ tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã nhân dịp đầu năm, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn, làm việc với nhà đầu tư thực hiện các dự án có tác động lớn đến phát triển KT- XH của tỉnh để giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Giai đoạn 2016-2020, Hòa Bình đã thu hút trên 40 dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 15.237 tỷ đồng. Đến tháng 7/2021, Hòa Bình có 72 dự án đầu tư du lịch còn hiệu lực, chiếm 12.2% tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 20.000 tỷ đồng.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực để thu hút đầu tư PTDL trong thời gian qua nhưng kết quả cho thấy chỉ số PCI của tỉnh Hòa Bình còn thấp, ngay cả khi so sánh với các tỉnh khác trong cùng khu vực có điều kiện và tiềm năng phát triển kém hơn. Trong nghiên cứu thống kê về chỉ số PCI của tỉnh (xem Phụ lục 10), những hạn chế lớn nhất của tỉnh Hòa Bình liên quan đến các chỉ số như:
- Khả năng tiếp cận đất đai: Đo lường về hai khía cạnh của vấn đề đất đai mà doanh nghiệp phải đối mặt là mức độ dễ dàng của việc tiếp cận đất đai và doanh nghiệp có thấy yên tâm và được đảm bảo về sự ổn định khi có được mặt bằng kinh doanh hay không.
- Tính minh bạch: Đo lường khả năng tiếp cận các kế hoạch của tỉnh và các văn bản pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, liệu doanh nghiệp có thể tiếp cận một cách công bằng các văn bản này, các chính sách và quy định mới có được tham khảo ý kiến của doanh nghiệp và khả năng tiên liệu trong việc triển khai thực hiện các chính sách quy định đó và mức độ tiện dụng của trang web của tỉnh đối với doanh nghiệp.
- Chi phí không chính thức: Đo lường các khoản chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả và các trở ngại do những chi phí không chính thức này gây ra đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc trả những khoản chi phí không chính thức có đem lại kết quả hay “dịch vụ” như mong đợi và liệu các cán bộ Nhà nước có sử dụng các quy định của địa phương để trục lợi hay không.
- Cạnh tranh bình đẳng: Chỉ số thành phần này đánh giá môi trường cạnh tranh đối với các doanh nghiệp dân doanh trước những ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp thân quen với cán bộ chính quyền cấp tỉnh, thể hiện dưới dạng các đặc quyền, ưu đãi cụ thể khi tiếp cận các nguồn lực cho phát triển như đất đai, tín dụng,… và được ưu tiên đối xử trong thực hiện các thủ tục hành chính và chính sách.
Có thể bạn quan tâm!
- Một Số Kết Quả Đạt Được Của Du Lịch Hòa Bình Giai Đoạn 2015-2020
- Thống Kê Số Lượng Doanh Nghiệp Lữ Hành, Đơn Vị Vận Chuyển Du Lịch Của Tỉnh Hòa Bình Giai Đoạn 2016-2020
- Kết Quả Đánh Giá Việc Xây Dựng, Ban Hành Theo Thẩm Quyền Và Tổ Chức Thực Hiện Văn Bản Pháp Luật Về Du Lịch Của Tỉnh Hòa Bình
- Kết Quả Khảo Sát Thực Trạng Quản Lý Bảo Tồn, Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Và Bảo Vệ Môi Trường
- Quan Điểm, Mục Tiêu Phát Triển Du Lịch Và Những Vấn Đề Đặt Ra Cho Quản Lý Nhà Nước Của Tỉnh Hòa Bình Đối Với Phát Triển Du Lịch
- Những Yêu Cầu Đặt Ra Cho Quản Lý Nhà Nước Đối Với Phát Triển Du Lịch Của Tỉnh Hòa Bình
Xem toàn bộ 165 trang tài liệu này.
- Tính năng động: Đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của lãnh đạo tỉnh trong quá trình thực thi chính sách trung ương cũng như trong việc đưa ra các sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng của trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát, đại diện các doanh nghiệp du lịch cho rằng chính sách đầu tư PTDL của tỉnh Hòa Bình chưa thực sự hấp dẫn (xem Phụ lục 7). Nhận định này cũng hoàn toàn trùng khớp với kết quả khảo sát đối tượng là các cán bộ quản lý về du lịch (xem Phụ lục 6 và Hình 3.6), theo đó, việc quản lý thu hút đầu tư PTDL của tỉnh Hòa Bình cũng chỉ được đánh giá ở mức trung bình (GTTB đạt 3,34 điểm).
Hình 3.6. Kết quả đánh giá quản lý thu hút đầu tư phát triển du lịch của tỉnh Hòa Bình
(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát của nghiên cứu sinh)
Trong đó, sự công khai, minh bạch của chính sách đầu tư được đánh giá ở mức thấp nhất với GTTB đạt 3,25 điểm; tiếp đến là tính chặt chẽ, hợp pháp của thủ tục thẩm định dự án đầu tư (GTTB đạt 3,36 điểm). Kết quả thu được trên thực tế cho thấy khả năng thu hút đầu tư của tỉnh Hòa Bình chưa thực sự cao, một số dự án đầu tư chưa thực sự chất lượng, do vậy chỉ tiêu liên quan đến mức độ hiệu quả và chất lượng các dự án đầu tư đã triển khai cũng chỉ đạt mức điểm 3,39 (mức trung bình).
3.2.5. Việc quản lý xúc tiến phát triển thị trường du lịch
Trong giai đoạn 2016 – 2020, thị trường khách đến du lịch Hòa Bình phần lớn vẫn là khách du lịch nội địa, trong đó chủ yếu là khách từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương ở khu vực phía Bắc; một số ít từ các tỉnh miền Nam và miền Trung. Thời gian cao điểm khách du lịch đến Hòa Bình là mùa xuân (du lịch lễ hội, tâm linh) và mùa hè (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng); mùa thu và mùa đông có số lượng khách ít hơn (chủ yếu khám phá thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc,… Đối với thị trường khách quốc tế, dù có sự tăng lên về tỷ trọng qua các năm nhưng vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng khách đến. Đối tượng khách quốc tế đến Hòa Bình chủ yếu từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore và một số đối tượng khác (xem Hình 3.7). Riêng năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách Pháp giảm mạnh, chủ yếu là khách Hàn Quốc đang ở Việt Nam đến Hòa Bình để chơi golf.
Hình 3.7. Cơ cấu thị trường khách du lịch đến tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2015-2020
(Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình)
Căn cứ vào những ưu thế trong PTDL của tỉnh và thực trạng thị trường khách, tỉnh Hòa Bình vẫn luôn xác định thị trường khách du lịch nội địa vẫn là thị trường chính ở hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, so với nhiều tỉnh thành xác định thị trường khách quốc tế là thị trường trọng điểm thì việc xác định thị trường khách của du lịch Hòa Bình không có quá nhiều thay đổi liên quan đến sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19. Tỉnh xác định tập trung khai thác thị trường khách từ Hà Nội và các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ như Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh,… các tỉnh khu vực lân cận và miền núi phía Bắc như Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Vĩnh Phúc,… và mở rộng thị trường đến các trung tâm lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh Đông Nam Bộ. Bên cạnh đó, tỉnh vẫn xác định tiếp tục khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc; tăng cường liên kết với thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận để mở rộng thị trường khách từ Trung Quốc, Đài Loan, các nước ASEAN và thị trường Châu Âu có thời gian lưu trú dài ngày, chi trả cao muốn trải nghiệm thiên nhiên và bản sắc văn hóa. Trước mắt, dưới tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh xác định tiếp tục theo dõi, nghiên cứu việc mở cửa từng phần thị trường du lịch theo sự chỉ đạo của Chính phủ để đón khách quốc tế. Theo kết quả khảo sát thực tế của nghiên cứu sinh, chỉ tiêu liên quan đến xác định thị trường khách du lịch của tỉnh Hòa Bình được đánh giá là tốt, tương ứng với GTTB đạt 3,43 điểm (xem Phụ lục 6 và Hình 3.8).
Hình 3.8. Kết quả khảo sát thực trạng quản lý xúc tiến phát triển thị trường du lịch của tỉnh Hòa Bình
(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát của nghiên cứu sinh)
Về thực trạng quản lý xúc tiến, quảng bá du lịch, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND về việc Thực hiện Chương trình xúc tiến du lịch Quốc gia giai đoạn 2014-2020 của tỉnh Hòa Bình ngày 22/10/2014 của UBND tỉnh Hòa Bình và Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 02/8/3018 của UBND tỉnh về Tuyên truyền quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2017-2020. Theo đó, tỉnh đã thực hiện quảng bá, xúc tiến qua các hoạt động như: Chỉ đạo ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp và đổi mới phương thức hoạt động quảng bá xúc tiến; tham dự một số chương trình xúc tiến du lịch trong và ngoài nước như hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch, hội chợ, triển lãm du lịch, lễ hội và qua các phương tiện thông tin truyền thông. Tỉnh cũng đã tổ chức thành công Liên hoan du lịch cộng đồng 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng thu hút 14 làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của khu vực Tây Bắc và một số tỉnh miền Trung tham gia; tham dự Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội, Hội chợ Du lịch và Đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng, hội chợ Quốc tế Việt – Trung tại tỉnh Lào Cai, hội chợ quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch và đặc sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong khuôn khổ Chương trình Carnaval Hạ Long và Năm Du lịch Quốc gia 2018 – Hạ Long, chương trình Năm du lịch Quốc gia 2019 Nha Trang, tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh thu hút được một số doanh nghiệp lớn đến khảo sát, đầu tư dự án; tổ chức thành công Tuần Văn hóa Du lịch tỉnh Hòa Bình 2019 với quy mô lớn, nhiều hoạt động phong phú.
Ngoài ra, Sở VH,TT&DL cũng đã xây dựng, in ấn và phát hành hơn 3.000 các cuốn sách: Khu du lịch hồ Hòa Bình - Hành trình khám phá - Cơ hội đầu tư; Trải nghiệm khám phá du lịch cộng đồng trên khu du lịch hồ Hòa Bình; Khám phá, trải
nghiệm chương trình du lịch trên khu du lịch hồ Hoà Bình; Xây dựng video clip “Du lịch Hòa Bình - Hành trình khám phá và Cơ hội đầu tư” bằng tiếng Việt và phụ đề tiếng Anh, thời lượng 20 phút; video clip “Khám phá trải nghiệm du lịch cộng đồng trên khu du lịch hồ Hòa Bình”; phim quảng bá khu du lịch hồ Hòa Bình; phim giới thiệu quảng bá các điểm du lịch cộng đồng trên khu du lịch hồ Hòa Bình. Sở VH,TT&DL đã thực hiện việc xây dựng Trang thông tin điện tử khu du lịch hồ Hòa Bình (http://khudulichhohoabinh.vn/) bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh, kết hợp quảng bá trên nền trang web của Tổng Cục Du lịch. Các trang web khác có thông tin quảng bá về du lịch Hòa Bình như:
- http://sovanhoa.hoabinh.gov.vn/ - Trang web của Sở VH,TT&DL tỉnh Hòa Bình
- http://hiephoidulichhoabinh.org.vn/ - Trang web của Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình
- http://hoabinh.gov.vn/ - Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình
- https://hoabinhtourism.vn/ - Cổng Du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình
Năm 2020, dưới tác động lớn của dịch bệnh Covid-19, du lịch Hòa Bình cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng. Cuối tháng 5/2020, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 76/KH-UBND về phát động chương trình "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” trên địa bàn tỉnh và chương trình khảo sát Famtrip, với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh và khoảng 20 doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch chất lượng, giá cả hợp lý "giảm giá không giảm chất lượng", kèm theo các ưu đãi và cam kết của đơn vị cung cấp dịch vụ. Nhờ đó, thị trường du lịch đã có phần ấm lại. Tuy nhiên, cuối tháng 7/2020, dịch Covid- 19 bùng phát trở lại, du lịch tiếp tục rơi vào tình trạng ngừng trệ. Đến 10/2020, hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch trong tình hình mới do Bộ VH,TT&DL phát động, tại Bakhan Village Resort, xóm Khan Hạ, xã Sơn Thủy (Mai Châu), Sở VH,TT&DL đã tổ chức lễ phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2 năm 2020 với chủ đề: "Du lịch Hòa Bình an toàn và hấp dẫn”, trong đó lồng ghép việc tổ chức đoàn Famtrip đi khảo sát để quảng bá sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần trên tuyến hồ Hòa Bình. Trong những tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục triển khai sâu rộng, có hiệu quả chương trình kích cầu du lịch. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp du lịch thực hiện đúng cam kết đã công bố trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc "giảm giá nhưng không giảm chất lượng”. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về những chương trình khuyến mãi, ưu đãi, tri ân khách hàng bằng nhiều hình thức, kết hợp thực hiện ứng xử văn minh, lịch sự, đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh,... để tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng du lịch trên địa bàn.
Qua nghiên cứu các dữ liệu thứ cấp đã thu thập, nghiên cứu sinh nhận thấy chính sách xúc tiến phát triển thị trường du lịch mà tỉnh Hòa Bình đưa ra là hợp lý nhưng hoạt động triển khai thực tế chưa hiệu quả, cụ thể:
Thứ nhất, việc tham gia các hội chợ, xuất bản các ấn phẩm, tổ chức các sự kiện,… chỉ mang tính chất nhất thời tại thời điểm các hoạt động đó diễn ra, số lượng người tham gia giới hạn dẫn đến khả năng tiếp cận thấp.
Thứ hai, các trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá về du lịch tỉnh đã được thiết lập. Đây được xem là phương tiện thông tin vô cùng hữu ích trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 như ngày nay do phần lớn khách du lịch tiềm năng đều có thể tra cứu các thông tin về điểm đến trước khi ra quyết định đi du lịch. Ngoài ra, các nhà đầu tư, các đối tác, doanh nghiệp,… cũng có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin thông qua các kênh này. Tuy nhiên, thông tin được truyền tải trên các kênh này khá nghèo nàn, đặc biệt là thiếu tính cập nhật. Chẳng hạn: chuyên mục Nhà hàng trong website của Hiệp hội Du lịch tỉnh Hòa Bình hoàn toàn không có thông tin; hay Cổng du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình công bố khai trương ngày 18/11/2019 với rất nhiều kỳ vọng nhằm hỗ trợ cho du khách, các công ty du lịch, cơ quan QLNN về du lịch, giúp du lịch Hòa Bình phát triển nhưng thực tế thì thông tin rất thiếu và yếu, thông tin mới nhất được đăng tải vào ngày 21/3/2020. Ngoài các trang thông tin điện tử, tỉnh ít chú ý đến việc quảng bá du lịch nói chung trên các mạng xã hội, các phương tiện truyền thông khác. Nền tảng đã có nhưng thiếu sự quan tâm, đầu tư công sức để hoàn thiện thông tin thì giá trị các nền tảng đó cũng sẽ mất đi.
Sở dĩ du lịch Hòa Bình có được sự gia tăng về lượng khách trong thời gian qua một phần là do ưu thế về khoảng cách địa lý và có sự dịch chuyển nhu cầu của khách du lịch từ nơi đông đúc đến nơi có tiềm năng PTDL nhưng vắng vẻ hơn nhằm giảm áp lực tâm lý và tận hưởng tốt hơn kỳ nghỉ chứ không phải đơn thuần do hiệu quả quảng bá du lịch của tỉnh. Phần lớn khách du lịch biết đến và lựa chọn các điểm đến du lịch tại Hòa Bình là do bạn bè, người thân giới thiệu, tiếp đến là từ nguồn thông tin quảng bá của các doanh nghiệp lữ hành, đại lý du lịch (xem Phụ lục 9).
Trong thời gian tới, để thu hút khách hiệu quả hơn, tỉnh Hòa Bình cần nỗ lực hơn nữa trong các hoạt động triển khai chính sách quảng bá, xúc tiến phát triển thị trường du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có sự cạnh tranh khá gay gắt giữa các điểm đến du lịch trong nước để thu hút tập khách du lịch nội địa.
3.2.6. Việc quản lý công nhận khu, điểm du lịch và cấp phép hoạt động du lịch
Theo quy định của Luật Du lịch 2017, điểm du lịch được hiểu là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch; khu du lịch là khu vực
có ưu thế về TNDL, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch, bao gồm khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch cấp quốc gia. Cũng theo luật này, thẩm quyền công nhận và thu hồi quyết định công nhận điểm du lịch và khu du lịch cấp tỉnh thuộc về UBND tỉnh, còn đối với khu du lịch cấp quốc gia thì thẩm quyền này thuộc về Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh có trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, trình lên Bộ và phối hợp công bố khi có quyết định. Trong thời gian qua, hoạt động quản lý công nhận khu, điểm du lịch được tỉnh Hòa Bình thực hiện khá tốt, đúng thủ tục, trình tự luật định. Các điểm, khu du lịch các cấp của tỉnh đều được định hướng phát triển từ sớm và có lộ trình thực hiện rõ ràng. Đến hết năm 2020, tỉnh Hòa Bình có trên 30 khu, điểm du lịch; trong đó, đã công nhận 9 điểm du lịch địa phương và 01 khu du lịch cấp tỉnh (Mai Châu).
Về việc cấp phép kinh doanh hoạt động du lịch, cũng theo luật định, việc cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa do Sở VH,TT&DL thực hiện, còn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế thì thẩm quyền thẩm định và cấp phép thuộc về Tổng cục Du lịch. Đối với công nhận hạng sao trong kinh doanh dịch vụ lưu trú, Sở VH,TT&DL tỉnh có trách nhiệm thẩm định và công nhận hạng cơ sở lưu trú hạng 1 đến 3 sao, Tổng cục Du lịch thẩm định và công nhận cơ sở lưu trú hạng 4, 5 sao.
Việc triển khai cấp phép kinh doanh được tỉnh Hòa Bình thực hiện tốt, tỉnh cũng đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực để gia tăng số lượng các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch có chất lượng, bổ sung lực lượng CSVCKT phục vụ PTDL. Các thủ tục, quy trình được chỉ dẫn rõ ràng, đơn giản và được thực hiện nghiêm túc, công khai, chính xác. Điều này thể hiện trong kết quả khảo sát của nghiên cứu sinh với các giá trị khảo sát đều ở mức tốt, từ 3,43 đến 3,45 (xem Phụ lục 6, Phụ lục 7 và Hình 3.9).
Hình 3.9. Kết quả khảo sát thực trạng quản lý công nhận khu, điểm du lịch và cấp phép hoạt động du lịch của địa phương
(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả khảo sát của nghiên cứu sinh)