Thực Trạng Phát Triển Du Lịch Sinh Thái Tại Các Vườn Quốc Gia


- Hỗ trợ kinh tế địa phương, tạo thêm những lợi ích kinh tế lâu dài cho cộng đồng dân địa phương, những người có quyền làm chủ cho sự phát triển và trong công tác hoạch định du lịch [16].‌

Theo quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các VQG và KBTTN, khi tổ chức hoạt động du lịch sinh thái phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

(1) Các hoạt động du lịch sinh thái không được làm ảnh hưởng đến diễn thế tự nhiên của các hệ sinh thái, đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật hoang dã, cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hoá của cộng đồng dân cư ở địa phương tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.

(2) Lợi nhuận từ các dịch vụ du lịch sinh thái được tái đầu tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Tỷ lệ tái đầu tư cho bảo tồn thực hiện theo quy định của nhà nước.

(3) Cộng đồng dân cư ở địa phương được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch sinh thái để nâng cao thu nhập cũng như nhận thức, trách nhiệm về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học [2].

1.2.2. Các đặc trưng cơ bản của du lịch sinh thái

Du lịch sinh thái, nếu được biểu thị với ý nghĩa thực của nó, bao gồm 5 đặc trưng cơ bản có quan hệ hỗ trợ nhau.

- Dựa trên địa bàn hấp dẫn về tự nhiên: Đối tượng của DLST là những khu vực hấp dẫn với các đặc điểm phong phú về tự nhiên, đa dạng về sinh học và kể cả những nét văn hoá bản địa đặc sắc. Đặc biệt, những khu tự nhiên còn tương đối nguyên sơ, ít bị tác động lớn bởi các hoạt động của con người. Chính vì vậy, hoạt động DLST thường diễn ra và thích hợp tại lãnh thổ các Vườn quốc gia và các Khu bảo tồn tự nhiên.

- Hỗ trợ bảo tồn, đảm bảo bền vững về sinh thái: Thách thức đối với DLST trong bất kỳ một quốc gia hay một khu vực nào là khai thác hợp lý tiềm năng cho du lịch, đảm bảo chất lượng sản phẩm mà lại không gây tác động có hại ngược trở lại môi trường. DLST có thể tạo ra nguồn thu cho việc quản lý bảo tồn nguồn tài nguyên ngoài những lợi ích về văn hoá - xã hội. Sự đóng góp về tài chính với một phần chi phí trong chuyến đi của du khách có thể giúp chi trả cho các dự án bảo tồn đa dạng sinh học.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 106 trang tài liệu này.

- DLST gắn liền với giáo dục môi trường (GDMT): Đặc điểm GDMT trong DLST là một yếu tố cơ bản thứ hai phân biệt nó với loại du lịch tự nhiên khác. Giải thích và GDMT là những công cụ quan trọng trong việc tăng thêm những kinh nghiệm du lịch thú vị và nâng cao kiến thức và sự trân trọng môi trường cho du khách, dẫn đến hành động tích cực đối với bảo tồn, góp phần tạo nên sự bền vững lâu dài của hoạt động DLST trong những khu tự nhiên.


Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc - 3

- Mang lại lợi ích cho địa phương: DLST cải thiện đời sống, tăng thêm lợi ích cho cộng đồng địa phương và môi trường của khu vực. Cộng đồng địa phương chỉ có thể tham gia vào những công việc vận hành DLST, trên phương diện cung cấp về kiến thức, những kinh nghiệm thực tế, các dịch vụ, các trang thiết bị và các sản phẩm phục vụ khách. Những lợi ích này nhất thiết phải "nặng ký" hơn sự trả giá về môi trường và văn hoá - xã hội nảy sinh từ du lịch mà cộng đồng địa phương phải gánh chịu.‌‌‌

- Thoả mãn nhu cầu về kinh nghiệm du lịch cho du khách: Việc thỏa mãn những mong muốn của khách tham quan với những kinh nghiệm du lịch lý thú là cần thiết đối với sự tồn tại sống còn lâu dài của ngành DLST, trong đó có một phần quan trọng là sự an toàn cho du khách và phải thoả mãn hoặc vượt quá sự mong đợi của du khách.

Với những đặc trưng trên, DLST thích hợp được phát triển trên địa bàn của các Vườn quốc gia.[13]

1.2.3. Những yêu cầu cơ bản đối với du lịch sinh thái.

Những yếu tố dưới đây có vai trò quyết định đối với việc tổ chức thành công hoạt động DLST [6]:

- Ít gây ảnh hưởng tới tài nguyên thiên nhiên của KBTTN và VQG.

- Thu hút sự tham gia của các cá nhân, cộng đồng, khách DLST, các nhà điều hành tour và các cơ quan tổ chức phi chính phủ.

- Tôn trọng văn hóa truyền thống địa phương.

- Tạo thu nhập lâu dài và bình đẳng cho cộng đồng địa phương và cho các bên tham gia khác, bao gồm cả những nhà điều hành tour tư nhân.

- Tạo nguồn tài chính cho công tác bảo tồn của VQG, KBTTN.

- Giáo dục những người tham gia về vai trò của họ trong công tác bảo tồn.

1.3. Thực trạng phát triển du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia

1.3.1. Cơ sở pháp lý về hoạt động DLST tại các Vườn quốc gia

* Khái niệm VQG:

Vườn quốc gia là loại rừng đặc dụng có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt đối với quốc gia. Vườn quốc gia có chức năng chung của rừng đặc dụng đồng thời có thể có một trong các chức năng chủ yếu là: bảo tồn và dự trữ thiên nhiên; khu bảo tồn loài - sinh cảnh; bảo vệ cảnh quan (Theo Khoản 7 Điều 3 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP).

* Cơ sở pháp lý về hoạt động DLST tại các VQG

- Điều 53 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;

- Điều 4, Điều 5 Luật Du lịch năm 2005;

- Điều 55, Điều 56 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;


- Điều 23 Nghị định số 117/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;‌

- Điều 16, Điều 23 Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg về quy chế quản lý rừng;

- Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN ngày 27/12/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái tại các Vườn quốc gia, khu Bảo tồn thiên nhiên;

- Điều 14 Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020;

- Điều 8 Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

- Thông tư số 126/2012/TT-BTC ngày 07/8/2012 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí tham quan tại các VQG Bạch Mã, Cúc Phương, Ba Vì, Tam Đảo, Yokdon, Cát Tiên. Hiện nay, Thông tư này đã được thay thế bằng Thông tư số 206/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí tham quan tại các VQG Bạch Mã, Cúc Phương, Ba Vì, Tam Đảo, Yokdon, Cát Tiên, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.

1.3.2. Thực trạng phát triển du lịch sinh thái ở các Vườn quốc gia

a. Thực trạng phát triển du lịch sinh thái ở các VQG trên thế giới

Hiện nay, nhiều quốc gia phát triển du lịch sinh thái trở thành một ngành công nghiệp chính đem lại nguồn thu quan trọng cho đất nước điển hình như: Ecuado, Thái Lan, Indonesia, Nê Pan,....

* Phát triển DLST tại Indonesia

Indonesia là đất nước có địa hình đa dạng với hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ. Nền văn hóa phong phú và đầy màu sắc riêng làm cho du lịch, đặc biệt là DLST ở quốc gia này rất phát triển. Có rất nhiều loại hình du lịch được áp dụng ở đây nhưng độc đáo hơn cả là loại hình DLST đi tìm các bộ lạc bị lãng quên trong rừng sâu. Nhiều dự án phát triển DLST dựa vào cộng đồng được triển khai thành công đã mở ra hướng đi mới cho việc phát triển DLST bền vững ở Indonesia. Điển hình như: dự án phát triển DLST tại vườn quốc gia Gunung Halimum (Tây Java), với mục tiêu phát triển là bảo tồn và sự bền vững tính đa dạng sinh học trên cơ sở trao quyền cho cộng đồng địa phương, được tổ chức cộng đồng địa phương điều hành.

* Phát triển DLST tại Thái Lan

Để phát triển bền vững du lịch sinh thái, Chính phủ và các cơ quan có liên quan ở Thái Lan đã phát động phong trào khôi phục lại giá trị nguyên bản của văn


hóa và đất nước Thái Lan, điển hình là dự án du lịch văn hóa cộng đồng tại bản Karen‌

- Baan Huay Hee. Chương trình này được đúc kết và nhân rộng cho hơn 60 bản làng văn hóa khác và đã đem lại những hiệu quả to lớn và thiết thực. Thông qua các chương trình du lịch sinh thái cộng đồng, nhiều làng mạc hẻo lánh vùng nông thôn của Thái Lan đã trở thành những điểm đến DLST hấp dẫn du khách, cuộc sống người dân được cải thiện, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ được bảo vệ nguyên vẹn.

Thái Lan là quốc gia được quốc tế đánh giá cao vì có những bước đi hợp lý và hiệu quả trong việc khai thác, phát triển các hoạt động du lịch và DLST ở những vùng chậm phát triển. Đây là những bài học kinh nghiệm quý cho phát triển DLST gắn với phát triển cộng đồng đáng để các nước học tập và vận dụng.

* Phát triển DLST ở VQG Galapagos

Vườn Quốc gia Galapagos ở Ecuado không chỉ là một VQG mà còn là một di sản thế giới, một khu dự trữ sinh quyển, và giờ đây còn là một khu dự trữ sinh thái biển. Về mặt vị trí thì VQG Galapagos nằm tách khỏi lục địa, có môi trường phù hợp cho các loài sinh vật thích nghi như Rùa, Kỳ Đà, Chim Sẻ, Xương rồng khổng lồ và họ hàng hướng dương, Chim cốc không bay, Chim bói cá và còn rất nhiều giống động thực vật khác... Những loài này mang những thông tin không gì sánh được trên thế giới về quá khứ và tương lai.

Galapagos có lẽ là một trong những nơi thuận lợi nhất trên thế giới để nghiên cứu về tiến hóa của hệ sinh thái. Được thưởng thức những quang cảnh đại dương, ven biển và đất liền. Nơi động vật hoang dã đã tiến hóa và như không có chút sợ hãi nào đối với con người đây chính là một cảm giác thật khó so sánh.

Khác với các VQG khác ở Ecuado và các nước Châu Mỹ la tinh khác, nơi có thể có người sống hợp pháp hoặc không hợp pháp trong phạm vi được bảo vệ, người dân ở Galapagos không được phép sống trong VQG. Họ tập trung ở khoảng 4% diện tích của quần đảo trên đất thuộc sở hữu tư nhân. Hầu hết khách tham quan từ đất liền đi bằng máy bay đến các đảo, sau đó đi thăm thú bằng các tua du lịch được thiết kế sẵn [11].

Các bài học kinh nghiệm được rút ra từ những mô hình du lịch sinh thái ở các VQG trên thế giới:

Từ thực tiễn phát triển DLST và kinh nghiệm quản lý các VQG trên thế giới, chúng ta có thể rút ra một số kinh nghiệm cho phát triển DLST tại các VQG:

- Cần thay đổi quan niệm của mọi người về bảo tồn và phát triển: Giáo dục tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các đối tượng trực tiếp hoặc gián tiếp sử dụng tài nguyên, đến các tầng lớp nhân dân.

- Quản lý nhằm nâng cao sức chứa du lịch: Để đảm bảo nâng cao sức chứa du lịch cho khu vực DLST đòi hỏi phải tính toán và xem xét một cách toàn diện về


các mặt văn hóa, xã hội và môi trường. Việc giải quyết mâu thuẫn giữa đảm bảo thực hiện nhu cầu của du khách và việc giảm áp lực đối với các nguồn tài nguyên là rất quan trọng trong xu thế phát triển bền vững.

- Sự tham gia của người dân trong phát triển DLST: Trong các nỗ lực nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững của DLST nói riêng và quản lý tài nguyên thiên nhiên nói chung thì sự tham gia của người dân địa phương đóng vai trò rất quan trọng. Do vậy, cần có cơ chế quản lý phù hợp để khuyến khích sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển DLST.

- Cần có chính sách phù hợp nhằm phân phối rộng rãi hơn thu nhập du lịch: Thu nhập du lịch phải được sử dụng để duy trì hoạt động du lịch và phát triển cộng đồng địa phương, tránh tình trạng thu nhập chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ, còn đa số người dân địa phương không được hưởng lợi gì từ việc phát triển DLST.

- Về tổ chức quản lý: Nguồn tài nguyên rừng tại các VQG là nguồn tài nguyên kép do vậy các VQG nên chú trọng phát triển DLST bền vững và lấy nguồn thu nhập này để đầu tư lại cho công tác bảo tồn.

- Tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong các trường học, trong cộng đồng địa phương và khách du lịch: Xây dựng mối quan hệ tương hỗ giữa khách du lịch, cộng đồng địa phương và cơ quan quản lý các khu rừng đặc dụng nhằm bảo vệ tài nguyên và phát triển du lịch bền vững.

- Khôi phục và phát triển các nghề truyền thống của địa phương phục vụ nhu cầu của khách du lịch: sản xuất đồ lưu niệm, chăn nuôi, trồng trọt... Tạo ra và duy trì thu nhập cho người dân địa phương.

b. Thực trạng phát trriển du lịch sinh thái tại các VQG ở Việt Nam

Mặc dù được đánh giá là có tiềm năng song hoạt động DLST tại các Vườn quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam nói chung và ở Vườn Quốc gia Tam Đảo nói riêng vẫn chưa phát triển xứng với tiềm năng. Các hoạt động DLST thường bao gồm: Nghiên cứu, tìm hiểu các hệ sinh thái; tham quan, tìm hiểu đời sống động thực vật hoang dã và văn hóa bản địa. Tuy nhiên, du khách đến các VQG mới chỉ tiếp cận được các hệ sinh thái rừng, các loài thực vật và một số loài côn trùng, rất hiếm khi du khách bắt gặp thú trong rừng. Có rất ít các VQG mà du khách có thể quan sát một số loài thú lớn như cầy, chồn, hươu nai,... vào ban đêm như ở VQG Cát Tiên. VQG Cúc Phương đã xây dựng khu nuôi thú bán hoang dã để bảo tồn và phục vụ khách tham quan. Khu cứu hộ các loài linh trưởng, trạm cứu hộ rùa và cầy vằn tại VQG Cúc Phương cũng là điểm dừng chân thú vị cho khách du lịch.

Các khu DLST biển nổi tiếng như Cát Bà, Hòn Mun, Côn Đảo, Phú Quốc đã và đang có kế hoạch sử dụng tài nguyên sinh vật biển để phát triển nhiều dịch vụ du lịch hấp dẫn như xem rùa đẻ trứng, khám phá các rạn san hô,...[12].


Một số VQG đã quan tâm đến việc xác định sức chứa cho khu du lịch để phục vụ công tác quản lý như VQG Côn Đảo, VQG Hoàng Liên còn lại đa số ở các VQG vấn đề về sức chứa trong du lịch chưa được quan tâm, nghiên cứu.‌‌

Một số chính sách có liên quan đến phát triển DLST đã được ban hành như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Nghị định 23/2006/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện Luật bảo vệ và phát triển rừng, Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý rừng; Quyết định số 104/2007/QĐ-BNN, ngày 27/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Quản lý các hoạt động DLST tại các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên. Mặc dù trong quá trình triển khai, các văn bản trên vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, song đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của các hoạt động DLST và bảo tồn thiên nhiên. Tuy đã có một số chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân có thể tham gia đầu tư và quản lý hoạt động DLST ở các VQG, nhưng cho đến nay hoạt động DLST ở các VQG chủ yếu vẫn do các VQG tự tổ chức, vận hành. Lợi ích từ hoạt động DLST vẫn chưa đến được với những cộng đồng địa phương một cách đầy đủ.

1.4. Những nghiên cứu về du lịch sinh thái:

1.4.1. Những nghiên cứu về du lịch sinh thái trên thế giới

Hill (2011) trong nghiên cứu “Du lịch sinh thái ở khu vực Amazon Peru: sự kết hợp giữa du lịch, bảo tồn và phát triển cộng đồng” đã đề xuất một số nguyên tắc chủ yếu nhằm đạt được thành công trong quá trình phát triển du lịch sinh thái ở khu vực rừng nhiệt đới. Cụ thể, những nguyên tắc đó là nâng cao năng lực cộng đồng thông qua việc tạo điều kiện cho họ tham gia vào hoạt động du lịch sinh thái, trao đổi nhận thức giữa cộng đồng và người điều hành tour du lịch, đồng quản lý tài nguyên rừng, kết hợp đào tạo và du lịch, giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động du lịch tới môi trường và hệ sinh thái. Nghiên cứu này nhấn mạnh mối quan hệ giữa du lịch sinh thái, bảo tồn hệ sinh thái và phát triển cộng đồng địa phương.

Apostu & Gheres, (2009) nghiên cứu về “Một số đề xuất về tổ chức và phát triển du lịch sinh thái đối với rừng đặc dụng ở Romania” đã phân tích thực trạng hoạt động DLST ở Romania và cho thấy những thiếu sót có thể chia thành hai nhóm, thiếu sót trong nội bộ ngành du lịch và thiếu sót trong việc quản lý các khu rừng đặc dụng. Đối với nội bộ ngành, vấn đề nảy sinh từ sự thất bại trong chương trình quảng bá cho môi trường sinh thái ở tất cả các cấp quản lý, đặc biệt là không có chương trình phổ biến thông tin cho cộng đồng ở những khu vực có tiềm năng lớn về DLST.

Ở các khu rừng đặc dụng, một loạt vấn đề nảy sinh nhưng không bắt nguồn từ việc không thể thực hiện được hình thức du lịch này mà nảy sinh từ thực tế thiếu


một cơ chế quản lý hợp lý môi trường tự nhiên có giá trị độc đáo và quan trọng đối với việc duy trì cân bằng sinh thái và bảo vệ đa dạng sinh học. Trong nghiên cứu “Tiềm năng du lịch sinh thái và quản lý du lịch sinh thái ở hạ lưu sông Kavak (Tây Đông Thổ Nhĩ Kỳ)”, Ozcan và đồng sự (2009) nhận thấy rằng cần phải thực hiện một hệ thống các giải pháp để có thể phát huy tối đa tiềm năng du lịch sinh thái. Các giải pháp đó bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái đáp ứng nhu cầu của du khách, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tác động tiêu cực của hoạt động du lịch sinh thái tới bảo tồn chim hoang dã, đồng thời đặt những biển quảng bá thông tin về tính đặc hữu của loài chim trong khu bảo tồn.‌

Bên cạnh đó, dù có tiềm năng du lịch sinh thái rất lớn nhưng khu vực nghiên cứu cũng chịu sự ảnh hưởng của các hoạt động của người dân sống lân cận như canh tác nông nghiệp, chăn nuôi gia súc và săn bắn. Chính vì vậy, những hoạt động nông nghiệp có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc phát triển du lịch sinh thái cần phải được loại bỏ. Samdin (2013) và đồng sự trong nghiên cứu “Sự bền vững của tài nguyên du lịch sinh thái ở vườn quốc gia Taman Negara: Phương pháp định giá ngẫu nhiên (Contingent valuation)” đã đánh giá được giá trị kinh tế của tài nguyên du lịch sinh thái ở vườn quốc gia Taman Negara. Nghiên cứu cũng đã đưa ra được khung mức bằng lòng chi trả cho dịch vụ du lịch sinh thái ở vườn quốc gia và kết luận rằng du khách bằng lòng chi trả mức phí vào cửa cao hơn so với mức phí hiện hành. Chase và đồng sự (1998) cũng áp dụng phương pháp tương tự trong nghiên cứu “Cầu về du lịch sinh thái và nguyên tắc phân biệt giá trong thu phí vào cổng vườn quốc gia ở Costa Rica”. Tuy nhiên, Chase và đồng sự không chỉ đề xuất khung mức bằng lòng chi trả mà còn xây dựng được hàm cầu về du lịch sinh thái đối với vườn quốc gia và đánh giá được độ co giãn của cầu theo thu nhập.

1.4.2. Những nghiên cứu du lịch sinh thái trong nước

Ở Việt Nam DLST cũng được sự quan tâm, chú ý từ những năm 1990 của thế kỷ 20. Các công trình nghiên cứu về DLST cũng từ đó được thực hiện. Cụ thể như:

- Những giải pháp phát triển du lịch sinh thái Việt Nam trong xu thế hội nhập, (2006), Nguyễn Thị Tú. Tác giả đã phân tích khá chi tiết điều kiện phát triển du lịch sinh thái và xu thế phát triển du lịch sinh thái Việt Nam trong xu thế hội nhập. Tuy nhiên tác giả chưa làm rõ được tiềm năng DLST tại các VQG cũng như việc quản lý và khai thác tiềm năng du lịch này.

- Du lịch sinh thái - thực trạng và giải pháp để phát triển ở Việt Nam của tác giả Nguyễn Đình Hòa (2006), Tác giả đã phân tích điều kiện và giải pháp phát triển du lịch sinh thái của Việt Nam nhưng trong nghiên cứu này tác giả cũng chưa làm nổi bật được hoạt động này của Việt Nam.


- Hoạt động du lịch sinh thái tại Việt Nam thực trạng và định hướng phát triển, (2005), các tác giả Hoàng Hoa Quân, Ngô Hải Dương đã làm rõ thực trạng hoạt động du lịch sinh thái tại Việt Nam. Tuy nhiên tác giả chưa đề cập nhiều đến mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển bền vững.‌

- Phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái, (2004), tác giả Đức Phan đã phân tích được xu hướng phát triển du lịch và đã kết luận trong tương lai du lịch hướng tới thiên nhiên, du lịch sinh thái là loại hình du lịch phổ biến trên thế giới và Việt Nam cần đón đầu được xu hướng này để phát triển ngành dịch vụ du lịch sao cho có hiệu quả.

1.4.3. Những nghiên cứu về DLST tại VQG Tam Đảo

Xung quanh vấn đề du lịch, DLST tại VQG Tam Đảo đã có một số công trình nghiên cứu như:

- Vương Văn Quỳnh, Trần Quang Bảo (2002), nghiên cứu ảnh hưởng của du lịch đến bảo vệ môi trường ở Vườn quốc gia Tam Đảo, công trình nghiên cứu này các tác giả tập trung chủ yếu đến ảnh hưởng của hoạt động động du lịch đến bảo vệ môi trường.

- Thái Đàm Dũng, (2006), Ảnh hưởng của hoạt động du lịch đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở VQG Tam Đảo, tác giả tập trung vào nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch.

- Hoàng Thị Thúy (2011), Một số giải pháp phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Tam Đảo. Tác giả sử dụng phương pháp kế thừa để thu thập các tài liệu có liên quan, sử dụng phần mềm excel và thống kê để xử lý số liệu. Đề tài tập trung vào phân tích thu - chi, tình hình kinh doanh du lịch tại VQG Tam Đảo và đưa ra được một số các giải pháp nhằm phát triển DLST. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra còn sơ sài và không cụ thể.

- Vũ Văn Quyết (2011), Ảnh hưởng của hoạt động du lịch đến môi trường ở Vườn quốc gia Tam Đảo. Quá trình thu thập và xử lý số liệu tác giả sử dụng phương pháp kế thừa, điều tra xã hội học, điều tra thực địa và tổng hợp phân tích. Đề tài đánh giá được các ảnh hưởng của hoạt động du lịch đến môi trường và đã đưa ra được tiềm năng cũng như các giải pháp phát triển DLST. Tuy nhiên, đề tài tập trung chủ yếu đến phân tích, đánh giá ảnh hưởng của hoạt động du lịch đến môi trường.

- Trần Văn Chi (2012), Phát triển du lịch sinh thái trong bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Tam Đảo, tác giả tập trung vào nghiên cứu vào mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái. Tuy nhiên, những số liệu, kết quả đưa ra còn mang tính định tính.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/04/2023