Nâng Cao Nhận Thức Của Các Đối Tác Dùng Nước Trong Lvs Đồng Nai



Một trong những giải pháp để thích ứng với BĐKH của nhiều quốc gia trên thế giới đều quan tâm đến giải pháp về mối tương tác giữa rừng với tài nguyên nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều xung đột xảy ra giữa quản lý rừng và tài nguyên nước.

LVS Đồng Nai có lợi thế là có 3 khu DTSQ thế giới với các hệ sinh thái đa dạng, đang được quản lý theo cơ chế của khu DTSQ nên việc bảo vệ các hệ sinh thái rừng cũng được quan tâm. Nhà nước đã ban hành Luật bảo vệ và phát triển rừng (năm 2014), vì thế nếu hạn chế xây dựng các công trình thủy điện mới thì diện tích rừng sẽ không bi suy giảm nhiều.

3.3.2.3. Nâng cao nhận thức của các đối tác dùng nước trong LVS Đồng Nai

Để quản lý tài nguyên nước mặt LVS Đồng Nai đáp ứng các yêu cầu của phát triển bền vững, bên cạnh các giải pháp công trình mang tính kỹ thuật nhằm xử lý việc điều tiết nước trong LVS , việc nâng cao nhận thức của các đối tác dùng nước bao gồm người dân sử dụng nước cho sinh hoạt và phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, các nhà máy thủy điện, các chủ hồ chứa nước, các doanh nghiệp, công ty sử dụng nước cho sản xuất cũng như xả nước thải ra môi trường… là rất quan trọng.

Trước hết, đối với các chủ hồ chứa cần nhận thức được trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc thực hiện nghiêm túc các quy trình của vận hành liên hồ chứa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ công bố năm 2019. Sự phối hợp chặt chẽ cũng như ứng phó nhanh trước các tình huống khẩn cấp sẽ giúp cho LVS Đồng Nai giảm thiểu các thiệt hại.

Đối với các công trình thủy điện trong LVS Đồng Nai phải thực hiện nghiêm túc trong quá trình vận hành thu và xả nước đảm bảo kỹ thuật, hạn chế mức thấp nhất việc xả lũ xuống khu vực hạ lưu của LVS, cùng chia sẻ lợi ích với các đối tác dùng nước khác, đặc biệt là đối với cộng đồng dân cư.

Đối với người dân, những người sử dụng tài nguyên nước mặt LVS Đồng Nai cho nhu cầu sinh hoạt và phát triển nông, lâm, ngư nghiệp cần sử dụng nguồn nước hợp lý, tránh lãng phí và bảo vệ nguồn nước. Các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nước cho cộng đồng có ý nghĩa trong việc sử dụng nước bền vững, hạn chế gây ô nhiễm môi trường nước.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 176 trang tài liệu này.


Các doanh nghiệp phát triển kinh tế trên địa bàn LVS Đồng Nai rất nhiều, đặc biệt khu vực phía dưới hạ lưu của LVS hàng ngày vẫn tác động thông qua việc xả thải vào môi trường nước. Bên cạnh các khu công nghiệp, nhà máy thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường thì vẫn còn tồn tại không ít các doanh nghiệp vẫn đổ thải trực tiếp ra các sông gây ô nhiễm nước. Việc tuyên truyền, xử phạt nghiêm đối với doanh nghiệp sử dụng nước lãng phí cũng như thải nước thải ra môi trường cần phải thực hiện thường xuyên và có hệ thống giám sát đảm bảo việc tuân thủ luật bảo vệ môi trường. Phía thượng lưu có các doanh nghiệp khai thác bô xít, dệt nhuộm nếu không thực hiện các biện pháp xử lý nước thải trước khi chảy ra các sông sẽ là nguy cơ lớn đối với tài nguyên nước mặt của LVS.

Đánh giá tài nguyên nước mặt lưu vực sông Đồng Nai phục vụ mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu - 19


TIỂU KẾT CHƯƠNG 3‌

Tại LVS Đồng Nai, tổng lượng nước có xu hướng tăng theo thời gian trên cơ sở lưu lượng nước nhận được từ mưa trong lưu vực sông.

Chất lượng nước mặt LVS Đồng Nai có xu hướng giảm mức độ ô nhiễm qua các năm do có những giải pháp khắc phục sự cố môi trường, giải quyết ô nhiễm từ nguồn tương đối tốt. Ô nhiễm nước mặt trên các sông trong khu vực nghiên cứu có xu hướng tăng dần về phía hạ lưu, nơi có các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội năng động và nhanh. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm nước mặt LVS vẫn cần được quan tâm và đánh giá thường xuyên để có những biện pháp bảo vệ tài nguyên nước mặt đáp ứng các quá trình phát triển bền vững.

Luận án đánh giá tính dễ tổn thương của các chỉ số khí hậu như thời kỳ khô, thời kỳ ẩm, thời kỳ nóng, thời kỳ lạnh, đây là những chỉ số khí hậu có mối liên hệ chặt chẽ với tài nguyên nước thông qua việc tiếp nhận lượng mưa, khả năng bốc hơi bởi sự thay đổi nhiệt độ….Qua kết quả phân tích, đánh giá qua hai giai đoạn 2010 – 2014 và 2015 – 2019 với chuỗi số liệu lượng mưa, nhiệt độ 30 năm của 3 trạm khí tượng Đà Lạt, Bảo Lộc, Tây Ninh (đại diện cho thượng lưu, trung lưu và hạ lưu của LVS Đồng Nai) cho thấy thời kì nóng, thời kỳ lạnh LVS Đồng Nai không bị tổn thương, thể hiện tính ổn định cao trước những thay đổi của khí hậu. Chỉ số thời kỳ khô, thời kỳ ẩm mang tính DBTT ở mức độ thấp và trung bình, nếu có tác động của BĐKH thì vẫn có khả năng phục hồi nếu kịp thời đưa ra các giải pháp sử dụng tài nguyên hợp lý. Các chỉ số này đã được SOPAC đánh giá để phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững, vì thế có thể nhận định LVS Đồng Nai có các chỉ số khí hậu mang tính bền vững cao.

Trên cơ sở phân tích mối tương quan giữa lượng mưa và lưu lượng nước trong 30 -33 năm, làm cơ sở để xây dựng kịch bản lưu lượng nước trong tương lai cho LVS Đồng Nai. Kịch bản lưu lượng nước LVS Đồng Nai được xây dựng dựa trên kịch bản BĐKH RCP 4.5 và RCP 8.5, dự báo lượng nước trong tương lai giai đoạn 2020 – 2035 và 2046 – 2065 sẽ tăng so với hiện tại, mức độ bất thường của lượng nước cũng được dự báo do độ biến thiên tăng cao.



Luận án đề xuất một số giải pháp để sử dụng tài nguyên nước mặt LVS Đồng Nai theo hướng phát triển bền vững, bao gồm các giải pháp công trình (phát triển hợp lý các công trình thủy lợi) và phi công trình (vận hành liên hồ chứa, trồng và bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức cho các đối tác dùng nước trong LVS Đồng Nai).


KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ‌

1. Kết luận‌

1. Tài nguyên nước, trong đó có tài nguyên nước mặt của các LVS đóng vai trò rất quan trọng đối với tự nhiên cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Các quan điểm nghiên cứu mang tính truyền thống và hiện đại của khoa học Địa lí đã được vận dụng trong nghiên cứu đề tài luận án là các quan điểm: hệ thống, tổng hợp, lãnh thổ, phát triển bền vững, thực tiễn. Bên cạnh các phương pháp nghiên cứu truyền thống của khoa học Địa lí, tác giả luận án còn đặc biệt quan tâm, sử dụng các phương pháp nghiên cứu khác như phương pháp đánh giá chất lượng nước sông, phương pháp đánh giá tính dễ bị tổn thương của môi trường, phương pháp phân tích hồi qui và tương quan, phương pháp GIS….

2. Các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội đều có ảnh hưởng đến tài nguyên nước mặt của LVS Đồng Nai. Chất lượng nước của LVS ở 12 điểm quan trắc cho thấy nước đã bị ô nhiễm từ mức nhẹ đến trung bình, mức độ ô nhiễm tăng dần về phía hạ lưu và giảm dần qua các năm gần đây do được đầu tư công nghệ xử lý nước thải, kiểm soát nguồn thải tốt hơn và khắc phục nhiều sự cố môi trường. Chất lượng nước bị suy giảm do các hoạt động phát triển kinh tế của các khu công nghiệp, nhà máy, làng nghề, hoạt động cảng, khai khoáng và canh tác trong nông nghiệp …

3. Các chỉ số dễ tổn thương của nhóm yếu tố khí hậu (thời kỳ khô, thời kỳ ẩm, thời kỳ nóng, thời kỳ lạnh) trong LVS Đồng Nai được đánh giá định lượng cho thấy đều ở mức độ tổn thương thấp, khả năng phục hồi cao nếu có tác động của BĐKH qua phân tích, đánh giá chuỗi số liệu 30 năm (1985 – 2014) và mở rộng cho giai đoạn (2015 – 2019). Tính DBTT tăng dần từ thượng lưu về hạ lưu của LVS.

4. Trên cơ sở phân tích xu thế mưa và lưu lượng nước trong giai đoạn nhiều năm, luận án đã xác định được mối tương quan giữa hai yếu tố này, làm cơ sở để xây dựng kịch bản lưu lượng nước cho hai giai đoạn 20 năm trong tương lai (2016 – 2035) và (2046 – 2065) dựa vào số liệu mưa của kịch bản RCP 4.5 và RCP 8.5. Kết quả cho thấy trong tương lai, lưu lượng nước sẽ tăng so với hiện tại, tính biến động



cao thể hiện ở cả hai kịch bản RCP4.5 và RCP.85, song sự chênh lệch độ biến thiên ở hai kịch bản này không lớn. Tuy nhiên, dù áp dụng cho kịch bản nào thì lượng nước trong LVS sẽ tăng, điều này vừa mang lại lợi ích cho LVS nhưng đồng thời cũng là thách thức khi lượng nước nhiều mà không được điều tiết tốt sẽ dẫn đến hiện tượng lũ lớn bất thường, ảnh hưởng đến đời sống và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của con người.

2. Kiến nghị‌

Để phát triển bền vững LVS Đồng Nai, tác giả luận án xin đề xuất một số kiến nghị sau đây:

1. Nhà nước cần xem xét, đánh giá lại các các quy hoạch phát triển vùng, phát triển ngành và của các tỉnh, thành phố trong LVS Đồng Nai có sử dụng tài nguyên nước trong quy hoạch. Đặc biệt, hạn chế phê duyệt mới đối với các quy hoạch phát triển thủy điện dựa trên nguồn tài nguyên nước của LVS vì hiện nay LVS Đồng Nai đang quá tải bởi các công trình thủy điện. Nếu tiếp tục phát triển thêm các công trình thủy điện sẽ tác động xấu đến môi trường cũng như sự ổn định trong LVS. Cần lưu ý là việc gia tăng các hồ chứa thủy điện sẽ làm tăng tổn thất tài nguyên nước (tăng lượng bốc hơi từ diện tích mặt thoáng của các hồ chứa, tăng tổn thất do thấm…)

2. Đối với các khu công nghiệp, nhà máy, làng nghề, khu dân cư, đặc biệt ở khu vực hạ lưu của LVS cần sớm hoàn thiện các công trình và quy trình xử lý nước thải trước khi cho chảy ra sông. Hiện nay đã có thực hiện nhưng chưa đồng bộ và chưa đủ xét trên phạm vi toàn lưu vực. Các chế tài xử phạt gây ô nhiễm môi trường nước phải được thực hiện quyết liệt hơn. Áp dụng công nghệ cao để xử lý chất thải, nước thải và khắc phục sự cố môi trường kịp thời, hạn chế mức thấp nhất của ô nhiễm môi trường nước. Việc thực thi các biện pháp xử lý ô nhiễm nêu ra trong các báo cáo Đánh giá tác động môi trường cần được kiểm tra thường xuyên và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan.

3. Thúc đẩy quá trình phối hợp hành động của các tỉnh, thành phố, của các chủ hồ chứa nước để thực hiện Quyết định số 1895/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính



phủ ngày 25 tháng 12 năm 2019 trong việc thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai nhằm nâng cao năng lực quản lý, vận hành liên hồ, điều tiết nước để kịp thời giải quyết các bài toán vận hành hồ chứa theo đúng quy trình. Đồng thời, trong quá trình thực hiện nếu phát hiện có nội dung cần sửa đổi, bổ sung thì phải kiến nghị kịp thời với các cơ quan chức năng.

4. Tiếp tục thực hiện phủ xanh đất trống đồi núi trọc, trồng rừng và bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng ở khu vực thượng nguồn của LVS Đồng Nai để giữ tính ổn định của các yếu tố khí hậu, hạn chế tác động bất lợi của BĐKH, hạn chế lũ và tổn thất nước. Chúng ta đều biết là trong bối cảnh BĐKH, những hiện tượng cực đoan (lũ, hạn) đều gia tăng cả về tần suất và cường độ. Bởi vậy, bảo vệ và tăng cường lớp phủ rừng rất có ý nghĩa trong việc điều tiết lại dòng chảy: tăng lượng nước trong mùa cạn và giảm lượng nước trong mùa lũ.

5. Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, cộng đồng về trách nhiệm sử dụng nguồn nước hợp lý, an toàn, tuân thủ Luật bảo vệ môi trường.


DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ‌


1. Vũ Thị Hằng (2016), Một số phương pháp đánh giá tài nguyên nước mặt cho các lưu vực sông. Kỷ yếu Hội thảo Địa lí toàn quốc

2. Vu Thi Hang (2018), Assessment on the environmental vulnerability through the climate indexes of Dong Nai river basin, HNUE. Issue 6

3. Vu Thi Hang (2019), Water quality assessment of Dong Nai river basin.

HNUE. Issue 10.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/03/2024