Một Số Hình Ảnh Tại Bãi Biển Minh Châu (Ảnh: Tác Giả)

Bãi Bể Thính (bãi Robinson) có chiều dài khoảng 3km tương tự như bãi Sơn Hào,

Bãi Rùa (bãi Cồn Trũi) tiếp giáp bãi Minh Châu cát trắng, sóng to, đây cũng là nơi các loài rùa biển thường lên đẻ trứng thích hợp cho những du khách thích khám phá và trải nghiệm. (UBND huyện Vân Đồn, 2014)

Nhìn chung, các bãi biển trên đảo Quan Lạn đều mang những điều kiện thuận lợi như cát trắng mịn, nước biển trong, phù hợp để phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái.


Hình 4-5: Một số hình ảnh tại bãi biển Minh Châu (Ảnh: Tác giả)

* Dạng địa hình đặc biệt

Eo Gió hay còn gọi là Eo Gió Gót Beo là một mũi đá nằm ở cực Nam đảo Quan Lạn, thuộc địa phận thôn Yến Hải, xã Quan Lạn. Đây là địa điểm mới bắt đầu thu hút khách du lịch chỉ trong khoảng 5 năm gần đây. Thắng cảnh này là một dải núi cao, một bên là rừng, một bên là biển, ở giữa là hõm đá sâu tự nhiên tạo thành eo hút gió. Eo Gió thường hút gió Nam vào mùa hè, thời điểm ban đêm hoặc sáng sớm có những gió thổi rất mạnh qua những khe núi, tạo nên tiếng hú lớn. Nếu nhìn trên bản đồ, mũi đá có hình dạng giống gót giày, gót ủng, vì thế từ xa xưa, nơi đây đã được đặt tên là Gót Beo, vốn là từ cổ, địa phương chỉ điểm cuối cùng của thôn. (UBND huyện Vân Đồn, 2014)

Để đến được Eo Gió, từ trung tâm xã Quan Lạn đi khoảng 6km trên đường mòn hướng về phía đền Cậu Cửa Đông, sau đó đi bộ tiếp khoảng 600m theo con đường xuyên rừng. Đây là một thắng cảnh còn giữ nguyên được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ mà tạo hóa ban tặng. Eo Gió như một mũi đá hình yên ngựa, có điểm lõm, lồi nhô ra biển, nơi đây có tầm nhìn đẹp, khoáng đạt hướng ra biển với các thớ đá xếp hình như những chiếc đĩa lớn chồng lên nhau khá kỳ thú.

Hình 6 Eo gió Gót Beo Ảnh Baoquangninh Hình 7 Dòng sông đôi bờ cát trắng 1

Hình 6: Eo gió Gót Beo (Ảnh: Baoquangninh)

Hình 7: Dòng sông đôi bờ cát trắng (Ảnh: tác giả)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.

b Khí hậu Đây cũng là yếu tố quan trọng cho phát triển du lịch biển du lịch 2


b. Khí hậu

Đây cũng là yếu tố quan trọng cho phát triển du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng. Đảo Quan Lạn nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa thuận lợi cho phát triển du lịch, nhưng cũng gây ra tính mùa vụ du lịch nơi đây bởi sự xuất hiện của mùa đông từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Vì vậy, du lịch tắm biển, tham quan tại đảo chủ yếu sầm uất vào mùa hè từ tháng 4 đến tháng 6, 7 dương lịch.

c. Đa dạng sinh học

Một số hệ sinh thái điển hình tại đảo Quan Lạn bao gồm: Hệ sinh thái rừng ngập mặn với quy mô khoảng 30ha có vai trò, điều hoà khí hậu, kiến tạo cảnh quan ven bờ, bảo vệ hệ thống đê và chống xói mòn, xâm nhập mặn. Đây cũng là nơi tập trung nhiều loại hải sản có giá trị như cầu gai, hải sâm, ngao và sá sùng. Hệ sinh thái rong cỏ biển tập trung tại các bãi ven bờ quy mô khoảng 100ha với các loài như Halophila ovalis, Zostera japonica. Hệ sinh thái rừng trâm diện tích khoảng 14ha, trải dài gần 5km theo hình vòng cung phủ kín cồn cát. Đây được đánh giá là một trong những rừng trâm tự nhiên lớn nhất Việt Nam với độ thuần chủng trên 90% (Phạm Quang Tuấn và nnk, 2015).

Sự đa dạng của các hệ sinh thái trên đảo góp phần làm phong phú các nguồn hải sản, làm tăng giá trị, chất lượng các đặc sản địa phương cũng như tạo cảnh quan môi trường. Các hệ sinh thái này sẽ là cơ sở để tổ chức các tour du lịch thám hiểm, đi bộ dã ngoại, cắm trại kết hợp bảo tổn, nghiên cứu khoa học.

Với không khí trong lành, các hệ sinh thái điển hình cả về quy mô và cấu trúc, bãi cát biển mềm mại đã tạo cho đảo Quan Lạn những điểm mạnh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Đến với đảo du khách không chỉ tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu giá trị tự nhiên đặc sắc mà còn được tắm biển và thưởng thức những món ăn ngon chế biến từ hải sản tươi ngay trên bãi biển.

1.4.3.2. Tài nguyên du lịch nhân văn

Di tích lịch sử: từ thế kỷ XI, Quan Lạn đã trở thành thương cảng sầm uất và thịnh vượng của Vân Đồn. Hiện nay, trên đảo vẫn còn lưu giữ những di tích của Bến thuyền cổ như bến Cái Làng, bến Cống Cái thuộc xã Quan Lạn và bến Con Quy xã Minh Châu. Di chỉ còn lại của các bến thuyền cổ là mảnh gốm, bát đĩa từ thời Đường – Tống của Trung Quốc, tiền Việt từ thời Lý, Trần và Lê.

Quan Lạn là mảnh đất gắn liền với truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Năm 1990 cụm di tích Quan Lạn được Bộ Văn hoá – Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao – Du lịch) xếp hạng với hệ thống Đình – Chùa - Miếu - Nghè công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

- Đình Quan Lạn: Lúc đầu đình Quan Lạn được dựng gần bến Cái Làng, trung tâm thương cảng Vân Đồn, sau này vào những năm 1890 – 1900 đình được chuyển về xây dựng tại vị trí như ngày nay (thôn Đoài, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn). Đình tựa thế năm ngọn núi cao tạo thành hình ngũ nhạc. Người Quan Lạn từ xưa tới nay rất tự hào khi chọn được vị thế “Tiền Tam thai, hậu Ngũ nhạc” cho ngôi đình làng của mình. Đình Quan Lạn thờ Thành Hoàng Làng, các vị tiên công có công lập ấp dựng làng, sau đó thờ Trần Khánh Dư, vị tướng đã có công lớn trong trận đánh đoàn thuyền lương giặc Nguyên – Mông và rất gắn bó với vùng đảo này. Tượng Trần Khánh Dư là pho tượng lớn nhất trong đinh cao 157cm, trong thế ngồi ngai, hai tay đặt trên đùi. Ngoài ra, đình còn thờ Dương Khổng Lộ và “tứ vị thánh nương” là những vị thần được truyền tụng thường che chở cho những người đi biển. (UBND huyện Vân Đồn, 2014)

- Chùa Quan Lạn: Chùa nằm bên cạnh đình Quan Lạn (hay còn gọi Linh Quang Tự), theo hướng Đông Nam. Chùa có kiến trúc giản dị với 3 gian. Ngoài cùng là tam quan, sau đến bái đường và hậu cung. Chùa Quan Lạn thờ Phật,công chúa Liễu Hạnh và cụ Hậu. Tương truyền cụ Hậu là một bà lão ở Quan Lạn không chồng con, sinh thời hiền lành, phúc đức, chăm chỉ làm ăn để dành một số tiền của. Cụ Hậu đã dâng toàn bộ tài sản của mình cho nhà chùa. Dân làng đã tạc tượng cụ Hậu - là bức tượng dân gian khá đặc sắc còn lưu giữ và thờ trong chùa. (UBND huyện Vân Đồn, 2014)

- Miếu, nghè Quan Lạn: Nghè nằm về phía đông bắc của đảo Quan Lạn trên trục đường chính Quan Lạn đi Minh Châu cách đình khoảng 1,2km. Nghè cũ sau khi bị hỏng đến năm 1986 được xây dựng lại khang trang, dân làng long trọng rước Bài vị, sắc phong đức thánh về an toạ tại nghè. Hàng năm vào ngày 16/6 âm lịch, dân làng làm lễ rước bài vị, sắc phong của ngài từ nghè về đình tổ chức hội chèo bơi truyền thống và ngày 19/6 âm lịch làm lễ xa giá hoàn cung rước bài vị, sắc phong của ngài về nghè. Nghè và đình Quan Lạn có mối quan hệ gắn bó, mật thiết trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư địa phương. Đám rước

từ nghè về đình và hội đua thuyền Quan Lạn là biểu hiện sinh động cho mối quan hệ nói trên. Miếu Quan Lạn gồm ba ngôi miếu thờ ba anh em họ Phạm, đó là: Miếu Đức Ông thờ Phạm Công Chính, Miếu Sao Ỏn thờ Phạm Quý Công Và Miếu Đông Hồ thờ Phạm Thuần Dụng, là bộ tướng của Trần Khánh Dư đã chiến đấu dũng cảm và hi sinh trong trận Vân Đồn – Cửa Lục chống quân xâm lược Mông Nguyên. (UBND huyện Vân Đồn, 2014)

- Đền thờ Trần Khánh Dư thuộc địa phận xã Quan Lạn, nằm cách Đình Quan Lạn khoảng 1,5 km là một công trình kiến trúc nhỏ hình chữ Nhất, tương truyền được dựng lại trên phủ cũ của ông.


Hình 8 Đình Quan Lạn Ảnh tác giả Hình 9 Đền thờ Trần Khánh Dư Ảnh tác 3

Hình 8 Đình Quan Lạn Ảnh tác giả Hình 9 Đền thờ Trần Khánh Dư Ảnh tác 4

Hình 8: Đình Quan Lạn (Ảnh: tác giả)

Hình 9: Đền thờ Trần Khánh Dư (Ảnh: tác giả)

- Thương cảng cổ Vân Đồn: Vị trí chính xác của bến cảng cổ nằm ở vụng Cái Làng thuộc phía đông bắc xã Quan Lạn - nay là cảng cát Vân Hải. Được hình thành năm 1149, là thương cảng biển đầu tiên của Việt Nam. Thương cảng Vân Đồn xưa là một hệ thống bến cảng phân bố trên nhiều hòn đảo cách biệt nhau trong vùng vịnh Bái Tử Long: Bến Cái Làng, Cống Cái, Con Quy, Cống Hẹp, Cống Đông, Thiếu Cống, Gạo Rang, Vạn Ninh, trong đó trung tâm là hai bến Cái Làng và Cống. Quy mô lớn của thương cảng Vân Đồn một thời sầm uất đã được các nhà khảo cổ ghi nhận qua việc phát hiện nhiều bến bãi với đồ gốm và tiền đồng nhiều triều đại, trên suốt một dải đảo từ Cống Đông, Cống Hẹp, Cống Yên, Ngọc Vừng đến Minh Châu, Quan Lạn..... (Qua các dấu tích nền nhà cổ thường bắt gặp những hũ sành đựng tiền đồng cổ thuộc các thời đại phong kiến Trung Quốc từ nhà Đường tới nhà Thanh; tiền Việt Nam từ nhà Lý tới nhà Nguyễn.) Tại khu cảng cổ còn có một khẩu giếng có tên gọi nôm là na là giếng Hệu, hay còn gọi là giếng Nàng tiên nằm sát bên bờ vụng, quanh năm đầy nước. Đó là một trong những yếu tố góp phần khẳng định thêm rằng Cái Làng là một bến thuyền buôn cổ của bến thuyền cổ của cảng Vân Đồn. (UBND huyện Vân Đồn, 2014)

Lễ hội Vân Đồn (hay còn gọi là lễ hội Quan Lạn): Nguồn gốc của lễ hội là từ Hội làng của người dân đảo Quan Lạn, mang đậm nét văn hóa truyền thống vùng biển đảo Đông Bắc tổ quốc. Ngoài phần lễ tổ chức rước bài vị Trần Khánh Dư từ nghè vào đình tôn

nghiêm, còn diễn ra lễ hội đua thuyền. Hội tái hiện lại trận chiến đấu oanh liệt, vang dội, mở đầu cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc Việt Nam, lần thứ 3 chống lại quân Nguyên Mông xâm lược. Dưới sự chỉ huy tài tình của Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư năm 1288, trên dòng sông Mang lịch sử, quân ta đã tập kích và đánh tan đoàn thuyền lương chở 17 vạn hộc lương thực của giặc Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy, cắt đứt hoàn toàn hậu cần tiếp tế cho cuộc chiến tranh xâm lược của quân Nguyên.

Lễ hội được tổ chức từ ngày 10 tới 20 tháng 6 âm lịch hàng năm tại đảo Quan Lạn. Vào ngày 10/6, sáng sớm treo cờ thần lớn trước cửa đình làng báo hiệu khóa làng, dân làng không ai được rời đảo đi đâu, những người xa quê và khách thập phương được về đảo dự hội. Trong ngày này làm lễ thay áo, cải lịch cho các nhân thần thờ trong đình, đền; công bố các quy định của Hội làng, phân công người chuẩn bị lễ hội để cả làng biết. Ngày 14/6 từng giáp tổ chức tiệc rượu cho tất cả nam giới trong thôn (từ 3 tuổi trở lên). Sang ngày 15/6 Ban tổ chức lễ hội sẽ chuẩn bị thuyền rồng để nghênh thần, lựa chọn người bơi chèo. Ngày 16/6 là chính hội, trong ngày này các hoạt động trong ngày gồm: rước thần về đình dự hội làng, rước tới Nghè Trần Khánh Dư tế lễ rồi lại rước trở về đình làng. Buổi chiều các gia đình làm cơm cúng tổ tiên, ông bà. Canh 3 làm lễ tế Thánh ở đình để mời các vị về dự hội và phù hộ cho dân chúng được bình yên, mùa màng bội thu. Đến ngày 17/6 rước binh khí sang miếu Đức ông Phạm Công Chính tế lễ. Cùng thời gian, tại các chùa, miếu khách tổ chức các trò chơi. Và ngày 18/6, kỉ niệm ngày chiến thắng trên sông Mang, tổ chức lễ hội đua thuyền. Ngày 19/6, chuẩn bị lễ vật để cúng ngày hôm sau và khao quân. Ngày 20/6, làm lễ cầu bình yên, hóa mã, rước bài vị Thành hoàng về nghè, các gia đình làm cơm cúng tổ tiên, kết thúc Hội. Những năm gần đây, ngoài phần lễ, phần hội ở lễ hội này có nhiều trò chơi dân gian và hoạt động thể thao, văn hóa như kéo co, đánh vật, bóng chuyền, cờ người, thi người đẹp, thi văn nghệ… (UBND huyện Vân Đồn, 2014)

Lễ hội đình Quan Lạn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia tại Quyết định số 4587/QĐ-BVHTT&DL ngày 20/12/2019. Có thể nói, đây là lễ hội lớn và nổi tiếng nhất ở Huyện Vân Đồn. Thời điểm tổ chức lễ hội lại vào đúng mùa thuận lợi cho tổ chức các hoạt động du lịch. Vì vậy, nếu khai thác tốt đây là sản phẩm du lịch độc đáo, có sức hấp dẫn lớn đối với du khách, nhất là du khách nước ngoài. Các di tích lịch sử văn hóa và các lễ hội của đảo Quan Lạn là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú và có giá trị đối với hoạt động du lịch, đặc biệt là đối với du lịch tâm linh và giáo dục truyền thống. Đây là điều kiện thuận lợi đối với việc đầu tư xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Không chỉ thế, việc khai thác các điểm di tích, lễ hội này còn có thể gắn với các di tích, lễ hội khác trong tỉnh Quảng Ninh và địa phương lân cận là Hải Dương, nối đến Hà Nội thành tuyến du lịch tâm linh, giáo dục truyền thống có ý nghĩa quốc gia và quốc tế.

Để xác định và đánh giá sức tải môi trường du lịch đảo Quan Lạn cần dựa trên các luận chứng khoa học. Chính vì vậy, trong chương này tác giả đã tổng quan cơ sở lý luận cũng như các công trình nghiên cứu về đánh giá sức tải cho môi trường nói chung và hoạt động du lịch nói riêng, cụ thể:

Nghiên cứu và tổng quan các cơ sở lý luận về khái niệm, mục tiêu phát triển du lịch bền vững cũng như các khái niệm, ý nghĩa, vai trò của đánh giá sức tải môi trường.

Nghiên cứu các công trình khoa học của các tác giả trên thế giới và Việt Nam và một số bài học kinh nghiệm phát triển du lịch đảo.

Nhìn chung, việc nghiên cứu, đánh giá sức tải môi trường đã được thực hiện từ lâu trên các vùng lãnh thổ có quy mô khác nhau. Đảo Quan Lạn là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng kinh tế - xã hội thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch phong phú gồm: du lịch tham quan, nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí cao cấp, du lịch tâm linh và giáo dục truyền thống…. Việc đánh giá sức tải môi trường du lịch đảo Quan Lạn sẽ góp phần đưa ra được kết luận về mức độ quá tải của hoạt động du lịch, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp hướng tới phát triển du lịch bền vững đảo.

Chương 2: ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, QUAN ĐIỂM VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là hiện trạng môi trường và thực trạng các hoạt động phát triển du lịch dựa trên đánh giá các tiêu chí sức tải môi trường du lịch tại đảo Quan Lạn.

Đối tượng khảo sát:

- Phỏng vấn: Hộ dân sống trên đảo Quan Lạn; Du khách đến đảo Quan Lạn, cán bộ thuộc cơ quan quản lý môi trường, du lịch.

- Khảo sát chất lượng môi trường tại khu vực nghiên cứu khi chịu tác động của hoạt động du lịch.

2.2. Phạm vi nghiên cứu

- Về phạm vi khoa học: hoạt động du lịch và sức tải môi trường du lịch trên đảo Quan

Lạn.

- Về không gian: Đề tài nghiên cứu trên địa bàn đảo Quan Lạn (bao gồm 02 xã Quan

Lạn và Minh Châu, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh).

- Về thời gian:

+ Số liệu thứ cấp được sử dụng trong đề tài là giai đoạn 2015 – 2019, đặc biệt do tình hình dịch Covid đầu năm 2020, hoạt động du lịch ở đảo bị đình trệ, bởi vậy số liệu được lấy theo mùa du lịch 2019 và có cập nhật theo tình hình du lịch tháng 6 năm 2020.

+ Số liệu sơ cấp được điều tra tháng 9/2019, tháng 1 và 5/2020

2.3. Nội dung nghiên cứu

Đề tài tập trung vào các nội dung sau:

1. Đánh giá sức tải môi trường nói chung và môi trường du lịch nói riêng đã được thực hiện từ lâu ở nhiều vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc đánh giá được sức chứa của một điểm đến du lịch sẽ góp phần xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch theo định hướng phát triển bền vững.

2. Quan Lạn là đảo ven bờ phía Đông Nam tỉnh Quảng Ninh, có tiềm năng phát triển du lịch nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội đặc sắc của địa phương. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động du lịch ở Quan Lạn hiện nay chưa phát triển thực sự tương xứng với tiềm năng du lịch: doanh thu thấp, các sản phẩm du lịch còn đơn điệu; tài nguyên du lịch có nguy cơ bị suy thoái.

3. Trên cơ sở thu thập thông tin dữ liệu và nghiên cứu các công trình khoa học đã được công bố trên thế giới và Việt Nam, tác giả xác lập và lựa chọn bộ chỉ số đánh giá sức

tải môi trường du lịch đảo Quan Lạn.

4. Trên cơ sở đánh giá thực trạng hoạt động du lịch và sức tải môi trường du lịch đảo Quan Lạn, đề xuất các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực hoạt động du lịch, đảm bảo sức tải môi trường, hướng tới phát triển du lịch bền vững.

2.4. Phương pháp tiếp cận

Các quan điểm tiếp cận nghiên cứu bao gồm:

- Quan điểm tiếp cận hệ thống: Theo cách tiếp cận này, việc nghiên cứu đánh giá sức tải môi trường du lịch sẽ được tiến hành một cách đồng bộ trên các khía cạnh môi trường, xã hội, kinh tế và quản lý nhà nước.

- Quan điểm tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng, khách du lịch và các bên liên quan đến hoạt động du lịch: Với cách tiếp cận này, tác giả sẽ có được các thông tin, thấy được sự mong muốn của khách du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch, cộng đồng địa phương và các bên liên quan với hoạt động du lịch đảo, góp phần cung cấp cái nhìn đa chiều về vấn đề nghiên cứu, từ đó có các định hướng đúng đắn về phát triển du lịch đảo Quan Lạn.

- Quan điểm kinh tế sinh thái: Hoạt động du lịch là một hoạt động kinh tế, đem lại nguồn thu cho địa phương. Tuy nhiên, tiếp cận kinh tế du lịch theo hướng sinh thái được hiểu đó là phát triển du lịch cần gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và duy trì cảnh quan tự nhiên, nguyên sơ của địa phương.

- Quan điểm tiếp cận phát triển bền vững: Phát triển du lịch phải gắn liền với việc đảm bảo phát triển kinh tế nhưng vẫn giữ ổn định về xã hội đồng thời bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường. Việc đánh giá các hoạt động du lịch dưới góc độ phát triển bền vững sẽ giúp tác giả đề xuất được các định hướng và giải pháp phát triển du lịch đảo Quan Lạn theo hướng bền vững.

2.5. Phương pháp nghiên cứu

2.5.1. Phương pháp điều tra khảo sát thực địa, thu thập thông tin

2.5.1.1. Thông tin và số liệu thứ cấp

Thu thập thông tin từ các báo cáo tổng hợp, báo cáo kinh tế, xã hội, du lịch, môi trường của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, của Ủy ban nhân dân, Phòng Tài nguyên Môi trường, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Vân Đồn, Ủy ban nhân dân các xã Minh Châu, Quan Lạn, các báo cáo và kết quả nghiên cứu của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã công bố trên các tạp chí chuyên ngành, các kỷ yếu hội nghị, hội thảo, internet…

2.5.1.2. Thông tin và số liệu sơ cấp

Kết hợp sử dụng bảng hỏi và phỏng vấn theo các phiếu điều tra đã được chuẩn bị sẵn đối với 130 người (80 người dân tại địa phương và 50 khách du lịch)

Xem tất cả 116 trang.

Ngày đăng: 07/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí