Phương Pháp Lấy Mẫu, Phân Tích Trong Phòng Thí Nghiệm

a. Đối với cộng đồng địa phương

- Đối tượng điều tra: Chủ và nhân viên các cơ sở lưu trú, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh khác và dân cư trên đảo lao động trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, khai thác và nuôi trồng thủy hải sản.

- Nội dung điều tra: Du lịch có tạo ra cơ hội việc làm và tăng thu nhập, những khó khăn khi tham gia kinh doanh du lịch, du lịch có tác động gì đến kinh tế xã hội và môi trường

b. Đối với khách du lịch

- Đối tượng điều tra: Các đối tượng khách du lịch (theo tour và tự do) đến tham quan du lịch đảo Quan Lạn

- Nội dung điều tra: Lý do chọn Quan Lạn là điểm đến du lịch, thời gian lưu trú và mức chi tiêu, mức độ hài lòng khi du lịch….

2.5.2. Phương pháp chuyên gia

- Đối tượng tham vấn:

+ Người làm công tác quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động du lịch tại Phòng Văn hóa thông tin, Phòng Tài nguyên môi trường, UBND xã Minh Châu, xã Quan Lạn

+ Người làm công tác quản lý và nghiên cứu lĩnh vực du lịch tại Khoa Du lịch, Đại học Hạ Long, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn tài nguyên tại Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bái Tử Long.

- Nội dung tham vấn: Đảo Quan Lạn có những tiềm năng gì để khai thác phát triển du lịch, các cơ hội có thể tạo ra từ phát triển du lịch; các trở ngại ảnh hưởng đến phát triển du lịch, tác động của việc phát triển du lịch đến kinh tế, xã hội và môi trường; các chỉ tiêu phù hợp để đánh giá sức tải môi trường du lịch, lựa chọn giải pháp để phát triển du lịch bền vững đảo Quan Lạn…

- Cách thức thu thập dữ liệu: tác giả trực tiếp xin ý kiến các nhà quản lý

2.5.3. Phương pháp lấy mẫu, phân tích trong phòng thí nghiệm

Trong quá trình khảo sát thực địa, tác giả sử dụng phương pháp lấy mẫu tại hiện trường và phân tích trong phòng thử nghiệm theo các TCVN và Quốc tế về môi trường để xác định các thông số về hiện trạng chất lượng môi trường không khí, môi trường nước tại khu vực nghiên cứu. Quá trình lấy mẫu và phân tích được tác giả thực hiện cùng các cán bộ Trung tâm Phân tích FPD ngày 09/5/2020. Trung tâm địa chỉ tại phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long có phòng thử nghiệm đạt chuẩn Quốc gia (Vilas 475) và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường (Vimcert 043).

2.5.4. Phương pháp phân tích thống kê

Phương pháp này được vận dụng để tổng hợp tất cả các tài liệu, số liệu thu thâp được; sau đó phân tích để đưa ra được số liệu cần cho đề tài trên nguyên tắc tất cả các tài liệu, số liệu thích hợp và chính xác.

2.5.5. Phương pháp đánh giá

Việc lựa chọn các chỉ tiêu đo lường và đánh giá sức tải môi trường du lịch cho đảo Quan Lạn được thực hiện theo quy trình như sau:

- Bước 1: Xem xét, rà soát các chỉ tiêu hiện có: Bước này được tiến hành chủ yếu dựa trên việc nghiên cứu các tài liệu của các tổ chức và cá nhân có uy tín về đánh giá sức tải nói chung và đánh giá sức tải môi trường du lịch nói riêng. Có thể kể đến như bộ chỉ tiêu đánh giá sức tải du lịch cho vùng ven biển Mediterranean do UNEP-PAP biên soạn năm 1997, bộ chỉ tiêu của Coccossis và Mexa (2004), bộ chỉ tiêu của Shweta Y. Kurhade (2013), bộ chỉ tiêu của Ravi Sharma (2016)….

- Bước 2: Sàng lọc, lựa chọn các chỉ tiêu: Để đảm bảo đánh giá một cách toàn diện, tác giả đã tiến hành tham vấn ý kiến chuyên gia từ các nhà quản lý có liên quan đến hoạt động du lịch đảo Quan Lạn để sàng lọc các chỉ tiêu dựa trên mức độ phù hợp với vấn đề nghiên cứu, từ đó phân loại các chỉ tiêu cụ thể bao gồm:

- Các vấn đề về kinh tế: (i) Đảo Quan Lạn chưa xây dựng được sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút khách lưu trú dài ngày, mức độ đáp ứng nhu cầu của khách còn thấp nên tỷ lệ khách du lịch hài lòng và quay trở lại Đảo chưa cao (ii) Công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đảo du lịch chưa mạnh và không đa dạng, tỉ lệ hiện diện trong các sự kiện truyền thông du lịch còn ít nên khách du lịch biết đến Quan Lạn chưa nhiều, đặc biệt là khách quốc tế; (iii) Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch cũng như nhân viên phục vụ ở các nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng hầu như chưa có chuyên môn, nghiệp vụ.

- Các vấn đề về xã hội: (i) Tỉ lệ cộng đồng địa phương có tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến và giám sát thực hiện các dự án đầu tư, phát triển du lịch tại địa phương còn thấp; (ii) Tỉ lệ việc làm trong ngành du lịch dành cho người dân địa phương trên tổng số lao động địa phương còn thấp

- Các vấn đề môi trường: (i) Công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác còn nhiều điểm bất cập; (ii) Nhiều cơ sở lưu trú chưa có hệ thống thu gom và xử lý chất thải; (iii) Tỉ lệ đóng góp từ ngành du lịch cho công tác bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường còn thấp.

Trên cơ sở tham khảo các vấn đề đã nêu ở trên, tác giả lựa chọn các tiêu chí phù hợp với đối tượng nghiên cứu là đảo Quan Lạn. Kết hợp với nguồn dữ liệu thu thập và phân tích được, tác giả tiến hành đánh giá sức tải môi trường du lịch theo phương pháp đánh giá bán định lượng, đối sánh với các quy chuẩn cho phép, từ đó phân tích mức độ và khả năng sức tải môi trường du lịch tại đảo Quan Lạn.

Chương 3: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Hiện trạng phát triển du lịch trên đảo Quan Lạn

3.1.1. Sản phẩm du lịch đảo Quan Lạn

Hiện nay trên đảo chủ yếu đang khai thác loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển với các hoạt động nghỉ ngơi, tắm biển, thưởng thức các loại hải sản đặc trưng của vùng. Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, khí hậu, địa chất địa mạo bao gồm các bãi biển đẹp, các điểm tham quan như bãi đá trời, cồn Chân Tiên, rừng Trâm, đồi cát pha lê, eo gió Gót Beo… đảo Quan Lạn là nơi nghỉ dưỡng phù hợp cho du khách. Loại hình du lịch này phù hợp với mọi đối tượng du khách ở các độ tuổi khác nhau, tuy nhiên, do sản phẩm du lịch chưa thực sự có điểm nhấn và sự khác biệt nên khả năng cạnh tranh chưa cao. Khách du lịch đến với Quan Lạn thường thông qua các tuyến lồng ghép với các điểm du lịch khác, thời gian lưu trú thực tế trên đảo không dài. Ngoài ra, loại hình du lịch này chịu tác động bởi khí hậu nên có tính mùa vụ rõ rệt. Nhìn chung, sản phẩm du lịch của đảo Quan Lạn hiện nay còn thiếu về số lượng, chưa đa dạng và hấp dẫn, chưa làm nổi bật được các giá trị của tài nguyên du lịch.

Một loại hình du lịch mới được đưa vào phát triển tại đảo Quan Lạn trong những năm gần đây đó là du lịch sinh thái cộng đồng. Năm 2016, Quan Lạn là một trong những địa phương được tỉnh Quảng Ninh thí điểm xây dựng mô hình phát triển du lịch sinh thái. Đây là một phần trong giai đoạn 2 của “Dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh khu vực Vịnh Hạ Long” do UBND tỉnh Quảng Ninh hợp tác với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Theo đó, các chuyên gia JICA đã xây dựng 2 sản phẩm trải nghiệm tại đảo bao gồm:

+ “Khám phá lịch sử và văn hoá hào hùng đảo Quan Lạn”: Sản phẩm này được xây dựng dựa trên hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hoá với các di tích như đình Quan Lạn, chùa Linh Quang, miếu thờ ba ông tướng họ Phạm, nghè Trần Khánh Dư… Sau khi tham quan các di tích, đoàn được chèo thuyền rồng trên dòng sông Mang lịch sử, nghe hướng dẫn viên thuyết minh lại những chiến công hiển hách trong lịch sử chống giặc Nguyên Mông đã diễn ra nơi đây… Loại hình du lịch này phù hợp với các du khách trong độ tuổi thanh thiếu niên và trung niên đến tìm hiểu, nghiên cứu, góp phần giáo dục thế hệ trẻ, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa.

+ “Một ngày làm ngư dân trên đảo Quan Lạn”: Đây là hoạt động đưa du khách tham gia các hoạt động đánh bắt thuỷ sản cùng người dân trên đảo, giúp du khách được quan sát ở cự ly gần, trải nghiệm tự tay đánh bắt hải sản tươi như cào ngao, kéo lưới truyền thống, câu mực về đêm, đào sá sùng... Du khách có thể tự thưởng thức các loại hải sản mà mình trực tiếp đánh bắt theo cách chế biến của những ngư dân trong vùng. Loại hình du lịch này phù hợp với các du khách yêu thích khám phá, đặc biệt các đối tượng du khách thanh thiếu niên.

3.1.2. Hiện trạng cơ sở hạ tầng và chính sách phát triển du lịch

3.1.2.1. Cơ sở hạ tầng

a. Hệ thống giao thông vận tải

Mạng lưới đường bộ trên đảo Quan Lạn được xây dựng dựa trên điều kiện địa hình của Đảo, trong đó tuyến đường xuyên Đảo đóng vai trò là tuyến giao thông huyết mạch. Tuyến đường xuyên đảo Quan Lạn - Minh Châu có chiều dài trên 16km được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, các trục đường thôn và đường ngõ xóm nối từ tuyến đường chính xuyên đảo đến các khu dân cư đều được bê tông hóa.

Phương thức vận tải trên đảo chủ yếu bao gồm xe máy và xe điện. Ngoài ra còn có một số xe tải nhỏ của các cơ sở kinh doanh phục vụ vận chuyển các loại hàng hoá, nhu yếu phẩm từ cảng về cơ sở. Xe điện hoạt động trên đảo theo 2 tuyến cố định gồm tuyến từ bến Minh Châu tới trung tâm xã Quan Lạn và tuyến từ bến Quan Lạn tới trung tâm xã Minh Châu. Ngoài ra hầu như mỗi cơ sở lưu trú đều có 1-2 xe điện phục vụ đón trả khách từ cảng đến cơ sở. Đây là loại xe có từ 9-12 chỗ, được bố trí mái che, lan can đảm bảo an toàn và đều được đăng ký, đăng kiểm theo đúng quy định.

Giao thông đường thủy đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với quá trình phát triển của đảo Quan Lạn. Hiện nay có 3 tuyến giao thông đường thuỷ chính từ đất liền ra đảo, đó là: Vân Đồn - Quan Lạn, Vân Đồn - Minh Châu và Hòn Gai - Quan Lạn. Nhìn chung các tuyến giao thông biển đều hoạt động ổn định. Hệ thống hạ tầng giao thông đường biển gồm có hai bến cảng: cảng xã Minh Châu ở phía Bắc và cảng Quan Lạn, xã Quan Lạn ở phía Nam của Đảo. Ngoài ra, còn có cảng xuất hàng của Công ty CP Viglacera Vân Hải phục vụ vận chuyển cát và một số bến nhỏ phục vụ cho các tàu khai thác thuỷ sản cập bờ.


Hình 10 11 Cảng Quan Lạn – phía Nam đảo Quan Lạn và cảng Cồn Trụi xã Minh 1Hình 10 11 Cảng Quan Lạn – phía Nam đảo Quan Lạn và cảng Cồn Trụi xã Minh 2

Hình 10-11: Cảng Quan Lạn – phía Nam đảo Quan Lạn và cảng Cồn Trụi (xã Minh Châu) – phía Bắc đảo Quan Lạn (Ảnh: tác giả)

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 116 trang tài liệu này.

Hoạt động vận tải đường thuỷ nối đất liền với đảo Quan Lạn được thực hiện bằng hai loại phương tiện chính là tàu cao tốc và tàu gỗ. Thời gian di chuyển trung bình giữa cảng Cái Rồng (Vân Đồn) và đảo Quan Lạn đối với tàu cao tốc là khoảng 45 phút, đối với tàu gỗ khoảng 150 phút. Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh, hiện nay

đang có 15 tàu gỗ và 51 tàu cao tốc phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hoá ra đảo có thể hoạt động trong điều kiện đến gió cấp 6, tổng sức chuyên chở trên 2.500 người.

b. Năng lượng

Đảo Quan Lạn được chính thức đấu nối với lưới điện Quốc gia từ ngày 15/12/2014 nằm trong Dự án: Đưa điện lưới quốc gia ra năm xã đảo Bản Sen, Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Thắng Lợi thuộc huyện Vân Đồn, với tổng mức đầu tư khoảng 305 tỷ đồng do UBND tỉnh Quảng Ninh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Đây là Dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp cung cấp điện liên tục, ổn định, an toàn phục vụ nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên đảo. Việc được đầu tư cơ sở hạ tầng cấp điện hoàn chỉnh là cơ sở quan trọng cho sự phát triển du lịch của đảo Quan Lạn. Kể từ năm 2015, lượng khách du lịch đến đảo Quan Lạn có sự tăng trưởng mạnh so với thời kì trước đó.

c. Cơ sở vật chất

Cùng với sự phát triển của ngành du lịch tại đảo Quan Lạn, từ năm 2009 - 2019, số lượng các cơ sở lưu trú trên đảo tăng trưởng khoảng 16%/năm. Tuy nhiên, hiện trạng chất lượng các cơ sở lưu trú còn khá thấp với quy mô tương đối nhỏ, số lượng khách sạn được xếp sao còn ít.

Hiện nay, trên đảo có 196 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 2.874 phòng nghỉ, trong đó có 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 8 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao. Các dịch vụ nhà nghỉ, homestay từng bước được xây dựng và phát triển, cơ bản đáp ứng được nhu cầu cho khách du lịch tới tham quan, lưu trú (Sở Du lịch Quảng Ninh, 2020). Hiện nay, Công ty CP Viglacera Vân Hải đang triển khai đầu tư xây dựng Dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải “FURAMA Hạ Long Việt Nam Resort & Villas” đạt tiêu chuẩn 4 sao tại thôn Sơn Hào, xã Quan Lạn. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành và đi và hoạt động năm 2021.

Bên cạnh các cơ sở lưu trú, các cơ sở kinh doanh ăn uống cũng có tốc độ tăng trưởng khá nhanh và ổn định. Cùng với sự gia tăng về số lượng thì quy mô và chất lượng các cơ sở này cũng có sự cải thiện đáng kể. Mặc dù vậy, cơ cấu món ăn của các cơ sở vẫn còn khá nghèo nàn, đơn điệu và ít đổi mới, chủ yếu là các món đặc trưng của địa phương. Đặc biệt số lượng các nhà hàng có phục vụ các món ăn cho du khách quốc tế hoặc các món ẩm thực đặc trưng khác của Việt Nam rất ít và chưa thực sự đảm bảo các yêu cầu du lịch.

Các dịch vụ vui chơi, giải trí trên đảo Quan Lạn khá nghèo nàn với quy mô nhỏ và chất lượng chưa cao. Các dịch vụ giải trí ngoài một số hoạt động như quán cà phê, bi a thì chỉ có các cơ sở kinh doanh karaoke quy mô nhỏ (một vài phòng đến khoảng chục phòng) với chất lượng bình dân nên chưa thực sự thu hút khách du lịch.

Bảng 7. Số lượng và quy mô các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke


Địa bàn

Số lượng cơ sở

Quy mô (phòng)

Xã Quan Lạn

22

72

Xã Minh Châu

10

34

Nguồn: Xử lý số liệu thống kê của Phòng Văn hóa thông tin huyện Vân Đồn, 2019

3.1.2.2. Chính sách phát triển du lịch

Phòng Văn hóa Thông tin huyện Vân Đồn là cơ quan tham mưu, giúp UBND huyện Vân Đồn thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch. Thời gian qua, Huyện Vân Đồn đã triển khai các văn bản hướng dẫn về điều kiện kinh doanh tới các đơn vị kinh doanh để đảm bảo việc thực hiện đúng các qui định của pháp luật và nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn cho khách du lịch. Bên cạnh đó là sự tham gia của UBND 2 xã Quan Lạn và Minh Châu cùng phối hợp tham gia vào công tác quản lý để các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, dân cư địa phương tham gia và thực hiện nếo sống văn minh, lịch sự trong du lịch.

Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch đối với đảo Quan Lạn cũng đã được huyện Vân Đồn quan tâm tuy nhiên còn thiếu và yếu. Tại Quảng Ninh có nhiều cơ quan trong và ngoài ngành du lịch tham gia tuyên truyền, quảng bá du lịch như cổng thông tin điện tỉnh Quảng Ninh; báo hình, báo viết, báo điện tử; trang web của các đơn vị quản lý kinh doanh trong ngành du lịch… Tuy nhiên hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch của các cơ quan này một mặt chưa có sự liên kết với nhau, hình thức và nội dung thông tin quảng bá du lịch mờ nhạt, dữ liệu không được cập nhật thường xuyên, chủ yếu là các thông tin về doanh nghiệp, phương thức hoạt động độc lập không có sự liên kết khai thác thông tin, mặt khác những nội dung liên quan đến Quan Lạn còn rất nghèo nàn, không hấp dẫn mà chủ yếu tập trung vào điểm đến Vịnh Hạ Long.

Trung tâm Thông tin xúc tiến Du lịch Quảng Ninh là đơn vị có nhiệm vụ cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, cung ứng các dịch vụ du lịch địa phương thông qua website http://www.halongtourism.com.vn rất ít đề cập đến các nội dung về du lịch đảo Quan Lạn. Huyện Vân Đồn chưa có bộ máy và nhân lực chuyên trách về xúc tiến quảng bá du lịch. Ngân sách địa phương dành cho hoạt động xúc tiến quảng bá của riêng Vân Đồn hầu như không đáng kể. Việc huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ trên địa bàn cũng như cộng đồng dân cư địa phương vào hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch Vân Đồn còn rất yếu, do đó các thông tin về du lịch đảo Quan Lạn hầu như không có hoặc không được cập nhật .

3.1.3. Doanh thu du lịch

3.1.3.1. Thị trường khách du lịch

Khách du lịch đến đảo Quan Lạn hiện nay có cơ cấu không đồng đều với gần như toàn bộ thị trường là khách du lịch nội địa. Khách du lịch nội địa chiếm tới 98,4% thị trường và khách quốc tế chỉ chiếm tỉ trọng khoảng 1,6% tổng lượng khách. Thị trường khách nội địa có số đông là công nhân, cán bộ của các tỉnh, thành phố liền kề, thuộc mọi lứa tuổi. Khách du lịch nội địa thường đến Quan Lạn từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, đặc biệt tập trung vào các tháng 5 - 8.

Các nguồn khách chính hiện nay đến du lịch tại đảo Quan Lạn bao gồm 2 nhóm:

- Khách tự do: thuộc nhóm khách tự tìm kiếm thông tin và tự đặt đi du lịch để nghỉ dưỡng, tìm hiểu và trải nghiệm. Nhóm khách này hầu hết là những khách ưa thích các điểm đến còn hoang sơ, thích trải nghiệm và khám phá. Khách đến đây thường đi theo đôi hoặc cùng bạn bè theo nhóm nhỏ, tìm kiếm thông tin chủ yếu thông qua các trang mạng xã hội và trang web, khả năng chi trả của khách thuộc loại trung bình.

- Khách mua tour: nhóm khách đặt tour du lịch Quảng Ninh và đến với đảo Quan Lạn theo dạng 1 điểm đến trong tuyến du lịch. Nhóm khách này đa phần có khả năng chi trả cao hơn nhóm khách tự do tuy nhiên mức độ chi còn thấp do sức cạnh tranh của Quan Lạn với các điểm đến khác như Cô Tô, Vịnh Hạ Long không hấp dẫn bằng.

Theo thống kê của UBND 2 xã Quan Lạn và Minh Châu tổng lượng khách du lịch đến đảo Quan Lạn trong những năm vừa qua tăng trưởng với tốc độ khá ổn định. Nếu như năm 2013, tổng lượng khách du lịch đến đảo Quan Lạn chỉ hơn 39.500 người thì đến năm 2019 con số này đã tăng lên trên 113.800 lượt khách. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng lượng khách lưu trú cũng khá ổn định và đạt trung bình 14,29%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng khách. Do đặc điểm tài nguyên và vị trí địa lý nên tỉ lệ khách du lịch lưu trú lại đảo Quan Lạn khá cao, chiếm trên 60%. Tuy nhiên, thời gian lưu trú trung bình trên đảo của du khách tương đối ngắn, khoảng 1,5 ngày do chưa có nhiểm hoạt động, dịch vụ tiện nghi giải trí hấp dẫn để lưu giữ khách du lịch ở lại lâu hơn.

3.1.3.2. Tổng thu du lịch

a. Chi tiêu của du khách:

Khách du lịch đến đảo Quan Lạn chủ yếu chi tiêu cho các dịch vụ cơ bản như lưu trú, vận chuyển, ăn uống. Mức chi tiêu cho các dịch vụ bổ sung rất thấp do hệ thống các dịch vụ và sản phẩm này hầu như chưa có ngoài một số dịch vụ tối thiểu phục vụ khách tắm biển và lễ hội. Có một mối tương quan rất rõ nét giữa việc bổ sung các dịch vụ hay tăng giá dịch vụ với mức chi tiêu của du khách. Điều này đã làm cho mức chi tiêu của du khách dù tăng nhưng tốc độ rất không đồng đều, có sự khác biệt lớn giữa các năm.

Bảng 8. Mức chi tiêu của khách du lịch tại đảo Quan Lạn giai đoạn 2013 - 2019


Năm

Chi tiêu của 1 khách du lịch

Giá trị (triệu đồng)

Tốc độ tăng trưởng

2013

0,297

-

2014

0,328

10,43%

2015

0,393

19,82%

2016

0,490

24,68%

2017

0,521

10,82%

2018

0,693

27,62%

2019

0,779

12,41%

Nguồn: Xử lý số liệu thống kê của Phòng Văn hóa thông tin huyện Vân Đồn

b. Thu nhập từ du lịch:

Thu nhập từ hoạt động du lịch chiếm một tỉ trọng tương đối lớn trong tổng GDP, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của 2 xã Quan Lạn và Minh Châu. Với tốc độ tăng trưởng cao dù không đồng đều giữa các năm nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân của thu nhập từ du lịch luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của Huyện. Trong giai đoạn từ 2013 đến 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của Huyện đạt mức rất cao là 18,59% nhưng cũng trong giai đoạn này tốc độ tăng trưởng bình quân của thu nhập từ du lịch đã đạt đến 23,71% và góp phần rất lớn trong việc tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội chung.

3.2. Đánh giá sức tải môi trường hoạt động du lịch trên đảo

3.2.1. Đánh giá dựa trên các thành phần chỉ số tự nhiên sinh thái

3.2.1.1. Tình trạng quá tải khách du lịch

Tổng hợp số lượng khách du lịch đến đảo Quan Lạn trong những năm gần đây được thể hiện tại biểu đồ sau:

Xem tất cả 116 trang.

Ngày đăng: 07/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí