"Vấn đề bán thuốc họ đánh giá là không có ích có lẽ vì ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của họ. Cũng có thể phải có những chế tài nghiêm hơn"- Phụ trách Dược của huyện.
Không có người bán thuốc nào đánh giá can thiệp tập huấn và giám sát từ tuyến trên ở mức “rất dễ duy trì” mà chỉ đánh giá ở “dễ duy trì”. Chỉ có can thiệp giám sát đồng đẳng là phần lớn (78,3%) người bán thuốc đánh giá là rất dễ duy trì. Một số ý kiến đánh giá tính duy trì của can thiệp được tìm hiểu từ nghiên cứu định tính cho rằng:
“Tôi thấy cái gì phụ thuộc vào người ta thì khó thực hiện vì còn thời gian, kinh phí của họ. Chỉ có tự hỗ trợ nhau, mình chủ động được thì chắc bền lâu được hơn. Nếu huyện không có kinh phí hoặc bận rộn thì cũng khó thực hiện được 2 can thiệp kia”- Bán thuốc tư nhân, 37 tuổi.
“Cách làm thì dễ nhưng huyện cũng neo người. Với lại chưa thành quy định cụ thể thì sẽ khó khăn hơn vì chúng tôi cũng còn kiêm nhiệm nhiều chương trình khác”- Phụ trách Chương trình NKHHCT.
Chương 4- BÀN LUẬN
4.1. Hiệu quả can thiệp thay đổi kiến thức, thực hành chăm sóc trẻ nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính của bà mẹ
4.1.1. Đặc điểm mẫu nghiên cứu bà mẹ
Có thể bạn quan tâm!
- So Sánh Kiến Thức Về Dấu Hiệu Viêm Phổi Nặng Của Cbyt Trước-Sau Can Thiệp(%)
- So Sánh Thực Hành Thăm Khám Của Cbyt Trước-Sau Can Thiệp (%)
- Hiệu Quả Can Thiệp Thay Đổi Thực Hành Của Người Bán Thuốc
- Hiệu Quả Can Thiệp Thay Đổi Kiến Thức, Thực Hành Điều Trị Trẻ Nhiễm Khuẩn Hô Hấp Cấp Tính Của Cán Bộ Y Tế
- Hiệu Quả Can Thiệp Thay Đổi Thực Hành Của Cán Bộ Y Tế
- Hiệu Quả Can Thiệp Thay Đổi Kiến Thức, Thực Hành Bán Thuốc Cho Trẻ Nhiễm Khuẩn Hô Hấp Cấp Tính Của Người Bán Thuốc.
Xem toàn bộ 166 trang tài liệu này.
Bà mẹ trong diện nghiên cứu ở Ba Vì và Đan Phượng có một số đặc điểm nhân khẩu học, cơ cấu hộ gia đình, thu nhập bình quân đầu người tương tự nhau. Điều này chứng tỏ các yếu tố nhiễu có thể đã được không chế phần nào. Thu nhập trung bình đầu người tháng, theo ước tính của bà mẹ ở cả hai huyện đều ở mức cận nghèo (theo chuẩn nghèo là dưới 200.000 đ/người/tháng). Có lẽ do họ đều là các gia đình trẻ chưa có tích lũy nhiều và đang phải chi phí nhiều để nuôi con nhỏ. Đối với nhóm đối tượng này, các can thiệp ngoài ý nghĩa nâng cao sức khỏe của trẻ em còn giúp giảm gánh nặng chi phí không cần thiết.
4.1.2. Hiệu quả can thiệp thay đổi kiến thức của bà mẹ
4.1.2.1. Nhận biết dấu hiệu bệnh
Chăm sóc và điều trị NKHHCT bắt đầu bằng việc nhận biết các dấu hiệu bệnh của trẻ. Nếu phát hiện sớm các dấu hiệu có thể làm giảm từ 36% đến 42% ca tử vong do viêm phổi ở trẻ dưới 5 tuổi [123]. Mỗi dấu hiệu thở khác nhau (thở khò khè, thở rít khi nằm yên, thở nhanh, RLLN khi thở) chỉ báo các bệnh hoặc mức độ bệnh khác nhau. Trong đánh giá ban đầu, hầu hết bà mẹ không phân biệt được các dấu hiệu thở khác nhau mà đều gọi chung là ”thở khác thường”. Kết quả nghiên cứu của tác giả Hàn Trung Điền cũng cho thấy bà mẹ chỉ có thể phát hiện thấy trẻ thở “không như bình thường” [24]. Đối với tất cả các dấu hiệu về thở đã nêu, trẻ đều cần được đưa đến cơ sở y tế. Vì vậy, trong nghiên cứu này ”thở khác thường” được sử dụng như một dấu hiệu cần trẻ đưa đi khám.
Để đơn giản hóa và cho bà mẹ dễ nhớ, chúng tôi không phân biệt dấu hiệu cho từng thể bệnh mà phân loại các dấu hiệu thành 2 nhóm: nhóm cần đi khám (co giật, ngủ li bì, không bú hoặc uống được, sốt/hạ nhiệt độ, ho kéo dài, thở khác thường) và nhóm có thể chăm sóc điều trị tại nhà (ho, cảm lạnh).
Đánh giá trước can thiệp cho thấy hiểu biết của bà mẹ về dấu hiệu bệnh còn rất nhiều hạn chế. Kết quả đánh giá thực trạng hiểu biết dấu hiệu bệnh của bà mẹ trước can thiệp cũng phản ánh tình hình tương tự như kết quả đánh giá trên diện rộng của Đinh Ngọc Sỹ và cộng sự năm 2008 [53]. Ở một số nước đang phát triển khác, như Kenya hay Nepal, tỷ lệ biết những dấu hiệu này còn thấp hơn [124], [81]. Với thực trạng như vậy, để có thể giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ, nâng cao kiến thức nhận biết dấu hiệu bệnh sẽ vô cùng cần thiết.
Kết quả nghiên cứu cho thấy can thiệp đã có tác động tích cực đến kiến thức của bà mẹ. Trước can thiệp, đa số bà mẹ ở cả hai nhóm chỉ nhớ được từ 1 đến 2 dấu hiệu nguy hiểm cần đi khám. Sau can thiệp, phần lớn bà mẹ ở Ba Vì đã nhớ được nhiều dấu hiệu hơn, khoảng từ 4 đến 5 dấu hiệu (Bảng 3.3). Ở nhóm can thiệp, hiểu biết về tất cả dấu hiệu bệnh đều tăng với sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với trước can thiệp. Trong khi đó, kiến thức của nhóm bà mẹ đối chứng hầu như không có sự thay đổi. Tuy nhiên, mặc dù đã được can thiệp nhưng còn một số dấu hiệu như ngủ li bì khó đánh thức hoặc co giật có tỷ lệ bà mẹ nhớ được vẫn thấp dưới 50%. Thông qua ý kiến phản hồi của bà mẹ, do một số dấu hiệu hiếm gặp, bà mẹ ít có cơ hội thực hành nên khó nhớ.
4.1.2.2.Kiến thức xử trí trẻ bệnh
Không phải bất cứ thể NKHHCT nào cũng cần đi khám và điều trị. Nếu
chỉ ho, sốt thông thường có thể chăm sóc trẻ tại nhà nhưng cần theo dõi
những dấu hiệu cần đưa đi khám. Khi thấy xuất hiện dấu hiệu nặng hơn, trẻ
phải được đưa đến các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Sau 2 năm can thiệp, kiến thức lựa chọn cách xử trí cho từng thể bệnh NKHHCT của bà mẹ có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực rõ rệt. Trước can thiệp, mặc dù viêm phổi là bệnh dễ gây tử vong cho trẻ em dưới 5 tuổi, nhưng vẫn còn khoảng 25% bà mẹ ở cả hai huyện không biết hoặc cho rằng không cần cho trẻ đi khám. Sau can thiệp, hầu như toàn bộ ( khoảng 93%) bà mẹ nhóm can thiệp có kiến thức xử trí đúng đối với bệnh viêm phổi. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Mai Hiên cho thấy tỷ lệ kiến thức nhận biết dấu hiệu bệnh chỉ đạt 60% sau can thiệp [36], thấp hơn hẳn so với kết quả của chúng tôi. Nghiên cứu nêu trên được tiến hành trong 12 tháng và chủ yếu là truyền thông cung cấp kiến thức cho bà mẹ. Có lẽ do các can thiệp của chúng tôi kéo dài hơn, không chỉ dừng ở can thiệp TT-GD-TT mà thực hiện cả giám sát hỗ trợ cho từng đối tượng, nên đã đạt hiệu quả cao hơn.
Với trường hợp NKHHCT thể nhẹ, hoàn toàn không cần chăm sóc y tế đặc biệt. Chăm sóc theo dõi tại nhà có tác dụng nâng cao tính chủ động tự chăm sóc sức khỏe của người dân, giúp hộ gia đình tiết kiệm chi phí không cần thiết đồng thời hạn chế được tình trạng quá tải để các cơ sở y tế tập trung giải quyết những trường hợp bệnh nặng hơn. Mặc dù vậy, do kiến thức nhận biết dấu hiệu bệnh của bà mẹ còn chưa cao nên trong các tài liệu truyền thông của chúng tôi vẫn đưa ra hai lựa chọn: hoặc tự chăm sóc, theo dõi tại nhà hoặc đưa trẻ đi khám. Trong đó, lựa chọn thứ nhất được nhấn mạnh là lựa chọn ưu tiên. Với những bà mẹ trình độ hạn chế, những thuốc tưởng rằng rất an toàn như paracetamol, nếu dùng không đúng cũng có thể gây nguy hiểm cho trẻ nên can thiệp này không khuyến khích bà mẹ tự mua thuốc điều trị cho mọi thể bệnh NKHHCT. Bà mẹ chỉ nên mua thuốc khi có đơn của CBYT.
Kết quả đánh giá sau can thiệp cũng cho thấy hiệu quả của can thiệp đối với sự thay đổi nhận thức của bà mẹ trong xử trí bệnh NKHHCT thể nhẹ (Bảng 3.5). Sau can thiệp, tỷ lệ bà mẹ nhóm can thiệp lựa chọn đi khám khi có dấu hiệu ho, cảm lạnh không tăng nhưng tỷ lệ cho rằng có thể chăm sóc và theo dõi tại nhà lại tăng ở mức có ý nghĩa thống kê so với trước can thiệp. Kết quả này phản ánh đúng định hướng can thiệp của chúng tôi là khuyến khích, nhấn mạnh xử trí tự chăm sóc, theo dõi tại nhà. Trong khi đó, đại đa số bà mẹ nhóm đối chứng sau can thiệp vẫn không biết có thể tự theo dõi, chăm sóc trẻ.
4.1.2.3.Kiến thức sử dụng thuốc
Trong những năm gần đây, điều trị sớm viêm phổi bằng KS đã có hiệu quả rất khả quan. Nhưng viêm phổi chỉ chiếm khoảng từ 25% đến 30% trong tổng số ca NKHHCT. Những trường hợp ho, cảm lạnh chiếm khoảng 70% số ca bệnh, nguyên nhân chủ yếu là virut, không cần sử dụng KS [23], [8]. Theo quy định của Bộ Y tế, KS là một loại thuốc cần được sử dụng theo đơn [3]. Đối với trường hợp cần được điều trị KS cần cho trẻ uống đủ từ 5 đến 7 ngày.
Kết quả đánh giá ban đầu cho thấy tỷ lệ tự mua thuốc còn khá cao. Chúng tôi cho rằng, song song với những nỗ lực thay đổi hành vi theo hướng có lợi tuyệt đối, cần lựa chọn giải pháp can thiệp giảm tác hại đến mức thấp nhất có thể. Vì vậy, chúng tôi đã đưa số ngày dùng KS vào nội dung truyền thông, đồng thời nhấn mạnh khuyến cáo cần dùng KS theo chỉ định của CBYT. Như vậy, người sử dụng là bà mẹ cũng có thể tự theo dõi và giám sát sử dụng KS đủ số ngày của mình cũng như CBYT và người bán thuốc.
Vấn đề thiếu kiến thức về KS (Bảng 3.6) không phải là hiện tượng đặc biệt ở địa bàn nghiên cứu của chúng tôi mà khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên toàn quốc [13], [107]. Nhiều nghiên cứu phát hiện nguyên nhân chủ yếu của vấn đề lạm dụng KS là do quan niệm, hiểu biết sai lầm về KS.
Trong một nghiên cứu tại Hà Tây cũ năm 2005, rất nhiều bà mẹ cho rằng KS có thể chữa được tất cả các bệnh (46%) [40]. Nghiên cứu của Đặng Minh Hằng phát hiện thấy nhiều bà mẹ cho rằng KS có hại nên thường dừng dùng thuốc ngay khi trẻ vừa hết dấu hiệu bệnh dù chưa hết liều [38].
Trong điều trị NKHHCT, ngoài KS còn cần sử dụng nhiều loại thuốc khác để làm giảm triệu chứng bệnh như thuốc ho, paracetamol, salbutamol.... Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, chúng tôi tập trung can thiệp vào việc sử dụng KS an toàn, hợp lý. Kết quả cho thấy các can thiệp đã đạt được kết quả khả quan trong thay đổi kiến thức của bà mẹ. Cả 3 chỉ số đánh giá kiến thức sử dụng KS của bà mẹ (tỷ lệ biết cần dùng KS theo chỉ định của CBYT, biết số ngày dùng KS và biết rằng ho, cảm lạnh không cần dùng KS) đều tăng có ý nghĩa thống kê ở Ba Vì sau khi được can thiệp truyền thông giáo dục. Ở nhóm đối chứng, các chỉ số không tăng, thậm chí kết quả đánh giá hai trong số ba chỉ số lại giảm đi so với trước can thiệp. Tại Moldova, can thiệp TT-GD-TT cũng đạt hiệu quả tốt tượng tự nghiên cứu này. Tỷ lệ người trả lời sẽ không dùng KS khi bị ho hoặc cảm lạnh tăng 15% so với trước can thiệp [79].
4.1.2.4. Kiến thức chăm sóc trẻ ốm
Chăm sóc trẻ tại nhà gồm ba hoạt động thiết yếu nhất là chăm sóc trẻ ốm, theo dõi dấu hiệu cần khám ngay và tái khám. Chăm sóc tích cực trẻ mới nhanh hồi phục sức khỏe, chống suy dinh dưỡng sau khi bị NKHHCT [136]. TCYTTG khuyến cáo bà mẹ cần tăng cường cho bú/ăn và uống nước nhiều khi bị NKHHCT để trẻ có thể nhanh chóng hồi phục [137]. Dựa trên những khuyến cáo của TCYTTG và những phát hiện trong đánh giá ban đầu, chúng tôi đã xây dựng nội dung truyền thông cách chăm sóc trẻ tại nhà gồm 4 nội dung chính: cho ăn nhiều hơn, cho bú hoặc uống nhiều hơn, làm thông thoáng mũi họng, giữ ấm vào mùa đông/làm mát vào mùa hè.
Khái niệm ăn nhiều, uống nhiều hơn là những khái niệm mang tính tương đối. Trong thực tế nghiên cứu sẽ rất tốn kém và khó khăn để có thể lượng giá chính xác khẩu phần ăn của trẻ trong từng bữa. Đây cũng là một vấn đề phụ thuộc nhiều yếu tố như hoàn cảnh kinh tế của hộ gia đình, thời gian của bà mẹ…. Vì lý do đó, các hướng dẫn quốc tế thường không đưa ra chuẩn mực quy định cụ thể về lượng cũng như thành phần của khẩu phần ăn/uống mà chỉ hướng dẫn và đánh giá một cách tương đối [137]. Nghiên cứu này cũng xây dựng thông điệp truyền thông là tăng cường cho trẻ ăn uống trong và sau khi ốm, nghĩa là với khối lượng tăng hơn so với bình thường. Đây cũng là một tiêu chí được sử dụng trong đánh giá trước và sau can thiệp.
Kết quả so sánh trước và sau can thiệp cho thấy kiến thức của bà mẹ về cả bốn nội dung chăm sóc tại nhà đều có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với trước can thiệp. Trong khi đó, ở nhóm đối chứng, tỷ lệ này cũng tăng nhưng không có ý nghĩa thống kê. Các kết quả này chứng tỏ, can thiệp đã có hiệu quả cải thiện rõ rệt kiến thức chăm sóc trẻ tại nhà cho bà mẹ.
Theo dõi trẻ thường xuyên cũng là một nội dung quan trọng giúp bà mẹ biết được diễn biến bệnh, đặc biệt giúp phát hiện những diễn biến bất thường. Trong nghiên cứu này, tỷ lệ bà mẹ biết cần theo dõi thường xuyên khi trẻ ốm sau can thiệp tăng lên hơn 18% và sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với trước can thiệp. Mặc dù đã có thay đổi theo chiều hướng tích cực như vậy nhưng vẫn còn một tỷ lệ khá lớn, gần 40% bà mẹ sau can thiệp chưa nhớ cần theo dõi trẻ thường xuyên. Nguyên nhân có lẽ vì tự theo dõi là khái niệm mới và chưa có kinh nghiệm thực hành đối với bà mẹ.
Trong quá trình chăm sóc tại nhà, khi phát hiện thấy có dấu hiệu bệnh cần khám ngay, bà mẹ phải đưa trẻ đến cơ sở y tế. Trẻ được điều trị kịp thời có thể giúp phòng tránh biến chứng và tử vong. Nếu không có dấu hiệu bất
thường, những trẻ được kê đơn KS cần tái khám theo hẹn của CBYT. Thông thường trẻ được hẹn quay lại sau 2-3 ngày dùng thuốc [32]. Tái khám theo hẹn giúp CBYT đánh giá được sự tiến triển của bệnh cũng như hiệu quả dùng thuốc để tiếp tục có những điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của trẻ.
Trước khi được can thiệp, kiến thức tái khám của bà mẹ ở hai huyện đều chưa tốt. Sau can thiệp, kiến thức về hai hình thức tái khám ở nhóm bà mẹ ở Ba Vì đều tăng ở mức có ý nghĩa thống kê rõ rệt so với trước. Ở Đan Phượng, kiến thức về nội dung này không thay đổi có ý nghĩa thống kê.
4.1.3. Hiệu quả can thiệp thay đổi thực hành của bà mẹ
Tất cả bà mẹ trong nhóm nghiên cứu có con mắc NKHHCT (bệnh rất nặng, viêm phổi nặng, viêm phổi và ho, cảm lạnh) trong vòng hai tháng trước thời điểm điều tra được thu nhận vào mẫu đánh giá thực hành. Trước can thiệp, tỷ lệ bà mẹ có con mắc NKHHCT ở huyện Ba Vì và Đan Phượng lần lượt là 70,1% và 65,8%. Sau can thiệp có 52,8% bà mẹ tại Ba Vì và 58,3% bà mẹ Đan Phượng đủ điều kiện phỏng vấn thực hành. Qua số liệu trên, ta nhận thấy tỷ lệ trẻ NKHHCT ở huyện can thiệp có dấu hiệu giảm đi rõ rệt. Tại Đan Phượng tỷ lệ mắc cũng giảm đi nhưng mức độ giảm thấp hơn. Bệnh NKHHCT là bệnh theo mùa nên nếu thời điểm đánh giá khác nhau, tỷ lệ trẻ ốm thường sẽ khó tương đồng. Tuy không phải là một chỉ số đánh giá trực tiếp, các tỷ lệ này giảm cũng có thể phần nào phản ánh thực trạng hiệu quả của các can thiệp.
Do điều kiện nguồn lực không cho phép, chúng tôi không tiến hành quan sát từng ca bệnh để đánh giá thực hành nhận biết dấu hiệu bệnh của bà mẹ - một việc sẽ bắt buộc đòi hỏi người quan sát phải có mặt khi trẻ ốm. Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ tiến hành phỏng vấn về các dấu hiệu bà mẹ phát hiện được. Dựa trên những dấu hiệu đó, trẻ được phân ra thành hai