Việc miêu tả đặc điểm các đơn vị SKH tiến hành theo trình tự từ những loại SKH ở vùng thấp: I - rất nóng, II - nóng, lên những đai cao hơn: III - hơi nóng và IV - mát; từ loại SKH: A - mưa rất nhiều đến B - mưa nhiều,... Cụ thể như sau: IVA3a: loại SKH mát, mưa rất nhiều có mùa lạnh trung bình và không có mùa khô; IIIA2a: loại SKH hơi nóng, mưa rất nhiều có mùa lạnh ngắn và không có mùa khô; IIA1a: loại SKH nóng, mưa rất nhiều và không có mùa lạnh cũng như không có mùa khô; IA1a: loại SKH rất nóng, mưa rất nhiều và không có mùa lạnh cũng như không có mùa khô; IIB1b: loại SKH nóng, mưa nhiều, không có mùa lạnh và mùa khô trung bình; IB1b: loại SKH rất nóng, mưa nhiều, không có mùa lạnh và mùa khô trung bình. Nhìn chung, các huyện miền núi khu vực Trị - Thiên có khá nhiều loại SKH phù hợp với điều kiện sức khoẻ con người, thuận lợi tổ chức các HĐDL. Mặt khác, tài nguyên SKH trong vùng còn có sự phân hóa rõ nét theo lãnh thổ (phụ lục 3), đai cao và thời gian. Do vậy, đối với mỗi loại SKH cụ thể sẽ có mức độ TL đối với từng LHDL khác nhau.
2.1.5. Tài nguyên nước
2.1.5.1. Tài nguyên nước mặt
Cũng như các nơi khác ở vùng núi nước ta, dòng chảy sông suối trong các huyện miền núi khu vực Trị - Thiên không những phân bố không đều trong lãnh thổ mà còn phân bố không đều vào từng thời điểm hàng năm. Dòng chảy sông suối biến đổi theo mùa rõ rệt: mùa lũ và mùa cạn. Thời gian bắt đầu, kết thúc các mùa dòng chảy không cố định hàng năm mà có sự xê dịch giữa các năm từ một đến vài tháng.
- Sông ngòi tại lãnh thổ vùng núi Quảng Trị bị chi phối bởi hệ thống sông chính là Thạch Hãn (sông Quảng Trị) và 2 con sông Xê Pôn và Sê Phăng Hiêng (nhánh sông thuộc hệ thống sông Mê Công). Hệ thống sông Thạch Hãn: bắt nguồn từ độ cao 700m phía đông nam huyện ĐaKrông. Sông chảy qua các vùng địa lí tự nhiên khác nhau, với tổng diện tích lưu vực 2660 km2, chiếm 56% diện tích của tỉnh Quảng
Trị. Thượng lưu sông chảy qua địa phận ĐaKrông phía tây Trường Sơn, trung và hạ lưu chảy sườn đông Trường Sơn. Các nhánh sông lớn bắt nguồn từ lãnh thổ Hướng Hoá, ĐaKrông, bao gồm: nhánh sông Rào Quán, sông Cam Lộ; độ dốc trung bình lưu vực tương đối lớn 20,1%; mật độ lưới sông là 0,92; hệ số uốn khúc là 3,5; hướng chảy chủ yếu là tây bắc - đông nam. Sông Xê Pôn: bắt nguồn từ vùng núi cao trên 1000 m, của Lào. Khu vực thượng lưu khi đến A Muz (Lào) đổi hướng chảy ngược lên phía bắc qua khu vực Lao Bảo, trở thành đường biên giới giữa Việt Nam và Lào
dài khoảng 10 km. Đây là đoạn có một số nhánh khá lớn bắt nguồn từ sườn phía tây của dãy Trường Sơn, thuộc địa phận huyện Hướng Hóa. Tổng lưu vực sông Xê Pôn thuộc lãnh thổ nước ta có diện tích khoảng 558 km2, chiếm 11,8% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh Quảng Trị; hướng chảy chủ yếu là tây và tây bắc, hướng đông - tây. Sông Sê Phăng Hiêng: bắt đầu chảy vào nước ta ở độ cao 1200 m khu vực phía đông bắc xã Hướng Lập (huyện Hướng Hóa). Sau đó sông chảy theo đường 527, qua biên giới Việt - Lào. Tổng lưu vực sông thuộc lãnh thổ nước ta có diện tích khoảng 180 km2, chiếm 3,8% diện tích tự nhiên của Quảng Trị; hướng chảy chủ yếu đông - tây.
- Sông ngòi tại lãnh thổ các huyện miền núi của Thừa Thiên Huế bị chi phối bởi 3 con sông quan trọng thuộc hệ thống sông Hương, bao gồm: sông Bồ, bắt nguồn từ vùng núi Động Ngai phía tây huyện A Lưới. Sau đó chảy qua vùng đồi xuống đồng bằng; độ dốc trung bình lưu vực 27,4%. Sông Hữu Trạch, bắt nguồn từ vùng núi động Ruy ở phía nam của tỉnh, chảy qua vùng núi phía tây huyện Nam Đông; độ dốc trung bình lưu vực 29,0%. Sông Tả Trạch, bắt nguồn núi Mang và núi Atine, chảy qua thũng Nam Đông. Ngoài ra, còn có sông A Sáp (sông Rào Lao), là phụ lưu cấp 3 của sông Mê Công, chảy qua địa phận thung lũng A So, A Lưới sau đó đổ về Lào.
Ngoài ra, khu vực này còn có hơn 200 hồ, thác suối lớn nhỏ có giá trị hấp dẫn khách DL về cảnh quan như: thác Tà Phuồng, thác Chênh Vênh (Hướng Hoá), thác A Lin, thác A Nôr (A Lưới), thác Mơ, thác Phướn (Nam Đông) thác Ồ Ồ, suối Hinh (ĐaKrông)... Các hồ có tiềm năm DL lớn, bao gồm: hồ Rào Quán, hồ Tân Độ (thị trấn Khe Sanh), hồ Thượng Lộ. Trong đó, hồ Rào Quán (diện tích 159 km2) hội tụ
nhiều ĐKTN thuận lợi như nằm gần trung tâm thị trấn Lao Bảo và hệ thống di tích như Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, đồi Đồng Tri. Do đó, hồ Rào Quán không chỉ có vai trò cung cấp nước cho tưới tiêu, cung cấp điện lên mạng lưới điện quốc gia mà còn có tiềm năng trở thành khu DL tổ hợp, tạo nên lợi thế liên kết vùng, tiểu vùng.
Có thể bạn quan tâm!
- Chỉ Tiêu Tổng Hợp Đánh Giá Điều Kiện Thời Tiết Đối Với Sức Khỏe, Điều Dưỡng
- Bản Đồ Vị Trí - Hành Chính Các Huyện Miền Núi Khu Vực Trị - Thiên
- Bản Đồ Phân Bố Nhiệt Độ Trung Bình Năm Các Huyện Miền Núi Khu Vực Trị - Thiên
- Các Di Tích Lịch Sử - Văn Hóa Và Danh Lam Thắng Cảnh
- Bản Đồ Tndl Tự Nhiên Các Huyện Miền Núi Khu Vực Trị - Thiên
- Đánh Giá Cho Các Loại Hình Du Lịch Phục Vụ Phát Triển Du Lịch
Xem toàn bộ 196 trang tài liệu này.
2.1.5.2. Tài nguyên nước ngầm
Lãnh thổ NC có trữ lượng nước ngầm không lớn và ít phong phú, chủ yếu là nước khe nứt trong các thành tạo đá rắn chắc có tuổi khác nhau. Về chất lượng, nhìn chung khe nứt thuộc hạng siêu nhạt (M < 0,1 g/l) và lợ nhạt (M = 0,1 - 0,5 g/l) [22], [40]. Theo tính thấm và độ giàu nước, các tầng chứa khe nứt được chia thành 2 nhóm:
- Các tầng chứa nước có năng suất cao (tầng giàu nước): nước thuộc loại
nhạt, tổng khoáng hóa từ 0,16 - 0,76 g/l. Nước sạch có thể sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt nhưng cần lưu ý hàm lượng Ca++. Đây là tầng giàu nước, có giá trị kinh tế cao, phân bố phạm vi hẹp, phần lớn có tại huyện Hướng Hóa, ĐaKrông. Các tầng chứa nước không thể khai thác liên tục (tầng nước nghèo): tổng khoáng hóa từ 0,05
- 0,33 g/l, hóa học chủ yếu là bicarbonat - natri và bicarbonat clorua - natri, canxi. Đây là loại nước sạch đảm bảo các tiêu chuẩn để sử dụng trong cấp nước đô thị và trong nông nghiệp. Mực nước ngầm dao động theo mùa với biên độ lớn 2,1 - 3,4 m.
- Các thể địa chất không chứa nước: thể này bao gồm toàn bộ đá magma xâm nhập trong vùng. Chúng là đá nguyên khối, ít nứt nẻ, hệ số thấm nước trung bình vào khoảng 109 m/ngày. Tuy nhiên, trên diện phân bố của đá magma, xuất hiện một số nguồn nước nóng, nước khoáng với số lượng nhỏ nằm trong phạm vi các đới phá hủy kiến tạo. Tại vùng núi của Quảng Trị lưu lượng khoảng 2 l/s, lãnh thổ vùng núi Thừa Thiên Huế là 0,5 - 1,2 l/s. Một số điểm nước nóng có giá trị như: suối nước nóng Klu, Làng Eo, Làng Rượu, (ĐaKrông), suối nước nóng A Roàng, Tà Lài (A Lưới).
Nhìn chung, nguồn nước ngầm phân bố không đều: tầng giàu nước phân bố chủ yếu lãnh thổ vùng núi của Quảng Trị, đồng thời có trữ lượng khai thác tiềm năng khá lớn (112750 m3/ng). Tuy nhiên, vùng núi của Thừa Thiên Huế lại xuất hiện nhiều các điểm nước nóng, nước khoáng có giá trị trong PTDL nghỉ dưỡng.
2.1.6. Tài nguyên sinh vật
Lãnh thổ NC nằm trong vùng địa lí sinh học Bắc Trung Bộ, địa hình phức tạp, hiểm trở đã tạo nên các HST phong phú, phân hóa theo độ cao. Toàn vùng có 5 KBT thiên nhiên, bao gồm: VQG Bạch Mã, khu dự trữ thiên nhiên ĐaKrông, khu dự trữ thiên nhiên bắc Hướng Hóa, KBT loài Sao La, khu bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh. Kết quả thống kê và NC các tài liệu liên quan [22], [40], [82], [104] và phụ lục 6 cho thấy hệ thực vật, động vật ở khu vực này rất phong phú và đa dạng, tạo nên tính ĐDSH cao. Theo số liệu thống kê của Viện Điều tra quy hoạch rừng, độ che phủ rừng của các huyện miền núi khu vực Trị - Thiên thuộc loại cao so với cả nước, chiếm khoảng từ 40 đến 80%. Trong đó, huyện Hướng Hoá: 41%, ĐaKrông: 59%, A Lưới: 79%, Nam Đông: 76% (phụ lục 7). Đây là những khu vực TN sinh vật có giá trị cao trong phát triển kinh tế. Mặt khác là điều kiện RTL cho đa dạng các LHDL đặc trưng như: DL tham quan, NC, DL sinh thái, DL nghỉ dưỡng, DL cộng đồng.
Hình 2.7. Bản đồ thảm thực vật các huyện miền núi khu vực Trị - Thiên
69
2.1.7. Các tai biến thiên nhiên
- Dựa vào phân tích đặc điểm của các TN vùng NC các tai biến thiên nhiên tương đối dễ xảy ra trên lãnh thổ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự PTDL, cụ thể:
+ Tai biến địa chất: các điểm trượt đất đá có quy mô, cường độ cao phân bố ở nhánh tây đường Hồ Chí Minh theo hướng Khe Sanh - Chà Lỳ cắt qua vỏ phong hoá phức hệ xâm nhập Bến Giằng - Quế Sơn. Dọc hệ thống đứt gãy ĐaKrông - A Lưới, trượt lở phát sinh với qui mô và tần suất cao ở đoạn đường tây bắc Hướng Hoá, nam cầu ĐaKrông, đèo Pêke, đoạn đèo Hai Hầm - A Lưới. Ngoài ra, do ảnh hưởng của các hệ thống đứt gãy, thế nằm, nhất là góc dốc của đất đá phân bố kế cận đứt gãy tăng cao ở các hệ tầng Tân Lâm, A Lin, A Ngo. Cường độ nâng tân kiến tạo vùng đồi núi nghiên cứu từ yếu đến mạnh xảy ra điển hình tại sườn núi cao trung bình A Lưới, Nam Đông - Bạch Mã, Sa Mùi - động Voi Mẹp đã thống kê được 7 điểm trượt lở cấu tạo từ đá xâm nhập phức hệ Bến Giằng - Quế Sơn, phức hệ Hải Vân. Mưa lớn với cường độ cao và kéo dài cũng đã tạo ra dòng chảy tràn trên sườn dốc với lưu lượng, vận tốc lớn, gây xói mòn đất trên sườn dốc chính là các nguyên nhân trực tiếp gây ra trượt lở đất đá rất mạnh trên nền địa chất yếu đã đề cập trên [3], [8], [9].
+ Đối với nguy cơ trượt lở theo các xã, kết quả NC của Nguyễn Thanh Nhàn, thành lập trên cơ sở GIS, với 5 cấp nguy cơ trượt lở đất đá [41] cho thấy: khoảng gần 50% diện tích lãnh thổ NC thuộc cấp có nguy cơ trượt lở mạnh, tiếp theo là cấp có nguy cơ trượt lở yếu và rất yếu chiếm 45% diện tích (phụ lục 9).
+ Ngoài bão, áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây mưa lớn và tập trung, trong những năm gần đây, chế độ mưa còn chịu tác động của biến đổi khí hậu liên quan đến hiện tượng Enino và Lanina. Những năm trùng với hiện tượng Lanina như 1990, 1991, 1992, 1994, 1995, 1998, 1999, 2004, 2005, 2006, 2007,
2008, 2009, 2010 [117], mưa lũ xảy ra với cường độ rất mạnh, kéo dài, hiện tượng lũ quét - lũ bùn đá và trượt đất đá vùng đồi núi nghiên cứu càng nghiêm trọng hơn. Điều này gây chia cắt, cô lập nhiều bộ phận dân cư và ảnh hưởng rất lớn đối với việc đi lại trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, nơi mà giao thông vận tải được coi là huyết mạch để phát triển các ngành kinh tế nói chung và PTDL nói riêng.
+ Hạn hán tại khu vực nghiên cứu trùng với mùa mưa ít với tổng lượng mưa chỉ dao động 846 - 972 mm, chiếm 20 - 23% lượng mưa năm. Tuy nhiên hạn hán ở vùng núi ít xảy so với khu vực đồng bằng phía đông của Trị - Thiên [117].
- Các LHDL chính được xem là lợi thế của lãnh thổ NC có nhiều khả năng bị ảnh hưởng do tác động của biến đổi khí hậu, cụ thể: đối với LHDL tham quan, sinh thái: các tai biến thiên nhiên làm thay đổi HST, các chu kỳ thời tiết thay đổi, nhiệt độ, lượng mưa, nguồn nước thay đổi... làm ảnh hưởng đến đời sống hoang dã của một số loài sinh vật, cũng như phát sinh một số loài vi khuẩn có hại. Giá trị phục vụ DL tại các KBT thiên nhiên sẽ bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm hệ gen, ĐDSH dẫn đến làm suy giảm tính hấp dẫn của điểm đến DL sinh thái. Đối với LHDL nghỉ dưỡng: với lợi thế về khí hậu ôn hòa khi nhiệt độ tiếp tục tăng lên trong một thời gian dài, dẫn đến giảm sức hấp dẫn về chỉ số sự mát mẻ. Đồng thời, số ngày mát sẽ ít đi hoặc thay đổi về tính chất so với thời kì trước đó, làm cho các luồng khách DL và chất lượng nghỉ dưỡng giảm. Đối với LHDL văn hoá: sự gia tăng các hiện tượng như mưa, sạt lở… làm hư hại hoặc làm mất đi một số DTLS. Mặt khác, gây thiệt hại về CSHT - CSVC kỹ thuật DL, dẫn đến việc thực hiện các tour bị ảnh hưởng. Ngoài ra tình trạng an toàn của du khách cũng sẽ bị đe doạ do các hiện tượng thiên tai gây ra (sạt lở trên các tuyến đường giao thông chính, một số điểm DL).
2.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội và tài nguyên du lịch văn hoá
2.2.1. Đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội
2.2.1.1. Phát triển kinh tế
Với đặc điểm địa hình đồi núi là chủ yếu và tài nguyên vị thế, cũng như những chính sách thông thoáng, tích cực thu hút đầu tư, những năm trở lại đây các huyện miền núi khu vực Trị - Thiên đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao so với mức chung của các vùng đồi núi toàn quốc và một số vùng núi thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Theo báo cáo tổng hợp về tình hình phát triển DL hàng năm của UBND 4 huyện (Hướng Hoá, ĐaKrông, A Lưới, Nam Đông) [89], [91], [93], [96] cho thấy:
Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành năm 2010 là 1934,8 tỷ đồng (chiếm 15% giá trị toàn Trị - Thiên), đến năm 2018 tăng 5562,2 tỷ đồng, tức tăng 2,87 lần so với năm 2010 (chiếm 7,4% giá trị toàn Trị - Thiên). Trong đó, huyện Hướng Hoá và huyện A Lưới có tổng sản phẩm trên địa bàn lớn nhất chiếm 66,4%. Về tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2010 - 2019 là 13,1 %/năm. Trong đó, nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp tăng 11,98%; nhóm nghành công nghiệp - xây dựng tăng 22,66% và nhóm ngành dịch vụ tăng 6,07%.
Về cơ cấu kinh tế ở các huyện nhìn chung có sự chuyển dịch đúng hướng
phù hợp với xu thế chung của cả nước, tăng dần tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp. Cuối năm 2019, cơ cấu ngành như sau: nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 38,61%; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 39,80% (huyện ĐaKrông chiếm trọng ngành ngày cao nhất 48,9%); nhóm ngành dịch vụ chiếm 21,59% và có xu hướng tăng (huyện A Lưới chiếm tỉ lệ ngành này cao nhất 30,6%).
Trong nội bộ nhóm ngành cũng có sự chuyển dịch cơ cấu khá rõ nét. Nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng của ngành chăn nuôi, giảm tỉ trọng ngành trồng trọt. Giai đoạn 2010 - 2019, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 5,6 %/năm, ngành trồng trọt tăng 7,7 %/năm; ngành công nghiệp - xây dựng tuy chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu nền kinh tế của vùng. Tuy nhiên nhóm ngành công nghiệp - xây dựng có xu hướng phát triển mạnh
- tiềm năng cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp lớn, đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp. Giá trị ngành công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,1 %/năm; ngành dịch vụ, chiếm tỉ lệ nhỏ, nhưng có đóng góp đáng kể trong tổng GDP của toàn vùng nghiên cứu.
2.2.1.2. Dân cư và nguồn lao động
a. Kết cấu dân số
Tổng số dân các huyện miền núi khu vực Trị - Thiên năm 2019 là 213.228 người (chiếm 0,22% dân số toàn quốc). Trong đó, Hướng Hóa có số dân 91.114 người, huyện ĐaKrông có 43.208 người, huyện A Lưới có 52.169 người, huyện Nam Đông có 26.737 người. Dân số phân bố không đều, mật độ dân số trung bình trên lãnh thổ NC là 52,25 người/km2 (cả nước là 290 người/km2). Phân bố dân cư tập trung chủ yếu tại các thị trấn và khu vực ven sông dọc đường Hồ Chí Minh Tây, các quốc lộ và thưa thớt tại các khu vực miền núi cao [90], [92], [94], [98].
Về thành phần dân tộc, theo số liệu thống kê 2019 thì tại khu vực NC có 4 dân tộc với quy mô dân số lớn (> 1000 người) cư trú thành cộng đồng. Cụ thể: Bru - Vân Kiều (nhóm Vân Kiều, nhóm Trì, nhóm Khùa, nhóm Măng Coong); Tà Ôi (nhóm Pa Cô và nhóm Pa Hi); cộng đồng người Cơ Tu và Kinh, còn lại là các dân tộc có quy mô dân số nhỏ. Về tỉ lệ, dân tộc Kinh vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất là 37,80% (84.855 người); đối với thành phần dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Bru - Vân Kiều chiếm 29,46% (62.837 người), dân tộc Tà Ôi chiếm 23,76% (50.656 người),
tiếp theo là dân tộc Cơ Tu chiếm 7,36% (15.690 người) [90], [92], [94], [98].
Các dân tộc thiểu số có sự phân hóa thành vùng sinh sống tương đối rõ rệt. Người Bru - Vân Kiều phân bố chủ yếu miền núi thấp của huyện Hướng Hóa, huyện ĐaKrông và vùng đồi thuộc lưu vực sông Bồ. Trong đó, khu vực Hướng Hoá là nơi tập trung sinh sống chính của cộng đồng người Bru - Vân Kiều, chiếm 64,43%, sau đó là huyện ĐaKrông, chiếm 35,57%. Người Tà Ôi cư trú tại các xã thuộc phía nam quốc lộ 9 của huyện Hướng Hóa và thung lũng sông Rào Lao. Trong đó, khu vực A Lưới là nơi tập trung 67,1% cộng đồng người Tà Ôi. Người Cơ Tu phân bố chủ yếu núi thấp và gò đồi của huyện Nam Đông, thượng nguồn sông Tả Trạch. Đồng thời, khu vực Nam Đông cũng là nơi tập trung chính của cộng đồng người Cơ Tu, chiếm 69,69% [90], [92], [94], [98]. Người Kinh cư trú chủ yếu khu vực giáp với vùng đồi núi thấp, giáp vùng đồng bằng, dọc ven quốc lộ 9, 49, tỉnh lộ 14B ở thị trấn Lao Bảo, thị trấn Khe Sanh, thị trấn Krông Klang, thị trấn A Lưới và thị trấn Khe Tre.
b. Về nguồn nhân lực
Năm 2018, các huyện miền núi khu vực Trị - Thiên có tổng số 116.704 người trong độ tuổi lao động, chiếm 11,83% lao động toàn khu vực Trị - Thiên, chiếm 0,21% lao động của cả nước. Trong đó, huyện Hướng Hóa có 49.300 lao động (chiếm 14,09% tổng số lao động của tỉnh), huyện ĐaKrông có 23.300 lao động (chiếm 6,66% tổng số lao động của tỉnh), huyện A Lưới có 26.900 lao động (chiếm 4,23% tổng số lao động của tỉnh), huyện Nam Đông có 17.204 lao động (chiếm 2,70% tổng số lao động của tỉnh). Về trình độ chuyên môn kỹ thuật, năm 2004 lao động đã qua đào tạo chiếm tỉ trọng thấp so với cả nước, trung bình đạt 4,21%. Cụ thể: tỷ trọng tốt nghiệp sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học lần lượt là: 1,81%, 1,58%, 0,39%,0,43%. Về trình độ học vấn, được cải thiện nhiều trong những năm gần đây. Năm 2019, số lao động chưa tốt nghiệp cấp tiểu học chỉ chiếm khoảng 1,3%, lao động chưa tốt nghiệp các cấp học phổ thông chiếm dưới 30% [90], [92], [94], [98].
Cơ cấu lao động trong các nhóm ngành kinh tế có sự chênh lệch khá rõ rệt. Cụ thể, lao động trong khối ngành nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ trọng lớn (huyện Hướng Hóa: 71,1%, huyện ĐaKrông: 69,2%, huyện A Lưới: 68%, huyện Nam Đông: 64,59%); khối ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ (huyện Hướng Hóa: 21%, huyện ĐaKrông: 22,3%, huyện A Lưới: 23%, huyện Nam Đông: 12,89%); khối ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng nhỏ nhất (huyện Hướng Hóa: 7,9%, huyện ĐaKrông: 8,5%, huyện A Lưới: 9%, huyện Nam Đông: 22,52%) [90], [92], [94], [98].