Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam - 2


Nguyễn Tuân cũng cho rằng một số sáng tác của Thạch Lam là mẫu mực. Ông nhận xét cách lí giải về hiện thực của Thạch Lam như sau: “Thạch Lam hay đi vào những cảnh ngộ nghịch trái, mà đồng thời cũng đi sâu vào những tâm trạng, tâm tình, cảm xúc, cảm giác” [45; 264]. Đây là lí do quan trọng khiến cho độc giả “ngày nay đọc lại Thạch Lam vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học” [45; 258].

Hàng loạt bài nghiên cứu trong tạp chí Giao điểm, Sài Gòn, số 1, 1972 đều tiếp tục khẳng định sức sống vượt thời gian của văn chương Thạch Lam, trong đó có những ý kiến xác đáng, đầy sức thuyết phục về các khía cạnh giá trị trong di sản văn học “không mấy đồ sộ” của ông. Trong bài viết Thạch Lam: hưong thơm và nỗi u hoài, Dương Nghiễm Mậu đánh giá cao khả năng “tỉa tách chi ly tâm hồn người Việt Nam, ở những khía cạnh nhỏ nhặt, tế nhị và sâu sắc nhất” của Thạch Lam [3; 157]. Tác giả Huỳnh Phan Anh trong Thạch Lam, tiểu thuyết gia cũng đã chú ý đến nét riêng trong sáng tác của nhà văn: “Văn Thạch Lam là một lời mời gọi không của lý trí sáng suốt đầy ẩn tình, ẩn ý mà của tâm hồn, không của tư tưởng mà của rung động và cảm tình” [3; 263]. Nhận xét này không chỉ đúng với tiểu thuyết mà còn rất đúng với truyện ngắn của Thạch Lam.

Năm 1989, nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung giới thiệu về Thạch Lam trong Văn xuôi lãng mạn 1930-1945. Đáng lưu ý là nhận xét Thạch Lam có sở trường diễn tả thế giới nội tâm, “đi vào thế giới bên trong với những cảm xúc cảm giác. Ông đặc biệt tinh tế khi diễn tả những rung động bên trong, những cảm giác mong manh thoáng qua, những biến thái tế nhị của tâm hồn trước ngoại cảnh” [34]. Nhân kỉ niệm 50 năm ngày mất Thạch Lam, Hội thảo khoa học về Thạch Lam đã quy tụ được nhiều bài nghiên cứu có sự khám phá cả chiều rộng lẫn chiều sâu những đóng góp của ông trên nhiều phương


diện trước yêu cầu đổi mới của văn học. Vương Trí Nhàn khẳng định: “Hướng đi vào tâm lý của Thạch Lam là một hướng đi rất hiện đại” [48; 54]. Bàn về Giải pháp điều hoà xã hội trong văn Thạch Lam, tác giả Lại Nguyên Ân thừa nhận: “Thạch Lam là nhà văn có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của xu hướng tâm lý trong văn xuôi nghệ thuật tiếng Việt cả bằng thực tế sáng tác lẫn bằng các phát biểu có tính chất định hướng lý thuyết. Đề tài Thạch Lam - nhà văn tâm lý cần được nghiên cứu riêng” [4; 67]. Nhà nghiên cứu Bích Thu bổ sung thêm nhận xét về việc phản ánh thế giới nội tâm của con người trong truyện ngắn Thạch Lam: “Dễ nhận thấy nhân vật của Thạch Lam ít được nhấn mạnh về điệu bộ, cử chỉ, dáng vẻ bên ngoài mà là những nhân vật “hướng nội”, có đời sống bên trong, ẩn chứa những bí mật của “cõi người” mà nhà văn đặt mục đích khám phá và phát hiện” [65; 76]. Đây chính là nét độc đáo trong sáng tác của Thạch Lam.

Trong bài Thi pháp truyện ngắn Thạch Lam, Phạm Phú Phong cũng nhận thấy “tâm hồn Thạch Lam là đối tượng cho nhà văn khám phá miêu tả” [54; 112]. Cùng chung suy nghĩ đó, Trần Ngọc Dung khẳng định nét khác biệt trong truyện ngắn Thạch Lam chính là ở chỗ “hé mở cho ta thấy cuộc sống ẩn kín bên trong của con người dường như chỉ biết cúi đầu trước số kiếp” [14; 123]. Phan Diễm Phương cũng cho rằng “chú trọng vào đời sống tâm linh, xem cái đời sống cần là đời sống bên trong, đời sống tâm hồn, từ đó lấy việc diễn tả đúng và thấu đáo cái tâm lý uyển chuyển của con người làm công việc hàng đầu - điều này nếu chưa đến mức được xem là đặc trưng tất yếu thì cũng đã trở thành đặc trưng chất lượng của truyện, theo như quan niệm của Thạch Lam” [56; 131]. Khi tìm hiểu quan niệm về con người trong sáng tác của Thạch Lam, Lê Dục Tú nhấn mạnh: “trong khi miêu tả thế giới tinh thần của con người, Thạch Lam chỉ quan tâm miêu tả những phần đẹp đẽ, trong sáng, lành mạnh... Đó là nét đặc trưng trong bút pháp của Thạch Lam khi ông miêu


tả con người” [69; 121]. Cũng theo Lê Dục Tú: “việc đi sâu thể hiện thế giới tinh thần, thế giới nội tâm của con người và coi đó là đối tượng để miêu tả con người là chỗ mạnh và cũng là chỗ yếu của các nhà văn lãng mạn nói chung, của ngòi bút Thạch Lam nói riêng” [3; 19]. Nghiên cứu về truyện ngắn Thạch Lam, Phạm Thị Thu Hương bổ sung thêm: “với Thạch Lam, thế giới nội tâm là thế giới của hồi ức, của kỷ niệm” [32; 90].

Qua các công trình nghiên cứu có thể thấy các tác giả đều nhất trí thừa nhận thế mạnh về nội tâm, về cảm giác của Thạch Lam và chỉ ra đó là phạm vi phản ánh hiện thực chủ yếu trong truyện ngắn của ông. Tuy nhiên, những kiến giải, đánh giá về đối tượng của phản ánh nghệ thuật trong truyện ngắn Thạch Lam phần nhiều vẫn chỉ dừng ở việc khai thác nội dung tư tưởng chứ chưa đi vào khía cạnh đặc trưng phản ánh nghệ thuật, chưa làm rõ thế giới bên trong, thế giới nội tâm như là đối tượng của phản ánh nghệ thuật trong truyện ngắn Thạch Lam.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 117 trang tài liệu này.

Liên quan đến vấn đề thủ pháp phản ánh nghệ thuật trong truyện ngắn Thạch Lam, nhiều tác giả đã nói đến cốt truyện và kết cấu, giọng điệu, ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Thạch Lam.

Phần lớn ý kiến của các nhà nghiên cứu đều nhấn mạnh cốt truyện của Thạch Lam rất đơn giản, hầu như không có truyện gì đáng kể. Trần Ngọc Dung đã cho rằng: “nhiều truyện ngắn của Thạch Lam là loại truyện ngắn không có truyện” [14; 126]. Bích Thu cũng khẳng định cốt truyện của Thạch Lam “thường ít hành động và kịch tính mà giàu những chi tiết, những “sự kiện” của tâm trạng, của lòng người” [65; 74]. Cũng như vậy, kết cấu truyện ngắn Thạch Lam được tuân thủ theo lối kết cấu tâm lý như lời nhận xét của Nguyễn Hoành Khung: “Ông đặc biệt tinh tế khi diễn tả, phân tích những rung động bên trong, những cảm giác mong manh thoáng qua, những biến thái tinh vi của tâm hồn trước ngoại cảnh” [35; 205]. Tuy vậy, vẫn cần có một

Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam - 2


cái nhìn đầy đủ về cốt truyện và kết cấu truyện ngắn Thạch Lam trong tư cách là một thủ pháp quan trọng của phản ánh nghệ thuật.

Nhận xét về giọng điệu của truyện ngắn Thạch Lam, các nhà nghiên cứu đều khẳng định giọng điệu chủ đạo trong truyện ngắn Thạch Lam là giọng trữ tình sâu lắng. Trong bài Phong cách truyện ngắn Thạch Lam, Trần Ngọc Dung viết: “mỗi truyện ngắn của Thạch Lam có cấu tứ và giọng điệu như một bài thơ trữ tình” [14; 129]. Nhất trí với nhận xét đó, Lê Dục Tú cho rằng “lối văn nhẹ nhàng đậm chất trữ tình man mác, giàu cảm xúc và nhạc điệu” [3; 23] là yếu tố quan trọng làm nên dấu ấn đặc biệt trong văn phẩm Thạch Lam. Song, hầu như chưa có tác giả nào chú ý tới giọng điệu trữ tình trong truyện ngắn Thạch Lam như một thủ pháp nghệ thuật đích thực trong phản ánh nghệ thuật của nhà văn.

Đánh giá về ngôn ngữ truyện ngắn Thạch Lam, nhà văn Nguyễn Tuân viết: “lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị mà sâu sắc” [70; 54]. Nhiều nhà nghiên cứu cũng nhất trí với nhận xét đó của Nguyễn Tuân. Trong Lời giới thiệu Tuyển tập Thạch Lam viết năm 1998, Phong Lê khẳng định Thạch Lam có “một lối văn nhuần nhị, tinh tế, gọn và gợi được thật là rành rõ những trạng thái của sinh hoạt, xúc cảm và tâm hồn. Một lối văn không nặng vì những chữ dùng to tát, hoặc những cấu trúc gấp gáp, vội vàng. Ở đây câu chữ chỉ cần đủ cho phô diễn. Có lúc sự diễn tả còn vượt ra ngoài câu, chữ, vì sức gợi mở và khả năng khơi sâu vào cảm giác, vừa cho ta nhìn, vừa cho ta cảm... câu văn của Thạch Lam cứ như là câu văn của hôm nay”. Nguyễn Hoành Khung cũng khẳng định: “Với ngòi bút giản dị, tinh tế lạ thường, ngôn ngữ đặc biệt trong sáng, đầy chất thơ, Thạch Lam đã góp phần nâng cao trình độ truyện ngắn Việt Nam lên một bước mới” [35; 206]. Lê Dục Tú cũng nhấn mạnh nhiều đoạn văn của Thạch Lam “cho đến hôm nay vẫn có thể coi là những đoạn văn mẫu mực cả về cú


pháp lẫn hình ảnh” [3; 24]. Ông đã dẫn ra rất nhiều câu văn, đoạn văn “hoàn hảo” trong truyện ngắn của Thạch Lam. Lê Thị Đức Hạnh cũng nhất trí với ý kiến đó khi nhận ra sự “giản dị, tinh tế, nhẹ nhàng, uyển chuyển, giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, nhiều khi đậm chất thơ” [25; 106] của ngôn ngữ trong truyện ngắn Thạch Lam. Năm 2006, trong luận văn thạc sĩ Ngôn ngữ nghệ thuật truyện ngắn Thạch Lam, Nguyễn Thị Mai Hương đã dành một phần nghiên cứu về lời văn trần thật và ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn Thạch Lam. Tuy nhiên, ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Thạch Lam vẫn cần được xem xét một cách toàn diện và khái quát hơn trong ý nghĩa như là một thủ pháp quan trọng của phản ánh nghệ thuật.

Như vậy, bản sắc riêng trong phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam đã được các nhà nghiên cứu, các thế hệ độc giả đề cập tới nhưng chưa có một chuyên luận, một công trình nào coi vấn đề này là đối tượng nghiên cứu chính và tập trung khảo sát, phân tích một cách toàn diện, sâu sắc, mặc dù đây chính là hạt nhân cốt lõi làm nên một dấu ấn Thạch Lam với “cái thế giới nghệ thuật duy nhất, sự độc sáng một lần trong lịch sử văn học” [3; 458]. Việc đi từ góc độ lí thuyết về đặc trưng phản ánh nghệ thuật để soi sáng truyện ngắn Thạch Lam, rồi từ truyện ngắn Thạch Lam soi sáng lại lí thuyết về đặc trưng phản ánh nghệ thuật vẫn còn là vấn đề bỏ ngỏ. Xuất phát từ thực tiễn đó, luận văn sẽ tập trung nghiên cứu một cách hệ thống thế giới nghệ thuật của Thạch Lam trong tinh thần của mô hình phản ánh nghệ thuật nhằm chỉ ra đặc trưng phản ánh nghệ thuật của nhà văn.

III. MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU:

Đi từ cái nhìn lí luận về vấn đề phản ánh nghệ thuật trong lịch sử mĩ học, luận văn cho thấy những tương đồng và khác biệt ý kiến về vấn đề này trong quá trình phát triển của tư duy mĩ học và lí luận văn học, nhất là bên


trong hệ thống lí luận văn học mác xít giữa hai đại diện lớn là G.Lukacs (Hungary) và Ch.Caudwell (Anh).

Từ một vấn đề của mĩ học và lí luận văn học, luận văn tiếp cận các sáng tác của Thạch Lam, nghiên cứu đối tượng và thủ pháp phản ánh nghệ thuật của nhà văn nhằm minh chứng và soi sáng lại vấn đề đặc trưng của phản ánh nghệ thuật trong mĩ học và lí luận văn học.

Qua đó luận văn cho thấy những đóng góp đặc sắc của Thạch Lam vào sự phát triển của văn xuôi Việt Nam nói chung và truyện ngắn nói riêng, khẳng định sự vận động của tư duy lí luận văn học không thể tách rời sự vận động của tư duy nghệ thuật.

IV. PHẠM VI NGHIÊN CỨU:

Thực hiện đề tài Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam, luận văn tập trung nghiên cứu các truyện ngắn của Thạch Lam:

- Gió đầu mùa (Tập truyện, NXB Đời nay, Hà Nội, 1937)

- Nắng trong vườn (Tập truyện, NXB Đời nay, Hà Nội,1938)

- Sợi tóc (Tập truyện, NXB Đời nay, Hà Nội,1942)

- Những truyện ngắn của Thạch Lam đăng rải rác trên các báo:

Bắt đầu, Duyên số, Người lính cũ, Sóng lam, Cung Hằng lạnh lẽo, Bó hoa xuân, Hy vọng, Một thoáng nhà thương, Bông hoa rừng, Một bức thư, Buổi sớm, Tình xưa, Hoa đầu mùa ... hoa sen, Đêm sáng trăng, Cô Thuý, Truyện bốn người (viết chung với Hoàng Đạo, Khái Hưng và Thế Lữ), Đồng hào mới, Một cảnh quê, Câu chuyện cổ tích, Bốn ông nông dân An Nam, Ái tình, Lên chơi trăng...

V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:

Thực hiện đề tài Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam, luận văn chủ yếu sử dụng các phương pháp sau:

1. Phương pháp phân tích


2. Phương pháp so sánh, đối chiếu

3. Phương pháp tổng hợp

VI. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN VĂN

1. Người ta đã viết nhiều về truyện ngắn của Thạch Lam, nhưng chưa ai xuất phát từ một vấn đề cơ bản của mĩ học và lí luận văn học để soi sáng thế giới nghệ thuật của Thạch Lam. Lựa chọn đề tài Đặc trưng phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam, luận văn mang đến một cái nhìn khoa học, khám phá đối tượng nghiên cứu trong thế chủ động với hệ quy chiếu của mĩ học sáng tạo.

2. Luận văn nghiên cứu đối tượng và thủ pháp phản ánh nghệ thuật của truyện ngắn Thạch Lam, chỉ ra những đặc điểm của thế giới nghệ thuật Thạch Lam, từ đó khẳng định những giá trị thẩm mĩ độc đáo của nhà văn này.

3. Luận văn cho thấy sự lựa chọn đối tượng và thủ pháp phản ánh của nhà văn thể hiện tư duy nghệ thuật của nhà văn, nó tạo nên cái riêng không lẫn với người khác của anh ta. Trong dòng chảy chung của truyện ngắn 1930 - 1945, Thạch Lam đã có được vị trí riêng vì ông đã có được bản sắc riêng của phản ánh nghệ thuật.

VII. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn gồm có ba chương:

Chương 1: Vấn đề đặc trưng phản ánh nghệ thuật trong mĩ học và lí luận văn học

Chương 2: Đối tượng của phản ánh nghệ thuật trong truyện ngắn Thạch

Lam

Chương 3: Những thủ pháp của phản ánh nghệ thuật trong truyện ngắn

Thạch Lam


Chương 1:

VẤN ĐỀ ĐẶC TRƯNG PHẢN ÁNH NGHỆ THUẬT TRONG MĨ HỌC VÀ LÍ LUẬN VĂN HỌC

Mối quan hệ giữa văn học và hiện thực luôn luôn là vấn đề xuyên suốt lịch sử của những tìm tòi mĩ học và lí luận văn học.

Trong sáng tạo nghệ thuật, thực tại bao giờ cũng được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Qua đó, nhà văn gửi tới độc giả tư tưởng, tình cảm và những thông điệp giàu ý nghĩa nhân sinh. Chính vì thế, đặc trưng của phản ánh nghệ thuật là phản ánh cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của con người thông qua cách thức cảm nhận độc đáo của người nghệ sĩ.

1.1 Những quan niệm truyền thống về đặc trưng phản ánh nghệ

thuật

Sự thật, đạo đức và cái đẹp là những nhu cầu đầu tiên và cơ bản của con người. Chính vì thế, ngay từ những ngày đầu, triết học và mĩ học nguyên thuỷ Hi Lạp đã hướng tới cái đẹp của thực tại khách quan. Cái đẹp của thực tại khách quan đã là cái trục mà mọi tư tưởng tìm kiếm của họ đều xoay quanh cái trục ấy. Cái đẹp của thực tại khách quan đối với họ là vấn đề đầu tiên và cơ bản.

Nghiên cứu về triết học và mĩ học Hi Lạp truyền thống chúng ta có thể tìm thấy ở đó những tư tưởng khái quát thấm nhuần chủ nghĩa duy vật ngây thơ, chất phác đến độ hồn nhiên và phép biện chứng tự phát của con người Hi Lạp cổ về mĩ học và thế giới. Tuy những quan niệm ấy vẫn còn có sự hạn chế ở chỗ này hay chỗ khác nhưng không thể không thừa nhận rằng họ đã đặt ra hàng loạt những vấn đề quan trọng mà đến nay vẫn còn có ý nghĩa đối với những quan niệm chung về đặc trưng phản ánh nghệ thuật, trong đó quan trọng hơn cả là những tư tưởng về cái đẹp của thực tại khách quan.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 18/10/2023